Tóm tắt: Một trong những nội dung quan trọng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và lịch sử của phong trào cộng sản, phong trào xã hội chủ nghĩa trên thế giới, trên nhiều phương diện, là lịch sử đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội, phản bác các quan điểm lệch lạc, sai trái, thù địch đủ loại, bảo vệ hệ tư tưởng khoa học và cách mạng của giai cấp vô sản. Giữ vững mục tiêu chủ nghĩa xã hội trong đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là một nhiệm vụ quan trọng của công tác tư tưởng, công tác lý luận hiện nay.

1. Chủ nghĩa cơ hội là hệ thống quan điểm chính trị không theo một định hướng, một đường lối rõ rệt, không có chính kiến, thường xuyên ngả nghiêng nhằm mưu lợi trước mắt. Chủ nghĩa cơ hội được thể hiện thành đường lối chính trị thỏa hiệp, cải lương, hợp tác, nhân nhượng vô nguyên tắc với kẻ thù, trái với lợi ích cơ bản của giai cấp công nhân và nhân dân lao động. Chủ nghĩa cơ hội hữu khuynh theo đuổi con đường cải biến một cách hòa bình chủ nghĩa tư bản thành chủ nghĩa xã hội, từ bỏ đấu tranh giai cấp và mục tiêu giành chính quyền về tay giai cấp công nhân. Chủ nghĩa cơ hội “tả” khuynh là sự pha trộn giữa cực đoan và phiêu lưu, giáo điều, manh động, chủ quan, sùng bái bạo lực, bất chấp mọi điều kiện khách quan. Chủ nghĩa cơ hội hữu khuynh hay “tả” khuynh đều đẩy phong trào cách mạng đi đến tổn thất, thậm chí thất bại nặng nề.
 
2. Từ ngày thành lập năm 1930 đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam rất coi trọng công tác tư tưởng, trong đó một nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên là bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng và đường lối đúng đắn của Đảng, đấu tranh kịp thời và kiên quyết phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Một số biểu hiện cơ hội dưới hai hình thức “tả” khuynh và hữu khuynh với mức độ khác nhau đã từng xuất hiện trong những thời điểm khó khăn và trước các bước ngoặt vận động của phong trào cách mạng. 
Trong những năm đầu lãnh đạo cách mạng, trong Đảng có những xu hướng cơ hội “tả” khuynh và hữu phái cả về lý thuyết và thực hành, như Đại hội I (3-1935) của Đảng đã nhận định: “Đảng Đại hội xét rằng hiện thời trong Đảng ta còn có nhiều xu hướng đầu cơ “tả” khuynh và hữu phái cả về lý thuyết và thực hành”1. Trong thời kỳ cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức (1954-1958), việc lãnh đạo tư tưởng đã có nhiều lệch lạc, cứ một chiều nhấn mạnh chống hữu khuynh, gây ra một cao trào chống hữu trong Đảng, không chú ý đến việc phòng “tả” do đó mà những sai lầm “tả” khuynh càng trở nên trầm trọng, như Nghị quyết Trung ương 10 (mở rộng) khóa II về công tác cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức đã kịp thời vạch rõ. Do đó, Đảng chỉ rõ cần: “Chống những tư tưởng tả khuynh, hữu khuynh trong khi chưa phát động quần chúng”2. 
Trong thời kỳ 1976-1986, Đảng đã mắc bệnh chủ quan duy ý chí, lối suy nghĩ và hành động nóng vội, chạy theo nguyện vọng chủ quan, khuynh hướng buông lỏng trong quản lý kinh tế, xã hội, không chấp hành nghiêm chỉnh đường lối và nguyên tắc của Đảng. Đó là tư tưởng tiểu tư sản vừa “tả” khuynh, vừa hữu khuynh, như Đại hội VI (1986) của Đảng nhận định, đánh giá: “Nguồn gốc là tư tưởng tiểu tư sản, vừa “tả” vừa hữu”3.
Cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch hiện nay đang được triển khai sâu rộng trong toàn Đảng và xã hội, đã đạt nhiều kết quả tích cực, rõ rệt và cần tiếp tục đẩy mạnh với chất lượng, hiệu quả cao hơn nữa. Trong quá trình này, cần làm sáng tỏ hơn các nguyên tắc cơ bản của công tác tư tưởng, cuộc đấu tranh tư tưởng nói chung, trong đó có nhiệm vụ đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch vì mục tiêu CNXH. Xin nhấn mạnh 5 nguyên tắc sau:
Một là, phải xem đấu tranh tư tưởng, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là nhiệm vụ thường xuyên. Các quan điểm sai trái, thù địch và chủ nghĩa cơ hội cả xét lại hữu khuynh và giáo điều “tả” khuynh đều không sinh ra từ hư vô. Chúng có nguồn gốc kinh tế, xã hội, văn hóa và chính trị rất phức tạp và hiện hữu! Một khi các cơ sở kinh tế của chế độ TBCN, trong đó có các quan hệ sản xuất TBCN, vẫn tồn tại và thậm chí vẫn còn tiềm năng phát triển như hiện nay, thì tất yếu sẽ nuôi dưỡng không ít lực lượng xã hội gắn bó một cách sống còn với CNTB, không thể tương dung với hệ tư tưởng cộng sản và chế độ XHCN. Mặt khác, giai cấp công nhân và các lực lượng cách mạng khác đều phải có một quá trình rèn luyện lâu dài mới trưởng thành từ giai cấp “tự nó” thành giai cấp “cho nó”. Trong quá trình ấy, một số người rơi vào hạn chế, sai lầm, trượt vào quỹ đạo của tư tưởng tư sản; thậm chí, một số người đã trở thành kẻ “giữ cửa” cho chế độ TBCN. Cũng phải kể thêm, cuộc khủng hoảng, đổ vỡ của CNXH hiện thực cuối thế kỷ XX và những khó khăn, hạn chế của các mô hình XHCN thế giới hiện nay đang tạo ra mảnh đất lợi hại cho các giọng điệu cơ hội, sai trái, thù địch xuất hiện và lây lan nhanh chóng.
Những nhân tố nêu trên chính là cơ sở kinh tế - xã hội của chủ nghĩa cơ hội nói chung và các quan điểm sai trái, thù địch nói riêng đang chống phá hệ tư tưởng cộng sản và CNXH trên thế giới. Công cuộc xây dựng CNXH không thể ngay lập tức loại bỏ cơ sở kinh tế - xã hội lợi hại ấy, mà phải thông qua quá trình cải tạo, phát triển lâu dài theo nguyên tắc: suy cho cùng, một sức mạnh vật chất chỉ có thể bị đánh đổ bằng một lực lượng vật chất khác. Vì vậy, các lực lực cộng sản và cách mạng phải duy trì thường trực ý thức đấu tranh và thường xuyên đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của mình, phê phán, loại bỏ mọi khuynh hướng tư tưởng cơ hội, sai lầm, sai trái, chống đối, thù địch, phản động.
Hai là, những chiến sĩ đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch phải rèn luyện và giữ vững quan điểm, lập trường và niềm tin cộng sản. Nếu như trên lĩnh vực kinh tế, CNXH có thể và cần thiết phải tạo không gian cho các thành phần kinh tế tư bản phát triển, phải sử dụng những khâu trung gian, phải kết hợp những mặt đối lập, phải bắt CNTB nhà nước “cày” trên “thửa ruộng” XHCN...; hoặc trên lĩnh vực chính trị, những người cách mạng, trong không ít trường hợp, có thể và cần biết tiến hành nhân nhượng, thỏa hiệp với kẻ thù, nhưng trên mặt trận đấu tranh tư tưởng, không bao giờ có vị trí trung dung, không chấp nhận bất kỳ sự nhân nhượng, thỏa hiệp nào. Nếu không vững vàng ở lập trường bên này, thì nhất định sẽ trượt sang lập trường bên đối lập. Bởi vậy, chuẩn bị kiến thức và rèn luyện ý thức, lập trường, bản lĩnh cho cuộc đấu tranh tư tưởng cần được chú trọng ngay từ đầu, ở mức nghiêm ngặt nhất và trong suốt quá trình đấu tranh lâu dài, đầy cạm bẫy trước các quan điểm cơ hội, sai trái, thù địch.
Bước vào mặt trận đấu tranh tư tưởng, người chiến sĩ cộng sản rất cần được trang bị niềm tin cách mạng vững vàng, kiên trung. Trước kia cũng như hiện nay, không ít luận điệu cho rằng, chỉ có thể tin tưởng và xây dựng được niềm tin về một vấn đề gì đó khi có đầy đủ nhận thức về nó. Đây là một giọng điệu ngụy biện rất nguy hiểm! Đúng là nhận thức khoa học là một trong những cơ sở quan trọng của niềm tin cách mạng. Nhưng đối với từng người và trong thời điểm cụ thể, không thể nhận thức đúng đắn mọi vấn đề liên quan đến sự nghiệp cách mạng. Trong bối cảnh ấy, cần hơn hết một niềm tin cách mạng mãnh liệt, tuyệt nhiên không được dao động, càng không được nhường trận địa cho các khuynh hướng tư tưởng khác.
Ba là, phải kết hợp chặt chẽ lý luận với thực tiễn, xác định đúng trọng tâm, trọng điểm trong từng thời kỳ, giai đoạn, bối cảnh cụ thể của cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Những phần tử cơ hội hiện nay thường rất khôn ngoan, viện cớ từ những vấn đề, hiện tượng cụ thể để phê phán, bác bỏ toàn bộ đường lối, chủ trương của Đảng, thậm chí xuyên tạc cả con đường, mục tiêu phát triển của đất nước. Trong tình hình như vậy, các chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng cần bám sát thực tiễn, thường xuyên tổng kết thực tiễn và vận dụng kiến thức lý luận để phản bác một cách thuyết phục mọi quan điểm sai trái, thù địch. 
Hiện nay và trong những năm tới, một số trọng tâm, trọng điểm cần được ưu tiên là: bảo vệ những giá trị bền vững của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; sự thống nhất giữa chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh; con đường độc lập dân tộc và CNXH; vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam; những thành tựu vĩ đại của quá trình cách mạng từ năm 1930 đến nay, trong đó có những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của công cuộc đổi mới; đường lối, chủ trương, chính sách đổi mới; nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; nền dân chủ XHCN và hệ thống chính trị Việt Nam; nền quốc phòng toàn dân và an ninh quốc gia; đường lối đối ngoại hòa bình, độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa...
Bốn là, huy động, tổ chức nhiều lực lượng xã hội tham gia đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, bởi vậy, cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng cũng phải trở thành cuộc đấu tranh của nhân dân bảo vệ sự nghiệp cách mạng, bảo vệ con đường độc lập, tự do, hạnh phúc. Đảng là đội tiền phong lãnh đạo; cán bộ, đảng viên là các chiến sĩ xung kích nhưng lực lượng đấu tranh nhất thiết phải là toàn dân, của mọi tầng lớp xã hội. 
Trong những năm vừa qua, bên cạnh những lực lượng chủ chốt trên mặt trận đấu tranh tư tưởng, đã xuất hiện lực lượng mới phát huy rất hiệu quả. Những tiếng nói khách quan, trung thực của đại biểu người Việt Nam ở nước ngoài, trong đó có cả một số nhân vật thuộc bộ máy chính quyền chế độ cũ nói về tình hình đất nước và chủ trương, chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc, như thực tế đã chứng minh, có sức mạnh thuyết phục, lan tỏa rất lớn đến cộng đồng hàng triệu đồng bào xa xứ. Những ghi nhận của các chức sắc tôn giáo và bà con giáo dân về tự do tôn giáo ở Việt Nam, có giá trị phản bác mạnh mẽ đối với nhiều luận điệu sai trái trong các báo cáo về tôn giáo, nhân quyền trên thế giới. Để tuyên truyền hiệu quả đến tuổi trẻ, học sinh, sinh viên, phương án tối ưu là có những tiếng nói, cây bút, diễn đàn của chính thế hệ trẻ... không nên tuyệt đối hóa một lực lượng nào đó; cũng không nên nhất loạt một nội dung, hình thức đấu tranh; càng không nên máy móc sử dụng cách nói, cách viết, cách thể hiện đối với đối tượng này để áp dụng với các đối tượng khác...
Năm là, thông qua hoạt động đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, cần phát triển lý luận, củng cố nền tảng tư tưởng của Đảng. Thực tế lịch sử chứng minh rằng, cứ mỗi lần đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội, các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin  lại củng cố, bổ sung, phát triển lý luận. Một số tác phẩm tiêu biểu như: Phê phán chính trị kinh tế học năm 1844, Chống Đuy Rinh năm 1877, Lútvích Phoiơbắc và sự cáo chung và triết học cổ điển Đức năm 1888, Làm gì? năm 1901, Cách mạng vô sản và tên phản bội Cauxky năm 1918, Bệnh ấu trĩ “tả” khuynh trong phong trào cộng sản năm 1918... là những tác phẩm kinh điển tiêu biểu chống chủ nghĩa cơ hội; đồng thời, là những tác phẩm đánh dấu những bước phát triển quan trọng của hệ tư tưởng vô sản. 
Ngày nay, Đảng và nhân dân Việt Nam đang thực hiện những nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ CNXH trong bối cảnh quốc gia và quốc tế rất khác với thời đại của các nhà kinh điển; phải giải quyết hàng loạt vấn đề lý luận và thực tiễn chưa từng có tiền lệ, nhưng rất sống còn: quá độ lên CNXH từ xuất phát điểm tiền TBCN và trong hoàn cảnh đầy khó khăn của cách mạng thế giới; nhận thức về CNXH trong kỷ nguyên toàn cầu hóa và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; dân chủ XHCN và nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; nền văn hóa và con người XHCN; nội dung, phương thức lãnh đạo, cầm quyền duy nhất của Đảng... Cần đẩy mạnh nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn và thông qua đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, kịp thời bổ sung, hoàn thiện hệ thống lý luận và nền tảng tư tưởng của Đảng trên những vấn đề căn cốt này. 
3.  Nhìn lại lịch sử phong trào cộng sản quốc tế và lịch sử cách mạng Việt Nam từ năm 1930 đến nay, chúng ta thật sự tự hào về những trang sử vẻ vang, về sự trưởng thành vững mạnh của hệ tư tưởng vô sản và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ CNXH. Mặt khác, cũng chính thực tiễn lịch sử ấy lại cho chúng ta những bài học sống còn về nhiệm vụ thường xuyên, kiên quyết đấu tranh chống mọi biểu hiện của chủ nghĩa cơ hội hữu khuynh và “tả” khuynh; phản bác kịp thời các quan điểm sai trái, thù địch và bổ sung, phát triển nền tảng tư tưởng của chính Đảng tiền phong ngang tầm với yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng trong thời kỳ mới. Trước mục tiêu, nhiệm vụ chiến lược của cả nước đến năm 2025, 2030, tầm nhìn 2045, Đại hội XIII (2021) của Đảng nhấn mạnh: “Xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng”4; đặc biệt coi trọng và đẩy mạnh hơn nữa xây dựng, chỉnh đốn Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, kiên quyết và thường xuyên đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội chính trị, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ5. 

 

1. Xem: Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb CTQG, H, 1999, T. 5, tr. 21
2. Sđd, T. 15, tr. 470
3. Sđd, T. 47, tr. 312
4. Xem: Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb CTQGST, H, 2021, T.1, tr. 180
5. Xem: Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb CTQGST, H, 2021, T.1, tr 180-183.