Tóm tắt: Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954), tỉnh Bắc Giang vừa có vùng tự do, vừa có vùng tạm bị địch chiếm đóng. Để chống lại những âm mưu, hành động thâm độc của thực dân Pháp tại các vùng tạm bị chiếm, Đảng bộ tỉnh Bắc Giang đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo sát sao công tác xây dựng và phát triển cơ sở chính trị ở ngay trong địa bàn này. Trên cơ sở đó, trong những năm 1947-1954, tổ chức đảng và các tổ chức quần chúng nhân dân ở vùng tạm bị chiếm của tỉnh Bắc Giang được xây dựng, củng cố và phát triển mạnh mẽ. Những hoạt động của cơ sở chính trị trong vùng tạm bị chiếm đã góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.

Từ khóa: Đảng bộ tỉnh Bắc Giang; xây dựng cơ sở chính trị; vùng tạm bị chiếm; kháng chiến chống thực dân Pháp

1. Chủ trương của Đảng bộ tỉnh Bắc Giang về xây dựng và phát triển cơ sở chính trị ở vùng tạm bị chiếm
Tháng 12-1946, kháng chiến toàn quốc bùng nổ, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, tháng 3-1947, quân Pháp từ Hải Ninh đánh sang huyện Sơn Động. Đến tháng 11-1949, toàn bộ vùng Sơn Động, Lục Ngạn, Lạng Giang, Việt Yên, Yên Dũng, thị xã Phủ Lạng Thương trở thành vùng tạm bị chiếm. Vùng tự do của Bắc Giang chỉ còn lại các huyện Hiệp Hòa, Yên Thế, Hữu Lũng. Đánh chiếm tới đâu, thực dân Pháp thiết lập hệ thống đồn bốt quân sự và tập trung xây dựng, củng cố hệ thống chính quyền tay sai tới đó, với trọng tâm là xây dựng hệ thống các ban tề và thực hiện chính sách “chia để trị” với ý đồ lập “xứ Nùng tự trị”. Đồng thời, quân Pháp tiếp tục mở các cuộc hành quân càn quét vào các vùng du kích, vùng tự do, truy bắt cán bộ, đảng viên, khiến cho một số cơ sở kháng chiến bị tan vỡ, tạm ngừng hoạt động, hoặc hoạt động cầm chừng, một bộ phận cán bộ, đảng viên phải rút sang vùng tự do Yên Thế và một số nơi khác để bảo toàn lực lượng1.
Để chống lại âm mưu, thủ đoạn giành đất, giành dân, vơ vét tài sản của thực dân Pháp và phục hồi cơ sở kháng chiến, gây dựng lại chỗ đứng chân trong vùng tạm bị chiếm, Tỉnh ủy Bắc Giang đã chỉ đạo các cán bộ, đảng viên tản cư sang vùng tự do “trở về xây dựng cơ sở” để “lãnh đạo nhân dân chống địch càn quét, lấn chiếm”2.
Khi quân Pháp mở cuộc tấn công lên Việt Bắc, ngày 15-10-1947, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị “Phải phá cuộc tấn công mùa Đông của giặc Pháp”. Quán triệt chủ trương của Trung ương, “Tỉnh ủy Bắc Giang tổ chức phát động quân dân trong tỉnh tích cực chống địch càn quét, thực hiện khẩu hiệu tước súng địch để trang bị cho ta và quyết tâm đấu tranh giải tán hội tề, tiễu trừ thổ phỉ”3.
Ngày 19-1-1948, Ban Thường vụ Trung ương ra Chỉ thị “Phá hội tề” nêu rõ: “Đối với hội tề cũng như đối với mọi tổ chức bù nhìn khác, cố nhiên nói chung phải tìm hết cách phá, đồng thời phải củng cố cơ quan chính quyền của ta ở ngay trong vùng địch kiểm soát”4. Cũng trong đầu năm 1948, Hội nghị mở rộng Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra Nghị quyết chỉ rõ cần tập trung “phá chính sách “dùng người Việt hại người Việt” của thực dân Pháp, phá mọi chính quyền bù nhìn”5. Về công tác xây dựng Đảng, Ban Chấp hành Trung ương yêu cầu: “Phải tích cực gây cơ sở Hội (Đảng -TG) trong vùng địch kiểm soát”; Phải đặt công tác củng cố chi bộ “thành vấn đề trọng yếu”6.
Thực hiện chủ trên của Trung ương, tháng 6-1948, Đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Giang lần thứ nhất chủ trương chuyển trọng tâm công tác mọi mặt xuống xã và chi bộ với khẩu hiệu “Tất cả cho xã”,“Đi xuống tận chi bộ” và “Tất cả vì chi bộ”, với các biện pháp: Phát triển ở mỗi xã một chi bộ, mỗi thôn một tiểu tổ chi bộ. Phát triển ở những nơi xung yếu về quân sự, yết hầu về kinh tế. Mục tiêu phát triển phải nhằm vào bần - cố nông, du kích, phụ nữ và các dân tộc ít người. Xây dựng linh hồn kháng chiến ở xã bằng cách làm cho chi bộ tự động công tác. Muốn củng cố và phát triển đảng, phải đào tạo cán bộ địa phương, cán bộ miền núi, cán bộ chuyên môn và cán bộ dự bị”7.
Tháng 1-1949, Nghị quyết Hội nghị Cán bộ Trung ương lần thứ sáu chủ trương “đánh mạnh hơn vào hậu phương của địch”8; “tăng gia phá hoại cơ sở kinh tế của địch”9 và “Phát triển và củng cố cơ sở trong vùng địch tạm chiếm”10; “thống nhất Việt Minh và Liên Việt”11. Quán triệt chủ trương của Trung ương Đảng, Đại hội lần thứ II Đảng bộ tỉnh Bắc Giang (7-1949) đề ra nhiệm vụ: “nhanh chóng xây dựng và phát triển Đảng; tăng cường giáo dục chính trị, lãnh đạo tư tưởng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân để giữ vững niềm tin vào đường lối kháng chiến của Đảng”; “phát động nhân dân giúp đỡ lực lượng vũ trang phá tề, trừ gian, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; đẩy mạnh phong trào tăng gia sản xuất lương thực”12.
Ngày 13-7-1949, quân Pháp mở chiến dịch Báttiơ (Bastile) nhằm mở rộng phạm vi chiếm đóng, thiết lập thêm nhiều làng tề có vũ trang và lập các đồn bảo an, thực hiện chính sách “chia để trị”,... Để đối phó với thực dân Pháp, ngày 24-11-1949, Tỉnh ủy Bắc Giang ra nghị quyết nêu rõ: “Kiên quyết phá tổ chức hội tề của địch ngay từ khi mới có mầm mống. Chấn chỉnh, bổ sung đội ngũ cán bộ địch vận, tích cực gây cơ sở kháng chiến trong vùng tạm chiếm. Tuyên truyền vận động nhân dân cô lập tề phản động. Kiên trì thuyết phục, kêu gọi đồng bào và ngụy binh đã chót lầm lỗi theo địch trở về với Tổ quốc”13.
Đầu năm 1951, thực dân Pháp tiếp tục dồn làng, đuổi dân, lập vành đai trắng; tăng cường bọn gián điệp, chỉ điểm nhằm phá hoại cơ sở kháng chiến, dụ dỗ và cưỡng ép thanh niên đi lính; càn quét địa bàn giáp ranh với vùng tự do. Trước tình hình đó, tháng 4-1951, Nghị quyết Đại hội lần thứ III Đảng bộ tỉnh Bắc Giang xác định: “lãnh đạo củng cố hệ thống các cơ quan Đảng, chính quyền, mặt trận, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở... Tích cực tuyên truyền giáo dục chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ nhằm nâng cao nhận thức lý luận cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, củng cố niềm tin vào thắng lợi cuối cùng của cuộc kháng chiến do Đảng ta lãnh đạo. Chú trọng công tác xây dựng đảng, củng cố, kiện toàn các tổ chức cơ sở đảng”14. Đến ngày 21-9-1951, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Giang ra nghị quyết xác định: “Bộ đội địa phương phân tán với du kích xã, diệt công an, phòng nhì, chỉ điểm gián điệp của địch, phối hợp với bộ đội đánh tề phản động. Tác chiến phải phối hợp với tinh thần đấu tranh của dân và cơ sở của ta cao thấp mà quyết định”15.
Trong năm 1951-1952, thực dân Pháp tiếp tục mở các cuộc càn quét vào các căn cứ du kích và vùng du kích, đồng thời tăng cường các biện pháp vơ vét bóc bột nhân dân và bắt thanh niên đi lính. Trước tình hình đó, Tỉnh ủy Bắc Giang chủ trương: “phải tổ chức và lãnh đạo nhân dân đấu tranh chống địch dồn làng, đòi về làng bám sát đồng ruộng, phục hồi diện tích cấy lúa, chống giặc cướp phá trâu bò, mùa màng, nông cụ; đấu tranh chống địch phá hoại đê... Công tác sản xuất gắn bó chặt chẽ với cuộc đấu tranh chính trị và kinh tế của nhân dân”16.
Trước những đòn tấn công quân sự liên tiếp của quân và dân Việt Nam, để cứu vãn tình thế, từ Hè - Thu 1953, thực dân Pháp chuyển sang thực hiện kế hoạch Nava (Navarre), liên tiếp mở các cuộc hành quân càn quét, bình định vùng chiếm đóng. Trước diễn biến mới của tình hình, Trung ương đề ra kế hoạch Đông-Xuân 1953-1954, trong đó có nhiệm vụ đẩy mạnh chiến tranh du kích ở khắp các chiến trường sau lưng địch. Thực hiện chủ trương của Trung ương, Tỉnh ủy Bắc Giang ra nghị quyết về hoạt động quân sự trong Đông - Xuân 1953-1954 với nội dung chính là “tích cực đánh địch càn quét, chống dồn dân bắt lính, diệt tề, trừ gian, tăng cường công tác ngụy vận và ra sức phá đường giao thông, bảo vệ đường vận chuyển ra tiền tuyến”17.
 
2. Một số kết quả đạt được
Thực hiện chủ trương đề ra, từ năm 1947 đến năm 1954, việc xây dựng cơ sở chính trị ở vùng tạm bị chiếm của tỉnh Bắc Giang đã đạt được một số kết quả sau:
Một là, về xây dựng, củng cố và phát triển tổ chức đảng. Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy Bắc Giang, huyện ủy các huyện Lục Ngạn, Sơn Động chỉ đạo cán bộ, đảng viên tản cư ở vùng tự do Yên Thế trở về địa phương hoạt động. Theo đó, số cán bộ, đảng viên này được phân chia thành các tổ công tác, luồn sâu trong vùng địch, bám đất, bám dân gây cơ sở. Sau một thời gian hoạt động, nhiều cơ sở kháng chiến ở các địa phương trong vùng tạm bị chiếm đã được củng cố và mở rộng, cán bộ, đảng viên tích cực hoạt động bí mật. Các huyện ủy trong vùng tạm chiếm chỉ đạo các chi bộ trong địa bàn phấn đấu đạt tiêu chuẩn chi bộ “Tự động công tác” để có đủ sức lãnh đạo mọi hoạt động kháng chiến ở địa phương.
Bên cạnh đó, quá trình thực hiện phát triển du kích chiến tranh, lực lượng vũ trang và nhân dân Bắc Giang cũng đã ra sức đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở chính trị. Tại huyện Lục Ngạn, tháng 4-1948, tại một số nơi như Biền Sơn, Phó Thịnh, Giáp Sơn, Hồng Giang, Đồng Cốc, Kim Sơn, Thanh Sơn cơ sở đảng và cơ sở quần chúng cách mạng được củng cố và mở rộng. Đến cuối năm 1948, “những nơi xung yếu quan trọng như ven đường 1A, đường 13B, xung quanh Phủ Lạng Thương, Bích Động, Đạo Ngạn (Việt Yên) cũng đã xây dựng được cở sở đảng”18.. Sau đợt tổng phá tề 2-1950, toàn tỉnh Bắc Giang đã “xây dựng được 29 cơ sở kháng chiến”19, nhiều chi bộ đảng ở gần vị trí quân Pháp chiếm đóng được củng cố. “Trong số 16 xã ở phía bắc huyện Lục Ngạn thì có 13 xã có chi bộ, còn 3 xã chưa có chi bộ là Đồng Cốc, Tự Do, Phú Nhuận. Những xã này tuy chưa có đủ điều kiện để thành lập chi bộ, nhưng cũng đã có cơ sở đảng. Trong 3 năm củng cố, phát triển đảng (1948-1950), “cơ sở đảng đã có ở hầu hết các xã, các dân tộc”20, làm cho sức mạnh của Đảng được tăng cường ở cơ sở.
Hai là, về xây dựng và phát triển cơ sở quần chúng cách mạng. Thực hiện chủ trương của Hội nghị mở rộng công tác địch hậu lần thứ hai (20-9-1951), Huyện ủy Việt Yên tổ chức cho cán bộ, đảng viên, du kích bí mật trở lại phục hồi cơ sở kháng chiến. Khu vực Phủ Lạng Thương nơi các xã có phong trào yếu như Thọ Xương, Tân Mỹ được tăng cường và củng cố đội ngũ cán bộ cơ sở. Chi bộ xã Song Mai đã đưa hàng chục đảng viên về hoạt động sát vị trí địch. Trên cơ sở đó, các tổ chức quần chúng của những địa phương thuộc vùng tạm bị chiếm được củng cố và phát triển. Đội dân quân, tự vệ chuyên làm nhiệm vụ canh giác, viễn tiêu, rào làng, phục vụ chiến đấu. Các đội lão du kích, nữ du kích, thiếu niên du kích tích cực phục vụ chiến đấu và chiến đấu bảo vệ địa bàn làng, xã và tham gia vận động quần chúng nhân dân ủng hộ kháng chiến. Một số ban tề kháng chiến được lập ra hoặc cán bộ, đảng viên được cài cắm vào hội tề làm nội ứng (các xã Nam Sơn, Lan Mẫu ở Lục Nam).
Ba là, tham gia phong trào đánh giặc giữ làng. Phong trào tham gia chiến đấu giữ làng thu hút đông đảo nhân dân tham gia. Tại các làng, xã, tổ chức đảng, tổ chức quần chúng nhân dân đã tổ chức hướng dẫn nhân dân cách đánh du kích như: đánh chông, đánh bẫy, gài mìn, đào hầm bí mật, bảo vệ cơ sở kháng chiến. Ban xây dựng thôn trang chiến các địa phương vận động nhân dân tham gia xây dựng làng, xã kháng chiến bằng các biện pháp rào làng, làm giao thông hào bao quanh làng, kể cả việc phải dỡ đình, chùa để lấy gỗ làm hầm, ụ tác chiến. Các tổ, đội dân quân, tự vệ của quần chúng ngày đêm canh gác, kiểm soát người lạ mặt, giữ gìn trật tự an ninh. Phong trào làm đường giao thông và phục vụ chiến đấu được nhân dân tham gia sôi nổi, đặc biệt là việc bảo vệ an toàn cho các đoàn vận chuyển cán bộ, chiến sĩ, lương thực, đạn dược giữa Liên khu 3 với Chiến khu Việt Bắc lần lượt đi qua Phả Lại-Yên Dũng-Bến Đám-Dĩnh Kế-Lạng Giang. 
Bốn là, tham gia phong trào ủng hộ kháng chiến. Các tổ chức đảng, tổ chức quần chúng ở cơ sở đã vận động nhân dân ở vùng tạm bị chiếm tỉnh Bắc Giang tích cực đấu tranh chống địch phá hoại kinh tế, bảo vệ mùa màng, nhằm bảo đảm đời sống của nhân dân và đóng góp cho kháng chiến: “nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã bán được trên một nghìn tấn thóc” ủng hộ Chính phủ “khao quân nhân dịp kỷ niệm ngày Quốc khánh 2-9-1949”21. Huyện Lục Ngạn từ 1948 đến 1950, nhân dân các dân tộc trong huyện đã “đóng góp cho kháng chiến 400 tấn thóc”22., “riêng tháng 12-1950, Lục Ngạn đã giao được 1.000 tạ thóc”23. Những đóng góp quý báu này đã được Hội nghị cán bộ vùng địch tạm chiếm lần thứ nhất (7-1951) đánh giá cao: “cán bộ tỉnh, huyện đã bám sát cơ sở, lãnh đạo quần chúng đấu tranh chống địch bắt phu, bắt lính và vận động nhân dân đóng góp sức người, sức của phục vụ chiến dịch Trần Hưng Đạo, Hoàng Hoa Thám24
Thực hiện phong trào mua sắm và rèn đúc vũ khí, ủng hộ lực lượng vũ trang tổ chức chiến đấu, nhiều gia đình đã ủng hộ cả những vật dụng cần thiết như: cày, cuốc, dao, cùng với hàng tấn đồng, tấn sắt thép. Phong trào tự chế tạo vũ khí thô sơ như dao găm, kiếm, bàn chông, cạm bẫy và phong trào luyện tập quân sự phát triển mạnh mẽ trong nhân dân.
Năm là, tham gia phong trào phá tề, làm rã bộ máy chính quyền cơ sở của địch và xây dựng chính quyền cách mạng. Dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, tổ chức đảng ở cơ sở đã lãnh đạo nhân dân trên địa bàn tích cực tham gia phong trào đấu tranh phá tề làm rã bộ máy chính quyền địch ở các làng xã. Đến đầu tháng 2-1950, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang một phần ba số ban tề của địch ở cơ sở đã bị phá rã25. Ở huyện Lục Ngạn, “tất cả các xã trong vùng tạm chiếm... đều nhất loạt phá tề, giải tán hoàn toàn các ban tề ở xã. Hầu hết các chánh phó tổng, trưởng phó lý hội tề đều bị bắt đưa ra vùng tự do”26. Ở huyện Việt Yên, dưới sự lãnh đạo của tổ chức đảng, Ban phá tề ở các làng xã đã phân loại tề, tổ chức địch vận và mật giao, khuếch trương chiến quả, đề cao uy tín chính quyền cách mạng. Qua đó, hầu hết ban tề ở cơ sở bị phá vỡ. Tại huyện Yên Dũng, hoạt động phá tề khá mạnh. Tính chung trong tỉnh kết thúc đợt thi đua giết giặc lập công, quân dân đã diệt và bắt sống hàng trăm tên địch, giải tán 74 ban tề phản động27. Phong trào phá tề của tỉnh Bắc Giang phát triển mạnh nhất trong thời gian phối hợp hoạt động với Chiến dịch Hoà Bình. Trong đợt cao điểm này, “ngụy quyền cơ sở của địch ở Bắc Giang bị vỡ hàng mảng”28.
Ở huyện Lục Nam, “tại các xã vùng địch tạm chiếm, Ủy ban kháng chiến hành chính xã chuyển vào hoạt động bí mật, tiếp tục duy trì các hoạt động vận động, tổ chức nhân dân tham gia kháng chiến. Các thôn vẫn có trưởng thôn phụ trách (trừ thôn Già Khê, Tiên Hưng). Các ban ngành như: thông tin, văn hóa, quân sự... bí mật đẩy mạnh các hoạt động. Các Ủy ban kháng chiến hành chính thực hiện việc chỉ đạo, điều hành lý trưởng hoạt động theo các yêu cầu của ta” và “tích cực tổ chức nhân dân đấu tranh bắt trẻ em đi phu, ngăn cản người lớn đi phu”, tuyên truyền nhân dân không nghe Pháp hiểu dụ, tịch thu thẻ căn cước chúng phát cho dân”29.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác lãnh đạo xây dựng cơ sở chính trị ở vùng tạm bị chiếm của Đảng bộ tỉnh Bắc Giang vẫn còn một số hạn chế, ảnh hưởng đến cuộc kháng chiến của nhân dân trong tỉnh. Nguyên nhân của hạn chế này là do, có lúc, có nơi còn có một số cán bộ thiếu kinh nghiệm công tác, biểu hiện cầu an, dao động, không đi sát với dân. 
Từ nhận thức rõ tầm quan trọng của việc xây dựng cơ sở chính trị trong những năm 1947-1954, Đảng bộ tỉnh Bắc Giang đã lãnh đạo nhân dân trong vùng tạm chiếm xây dựng được cơ sở chính trị ở khắp nơi. Cán bộ, đảng viên của Đảng bộ tỉnh Bắc Giang luôn kiên trì, dũng cảm, bám đất, bám dân, luồn sâu vào vùng địch xây dựng cơ sở đảng, cơ sở quần chúng cách mạng. Trên cơ sở đó, cơ sở chính trị ở vùng tạm bị chiếm của tỉnh Bắc Giang được xây dựng vững mạnh, tạo tiềm lực to lớn về vật chất và tinh thần, góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trên địa bàn tỉnh.
   
 
 
1, 3, 7, 12, 13, 14, 16, 17, 18, 19, 21, 23, 25, 26, 27, 28. Tỉnh ủy Bắc Giang: Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bắc Giang (1926-1975), Nxb CTQG, H, 2003, T. 1, tr. 156-157, 158, 168, 180, 187-188, 210, 229, 239-240, 169, 189, 186-187, 203, 189, 190, 200, 225
2, 24. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bắc Giang: Bắc Giang những chặng đường lịch sử, Nxb CTQG, H, 1999, tr. 191, 214, 214
4, 5, 6. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2001, T. 9, tr. 9, 23, 48
8, 9, 10, 11. Sđd, T. 10,  tr. 1, 5, 22, 17
15. Dự thảo tổng kết du kích chiến tranh giai đoạn 2 (7-1949 đến 11-1951), tài liệu 169, C 1+6, Hồ sơ số 63, lưu tại Ban Tuyên giáo tỉnh ủy Bắc Giang, tr. 220-240
20, 22. Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Lục Ngạn: Lịch sử Đảng bộ huyện Lục Ngạn, Nxb Thanh niên, H, 2010, tr. 61-62, 59
29. Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Lục Nam: Lịch sử Đảng bộ huyện Lục Nam (1930-1975), Xuất bản năm 2009, tr. 101-102.