Sức mạnh tự lực, tự cường dân tộc và tác động của tình hình quốc tế đối với thắng lợi Cách mạng Tháng Tám
PGS, TS NGUYỄN TRỌNG PHÚC
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
23/08/2023 - 12:16 AM - 5.107 lượt xem
Cuộc Chiến tranh thế giới II (1939-1945) do thế lực phát xít ở Đức, Italia và Nhật Bản gây ra đã đẩy loài người đến một thảm họa. Sau sự kiện Đức tấn công Liên Xô (22-6-1941), trên thế giới đã hình thành Liên minh các nước chống chủ nghĩa phát xít từ cuối năm 1941. Tháng 1-1942, tại Washington, thủ đô Hoa Kỳ, 26 nước Đồng minh, trong đó có Liên Xô, Anh, Mỹ đã ký bản Tuyên ngôn chống phát xít xâm lược và bảo đảm trong cuộc chiến tranh này không có sự giảng hòa riêng rẽ.
Phát xít Nhật xâm chiếm Việt Nam (9-1940) câu kết với thực dân Pháp cai trị Việt Nam. Hội nghị Trung ương tháng 11-1940 và tiếp đó HNTƯ 8 do Nguyễn Ái Quốc chủ trì (5-1941) đã phát triển đường lối cách mạng giải phóng dân tộc, lãnh đạo toàn dân Việt Nam đấu tranh giành chính quyền, giành độc lập.
Ngày 8-12-1941, Nhật tấn công cảng Trân Châu (Pearl Harbour) trên quần đảo Hawaii của Mỹ. Ngày 21-12-1941, Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương ra Thông cáo Cuộc chiến tranh Thái Bình Dương và trách nhiệm cần kíp của Đảng. Thông cáo đặt ra yêu cầu phải phát triển mạnh mẽ phong trào cách mạng trong nước để “đứng về phe dân chủ chống phát xít xâm lược”1. Trung ương cho rằng, ta phải phát triển mạnh lực lượng cách mạng để tự giải phóng. “Ta có mạnh thì họ mới chịu “đếm xỉa đến”. Ta yếu thì ta chỉ là một khí cụ trong tay của kẻ khác, dầu là kẻ ấy có thể là bạn đồng minh của ta vậy. Nhất là đừng có ảo tưởng rằng: quân Tàu và quân Anh, Mỹ sẽ mang lại tự do cho ta. Không, trong cuộc chiến đấu giải phóng cho ta, cố nhiên là phải kiếm bạn đồng minh dầu rằng tạm thời bấp bênh có điều kiện, nhưng công việc của ta trước hết ta phải làm lấy”2.
Trong khi xác định ý chí tự lực, tự cường, quyết tâm đấu tranh tự giải phóng, Đảng vẫn tích cực tìm kiếm bạn đồng minh, tranh thủ những điều kiện quốc tế để phát triển phong trào cách mạng của dân tộc. Tháng 8-1942, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc lấy tên là Hồ Chí Minh có chuyến đi Trung Quốc để liên lạc với các lực lượng cách mạng của người Việt Nam ở Trung Quốc, đồng thời liên hệ với lực lượng Đồng minh chống phát xít nhằm tranh thủ sự ủng hộ và giúp đỡ của quốc tế. Ngày 27-8-1942, Hồ Chí Minh bị chính quyền Quốc dân Đảng Trung Hoa bắt giam. Ngày 10-9-1943, Người được trả tự do và tiếp tục thực hiện những công việc đã định. Cuối tháng 9-1944, Hồ Chí Minh về nước và tháng 10-1944, Người có thư gửi đồng bào toàn quốc. Trong thư, Hồ Chí Minh đã có dự báo rất quan trọng: “Phe xâm lược gần đến ngày bị tiêu diệt. Các Đồng minh quốc sắp tranh được sự thắng lợi cuối cùng. Cơ hội cho dân tộc ta giải phóng chỉ ở trong một năm hoặc năm rưỡi nữa. Thời gian rất gấp. Ta phải làm nhanh!”3. Trước đó, tháng 2-1942, trong Lịch sử nước ta, Người đã dự báo: “1945 Việt Nam độc lập”4.
Diễn biến của Chiến tranh thế giới II và cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại của nhân dân Liên Xô diễn ra rất quyết liệt và có những bước phát triển rất quan trọng. Chiến thắng của Liên Xô trong chiến dịch Stalingrad, tháng 2-1943, tiêu diệt 330.000 quân Đức, tiếp đó Hồng quân Liên Xô đập tan cuộc phản công của Đức ở vòng cung Kursk (Cuôcxcơ), đã tạo ra bước ngoặt cơ bản của cuộc chiến tranh.
Với tiến triển của chiến tranh có lợi cho các nước Đồng minh, từ ngày 23-11 đến ngày 1-12-1943 đã diễn ra Hội nghị cấp cao ở Tehran (Iran). Dự hội nghị có nhà lãnh đạo Liên Xô Joseph Stalin, Tổng thống Mỹ F.Roosevelt và Thủ tướng Anh W.Churchill. Các nhà lãnh đạo đã thỏa thuận về phạm vi, thời gian các chiến dịch tiến công Đức từ Đông, Tây và Nam, bàn về tương lai nước Đức và trật tự thế giới sau chiến tranh. Liên Xô tuyên bố sẽ tham gia chống quân phiệt Nhật sau khi chiến tranh kết thúc ở châu Âu. Hội nghị Tehran có ý nghĩa quốc tế to lớn, âm mưu của phát xít chia rẽ Đồng minh và ký Hiệp ước riêng rẽ với Mỹ, Anh để không phải đầu hàng đã không thực hiện được.
Phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc ở Việt Nam do Đảng Cộng sản, Mặt trận Việt Minh lãnh đạo phát triển mạnh mẽ trên khắp các địa bàn cả nước năm 1944, đầu năm 1945. Ngày 22-12-1944, lãnh tụ Hồ Chí Minh ra chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân do đồng chí Võ Nguyên Giáp tổ chức và phụ trách. Kết hợp chặt chẽ phát triển phong trào đấu tranh của nhân dân Việt Nam với tranh thủ sự ủng hộ từ bên ngoài.
Nhận lời mời của chính quyền Tưởng Giới Thạch, ngày 25-12-1944, đoàn đại biểu Tổng bộ Việt Minh do đồng chí Hoàng Quốc Việt, Ủy viên Thường vụ Ban Chấp hành Trung ương Đảng, dẫn đầu đã sang Trung Quốc để bàn về hợp tác chống Nhật. Đầu năm 1945, quân Nhật bắn rơi một máy bay của Mỹ, phi công Mỹ là Trung úy Shaw nhảy dù xuống Việt Bắc và được Việt Minh cứu sống. Trong chuyến sang Trung Quốc để liên hệ với Đồng minh, Hồ Chí Minh đã trao trả viên phi công đó cho Cơ quan yểm trợ không quân trên bộ của Mỹ (Air Ground Aid Service A.G.A.S) tại Côn Minh (Trung Quốc) vào đầu tháng 3-1945. Hồ Chí Minh còn tiếp xúc với cơ quan thông tin chiến tranh của Mỹ (American Office of War Informatinon AOWI). Ngày 17-3-1945, Hồ Chí Minh gặp Trung úy Charles Fenn của cơ quan nghiên cứu chiến lược của Mỹ (The US Office of Strategic Services OSS)5.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và đồng chí Võ Nguyên Giáp cùng các thành viên của nhóm Con Nai, tháng 9/1945
Ngày 29-3-1945, Hồ Chí Minh gặp tướng Mỹ Ch.L Chennault, Tư lệnh Sư đoàn không quân 14 của Mỹ ở Vân Nam (Trung Quốc). Hồ Chí Minh nói rõ Việt Nam đứng về phe Đồng minh chống phát xít. Ngày 27-4-1945, Hồ Chí Minh gặp A.Patti, Thiếu tá, Trưởng Phòng Đông Dương của OSS có trụ sở ở Côn Minh, để có kế hoạch hợp tác chống Nhật.
Hội nghị các nhà lãnh đạo Liên Xô, Mỹ, Anh ở Ianta (Crưm-Liên Xô) diễn ra từ ngày 4 đến ngày 12-2-1945 khi Chiến tranh thế giới II bước vào giai đoạn cuối. Hội nghị thống nhất kế hoạch kết thúc chiến tranh, kế hoạch tiêu diệt hoàn toàn phát xít Đức, ấn định những điều khoản buộc Đức đầu hàng vô điều kiện. Hội nghị thông qua Nghị quyết về thành lập Liên hợp quốc. Thỏa thuận từ 2-3 tháng sau khi kết thúc chiến tranh ở châu Âu, Liên Xô sẽ tham gia chiến tranh chống Nhật.
Trong Chiến tranh thế giới II, nước Pháp là một mục tiêu tiến công của phát xít Đức. Ngày 16-6-1940, quân Đức tiến vào Pari đã bị bỏ ngỏ và ngày 22-6-1940, Pháp chấp nhận đầu hàng quân Đức. Ngày 25-6-1940, Chính phủ Pêtanh cử Jean Decoux (Đờcu) làm Toàn quyền Đông Dương. Trong nước Pháp, nhân dân và những lực lượng yêu nước tổ chức kháng chiến chống phát xít Đức. Ngày 6-6-1944, quân Đồng minh đổ bộ lên Normandie (Noocmăngđi), trận chiến kéo dài đến 25-8. Từ ngày 19 đến ngày 25-8-1944, khởi nghĩa và giải phóng Pari. Chính phủ lâm thời do Charles de Gaulle (Đờ Gôn) đứng đầu. Ở Việt Nam và Đông Dương, thực dân Pháp và phát xít Nhật thực hiện chính sách đàn áp tàn bạo phong trào cách mạng, yêu nước, áp bức nặng nề, vơ vét cho chiến tranh, dẫn tới nạn đói khủng khiếp cuối năm 1944 đầu năm 1945 làm cho gần 2 triệu người Việt Nam chết đói. Mâu thuẫn giữa dân tộc Việt Nam với chế độ cai trị của Pháp, Nhật phát triển gay gắt trở thành cao trào cách mạng giành độc lập do Đảng Cộng sản, Việt Minh và lãnh tụ Hồ Chí Minh lãnh đạo.
Ở Việt Nam và Đông Dương, Pháp và Nhật có mâu thuẫn gay gắt dẫn tới Nhật làm đảo chính ngày 9-3-1945, gạt bỏ Pháp để độc chiếm Đông Dương. Ngày 10-3-1945, Đờ Gôn điện cho tướng Mordant (Moócđăng) ở Đông Dương yêu cầu quân Pháp chống lại quân Nhật. Trên thực tế, quân Pháp đã thất bại nhanh chóng. Mặc dù Pháp bị Nhật gạt khỏi Việt Nam và Đông Dương, song ngày 24-3-1945, tướng Đờ Gôn ra bản tuyên bố về Đông Dương, tỏ rõ lập trường thực dân muốn áp đặt trở lại cai trị Đông Dương sau khi Nhật thất bại với ý đồ xác lập Liên bang Đông Dương trong Khối liên hiệp Pháp.
Trước tác động dồn dập của tình hình quốc tế, mâu thuẫn giữa Pháp và Nhật, và sự phát triển của phong trào cách mạng, ngày 12-3-1945, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã ra bản chỉ thị lịch sử Nhật-Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta, phát động cao trào kháng Nhật cứu nước. Bản chỉ thị cho rằng, không thể lấy việc quân Đồng minh đổ bộ vào Đông Dương làm điều kiện để khởi nghĩa, vì như thế là ỷ lại, phải phát triển lực lượng để khi “quân đội viễn chinh của Nhật mất tinh thần, thì khi ấy dù quân Đồng minh chưa đổ bộ; cuộc tổng khởi nghĩa của ta vẫn có thể bùng nổ và thắng lợi”6. Tháng 4-1945, Đảng có nghị quyết nêu rõ đối sách về ngoại giao, đồng thời đặc biệt chuẩn bị lực lượng bên trong. “Phải tích cực chuẩn bị thực lực, không được ỷ lại vào người”7.
Ngày 9-5-1945, Hồng quân Liên Xô chiến thắng phát xít Đức, kết thúc vẻ vang cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại và cũng kết thúc chiến tranh ở châu Âu. Chiến thắng của Liên Xô đã cổ vũ mạnh mẽ các dân tộc bị áp bức, trong đó có Việt Nam, quyết tâm đấu tranh tự giải phóng. Sự thất bại của quân phiệt Nhật ở châu Á là không tránh khỏi. Để nắm bắt kịp thời tình hình phong trào cách mạng cả nước và diễn biến quốc tế, đầu tháng 5-1945, Hồ Chí Minh rời Cao Bằng và đặt căn cứ chỉ đạo cách mạng ở Tân Trào (Tuyên Quang). Ngày 15-5-1945, thống nhất các lực lượng vũ trang thành Việt Nam giải phóng quân. Ngày 4-6-1945, thành lập Khu giải phóng Việt Bắc gồm 2 khu căn cứ lớn thuộc 6 tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên. Ngày 27-6-1945, Thường vụ Trung ương có thư gửi các đồng chí Trung Kỳ với những chỉ đạo cụ thể, yêu cầu: “Tất cả những đồng chí Cộng sản Trung Kỳ phải kíp đứng lên gánh vác một phần nhiệm vụ của Đảng trao cho… chuẩn bị lĩnh đạo một cuộc chiến đấu quyết liệt, tống cổ giặc Nhật ra khỏi nước, đánh đổ Chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim, giành lấy độc lập, tự do, hạnh phúc cho dân tộc”8. Ngày 17-7-1945, Tổng Bí thư Trường - Chinh có bài gửi Đảng bộ Nam Kỳ, nhấn mạnh: “khẩu hiệu cách mạng, nhất là khẩu hiệu chiến lược, phải đặt ra một cách hết sức khách quan, căn cứ vào sự phân tích khoa học tình hình trong nước và ngoài nước, căn cứ vào sự nhận định sáng suốt kẻ thù và các hạng đồng minh xa gần, và cố nhiên phải thích hợp với nhiệm vụ cách mạng của từng giai đoạn”9. Sự chỉ đạo đó có ý nghĩa rất quan trọng tạo được sự thống nhất ý chí, nhận thức và hành động trong toàn Đảng, để thống nhất lãnh đạo toàn dân tộc.
Từ ngày 25-4 đến ngày 26-6-1945, tại San Francisco (Hoa Kỳ) đã diễn ra Hội nghị đại biểu 50 nước để thông qua Hiến chương Liên hợp quốc (Hội nghị Cựu Kim Sơn). Bản Hiến chương Liên hợp quốc được các nước ký kết có hiệu lực từ ngày 24-10-1945. Hiến chương nêu rõ mục đích của tổ chức quốc tế này là giữ gìn hòa bình và an ninh quốc tế, giải quyết các vấn đề tranh chấp và xung đột bằng biện pháp hòa bình, phát triển quan hệ hữu nghị giữa các nước trên cơ sở tôn trọng các quyền bình đẳng và tự quyết dân tộc, tăng cường hợp tác quốc tế trong mọi lĩnh vực. Hiến chương Liên hợp quốc là cơ sở chính trị, pháp lý rất quan trọng bảo đảm chủ quyền đối với các quốc gia, dân tộc mới giành được độc lập.
Ngày 16-7-1945, một nhóm tình báo của OSS (Mỹ) do Thomas chỉ huy gồm 7 người, gọi là toán Deer (Con Nai) nhảy dù xuống làng Kim Lũng (Tuyên Quang) với nhiệm vụ phối hợp với Việt Minh đánh Nhật. Ngày 22-8-1945, đại diện Mỹ trong lực lượng Đồng minh là A.Patti cùng 12 nhân viên OSS đến Hà Nội.
Tại Hội nghị Pôxđam (Đức) ngày 24-7-1945, lãnh đạo Liên Xô, Hoa Kỳ và Anh và bộ tham mưu ba nước đã quyết định phân chia chiến trường Đông Dương: Bắc vĩ tuyến 16 thuộc chiến trường Trung Quốc do Bộ Tư lệnh Trung-Mỹ chỉ huy; phía Nam vĩ tuyến 16 thuộc chiến trường Đông Nam Á do Tư lệnh Anh chỉ huy. Cuộc chiến của Đồng minh chống quân Nhật ở châu Á được ghi nhận bởi những sự kiện nổi bật: ngày 6-8-1945, Mỹ ném bom nguyên tử xuống thành phố Hiroshima (Nhật Bản); từ ngày 8-8-1945, Liên Xô tuyên chiến với Nhật Bản, tấn công Mãn Châu, tiêu diệt 1 triệu quân của đạo quân Quan Đông của Nhật ở chiến trường Mông Cổ và Đông Bắc Trung Quốc; ngày 9-8-1945, Mỹ ném bom nguyên tử xuống thành phố Nagasaki (Nhật Bản); ngày 15-8-1945, Nhật Bản tuyên bố đầu hàng Đồng minh và ngày 2-9-1945, trên chiến hạm Missouri của Mỹ đậu ngoài khơi vịnh Tokyo, Nhật Bản ký văn bản đầu hàng.
Phong trào cách mạng Việt Nam phát triển rộng khắp trên cả nước với các hình thức đấu tranh chính trị, vũ trang để tiến đến khởi nghĩa giành chính quyền, giành độc lập. Tháng 8-1945, lãnh tụ Hồ Chí Minh có thư kêu gọi tổng khởi nghĩa. Người nêu rõ, nhiều dân tộc bị áp bức trên thế giới đang tiến bước giành quyền độc lập, chúng ta không thể chậm trễ. “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”10. Ở thời điểm đó, Hồ Chí Minh nói với đồng chí Võ Nguyên Giáp: “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả Trường Sơn, cũng kiên quyết giành cho được độc lập”11.
Thời cơ thuận lợi để tổng khởi nghĩa nổ ra và giành thắng lợi là do những điều kiện chủ quan, khách quan đã chín muồi: Một là, phong trào cách mạng, yêu nước, chống Nhật, cứu nước đã phát triển đến đỉnh cao trên cả nước, cả ở nông thôn, miền núi và các đô thị. Giành chính quyền, giành độc lập trở thành vấn đề sống còn của quốc gia, dân tộc và cũng là quyền sống của mỗi người Việt Nam. Người dân Việt Nam không thể sống trong sự áp bức, bóc lột đến cùng cực của chính quyền thực dân, phát xít và phong kiến tay sai cho nước ngoài. Hai là, thực dân Pháp đã bị quân phiệt Nhật gạt khỏi Việt Nam và Đông Dương, quân Nhật bị Liên Xô và Đồng minh tiến công và phải tuyên bố đầu hàng, chính quyền phong kiến, chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim suy yếu, hoang mang. Hàng ngũ kẻ thù mâu thuẫn và rối loạn. Ba là, Đảng Cộng sản, Tổng bộ Việt Minh và lãnh tụ Hồ Chí Minh đã phân tích, đánh giá một cách khoa học sự phát triển của phong trào cách mạng trong nước và tình hình thế giới để có những quyết định kịp thời. Bản Chỉ thị lịch sử ngày 12-3-1945 của Trung ương không những dấy lên cao trào kháng Nhật mạnh mẽ mà còn nhận thức rõ vấn đề tình thế và thời cơ cách mạng, đề cao trách nhiệm và tính chủ động đối với các cấp bộ đảng địa phương. Đảng đã ra sức chuẩn bị về mọi mặt để chủ động trong hành động. Hội nghị toàn quốc của Đảng (từ ngày 14 đến ngày 15-8) và Đại hội quốc dân (16-8) ở Tân Trào đã đáp ứng đòi hỏi cấp thiết của lịch sử theo nguyên tắc: Tập trung - Thống nhất - Kịp thời.
Nắm chắc thời cơ để hành động kịp thời, Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh đã thấy rõ nguy cơ lớn cần phải vượt qua và hành động nhanh mới có thể vượt qua để giành thắng lợi. Một nguy cơ rõ nhất là lợi dụng sự thất bại của Nhật mà Pháp mau chóng quay lại Việt Nam, Đông Dương để áp đặt sự cai trị như trước ngày 9-3-1945. Âm mưu và ý đồ này của Pháp đã thể hiện rõ trong tuyên bố ngày 24-3-1945 của Đờ Gôn. Âm mưu này của Pháp được Mỹ và Anh ủng hộ. Ngày 22-8-1945, Tướng Đờ Gôn đến Washington gặp Tổng thống Harry S. Truman và Chính phủ Hoa Kỳ chính thức thừa nhận chủ quyền của Pháp ở Đông Dương. Ngày 24-8-1945, Chính phủ Anh ký với Chính phủ Pháp về các nguyên tắc, thể thức khôi phục lại quyền lực của Pháp ở Đông Dương. Nguy cơ thứ hai, lợi dụng danh nghĩa quân Đồng minh vào Việt Nam, Đông Dương tước vũ khí quân Nhật, chính quyền Tưởng Giới Thạch có ý định lật đổ Chính phủ Hồ Chí Minh.
Nghị quyết của Hội nghị toàn quốc của Đảng nêu rõ: “Chính sách của chúng ta là phải tránh cái trường hợp một mình đối phó với nhiều lực lượng Đồng minh (Tàu, Pháp, Anh, Mỹ) tràn vào nước ta và đặt chính phủ của Pháp Đờ Gôn hay một chính phủ bù nhìn khác trái với ý nguyện dân tộc.
Bởi vậy cần tranh thủ sự đồng tình của Liên Xô và Mỹ chống lại mưu mô của Pháp định khôi phục địa vị cũ ở Đông Dương và mưu mô của một số quân phiệt Tàu định chiếm nước ta”12.
Trong nửa cuối tháng 8-1945, Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh đã lãnh đạo thắng lợi cuộc Tổng khởi nghĩa trên cả nước, đánh đổ chế độ thuộc địa và phong kiến, xây dựng chính thể cộng hòa dân chủ Việt Nam, mở ra kỷ nguyên mới của lịch sử dân tộc: kỷ nguyên đất nước độc lập, nhân dân làm chủ xã hội và cuộc sống, mở đường đi tới CNXH. Ngày 2-9-1945, thay mặt Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội. Tuyên ngôn khẳng định: “Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị. Dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần 100 năm nay để gây nên nước Việt Nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập nên chế độ Dân chủ Cộng hòa...
Chúng tôi tin rằng các nước Đồng minh đã công nhận những nguyên tắc dân tộc bình đẳng ở các hội nghị Têhêrăng và Cựu Kim Sơn, quyết không thể không nhận quyền độc lập của dân Việt Nam.
Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!
Vì những lẽ trên, chúng tôi - Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - trịnh trọng tuyên bố với thế giới rằng:
“Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thực đã thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”13.
Sức mạnh dân tộc có sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng cách mạng đã làm nên thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám. Sự tác động của tình hình quốc tế có cả thuận lợi và nguy cơ. Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh đã tranh thủ cao nhất thuận lợi và đẩy lùi nguy cơ. Bài học thành công đó có ý nghĩa sâu sắc đối với các thời kỳ tiếp theo và nhất là đối với công cuộc đổi mới, phát triển đất nước hiện nay.
Bài đăng trên Tạp chí Lịch sử Đảng số 8-2015
1, 2, 6, 7, 8, 9, 12. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2000, T. 7, tr. 239, 244, 373, 390, 402-403, 414, 427
3, 4, 10. Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, T. 3, tr. 538, 267, 596
5. Xem: Việt Nam những sự kiện lịch sử (1919-1945), Nxb Giáo dục, H, 2000, tr. 386
11. Bác Hồ sống mãi với chúng ta (Hồi ký), Nxb CTQG, H, 2005, tr. 181
13. Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, T. 4, tr. 3.