Tóm tắt: Thanh Hóa là một tỉnh đất rộng, người đông ở Bắc Trung Bộ. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Thanh Hoá là hậu phương, căn cứ địa quan trọng, nơi cung cấp sức người, sức của cho nhiều chiến trường. Trong cuộc tiến công chiến lược Đông-Xuân 1953-1954 và Chiến dịch Điện Biên Phủ, hậu phương Thanh Hoá đã cung cấp một khối lượng lớn lương thực, thực phẩm, phương tiện vận chuyển và dân công phục vụ chiến dịch, góp phần quan trọng vào thắng lợi của quân và dân ta trên chiến trường.

Từ khóa: Thanh Hóa; hậu phương; Đông-Xuân 1953-1954; Chiến dịch Điện Biên Phủ

1. Chủ trương xây dựng hậu phương Thanh Hoá
Là tỉnh ở địa đầu miền Trung, nối đồng bằng Bắc Bộ rộng lớn với dải đất miền Trung, Thanh Hoá có địa thế trọng yếu, ba mặt (Bắc, Tây, Nam) đều được bao bọc bởi núi rừng trùng điệp, ở giữa về phía Đông là vùng đồng bằng màu mỡ. Phía Bắc giáp với 3 tỉnh Sơn La, Hoà Bình, Ninh Bình, phía Nam và Tây Nam giáp tỉnh Nghệ An, phía Tây giáp tỉnh Hủa Phăn của nước CHDCND Lào, phía Đông giáp Biển Đông.  
Địa hình, địa thế này rất thuận lợi cho việc cơ động lực lượng kháng chiến, “tiến có thế đánh, lui có thế giữ”, như các nhà quân sự đã từng đánh giá. Trong cuốn Lịch triều hiến chương loại chí, Phan Huy Chú đã nhận định: “Thanh Hoá mạch núi cao vút, sông lớn lượn quanh, biển ở phía Đông, Ai Lao sát phía Tây, Bắc giáp trấn Sơn Nam, Nam giáp đạo Nghệ An. Núi sông rất đẹp, là một chỗ có cảnh đẹp ở nơi xung yếu, các triều đại trước vẫn gọi là một trận rất quan trọng”1.
Với vị trí, địa thế trọng yếu đó, sau kháng chiến toàn quốc bùng nổ, tháng 2-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh khi lần đầu tiên về thăm Thanh Hoá. Trong buổi làm việc, tiếp xúc với cán bộ và đại diện các tầng lớp nhân dân Thanh Hóa tại Rừng Thông, Người đã nhấn mạnh cần phải bảo vệ và xây dựng Thanh Hóa thành một vùng hậu phương, vì ở đây người đông, đất rộng, của nhiều, chỉ còn thiếu sự điều khiển sắp đặt. Người đã chỉ đạo Đảng bộ, nhân dân Thanh Hóa xây dựng tỉnh kiểu mẫu và xây dựng Thanh Hóa thành căn cứ, hậu phương kháng chiến.
Căn cứ vào chủ trương của Trung ương Đảng, đặc biệt là thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng Thanh Hóa thành căn cứ địa, hậu phương của cuộc kháng chiến, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ I (2-1948), lần thứ II (4-1949), lần thứ III (7-1950) và lần thứ IV (2-1952) đã xác định những nhiệm vụ cụ thể nhằm "vừa kháng chiến, vừa kiến quốc", bảo vệ và xây dựng Thanh Hóa thành căn cứ, hậu phương vững mạnh của cuộc kháng chiến. Trên cơ sở chủ trương của Đảng bộ tỉnh trong quá trình cùng cả nước kháng chiến, Đảng bộ Thanh Hoá rất chú trọng công tác chính trị, tư tưởng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, phát huy cao độ sức mạnh tổng hợp của nhân dân, hoàn thành xuất sắc vai trò của căn cứ, hậu phương kháng chiến.
Kết quả đó tiếp tục được Đảng bộ, quân và dân Thanh Hoá phát huy trong chiến cuộc Đông-Xuân 1953-1954, đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ. Trước yêu cầu chi viện cho tiền tuyến ngày cao hơn nhiều so với trước, Tỉnh uỷ Thanh Hóa đã tổ chức hội nghị cán bộ mở rộng, ra Nghị quyết số 84/NQ-TH nhấn mạnh: “tập trung sức thực hiện chủ trương kế hoạch chiến lược Đông-Xuân 1953-1954 của Trung ương đề ra”. Thực hiện nhiệm vụ của Đảng và Chính phủ giao, bước vào chiến dịch Điên Biên Phủ, Tỉnh uỷ Thanh Hoá đã chỉ đạo thành lập Hội đồng cung cấp và đề ra kế hoạch nhằm nhanh chóng huy động lương thực, thực phẩm và hàng hoá thiết yếu trong nhân dân và vận chuyển về kho Lược (Thọ Xuân) và kho Cẩm Thuỷ; khẩn trương xây dựng hệ thống kho trạm trên khắp tuyến vận tải ra tiền tuyến; huy động lực lượng thanh niên xung phong mở thông tuyến đường 41 lên Điện Biên Phủ, sửa đường, làm cầu cho bộ đội, dân công ra tiền tuyến.

2. Thanh Hoá - hậu phương quan trọng chi viện cho tiền tuyến trong cuộc tiến công chiến lược Đông-Xuân 1953-1954 và chiến dịch Điện Biên Phủ
Để đáp ứng yêu cầu thông suốt quá trình vận chuyển hàng hóa ra tiền tuyến, Thanh Hoá đã phát động phong trào chia cầu, chia đường cho các đội dân quân, lão quân, thiếu niên quân… bảo vệ, dân công hoả tuyến ra sức sửa chữa những đoạn đường bị địch đánh phá và làm mới đường bộ từ Suối Rút - Vạn Mai - Hồi Xuân - Cẩm Thuỷ - Như Xuân - Lâm La; hàng trăm cầu, phà lớn nhỏ được củng cố, xây dựng để ô tô có trọng tải 8 tấn có thể đi qua; các tuyến đường thuỷ Hàm Rồng - Cẩm Thuỷ, Hàm Rồng - Kim Tân, Hàm Rồng - Nghệ An… được khôi phục; 56 tập đoàn vận tải thuỷ, bộ được huy động phục vụ chiến dịch. Nhân dân Thanh Hoá dùng thuyền nan, xe đạp thồ, gánh bộ vượt trên 200km đường rừng núi hiểm trở, bom đạn của địch, kịp thời đưa hàng lên Tây Bắc, góp phần vào thắng lợi của mũi tiến công đầu tiên của quân và dân ta trong chiến cuộc Đông-Xuân (1953 - 1954). Trong chiến dịch Thượng Lào, Thanh Hoá đã huy động hơn 10 nghìn dân công sửa đường chiến lược, cùng hàng trăm cầu lớn nhỏ từ Thanh Hoá đi Sầm Nưa (Lào). Từ hậu phương, Thanh Hoá huy động sức người, sức của vận chuyển qua đường sông và đường bộ qua rừng núi phục vụ tiền tuyến. Những đoàn thuyền ngược dòng sông Chu lên Yên Lược - Thọ Xuân, sông Mã lên Cẩm Thuỷ và Yên Lược lên Mường Lát, Na Mèo đến Sầm Nưa. Mặc dù đường vận chuyển gặp nhiều khó khăn do đèo cao, dốc đứng, song những đoàn gánh bộ, xe thồ vẫn nêu luôn cao tinh thần “tất cả cho chiến dịch”, “tất cả cho bộ đội ăn no, đánh thắng”.


Nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa dùng bè mảng chở lương thực và hàng hóa vượt sông Mã
tiếp vận chiến dịch Điện Biên Phủ

Tổng hợp những đóng góp của nhân Thanh Hoá trong chiến dịch Thượng Lào, gồm: huy động 35.000 dân công, gần 5.000 xe đạp thồ, vận chuyển 1.500 ngàn tấn gạo và hàng trăm tấn thực phẩm, vũ khí lên Sầm Nưa đảm bảo 76% nhu cầu chiến dịch2
Thắng lợi của chiến dịch Thượng Lào có ý nghĩa chiến lược đối với cuộc kháng chiến của ba nước Đông Dương, ảnh hưởng trực tiếp tới địa bàn Liên khu IV nói chung và tỉnh Thanh Hoá nói riêng. Vùng giải phóng được mở rộng liên hoàn, nối liền một giải từ Việt Bắc, Tây Bắc đến Thượng Lào, Trung Lào, Liên khu IV, phá vỡ thế bao vây chia cắt chiến lược ở phía Tây của Pháp, tạo ra cục diện mới có lợi cho ta tiến lên giành thắng lợi quyết định trong chiến cuộc Đông-Xuân (1953- 1954). Đối với Thanh Hoá, thắng lợi này còn phá vỡ vành đai của địch phong toả phía tây, tạo điều kiện thuận lợi cho Thanh Hoá xây dựng, bảo vệ hậu phương vững chắc, tăng cường chi viện cho chiến trường.
Bước vào Chiến dịch Điện Biên Phủ, Thanh Hoá được Trung ương giao mở đường, khai thông đường 41 lên Điên Biên Phủ và bắt đầu vận chuyển chuyến hàng đầu tiên cho chiến dịch. Mở đầu đợt vận chuyển, Trung ương giao Thanh Hoá chi viện 1.352 tấn gạo giao tại Hồi Xuân, 100 tấn thực phẩm giao tại Sơn La. Đầu tháng 3-1954, Trung ương giao tiếp 1000 tấn gạo và 165 tấn thực phẩm giao tại km 22 đường số 41, Thanh Hoá đã hoàn thành vượt mức trước 13 ngày. Trung tuần tháng 4-1954, Trung ương giao tiếp 2000 tấn gạo và 282 tấn thực phẩm phải hoàn thành vào ngày 31-5-19543.
Mặc thù thời gian này, cả tỉnh thóc lúa dự trữ đã hết, nhân dân đang ở giai đoạn “dốc bồ”, lúa ngoài đồng chưa đến độ thu hoạch. Trước tình hình đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng cử đồng chí Văn Tiến Dũng, Tổng tham mưu trưởng và đồng chí Trần Đăng Ninh vào sở chỉ huy tiền phương của Liên khu IV ở Cẩm Thuỷ, giao nhiệm vụ cho Thanh Hoá trong vòng 20 ngày phải huy động thêm 2.000 tấn gạo, 147 tấn thực phẩm và muối, phục vụ cho Chiến dịch Điện Biên Phủ với khẩu hiệu “Tất cả cho Chiến dịch Điện Biên Phủ đại thắng”. Ngày 25-4-1954, Thường vụ Liên khu uỷ khu IV đã họp quán triệt Nghị quyết của Bộ Chính trị về việc phối hợp tác chiến với chiến trường Điện Biên Phủ và chỉ rõ Thanh Hoá phải tập trung phục vụ tiền tuyến hoàn thành nhiệm vụ Trung ương giao về thóc gạo.
Thực hiện Nghị quyết Trung ương và để có đủ lương thực cho bộ đội “ăn no, đánh thắng”, nhân dân Thanh Hoá đã “dốc bồ, thổ thúng” cung cấp cho tiền tuyến những hạt thóc cuối cùng, cả tỉnh cùng nhau ra đồng cắt tỉa từng dé lúa, bông lúa đã chín, “nhân dân Thanh Hoá đã phải ăn ngô non, khoai non, giành gạo cho chiến sĩ ngoài mặt trận”4. Vì vậy, vụ hè năm 1954, trên giao 28.000 tấn thóc thuế, Thanh Hóa đã huy động tới 34.927 tấn 44 kg, đồng thời huy động hàng vạn dân công và mọi phương tiện vận chuyển như xe đạp, ô tô, thuyền nan, thuyền ván, ngựa thồ vận chuyển lương thực cung cấp cho chiến trường. Những đoàn thuyền vượt nhiều thác ghềnh hiểm trở, tránh máy bay địch đánh phá, ngược dòng sông Mã, vận chuyển hàng ra tiền tuyến.
Chiến sĩ xe đạp thồ của anh Cao Văn Tỵ (thị xã Thanh Hóa), đạt kỷ lục thồ từ 160 kg lên 195 kg rồi lên 250 kg và 300 kg, sau thường xuyên đạt 320 kg một chuyến. Anh Đới Sỹ Trầu (Quảng Xương) liên tục gánh 60 kg hàng, dẫn đầu về gánh bộ... Đúng như nhà báo Pháp Giuyn Roa đã khẳng định: “Không phải viện trợ của Trung Quốc đã đánh bại tướng Nava mà chính là những chiếc xe đạp peugeot thồ 200, 300 kg hàng và đẩy bằng sức người, những con người ăn chưa no và ngủ thì nằm ngay dưới đất trải tấm ni lông. Cái đã đánh bại tướng Nava không phải bởi các phương tiện mà là sự thông minh và ý chí của đối phương”5.
Ngoài gánh, xe thồ, phương tiện vận chuyên lương thực lên Điện Biên còn có chiếc xe cút kít - chỉ có ở Việt Nam. Nguồn gốc chiếc xe này, được lấy từ gỗ bàn thờ gia đình ông Trịnh Đình Bầm - Yên Định. Trong thời gian phục vụ chiến dịch, ông đã không quản ngại khó khăn đường xa, dốc cao, vực sâu vận chuyển lương thực từ 100 kg lên 280 kg. Suốt 4 tháng, cứ 3 ngày 1 chuyến với quãng đường dài hơn 20 km ông Trịnh Đình Bầm đã vận chuyển được gần 12.000 kg lương thực từ kho lương Sánh - Lược đi lên phố Cống - Trạm Luồng huyện Ngọc Lặc tỉnh Thanh Hóa để chuyển lên mặt trận Điện Biên Phủ.
Bên cạnh việc cung cấp của cải, vật chất và nhân lực vận chuyển hàng hóa ra tiền tuyến, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Thanh Hóa còn tăng cường nhiều đơn vị ra chiến trường: Tiểu đoàn 275 bộ đội địa phương tỉnh cho Trung đoàn 53, các Đại đội 150, 160 cho Tiểu đoàn 541 phòng không, 2 trung đội trinh sát cho Đại đoàn 304. Ngoài ra, Thanh Hóa còn điều động hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ của Đại đội 128 bộ đội huyện Bá Thước, Đại đội 112 bộ đội huyện Tĩnh Gia, các đơn vị của Hoằng Hóa, Hà Trung, Quảng Xương, Thạch Thành cho các đơn vị tham gia chiến đấu tại Điện Biên Phủ.
Phối hợp với chiến trường chính Điện Biên Phủ, tại Nga Sơn, quân và dân Thanh Hóa ra sức đẩy mạnh tiến công quân sự để kìm chân tiêu diệt sinh lực địch. Các tổ dân vận, địch vận tăng cường tuyên truyền làm lung lay tinh thần và làm tan rã hàng ngũ địch.
Từ cuối tháng 3 đến đầu tháng 5-1954, tại Nga Sơn, các đơn vị bộ đội địa phương huyện phối hợp cùng dân quân du kích các xã Điền Hộ, Liên Sơn đã tổ chức đánh quân Pháp, cầm chân, không cho chúng di chuyển quân bổ sung cho chiến trường Điện Biên Phủ. Ngày 5-5-1954, Đại đội 109 bộ đội địa phương huyện Nga Sơn cùng dân quân du kích xã Điền Hộ chặn đánh 4 đại đội địch khi chúng đang hành quân, tiêu diệt và làm bị thương hàng chục tên địch.
Ngày 7-5-1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, tạo niềm vui phấm khởi, động lực to lớn đối với toàn Đảng, toàn quân, toàn dân. Tại Thanh Hóa, các đơn vị vũ trang tỉnh tích cực khuyếch trương chiến thắng, các tổ dân vận, địch vận đẩy mạnh công tác tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, kêu gọi binh lính địch đóng tại các đồn Điền Hộ, Mai An Tiêm hạ vũ khí đầu hàng. Với khí thế chiến thắng, các đơn vị bộ đội địa phương tổ chức các đợt tấn công truy quét. Ngày 29-6-1954, quân Pháp phải rút khỏi Điền Hộ và Mai An Tiêm về Kim Sơn, Ninh Bình. Ngay đêm hôm đó, Đại đội 109 và Đại đội 57 cùng dân quân du kích nhanh chóng phối hợp với lực lượng vũ trang huyện Kim Sơn, Ninh Bình truy quét địch đến bến Kim Đài, tiêu diệt và bắt sống 160 tên, thu 500 súng các loại và nhiều phương tiện chiến tranh khác.
Các địa phương ven biển như: Nga Sơn, Quảng Xương, Tĩnh Gia, bộ đội địa phương đã phối hợp với dân quân du kích các xã Quảng Nham (Quảng Xương), Hải Thanh (Tĩnh Gia) đã đánh trả địch quyết liệt, làm thất bại cuộc hành quân “Con Bồ nông” của Pháp vào vùng biển Thanh Hóa. Ngày 7-8-1954, quân Pháp rút khỏi đảo Hòn Mê, chấm dứt sự có mặt của quân Pháp ở Thanh Hóa.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Đảng bộ và nhân dân Thanh Hoá đã có những đóng góp to lớn, góp phần vào thắng lợi chung của dân tộc. Chỉ tính riêng trong Đông-Xuân 1953-1954 và Chiến dịch Điện Biên Phủ, hậu phương Thanh Hóa đã cung cấp 4.361 tấn gạo (chiếm 30% số gạo cả nước phục vụ cho chiến dịch), vượt mức Trung ương giao 9 tấn; 1.300 con bò, 2.000 con lợn, 250.000 quả trứng, 150 tấn đậu các loại, 450 tấn cá khô, 20.000 lọ mắm kem cùng với hàng trăm tấn rau các loại. Huy động 102.254 dân công dài hạn và 76.670 dân công ngắn hạn. Tổng số dân công phục vụ chiến dịch là 1.061.593 lượt người với 27 triệu 227 ngày công, cùng với 11.000 xe đạp thồ, 1.300 thuyền ván và thuyền nan, 42 ngựa thồ, 31 ô tô và nhiều phương tiện vận chuyển khác6. Kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp, Thanh Hóa có 5 người được Đảng và Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Những thành tích của Thanh Hóa đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định khi  Người về thăm Thanh Hóa năm 1957: “Bây giờ tiếng Việt Nam đến đâu, tiếng Điện Biên Phủ đến đó. Tiếng Điện Biên Phủ đến đâu, đồng bào Thanh Hóa cũng có một phần vinh dự đến đó”7.



Ngày nhận bài 10-12-2024; ngày thẩm định, đánh giá 19-3-2024; ngày duyệt đăng 1-4-2024
1. Ban tuyên giáo tỉnh Thanh Hoá: Bác Hồ với Thanh Hoá, Thanh Hoá làm theo lời Bác, Nxb Lao động, 1998, tr.165.
2, 3, 6. Thanh Hoá - Lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945 - 1954), Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thanh Hoá xuất bản năm 1990, tr.187, 190, 191.
4. Trình Mưu (chủ biên): Lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân Liên khu IV (1945 - 1954), Nxb CTQH, H, 2003, tr. 521.
5. Báo An ninh thế giới, Bộ mới số 144 (378) ra ngày thứ 5, ngày 22-4-2004, tr. 29.
7. Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, T. 10, tr. 598