1. Chủ trương và sự chỉ đạo của Đảng bộ tỉnh Quảng Bình
Phát triển nguồn nhân lực là khâu đột phá của tỉnh Quảng Bình thời kỳ đổi mới. Bên cạnh những thành tựu vẫn còn hạn chế bất cập. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Bình lần thứ XVI, nhiệm kỳ (2015-2020) nhận định: “chất lượng nguồn nhân lực chưa cao; lực lượng lao động kỹ thuật có tay nghề còn ít. Liên kết, phối hợp giữa cơ sở đào tạo với doanh nghiệp, cơ sở sản xuất còn hạn chế; một số cơ sở dạy nghề hiệu quả hoạt động chưa cao…”1. Đồng thời, xuất phát từ dự báo xu thế phát triển nguồn nhân lực trong giai đoạn mới, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ (2020-2025) khẳng định “phát triển nguồn nhân lực và nâng cao chất lượng công tác cán bộ” là một trong 04 khâu đột phá trọng điểm của Đảng bộ tỉnh cần tập trung thực hiện. Nghị quyết xác định nhiệm vụ, giải pháp “Phát triển nguồn nhân lực có chất lượng, ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cho các ngành, lĩnh vực then chốt…”2 và “thực hiện đồng bộ các chính sách, giải pháp phát triển nguồn nhân lực có chất lượng, nhất là trong các ngành, lĩnh vực chủ yếu. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với chuyển dịch nhanh cơ cấu lao động, nhất là ở nông thôn”3.
Thực hiện chủ trương trên, ngày 9-12-2020, Tỉnh ủy Quảng Bình ban hành Chương trình hành động số 04-CTr/TU “Về phát triển nguồn nhân lực và nâng cao chất lượng công tác cán bộ, nhiệm kỳ 2020-2025”, trong đó xác định mục tiêu: “Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70%; tỷ lệ lao động đã qua đào tạo làm việc trong các lĩnh vực du lịch, công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh đạt từ 75-80%... Tỷ lệ học sinh, sinh viên tốt nghiệp cao đẳng, trung cấp (tại các trường trên địa bàn) có việc làm phù hợp với ngành nghề đào tạo đạt 75-80%; đưa từ 17.000-18.000 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng, trong đó, lao động qua đào tạo nghề chiếm 60%”4. Chương trình đề ra 6 nhiệm vụ, giải pháp: (1) Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực và xây dựng các chính sách phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; (2) Nâng cao chất lượng công tác dự báo, thông tin về thị trường lao động; (3) Nâng cao chất lượng công tác đào tạo nguồn nhân lực; (4) Huy động các nguồn lực đầu tư phát triển nguồn nhân lực; (5) Đẩy mạnh phát triển sản xuất kinh doanh, tăng cường hợp tác liên kết trong đào tạo, gắn đào tạo với sử dụng nguồn nhân lực; (6) Phát huy tiềm lực của đội ngũ doanh nhân. Như vậy, có thể thấy rằng chủ trương và sự chỉ đạo bước đầu của Đảng bộ tỉnh đã tiếp tục kế thừa trên nền tảng đạt được của các giai đoạn trước đồng thời bổ sung và phát triển về chủ trương, cho thấy sự chủ động, quyết tâm của Đảng bộ trong phát triển nguồn nhân lực trong nhiệm kỳ mới.
Triển khai thực hiện chủ trương của Đảng bộ tỉnh, ngày 30-3-2021, UBND tỉnh Quảng Bình ban hành Kế hoạch số 463/KH-UBND “Về triển khai Chương trình hành động số 04-CTr/TU ngày 09/12/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về nội dung phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2020-2025”, trong đó xác định mục tiêu chung: “Xây dựng và phát triển nguồn nhân lực đáp ứng cả về số lượng và chất lượng; đảm bảo đội ngũ nhân lực có sức khỏe tốt, phát triển toàn diện về trí tuệ, đạo đức, năng động, sáng tạo, có kỹ năng lao động, kỹ năng làm việc trong môi trường hội nhập, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Tiếp tục đẩy mạnh đào tạo nhân lực trực tiếp cho sản xuất, kinh doanh, du lịch và dịch vụ. Bổ sung chính sách đủ mạnh để thu hút và trọng dụng nhân tài nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế của tỉnh, tập trung vào những lĩnh vực mũi nhọn, có vai trò quyết định, tạo bước đột phá mạnh mẽ trong phát triển kinh tế-xã hội, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh”5. Đồng thời, xác định các nhiệm vụ, giải pháp nhằm đẩy mạnh triển khai thực hiện gồm: (1) Công tác chỉ đạo, điều hành; (2) Nâng cao nhận thức của xã hội về vai trò của nguồn nhân lực với sự phát triển kinh tế-xã hội; (3) Đổi mới công tác quản lý nhà nước về nguồn nhân lực và đào tạo nguồn nhân lực; (4) Đổi mới nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực; (5) Phát huy tiềm lực của đội ngũ doanh nhân; (6) Huy động các nguồn lực đầu tư phát triển nguồn nhân lực.
Để thực hiện hiệu quả chủ trương phát triển nguồn nhân lực của Đảng bộ tỉnh Quảng Bình, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình hành động số 04-CTr, đồng thời yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng phổ biến, quán triệt sâu sắc nội dung Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ tỉnh, Chương trình hành động của Tỉnh ủy và Kế hoạch của UBND tỉnh đến đảng viên và nhân dân.
UBND tỉnh, các sở, ngành, đoàn thể , địa phương căn cứ  đặc điểm cụ thể vận dụng phù hợp, chủ động xây dựng và ban hành các chương trình, kế hoạch như Kế hoạch phát triển giáo dục nghề nghiệp, giải quyết việc làm giai đoạn 2022-2025; Kế hoạch truyền thông giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030…
 
2. Một số kết quả bước đầu
Thứ nhất, các hoạt động thúc đẩy phát triến nguồn nhân lực được triển khai mạnh mẽ, đồng bộ, đa dạng và đạt hiệu quả cao, điều đó được thể hiện trên các mặt sau:
Một là, công tác quy hoạch và xây dựng các chính sách phát triển nguồn nhân lực được chú trọng, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Tổ chức xây dựng quy hoạch phát triển nguồn nhân lực và các chính sách phát triển nguồn nhân lực lồng ghép thành nội dung quan trọng thể hiện trong Quy hoạch tỉnh Quảng Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 377/QĐ-TTg.
Hai là, công tác dự báo, thông tin về thị trường lao động được quan tâm, chú trọng chất lượng và đạt hiệu quả cao. Trong 2 năm (2021, 2022) các địa phương đã tiến hành thu thập được 462.520 thông tin, các cơ sở dịch vụ việc làm đã tư vấn cho khoảng 130.000 lượt người, giới thiệu việc làm cho 12.000 lượt người, có 418 doanh nghiệp tham gia tuyển dụng; tổ chức 95 phiên giao dịch việc làm góp phần quan trọng trong việc kết nối thông tin cung cầu lao động trên địa bàn của tỉnh…6
Ba là, hoạt động nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực tiếp tục được tập trung, tăng cường. Tỉnh đã huy động các nguồn lực, hỗ trợ kinh phí cho các cơ sở đào tạo để thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong đào tạo, quản lý, đánh giá toàn diện nhằm nâng cao chất lượng đào tạo. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chú trọng đổi mới nâng cao chất lượng đào tạo, tăng cường bồi dưỡng cho đội ngũ nhà giáo, tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng giáo trình, chương trình, hình thức đào tạo. Một số cơ sở đã chuyển đổi phương thức đào tạo linh hoạt theo nhu cầu người học và thị trường lao động và điều kiện thực tế. Đặc biệt, nhiều cơ sở đã chủ động phối hợp, thực hiện đào tạo gắn kết với doanh nghiệp, các đơn vị kinh doanh có nhu cầu lao động theo mô hình liên kết đạt hiệu quả cao.
Bốn là, việc huy động các nguồn lực đầu tư phát triển nhân lực được quan tâm. UBND tỉnh đã bố trí kinh phí thực hiện Chương trình phát triển nguồn nhân lực, theo Kế hoạch sô 463/KH-UBND trong 3 năm (2021-2023), đồng thời tỉnh quan tâm đầu tư, hoàn thiện và hiện đại hóa cơ sở vật chất, thiết bị cho các cơ sở đào tạo. Hoạt động hợp tác liên kết đào tạo được tăng cường, gắn đào tạo với sử dụng nguồn nhân lực. Các cơ sở đào tạo trên địa bàn đã thực hiện công tác đào tạo gắn với nhu cầu xã hội, tăng cường hoạt động liên kết hợp tác với doanh nghiệp để nâng cao chất lượng đào tạo. Ký kết hợp tác với nhiều doanh nghiệp trên các lĩnh vực “thế mạnh” và đào tạo nguồn nhân lực tạo nguồn cho xuất khẩu lao động… Tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư, hội nghị gặp gỡ, trao đổi, đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh và các doanh nghiệp bằng nhiều hình thức, trong đó có tọa đàm trực tuyến kết nối... Bên cạnh, hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy khởi nghiệp được đẩy mạnh. Tăng cường phối hợp với các cơ sở đào tạo tổ chức đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nhằm bồi đắp kỹ năng, khát vọng khởi nghiệp cho sinh viên, xây dựng văn hóa kinh doanh, chấp hành pháp luật cho các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất. Riêng năm 2022, đã tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kiến thức quản trị doanh nghiệp cho 50 lãnh đạo doanh nghiệp nhỏ và vừa; bồi dưỡng kiến thức khởi sự doanh nghiệp, thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã cho 400 đoàn viên và cán bộ Đoàn, Hội ở cơ sở cơ sở…7
Năm là, các hoạt động tuyên truyền pháp luật, hướng dẫn xây dựng và thực hiện các quy định liên quan, kiểm tra, giám sát việc thực thi... được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả góp phần nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật, phòng chống rũi ro cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Thứ hai, chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh được nâng cao, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế -xã hội của địa phương.
Lực lượng lao động của tỉnh Quảng Bình tương đối lớn, năm 2020 là 505.258 người, chiếm 56% dân số; năm 2022 là  434.769 người, chiếm 47,5% dân số. Cơ cấu lao động có sự chuyển biến hợp lý, trong đó cơ cấu theo giới tính: năm 2020, nam chiếm 50,67 %, nữ chiếm 49,33%; năm 2022, con số tương ứng là  52,21% và 47,79%; cơ cấu theo khu vực: năm 2020, lao động thành thị chiếm 20,64%, nông thôn chiếm 79,36%; năm 2022, con số tương ứng là 24,57% và 75,43%8. Ngoài ra, cơ cấu theo các khu vực, ngành kinh tế cũng có sự chuyển biến theo xu hướng tích cực, trong đó tăng khối các ngành quan trọng như du lịch, dịch vụ, công nghiệp… và khu vực tư nhân, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.
Chất lượng nguồn nhân lực ngày càng được nâng cao, đặc biệt là lực lượng qua đào tạo và số lao động có bằng cấp chứng chỉ dần đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp trên địa bản. Cụ thể, năm 2020, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 65%, tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ là 25,7%9; đến năm 2023, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 68,9%, trong đó tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 29,6%10. Bên cạnh tỷ lệ lao động qua đào tào nghề luôn chiếm trên 50%, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo làm việc trong các lĩnh vực du lịch, công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh đạt từ 66%11.
Công tác tuyển sinh và chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn có sự chuyển biến tích cực, năm sau cao hơn năm trước,  luôn vượt kế hoạch đề ra, tỷ lệ có việc làm sau đào tạo chiếm cao (năm 2021 tuyển sinh được 19.536 người, đạt 122,1% so với kế hoạch, tỷ lệ học sinh, sinh viên tốt nghiệp cao đẳng, trung cấp tại các trường trên địa bàn có việc làm phù hợp với ngành nghề đào tạo đạt 81,5%; năm 2022 con số tương ứng: tuyển sinh 22.186 người, đạt 133,56% so với kế hoạch và tỷ lệ  có việc làm phù hợp ngành nghề đào tạo là 83%, vượt cả mục tiêu của cả giai đoạn theo Chương trình 04 là 75%-80%). Tính đến cuối năm 2023, tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp 17.250 người, đạt 101,4% so với kế hoạch12.
Số lượng việc làm tăng theo từng năm, cụ thể: năm 2021, có  15.500 lao động được tạo việc làm, với 2.067 lao động được xuất cảnh đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng; năm 2023, có 20.360 lao động được giải quyết việc làm, trong đó có khoảng 6.042 người đi xuất khẩu lao động. Bên cạnh, tỷ lệ thất nghiệp giảm, năm 2021, tỷ lệ thất nghiệp của lực lượng lao động trong độ tuổi là 3,60%; năm 2022, giảm còn 2,9%...
Mặc dù đạt được một số kết quả bước đầu quan trọng, nhưng việc phát triển nguồn nhân lực Quảng Bình vẫn còn một số hạn chế như chất lượng nguồn nhân lực còn thấp, nhiều doanh nghiệp không tuyển được lao động có tay nghề, nhất là lao động có tay nghề cao trong các lĩnh vực du lịch, kỹ thuật, xây dựng. Công tác đánh giá, dự báo nguồn nhân lực, phân tích dự báo thị trường lao động chưa sát với tình hình, chưa có các báo cáo đánh giá định kỳ về dự báo nguồn nhân lực để cung cấp cho các tổ chức, doanh nghiệp, người lao động.  Một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa đủ nguồn lực để đầu tư nâng cao chất lượng đào tạo, chưa thu hút được đội ngũ nhà giáo có chất lượng, cơ sở vật chất còn gặp nhiều khó khăn, chương trình giáo trình chậm đổi mới, chậm ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý và đào tạo, chưa xây dựng được mô hình đào tạo gắn với doanh nghiệp, nguồn tuyển sinh đầu vào chất lượng thấp ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo, một số nghề chưa đáp ứng nhu cầu thị trường, một số cơ sở giáo dục tuyển sinh không đạt so với kế hoạch…
 
3. Một số giải pháp tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn lao động của tỉnh Quảng Bình
Thứ nhất, tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng công tác thông tin, tuyên truyền, tạo sự chuyển biến về nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân về xây dựng, phát triển nguồn nhân lực phục vụ cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đa dạng hoá các hoạt động truyền thông về giáo dục nghề nghiệp, tư vấn định hướng cho học sinh về học nghề, việc làm. Tận dụng tối đa các nền tảng số, mạng xã hội để đẩy mạnh tuyên truyền, phổ quát thông tin đến các đối tượng lao động.
Thứ hai, tập trung thực hiện tốt công tác dự báo nhân lực, thông tin thị trường lao động. Thực hiện tốt công tác hỗ trợ tư vấn học nghề, việc làm cho học sinh, sinh viên, người lao động, chú trọng xây dựng, sử dụng các phần mềm hỗ trợ người tìm việc, việc tìm người, kết nối việc làm thành công…, tăng cường đầu tư nguồn lực nâng cao năng lực cho các trung tâm dịch vụ việc làm. Đẩy nhanh chuyển đổi số trong công tác quản lý và đào tạo tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức đào tạo.
Thứ ba, tăng cường các hoạt động kết nối, gắn kết giữa các cơ sở đào tạo với doanh nghiệp trong quá trình đào tạo từ khâu phát triển chương trình đào tạo, tham gia đào tạo, thi, kiểm tra đánh giá người học, tuyển dụng người học sau khi tốt nghiệp. Đẩy mạnh các hoạt động nhằm thu hút sự quan tâm, tham gia của doanh nghiệp với hoạt động giáo dục nghề nghiệp để khai thác, sử dụng thiết bị đào tạo của các doanh nghiệp. Bố trí nguồn lực đầu tư đồng bộ cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các cơ sở đào tạo nhằm hiện đại hóa, chuẩn hóa theo ngành nghề và trình độ đào tạo. Đối với các nghề trọng điểm các cấp trình độ, thực hiện đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo theo chuẩn đầu ra, phù hợp với hoàn cảnh thực tiễn, yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực của tỉnh.
Thứ tư, tiếp tục tăng cường đầu tư nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, nhất là giáo dục mũi nhọn, kịp thời phát hiện, bồi dưỡng học sinh, sinh viên giỏi, xuất sắc để bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao cho các ngành, nghề trong tỉnh. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý, khuyến khích, thu hút sự tham gia của các đối tượng lao động chất lượng cao tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Hỗ trợ, tổ chức các hoạt động nghiên cứu khoa học, sáng tạo trong giảng dạy, tham gia thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp. Nghiên cứu, đánh giá hiệu quả thực hiện các chính sách hỗ trợ đào tạo, chính sách phát triển giáo dục nghề nghiệp, xây dựng các chính sách mới thu hút học nghề, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo, mở rộng đối tượng phạm vi hỗ trợ đào tạo cho học sinh, sinh viên.
 

Ngày nhận bài 12-1-2024; Ngày thẩm định; 24-3-2024; Ngày duyệt đăng 10-4-2024

1, 2, 3.Đảng Cộng sản Việt Nam- Đảng bộ tỉnh Quảng Bình: Văn kiện Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025, Quảng Bình, năm 2020, tr.31, 80, 113, lưu Văn phòng Tỉnh ủy Quảng Bình  
4. Đảng Cộng sản Việt Nam- Đảng bộ tỉnh Quảng Bình: Các Chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh  Khóa XVII, nhiệm kỳ 2020-2025, Quảng Bình, năm 2020, tr.83-84, lưu tại Văn phòng Tỉnh ủy Quảng Bình
5. UBND tỉnh Quảng Bình: Kế hoạch số 463/KH-UBND, ngày 30-3-2021, “Về triển khai Chương trình hành động số 04- CTr/TU ngày 09/12/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về nội dung phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2020 – 2025”. lưu Văn phòng UBND Tỉnh Quảng Bình  
6, 7, 11. Tỉnh ủy Quảng Bình: Báo cáo số 318-BC/TU, ngày 26-9-2023 “Về sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Chương trình hành động số 04-Ctr/TU ngày 09/12/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển nguồn nhân lực và nâng cao chất lượng công tác cán bộ, nhiệm kỳ 2020-2025”, lưu Văn phòng Tỉnh ủy Quảng Bình 8. Cục Thống kê tỉnh Quảng Bình: Niên giám thống kê các năm 2020, 2021, 2022, https://cucthongke.quangbinh.gov.vn/3cms
9. UBND tỉnh Quảng Bình, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội: “Báo cáo số 02/BC-SLĐTBXH “Về tình hình thực hiện nhiệm vụ công tác năm 2020 và nhiệm vụ năm 2021”, lưu Văn phòng UBND tỉnh Quảng Bình  
10. 12. Sở Lao động-Thương binh và Xã hội: Báo cáo số 777/BC-SLĐTBXH “Về tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2023 và phương hướng,  nhiệm vụ năm 2024”, lưu Văn phòng UBND tỉnh Quảng Bình