Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương
19/06/2023 - 12:24 PM - 31.389 lượt xem
Lời Ban Biên tập: Ngày 26-5-2021, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, Tỉnh ủy Cao Bằng tổ chức hình thức trực tuyến, Hội thảo khoa học cấp quốc gia: “Hồ Chí Minh với hành trình thực hiện khát vọng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội” nhân dịp kỷ niệm 110 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước (5-6-1911 - 5-6-2021) và 80 năm Ngày Người về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam (28-1-1941 - 28-1-2021), Tạp chí Lịch sử Đảng trân trọng giới thiệu bài phát biểu khai mạc và đề dẫn hội thảo của GS, TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương.
Từ khóa: Hồ Chí Minh; độc lập dân tộc; chủ nghĩa xã hội; ra đi tìm đường cứu nước
Thưa các đồng chí!
Cách đây 110 năm, với ý chí, khát vọng cháy bỏng giải phóng dân tộc Việt Nam khỏi ách nô lệ dưới chế độ thực dân, phong kiến, ngày 5-6-1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã rời bến Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước. Hành trình của Người đã mở ra những mốc son rực rỡ nhất trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc Việt Nam. Gần 30 năm từ lúc ra đi cho đến khi trở về Tổ quốc, Nguyễn Tất Thành, sau này trở thành lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc-Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn vàn kính yêu của chúng ta, đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử cao cả mang đến cho nhân dân Việt Nam ngọn cờ và khát vọng độc lập dân tộc gắn liền với CNXH. Từ chủ nghĩa yêu nước, Người đã tìm thấy ánh sáng khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác-Lênin; trở thành một chiến sĩ cộng sản quốc tế, nhà hoạt động tích cực, sôi nổi truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào phong trào cách mạng Việt Nam. Người đã sáng lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam, lãnh đạo cả dân tộc ta vùng lên giành thắng lợi vẻ vang trong cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 lịch sử, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á, đưa dân tộc ta tiến vào kỷ nguyên mới: độc lập dân tộc và CNXH.
Trong lễ kỷ niệm 130 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Cuộc đời 79 mùa Xuân của Chủ tịch Hồ Chí Minh là biểu tượng cao đẹp nhất của chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Người là kết tinh rạng ngời của đạo đức, trí tuệ, khí phách, lương tri của dân tộc và thời đại”. Để bày tỏ lòng biết ơn vô hạn đối với công lao trời biển của Người và để tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, hôm nay chúng ta lại cùng nhau làm sáng tỏ thêm hành trình và khát vọng độc lập dân tộc vĩ đại của Người, nhận thức sâu sắc hơn tầm vóc và những giá trị bất hủ trong di sản to lớn mà Người để lại cho dân tộc ta, nhân dân ta và cả nhân loại tiến bộ.
1. Khát vọng cứu nước, giải phóng dân tộc, giành độc lập tự do cho Tổ quốc, hạnh phúc cho nhân dân
Ngay từ khi còn ở tuổi thiếu niên, chứng kiến cảnh nước mất, nhà tan, nhân dân ta lầm than, cơ cực dưới ách nô lệ, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn trăn trở: “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn; đấy là tất cả những điều tôi hiểu”1. Nhìn nhận về các cuộc khởi nghĩa, phong trào yêu nước kháng Pháp đương thời của nhân dân ta, dù rất khâm phục chí khí, nhiệt huyết của các bậc anh hùng tiên liệt nhưng Người không hoàn toàn tán thành cách làm của những người đi trước. Người nuôi dưỡng khát vọng tìm ra một con đường mới để cứu nước, cứu dân bằng cách đi ra nước ngoài xem họ làm thế nào rồi “sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta”2.
Ra đi tìm đường cứu nước, Người đã bôn ba nhiều nơi, làm đủ mọi công việc gian nan, hòa mình vào đời sống vất vả của người lao động, thấu hiểu sâu sắc nỗi cơ cực và nguyện vọng của công nhân, thợ thuyền và nhân dân các dân tộc bị áp bức. Người đã sớm tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại, dày công nghiên cứu các học thuyết, các con đường cứu nước khác nhau, đặc biệt là kinh nghiệm của các cuộc cách mạng trên thế giới. Người nhận xét rằng, cách mạng Mỹ và cách mạng Pháp dù là những dấu mốc tiến bộ trong lịch sử văn minh nhân loại, nhưng về bản chất đều là những cuộc cách mạng tư sản nghĩa là cách mạng “không đến nơi”.
Với sự nhạy bén chính trị và tầm nhìn vượt thời gian, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận ra ánh sáng rọi chiếu từ Cách mạng Tháng Mười Nga và chủ nghĩa Mác-Lênin đối với con đường giải phóng các dân tộc thuộc địa. Trong sự vận động vô cùng phức tạp của thời cuộc lúc bấy giờ, bằng trí tuệ thiên tài, Người đã tìm ra chân lý thời đại và đi đến một sự lựa chọn lịch sử cho dân tộc Việt Nam: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc, không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”3. Từ một thanh niên yêu nước tiến bộ trở thành người chiến sĩ cộng sản, Người là sự hội tụ tất yếu của chủ nghĩa yêu nước chân chính, chủ nghĩa cộng sản khoa học và chủ nghĩa quốc tế vô sản trong sáng, hình thành nên một nhân cách vĩ đại-nhân cách Hồ Chí Minh.
Hoàn thành sứ mệnh tìm đường, Người bắt đầu hành trình thực hiện khát vọng mở đường giải phóng dân tộc. Lộ trình “từ Pari đến Mạc Tư Khoa, từ Mạc Tư Khoa đến Quảng Châu và từ Quảng Châu đến Đông Dương”4 đã được Người vạch ra từ sớm để truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin, “truyền bá lý tưởng tự do, bình đẳng, bác ái”5 và thực hiện khát vọng giải phóng dân tộc, giải phóng đồng bào. Người nói: “Đối với tôi, câu trả lời đã rõ ràng: trở về nước, đi vào quần chúng, thức tỉnh họ, tổ chức họ, đoàn kết họ, huấn luyện họ, đưa họ ra đấu tranh giành tự do độc lập”6. Người đã sáng lập Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên để trực tiếp truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin, lựa chọn và huấn luyện những thanh niên Việt Nam yêu nước đi theo và hiện thực hóa lý tưởng cách mạng. Đó chính là sự chuẩn bị chu đáo những tiền đề về tư tưởng, chính trị, tổ chức và cán bộ để Người sáng lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam, một đảng cách mạng chân chính, thực hiện sứ mệnh dẫn đường, lãnh đạo sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
Hành trình của Chủ tịch Hồ Chí Minh là hành trình sáng tạo vĩ đại tìm đường, mở đường và dẫn đường cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng đất nước. Mỗi bước đi của Người trong hành trình ấy đều gắn liền với những quyết định trọng đại, những mốc son lịch sử trong các chặng đường của cách mạng Việt Nam.
Sau 30 năm bôn ba nước ngoài, nhận thấy tình hình trong nước và thế giới biến chuyển mau lẹ, mở ra thời cơ lớn cho cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định trở về nước, trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Tháng 5-1941, Người chủ trì Hội nghị lần thứ Tám của Trung ương Đảng, thông qua quyết định “thay đổi chiến lược” mang tính lịch sử, xác định nhiệm vụ giải phóng dân tộc là cấp thiết, hàng đầu. Người đề ra sáng kiến thành lập Mặt trận Việt Minh nhằm tập hợp hết thảy những người Việt Nam yêu nước “thành thực muốn đánh đuổi Nhật, Pháp để dựng lên một nước Việt Nam tự do và độc lập”7.
Người là hiện thân của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và khát vọng độc lập, tự do cháy bỏng của dân tộc Việt Nam: “dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”8, “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”9. Khi “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến”10, dưới ngọn cờ vẻ vang của Đảng, mang theo tinh thần kiên quyết ấy, toàn thể nhân dân Việt Nam từ Bắc chí Nam, từ miền ngược đến miền xuôi nhất tề vùng lên đập tan xích xiềng nô lệ, làm nên thắng lợi vang dội của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, thực hiện thành công ước nguyện: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thực đã thành một nước tự do và độc lập”11.
Khi thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta, Người đã truyền tới mỗi người dân Việt Nam một tinh thần gang thép, quả cảm bằng lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến: “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”12. Tinh thần Hồ Chí Minh “Toàn thể dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”13 đã thống nhất muôn triệu trái tim, đoàn kết triệu triệu con người đứng lên bảo vệ nền độc lập, tiến hành kháng chiến, kiến quốc, lần lượt đánh bại các kế hoạch quân sự của kẻ thù mà đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược đi đến thắng lợi hoàn toàn.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Người khẳng định lập trường đanh thép của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, thể hiện ý chí sức mạnh của toàn thể dân tộc: “Kiên quyết bảo vệ nền độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam. Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, không ai được xâm phạm đến quyền thiêng liêng ấy của nhân dân ta”14. Nêu cao chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, Người kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước quyết tâm “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, vững tin vào tương lai thắng lợi: “Dù khó khăn gian khổ đến mấy, nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi. Đế quốc Mỹ nhất định phải cút khỏi nước ta. Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam, Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà”15. Tinh thần, khát vọng và niềm tin ấy được truyền đi, lan tỏa trở thành một quyết tâm sắt đá, ý chí mãnh liệt và sức mạnh to lớn của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh, giành được những thắng lợi vẻ vang mà đỉnh cao là Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên CNXH.
2. Khát vọng xây dựng chủ nghĩa xã hội, phát triển đất nước giàu mạnh, sánh vai với các cường quốc năm châu
Trong cuộc đời cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, “là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”16. Khẳng định mục tiêu: Độc lập-Tự do-Hạnh phúc ngay trong Quốc hiệu của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngay từ khi mới được thành lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nghĩ tới một tương lai tươi sáng của dân tộc: bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu, theo kịp các nước trên hoàn cầu, cùng nhịp bước với thời đại. Khát vọng đó được ghi trang trọng trong Lời nói đầu của Hiến pháp năm 1946: “Với tinh thần đoàn kết, phấn đấu sẵn có của toàn dân, dưới một chính thể dân chủ rộng rãi, nước Việt Nam độc lập và thống nhất tiến bước trên đường vinh quang, hạnh phúc, cùng nhịp với trào lưu tiến bộ của thế giới và ý nguyện hòa bình của nhân loại”17.
Trong kế sách kiến thiết đất nước sau ngày độc lập, trên cương vị là người đứng đầu Chính phủ cách mạng lâm thời, việc đầu tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh nghĩ tới phải làm ngay là chống “giặc đói”, “giặc dốt” bởi đói nghèo và mù chữ cũng là những thứ giặc nguy hiểm không kém giặc ngoại xâm. Cùng với công tác lạc quyên cứu đói, Người yêu cầu dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, chính quyền cách mạng phải phát động phong trào tăng gia sản xuất để giải quyết nạn đói tận gốc. Cũng theo Người, “một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”; vì thế, mọi người dân Việt Nam phải có kiến thức, phải có nhân tài ngoại giao, kinh tế, quân sự, giáo dục... để tham gia vào công cuộc bảo vệ nền độc lập, kiến thiết đất nước, xây dựng một nước Việt Nam phồn vinh, phú cường. Người đề xướng sự nghiệp xây dựng đời sống mới, tập trung vào Cần, Kiệm, Liêm, Chính, không chỉ làm cho nhân dân có đời sống vật chất được đầy đủ, mà còn có tinh thần được vui mạnh và kêu gọi đồng bào cả nước tích cực tham gia, ủng hộ những “chiến sĩ trên mặt trận văn hóa” để hoàn thành sứ mệnh cao cả đó.
Độc lập dân tộc gắn liền với CNXH, giải phóng dân tộc gắn liền với giải phóng giai cấp, giải phóng con người, là sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào thực tiễn cách mạng Việt Nam. Bởi theo Người, “nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”18. Xuất phát từ thực tiễn đất nước, Người quan niệm CNXH không chỉ có những đặc trưng tổng quát thể hiện tính ưu việt của một chế độ mới, hơn hẳn so với các chế độ xã hội trước, mà còn mang những đặc trưng riêng có của Việt Nam, được xây dựng sáng tạo theo cách của Việt Nam. Đó là con đường “nhằm làm cho nhân dân lao động thoát nạn bần cùng, làm cho mọi người có công ăn việc làm, được ấm no và sống một đời hạnh phúc”19; là “làm sao cho dân giàu nước mạnh”20, “nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân”21; “là mọi người cùng ra sức lao động sản xuất để được ăn no, mặc ấm và có nhà ở sạch sẽ”22. Trong những điều phải làm để xây dựng CNXH, Người yêu cầu:
“Chúng ta phải thực hiện ngay:
1. Làm cho dân có ăn.
2. Làm cho dân có mặc.
3. Làm cho dân có chỗ ở.
4. Làm cho dân có học hành.
Cái mục đích chúng ta đi đến là bốn điều đó. Đi đến để dân nước ta xứng đáng với tự do độc lập và giúp sức được cho tự do độc lập”23.
Tư tưởng “vì dân” của Người được diễn đạt dung dị, dễ hiểu nhưng có ý nghĩa hết sức sâu sắc; là những chỉ dẫn quý báu chúng ta cần phải luôn khắc ghi trong quá trình xây dựng và hoàn thiện mô hình CNXH ở Việt Nam, của Việt Nam và do chính con người Việt Nam thực hiện.
Trong hoàn cảnh ác liệt của chiến tranh do đế quốc Mỹ gây ra, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lan tỏa một niềm tin vững chắc vào tiền đồ tươi sáng của dân tộc, rằng sau ngày toàn thắng, chúng ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn. Trong Di chúc để lại cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trước lúc đi xa, Người căn dặn: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân ...
Còn non, còn nước, còn người,
Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay!”24.
Điều lớn nhất kết tụ khát vọng Hồ Chí Minh được khẳng định lại trong Di chúc là: “Toàn Đảng toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”25. Để thực hiện được mục tiêu đó, trong Di chúc, Người nhắc đến ba điều cực kỳ quan trọng, đó là: phải “chỉnh đốn lại Đảng”26; “phải động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân”27; và phải làm thật tốt công việc đối với con người. Thời gian càng lùi xa, chúng ta càng thấy rõ hơn tâm huyết, trí tuệ và tầm nhìn xa rộng của vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc, Người đã để lại cho chúng ta những lời căn dặn hết sức quý báu, những bài học lớn, mãi vẹn nguyên giá trị đối với sự nghiệp tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, xây dựng thành công CNXH và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.
3. Quyết tâm thực hiện thành công tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh và ước vọng của toàn dân tộc
Trong Lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh, trước anh linh của Người, đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn thay mặt Đảng ta đã nguyện thề: “Đem hết sức mình tiếp tục phấn đấu thực hiện lý tưởng xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa cao đẹp mà Người đã vạch ra cho giai cấp công nhân và nhân dân ta, đem lại phồn vinh cho đất nước, hạnh phúc cho đồng bào”28.
Thực hiện di nguyện thiêng liêng của Người toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đã hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra một trang sử mới, rực rỡ của dân tộc: Cả nước bắt tay vào công cuộc xây dựng và lao động sáng tạo, quá độ lên CNXH. Tại Đại hội VI, với thái độ và tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật, Đảng ta đã khởi xướng công cuộc đổi mới, khẳng định quyết tâm và niềm tin mãnh liệt thực hiện thắng lợi khát vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh.
Vững bước trên con đường mà Người đã vạch ra cho cách mạng Việt Nam, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991 nêu rõ: Toàn Đảng, toàn dân tiếp tục nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và CNXH, ngọn cờ vinh quang mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trao lại cho thế hệ hôm nay và các thế hệ mai sau. Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) khẳng định đi lên CNXH là khát vọng của nhân dân ta, “theo quy luật tiến hóa của lịch sử, loài người nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội”29.
Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử mà chúng ta đạt được trong 35 năm qua là minh chứng sinh động, khẳng định đường lối đổi mới của Đảng ta là đúng đắn, sáng tạo; con đường đi lên CNXH mà Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân ta đã lựa chọn là phù hợp với thực tiễn nước ta và xu thế phát triển của thời đại; khẳng định sự cần thiết phải kiên định, vận dụng và bổ sung, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; không ngừng hoàn thiện mô hình CNXH và con đường lên CNXH của Việt Nam trong giai đoạn mới, phù hợp quy luật khách quan, thực tiễn dân tộc và xu thế thời đại, kế thừa tinh hoa, giá trị văn hóa và các thành tựu phát triển của nhân loại, như lúc sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã làm và mong muốn.
Chủ tịch Hồ Chí Mnh đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của nhân dân Việt Nam và nhân dân thế giới. Tư tưởng, đạo đức, phong cách, cuộc đời chiến đấu vì độc lập, tự do, hạnh phúc, vì CNXH của Người mãi mãi soi sáng, dẫn dắt dân tộc ta tiến về phía trước trên hành trình hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước Việt Nam tươi đẹp, phồn vinh, hạnh phúc.
Chúng ta nguyện tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thấm nhuần sâu sắc, vận dụng sáng tạo những di sản quý báu của Người. Hết sức chú trọng xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh toàn diện, để Đảng ta mãi “là đạo đức, là văn minh”, luôn gắn bó mật thiết với nhân dân, xứng đáng với vai trò, sứ mệnh lịch sử được nhân dân giao phó. Quán triệt và thực hiện nghiêm túc quan điểm “dân là gốc”, nhân dân là chủ thể của công cuộc đổi mới, thật sự tin tưởng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, hết sức chăm lo cho đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Tiếp tục kiên định với đường lối đổi mới, khơi dậy khát vọng, phát huy giá trị văn hóa, tinh thần sáng tạo, sức mạnh con người Việt Nam để lập nên những kỳ tích phát triển mới trên con đường xây dựng CNXH Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, “thực hiện thành công tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và ước vọng của toàn dân tộc ta”30.
Trân trọng cảm ơn!
1, 2, 4, 5. Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb CTQG, H, 2011, tr. 55-56, 15, 72, 73
3, 20. Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, T. 12, tr. 30, 415
6. Sđd, T. 1, tr. 209
7. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2000, T. 7, tr. 461
8. Hồ Chí Minh Biên niên tiểu sử, Nxb CTQG, H, 2016, T. 2, tr. 225
9, 10. Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, T. 3, tr. 596, 596
11, 12, 13, 16, 18, 23. Sđd, T. 4, tr. 3, 534, 3, 187, 64, 175
14. Sđd, T. 14, tr. 532
15, 24, 25, 26, 27, 28. Sđd, T. 15, tr. 612, 612, 614, 616, 617, 628
17. Hiến pháp Việt Nam (năm 1946, 1959, 1980 và 1992), Nxb CTQG, H, 1995, tr. 8
20. Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, T. 10, tr. 390
21, 22. Sđd, T. 13, tr. 30, 17
29. Đảng Cộng sản Việt Nam: Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), Nxb CTQG, H, 2011, tr. 13
30. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb CTQGST, H, 2021, T. I, tr. 205.