Tóm tắt: Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền tại Hà Nội diễn ra khá sớm, nhanh gọn, không đổ máu, góp phần quyết định vào thắng lợi vang dội của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 trên toàn quốc. Để có được thắng lợi trong ngày khởi nghĩa giành chính quyền, Đảng bộ Hà Nội đã thể hiện bản lĩnh, trí tuệ, từ sự chuẩn bị lâu dài, gian khổ đến sự chủ động, sáng tạo, kiên quyết về chủ trương, kịp thời về thời điểm, linh hoạt, mềm dẻo về sách lược. Khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội là một điển hình mẫu mực trong Cách mạng Tháng Tám.

Từ khóa: Đảng bộ Hà Nội; khởi nghĩa giành chính quyền; 19-8-1945.

1. Vai trò của Đảng bộ Hà Nội trong quá trình chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền
Lãnh đạo xây dựng lực lượng chính trị
Ngày 15-3-1945, Thành ủy Hà Nội tổ chức hội nghị quán triệt chủ trương của Trung ương đề ra trong Chỉ thị ngày 12-3-1945, trong đó đặc biệt nhấn mạnh những nội dung quan trọng như: phát triển rộng rãi và mạnh mẽ các tổ chức cứu quốc trong các tầng lớp nhân dân, vận động giai cấp công nhân tại Hà Nội đấu tranh, tăng cường công tác đào tạo cán bộ, phát triển lực lượng chính trị và vũ trang để chuẩn bị khởi nghĩa khi thời cơ đến. Sau Hội nghị, Thành ủy Hà Nội tăng cường các biện pháp đẩy mạnh xây dựng các tổ chức quần chúng cứu quốc, nhằm thu hút đông đảo các tầng lớp công chức lớp trên, trí thức, tư sản..., vận động quần chúng mua tín phiếu, ủng hộ quỹ mua sắm vũ khí của Mặt trận Việt Minh1.
Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Thành ủy, Đội Thanh niên tuyên truyền xung phong thành Hoàng Diệu (thành lập tháng 11-1944) kết nạp thêm nhiều đội viên mới, gồm hơn 30 người, sinh hoạt trong 3 liên đội, do đồng chí Hà Minh Tuân làm Đoàn trưởng. Liên đội 1 do đồng chí Hà Đình Kim (tức Thạch) làm Liên đội trưởng, Liên đội 2 do Thái Hưng Yên (tức Đào) làm Liên đội trưởng, Liên đội 3 do đồng chí Đinh Quang Hàm (tức Ngô, Lê Trung) làm Liên đội trưởng. Thành phần Đội Thanh niên tuyên truyền xung phong thành Hoàng Diệu phần lớn là học sinh các trường trung học ở Hà Nội.
Gần đến ngày khởi nghĩa, Công nhân cứu quốc, Thanh niên cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc phát triển mạnh, hàng ngũ Tự vệ chiến đấu được bổ sung. Đảng bộ Hà Nội có trên 50 đảng viên, Việt Minh có 1.000 đội viên và khoảng 20.000 quần chúng sẵn sàng khởi nghĩa khi có lệnh. Tinh thần cách mạng của tự vệ và quần chúng dâng cao hơn bao giờ hết. Đó là lực lượng nòng cốt bảo đảm cho khởi nghĩa nổ ra khi thời cơ đến.
Lãnh đạo xây dựng lực lượng vũ trang tại chỗ, chuẩn bị vũ khí
Dưới sự lãnh đạo của Thành ủy Hà Nội, lực lượng Tự vệ chiến đấu (được thành lập từ cuối năm 1944) phát triển nhanh chóng. Hầu hết những hội viên Công nhân cứu quốc, những đoàn viên Thanh niên cứu quốc có sức khỏe, có tinh thần dũng cảm, có năng lực quân sự đều chuyển thành những đội Tự vệ chiến đấu. Nhiệm vụ của Tự vệ chiến đấu là tích cực chuẩn bị vũ trang, chờ thời cơ khởi nghĩa. Để giúp Thành ủy tăng cường lãnh đạo phát triển lực lượng vũ trang, một Ban quân sự được thành lập. Các đồng chí trong Ban quân sự phân công nhau đi xây dựng các đơn vị Tự vệ chiến đấu. Một số cán bộ được cử đi học quân sự tại Vân Đình (Hà Đông) do đồng chí Vương Thừa Vũ huấn luyện. Một số đội viên được huấn luyện bắn đạn thật tại Bắc Ninh. Tháng 4-1945, Thành ủy Hà Nội quyết định thành lập Đội trừ gian do đồng chí Vũ Oanh phụ trách, để trừng trị các phần tử Việt gian phản động, những tên mật thám đầu sỏ phá hoại phong trào cách mạng. Lúc đầu, đội mang tên Đội AS (Đội ám sát), sau đổi thành Đội Danh dự Việt Minh, do đồng chí Nguyễn Văn Trân, Bí thư Xứ ủy và sau đó là đồng chí Nguyễn Khang, Ủy viên Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ, phụ trách Hà Nội, trực tiếp phụ trách2. Biên chế đội lúc mới thành lập có 3 người, lúc đông nhất cũng chỉ trên dưới 10 người, do đồng chí Cao Ngọc Liễn (tức Cao Tâm) làm Đội trưởng. 
Hội nghị Quân sự Bắc Kỳ họp vào tháng 4-1945 nhận định tình hình và đi tới kết luận: tình thế đã đặt nhiệm vụ quân sự lên trên tất cả các nhiệm vụ quan trọng và cần kíp trong lúc này. Hội nghị Quân sự Thành ủy Hà Nội họp tại chùa làng Tân Nghĩa Đô3 quyết định đẩy mạnh việc phát triển Tự vệ chiến đấu, tích cực mua sắm vũ khí. Các đội viên Tự vệ chiến đấu tìm mọi cách để tự vũ trang bằng súng, dao, giáo, mác v.v... Việc bán tín phiếu ủng hộ Việt Minh được các đoàn thể quần chúng tiến hành gấp rút hơn để lấy tiền mua sắm vũ khí. Một số cơ sở Công nhân cứu quốc tiến hành rèn dao, kiếm. Đặc biệt, ngay đêm 9-3-1945, khi xung đột Nhật- Pháp nổ ra, một số tự vệ đã nhanh chóng tiếp cận lấy được gần 10 khẩu súng của những tên lính tử trận để trang bị cho lực lượng Tự vệ chiến đấu của thành phố.
Trên cơ sở Hội Công nhân cứu quốc, tháng 5-1945, Đội Công nhân xung phong, một hình thức tổ chức tự vệ trong công nhân Hà Nội được thành lập tại đình làng Thanh Nhàn. Đội do đồng chí Trần Ngọc Minh, phụ trách công vận của Thành ủy trực tiếp chỉ đạo. Đồng chí Nguyễn Văn Trợ, tức Vi Dân là Đội trưởng. Đội gồm 30 người, hầu hết dưới 25 tuổi, làm việc tại nhiều cơ sở công nghiệp như xưởng sửa chữa ô tô (Stai, Avia, Indoto...), Nhà máy Điện, Nhà máy Nước, Sở Thủy lợi, Sở Hỏa xa, Trường Kỹ nghệ thực hành... Đội được trang bị một số vũ khí như súng ngắn, lựu đạn, có được từ vận động một số bảo an binh có cảm tình với Việt Minh.
Từ sau Hội nghị Quân sự Bắc Kỳ, dưới sự chỉ đạo của Thành ủy, lực lượng Tự vệ chiến đấu của Hà Nội phát triển nhanh chóng. Chỉ tính số đội viên tự vệ đã qua huấn luyện quân sự đã lên tới trên 700 người. Đến trước ngày khởi nghĩa, Hà Nội có hàng nghìn tự vệ dưới hai hình thức Tự vệ cứu quốc và Tự vệ chiến đấu. Tuy nhiên, vũ khí của lực lượng tự vệ còn ít, tất cả chỉ có khoảng 70-80 khẩu súng trường và súng ngắn các loại4. Đến chiều ngày 18-8-1945, Công nhân cứu quốc xưởng Avia còn dùng một chiếc ô tô của Nhật đang sửa chữa ở xưởng, sang Gia Lâm lấy vũ khí đem về nội thành. Sáng ngày 19-8, hàng chục khẩu súng từ Gia Lâm và một số làng ngoại thành được vận chuyển vào nội đô trang bị cho tự vệ.
Lãnh đạo đấu tranh tiêu diệt những phần tử phản động
Đội Danh dự Việt Minh do Xứ ủy Bắc Kỳ trực tiếp lãnh đạo đã trị tội một số phần tử Việt gian phản động đầu sỏ ngoan cố, có nhiều nợ máu với cách mạng. Đầu tháng 5-1945, tại khu vực ấp Thái Hà, các chiến sĩ Đội Danh dự là Cao Tâm, Chu, Hoàng Mỹ, Nguyễn Lê nổ súng diệt tên mật thám Nguyễn Duy Mỹ. Ngày 18-6-1945, Hoàng Sĩ Nhu, Phó Trưởng “Đoàn Thanh niên ái quốc”, một tổ chức tay sai Nhật bị bắn ngay trong thành phố, tại ngã tư Jacquin - Laveran (nay là ngã tư Ngô Thì Nhậm - Lê Văn Hưu). Ngày 19-6-1945, Đội Danh dự diệt Nga Thiên Hương, một nữ gián điệp lợi hại của Sở Hiến binh Nhật, tại dốc Hàng Kèn (Bà Triệu). Sáng ngày 20-6, Lý Văn Long, tức Cai Long, bị đội Danh dự do Thôi Hữu chỉ huy, xử tử khi ra vùng Thụy Khê-Bưởi do thám phong trào. Một số phần tử phản động khác như Trương Anh Tự, Ba Lự... cũng bị diệt trừ. Ngày 7-7-1945, trùm mật thám Nguyễn Văn Sinh (Phán Sinh), Thanh tra chính trị đắc lực của Pháp, Nhật, bị bắn tại khu vực Ngã Tư Sở5.
Việc trừng trị những tên mật vụ gian ác và các phần tử phản động đã làm nức lòng quần chúng yêu nước, thanh thế của Việt Minh phát triển vang dội, quần chúng vô cùng phấn khởi, tin tưởng ở Việt Minh.
Lãnh đạo quần chúng tập dượt đấu tranh
Ngày 20-4-1945, dưới sự lãnh đạo của Thành ủy, 350 phụ nữ nội thành thuộc đủ các tầng lớp được huy động về xã Mễ Trì (ngoại thành) dự cuộc mít tinh kêu gọi nhân dân ủng hộ Mặt trận Việt Minh. Ngay sau cuộc mít tinh, một số Tự vệ chiến đấu tiến hành treo cờ trên chuyến xe điện từ Hà Đông về Hà Nội. Hàng trăm truyền đơn hô hào đánh Nhật, cứu nước được phân phát.
Phong trào phá kho thóc của Nhật ngày càng mạnh mẽ. Ngày 24-4-1945, Công nhân cứu quốc tổ chức cho dân nghèo đến phá kho gạo của Nhật ở phố Bắc Ninh6. Sau đó, huy động lực lượng đến phá kho gạo ở gần Lò Lợn, bến Phà Đen. Ngày 11-7-1945, phá kho thóc ở làng Mọc Quan Nhân. Đây là một trong những kho thóc lớn nhất của Nhật tại Hà Nội. Ở ngoại thành, phong trào chống Nhật thu thóc lên cao. Tại nhiều làng ở huyện Đông Anh như Xuân Trạch, Ngọc Giang, Cổ Loa, Việt Minh đã lãnh đạo nông dân đấu tranh đòi khất, hoãn, tiến đến không nộp thuế để lấy thóc đó cứu đói cho dân. Nhân dân Thượng Cát buộc hào lý phải bỏ tiền quỹ làng để cứu đói cho nhân dân. Một số nơi, Việt Minh tổ chức Ban cứu tế, vận động nhà giàu bỏ tiền cứu đói nhân dân.
Với sự hoạt động tích cực của Tiểu Ban Công vận Thành ủy, phong trào đấu tranh của công nhân bùng lên mạnh mẽ. Tháng 4-1945, công nhân Nhà máy điện biểu tình phản đối chống làm việc không lương chiều thứ bảy. Tháng 5-1945, công nhân viên chức Nhà thương Đồn Thủy đấu tranh đòi tăng lương. Ngày 10-5-1945, công nhân xưởng sửa chữa S.T.A.I đấu tranh phản đối làm việc chiều thứ bảy,...
Thăm dò phản ứng của Nhật và chính quyền tay sai
Ngày 10-5-1945, Đoàn Thanh niên xung phong Hoàng Diệu đến diễn thuyết tại trường Gia Long, trường Văn Lang. Ngày 11-5-1945, Tự vệ chiến đấu phối hợp với cơ sở nội tuyến, bảo vệ một đội Tuyên truyền xung phong đột nhập trường Kỹ nghệ thực hành, kêu gọi thanh niên học sinh tham gia Mặt trận Việt Minh, chuẩn bị khởi nghĩa. Ngày 13-5, tại Nhà máy rượu, Công nhân cứu quốc diễn thuyết, treo cờ, tung truyền đơn hô hào chuẩn bị khởi nghĩa.
Thành ủy Hà Nội chỉ thị Tự vệ chiến đấu và Tuyên truyền xung phong biến ý đồ của Việt Nam Quốc dân Đảng và Đại Việt từ một cuộc mít tinh phô trương thanh thế của hai đảng này thành cuộc mít tinh ủng hộ Mặt trận Việt Minh chống Nhật, cứu nước. Tại cuộc triển lãm về sức mạnh của Nhật Bản được tổ chức trên gác hai của Nhà hát Lớn, lực lượng tuyên truyền xung phong đã chớp nhoáng tổ chức một cuộc diễn thuyết và rút lui an toàn trước khi lực lượng hiến binh Nhật kịp phản ứng.
Để thăm dò thêm thái độ của Nhật, tối ngày 16-8-1945, tại ba rạp hát trong thành phố: Hiệp Thành (phố Đào Duy Từ), Quảng Lạc (phố Tạ Hiện), Tố Như (phố Hàng Bạc), Đoàn Thanh niên tuyên truyền xung phong thành Hoàng Diệu đến tuyên truyền hô hào đồng bào ủng hộ Việt Minh tham gia khởi nghĩa. Tại rạp Tố Như, lực lượng Việt Minh bắn chết một sĩ quan Nhật và bắn bị thương một lãnh đạo của tổ chức “Thanh niên ái quốc” thân Nhật, đồng thời tung truyền đơn vào các trại lính Nhật, nhưng quân Nhật vẫn không có phản ứng gì. Điều đó cho thấy nhiều khả năng quân Nhật sẽ án binh bất động khi Việt Minh nổi dậy giành chính quyền.
Thành lập Ủy ban khởi nghĩa
Sáng ngày 16-8-1945, Thành ủy Hà Nội họp phiên bất thường, đồng chí Nguyễn Khang phổ biến quyết định khởi nghĩa của Xứ ủy Bắc Kỳ. Hội nghị thành lập Ủy ban khởi nghĩa, đồng thời cũng là Ủy ban Quân sự cách mạng Hà Nội để chỉ huy khởi nghĩa. Ủy ban này do đồng chí Nguyễn Khang làm Chủ tịch và các Ủy viên: Nguyễn Quyết, Nguyễn Huy Khôi (Trần Quang Huy), Lê Trọng Nghĩa, Nguyễn Duy Thân. Trần Đình Long làm cố vấn cho Ủy ban. Hội nghị nhất trí phải xúc tiến khởi nghĩa. Nhưng qua phân tích tình hình, Hội nghị cho rằng cần nắm chắc hơn nữa thái độ của Nhật và chính phủ Trần Trọng Kim. Trưa ngày 18-8-1945, kế hoạch khởi nghĩa của Thành ủy Hà Nội được Xứ ủy Bắc Kỳ nhất trí.
Trước diễn biến thuận lợi của tình hình, để chỉ đạo khởi nghĩa được sâu sát, kịp thời, ngày 18-8-1945, Ủy ban khởi nghĩa Hà Nội chuyển từ ngoại thành về làm việc tại số nhà 101 phố Gămbétta (nay là phố Trần Hưng Đạo).
Thảo luận phân công nhiệm vụ, cân nhắc hành động, phương thức đấu tranh
Tối ngày 15-8-1945, Hội nghị Quân sự bất thường giữa cán bộ phụ trách và các đội trưởng đội Xung phong, Tự vệ chiến đấu, Tuyên truyền xung phong họp ở chùa Hà (Cầu Giấy) thi hành kế hoạch hành động gồm ba điểm để chuẩn bị gấp rút khởi nghĩa: Diễn thuyết khắp các khu phố, các làng, hô hào dân chúng tham gia chuẩn bị khởi nghĩa; Tổ chức những cuộc mít tinh, trưng cờ và biểu ngữ để thăm dò thái độ Nhật; Chuẩn bị hàng ngũ sửa soạn vũ khí để đối phó với Nhật nếu chúng đàn áp.
Đồng chí Nguyễn Huy Khôi thảo Lời kêu gọi đọc trong buổi mít tinh sáng ngày 19-8-1945. Đồng chí Nguyễn Khang sửa lại khẩu hiệu cho thích hợp với tình hình lúc đó. Truyền đơn kêu gọi lính Nhật giữ thái độ trung lập được thảo bằng tiếng Nhật để sáng sớm hôm sau tung vào các trại lính Nhật. Tới gần sáng, Ủy ban khởi nghĩa duyệt lại kế hoạch: đồng chí Nguyễn Khang phụ trách chiếm Phủ Khâm sai cùng hai đồng chí Lê Trọng Nghĩa và Nguyễn Duy Thân; đồng chí Nguyễn Huy Khôi phụ trách chiếm Tòa thị chính; đồng chí Nguyễn Quyết lãnh đạo số đông lực lượng vũ trang chiếm trại Bảo an binh, Sở mật thám.
Lãnh đạo biến cuộc mít tinh của Tổng hội viên chức của chính quyền thân Nhật thành cuộc biểu dương lực lượng ủng hộ Mặt trận Việt Minh
Nghe tin ngày 17-8-1945, Tổng hội Viên chức của Chính phủ Trần Trọng Kim tổ chức mít tinh tại Quảng trường Nhà hát Lớn để hô hào nhân dân ủng hộ nền độc lập của Việt Nam do Nhật vừa trao trả, Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Quyết trực tiếp chỉ thị Đoàn Tuyên truyền xung phong thành Hoàng Diệu phá cho bằng được cuộc mít tinh đó.  Một số thành viên thuộc Đoàn thanh niên xung phong như Thái Hy, Lê Phan, Từ Như Trang (Nguyễn Trang Anh) được phân công tham gia cướp diễn đàn, phá cuộc mít tinh7. Nhóm tuyên truyền xung phong của Đảng Dân chủ do Chu Văn Tích làm đội trưởng họp bàn phá cuộc mít tinh8. Đồng chí Trần Lâm được phân công mang một lá cờ đỏ sao vàng lớn lên ban công gác hai Nhà hát Lớn thả xuống. Khi cờ thả xuống, nhóm sẽ chiếm diễn đàn, giành micro để tuyên truyền quần chúng ủng hộ Mặt trận Việt Minh.
Lúc đầu, Thành ủy Hà Nội chủ trương phá cuộc biểu tình do Tổng hội Viên chức tổ chức, nhưng sáng ngày 17-8, thấy phong trào quần chúng phát triển mạnh mẽ, Ủy ban Khởi nghĩa Hà Nội đã nhanh chóng, nhạy bén thay đổi chủ trương, biến cuộc biểu tình của Tổng hội Viên chức thành cuộc biểu tình, biểu dương lực lượng, ủng hộ Mặt trận Việt Minh. Ủy ban khởi nghĩa đã tận dụng thời cơ có lợi cho cách mạng, Nhật đã đầu hàng. Chính phủ Trần Trọng Kim hoang mang, dao động, lực lượng bảo an, cảnh sát phần lớn nằm im hoặc có xu hướng ngả theo cách mạng.
Cuộc biểu tình có sự lãnh đạo sáng suốt, kịp thời của Xứ ủy Bắc Kỳ, Thành ủy Hà Nội. Thành ủy đã xây dựng và chuẩn bị một kế hoạch tỷ mỷ, cụ thể, bảo đảm cho cuộc biểu tình thắng lợi. Thành ủy cũng chủ động thảo tin bài đăng trên báo Tin Mới, tuyên truyền và cổ động cho cuộc đấu tranh9. Cuộc đấu tranh ngày 17-8-1945 đã tạo điều kiện trực tiếp cho thắng lợi của cuộc khởi nghĩa ngày 19-8-1945.
Thực hiện tốt công tác địch vận, trung lập hóa quân Nhật tại Hà Nội
Sau khi Nhật tuyên bố đầu hàng Đồng minh, quân Nhật tại Việt Nam không còn ý chí chiến đấu. Xứ ủy Bắc Kỳ và Thành ủy Hà Nội đã cử người đưa thư cho Nhật, đồng thời rải truyền đơn nêu rõ nếu Nhật không gây trở ngại cho những hoạt động cách mạng thì lực lượng cách mạng sẽ không động đến quân Nhật; ngược lại, sẽ kiên quyết đối phó với những hành động chống lại cách mạng. Nhận định quân đội Nhật đã đầu hàng Đồng minh từ ngày 15-8-1945, qua cuộc diễu hành ngày 17-8-1945 có bảo an và cảnh sát vác súng đi theo, lính Nhật ở các trạm gác đều án binh bất động thì nhiều khả năng chúng sẽ không can thiệp vào cuộc khởi nghĩa giành chính quyền của nhân dân Hà Nội. Tuy nhiên, để bảo đảm chắc chắn quân đội Nhật vẫn giữ nguyên thái độ như trong ngày 17-8-1945, Ủy ban Quân sự cách mạng Hà Nội đã kịp thời thay khẩu hiệu “Đánh đuổi giặc Nhật” thành khẩu hiệu “Chống mọi hành động của đế quốc can thiệp vào công cuộc đấu tranh giành độc lập của dân tộc Việt Nam”, đồng thời thảo truyền đơn gửi binh lính Nhật tại Hà Nội, nói rõ tình trạng thua trận của họ, trong khi chờ đợi quân Đồng minh vào giải giáp, không nên can thiệp vào công việc giành độc lập của dân tộc Việt Nam. Đổi lại, cách mạng Việt Nam sẽ bảo đảm cho mọi quân nhân Nhật được yên ổn chờ ngày về nước. Chủ trương đúng đắn đó có kết quả tốt, quân Nhật tỏ thái độ trung lập trước những hoạt động công khai chuẩn bị khởi nghĩa của Việt Minh.
Kiên quyết bác bỏ những quan điểm sai trái của Bảo Đại và Chính phủ Trần Trọng Kim
Trong cố gắng liên lạc với Việt Minh để thành lập một Chính phủ lâm thời, sẵn sàng chờ đón quân Đồng minh, Chính phủ Trần Trọng Kim đã chủ động cải tổ, mở rộng thành phần cho một số cá nhân trong Đại Việt và Trotsky, thêm vào chính phủ một số người mà họ cho là có thể làm trung gian liên hệ với Việt Minh. Ngày 16-8-1945, đồng chí Nguyễn Khang và Lê Trọng Nghĩa đứng đầu đoàn đại biểu Việt Minh đến Phủ Khâm sai gặp Phan Kế Toại, Nguyễn Xuân Chữ, Phạm Hữu Chương. Khâm sai Phan Kế Toại tiếp tục đề nghị Việt Minh tham dự chính quyền hiện thời và yêu cầu không lãnh đạo quần chúng bạo động trong thành phố vì tuy Nhật thua, nhưng vẫn còn đủ lực lượng để đè bẹp lực lượng cách mạng, nên khéo léo ngoại giao với Nhật để củng cố chính quyền hiện thời.
Phái đoàn Việt Minh vạch rõ: chính quyền hiện tại do Nhật lập nên không được nhân dân tín nhiệm. Khi Đồng minh vào, nếu chính quyền ấy đứng ra đón tiếp Đồng minh sẽ gặp khó khăn vì không khi nào Đồng minh lại công nhận một chính quyền do Nhật lập ra. Phái đoàn phân tích rõ là lúc này cần có một chính quyền đủ uy tín trong nước và danh nghĩa với nước ngoài để việc tiến hành ngoại giao có kết quả. Chỉ có Việt Minh mới đủ tư cách lập một chính quyền như vậy, vì từ nhiều năm qua, Việt Minh đã lãnh đạo nhân dân đứng về phe Đồng minh chống phát xít, đã lãnh đạo nhân dân đánh Pháp, đuổi Nhật. Phái đoàn Việt Minh nêu rõ lập trường sẽ lãnh đạo nhân dân đứng lên giành chính quyền và đặt điều kiện dứt khoát: chính phủ Trần Trọng Kim phải giải tán, Khâm sai Phan Kế Toại phải từ chức, nhường chỗ cho chính quyền cách mạng do Việt Minh thành lập.
Ngày 18-8-1945, giáo sư Hoàng Xuân Hãn, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Mỹ nghệ của Chính phủ Trần Trọng Kim gặp đại biểu Ủy ban Khởi nghĩa tại Trường Công Ích (Bạch Mai) nêu ý kiến: Vua Bảo Đại muốn thành lập một chính quyền liên hiệp rộng rãi gồm đại diện các thành phần xã hội, các xu hướng chính trị từ cực tả đến cực hữu, từ Bắc chí Nam, cộng tác với các thành viên đã có của Chính phủ Trần Trọng Kim. Đại biểu của Ủy ban Khởi nghĩa là Nguyễn Thành Lê đã bác bỏ ý kiến này. Sau đó, giáo sư Hoàng Xuân Hãn cùng các ông Nguyễn Xuân Chữ, Phạm Hữu Chương, thay mặt Ủy ban Chính trị của Chính phủ Trần Trọng Kim đến trụ sở của Ủy ban Quân sự cách mạng Hà Nội tại số nhà 101 phố Gămbetta xin gặp lãnh đạo Việt Minh để tiếp tục thương lượng. Họ khuyên Việt Minh chỉ nên làm chủ các vùng nông thôn cách thành thị 15 km, để các thành thị cho các nhân sĩ, trí thức cai quản, đón tiếp và ứng xử với quân Đồng minh. Ý kiến này cũng bị đại biểu Ủy ban Quân sự cách mạng Hà Nội bác bỏ.
 
2. Vai trò của Đảng bộ Hà Nội trong quá trình diễn ra khởi nghĩa
Chủ động chớp thời cơ, phát động khởi nghĩa giành chính quyền
Trước những diễn biến hết sức mau lẹ, tối 17-8-1945, Ủy ban khởi nghĩa họp mở rộng tại một cơ sở ở xã Dịch Vọng10. Tham dự Hội nghị có các đồng chí Nguyễn Quyết, Nguyễn Duy Thân (Thành ủy viên), Nguyễn Huy Khôi, Lê Trọng Nghĩa (cán bộ Xứ ủy), Trần Đình Long (cố vấn Ủy ban khởi nghĩa), Trần Ngọc Minh (phụ trách công nhân), Lê Đức Vân (phụ trách thanh vận), Lê Thu (Tạc) (phụ trách phụ nữ), Hà Minh Tuân (đại diện lực lượng tự vệ). Nguyễn Duy Khôi và Nguyễn Quyết chủ trì Hội nghị. Hội nghị cho rằng đây là lúc cuộc khủng hoảng đã lên đến đỉnh điểm, đội tiền phong đã sẵn sàng chiến đấu đến cùng, lực lượng hậu bị đã sẵn sàng ủng hộ đội tiền phong và sự rối loạn trong hàng ngũ đối phương đã lên đến độ cao nhất. Do đó, nếu để thêm một vài ngày nữa mới tổ chức khởi nghĩa thì rất dễ mất thời cơ vì tinh thần cách mạng của quần chúng đến chiều ngày 17-8-1945 đã lên rất cao, phải nhanh chóng chuyển lên bước đấu tranh quyết liệt hơn, dừng lại quá lâu là không có lợi... Trong khi đó, lực lượng Quốc dân đảng, Đại Việt có thể dựa vào Nhật, trong tay lại sẵn có vũ khí, có thể gây khó khăn cho cách mạng. Sau khi thảo luận, Hội nghị quyết định khởi nghĩa vào ngày 19-8.
Như vậy là khi thấy được tình hình hoảng loạn của chính quyền địch ở Hà Nội, thái độ cầu an của quân đội Nhật, ngay trong đêm 17-8-1945, không chờ chỉ thị của Trung ương Đảng, Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ và Thành ủy Hà Nội đã hạ quyết tâm tiến hành khởi nghĩa vào 10 giờ sáng chủ nhật 19-8 11.
Trong quá trình diễn ra cuộc khởi nghĩa giành chính quyền, Thành ủy Hà Nội đã tập trung lãnh đạo thực hiện những nhiệm vụ:
Chiếm các cơ quan trọng yếu của địch
Ngay sau cuộc mít tinh tại Nhà hát thành phố, Ủy ban khởi nghĩa kêu gọi quần chúng dự cuộc mít tinh tiến theo đội Xung phong và đoàn Tự vệ chiến đấu, tỏa đi chiếm Phủ Khâm sai, Tòa Thị chính, Trại Bảo an binh và các địa điểm quan trọng trong thành phố.
Tại Phủ Khâm sai và Dinh Khâm sai12, Chính phủ Trần Trọng Kim tăng cường lực lượng lính bảo an. Riêng Phủ Khâm sai được tăng cường 2 trung đội bảo an, bố trí ở tư thế sẵn sàng chiến đấu. Nhưng phần lớn chỉ huy và binh lính lúc này hoặc đã ngả về cách mạng hoặc trung lập. Trước sức mạnh của quần chúng, binh lính phải mở cửa và đầu hàng, nộp vũ khí cho lực lượng cách mạng. Số vũ khí nhanh chóng được trang bị cho Đoàn công nhân tuyên truyền xung phong và tự vệ. Nguyễn Xuân Chữ và Phạm Hữu Chương, đứng đầu Ủy ban chính trị cùng một số người trong chính quyền bù nhìn bị bắt13.  Trần Tử Bình tuyên bố nhân danh Thanh tra Ủy ban Quân sự Cách mạng Bắc Kỳ bắt giam những người đứng đầu Ủy ban Chính trị. Cờ cờ đỏ sao vàng được kéo lên, thay thế cờ của Chính phủ Trần Trọng Kim vừa bị hạ xuống giữa tiếng reo hò vang dội của quần chúng cách mạng.
Sau đó, một bộ phận Đội Xung phong, Tự vệ chiến đấu và quần chúng tiến sang chiếm Tòa Thị chính, Sở Cảnh sát Trung ương, Sở Bưu điện,.. Việc chiếm những cơ quan này cũng diễn ra dễ dàng.

 
 
Quần chúng cách mạng và tự vệ chiến đấu Hà Nội chiếm Phủ Khâm sai (Bắc Bộ phủ),
ngày 19/8/1945. (Ảnh tư liệu)

Xử lý kịp thời, nhanh nhạy, khéo léo các tình huống phát sinh trong quá trình diễn ra khởi nghĩa
Việc chiếm các mục tiêu trọng yếu của địch tại Hà Nội cơ bản thuận lợi, duy chỉ có tình hình phức tạp hơn tại Trại Bảo an binh Hàng Bài. Tại đây, lực lượng bảo an binh có 700 quân, do quan ba, thường gọi là Ba Thụ chỉ huy14. Đồng chí Nguyễn Quyết cùng Đoàn Thanh niên tuyên truyền xung phong vào trại, buộc chỉ huy trại giao súng để phân phát cho lực lượng cách mạng. Chỉ huy trại chần chừ, chờ sự ứng cứu của quân Nhật, nhưng trước thái độ kiên quyết của quân khởi nghĩa, chỉ huy trại đã phải giao súng cho Việt Minh. Trại bảo an binh, một vị trí quân sự quan trọng của Chính phủ thân Nhật Trần Trọng Kim về tay Việt Minh.
Tuy nhiên, tình hình sau đó có những diễn biến phức tạp. Quân đội Nhật đề phòng Việt Minh sẽ tấn công sau khi có nhiều khí giới, nên đưa xe tăng và lính vây chặt trại Bảo an binh. Quân Nhật đòi tước vũ khí lực lượng cách mạng, chiếm lại Trại bảo an binh. Tình hình khá căng thẳng. Việt Minh phân công đồng chí Lê Trọng Nghĩa gặp chỉ huy quân Nhật giải thích: Trại bảo an binh thuộc quyền Phủ Khâm sai người Việt, mà người Nhật sắp về nước, không nên can thiệp vào việc giành độc lập của dân tộc Việt Nam. Cuối cùng, quân Nhật chấp nhận rút quân về doanh trại, nhưng yêu cầu những người đứng đầu lực lượng khởi nghĩa phải tới Bộ Chỉ huy của quân đội Nhật trao đổi thông tin. Việc chiếm Trại bảo an binh hoàn toàn thắng lợi.
Buổi tối, Ủy ban Quân sự cử người tới Bộ Chỉ huy quân Nhật tại số 33 Phạm Ngũ Lão. Đồng chí Lê Trọng Nghĩa cùng Trần Đình Long, được giới thiệu là những người lãnh đạo cuộc biểu tình tại Nhà hát Lớn và đã đóng quân trong Phủ Khâm sai. Qua cuộc đối thoại, Bộ Chỉ huy quân Nhật đã chấp nhận cuộc khởi nghĩa ngày 19-8-1945 của Việt Minh, không còn quan tâm đến số phận của Chính phủ Trần Trọng Kim vừa bị phế truất, chính thức đặt quan hệ với chính quyền mới, chỉ yêu cầu không gây mất trật tự trên đường phố15.
Tại Ngân hàng Đông Dương, lính Nhật nhất định không chịu bàn giao cho quân khởi nghĩa, viện cớ phải bảo vệ để giao cho Đồng minh. Quân khởi nghĩa chủ trương đưa người cùng lính Nhật canh gác. Sau khi thảo luận, lính Nhật đồng ý để  một số Tự vệ chiến đấu cùng canh gác với chúng. Việc không chiếm được Ngân hàng Đông Dương không phải do Ủy ban Khởi nghĩa không nhìn thấy sự quan trọng của vấn đề tài chính, mà chủ yếu là vì lực lượng khởi nghĩa không cho phép. Nếu kiên quyết dùng vũ lực đánh chiếm Ngân hàng Đông Dương, nhiều khả năng quân Nhật sẽ phản kháng lại mạnh mẽ hơn và một cuộc chiến đấu lớn có thể xảy ra, không có lợi cho cuộc khởi nghĩa giành chính quyền.
Chỉ trong 1 ngày, Thành ủy Hà Nội đã lãnh đạo nhân dân giành toàn bộ chính quyền của Chính phủ Trần Trọng Kim và không gây ra đổ máu. Đây là thắng lợi vô cùng to lớn mà Đảng bộ và nhân dân Hà Nội giành được trong Cách mạng Tháng Tám. Nhận định, đánh giá về sự kiện trọng đại này, đồng chí Lê Quang Đạo, Bí thư Thành ủy Hà Nội từ đầu năm 1943 đến đầu năm 1945 cho rằng: Chủ trương của Đảng là đúng, nhưng nếu Thành ủy Hà Nội không kiên quyết và kịp thời thì thời cơ thuận lợi sẽ nhanh chóng qua mất. Nếu như ở Hà Nội không giành được chính quyền, chỉ các nơi khác giành được chính quyền thì tình hình sẽ phức tạp, cục diện tình hình có thể thay đổi. Đồng chí Trần Văn Giàu khẳng định: “Tôi ca ngợi ngày 19-8 ở Hà Nội và cho rằng có khởi nghĩa 19-8 ở Hà Nội mới có khởi nghĩa 25-8 ở Sài Gòn”16. “Hà Nội xứng đáng là ngọn cờ đầu của tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945”17. Nhiều nhà nghiên cứu nước ngoài cũng cho rằng: cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội tháng 8-1945 là “khôn khéo và mau lẹ, xuất sắc dù không có một sự giúp đỡ nào từ bên ngoài”18. “Cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội nói riêng và trong cả nước nói chung diễn ra thật đúng lúc. Khi những người lính Đồng minh đầu tiên đến giải giáp quân Nhật đổ bộ lên Việt Nam, họ đã đứng trước một Chính phủ được nhân dân thừa nhận là hợp pháp”19.
Những nhận định, đánh giá trên đã khẳng định rằng, khởi nghĩa ở Hà Nội là thắng lợi vô cùng to lớn, có vai trò quyết định thắng lợi của tổng khởi nghĩa trong toàn quốc. Trong thắng lợi đó, vai trò của Xứ ủy Bắc Kỳ và Thành ủy Hà Nội đã thể hiện rõ nét hơn bao giờ hết, từ đường lối, chủ trương đến sự lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể, để có thể khởi động và truyền dẫn cuộc tổng khởi nghĩa trong cả nước đến thắng lợi.


 
Bài đăng trên Tạp chí Lịch sử Đảng số 8-2020
1. Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Thành ủy Hà Nội: Cuộc vận động Cách mạng Tháng Tám ở Hà Nội, H, 1970, tr. 111
2. Tháng 2-1944, Nguyễn Khang trốn ra khỏi nhà tù, tháng 3-1944, tham gia Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ, chỉ đạo phong trào Hà Nội và một số tỉnh gần Hà Nội
3,5. Xem: Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội: Lịch sử lực lượng vũ trang Thủ đô Hà Nội, Nxb QĐND, H, 2013, tr. 26-29
4. Ngọc An: “Lực lượng vũ trang cách mạng Hà Nội trong thời kỳ Cách mạng Tháng Tám”, trong Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử Quân sự, số 9-1984, tr. 29
6. Nay là phố Nguyễn Hữu Huân
7. Nguyễn Quyết: “Tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội ngày 19-8”, Tạp chí Lịch sử Quân sự, số 8-2005, tr. 93
8. Nhóm gồm một số người  như  Chu Văn Tích, Trần Lâm, Nguyễn Khoa Diệu Hồng, Phạm Đức...
9. Tối 17-8-1945, một số đội viên tuyên truyền xung phong và hội viên văn hóa cứu quốc đột nhập nhà in báo Tin mới, buộc chủ báo phải đăng tin tường thuật cuộc mít tinh chiều tối ngày 17-8 trên số báo ra ngày hôm sau, nhằm khuếch trương thanh thế cuộc mít tinh, góp phần thúc đẩy phong trào chuẩn bị khởi nghĩa tại Hà Nội
10. Nhà bà Hai Nhã, lúc đó là xóm Duệ Tú, xã Dịch Vọng (quận VI, ngoại thành Hà Nội), nay thuộc phường Dịch Vọng, Cầu Giấy, Hà Nội
11, 18, 19. Việt Minh Hoàng Diệu, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 2001, tr. 319, 470, 482
12. Phủ Khâm sai - nơi làm việc của chính quyền Bắc Kỳ trước ngày khởi nghĩa; Dinh Khâm sai là chỗ ở của quan Khâm sai đại thần
13. Những người này sau đó bị giam tại làng Phủ Đổng, Bắc Ninh. Khi Chính phủ lâm thời về Hà Nội mới được thả
14. Theo tư liệu lưu trữ của Ban Nghiên cứu Lịch sử quân đội, Tổng cục Chính trị, ghi theo lời kể của Đàm Quang Trung
15. Về cuộc gặp này, Đại sứ Tsukamoto, phụ tá tướng Tsuchihashi ở Hà Nội đã điện về Tokyo cho biết đã tiếp xúc với các lãnh tụ Việt Minh và tham gia bàn bạc công việc, coi những người này là nhà chức trách chính thức. Thoạt đầu quân đội Nhật cũng định sử dụng vũ lực đàn áp cuộc đấu tranh của Việt Minh, nhưng sau đó đã tự kiềm chế. Xem Lê Trọng Nghĩa: Cuộc tiếp xúc đầu tiên giữa Việt Minh với Bộ Tổng Tư lệnh Nhật ở Hà Nội, trong Tạp chí Xưa và Nay, số 410-2012, tr. 9
16. Báo Sài Gòn giải phóng, số ra ngày 23-7-2000
17. Viện Nghiên cứu Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh-Viện Lịch sử Đảng: Lịch sử Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Nxb CTQG, H, 1995, tr. 200.