Tóm tắt: Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, vùng đất tỉnh Cà Mau ngày nay thuộc tỉnh Bạc Liêu, nhân dân nơi đây có truyền thống yêu nước và cách mạng. Ngay từ năm 1927, Kỳ bộ Nam kỳ Hội Việt Nam cách mạng thanh niên đã cử hội viên về vùng đất Cà Mau hoạt động, dần hình thành nên tổ chức yêu nước và cách mạng. Đầu năm 1930, sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, Chi bộ An Nam Cộng sản Đảng thị trấn Cà Mau chuyển thành chi bộ của Đảng Cộng sản Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của chi bộ Đảng, phát triển cách mạng ở Cà Mau phát triển mạnh mẽ. Mặc dù bị chính quyền thực dân đánh phá ác liệt, song phong trào cách mạng nơi đây vẫn liên tục phát triển, đến năm 1935 trên vùng đất Cà Mau đã có 10 chi bộ Đảng.

Từ khóa: Chi bộ Đảng; vùng đất Cà Mau; 1930-1935.


 
Đình Tân Hưng - nơi treo cờ Đảng Cộng sản Đông Dương đầu tiên tại Cà Mau (năm 1930).
Đây còn là nơi đóng quân của Bộ chỉ huy Mặt trận Tân Hưng, mặt trận chống Pháp tại Cà Mau.


1. Từ những năm 20 của thế kỷ XX, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã tích cực truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam. Nhiều thanh niên, ở Cà Mau đã được tiếp cận với những tư tưởng tiến bộ dẫn tới sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động. Nhiều người trong số họ đã chọn hướng đi theo con đường cách mạng vô sản.
Năm 1927, Kỳ bộ Nam kHội Việt Nam cách mạng thanh niên cử Đào Hưng Long về hoạt động tại Cà Mau để tuyên truyền chủ nghĩa Mác Lênin. Tại đây, Đào Hưng Long đã tuyển chọn những thanh niên ưu tú, tư tưởng tiến bộ kết nạp vào Hội. Tháng 1-1929, Chi hội Việt Nam Thanh niên cách mạng ở Cà Mau được thành lập, gồm: Đào Hưng Long, Lâm Thành Mậu, Nguyễn Văn Chánh (Tư Rạch), Trần Hải Thoại (Năm Thoại), Tăng Văn Hai (Hai Tăng) và một số người khác, do đồng chí Đào Hưng Long làm Bí thư1. Sau khi được thành lập, chi hội xác định nhiệm vụ: ra sức tuyên truyền giáo dục để định hướng cho các phong trào đấu tranh cách mạng ở Cà Mau. Chi hội bắt tay vào hoạt động, phân công hội viên hăng hái thâm nhập các tầng lớp nhân dân, tuyên truyền vận động quần chúng đấu tranh đòi quyền lợi thiết thân của mình. Các hội viên tích cực tiếp cận anh chị em công nhân, nhân dân lao động, học sinh, trí thức yêu nước để tuyên truyền về chủ nghĩa Mác – Lênin, lý tưởng cách mạng và vận động đấu tranh đòi các quyền về dân sinh, dân chủ. Thông qua phong trào đấu tranh, chi hội mở một hiệu sách "Hồng Anh Thư Quán" và quán cơm "Tâm Đồng" làm cơ sở giáo dục tinh thần đoàn kết yêu nước trong nhân dân, trí thức tiến bộ; nơi hội họp trao đổi tình hình đất nước.
Hoạt động của chi hội ngày càng ảnh hưởng rộng rãi trong tầng lớp dân nghèo đô thị và nông dân ở các xã xung quanh. Tiêu biểu là cuộc đấu tranh chống đóng thuế thân của nhân dân ở xã Tân Thành do một số thanh niên tổ chức, sau khi tiếp thu tinh thần yêu nước qua sách báo của “Hồng Anh Thư Quán” tại thị trấn Cà Mau. Ngày 20-4-1929, tên cò Tây cùng một số lính mã tà dùng ca nô chạy vào Nhà Việc (cơ quan hương chức Hội tề của xã) với ý đồ bắt người “cầm đầu chống đối”. Biết được âm mưu của Pháp, gần 100 nông dân kéo tới đấu tranh, tên cò Tây đe doạ bắt về quận, hàng chục người dân tràn xuống ca nô sẵn sàng ra quận chứ nhất quyết không đóng thuế thân. Trước áp lực người dân, tên cò Tây buộc phải tuyên bố hoãn lại thời gian nộp thuế để cho bà con làm mùa. Đến tháng 9-1929, Thống đốc Nam Kỳ yêu cầu quận Cà Mau bằng mọi cách phải giải tán Chi hội Việt Nam thanh niên cách mạng ở quận Cà Mau. Trước sự khủng bố của địch, hầu hết các đồng chí trong chi hội đều bị bắt, tù đày. Các đồng chí còn lại tìm cách tránh khỏi khu vực trung tâm quận Cà Mau và chuyển sang hình thức hoạt động khác.

2. Cùng với sự phát triển của phong trào cách mạng cuối năm 1929, đầu năm 1930, các tổ chức cộng sản lần lượt ra đời trên cả nước. Tại Cà Mau, tháng 1-1930, đồng chí Ung Văn Khiêm, Bí thư Đặc ủy An Nam Cộng sản Đảng tỉnh Hậu Giang kết nạp 5 hội viên ưu tú của Chi hội Việt Nam cách mạng thanh niên vào An Nam Cộng sản Đảng và tiến hành thành lập Chi bộ thị trấn Cà Mau gồm các đồng chí: Lâm Thành Mậu, Nguyễn Văn Chính, Tăng Văn Hai, Phạm Ngọc Cừ và Trần Hải Thoại (tại nhà Trần Hải Thoại), Chi bộ do Lâm Thành Mậu làm Bí thư2. Đây là chi bộ Cộng sản đầu tiên của tỉnh Bạc Liêu được thành lập tại thị trấn Cà Mau.
Đầu năm 1930, sau khi hợp nhất các tổ chức cộng sản thành Đảng Cộng sản Việt Nam, chi bộ An Nam Cộng sản Đảng trở thành Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam thị trấn Cà Mau. Chi bộ tích cực tổ chức các hoạt động treo băng, cờ, khẩu hiệu, rãi truyền đơn ở chợ, bến đò, bến xe và một số khu vực đông người qua lại. Tại thị trấn Cà Mau ngày 3-2-1930, cờ Đảng (búa liềm) được treo trên sợi dây thép căng ngang sông Cà Mau (đầu kênh 16). Đây là lần đầu tiên cờ đỏ búa liềm xuất hiện và nhiều khẩu hiệu: “Đảng Cộng sản Việt Nam muôn năm!”, “Đả đảo đế quốc Pháp!”, “Đông Dương độc lập muôn năm!”,… những hoạt động đó đã tạo được ấn tượng sâu sắc trong nhân dân ta, nhất là đối với thanh niên.
Nhân kỷ niệm ngày Quốc tế lao động 1-5-1930, Chi bộ Đảng tổ chức treo cờ đỏ búa liềm, dán biểu ngữ, rải truyền đơn ở một số nơi trong tỉnh. Tại xã Tân Hưng, các đồng chí Lương Thế Trân, Nguyễn Đức Hương, Nguyễn Ngọc Cao… mua vải làm cờ đỏ búa liềm và viết dòng chữ “diệt trừ Pháp tặc” treo trên cây dương tại đình làng Tân Hưng. Sau sự kiện đó, đồng chí Lương Thế Trân bị thực dân Pháp bắt, đày ra Côn Đảo. Hành động tàn bạo của thực dân không dập tắt được phong trào đấu tranh của nhân dân, nhiều nơi chưa có cơ sở Đảng cũng đứng lên đấu tranh mạnh mẽ, tiêu biểu tại thị xã Bạc Liêu một số thanh niên yêu nước gồm: Tào Văn Tỵ, Huỳnh Kim Kê, Huỳnh Chấn Gia ngay trong đêm 30-4, rạng sáng ngày 1-5-1930, đã kết hợp may lá cờ đỏ búa liềm với khẩu hiệu “Cộng sản đánh Tây”, treo tại bến đò phường 5, thị xã Bạc Liêu và căng ngang quốc lộ đi Sóc Trăng làm cho bọn thực dân khiếp sợ.
Tháng 10-1930, chi bộ Tân Thành, quận Cà Mau được thành lập gồm các đồng chí Tăng Hồng Phúc, Phan Khắc Nhượng, Huỳnh Đề Thám, Hồng Lạc Bông… do đồng chí Tăng Hồng Phúc làm Bí thư. Chi bộ tiếp tục tuyên truyền đường lối cách mạng, nhiều tổ chức đoàn thể được thành lập ngày càng rộng rãi như: Nông hội đỏ, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội đá banh, Hội âm nhạc, Hội “Tương tế ái hữu” và nắm hầu hết thành viên trong hương chức hội tề của xã… Để tạo nên sức lang toả của phong trào cách mạng, Chi bộ xã Tân Thành tổ chức treo cờ đỏ búa liềm và rải truyền đơn ở trung tâm xã (trước cổng nhà việc), sự kiện này tiếp tục thổi bùng lên tinh thần cách mạng trong nhân dân. Chính quyền thực dân rất tức giận, đã huy động lực lượng cảnh sát, mật vụ ngày đêm bao vây, phong toả những nơi chúng tình nghi, kiểm tra giấy tờ tùy thân của người dân. Mặt khác, chúng còn đưa vào xã Tân Thành một tiểu đội cảnh sát do Trần Văn Chuối (Cai Chuối) chỉ huy, nhằm ngăn chặn phong trào cách mạng của nhân dân, có lúc tăng cường 2 tên mật thám để theo dõi.
Trong khí thế của cao trào cách mạng 1930-1931 trong cả nước, ngày 1-5-1931, chi bộ xã Tân Thành tiếp tục lãnh đạo đẩy mạnh cuộc đấu tranh, tổ chức treo băng, cờ, áp phích và rải truyền đơn chào mừng Ngày Lao động quốc tế. Trước sự kiện đó, chính quyền thực dân huy động lực lượng tổ chức lùng sục để tìm diệt cơ sở cách mạng, bắt bớ, cầm tù cán bộ, đảng viên khủng bố tinh thần nhân dân. Để ngăn chặn hành động của chính quyền thực dân chi bộ xã Tân Thành chỉ đạo tiêu diệt tên việt gian gian ác Trần Văn Chuối (Cai Chuối) nhằm bảo vệ cơ sở cách mạngđịa bàn xã Tân Thành. Chi bộ cử đồng chí Tô Phương Hà là đảng viên của chi bộ cùng 2 thanh niên là Huỳnh Văn Đề, Phan Văn Đáng (Chín Đáng) xông vào đồn với quyết tâm diệt tên cai Chuối và 2 mật thám, nhưng khi đột nhập chỉ có tên cai Chuối, ba người chém hắn bị trọng thương3. Sự việc diễn ra rất nhanh và bất ngờ nên bọn lính hoang mang, chúng chỉ đánh trống lập binh để báo động.
Sau sự kiện đánh tên Cai Chuối, bọn địch ở Cà Mau huy động lực lượng cảnh sát đến xã Tân Thành để vây bắt cán bộ, đảng viên, đánh phá cơ sở cách mạng. Chúng đã bắt được một số đồng chí cán bộ, đảng viên và 50 quần chúng. Sau một thời gian giam cầm ở địa phương, chúng đã đày 5 đảng viên và 3 quần chúng ra nhà tù Côn Đảo4. Riêng hai đồng chí Huỳnh Văn Đề, Phan Văn Đáng bị đày đi Bà Rá. Trước những hành động đánh phá ác liệt của chính quyền thực dân, một số đảng viên ở thị trấn Cà Mau và xã Phong Thạnh đã bị bắt, số còn lại phải lánh sang địa phương khác, phong trào cách mạng tạm thời lắng xuống.
Tháng 6-1932, đồng chí Văn Trung Thành về thị trấn Cà Mau xây dựng điểm liên lạc bằng cách mở tiệm vàng đặt tên hiệu “Thuận Thành” để làm cơ sở chắp nối với cán bộ đảng viên từ các địa phương khác chạy về như các đồng chí Kiều, Huỳnh Đề Thám, Quảng Trọng Ninh Qua đó, việc tuyên truyền vận động quần chúng đấu tranh với địch tại thị trấn Cà Mau được tiếp tục. Đặc biệt, rạng sáng ngày 1-5-1935, một số tù chính trị ở Côn Đảo vượt ngục về đến bờ biển Vĩnh Châu an toàn, trong đó có đồng chí Tống Văn Trân, Tạ Uyên, Phạm Hồng Thám, Nguyễn Hữu Tiến, Nguyễn Văn Trọng, Nguyễn Văn Ngự (tức Cộng)5. Chuyến vượt ngục này do Đảng ủy nhà tù Côn Đảo tổ chức đưa cán bộ về đất liền để khôi phục lại phong trào, đồng thời chuẩn bị cơ sở quần chúng sẵn sàng đón tiếp các chuyến vượt ngục tiếp theo. Đồng chí Phạm Hồng Thám được bố trí đến hoạt động vùng Năm Căn. Tại đây, cùng với đồng chí Nguyễn Văn Hoành và Phan Ngọc Hiển, các đồng chí đã tích cực gây dựng phong trào, tổ chức quần chúng trong ngư dân và công nhân lò than trên cơ sở phong trào tương tế ái hữu khá phát triển. Đến tháng 10-1935, chi bộ xã Tân Ân được thành lập gồm các đồng chí: Nguyễn Văn Hoành, Phan Ngọc Hiển, Nguyễn Văn Thống, Châu Quang Thôi, do đồng chí Nguyễn Văn Hoàng làm bí thư. Tiếp đó, Chi bộ xã Tân Hưng Tây được thành lập gồm 5 đồng chí: Nguyễn Văn Sợi, Nguyễn Văn Tấn, Nguyễn Văn Phương, Nguyễn Văn Sáng và Lê Văn Đạt.
Dưới sự lãnh đạo của các chi bộ Đảng, phong trào Hội ái hữu, tương tế của quần chúng phát triển lan rộng đến nhiều nơi trong quận. Đến tháng 11-1935, chi bộ Tân Phú, chi bộ Thới Bình thuộc quận Cà Mau được thành lập. Những chi bộ đảng của quận Cà Mau là những hạt nhân quan trọng để phát động cao trào đấu tranh dân chủ rộng lớn trong những năm 1936-1939 và trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 trên địa bàn quận.
 


Ngày nhận bài: 30-1-2024; Ngày đánh giá, thẩm định: 27-2-2024; Ngày duyệt đăng: 28-3-2024
1. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Cà Mau: Lịch sử Đảng bộ tỉnh Cà Mau (1930-1975), Nxb Mũi Cà Mau, 2004, T.1, tr. 39
2, 4. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu: Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu, Bạc Liêu, 2002, tr. 32, 34
3, 5. Thành uỷ Cà Mau: Lịch sử Đảng bộ thành phố Cà Mau (Sơ thảo) Nxb Mũi Cà Mau, 2000, T. 1, tr. 32-33, 35.