Tóm tắt: Các cuộc chiến đấu của quân và dân Gia Lai nói riêng, Liên khu V nói chung đã vượt qua mọi khó khăn giành những thắng lợi quan trọng cùng cả nước góp phần làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, một trong những mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh giữ nước của dân tộc Việt Nam. Sự phối hợp của mặt trận Gia Lai với các chiến trường trong Đông - Xuân 1953-1954 là minh chứng cho tinh thần đoàn kết dân tộc, đồng lòng, chung sức, kiên quyết tiến công địch, làm nên chiến thắng vẻ vang kết thúc cuộc kháng chiến trường kỳ của quân, dân ta.

Từ khóa: Mặt trận Gia Lai; Đông - Xuân 1953-1954; Chiến dịch Điện Biên Phủ; năm 1954

 
Đồng chí Châu Ngọc Tuấn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Gia Lai và các đồng chí lãnh đạo tỉnh
bấm nút phát động Cuộc thi tìm hiểu “70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ
và 65 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn”

1. Bước vào mùa Xuân năm 1954, quân và dân ta đã giáng những đòn quyết liệt vào tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ kiên cố nhất của quân đội Pháp. Sau 56 ngày đêm chiến cuộc diễn ra ác liệt, chiều ngày 7-5-1954, tướng De Castries (Đờ Cát) đã treo cờ trắng đầu hàng. Thắng lợi đó minh chứng cho tinh thần đoàn kết của dân tộc ta; một dân tộc dù nhỏ yếu nhưng khi nhân dân đồng lòng, chung sức, kiên quyết tiến công địch, phối hợp nhịp nhàng giữa các chiến trường trên cả nước dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng tất yếu sẽ giành chiến thắng vẻ vang; trong đó có sự góp phần quan trọng của mặt trận tỉnh Gia Lai.
Gia Lai là một chiến trường thuộc Bắc Tây Nguyên, nằm sâu trong vùng sau lưng địch, xa Trung ương, xa hậu phương lớn. Nam Trung Bộ và Tây Nguyên là một trong những mục tiêu quân Pháp tập trung lực lượng đánh phá với nhiều thủ đoạn thâm độc, nhằm chiếm đóng và bình định để ổn định thế trận phía Nam Đông Dương như chính người Pháp đã từng xác định Tây Nguyên là nóc nhà của Đông Dương”. Tây Nguyên có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, là yết hầu nằm trong tam giác Việt Nam-Lào-Campuchia.
Đánh giá đúng tình thế, hiểu rõ âm mưu của quân Pháp, Đảng ta quyết tâm lãnh đạo mở các tiến công quân sự nhằm làm phá sản kế hoạch của Navarre, đẩy Pháp vào thất bại hoàn toàn, kết thúc cuộc kháng chiến trường kỳ. Chủ trương của Trung ương Đảng là thực hiện kế hoạch tác chiến quân sự mở rộng liên tiếp tiến công quân Pháp từ nhiều hướng chiến lược khác nhau trên khắp chiến trường Đông Dương, trong đó hướng tiến công địch ở Tây Nguyên, giải phóng thị xã Kon Tum và uy hiếp Pleiku.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn Quân ủy Trung ương thực hiện nghệ thuật quân sự: Cách đánh chính quy phải “Tiêu diệt sinh lực địch, bồi dưỡng lực lượng ta; đánh chắc thắng; đánh tiêu diệt; chọn nơi địch sơ hở, nơi địch tương đối yếu mà đánh; giữ vững chủ động, kiên quyết buộc địch phải phân tán lực lượng để đối phó với ta trên nhiều hướng”1; đối với cách đánh du kích “Ta biết rõ giặc, giặc không rõ ta. Đi nhẹ không tăm, về nặng không tiếng. Tiến nhanh như gió, thoái kín như đêm. Phục giặc không biết, đánh giặc không ngờ”2.
Quán triệt tư tưởng quân sự của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tháng 9-1953, Bộ Chính trị họp bàn, đề ra chủ trương chiến lược hoạt động quân sự trong Đông-Xuân 1953-1954, với “phương châm: “tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt” và tư tưởng chỉ đạo tác chiến: tiêu diệt sinh lực địch, bồi dưỡng lực lượng của ta, đánh chắc, chắc thắng; chọn nơi địch sơ hở để đánh; giữ vững thế chủ động, buộc địch phải phân tán lực lượng để đối phó”3.
Sau khi Pháp cho quân nhảy dù, tăng quân, tăng vũ khí, xây dựng ở Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm quy mô lớn, tháng 12-1953, Bộ Chính trị quyết định chọn nơi đây làm điểm quyết chiến chiến lược trong Đông-Xuân 1953-1954.
Cuối năm 1953 đầu năm 1954, địch ráo riết triển khai Kế hoạch Navarre trên chiến trường Đông Dương, tăng quân ở Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Lực lượng địch tập trung ở Bắc Tây Nguyên gồm có 2 tiểu khu: tiểu khu Kon Tum và tiểu khu Gia Lai. Tại tiểu khu Gia Lai, địch xây dựng các cứ điểm quân sự ở những vị trí quan trọng trong các các nội thị, nội địa và trên các tuyến giao thông huyết mạch của tỉnh và liên tỉnh như: Thị xã Pleiku, nội địa Đăk Đoa, Đăk Bớt, đường 19 từ đèo An Khê đến Pleiku và các cứ điểm trên đường số 7.
Tháng 11-1953, Bộ Chính trị chuẩn y đề nghị của Tổng quân ủy: “Liên khu V cần phải tập trung lực lượng tiến công lên Tây Nguyên, phải coi đây là nhiệm vụ quan trọng đặc biệt nhất; nhiệm vụ củng cố vùng tự do là nhiệm quan trọng thứ hai”4. Mặt trận Tây Nguyên phải phối hợp với mặt trận chính là Tây Bắc thực hiện mục tiêu phân tán lực lượng địch, quyết tâm đánh bại kế hoạch quân sự của Navarre.
Giữa tháng 12-1953, Bộ Tư lệnh Liên khu V thông qua kế hoạch tiến công lên Tây Nguyên. Trong đó, hướng tấn công chính là Bắc Kon Tum, An Khê - đường 19 là hướng phụ. Chấp hành mệnh lệnh của Tổng Quân ủy Tổng Tư lệnh, Liên khu V đã tập trung lực lượng của Trung đoàn chủ lực 108, 803 và các Tiểu đoàn độc lập 30, 40, 59 và Trung đoàn 120 tham gia chiến dịch. Trong đó phần lớn lực lượng chủ lực sẵn sàng chiến đấu ở hướng chính. Tại cứ điểm An Khê - đường 19 được tăng cường một đại đội của Trung đoàn 803.
Đồng thời, Liên khu ủy V quyết định thành lập Đảng ủy và Ban chỉ huy chiến dịch do đồng chí Nguyễn Chánh làm Bí thư Đảng ủy, Tư lệnh kiêm Chính ủy. Ngoài ra, huy động 200 cán bộ tăng cường cho bộ máy lãnh đạo dân công phục vụ chiến dịch. Tổ chức học tập chính trị và huấn luyện kỹ thuật cho lực lượng bộ đội địa phương và du kích. Ban chỉ huy các mặt trận An Khê, Đăk Bớt nhanh chóng được thành lập, sẵn sàng lãnh đạo tác chiến5.
Ngày 1-1-1954, Liên khu V phát động phong trào thi đua lập công giành cờ luân lưu “Quyết chiến, quyết thắng” của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
2. Đến giữa tháng 1-1954, công tác chuẩn bị thực lực về mọi mặt đã hoàn thành về cơ bản, các đoàn quân chủ lực, các đoàn dân công và các đội thanh niên xung phong hỏa tuyến đã có mặt tại chiến trường Gia Lai. Cuộc tiến công Đông-Xuân 1953-1954 trên chiến trường Gia Lai được lệnh mở màn vào đêm 26-1-1954, quân đội chủ lực và bộ đội địa phương tiến công tiêu diệt hai cứ điểm Babakơtu và Kơtung-Búp bê6. Tiếp ngay sau đó, đêm 27 rạng sáng ngày 28-1-1954, quân dân ta mở mặt trận Bắc Tây Nguyên, đánh vào Kon Tum, sau 10 ngày chiến đấu, vùng Bắc Tây Nguyên, bao gồm toàn bộ tỉnh Kon Tum rộng 16.000 km2, với 20 vạn dân hoàn toàn giải phóng. Đây là điều kiện thuận lợi cho quân ta tiếp tục ra những đòn tấn công quyết định trên mặt trận Gia Lai. Tuy nhiên, khi rút bỏ thị xã Kon Tum, Navarre đã rút một số đơn vị từ đồng bằng lên tăng cường cho Gia Lai, tổ chức phòng thủ ở đường 19 và nhất là thị xã Pleiku. Tại Gia Lai, quân Pháp hình thành thế bố trí theo hai khối:
Khối thứ nhất, tại thị xã Pleiku có 9 tiểu đoàn cơ động, trong đó có lực lượng Binh đoàn 100, bố trí thành hình cánh cung để giữ mạn Bắc thị xã, từ cứ điểm Đăk Đoa (cách thị xã 15 km về hướng Đông Bắc) vòng về phía Tây Bắc thị xã giáp với đồn chè Biển Hồ.
Khối thứ hai, trên đường 19 - An Khê, có 9 tiểu đoàn, trong đó có Binh đoàn cơ động số 11 và 21 được bố trí tại tuyến phòng thủ giữ Đông - Tây, nhằm chặn lực lượng quân ta tấn công hướng Nam Tây Nguyên; còn hai binh đoàn số 41và 42, địch bố trí vùng điểm cao Trà Khê (Trà kê) phòng thủ phía Nam7.
Trước tình thế mới, địch tập trung quân lớn về phòng giữ Gia Lai, lực lượng của ta cũng được tăng cường ngày càng mạnh hơn, hai bên ở thế giằng co quyết liệt.
Để từng bước đập tan âm mưu của địch, ngày 8-2-1954, Bộ Tư lệnh Liên khu V chỉ đạo Đại đội 54 và bộ đội huyện Đăk Bớt tiến công tiêu diệt đồn Đăk Bớt, địch ở đồn Đăk Blá và Kon Thụp hoang mang tháo chạy. Ngày 9-2-1954, bộ đội huyện Đăk Bớt đột nhập vào phá hủy trụ sở cơ quan địch ở trung tâm thị trấn Cheo Reo.
Tháng 2-1954, Thường vụ Liên khu ủy và Đảng ủy chiến dịch họp hội nghị kiểm điểm tình hình bước đầu chiến dịch, đánh giá: “Tuy giành được thắng lợi lớn, nhưng do không tiêu diệt được lực lượng địch rút khỏi Kon Tum, nên chưa tạo được sự thay đổi có ý nghĩa quan trọng về so sánh lực lượng giữa ta và địch, ta chưa giành được thế chủ động hoàn toàn về chiến dịch”8. Do đó, để ngăn chặn địch tổ chức phản công, hội nghị quyết định: Tổ chức một đợt tiến công ngắn nhưng thật mạnh vào thị xã Pleiku và đường 19, kìm giữ lực lượng địch, không để cho chúng rút đi chi viện cho chiến trường khác; bổ sung và tổ chức thêm lực lượng mới, tăng lực lượng cơ động tấn công địch; nhanh chóng ổn định vùng mới giải phóng, sẵn sàng đánh địch lấn chiếm lại. Tăng cường chỉ đạo chiến đấu và chuẩn bị chiến đấu ở vùng tự do.
Đêm 16 rạng sáng ngày 17-2-1954, lực lượng ba thứ quân của ta mở đợt tấn công vào tuyến phòng thủ vòng ngoài thị xã Pleiku. Ngày 19-2-1954, quân địch đã bị tê liệt, quân ta đã tiêu diệt hoàn toàn cứ điểm Đăk Đoa được xây dựng bằng bê tông vững chắc, có nhiều lớp kẽm gai bao bọc và được yểm trợ pháo lớn. Trong chiến thắng cứ điểm Đăk Đoa, quân ta tiêu diệt phần lớn lực lượng của một đại đội thuộc Binh đoàn 100 và bắt sống 150 lính châu Âu Phi, phá hủy 8 khẩu đại bác9.
Cùng với chiến thắng Đăk Đoa, tại thị xã Pleiku, bộ đội đặc công và phân đội bộ binh của ta tập kích vào nhiều cơ sở, kho tàng của địch, phá nhiều vũ khí, làm thương vong gần 200 tên địch. Trong đó, phần lớn là sĩ quan chỉ huy của địch.
Để giành lại thế chủ động trên chiến trường Gia Lai, ngày 25-2-1954, địch tổ chức càn quét sâu vào hai bên đường 19 bằng lực lượng cơ động mạnh thuộc Binh đoàn 11, 21 và 100. Tuy nhiên, cuộc càn quét của chúng đã thất bại nặng nề, hàng chục tên địch đã bỏ mạng do vấp phải hầm chông, mìn và lựu đạn do dân quân du kích các huyện Mang Yang, Đăk Bớt, An Khê gài đặt.
Để cứu vãn tình thế, địch gấp rút điều quân về tiếp tế và ứng cứu nhưng đã bị quân dân Gia Lai phục kích chặn đánh trên đường 14. Đầu tháng 3-1954, bộ đội đặc công và du kích mật phục tiêu diệt cứ điểm Pleitau. Đây là một tiền đồn bảo vệ ngã ba đường số 7 và đường 14.
Phát hiện bộ đội ta hoạt động ở phía Nam tỉnh Gia Lai, ngày 20-3-1954, địch điều ngay Binh đoàn 100 tập trung quân ở Pleiring để chống đỡ và giải tỏa càn quét vùng giải phóng Đăk Bớt. Đúng 2 giờ sáng ngày 21-3-1954, hỏa lực của Trung đoàn 803 bất ngờ giáng xuống phủ đầu địch ở Pleiring. Tiếp đó, 5 mũi tấn công của bộ đội ta đã nhanh chóng đánh thọc sâu vào chia cắt đội hình của địch làm cho chúng không kịp phản kháng. Sau 2 giờ chiến đấu kiên cường, bộ đội ta đã tiêu diệt và bắn bị thương gần 600 tên địch, phá hủy và thu nhiều loại vũ khí. Tại cứ điểm đèo Mang Yang trên trục đường 19, quân địch ở đây cũng bị thất bại nặng nề, toàn bộ vũ khí đã bị triệt hạ trước sự tấn công quyết liệt của quân đội ta.
Ngoài ra, tổ chức phối hợp tác chiến giữa tiến công quân sự của bộ đội chủ lực, đội xây dựng cơ sở 108 phụ trách ở phía Tây núi Kon Chiêng đến phía Đông sông Ayun cùng với bộ đội địa phương và dân quân du kích kết hợp với phát động nhân dân nổi dậy diệt tề, trừ gian, phá các khu đồn phía Nam đường 19 sát đường số 7, tiến lên giải tán các ổ GOUM ở Đăk Bớt, Đăk Blá, Kon Thụp, thu được gần 100 khẩu súng10.
Trên các hướng khác ở chiến trường Đông Dương, quân Pháp cũng bị tấn công dồn dập, đặc biệt là tại Điiện Biên Phủ. Trước tình thế đó, ngày 16-3-1954, Navarre phải gấp rút điều động lực lượng cơ động ở An Khê đi ứng cứu, làm giảm sức chiến đấu của quân Pháp khu vực Tây Nguyên. Tình thế mới đặt ra, Tây Nguyên cần tiếp tục phối hợp chia lửa với Điện Biên Phủ. Quán triệt phương châm chỉ đạo tác chiến của Bộ Tổng tham mưu về việc tăng cường chiến tranh du kích ở các vùng sau lưng địch, Khu ủy Khu V đã lãnh đạo quân và dân trên mặt trận Tây Nguyên liên tiếp mở các cuộc tấn công quân Pháp. Ngày 25-3-1954, bộ đội ta tiến hành tập kích lần thứ 2 vào thị xã Pleiku, đánh phá các kho tàng, trại lính của Pháp, gây cho chúng nhiều thiệt hại.
Tháng 4-1954, Tiểu đoàn 109 của tỉnh Gia Lai được thành lập gồm các Đại đội 54, 68 và một đại đội mới thành lập. Tiểu đoàn đẩy mạnh hoạt động phối hợp với bộ đội huyện và dân dân du kích phá vỡ phần lớn bộ máy ngụy quyền của địch ở phía Nam của tỉnh. Tại An Khê, Tiểu đoàn 109 tổ chức đánh các công sự của địch quanh địa bàn, giải phóng đến đâu thiết lập chính quyền cách mạng ngay đến đó, thu hẹp vùng chiếm đóng của địch.
Trong tháng 4-1954, quân ta tấn công địch trên khắp các mặt trận của tỉnh, liên tiếp giành thắng lợi, giải phóng nhiều vùng đất đai và dân cư, thiết lập chính quyền cách mạng ở các cơ sở, cổ vũ mạnh mẽ đồng bào các dân tộc Gia Lai tích cực tham gia đẩy mạnh kháng chiến đến thắng lợi cuối cùng. Trong vòng 15 ngày, đồng bào Suối Trai, Đất Bằng, Ơi Nu, Kơ Lúi đã đào được hàng chục ngàn hầm chông, vót hàng triệu cây chông.
Ngày 4-4-1954, Đại đội 54 phối hợp với bộ đội chủ lực phục kích tiêu diệt đoàn xe của địch đi từ An Khê về Pleiku ngay tại địa phận Hà Tam. Địch tiếp tục điều động 20 xe đi từ Pleiku xuống tiếp tế cho An Khê, bị bộ đội ta tiêu diệt tại đèo Mang Yang. Ngoài ra, 4 đoàn xe quân sự khác của địch ở phía Tây đèo Mang Yang cũng bị quân ta tiêu diệt gọn, cắt đường 19, cô lập địch ở An Khê với Pleiku.
Ngày 19-4-1954, quân ta tiếp tục tiêu diệt đồn Tràkê (Trà Khê), chặn đánh 2 đoàn xe của địch trên đường số 7 đoạn Ơi Nu đi Cheo Reo, diệt được 6 đại đội, phá 24 xe, cắt đứt đường số 7, cô lập chi khu Cheo Reo11. Đến ngày 28-4, quân ta liên tiếp tiêu diệt 6 đoàn xe quân sự của địch ở khu vực Đông và Tây cầu Ayun12.
Do thất bại liên tiếp, địch buộc phải rút hết quân về phòng thủ Pleiku, bỏ dở cuộc càn quét lấn nống. Đồng thời với tăng cường đôn quân bắt lính bổ sung lực lượng quân đội, địch tăng thu nhiều loại thuế vô lý, cướp bóc tài sản của nhân dân ta, thực hiện âm mưu “dùng người Việt đánh người Việt, lấy chiến tranh nuôi chiến tranh”; với hy vọng cố gắng xoay chuyển cục diện chiến tranh nhằm tìm kiếm một giải pháp chính trị “danh dự” để rút quân khỏi cuộc chiến mà Chính phủ Pháp đang sa lầy ở Đông Dương.
Cuộc chiến đấu của quân và dân Tây Nguyên nói chung và tỉnh Gia Lai nói riêng phát triển mạnh mẽ, liên tục giành thắng lợi đã làm phân tán lực lượng địch trên chiến trường. Địch không thể bỏ mất Tây Nguyên nên không thể rút quân về vẫn ứng cứu cho Điên Biên Phủ mà vẫn phải căng quân ra giữ địa bàn chiến lược quan trọng này. Điều này có lợi cho cuộc tiến công của quân và dân ta trên mặt trận Điện Biên Phủ.
Ngày 7-5-1954, chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi, mở ra cơ hội kết thúc cuộc kháng chiến trường kỳ của quân và dân ta. Tin chiến thắng của quân và dân ta ở Điện Biên Phủ làm chấn động dư luận thế giới, quân địch ở các chiến trường còn lại hoang mang, dao động mạnh. Chiến thắng này đã tiếp thêm sức mạnh to lớn cho quân dân Gia Lai quyết tâm sát cánh cùng bộ đội chủ lực, tiếp tục tiến công địch giành nhiều thắng lợi.
Sự phối hợp rất tốt của mặt trận Gia Lai với chiến trường cả nước trong Đông-Xuân 1953-1954 góp phần quan trọng vào làm phá sản hoàn toàn kế hoạch quân sự Navarre; vào chiến thắng Điện Biên Phủ. Đồng thời những đợt tấn công ào ạt, liên tiếp ở mặt trận Gia Lai còn góp phần làm thất bại mọi cố gắng cuối cùng của quân đội Pháp muốn biến Tây Nguyên thành tiền đồn bảo vệ Nam Đông Dương. Cuộc chiến đấu của quân và dân Gia Lai nói riêng, Liên khu V nói chung phản ánh sâu sắc quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, kiên trung, dũng cảm chiến đấu vì “hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ”.
 



Ngày gửi: 19-2-2024; Ngày thẩm định, đánh giá: 23-3-2024; Ngày duyệt đăng: 28-3-2024
1.Viện Lịch sử quân sự Việt Nam: Hồ Chí Minh: Biên niên những sự kiện và tư liệu về quân sự, Nxb QĐND, H, 1990, tr. 127
2. Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, T. 8, tr. 390
3. Bộ Giáo dục và Đào tạo: Giáo trình Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam (dành cho bậc đại học hệ chuyên lý luận chính trị), Nxb CTQGST, H, 2021, tr. 192
4. Báo cáo của Tổng quân ủy trình Bộ Chính trị ngày 27-11-1953 về tình hình địch ở Liên khu V và chủ trương, chiến lược và công tác sắp tới (xem: Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Gia Lai: Lịch sử Đảng bộ tỉnh Gia Lai, Nxb CTQG, H, 1996, T. I, tr. 197)
5, 6, 8, 10, 11. Xem: Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Gia Lai: Lịch sử Đảng bộ tỉnh Gia Lai, Nxb CTQG, H, 1996, T.I, tr.197-198, 198, 200, 201, 201
7, 12. Xem: Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Gia Lai: Gia Lai 30 năm chiến tranh giải phóng, 1993, tr. 127, 129
9. Xem: Hội đồng biên soạn lịch sử Nam Trung Bộ kháng chiến: Nam Trung Bộ kháng chiến 1945-1975, Nxb CTQG, H, 1995, tr. 206; Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Gia Lai: Lịch sử Đảng bộ tỉnh Gia Lai, Nxb CTQG, H, 1996, T. I, tr. 200.