Tóm tắt: Trong những năm 2010 - 2022, công tác bảo tồn, phát huy giá trị của làng nghề truyền thống, gắn với phát triển du lịch được Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng quan tâm lãnh đạo thực hiện. Qua đó, các làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh được khôi phục, bảo tồn và phát triển, trong đó có một số ngành nghề mang đặc trưng của vùng Tây Nguyên. Kết quả đó đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và gìn giữ, bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.

Từ khóa: Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng; làng nghề truyền thống; bảo tồn; du lịch


 
Nghề dệt thổ cẩm trong buôn B’Nớ C, xã Lát, huyện Lạc Dương

1. Chủ trương và sự chỉ đạo thực hiện bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống của Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng (2010-2022)
Quán triệt chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước về bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc và căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương, trong những năm 2010-2022, Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng tiếp tục đề ra chủ trương, chính sách bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc, gắn phát triển văn hóa với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh, trong đó chú trọng phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số, nhất là những nghề, làng nghề truyền thống.
Đại hội Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ IX (2010) đề ra nhiệm vụ và giải pháp trong phát triển du lịch, trong đó tập trung các nguồn lực đầu tư xây dựng, phát triển các loại hình du lịch có lợi thế của địa phương; tôn tạo, nâng cấp các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, bảo tồn, khôi phục, phát triển các làng nghề truyền thống…
Với mục tiêu “đột phá, tăng tốc”, Tỉnh ủy đề ra nhiều chương trình trọng tâm, trong đó chú trọng Chương trình phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và Chương trình phát triển du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng.
Cụ thể hóa chủ trương của Đảng bộ tỉnh, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành nhiều văn bản như: Quyết định số 1536/QĐ/UBND ngày 27-7-2012 Về việc phê duyệt đề án “Tăng cường quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả di sản văn hóa nhằm phát triển sản phẩm du lịch, loại hình du lịch trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2012-2015 và tầm nhìn đến 2020” nêu rõ việc bảo tồn và phát triển di sản văn hoá các dân tộc gắn với du lịch ở Lâm Đồng; phát triển sản phẩm du lịch, loại hình du lịch trên địa bàn tỉnh, đầu tư hình thành phát triển mô hình du lịch cộng đồng kết hợp với du lịch sinh thái theo hướng sử dụng tài nguyên là di sản văn hóa các dân tộc tỉnh Lâm Đồng. Tiếp theo, Quyết định số 1945/QĐ-UBND ngày 14-9-2012, về việc phê duyệt Đề án “Khôi phục một số làng nghề truyền thống, làng văn hóa kiểu mẫu trong vùng đồng bào dân tộc gắn với du lịch tỉnh Lâm Đồng” nêu rõ mục tiêu xây dựng và thực hiện có hiệu quả mô hình du lịch cộng đồng ở một số địa phương đồng bào dân tộc thiểu số bản địa; một trong những mục tiêu cụ thể là xây dựng bộ tiêu chí mô hình du lịch cộng đồng và mô hình làng nghề truyền thống gắn với du lịch; nhấn mạnh việc tổ chức mô hình du lịch cộng đồng tại Đarahoa, xã Hiệp An, huyện Đức Trọng, lấy nghề dệt vải của người K’Ho Cil tại địa phương làm hoạt động chính. Quyết định số 172/QĐ-UBND ngày 22-1-2014 về việc phê duyệt Đề án “Bảo tồn và phát triển làng nghề tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2014-2016 và định hướng đến 2020” đề ra mục tiêu bảo tồn, giữ gìn và phát triển nghề truyền thống, làng nghề, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, nâng cao thu nhập, tạo việc làm cho lao động nông thôn.
Đại hội Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ X (2015) tiếp tục khẳng định chủ trương về giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống, phát triển du lịch dựa trên các sản phẩm mang giá trị văn hóa đặc trưng của địa phương: “Đẩy mạnh phát triển dịch vụ du lịch”, “xây dựng các sản phẩm thương hiệu du lịch đặc sắc”, “phát triển tiểu thủ công nghiệp gắn với phát triển dịch vụ du lịch”1 ; “phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội”; “xây dựng nền văn hóa, con người Việt Nam ở địa phương, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc”2.
Tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ XI (2020), Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng  tiếp tục nêu chủ trương bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống: “đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế; phát triển du lịch chất lượng cao; nâng cao vai trò văn hóa, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa đặc sắc cộng đồng các dân tộc3; nhấn mạnh “thúc đẩy phát triển ngành tiểu thủ công, mỹ nghệ truyền thống”4; chú trọng bảo tồn, phát huy giá trị, bản sắc văn hóa các dân tộc Tây Nguyên, nhất là tiếng nói, chữ viết, sắc phục, kiến trúc nhà ở gắn với phát triển du lịch, dịch vụ”5 ; phát huy giá trị và sức mạnh văn hóa, con người của địa phương; “Thực hiện hiệu quả nghị quyết, chương trình về phát triển văn hóa. Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, truyền thống tốt đẹp các dân tộc, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên; khai thác hiệu quả lợi thế, giá trị bản sắc để phát triển kinh tế - xã hội vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số”6 .
Cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ XI (2020), ngày 25-5-2022, Tỉnh ủy Lâm Đồng ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TU ngày 25-5-2022 “Về phát triển công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, nêu rõ: Phát triển tiểu thủ công nghiệp gắn với du lịch; tiếp tục phát triển các làng nghề truyền thống, đậm đà bản sắc dân tộc hiện có; khuyến khích hình thành, mở rộng mô hình phát triển tiểu thủ công nghiệp gắn với du lịch (bao gồm dệt thổ cẩm, mây tre đan,...); khuyến khích các nghệ nhân, thợ giỏi, các nhà nghiên cứu tham gia bảo tồn các nét truyền thống của sản phẩm; xây dựng thương hiệu làng nghề.
Thực hiện chủ trương bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống của Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng, UBND tỉnh tiếp tục ban hành nhiều văn bản nhằm tăng cường việc quản lý, khai thác, bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch: Kế hoạch số 1270/KH-UBND triển khai thực hiện Nghị quyết số 03-QĐ/TU của Tỉnh ủy giai đoạn 2016 - 2020 về “Chương trình phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp giai đoạn 2016 – 2020”; Văn bản số 859/UBND-TH2 ngày 26-2-2016, “Lập quy hoạch phát triển tiểu thủ công nghiệp, làng nghề truyền thống gắn với phát triển hàng thủ công mỹ nghệ trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng”; Quyết định số 2719/QĐ-UBND ngày 7-12-2016, Phê duyệt “Đề cương, nhiệm vụ quy hoạch và dự toán kinh phí dự án quy hoạch phát triển tiểu thủ công nghiệp, làng nghề truyền thống gắn với phát triển hàng thủ công mỹ nghệ trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035”; Quyết định số 1335/QĐ-UBND ngày 15-6-2017, Phê duyệt “Kế hoạch lựa chọn nhà thầu lập quy hoạch phát triển tiểu thủ công nghiệp, làng nghề truyền thống gắn với phát triển hàng thủ công mỹ nghệ trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035”; Quyết định số 450/QĐ-UBND, ngày 6-3-2018 về việc phê duyệt “Đề án bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc bản địa, khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống gắn với hoạt động du lịch trên địa bàn Lâm Đồng giai đoạn 2018 - 2020 và định hướng đến năm 2030”; Quyết định số 1766/QĐ-UBND tỉnh Lâm Đồng ngày 30-9-2022, Phê duyệt “Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2022-2030”. Quyết định nêu rõ mục tiêu đến năm 2025 và mục tiêu giai đoạn 2026-2030: bảo tồn, phát triển, phát triển mới làng nghề, làng nghề truyền thống; tăng thu nhập bình quân của lao động làng nghề so với sản xuất thuần nông; tăng tỷ lệ lao động trong làng nghề được đào tạo nghề; phấn đấu có một số sản phẩm của làng nghề tham gia chương trình OCOP và được công nhận sản phẩm cấp tỉnh (3 đến 4 sao).
Các sở, ngành của tỉnh có liên quan cũng ban hành các văn bản triển khai thực hiện, trong đó, Kế hoạch số 47 /KH-SVHTTDL ngày 11-4-2023 “về việc triển khai Dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nêu mục đích và những chính sách cụ thể nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, các nghề truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số phục vụ phát triển các loại hình du lịch trên địa bàn tỉnh.
Các văn bản trên đã cụ thể hóa những nội dung, biện pháp thực hiện  việc bảo tồn, gìn giữ, phát triển làng nghề truyền thống, trong đó nhấn mạnh định hướng bảo tồn, phát triển các làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch với mục tiêu: “Bảo tồn, giữ gìn và phát triển nghề truyền thống; làng nghề, làng nghề truyền thống; nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm từ nghề truyền thống...giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, góp phần thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh”7 .
Những chủ trương, chính sách trên đã góp phần khơi thông nguồn lực đối với việc bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch, hướng tới thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, tạo động lực thúc đẩy các làng nghề truyền thống phát triển sản xuất, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội bền vững trong giai đoạn 2025 - 2030 của tỉnh Lâm Đồng.

2. Một số kết quả
Tính đến cuối năm 2022, tỉnh Lâm Đồng có 32 làng nghề (20 làng nghề truyền thống và 12 làng nghề), tỉnh đã công nhận 19 làng nghề (13 làng nghề truyền thống và 6 làng nghề). Trong đó, tổng số hộ hoạt động trong làng nghề là 5.030 hộ, tổng số lao động trong làng nghề là 9.323 người, lao động thường xuyên có 7.458 người, lao động nữ có 5.594 người, lao động là người đồng bào dân tộc thiểu số có 1.977 người8 . Theo số liệu thống kê năm 2022, tình hình sản xuất kinh doanh của các làng nghề đã được công nhận, có tổng vốn và tài sản là 989 tỷ đồng, tổng doanh thu 274,3 tỷ đồng, thu nhập bình quân/lao động/tháng là 4,7 triệu đồng, nộp ngân sách: 0,95 tỷ đồng9 . Các làng nghề truyền thống của tỉnh gồm các ngành: dệt thổ cẩm, đan lát, nấu rượu cần, làng hoa. Ngoài ra còn có các nghề thủ công truyền thống như: gốm, đúc nhẫn bạc, rèn của người dân tộc thiểu số tỉnh Lâm Đồng (người K’Ho, Mạ, Chu Ru, M’Nông).

Làng nghề truyền thống dệt thổ cẩm: Trong các làng nghề truyền thống làm nghề thủ công của tỉnh, làng nghề truyền thống dệt thổ cẩm có số lượng nhiều nhất (hơn 10 làng ở các địa phương trong tỉnh với khoảng 600 hộ và trên 900 lao động)10  Nghề dệt thổ cẩm ở Lâm Đồng gắn liền với bản sắc văn hóa, đời sống kinh tế, xã hội của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Sản phẩm của nghề dệt thổ cẩm rất đa dạng, không chỉ là kết quả của sự kết hợp khéo léo về màu sắc, kết cấu, hoa văn, họa tiết, mà còn thể hiện một cách sinh động cuộc sống, nét văn hóa đặc trưng của người dân tộc thiểu số ở Lâm Đồng. Chính vì thế, bảo tồn nghề dệt thổ cẩm của Lâm Đồng không chỉ là bảo tồn một ngành nghề sản xuất tạo ra của cải vật chất, đáp ứng nhu cầu kinh tế, mà hơn thế còn là bảo tồn những bản sắc văn hóa đặc trưng, đời sống tinh thần của người dân tộc thiểu số vùng đất Tây Nguyên. Các sản phẩm phổ biến, đặc sắc của làng nghề truyền thống dệt thổ cẩm là váy phụ nữ, khố mặc cho nam, khăn trải bàn, khăn choàng cổ, túi đeo,…
Các làng nghề truyền thống dệt thổ cẩm gắn với du lịch ở Lâm Đồng, trong đó có: Làng nghề truyền thống dệt thổ cẩm thôn B’Nớ C thuộc thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương gắn với khu du lịch núi Lang Biang; làng nghề truyền thống dệt thổ cẩm ở K’Long, xã Hiệp An, huyện Đức Trọng gắn với tuyến du lịch Quốc lộ 20 và điểm du lịch Làng Gà; làng nghề truyền thống dệt thổ cẩm buôn Ka Tung, huyện Đam Rông gắn với điểm du lịch suối nước nóng xã Đạ Long, huyện Đam Rông; làng nghề truyền thống dệt thổ cẩm xã Đồng Nai Thượng, huyện Cát Tiên; làng nghề truyền thống dệt thổ cẩm, thôn 1,3, xã Lộc Tân, huyện Bảo Lâm.
Sự kết hợp của các tour du lịch với làng nghề truyền thống là cách hữu hiệu để giới thiệu, quảng bá sản phẩm các nghề thủ công truyền thống của người dân tỉnh Lâm Đồng. Đến tham quan các làng nghề truyền thống dệt thổ cẩm, du khách được chứng kiến một số công đoạn của quy trình dệt nên một tấm vải thổ cẩm (xe tơ, quay sợi, dệt), từ đó, hiểu sâu sắc hơn về giá trị, ý nghĩa và sự cần thiết phải bảo tồn của nghề dệt truyền thống đối với cuộc sống của người dân địa phương. Các sản phẩm thổ cẩm được bày bán tại các quầy lưu niệm hoặc được du khách đặt may đo,  không chỉ mang giá trị hàng hóa, mà còn là thông điệp nói lên giá trị văn hóa, tinh thần của nghề thủ công truyền thống ở Lâm Đồng.

Làng nghề truyền thống đan lát: Đan lát là nghề thủ công rất phổ biến tạo ra những vật dụng phục vụ sinh hoạt và sản xuất trong gia đình của các tộc người thiểu số ở Lâm Đồng. Hiện nay, toàn tỉnh có các làng nghề truyền thống mây tre đan ở xã Đạ Tông, Liêng Sê Rôn, huyện Đam Rông; làng nghề đan lát truyền thống thôn Duệ, xã Đinh Lạc, huyện Di Linh; làng nghề mây tre đan ở khu phố 2 – thị trấn Mađaguôi với gần 470 hộ và khoảng 900 lao động11, được bảo tồn, phát triển nhằm góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc Tây Nguyên. Sản phẩm của nghề đan lát có hai loại: sản phẩm dùng trong gia đình (nong, mẹt, gùi…); sản phẩm dùng để trao đổi mua bán (giỏ đựng hàng, gùi lưu niệm, nong, né, bàn ghế, tăm, đũa tre,…).

Các làng nghề truyền thống đan lát kết nối các tuyến, điểm du lịch ở Lâm Đồng, trong đó có các làng nghề truyền thống đan lát Ma Đa Guôi, huyện Đạ Huoai gắn với các điểm du lịch thị trấn Ma Đa Guôi; làng nghề truyền thống đan lát thôn Duệ, xã Đinh Lạc, huyện Di Linh, gắn với các điểm du lịch của cao nguyên Di Linh như thác Bobla, thác Liliang...

 

Nghề đan lục bình, mây, tre ở huyện Đạ Tẻh

Làng nghề truyền thống làm rượu cần: Những làng này được bảo tồn, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc Tây Nguyên. Rượu cần đối với đồng bào người dân tộc thiểu số tỉnh Lâm Đồng là một đồ uống đặc trưng của địa phương, với men lá và các loại lá cây, tạo thành hương rượu đặc biệt. Rượu cần thể hiện một cách sinh động phong tục tập quán, bản sắc văn hóa dân tộc, mối quan hệ cộng đồng trong không gian văn hóa của các dân tộc thiểu số vùng Nam Tây Nguyên.
Hiện nay, trong tỉnh lâm Đồng có 2 làng nghề truyền thống làm rượu cần, với hơn 100 hộ và hơn 200 lao động: Làng nghề truyền thống rượu cần “Bon Lang Biang” thuộc tổ dân phố Đăng Gia, thị trấn Lạc Dương với 71 hộ và 142 lao động, năm 2015 được công nhận là làng nghề truyền thống; làng nghề truyền thống làm rượu cần người Châu Mạ và Stiêng ở thôn Bù Đạt, xã Phước Cát, huyện Cát Tiên với 30 hộ và 60 lao động12.
Làng nghề truyền thống nấu rượu cần gắn với tuyến, điểm du lịch nổi bật là làng nghề truyền thống rượu cần “Bon Lang Biang” thuộc thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương gắn với khu du lịch Lang Biang. Khi đến tham quan khu du lịch, du khách sẽ kết hợp tham quan làng nghề truyền thống, thưởng thức và mua sản phẩm của làng nghề làm quà lưu niệm. Mỗi chóe rượu cần, tùy dung tích có giá dao động trong khoảng vài trăm nghìn đồng, đem lại nguồn thu không nhỏ cho các hộ làm nghề nhất là vào cao điểm mùa du lịch.

Làng nghề truyền thống trồng hoa: Những làng nghề này bảo tồn và phát triển các loại hoa quý hiếm và đặc sắc của thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Hiện nay, toàn tỉnh có 6 làng nghề truyền thống trồng hoa đều tập trung ở thành phố Đà Lạt, với 1567 hộ và 3580 lao động13. Các làng nghề truyền thống trồng hoa đã tồn tại lâu năm (làng hoa Hà Đông hình thành từ năm 1938, có tuổi đời trên 80 năm; làng hoa Thái Phiên và làng hoa Vạn Thành đã hình thành trên 60 năm). Các làng hoa ở Lâm Đồng là nơi ươm trồng, sản xuất, bảo tồn và phát triển các loại hoa truyền thống quý hiếm và đặc sắc của địa phương như: hoa hồng, lay ơn, địa lan, phong lan, cúc, cẩm tú cầu… góp phần hình thành lịch sử, truyền thống, văn hóa, thương hiệu của tỉnh Lâm Đồng.
Mũi nhọn kinh tế du lịch của tỉnh phát triển có sự đóng góp rất lớn từ các làng hoa (hiện có 4 doanh nghiệp, 5 hợp tác xã thuộc làng nghề làng hoa)14. Hiện nay, các làng hoa thuộc thành phố Đà Lạt được đầu tư, phát triển với diện mạo mới, có sức thu hút, hấp dẫn lớn đối với khách du lịch, giá trị thu hoạch bình quân trên 1 ha canh tác gia tăng, góp phần nâng cao thu nhập cho các hộ, cơ sở làm nghề. Hoạt động thường niên nổi bật của ngành nghề trồng hoa tỉnh Lâm Đồng là Festival Hoa Đà Lạt được tổ chức 2 năm một lần. Đồng thời, các tour du lịch tham quan làng nghề truyền thống làng hoa cũng thường xuyên diễn ra, du khách có thể tham quan, trải nghiệm tại các cánh đồng chuyên canh hoa đặc sắc tại Đà Lạt. Theo thống kê, “lượng khách (khi chưa có dịch COVID-19) đến tham quan làng hoa là trên 20 ngàn lượt người, nổi trội một số làng hoa thu hút trên 50 ngàn lượt khách đến tham quan”15. Các làng nghề truyền thống trồng hoa trên địa bàn tỉnh là điểm sáng thể hiện lợi thế địa phương, ngày càng khẳng định vai trò quan trọng đối với phát triển du lịch, dịch vụ, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Những chủ trương, chính sách của Đảng bộ, chính quyền tỉnh Lâm Đồng đối với công tác bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống trong giai đoạn 2010-2022, đã đem lại kết quả rõ rệt trong khôi phục, bảo tồn các làng nghề truyền thống, đóng góp vào sự tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội và gìn giữ những nét đẹp của bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số của địa phương. Tuy nhiên, làng nghề truyền thống ở Lâm Đồng, nhất là các làng nghề truyền thống thủ công của người dân tộc thiểu số vẫn đang trong nguy cơ bị mai một, còn có những hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng với nhu cầu thực tiễn. Trong khi đó, việc khai thác tiềm năng du lịch trong quảng bá, marketting và tiêu thụ sản phẩm của làng nghề truyền thống chưa được khai thác phù hợp...
Để đạt được hiệu quả bền vững, trong quá trình thực hiện bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch cần tiếp tục: Phát triển du lịch làng nghề kết hợp du lịch cộng đồng; đảm bảo tổ chức liên kết chuỗi giá trị; đầu tư khôi phục, phát triển các nghề truyền thống mang tính đặc trưng của địa phương, đồng thời với xây dựng thương hiệu và nâng cao chất lượng sản phẩm; xây dựng, nâng cấp và phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật cho làng nghề truyền thống theo hướng đồng bộ; nâng cao chất lượng các dịch vụ du lịch phục vụ khách tham quan; tổ chức nghiên cứu thị trường, xúc tiến quảng bá du lịch;...
Trong những năm 2010-2022, Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng đã đề ra được nhiều chủ trương, chính sách phù hợp nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có nhằm bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống, gắn với phát triển kinh tế du lịch. Qua đó đã thực hiện được mục tiêu  kép, vừa góp phần quan trọng vào bảo tồn, gìn giữ những nét đẹp của bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số Tây Nguyên trên địa bàn tỉnh, vừa đóng góp vào sự tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương
.
 


 
1, 2. Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng: “Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ X, nhiệm kỳ 2015 – 2020”, Lâm Đồng, 2015, tr. 5, 6
3, 4, 5, 6.Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng: Văn kiện Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ XI, Lâm Đồng, 2020, tr. 34, 38, 39-40, 42
7. Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng: “Quyết định số 172/QĐ-UBND, ngày 22/01/2014 Về việc phê duyệt đề án bảo tồn và phát triển làng nghề tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2014-2016 và định hướng đến 2020”, tr. 2.
8, 9, 10, 11, 12, 13, 14. Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng, Sở Công Thương: “Báo cáo tình hình phát triển làng nghề tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng”, ngày 19-6-2023, tr. 2, 3, 8
15. Hà Nguyễn: “Phát triển các làng hoa Đà Lạt - nhìn từ Nghị quyết 07”, http://baolamdong.vn/kinhte/202201/phat-trien-cac-lang-hoa-da-lat-nhin-tu-nghi-quyet-07-3097532/, cập nhật, 6-1-2022.