Tóm tắt: Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 là một dấu mốc lịch sử quan trọng, không chỉ đối với Việt Nam mà còn với cả thế giới. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Điện Biên Phủ như là một cái mốc chói lọi bằng vàng của lịch sử. Nó ghi rõ nơi chủ nghĩa thực dân lăn xuống dốc và tan rã, đồng thời phong trào giải phóng dân tộc khắp thế giới đang lên cao đến thắng lợi hoàn toàn”1; “Đó là thắng lợi vĩ đại của nhân dân ta, mà cũng là thắng lợi chung của tất cả các dân tộc bị áp bức trên thế giới”2. Trong chiến thắng vĩ đại này, tỉnh Lai Châu đã đóng góp một vai trò hết sức quan trọng, vừa đảm bảo hậu cần tại chỗ vừa trực tiếp tham gia chiến đấu giành thắng lợi “lừng lẫy Điện Biên Phủ chấn động địa cầu”.

Từ khóa: Đảng bộ và nhân dân tỉnh Lai Châu; Điện Biên Phủ; 1954

Năm 1954, Điện Biên Phủ thuộc tỉnh Lai Châu, Tây Bắc Việt Nam, nơi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ thì chiến trường Điện Biên Phủ, dưới sự lãnh đạo của Ban cán sự Đảng và Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh Lai Châu, đồng bào các dân tộc tỉnh Lai Châu đã có nhiều đóng góp cho chiến dịch, góp phần vào chiến thắng chung của dân tôc. Điều đó thể hiện trên các mặt sau:
Một là, tuyên truyền, vận động quần chúng và động viên tinh thần cán bộ, chiến sĩ
Tháng 12-1953, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng chủ trương mở chiến dịch Điện Biên Phủ với thời gian dự kiến ban đầu là 45 ngày. Quán triệt quan điểm chỉ đạo của Bộ Chính trị và nhận thức rõ được trách nhiệm của địa phương nơi diễn ra chiến dịch, Ban Cán sự Đảng tỉnh tỉnh Lai Châu đã tập trung lãnh đạo quân và dân các dân tộc trong tỉnh tích cực chuẩn bị phục vụ cho chiến dịch.
Ban Cán sự Đảng tỉnh Lai Châu đã gấp rút thành lập Ban chuẩn bị chiến trường, với nhiệm vụ chính là thâm nhập vào khu vực địch hậu để thực hiện công tác tuyên truyền, kêu gọi nhân dân hỗ trợ lực lượng chiến đấu. Trong điều kiện vô cùng khó khăn do địch chiếm đóng, nhân dân tỉnh Lai Châu vẫn quyết tâm tham gia ủng hộ chuẩn bị cho chiến dịch, từ việc đưa gia súc vào rừng để tránh bị địch cướp, cho đến việc cung cấp lương thực, thực phẩm cho bộ đội; trong khi các tuyến hậu cần từ các tỉnh miền xuôi chưa lên kịp thì hàng trăm tấn lương thực, thực phẩm đã được đồng bào ủng hộ kịp thời, đáp ứng nhu cầu cấp bách trước mắt cho chiến dịch.
Ở những vùng đã được giải phóng, gần mặt trận, cán bộ địa phương vừa tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân đóng góp lương thực, thực phẩm, vừa tổ chức việc đón tiếp dân công vận chuyển lương thực, thực phẩm đến các kho, trạm trung chuyển; đồng thời vận động nhân dân đẩy mạnh tăng gia, sản xuất để có nguồn cung cấp thực phẩm cho chiến trường Điện Biên.
Cùng với việc đảm bảo kịp thời lương thực, thực phẩm cho bộ đội, các hoạt động văn hóa, văn nghệ do nhân dân các dân tộc tỉnh Lai Châu đã góp phần cổ vũ, động viên mạnh mẽ tinh thần và ý chí quyết tâm chiến đấu và chiến thắng.
Hai là, thực hiện phương châm “huy động tại chỗ và tích cực vận chuyển từ hậu phương ra tiền tuyến”
 Được Trung ương giao nhiệm vụ chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên Phủ, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Lai Châu đã tích cực, chủ động phục vụ với tinh thần cao nhất; cùng với cả nước chi viện sức người, sức của cho chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng.
Nhận thức được tầm quan trọng của Chiến dịch Điện Biên Phủ, ngay sau khi nhận được chỉ đạo từ Trung ương Đảng và Khu ủy Tây Bắc lâm thời, Ban Cán sự tỉnh Lai Châu đã di chuyển văn phòng đến hang Thẩm Púa, thuộc huyện Tuần Giáo hiện nay để thuận tiện cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo kháng chiến của tỉnh. Từ hang Thẩm Púa, Ban Cán sự tỉnh Lai Châu dễ dàng nhận sự chỉ đạo của  Bộ chỉ huy và Đảng ủy mặt trận Điện Biên Phủ, đồng thời cũng dễ dàng  triển khai xuống các huyện. Địa bàn tỉnh Lai Châu khi đó được chia thành ba vùng với những nhiệm vụ cụ thể: (1) Vùng tự do, bao gồm các huyện: Quỳnh Nhai, Thuận Châu và Tuần Giáo; có nhiệm vụ tập trung vào việc tăng cường sản xuất nông nghiệp, chống đói và chuẩn bị nguồn lương thực, thực phẩm, đồng thời sửa chữa cầu đường. (2) Vùng mới giải phóng, gồm thị xã Lai Châu và các huyện: Mường Lay, Mường Tè, Sìn Hồ, có nhiệm vụ ổn định đời sống nhân dân, tuyên truyền chính sách của Chính phủ, xây dựng cơ sở cách mạng và loại bỏ các phần tử phản động. (3) Vùng địch tạm chiếm đóng, bao gồm toàn bộ cánh đồng Mường Thanh, có nhiệm vụ phục vụ trực tiếp cho chiến dịch và chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho việc giải phóng.
Trên khắp các địa phương của tỉnh, từ vùng cao tới vùng thấp, nhân dân các dân tộc Thái, Mông, Hà Nhì, Mảng... đã nô nức tham gia vào công tác phục vụ chiến dịch. Những người phụ nữ dân tộc vốn chỉ quen với công việc gia đình, nay cũng hăng hái lên đường, không sợ mưa bom bão đạn hay gian khổ, hy sinh cùng nam giới tham gia xây dựng đường sá, vận chuyển lương thực và trang thiết bị phục vụ chiến đấu. Nhiều gia đình đã tự nguyện đóng góp cả ngựa thồ, thuyền mảng (là những tài sản rất lớn của gia đình) để vận chuyển vũ khí, lương thực, quân trang, quân dụng vượt đèo dốc, thác gềnh hiểm trở tham gia tiếp ứng kịp thời cho bộ đội ta ở chiến trường.
 Theo báo cáo của Khu ủy Tây Bắc, trong tổng số 261.453 dân công, 25.056 tấn gạo, 1.824 tấn thịt, 917 tấn lương thực khác và hàng nghìn con ngựa thồ cung cấp cho chiến dịch Điện Biên Phủ, thì nhân dân các dân tộc tỉnh Lai Châu đã đóng góp 16.972 dân công; 2.666 tấn gạo (vượt định mức 64 tấn); 226 tấn thịt (vượt định mức 43 tấn); 348 con ngựa thồ3. Ngoài ra, nhân dân các dân tộc tỉnh Lai Châu còn đóng góp cho chiến dịch 210 tấn rau xanh; 62 thuyền; hàng trăm mảng nứa; 25.070 cây gỗ để chống lầy, làm đường cho xe pháo và bộ đội vượt qua; riêng huyện Tuần Giáo đã huy động tới 45% tổng số lúa thu hoạch để cung cấp cho chiến dịch4. Lương thực, thực phẩm mà nhân dân các dân tộc tỉnh Lai Châu đóng góp có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, vì tươi ngon hơn, có giá trị dinh dưỡng cao hơn so với lương thực, thực phẩm vận chuyển từ hậu phương xa đến; nhất là giải quyết được kịp thời, tại chỗ cho bộ đội.
Tổng kết chiến dịch Điện Biên Phủ, toàn tỉnh Lai Châu đã có 700 cá nhân, 9 xã điển hình, 38 bản gương mẫu được Trung ương và Khu ủy Tây Bắc tặng Bằng khen về công tác phục vụ chiến dịch5.
Những đóng góp của nhân dân các dân tộc tỉnh Lai Châu không chỉ có ý nghĩa quan trọng về mặt vật chất mà còn vô cùng đáng trân trọng, bởi vì: trong điều kiện đời sống của đồng bào còn muôn vàn khó khăn, thiếu đói, nhưng khi biết bộ đội đến đánh đuổi giặc Pháp xâm lược, những kẻ cướp của, giết người, cào nhà, phá bản nên đồng bào sẵn sàng nhường lương thực, thực phẩm cho bộ đội “ăn no, đánh thắng”; điều đó đã cho thấy tinh thần “cả nước cùng ra trận” đúng như những lời nhận xét của Đại tướng Võ Nguyên Giáp6.
Ba là, trực tiếp tham gia chiến đấu, và phục vụ chiến đấu
Trước chiến dịch Đông-Xuân 1953-1954, các tổ chức đảng trên địa bàn tỉnh Lai Châu đã có sự phát triển khá nhanh, từ một chi bộ với 20 đảng viên, đến tháng 8-1950, đã có 4 chi bộ gồm: Quỳnh Nhai, Điện Biên, Tuần Giáo và chi bộ tại văn phòng Ban cán sự tỉnh. Vào tháng 8-1951, ba Ban cán sự Đảng cấp huyện và liên huyện đã được hình thành, bao gồm: Ban cán sự huyện Điện Biên, Ban cán sự liên huyện Tuần Giáo - Châu Lai và Ban cán sự liên huyện Quỳnh Nhai - Sìn Hồ. Cùng với việc thiết lập chính quyền cách mạng từ tỉnh đến cơ sở, lực lượng vũ trang và bán vũ trang cũng được tổ chức tại các xã và bản.
Chiến thắng trong chiến dịch Tây Bắc năm 1952 đã giúp tỉnh Lai Châu giải phóng hoàn toàn 2 huyện Quỳnh Nhai, Tuần Giáo và giải phóng phần lớn huyện Sìn Hồ. Địch chỉ còn kiểm soát thị xã Lai Châu và một số vị trí nhỏ ở Sìn Hồ, Mường Tè. Ngày 20-1-1953, khi phát hiện quân chủ lực của ta tiến về Tây Bắc, quân Pháp đã nhảy dù chiếm cánh đồng Mường Thanh ở Điện Biên, biến nơi này thành cứ điểm quân sự vững chắc nhất Đông Dương. Địch không ngừng không kích và thả biệt kích, thám báo xuống các huyện Quỳnh Nhai, Tuần Giáo, Thuận Châu, đồng thời sử dụng lực lượng phản động và thổ phỉ để làm rối loạn hậu phương của ta.
Mục tiêu của địch là sử dụng Điện Biên Phủ như một lá chắn cho quân Pháp ở Lai Châu và bảo vệ vùng chiếm đóng ở Thượng Lào, nhằm cản trở tiến công chính của ta trong mùa Đông-Xuân 1953-1954. Trước tình hình này, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã quyết định tiêu diệt địch tại Lai Châu và chọn Điện Biên Phủ là điểm quyết đấu chiến lược để phá vỡ kế hoạch Nava. Quân và dân Lai Châu, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, đã đảm nhận nhiệm vụ kép: vừa hợp tác với quân chủ lực tấn công địch, vừa thanh trừng thổ phỉ, làm sạch địa bàn, đồng thời động viên nhân dân đóng góp sức người, sức của cho tiền tuyến, trở thành hậu phương vững chắc ngay tại chiến trường. Trong suốt quá trình này, sự chỉ đạo sát sao từ Trung ương và Khu ủy Tây Bắc là nguồn động viên lớn lao cho Lai Châu.
Ngày 6-12-1953, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ trong cuộc tiến công chiến lược Đông-Xuân 1953-1954. Đây là chiến dịch mang tính chiến lược quan trọng, được Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh là cần sự tập trung cao độ của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân để đạt được thắng lợi. Sau giai đoạn chuẩn bị khẩn trương, quân và dân tỉnh Lai Châu đã cùng bộ đội chủ lực tiến hành tấn công giải phóng Lai Châu.
Ngày 7-12-1953, dưới sức ép của quân ta, địch tại thị xã Lai Châu đã rút lui về Hà Nội và về Điện Biên Phủ. Các đơn vị quân ta đã nhận lệnh truy kích, bao vây tiêu diệt địch, ngăn chặn sự tập trung về Điện Biên Phủ. Đến ngày 12-12-1953, thị xã Lai Châu cùng các huyện Châu Lai, Mường Tè, Sìn Hồ đã được giải phóng hoàn toàn. Việc giải phóng Lai Châu đã trở thành nguồn cổ vũ mạnh mẽ đối với đồng bào các dân tộc tỉnh Lai Châu tiếp tục tham gia kháng chiến.
Để kịp thời căn dặn đồng bào và cán bộ tỉnh Lai Châu tiếp tục thực hiện tốt nhiệm kháng chiến, trong “Thư gửi đồng bào và cán bộ Lai Châu” ngày 12-12-1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: 1) Đoàn kết thân ái giúp đỡ lẫn nhau. 2) Giúp đỡ bộ đội diệt phỉ, trừ gian, giữ gìn trật tự. 3) Ra sức tăng gia sản xuất để mọi người được ấm no. 4) Hết sức trung thành với Tổ quốc và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa7.
Mặc dù vậy, thời điểm này địch vẫn không ngừng tìm cách đỡ đòn cho mặt trận Điện Biên Phủ và âm mưu tái chiếm Lai Châu. Quân Pháp đã tổ chức lực lượng thổ phỉ trên quy mô lớn tại các huyện phía bắc tỉnh mới giải phóng. Đến cuối tháng 2-1954, hầu hết các khu vực phía bắc Lai Châu như Mù Su, Mù Cả, Mường Tè, Mường Nhé, Mường Chà đều rơi vào tay thổ phỉ dưới sự chỉ huy của Đào Gia Trụ thuộc Quốc dân Đảng và Rooghe người Pháp.
Nhận thức rõ chủ trương của Trung ương Đảng và Khu ủy Tây Bắc, Ban Cán sự Đảng tỉnh Lai Châu đã xác định việc loại bỏ các nhóm phỉ là nhiệm vụ cấp bách, giúp cho lực lượng chủ lực tập trung chiến đấu tại Điện Biên Phủ. Với phương châm “chính trị, quân sự phải đi đôi, lấy chính trị làm chủ yếu, quân sự làm áp lực quan trọng”, tỉnh Lai Châu đã quyết liệt trừng phạt những kẻ cầm đầu cứng đầu, đồng thời mở lòng khoan hồng với những người lạc lối, khuyến khích họ buông súng đầu hàng. Cán bộ và bộ đội địa phương đã tích cực thâm nhập vào cộng đồng, tổ chức các buổi tố cáo tội ác của kẻ thù và những kẻ phản bội dân tộc; tuyên truyền chính sách khoan dung của Chính phủ và kêu gọi những kẻ phản loạn giao nộp vũ khí. Qua đó, lòng căm thù của nhân dân đối với quân xâm lược Pháp và tay sai của chúng càng tăng cao, nhân dân tỉnh Lai Châu đã tự nguyện hỗ trợ cán bộ và bộ đội trong công cuộc tiêu diệt thổ phỉ. Sự tỉnh thức đã lan tỏa, nhiều gia đình đã chủ động vào rừng tìm kiếm và thuyết phục người thân từ bỏ hàng ngũ thù địch và quay về với cách mạng. Dưới sự hướng dẫn của dân quân, du kích và người dân địa phương, bộ đội chủ lực và địa phương đã vượt qua rừng núi, tạo thế vây ráp, phân tán lực lượng thù địch, kết hợp chặn đứng nguồn tiếp tế và sử dụng loa phát thanh để kêu gọi đầu hàng, khiến cho lực lượng thổ phỉ rơi vào tình trạng hoang mang và tan rã. Cuối tháng 4-1954, trong khi bộ đội chủ lực đang gấp rút chuẩn bị tiến hành đợt tổng công kích tiêu diệt hoàn toàn tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ vào đầu tháng 5, thì trên địa bàn tỉnh Lai Châu hầu hết các nhóm phỉ lớn cũng đã bị tiêu diệt.
Việc giải phóng thị xã Lai Châu, ngăn chặn không cho lực lượng địch ở đây rút về tập trung tại Điện Biên Phủ và tiêu diệt lực lượng thổ phỉ của quân và dân Lai Châu đã góp phần rất quan trọng vào thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh Lai Châu còn có những vị trí bảo đảm cho một số đơn vị bộ đội chủ lực tập kết, tổ chức tập luyện trước khi bước vào chiến dịch.
Như vậy, có thể thấy rằng sự đóng góp của quân và dân các dân tộc Lai Châu trong chiến dịch Điện Biên Phủ là hết sức quan trọng, góp phần vào thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.
Phát huy truyền thống Điện Biên Phủ anh hùng, trong suốt 70 năm qua Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Lai Châu đã luôn đoàn kết, thống nhất, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, dũng cảm trong chiến đấu, cần cù trong lao động sản xuất, cùng cả nước hoàn thành thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và xây dựng Lai Châu từng bước phát triển, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia.
Thực hiện đường lối đổi mới, đặc biệt từ năm 2004, sau chia tách tỉnh8, tỉnh Lai Châu (mới) gặp rất nhiều khó khăn, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội thấp kém, lạc hậu, tỷ lệ đói nghèo cao, tổ chức bộ máy và cán bộ đang được kiện toàn, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Thực hiện các Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh từ các khóa XI (2005-2010) đến khóa XIV (2020-2025), Đảng bộ tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, lãnh đạo nhân dân đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa, giáo dục, chú trọng công tác quốc phòng, an ninh, đối ngoại, tăng cường công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Đến nay, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Lai Châu đã giành được nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực.
Tiếp tục phát huy tinh thần Điện Biên Phủ anh hùng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Trên những bản làng yên bình và ngày càng giàu đẹp ở miền biên giới Tây Bắc hôm nay, mỗi người dân Lai Châu vẫn luôn ý thức sâu sắc trách nhiệm của mình trong việc xây dựng và bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia.




Ngày nhận bài 7-3-2024; ngày thẩm định, đánh giá 21-3-2024; ngày duyệt đăng 29-3-2024
1. Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, T.14, tr. 315, 271
2. Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, T.14, tr. 271
3. Tỉnh ủy - Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên - Bộ tư lệnh quân khu II - Viện Lịch sử quân sự Việt Nam: Kỷ yếu Hội thảo khoa học: "Chiến thắng Điện Biên Phủ sức mạnh đại đoàn kết dân tộc bài học và giá trị lịch sử", năm 2009, tr. 2-3.
4. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Lai Châu: Lịch sử Đảng bộ tỉnh Lai Châu, Nxb CTQG, H, 1999, T.1, tr. 216.
5. Thanh Sơn: “Lai Châu huy động sức người, sức của trong chiến dịch Điện Biên Phủ” http://laichau.dcs.vn, ngày 4-5-2020.
6. Hồng Nhung: “Đóng góp to lớn của tỉnh Lai Châu trong Chiến dịch Điện Biên Phủ”, https://btctdbp-svhttdl.dienbien.gov.vn, ngày 3-11-2015.
7. Nxb CTQG, H, 2011, T. 8, tr.367
8. Ngày  26-11-2003, Quốc hội ra Nghị quyết chia tỉnh Lai Châu thành tỉnh Lai Châu (mới) và tỉnh Điện Biên.