Hiệp Đức là huyện miền núi thuộc tỉnh Quảng Nam, thành lập năm 1986. Đảng bộ huyện hiện có hơn 1.900 đảng viên, với 42 tổ chức cơ sở đảng trực thuộc, trong đó 11 Đảng bộ xã, thị trấn. Đây là địa bàn nhân dân có bề dày truyền thống đấu tranh yêu nước, cách mạng và văn hóa. Phát huy truyền thống đó, trong những năm qua, nhất là 5 năm (2018-2023), Đảng bộ huyện Hiệp Đức đã tích cực triển khai thực công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên tuyền giáo dục lịch sử, văn hóa địa phương đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Từ khóa: huyện Hiệp Đức; nghiên cứu, biên soạn; tuyên tuyền giáo dục; lịch sử, văn hóa
Hội thảo góp ý bản thảo cuốn sách "Hiệp Đức sự kiện và nhân vật tập 2"
1. Từ ngày thành lập đến nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, kinh tế-xã hội của huyện Hiệp Đức đã có những bước phát triển vượt bậc, sánh vai với các huyện, thị, trong tỉnh Quảng Nam. Từ một huyện có nền sản xuất thuần nông, tự cấp, tự túc, đã đi dần vào chuyên canh, sản xuất hàng hoá. Hệ thống kết cấu hạ tầng được đầu tư ngày càng hoàn chỉnh. Các lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa không ngừng phát triển. Công tác giảm nghèo, an sinh xã hội được quan tâm. Người có công cách mạng được chăm lo chu đáo. Bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện. Hệ thống chính trị được củng cố, kiện toàn, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Nhằm phát huy truyền thống yêu nước và cách mạng của tổ chức đảng và nhân dân địa phương, kể từ khi thành lập (năm 1986) đến nay, Đảng bộ huyện Hiệp Đức đã xác định công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa địa phương là một trong những nội dung quan trọng trong công tác tư tưởng, nhằm góp phần khơi dậy lòng tự hào, tự tôn dân tộc và niềm tin vững chắc vào sự lãnh đạo của Đảng. Đặc biệt là kể từ khi Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 20-CT/TW, ngày 18-1-2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “Về tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền giáo dục lịch sử Đảng”, Theo đó, công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử truyền thống cách mạng, lịch sử đảng bộ địa phương luôn được các cấp ủy đảng, lãnh đạo các ngành, đơn vị trên địa bàn huyện Hiệp Đức quan tâm thực hiện thường xuyên, có hiệu quả. Nội dung chỉ đạo được đưa vào Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện qua các nhiệm kỳ, Nghị quyết Huyện ủy hằng năm và nhiều Chương trình, kế hoạch với nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. Việc triển khai công tác này trong trường học phổ thông được thực hiện nghiêm túc. Tất cả các trường đã đưa Lịch sử Đảng bộ huyện vào giảng dạy trong các trường học phổ thông. Tuy nhiên, nội dung chưa được toàn diện, thiếu tính hệ thống, tài liệu phục vụ cho giảng dạy còn hạn chế. Để khắc phục những vấn đề đặt ra, ngày 28-9-2018, Ban Thường vụ Huyện ủy ban hành Chỉ thị số 13-CT/HU “Về tăng cường công tác giáo dục lịch sử, văn hóa địa phương trong các trường học phổ thông trên địa bàn huyện”
UBND huyện chỉ đạo các ngành liên quan cụ thể hóa nội dung Chỉ thị 13-CT/HU vào kế hoạch công tác hằng năm của cơ quan, đơn vị; tham mưu HĐND huyện ban hành Nghị quyết số 60/NQ-HĐND, ngày 30-9-2020 “Về khôi phục, bảo tồn và phát huy một số loại hình văn hóa truyền thống trên địa bàn huyện Hiệp Đức đến năm 2026”; ban hành Thông báo số 222/TB-UBND, ngày 19-3-2020 về việc giao cho cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức biên soạn tài liệu giáo dục địa phương của huyện Hiệp Đức để đưa vào tổ chức các hoạt động giáo dục và tích hợp với các nội dung dạy học ở trường phổ thông; chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện ban hành nhiều văn bản chuyên đề chỉ đạo về giảng dạy lịch sử, văn hóa địa phương trong các trường phổ thông.
Tính chung trong 5 năm (2018-2023), cấp ủy, chính quyền huyện đã ban hành 104 văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW và Chỉ thị số 13-CT/HU; trong đó, Ban Thường vụ Huyện ủy ban hành 23 văn bản, HĐND, UBND huyện: 3 văn bản, Ban Tuyên giáo Huyện ủy: 75 văn bản, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện: 3 văn bản. Ngoài ra, định kỳ hằng năm, các cơ quan tuyên truyền trên địa bàn huyện đã ban hành các hướng dẫn, kế hoạch, công văn về việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền về truyền thống lịch sử nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn trong năm đến cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là học sinh trong các trường học.
2. Với chủ trương và biện pháp triển khai thực hiện nêu trên, công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử đảng bộ địa phương, lịch sử các ban, ngành, đoàn thể được quan tâm thực hiện. Năm 2019, ngay sau khi tập sách Lịch sử Đảng bộ huyện tái bản, bổ sung và phát hành, Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo Ban Tuyên giáo Huyện ủy phối hợp với UBND huyện tổ chức biên soạn Bộ tài liệu “Hiệp Đức - Sơ lược địa lý, lịch sử, văn hóa”, phát hành và đưa vào giảng dạy trong chương trình ngoại khóa ở các cấp học phổ thông trên địa bàn huyện kể từ năm học 2021 - 2022. Từ năm 2018 đến nay, Huyện ủy Hiệp Đức đã biên soạn và phát hành 2 tập sách: Lịch sử Đảng bộ huyện Hiệp Đức 1930 - 2015 (tái bản, bổ sung năm 2019) và sách Hiệp Đức - Sự kiện và Nhân vật, tập 2 (năm 2022). Đối với đảng bộ xã, thị trấn trên địa bàn huyện, tính đến tháng 8-2023, đã có 10 xã, thị trấn hoàn thành biên soạn, tái bản lịch sử đảng bộ giai đoạn 1930-20151, có 4 xã đã phát hành tái bản tập sách lịch sử: Quế Bình (2018), Hiệp Thuận (2021), Bình Sơn, Thăng Phước (2022); 2 xã đang viết mới: Sông Trà, Phước Gia (dự kiến phát hành năm 2023); Đảng ủy xã Quế Lưu xúc tiến việc tái bản lịch sử Đảng bộ đến năm 2020 (dự kiến phát hành năm 2025).
Đối với lịch sử, truyền thống, kỷ yếu ngành, đơn vị, từ năm 2018 đến nay, có 2 đơn vị biên soạn và phát hành lịch sử chuyên ngành là: Hội Nông dân huyện (2018), Hội Phụ nữ huyện (2022); Ban Liên lạc huyện Quế Tiên (2022); một số đơn vị đang tiến hành biên soạn lịch sử: Lịch sử Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh huyện Hiệp Đức (1931 - 2021); HĐND và UBND huyện Hiệp Đức đang biên soạn Kỷ yếu Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân huyện Hiệp Đức từ khóa I (nhiệm kỳ 1987-1989) đến khóa VIII (nhiệm kỳ 2021-2026); Ban Tuyên giáo Huyện ủy biên soạn kỷ yếu ngành Tuyên giáo Hiệp Đức (giai đoạn 1986 đến nay). Ngoài những công trình lịch sử nêu trên, huyện Hiệp Đức đã biên soạn và phát hành nhiều tập sách có giá trị như: Hiệp Đức huyện Anh Hùng (2000), Hiệp Đức 20 năm xây dựng và trưởng thành (2006), Hiệp Đức - Những chiến công tiêu biểu (2009), Hiệp Đức - Sự kiện và nhân vật, tập 1, Quế Tiên - Hiệp Đức ngày ấy bây giờ (2012); Công an, Ban Chỉ huy Quân sự huyện cũng đã biên soạn và xuất bản lịch sử truyền thống đến năm 2010 và đang nghiên cứu, biên soạn tập sách: Những gia đình trụ bám tiêu biểu trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước…
Hội thảo góp ý bản thảo cuốn sách "Lịch sử Đoàn TNCSHCM huyện Hiệp Đức"
Công tác sưu tầm, lưu trữ tư liệu phục vụ nghiên cứu, tuyên tuyền lịch sử, văn hóa địa phương được chú trọng, Huyện ủy tiếp tục quán triệt thực hiện tốt Chỉ thị số 54-CT/TU, ngày 20-5-2009 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam về việc sưu tầm, hệ thống và bảo quản, sử dụng tư liệu quý về đề tài chiến tranh cách mạng; Thông tri số 08-TT/TU, ngày 21-6-2016 của Tỉnh ủy Quảng Nam “về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện giáo dục văn hóa, lịch sử địa phương trong trường phổ thông”. Qua đó, công tác sưu tầm tư liệu, hiện vật về đề tài chiến tranh cách mạng được thực hiện tốt. Huyện có Kho lưu trữ và Thư viện huyện để quản lý tư liệu, hiện vật về đề tài chiến tranh cách mạng, đáp ứng cơ bản nhu cầu tìm hiểu, tra cứu những vấn đề liên quan đến lịch sử, truyền thống văn hóa của địa phương và làm cơ sở tổ chức nhiều đợt trưng bày, quảng bá hình ảnh, tư liệu, hiện vật về đề tài chiến tranh cách mạng phục vụ tham quan học tập của thanh niên, học sinh. Đến nay, đã sưu tầm 46 hiện vật và gần 1.000 trang tư liệu thành văn. Riêng năm 2020, đã thu nhận 19 đầu danh mục tài liệu hồi ký cách mạng, 10 đầu danh mục tài liệu thành văn, 1 đầu danh mục tài liệu phản diện, gần 20 đầu sách tham khảo đưa vào Kho lưu trữ của huyện. Đây là nguồn tư liệu quý được tiếp tục khai thác, đưa vào các tập sách giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa địa phương cho thanh thiếu niên, học sinh.
Công tác bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị các di tích lịch sử cách mạng, kháng chiến được cấp ủy các cấp quan tâm chỉ đạo thực hiện, góp phần quan trọng vào công tác giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống văn hóa, đấu tranh cách mạng cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ. Trên địa bàn huyện hiện có 1 Di tích lịch sử cấp quốc gia, 14 Di tích văn hóa, lịch sử cấp tỉnh. Trong đó, khu Di tích Căn cứ cách mạng Khu ủy 5 (Di tích quốc gia) là địa chỉ đỏ thường xuyên được các trường học, tổ chức hội, đoàn thể đưa các em học sinh đến tham quan, tìm hiểu, học tập2... Hiện nay, huyện tiếp tục khảo sát, lập hồ sơ để trình cơ quan chuyên môn cấp trên công nhận thêm một số di tích văn hóa, lịch sử; khảo sát dựng bia di tích lịch sử đối với các sự kiện lịch sử của huyện và xã, thị trấn.
Công tác tuyên truyền được triển khai thực hiện thường xuyên với những biện pháp thiết thực, trong đó có việc phát huy lợi thế của internet, mạng xã hội như trang web http://pgdhiepduc.edu.vn và các kênh mạng xã hội chính thức của ngành Giáo dục Hiệp Đức (facebook Giáo dục Hiệp Đức, Yotube Hiep Duc Education); cổng Thông tin điện tử của huyện, đăng tải nội dung Lịch sử Đảng bộ huyện (1930- 2015) và nhiều bài viết tuyên truyền lịch sử khác. Cuộc thi tìm hiểu Lịch sử Đảng bộ được tổ chức thực hiện trên Internet là những kênh truyền thông quan trọng, hiệu quả về hoạt động giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa của huyện và đăng tải các hình ảnh, các video mô tả các hoạt động giáo dục truyền thống, lịch sử văn hóa địa phương của các trường học.
Qua các hoạt động tuyên truyền, quán triệt, nhận thức của cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp, của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong huyện về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác công tác giáo dục lịch sử, văn hóa địa phương trong các trường học phổ thông có chuyển biến rõ nét. Từ đó, công tác giáo dục lịch sử, văn hóa địa phương trong đội ngũ học sinh các trường học được thực hiện ngày càng hiệu quả, góp phần khơi dậy ý thức trách nhiệm trong học sinh, tự giác tìm tòi, nghiên cứu, nắm bắt những nội dung cơ bản, có hệ thống về văn hóa, lịch sử đấu tranh cách mạng; về vùng đất, con người tại địa phương; củng cố niềm tin, lòng tự hào về lịch sử vẻ vang của quê hương trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tại hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 13-CT/HU, đã nhận định: công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền và các ngành chuyên môn, công tác giáo dục lịch sử, văn hóa địa phương trong trường học phổ thông được triển khai thực hiện nghiêm túc, chất lượng, hiệu quả. Nội dung giáo dục lịch sử, văn hóa địa phương, tuy chưa được xem như một môn học độc lập, mà lồng ghép trong nội dung các môn học liên quan như lịch sử, âm nhạc, mỹ thuật, đạo đức… Nội dung giảng dạy luôn được các thầy, cô giáo chuẩn bị khá chu đáo và bám sát tình hình thực tiễn, những giá trị văn hóa, lịch sử cốt lõi của quê hương Hiệp Đức.
Để đảm bảo đạt được hiệu quả giáo dục cao nhất trong việc thực hiện giảng dạy phần lịch sử, văn hóa địa phương, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đã chỉ đạo các trường học, yêu cầu giáo viên phải biên soạn giáo án lên lớp với các phương pháp, kỹ thuật dạy học phù hợp và chuẩn bị đầy đủ các tư liệu, đồ dùng dạy học liên quan; nội dung được tinh chọn, thời gian giảng dạy được bố trí hợp lý, hiệu quả. Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện chỉ đạo nhà trường yêu cầu giáo viên tham khảo thêm một số tài liệu có liên quan như: Lịch sử Đảng bộ huyện Hiệp Đức (1930 - 2015); Hiệp Đức sự kiện và Nhân vật (tập 1,2); Quế Tiên – Hiệp Đức, Ngày ấy - bây giờ; Lịch sử lực lượng vũ trang nhân dân tỉnh Quảng Nam; Địa chí Quảng Nam - Đà Nẵng; Lịch sử Đảng bộ của các xã, thị trấn trên địa bàn huyện... Đặc biệt, khi tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, các ngày lễ, kỷ niệm lớn của ngành, các hoạt động truyền thông, quảng bá về giáo dục của huyện, các trường học đã phối hợp tuyên truyền quá trình hình thành và phát triển nhà trường gắn với dòng chảy lịch sử, văn hóa, chính trị của địa phương, thông qua đó giới thiệu, quảng bá đến xã hội và giáo dục học sinh về lịch sử đấu tranh cách mạng, các di tích lịch sử, văn hóa và danh thắng của địa phương. Bên cạnh đó, Ban Hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp ở các trường đã nghiên cứu để lồng ghép, tích hợp nội dung lịch sử, văn hóa địa phương vào trong các buổi hoạt động ngoài giờ lên lớp hằng tháng của các lớp, các đợt sinh hoạt chủ đề lớn trong năm. Đặc biệt, trong thời gian gần đây, với sự giúp đỡ của Chi đoàn Thanh niên, Hội đồng Đội các xã, thị trấn, các hoạt động thi hát dân ca, hành trình “Tìm về địa chỉ đỏ”, tham quan các làng nghề truyền thống trong huyện và tỉnh; trải nghiệm “Chúng em là chiến sĩ”... đã được tổ chức thường xuyên hơn với số lượng học sinh được tham gia ngày càng nhiều.
Công tác giảng dạy cơ bản đảm bảo theo phân phối chương trình và chất lượng dạy học lịch sử, văn hóa ở các bậc học theo quy định của cấp trên; chú trọng tuyên truyền, nâng cao nhận thức đúng đắn trong việc dạy văn hóa, lịch sử địa phương trong đội ngũ giáo viên và học sinh. Từ những kết quả đạt được đã góp phần quan trọng giúp học sinh hiểu và có ý thức trách nhiệm đối với quê hương, đất nước. Qua đó, góp phần bồi dưỡng cho thế hệ trẻ tình yêu quê hương, đất nước, niềm tự hào, tự tôn dân tộc; nêu cao ý chí tự lực, tự cường, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, quyết tâm xây dựng quê hương, đất nước ngày một giàu đẹp.
Từ hiệu quả thực hiện Chỉ thị 13-CT/HU cho thấy: Nếu như trước đây, nhận thức việc giáo dục lịch sử, văn hóa địa phương chỉ được thực hiện trong trường học, ở ngành Giáo dục, thì nay đã được thực hiện trong toàn dân, toàn xã hội, của các ngành, các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội. Nhiều cuộc thi tìm hiểu lịch sử, văn hóa, truyền thống của địa phương được tổ chức thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia, trong đó cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, hội, đoàn viên, thanh niên, học sinh hưởng ứng rất tích cực. Tính đến năm 2023, Hiệp Đức là huyện duy nhất của tỉnh Quảng Nam ban hành chỉ thị về giáo dục lịch sử, văn hóa địa phương; HĐND huyện đã ban hành nghị quyết về khôi phục, bảo tồn và phát huy một số loại hình văn hóa truyền thống trên địa bàn huyện.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giáo dục lịch sử, văn hóa địa phương trong các cấp học phổ thông trên địa bàn huyện Hiệp Đức vẫn còn một số hạn chế cần tiếp tục khắc phục. Đó là: sự bùng nổ của công nghệ thông tin, đặc biệt là sự phát triển mạnh mẽ của mạng Internet và các trang Web, mạng xã hội không lành mạnh; nguồn kinh phí chi cho các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp ở các trường còn ít, các nguồn lực xã hội hóa giáo dục chưa nhiều; tư liệu trực quan sinh động để đưa vào minh họa cho các bài học lịch sử, văn hóa còn hạn chế, thời lượng giảng dạy chương trình còn ít, ảnh hưởng nhất định đến chất lượng học tập của học sinh.
3. Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả cao hơn công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyên, giáo dục lịch sử, văn hóa địa phương cần thực hiện tốt các giải pháp sau:
Một là, tiếp tục quán triệt, tuyên truyền sâu rộng nội dung Chỉ thị số 20-CT/TW, ngày 18-1-2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “Về tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền giáo dục lịch sử Đảng”; Quyết định số 2448-QĐ/BTGTW, ngày 26-5-2023 của Ban Tuyên giáo Trung ương “về ban hành chương trình bồi dưỡng chuyên đề lịch sử Đảng và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về công tác giáo dục lịch sử địa phương trong các tổ chức cơ sở đảng, cơ quan, đơn vị” và các nhiệm vụ và giải pháp triển khai thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 13-CT/HU. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của nhiệm vụ giáo dục lịch sử, văn hóa địa phương đối với công tác xây dựng Đảng trong tình hình mới.
Hai là, không ngừng đổi mới công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên tuyền, giáo dục lịch sử, văn hóa địa phương trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là trong thanh thiếu niên và học sinh, đảm bảo tính thường xuyên, liên tục, đặc biệt nhân các hoạt động văn hóa trọng điểm, kỷ niệm những ngày lễ, kỷ niệm của quê hương, đất nước, trong đó, chú trọng việc ứng dụng công nghệ thông tin, phát huy hiệu quả hoạt động của mạng xã hội trong tuyên truyền, giáo dục lịch sử, văn hóa trên địa bàn huyện, qua đó, củng cố và phát huy tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc trong toàn đảng bộ và nhân dân địa phương.
Ba là, nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, biên soạn, tái bản các công trình lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống cách mạng ngành, hội, đoàn thể; tiếp tục chỉnh lý, bổ sung, tái bản tài liệu giáo dục văn hóa và lịch sử địa phương làm cơ sở giảng dạy trong các trường học phổ thông.
Bốn là, chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch chỉ đạo tổ chức thực hiện tốt công tác lịch sử Đảng nói chung, giáo dục lịch sử, văn hóa địa phương trong trường học phổ thông nói riêng trong các cấp ủy đảng; thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện. Kịp thời biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ; đồng thời, chấn chỉnh những tập thể, cá nhân chưa thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao.
Năm là, tăng cường công tác phối hợp giữa các cấp ủy, tổ chức Đảng với Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội với nhà trường để tăng cường tổ chức hiệu quả các hoạt động về giáo dục lịch sử, văn hóa địa phương cho nhân dân, đặc biệt là học sinh thông qua các buổi sinh hoạt đầu tuần, ngoại khóa, chuyên đề, hội trại…
Sáu là, chủ động đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, xuyên tạc lịch sử, văn hóa. Đẩy mạnh thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới theo Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22-10-2018 của Bộ Chính trị, gắn với thông tin, tuyên truyền sâu rộng việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18-5-2021 của Bộ Chính trị (khóa XIII).
Bảy là, tiếp tục thực hiện tốt việc biên soạn, chỉnh lý tài liệu giáo dục lịch sử, văn hóa địa phương đưa vào giảng dạy; quan tâm sưu tầm tư liệu có liên quan với nội dung, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả của giờ dạy; tổ chức, tạo điều kiện để đội ngũ cán, bộ giáo viên phụ trách công tác Đoàn, Đội; giáo dục ngoài giờ lên lớp; giáo viên chủ nhiệm lớp tham gia các đợt tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ theo chương trình quy định hoặc bồi dưỡng thường xuyên do Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Đoàn, địa phương tổ chức; tăng cường tổ chức cho giáo viên và học sinh tham gia các lớp ngoại khóa, tham quan, tìm hiểu về các di tích văn hóa, lịch sử của địa phương; kiểm tra đánh giá chặt chẽ các tiết dạy học lịch sử địa phương; thực hiện tốt hơn nữa việc huy động các nguồn lực xã hội hóa, kết hợp sử dụng hợp lý nguồn kinh phí tự chủ để đổi mới các hình thức giáo dục lịch sử, văn hóa địa phương theo hướng tổ chức các diễn đàn, hội thi, hoạt động tham quan, trải nghiệm.
Ngày nhận bài: 13-10-2023; ngày thẩm định, đánh giá: 22-12-2023; ngày duyệt đăng: 30-12-2023
1. Bình Lâm, Quế Thọ, Quế Bình, Quế Lưu, Hiệp Thuận, Thăng Phước, Bình Sơn, Hiệp Hòa, thị trấn Tân An (cũ), Phước Trà.
2. Một số di tích lịch sử, văn hóa thường xuyên được các trường học, hội, đoàn thể tổ chức cho các em tham quan, học tập như: khu Di tích lịch sử Quốc gia – Căn cứ Khu 5 (Sông Trà); Giếng nước Quốc hội (Bình Lâm), Giếng Rèn (Tân Bình), Bia di tích Đồn Dương Bồ Trong (Chia Gan) và Bia di tích Đèo Đá Bon (Quế Thọ); Đình làng Phước Sơn (Tân Bình), Đình làng Hóa Quê (Quế Thọ), Di tích chiến thắng Trực Thăng vận (Hiệp Hòa)...