Tóm tắt: Cách đây 78 năm, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền của nhân dân xứ Thanh đã diễn ra sôi nổi, góp phần cùng nhân dân cả nước làm nên thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám vĩ đại - mở ra một trang sử vàng trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước, một bước ngoặt cách mạng chưa từng có trên con đường phát triển của dân tộc Việt Nam.

Từ khóa: Cách mạng Tháng Tám, Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa, năm 1945


Nhà truyền thống Chiến khu du kích Ngọc Trạo, xã Ngọc Trạo, huyện Thạch Thành. (Ảnh tư liệu)
1Tháng 9-1939, chiến tranh thế giới II bùng nổ, thực dân Pháp tham chiến, lôi kéo các nước thuộc địa của Pháp vào vòng chiến tranh. Tại Đông Dương, thực dân Pháp thi hành chính sách cai trị thời chiến, làm cho mâu thuẫn giữa các dân tộc Đông Dương với thực dân Pháp ngày càng gay gắt. Tháng 11- 1939, Ban chấp hành Trung ương Đảng triệu tập Hội nghị lần thứ 6 tại Bà Điểm, quyết định đưa nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu, thành lập Mặt trận thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương, mở đầu cho quá trình cả nước và các địa phương bước vào quá trình chuẩn bị lực lượng cho công cuộc giải phóng. Tỉnh Thanh Hóa từ đó cũng bắt tay vào việc chuẩn bị lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang và xây dựng căn cứ địa cách mạng.
Sau HNTƯ 7 (11-1940) và nhất là sau HNTƯ 8 (5-1941), quá trình chuẩn bị mọi mặt cho cuộc khởi nghĩa vũ trang ở các địa phương như Thanh Hóa càng ráo riết.
Về xây dựng căn cứ địa cách mạng
Trước sự đòi hỏi của thực tiễn cách mạng, tháng 6-1941, Tỉnh ủy Thanh Hóa triệu tập hội nghị tại làng Phúc Tĩnh (xã Yên Thịnh, Yên Định hiện nay) để bàn về việc xúc tiến xây dựng căn cứ địa. Hội nghị, phân công các đồng chí tỉnh uỷ viên phụ trách các huyện thực hiện nhiệm vụ xúc tiến xây dựng căn cứ cách mạng. Theo đó, “các đồng chí Trần Bảo, Hoàng Sĩ Oánh, Nguyễn Mậu Sung…, phụ trách vùng Thọ Xuân, Nông Cống, Như Xuân, xây dựng căn cứ địa cách mạng ở đồn điền Yên Mỹ và chắp nối liên lạc với Xứ uỷ Trung Kỳ; các đồng chí Đặng Châu Tuệ, Đặng Văn Hỷ, Trịnh Huy Lãn, phụ trách xây dựng căn cứ địa cách mạng ở vùng Vĩnh Lộc, Thạch Thành, Hà Trung và chắp nối liên lạc với Xứ ủy Bắc Kỳ; các đồng chí Lê Huy Toán, Trịnh Ngọc Phớc, phụ trách xây dựng hậu phương, sẵn sàng tiếp ứng cho căn cứ cách mạng1.
Nhờ có những chủ trương đúng đắn, kịp thời của Tỉnh ủy cùng với sự phát triển của phong trào cách mạng, nhất là việc đồng tâm ủng hộ của quần chúng, Thanh Hóa trở thành một trong số ít địa phương xây dựng được chiến khu du kích đầu tiên trong cả nước.
Thực hiện sự phân công của Tỉnh ủy Thanh Hóa, các đồng chí Đặng Châu Tuệ, Đặng Văn Hỷ, Trịnh Huy Lãn đã tìm hiểu địa bàn và quyết định chọn Ngọc Trạo - một làng có nhiều điều kiện đáp ứng cho việc xây dựng căn cứ địa cách mạng để tiến hành xây dựng chiến khu.
Cuối tháng 7-1941, Tỉnh ủy Thanh Hóa quyết định thành lập Chiến khu Ngọc Trạo (xã Ngọc Trạo, huyện Thạch Thành), vì nơi đây có vị trí chiến lược tốt, tuy cách xa tỉnh lị, nhưng là nơi “tiến khả dĩ công, thoát khả dĩ thủ” (tiến có thể đánh, lui có thể giữ), địa hình hiểm yếu với nhiều ngọn đồi thoai thoải hình cánh cung, lẫn núi đá và những cánh rừng. Đây cũng là nơi từng được Thủ lĩnh Tống Duy Tân chọn làm căn cứ nghĩa quân chống Pháp cuối thế kỷ XIX.
Tháng 12-1944, Trung ương Đảng quyết định thành lập Chiến khu Hòa - Ninh - Thanh, nhằm tạo địa bàn “Nam tiến” cho Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân. Đầu năm 1945, Chiến khu Hòa - Ninh - Thanh được thành hình, Ban chỉ đạo chiến khu gồm các đồng chí: Vũ Thơ - Bí thư Ban Cán sự Đảng Hòa Bình; Trần Kiên - Bí thư Ban Cán sự Đảng Ninh Bình; Tố Hữu - Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa. Sau khi được thành lập, Ban Chỉ đạo chiến khu đã đề ra nhiệm vụ đẩy mạnh xây dựng các cơ sở chính trị, tiến tới xây dựng lực lượng vũ trang, tạo địa bàn để đón tiếp đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân “Nam tiến”.
Thực hiện nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo Chiến khu Hòa - Ninh – Thanh, phong trào xây dựng các khu căn cứ diễn ra sôi nổi trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa như: Bái Sơn (Hà Trung - Nga Sơn); Ngọc Trạo (Thạch Thành); Hồ Cỗ - Yên Lộ (Thiệu Hoá, Thọ Xuân, Yên Định); Cổ Tế - Cẩm Bào (Thạch Thành - Vĩnh Lộc); Đằng Xá - Đằng Trung (Hoằng Hoá); Hoá Lộc - Liên Châu (Hoằng Hoá); Đa Lộc (Hậu Lộc); Hoà Chúng (Quảng Xương)2.
Hội nghị Quân sự cách mạng Bắc Kỳ được tổ chức từ ngày 15 đến ngày 20-4-1945, tại Hiệp Hòa (Bắc Giang) dưới sự chủ trì của đồng chí Trường Chinh. Hội nghị xác định: “tình thế đã đặt nhiệm vụ quân sự lên trên tất cả các nhiệm vụ quan trọng và cần kíp lúc này. Chúng ta phải tích cực phát triển chiến tranh du kích, gây dựng căn cứ địa kháng Nhật để chuẩn bị cuộc Tổng khởi nghĩa cho kịp thời cơ”3. Hội nghị quyết định thành lập 7 chiến khu lớn trong cả nước ở những vị trí chiến lược quan trọng: “Chiến khu Lê Lợi, Chiến khu Hoàng Hoa Thám, Chiến khu Quang Trung, Chiến khu Trần Hưng Đạo (Bắc Kỳ); Chiến khu Phan Đình Phùng, Chiến khu Trưng Trắc (Trung Kỳ); Chiến khu Nguyễn Tri Phương (Nam Kỳ)”4.
Đầu tháng 5-1945, thực hiện Nghị quyết Hội nghị quân sự cách mạng Bắc Kỳ, đồng chí Văn Tiến Dũng đã làm việc với Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ về công tác chuẩn bị cho cuộc tổng khởi nghĩa, đồng thời triệu tập Hội nghị thành lập chiến khu Quang Trung. Sau khi nhận được chỉ thị của Trung ương, Thanh Hóa cử một số cán bộ tham gia xây dựng Chiến khu Quang Trung.
Ngày 20-5-1945, Hội nghị thành lập Chiến khu Quang Trung được triệu tập. Các đại biểu Thanh Hóa tham dự hội nghị gồm: Lê Chủ - Thường vụ Tỉnh ủy (thay mặt đồng chí Tố Hữu đang đi công tác ở phía nam Thanh Hóa); Hoàng Tiến Trình - Tỉnh ủy viên phụ trách quân sự; Nguyễn Văn Huệ - Tỉnh ủy viên phụ trách các phủ, huyện phía bắc tỉnh, giáp Ninh Bình; Ngô Đức - Tỉnh ủy viên phụ trách khu căn cứ Hồ Cỗ. Hội nghị thành lập Ban Chỉ đạo chiến khu (tức Ủy ban Quân sự cách mạng chiến khu) gồm: Văn Tiến Dũng - Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Quân sự cách mạng Bắc Kỳ; Trần Tử Bình - Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ; Nguyễn Văn Mộc - Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình; Phan Lang - Bí thư Ban Cán sự Đảng Hòa Bình; Lê Chủ - Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa. Sau khi được thành lập, Ban Chỉ đạo chiến khu Quang Trung quyết định lấy tờ báo “Khởi nghĩa” của Thanh Hóa, làm tờ báo của chiến khu, đồng thời đổi tên “Cơ quan tuyên truyền của Việt Minh khu Ba Đình” thành “Cơ quan tuyên truyền của Việt Minh khu Quang Trung”5.
Thực hiện nhiệm vụ mà Hội nghị thành lập Chiến khu Quang Trung đề ra, tại Thanh Hoá, huyện Thạch Thành được xây dựng thành một trong những khu căn cứ của chiến khu Quang Trung, đóng góp vào sự phát triển của chiến khu, vừa tranh thủ được những điều kiện thuận lợi để phát triển xây dựng căn cứ địa, vừa tạo chỗ đứng cho phong trào cách mạng trong tỉnh, nhằm khi thời cơ đến kịp thời tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền.
Về xây dựng lực lượng chính trị, tháng 6-1939, Tỉnh ủy Thanh Hóa đề ra chủ trương tăng cường phát triển cơ sở Đảng và tổ chức quần chúng, phát triển các hình thức mặt trận, phát huy vai trò của lực lượng quần chúng để tạo điều kiện cho lực lượng chính trị phát triển. Đến tháng 11-1940, hội nghị đại biểu các cơ sở đảng được tổ chức, hội nghị thống nhất biện pháp củng cố tổ chức, động viên quần chúng nhằm đưa phong trào cứu quốc trong tỉnh lên một bước mới.
Tháng 7-1942, hội nghị đại biểu các cơ sở đảng trong tỉnh tổ chức ở làng Thượng (Nga Sơn) đã quyết định thành lập một tổ chức mặt trận, lấy tên là “Thanh Hóa ái quốc hội”, đây là một tổ chức quần chúng rộng rãi của nhân dân Thanh Hóa. Ngày 15-3-1943, Tỉnh ủy Thanh Hóa quyết định đổi tên “Thanh Hóa ái quốc hội” thành “Mặt trận Việt Minh Thanh Hóa” để đưa phong trào cách mạng trong tỉnh hòa nhập với phong trào cách mạng cả nước. Mặt trận Việt Minh Thanh Hoá ra đời là nhân tố quan trọng có tác dụng thúc đẩy phong trào cách mạng ở Thanh Hoá phát triển.
Cùng với việc chuẩn bị về tổ chức mặt trận, Thanh Hóa cũng rất coi trọng công tác tuyên truyền, vận động quần chúng. Trên cơ sở phân tích tình hình, Tỉnh ủy Thanh Hóa quyết định ra tờ báo Đuổi giặc nước làm cơ quan tuyên truyền, cổ động. Bên cạnh đó, Tỉnh ủy Thanh Hóa ra tờ báo lấy tên là Gái ra trận nhằm hướng tới một lực lượng quần chúng đông đảo là phụ nữ. Nội dung của báo tập trung vào việc vạch trần sự áp bức bóc lột của thực dân và phong kiến đối với chị em, kêu gọi chị em vùng lên đấu tranh chống kẻ thù chung để giải phóng cho dân tộc, cho giai cấp và cho giới mình6.
Năm 1943, phong trào đấu tranh chống địch bắt phu và vơ vét thóc diễn ra ở nhiều nơi, Việt Minh Thanh Hóa ra các chỉ thị quan trọng như “Khẩn cấp tuyên truyền”, “Chống thu lúa”, “Nỗ lực đấu tranh”… để vạch trần âm mưu của thực dân Pháp, phát xít Nhật, đồng thời chỉ rõ các biện pháp, định hướng phong trào đấu tranh của quần chúng. Thực hiện các chỉ thị trên, nhân dân Thanh Hóa đã đoàn kết, tiến hành nhiều cuộc vận động, diễn thuyết, tuần hành, đấu tranh chính trị ở các huyện Hoằng Hóa, Thọ Xuân, Yên Định… Thông qua đó, lực lượng chính trị đã được tôi luyện và trưởng thành, không ngừng lớn mạnh.
Từ giữa năm 1944, tình hình thế giới và trong nước có những chuyển biến mau lẹ, đòi hỏi công tác chuẩn bị tại Thanh Hóa phải khẩn trương. Ngày 24-6-1944, Tỉnh uỷ Thanh Hóa đề ra chủ trương “vận động các giới, thợ thuyền, dân cày, binh lính, thanh niên, phụ nữ, tư sản, văn hóa, dân tộc thiểu số, Hoa kiều,  thực hiện chính sách của Uỷ ban Dân tộc giải phóng. Tỉnh ủy Thanh Hóa  xác định một trong những nhiệm vụ của phát triển lực lượng chính trị lúc này là phải đẩy mạnh vận động, tranh thủ các tầng lớp, lực lượng trong xã hội nhằm tăng cường khối đoàn kết, mở rộng mặt trận, để từ đó phân hóa và cô lập kẻ thù.
Về xây dựng lực lượng vũ trang, ngày 19-9-1941, tại hang Treo (nay thuộc xã Thành Tâm, huyện Thạch Thành và xã Hà Long, huyện Hà Trung) đội du kích Ngọc Trạo chính thức được thành lập với 21 đội viên, phiên chế thành 3 tiểu đội, do đồng chí Đặng Châu Tuệ làm Chỉ huy trưởng. Đây là lực lượng vũ trang thoát ly đầu tiên, tổ chức, biên chế chặt chẽ, mặc quần áo nông dân, có thêm túi dệt, xà cạp xanh; mỗi chiến sĩ đều được trang bị một con dao nhọn, cán bộ được trang bị súng kíp… Tất cả đội viên đều tuyên thệ sẵn sàng hi sinh chiến đấu đến cùng cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Sau ngày thành lập, Ban chỉ huy chiến khu chủ trương đẩy mạnh việc phát triển lực lượng, đưa quân số của đội du kích lên 500 chiến sỹ. Do vậy một số thanh niên học sinh đã được các đoàn thể cách mạng giới thiệu lên chiến khu tham gia đội du kích. Nhiều thanh niên các tỉnh Ninh Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh Thái Bình,… đã tìm về Ngọc Trạo gia nhập lực lượng du kích chiến khu. Chỉ trong thời gian ngắn, đội du kích của chiến khu đã lên tới 40 chiến sỹ7.
Sự ra đời của đội du kích Ngọc Trạo đã đánh dấu bước phát triển tiếp theo của lực lượng vũ trang Thanh Hóa. Với cách thức tổ chức chặt chẽ, huấn luyện kỹ càng, đội du kích Ngọc Trạo “xứng đáng là đội quân vũ trang công nông đầu tiên của Đảng bộ và nhân dân Thanh Hóa”8. Từ đội du kích Ngọc Trạo, lực lượng vũ trang Thanh Hóa không ngừng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng. Từ cuối năm 1940 đến cuối năm 1941, lực lượng vũ trang Thanh Hóa đã có hơn 1.000 đội viên9. Bên cạnh đó, số lượng các hội viên cứu quốc, tự vệ, du kích cũng tăng lên, các lực lượng cách mạng không ngừng lớn mạnh, làm cơ sở cho lực lượng vũ trang cách mạng tiến lên.
Tuy nhiên, sau khi phát hiện những hoạt động của đội du kích Ngọc Trạo, thực dân Pháp và chính quyền tay sai đã tiến hành đàn áp khiến cho đội du kích và chiến khu Ngọc Trạo tan rã, phong trào cách mạng Thanh Hóa gặp nhiều khó khăn.
Giữa năm 1942, Tỉnh ủy lâm thời được tái lập, đề ra nhiều chủ trương và biện pháp nhằm phát triển lực lượng vũ trang, phong trào cách mạng Thanh Hóa dần phục hồi. Tháng 3-1943, Hội nghị bất thường Tỉnh uỷ Thanh Hoá nhấn mạnh công tác xây dựng lực lượng vũ trang, phát triển rộng rãi phong trào chống phát xít.
Đầu năm 1944, Tỉnh ủy Thanh Hóa tổ chức hội nghị tại làng Hanh Cù (xã Đa Lộc, Hậu Lộc hiện nay) để đánh giá phong trào trong tỉnh và kịp thời đề ra các chủ trương mới. Hội nghị đã xác định “xúc tiến phát triển lực lượng vũ trang, tổ chức du kích và mở các lớp huấn luyện quân sự, chính trị cho quần chúng để nâng cao giác ngộ, chuẩn bị chớp lấy thời cơ khởi nghĩa là một trong những chương trình công tác lớn trước mắt”10. Thực hiện chủ trương của hội nghị lớp huấn luyện quân sự cấp tỉnh đã được tổ chức tại Nga Sơn. Sau thời gian học tập, các học viên đã được phân về cơ sở để xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang địa phương. Các lớp huấn luyện đã tạo nên những “hạt nhân nòng cốt để xây dựng các đội tự vệ - lực lượng vũ trang cách mạng chuẩn bị thời cơ khởi nghĩa giành chính quyền”11. Các địa phương trong tỉnh cũng đã tổ chức các lớp huấn luyện quân sự như ở Hà Trung, Vĩnh Lộc, Hậu Lộc, Hoằng Hóa.
Cùng với việc phát triển về tổ chức, tích cực luyện tập, lực lượng vũ trang cách mạng đã trực tiếp tham gia phong trào đấu tranh của nhân dân như cuộc đấu tranh chống bắt phu đi làm sân bay Lai Thành, đào sông Hồ Thượng… Việc tham gia của các đội tự vệ, du kích trong những cuộc đấu tranh là điều kiện để lực lượng vũ trang rèn luyện và thể hiện sự lớn mạnh của mình.
Tháng 3-1945, Tỉnh uỷ Thanh Hóa tổ chức hội nghị tại thôn Phú Nhi (Hậu Lộc) để bàn chủ trương chuẩn bị khởi nghĩa. Tại hội nghị, Tỉnh ủy đã xác định công tác phát triển lực lượng vũ trang, tập trung vào các nội dung: “… Đánh úp những đội tuần tiễu của giặc, lấy vũ khí…; Thành lập các đội tự vệ ở từng làng, từng tổng, tăng cường huấn luyện sau khi được thành lập; Tổ chức sắm vũ khí như dáo, mác, lưỡi lê…”12. Tháng 4-1945, Tỉnh ủy Thanh Hóa tổ chức hội nghị để thảo luận và đề ra chủ trương thực hiện Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Hội nghị thống nhất các biện pháp đấu tranh trên tất cả các lĩnh vực, trong đó lĩnh vực quân sự được xác định là: “… vũ trang tuyên truyền mạnh hơn nữa ở các chợ. Tổ chức tự vệ và luyện tập, có thể công khai luyện tập trong quần chúng. Tổ chức chiến khu và chuẩn bị vũ khí súng ống. Vũ trang chống Nhật và chính quyền bù nhìn”13.
Tháng 6-1945, Tỉnh ủy Thanh Hóa đã ra Chỉ thị “Sắm vũ khí đuổi thù chung”, nêu rõ: “hết thảy các đồng chí ở hai khu và các đội viên tự vệ phải lập tức sắm những thứ sau: gậy tầy, mỗi đội viên một chiếc, còn các thứ vũ khí khác như: giáo, đinh ba, kiếm, súng, nỏ, xà beng, xẻng, lắc lê… thì cần khôn khéo mua sắm. Nếu trong làng có sẵn, nhất thiết không được tự ý thuê rèn. Nếu đội nào không thể tìm mua được thì đưa tiền và sắt cho Binh công xưởng rèn cho. Và ngay từ nay toàn thể các đồng chí mỗi nhóm phải kiếm nhặt các thứ: sắt, đồng, chì, thép…”14. Thực hiện các chỉ thị phong trào rèn, sắm vũ khí để trang bị cho các đội tự vệ, phong trào luyện tập quân sự (tập võ, bắn súng, tập đánh du kích…) liên tiếp diễn ra cả ngày lẫn đêm ở hầu khắp các địa phương. Bên cạnh đó, lực lượng vũ trang cũng tích cực tuần tra canh gác, hỗ trợ các phong trào đấu tranh chống bắt phu, bắt lính, chống nhổ lúa trồng đay…. Chỉ thị “Sắm vũ khí đuổi thù chung” của Tỉnh ủy Thanh Hóa đã góp phần đưa lực lượng vũ trang cách mạng tiến lên một bước mới.
2.  Đầu năm 1945, chiến tranh thế giới II đi vào giai đoạn kết thúc, ở Đông Dương cuộc đảo chính Nhật-Pháp diễn ra (9-3-1945) tạo ra thời cơ cho cuộc nổi dậy khởi nghĩa giành chính quyền của nhân dân Việt Nam. Trước tình hình đó, ngày 12-3-1945, Trung ương Đảng ra Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Tiếp thu tinh thần chỉ thị, Tỉnh ủy Thanh Hóa chỉ đạo phát động phong trào quần chúng vùng lên. Từ tháng 3-1945, phong trào phá kho thóc của Nhật diễn ra ở nhiều nơi trong tỉnh như ở trại Xếp Nghĩa (tổng Xuân Phong, Phủ Thiệu Hóa), làng Đằng Trung (Hoằng Đạo, Hoằng Hóa), tổng Xuân Cừ và Sen Cừ (Hậu Lộc)…
Trên cơ sở lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang phát triển, các cuộc đấu tranh của nhân dân Thanh Hóa đã tiến lên hình thức cao hơn, kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang và dùng lực lượng vũ trang tấn công trực tiếp vào các vị trí của địch như: cuộc tấn công của tự vệ hai làng Phù Hưng và Bùi Thượng (Yên Định) vào khu đồn điền Đa Nẫm (ngày 12-5-1945), cuộc đấu tranh của lực lượng tự vệ Thiệu Hóa, chặn đánh xe của Nhật khi chúng cho ôtô chở lính lên vùng Yên Lộ để lùng bắt cán bộ, đàn áp phong trào quần chúng (ngày 15-7-1945)…          
Tình hình diễn biến nhanh và thuận lợi, được sự lãnh đạo của Trung ương, Tỉnh ủy Thanh Hóa đã chỉ đạo chi bộ Đảng và Ban cán sự Việt Minh huyện Hoằng Hóa lãnh đạo quần chúng đứng dậy đấu tranh giành chính quyền. Ngày 24-7-1945, trung đội tự vệ dưới sự chỉ đạo của Việt Minh tiến hành đánh chiếm phủ đường. Trong khi đó, quần chúng nhân dân ở khắp nơi trong huyện cũng kéo về bao vây phủ lỵ Bút Sơn (nay là thị trấn Bút Sơn). Bị bao vây, những tên tay sai còn lại ở phủ đường đã phải đầu hàng, giao nộp toàn bộ vũ khí, hồ sơ tài liệu cho cách mạng. Tiếp đó, tại cuộc mít tinh được tổ chức ngay khi chiếm được phủ lỵ, đồng chí Đinh Chương Lân đã thay mặt Ban cán sự Việt Minh Hoằng Hóa, tuyên bố xóa bỏ chính quyền phong kiến, kêu gọi quần chúng nhân dân tích cực ủng hộ và tham gia Việt Minh, bảo vệ thành quả cách mạng. Thắng lợi của khởi nghĩa ở Hoằng Hóa đã mở đầu cao trào khởi nghĩa trong toàn tỉnh, động viên, khích lệ, cổ vũ Nhân dân Thanh Hóa vùng dậy giành chính quyền.
Từ sau khởi nghĩa giành chính quyền ở Hoằng Hóa, phong trào cách mạng diễn ra sôi sục trong cả tỉnh. Với sự sáng tạo, linh hoạt, nhạy bén và quyết đoán, ngày 13-8-1945, Tỉnh ủy Thanh Hóa triệu tập Hội nghị mở rộng tại nhà ông Tô Đình Bảng, làng Mao Xá, huyện Thiệu Hóa (nay là thôn Toán Tỵ, xã Thiệu Toán, huyện Thiệu Hóa) để bàn biện pháp kịp thời chỉ đạo phong trào cách mạng trong toàn tỉnh. Trên cơ sở phân tích tình hình cách mạng trong nước và trong tỉnh, Hội nghị nhận định, tình thế cách mạng đã chín muồi, nên đã tập trung bàn việc xây dựng kế hoạch tổng khởi nghĩa. Hội nghị quyết định thời gian khởi nghĩa trong toàn tỉnh là 12 giờ đêm ngày 18, rạng ngày 19-8-1945, thành lập Uỷ ban khởi nghĩa và Uỷ ban Nhân dân cách mạng lâm thời cấp tỉnh gồm 7 đồng chí: Lê Tất Đắc, Trịnh Ngọc Điệt, Hoàng Tiến Trình, Lê Chủ, Nguyễn Văn Huệ, Đinh Chương Lân và Ngô Đức, do đồng chí Lê Tất Đắc làm Chủ tịch Uỷ ban khởi nghĩa, kiêm Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cách mạng lâm thời; phát động toàn dân nổi dậy bằng cả hai lực lượng (chính trị và vũ trang), kết hợp chặt chẽ hai hình thức đấu tranh chính trị với đấu tranh quân sự.
Đêm 18, rạng ngày 19-8-1945, Tổng khởi nghĩa giành chính quyền diễn ra trong toàn tỉnh. Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng bộ các phủ, huyện, tổng và xã, quần chúng nhân dân, tự vệ vũ trang ở khắp nơi trong tỉnh nhất tề vùng lên, giành chính quyền về tay nhân dân. Từ 18-8 đến 23-8-1945, Uỷ ban nhân dân cách mạng lâm thời ở hầu khắp các phủ, huyện trong tỉnh đã ra mắt nhân dân, tuyên bố xóa bỏ chính quyền thực dân, phong kiến, thiết lập chính quyền nhân dân cách mạng và bước vào xây dựng chế độ mới.
Trưa ngày 23-8-1945, trước hàng vạn quần chúng tập trung tại phố Vườn Hoa, đồng chí Hoàng Tiến Trình thay mặt Uỷ ban nhân dân cách mạng lâm thời Thanh Hóa đọc lời khai mạc Lễ ra mắt chính quyền cách mạng. Tiếp đó, đồng chí Lê Tất Đắc Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh đọc bản Tuyên bố xóa bỏ chính quyền thực dân, phong kiến và thành lập chính quyền cách mạng; công bố Chương trình Việt Minh về chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội. Cuộc cách mạng mùa Thu tháng Tám năm 1945 ở Thanh Hóa và cả nước đã thành công, một thời kỳ mới và kỷ nguyên mới đã mở ra, nhân dân xứ Thanh cùng toàn dân trên cả ba miền của Tổ quốc Việt Nam bước vào lịch sử hiện đại.


 
1, 7. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa: Lịch sử Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa 1930 - 1954, Nxb Thanh Hóa, 2010, tr 128-129, 131
2, 5. Bùi Ngọc Thạch: Chiến khu Quang Trung trong cao trào kháng Nhật cứu nước và Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, Luận án Tiến sĩ Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, 2008 tr. 65, 67-68
3, 4. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb CTQG, H, 2000, T. 7, tr 391, 391
6, 12. Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Thanh Hoá: Những sự kiện lịch sử Đảng bộ Thanh Hoá (1925 - 1945), Nxb Thanh Hoá, 1978, tr 172, 205
8, 9. Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng tỉnh Thanh Hoá: Kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Chiến khu Ngọc Trạo (19/9/1941 - 19/9/1981), Nxb Thanh Hoá, tr 42, 32
10, 13. Tỉnh Đảng bộ Thanh Hóa - Ban Lịch sử Đảng: Tài liệu  xác minh các cuộc họp và những chủ trương của Tỉnh ủy Thanh Hóa (từ 1942 đến Tổng khởi nghĩa 1945), 1963, Tài liệu số B12/153, lưu trữ tại Kho Tư liệu, Phòng Lịch sử, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa, tr 5, 5
11. Ban Nghiên cứu và Biên soạn lịch sử Thanh Hoá: Lịch sử Thanh Hoá tập V (1930 - 1945), Nxb Khoa học Xã hội, H, 1996, tr 171
14. Chỉ thị “Sắm vũ khí đuổi thù chung” của Tỉnh ủy lâm thời Thanh Hóa, tài liệu số B15/230, lưu trữ tại Kho Tư liệu, Phòng Lịch sử, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa,  tr 1.