Tóm tắt: Công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng có vai trò quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, góp phần nâng cao nhận thức, giáo dục truyền thống cách mạng, củng cố niềm tin đối với cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là cho thế hệ trẻ, tạo sức mạnh tổng hợp, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị; tham gia đắc lực vào cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, chống lại các quan điểm sai trái, thù địch; đồng thời cung cấp luận cứ cho việc hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng.

Từ khóa: Nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục; Lịch sử Đảng; tỉnh Phú Yên


 
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Phú Yên tặng bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc
trong công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền giáo dục lịch sử Đảng


1. Chủ trương và sự chỉ đạo của Đảng bộ tỉnh Phú Yên
Thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW, ngày 18-1-2018 của Ban Bí thư “về tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng”, ngày 20-6-2018, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên ban hành Công văn số 344-CV/TU “về việc thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW của Ban Bí thư khóa XII “về tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng”.
Triển khai thực hiện những chủ trương trên, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tập trung nghiên cứu, tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch số 60-KH/BTGTU, ngày 15-10-2018 “về công tác biên soạn, tuyên truyền lịch sử đảng bộ địa phương; lịch sử ban, ngành, đoàn thể năm 2019”. Trên cơ sở đó, ngày 2-11-2018, Tỉnh ủy tổ chức hội nghị triển khai Kế hoạch số 60-KH/BTGTU cho đội ngũ cán bộ phụ trách công tác lịch sử Đảng trên địa bàn tỉnh. Tại Hội nghị, các báo cáo viên của Viện Lịch sử Đảng đã trình bày các chuyên đề về công tác lịch sử toàn Đảng; về Lịch sử Đảng bộ tỉnh Phú Yên từ khi thành lập Đảng từ khi thành lập đến năm 2018; hướng dẫn cụ thể quy trình, cách thức tổ chức nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ các cấp và lịch sử truyền thống ngành như: xây dựng kế hoạch sưu tầm tư liệu; kế hoạch nghiên cứu, biên soạn; đề cương; sơ lược, đề cương chi tiết; tổ chức hội thảo; lấy ý kiến chuyên gia; những quy định về xây dựng trù trù kinh phí nghiên cứu, biên soạn,..; Trong quá trình thực hiện, cần xuống cơ sở gặp gỡ, làm việc với lãnh đạo các địa phương, đơn vị để trao đổi, hướng dẫn, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác biên soạn lịch sử đảng bộ nhằm đảm bảo tính đảng và tính khoa học và sự thống đánh giá các sự kiện lịch sử từ Trung ương đến địa phương.
Dưới sự lãnh đạo của tỉnh ủy, sự chỉ đạo trực tiếp của Ban Tuyên giáo tỉnh ủy Phú Yên, cấp ủy các cấp đã tập trung chỉ đạo việc nghiên cứu, biên soạn, xuất bản, tuyên truyền, giáo dục Lịch sử Đảng; hướng dẫn và giúp các địa phương, cơ quan, đơn vị xác định ngày truyền thống, ngày thành lập; thẩm định, đôn đốc các địa phương, cơ quan, đơn vị về công tác Lịch sử Đảng. Ban Tuyên giáo Đảng ủy cấp huyện tích cực hướng dẫn công tác nghiên cứu, biên soạn, thẩm định Lịch sử Đảng bộ cấp xã,…
Nhằm tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW của Ban Bí thư, ngày 31-1-2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên ban hành Công văn số 449-CV/TU “về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng và truyền thống ngành”, trong đó xác định đến cuối năm 2025, 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh hoàn thành việc chỉnh lý, bổ sung, biên soạn lịch sử đảng bộ giai đoạn 1930-2022.  
2. Một số kết quả đạt được
Công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử truyền thống cách mạng, lịch sử đảng bộ địa phương trên địa bàn tỉnh Phú Yên từng bước đi vào nề nếp, tạo bước chuyển biến rõ nét trong nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên và nhân dân, khơi dậy truyền thống lịch sử yêu quê hương đất nước, góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phát triển nhanh và bền vững kinh tế-xã hội địa phương.
Trong 5 năm (2018-2023), số sách lịch sử đảng bộ địa phương, đơn vị được nghiên cứu, biên soạn, xuất bản trên địa bàn toàn tỉnh tăng cả về số lượng, chất lượng. Ở cấp tỉnh đã và đang biên soạn: “Lịch sử Đảng bộ quân sự tỉnh Phú Yên (1945-2020)”; “Biên niên sự kiện lịch sử Đảng bộ Công an tỉnh Phú Yên giai đoạn 1989-2015”; “Lịch sử giao thông vận tải Phú Yên”; “Các Đại hội và Hội nghị Tỉnh ủy Phú Yên qua các thời kỳ 1930-2010”; “Lịch sử ngành Tuyên giáo Đảng bộ tỉnh Phú Yên 1930-2020”; “Những trận đánh tiêu biểu của lực lượng vũ trang tỉnh Phú Yên”, tập 3; “Hải Dương-Phú Yên lịch sử, tiềm năng phát triển (1960-2020); Kỷ yếu “60 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của lực lượng Cảnh sát nhân dân Công an Phú Yên (20-7-1962 – 20-7-2022)”. Bên cạnh đó, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã tham mưu, phối hợp với một số cơ quan tổ chức các hội thảo khoa học về những chủ đề: “Danh nhân Lương Văn Chánh”; “Tàu Không số Vũng Rô”; “Chiến thắng Đường 5 Xuân 1975”; “Quân dân Phú Yên góp phần quyết định đánh bại cuộc hành quân Átlăng của thực dân Pháp trong chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954”; “Chiến tranh du kích trên chiến trường Phú Yên 1945-1975”; “Tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 trên chiến trường Phú Yên”, “Luật sư Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ với Phú Yên”.
Đối với cấp huyện và tương đương: đã có 13/13 đảng bộ xuất bản lịch sử đảng bộ. Đối với cấp xã, toàn tỉnh có 96/110 xã, phường, thị trấn đã và đang tổ chức biên soạn lịch sử đảng bộ theo tinh thần Công văn số 449-CV/TU ngày 31-1-2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, dự kiến đến cuối năm 2025, hoàn thành việc chỉnh lý, bổ sung, biên soạn lịch sử đảng bộ giai đoạn 1930 – 2022 đối với tất cả các xã, phường, thị trấn trong tỉnh.
Công tác nghiên cứu, biên soạn, xuất bản các công trình lịch sử trên địa bàn tỉnh được thực hiện theo một quy trình chặt chẽ từ việc xây dựng kế hoạch, sưu tầm tư liệu, xây dựng đề cương, bản thảo, tổ chức hội thảo góp ý, hoàn thiện bản thảo, thẩm định xin phép xuất bản, tổ chức in ấn và xây dựng kế hoạch sử dụng các công trình lịch sử sau khi phát hành. Trong quá trình biên soạn có sự tham gia đông đảo các nhà khoa học lịch sử, các cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ chủ chốt và nhân chứng lịch sử, qua đó, đóng góp, bổ sung nhiều tư liệu, sự kiện có giá trị, làm rõ hơn những vấn đề lịch sử của Đảng bộ, ban ngành, đoàn thể ở địa phương.
Cùng với việc đẩy mạnh công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử, các cấp ủy, cơ quan, đơn vị, tổ chức thường xuyên chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, qua đó đã lan tỏa sâu rộng những giá trị lịch sử trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là thế hệ trẻ, tạo sự thống nhất cao trong Đảng và sự đồng thuận trong xã hội, như: Tỉnh Đoàn tổ chức chương trình “Theo dòng sự kiện”; “Rung chuông vàng”; thi trắc nghiệm “Tìm hiểu 90 năm lịch sử vẻ vang của Đảng Cộng sản Việt Nam”; thi trực tuyến “Tìm hiểu về Ngày thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở tỉnh Phú Yên”. Đoàn khối Cơ quan Doanh nghiệp tỉnh tổ chức cuộc thi trắc nghiệm trực tuyến “Tìm hiểu về biển, đảo Việt Nam và lịch sử Đường Hồ Chí Minh trên biển”. Đoàn Thanh niên Công an tỉnh tổ chức cuộc thi trực tuyến “60 năm-con đường huyền thoại”. Thành ủy Tuy Hòa tổ chức cuộc thi “Tìm hiểu 90 năm hình thành, xây dựng, phát triển của Đảng bộ thành phố Tuy Hòa” (hình thức trắc nghiệm trực tuyến và tự luận); “Tìm hiểu lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam”… Lực lượng công an, quân đội tổ chức các cuộc thi trực tuyến, thi viết tìm hiểu các ngày truyền thống của ngành, đồng thời tham gia một số hội thảo khoa học lịch sử trên địa bàn.
Cấp ủy các cấp thường xuyên chỉ đạo đưa nội dung tuyên truyền lịch sử Đảng, lịch sử đảng bộ địa phương vào sinh hoạt chi bộ dưới nhiều hình thức phong phú. Thông qua Hội nghị giao ban báo chí định kỳ hàng tháng, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chỉ đạo, hướng dẫn, định hướng các cơ quan thông tin đại chúng trong tỉnh xây dựng chuyên trang, chuyên mục với nhiều tin, bài tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng đối với công tác xây dựng Đảng trong tình hình mới. Ở cấp tỉnh, cấp huyện và tương đương đã thành lập Ban Chỉ đạo 35 về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch cùng đội ngũ cộng tác viên Ban Chỉ đạo 35 và cộng tác viên dư luận xã hội kịp thời phát hiện và đấu tranh, ngăn chặn hiệu quả các luận điệu xuyên tạc lịch sử Đảng, lịch sử dân tộc, địa phương.
Để thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử, công tác bảo tồn các di tích lịch sử được các cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ quan đơn vị quan tâm thực hiện. Đến năm 2022, trên địa bàn tỉnh Phú Yên có 51/105 di tích lịch sử cách mạng đã được xếp hạng.
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tiến hành biên soạn Đề cương tuyên truyền, giáo dục, giảng dạy Lịch sử Đảng bộ tỉnh Phú Yên; đồng thời chỉ đạo các cấp ủy, cơ quan, đơn vị trong tỉnh tiến hành biên soạn đề cương tuyên truyền của cấp mình, trong đó kết hợp tuyên truyền lịch sử của cấp mình với lịch sử của Đảng bộ tỉnh và lịch sử toàn Đảng nhằm giáo dục sâu rộng trong toàn thể cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân, với phương châm: Mỗi công trình lịch sử được xuất bản không phải để trưng bày trong tủ mà phải tổ chức tuyên truyền, giáo dục đến toàn đảng bộ và toàn dân biết. Quán triệt tinh thần này, các cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ quan, đơn vị, tổ chức đã xây dựng các kế hoạch tuyên truyền, giáo dục bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng như: lồng ghép vào các chương trình bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho cán bộ, đảng viên tại các trung tâm chính trị; tổ chức các đợt sinh hoạt chính trị, nhân các ngày kỷ niệm của Đảng, dân tộc, truyền thống ngành; tổ chức cuộc thi tìm hiểu lịch sử, các hoạt động tham quan, về nguồn để giáo dục trực quan cho thế hệ trẻ; phổ biến các đề cương lịch sử trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên các trang mạng xã hội. Các trường học trên địa bàn tỉnh thực hiện tích hợp nội dung lịch sử Đảng bộ tỉnh vào chương trình giảng dạy môn Lịch sử; tổ chức các hoạt động phong phú, đa dạng, như: tổ chức cắm trại, cuộc thi tìm hiểu, sưu tầm những mẩu chuyện về Bác Hồ và các vị anh hùng của dân tộc nhân các ngày lễ lớn, các sự kiện quan trọng của đất nước, của tỉnh; hướng dẫn học sinh tham gia chăm sóc, bảo vệ các di tích lịch sử, công trình văn hóa tại địa phương mình.
Bên cạnh công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, các cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị, tổ chức trong tỉnh, thường xuyên quan tâm, chú trọng công tác sưu tầm, khai thác các nguồn tư liệu, lưu trữ tư liệu lịch sử. Các địa phương đã tổ chức ghi chép, phỏng vấn, ghi âm những lời kể của các nhân chứng lịch sử, người thân của các đồng chí nguyên lãnh đạo qua các thời kỳ để làm tư liệu, phục vụ việc nghiên cứu, chỉnh lý, bổ sung, biên loạn lịch sử. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã và đang xây dựng kế hoạch tiến tới số hóa tài liệu, tư liệu lịch sử Đảng lưu trữ tại địa phương.
Tuy nhiên, trong thời gian qua việc nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền giáo dục lịch sử đảng, lịch sử truyền thống trên địa bàn tỉnh Phú Yên vẫn còn có những hạn chế. Thực tế cho thấy, một số địa phương có công trình lịch sử đảng bộ viết đã lâu, có nhu cầu chỉnh lý, bổ sung nhưng gặp khó khăn trong việc bố trí nguồn kinh phí. Có đơn vị, địa phương đã triển khai công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử nhưng chậm tiến độ đề ra. Chất lượng nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ, lịch sử truyền thống cách mạng của một số địa phương, đơn vị chưa cao, nội dung còn mang tính liệt kê sự kiện, hoặc phản ánh không đầy đủ bức tranh lịch sử; phải góp ý, sửa chữa nhiều trước khi xuất bản. Công tác lưu trữ các công trình lịch sử sau khi xuất bản thực hiện chưa tốt. Lực lượng tham gia nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng, truyền thống cách mạng trên địa bàn tỉnh còn ít. Ở cấp huyện chưa có cán bộ chuyên trách công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng; cán bộ kiêm nhiệm chưa qua đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ, chủ yếu là dựa vào kinh nghiệm thực tế.

3. Một số kinh nghiệm
Từ thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW của Ban Bí thư ở Phú Yên, có thể rút ra một số kinh nghiệm đối với công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng như sau:
Thứ nhất, tích cực đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội về vị trí, tầm quan trọng của việc tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng; coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác chính trị-tư tưởng của các cấp ủy, tổ chức đảng.
Thứ hai, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác nghiên cứu, biên soạn các công trình lịch sử Đảng bộ, lịch sử truyền thống cách mạng của địa phương, tổ chức, cơ quan, đơn vị; gắn kết chặt chẽ giữa biên soạn, xuất bản và tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, đảm bảo tính Đảng, tính khách quan, khoa học. Xác định công tác lịch sử Đảng vừa phải làm sáng tỏ những vấn đề về lịch sử Đảng, vừa có trách nhiệm đấu tranh với các quan điểm sai trái, luận điệu phản động của các thế lực thù địch, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, công cuộc đổi mới và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta.
Thứ ba, đẩy mạnh triển khai nghiên cứu, biên soạn, hoàn thiện lịch sử đảng bộ các cấp, lịch sử truyền thống cách mạng địa phương, tổ chức, cơ quan, đơn vị. Thực hiện nghiêm túc quy trình, quy định về nghiên cứu, biên soạn, thẩm định, xuất bản các công trình lịch sử, xác định rõ mốc thời gian cụ thể để hoàn thành việc biên soạn các công trình lịch sử; có sự phân công, hỗ trợ phù hợp để các địa phương, đơn vị thực hiện tốt công tác biên soạn lịch sử Đảng bộ, lịch sử truyền thống.
Thứ tư, chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống cách mạng, đảm bảo về nội dung, đa dạng và thiết thực về hình thức, phù hợp, hướng tới đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn tỉnh. Chú trọng tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, truyền thống cách mạng trong lực lượng đoàn viên, thanh niên, học sinh, sinh viên.
Thứ năm, quan tâm xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác lịch sử Đảng. Đảm bảo cơ sở vật chất, điều kiện làm việc, kinh phí phục vụ công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, lịch sử Đảng bộ, lịch sử truyền thống cách mạng của địa phương, cơ quan, đơn vị, tổ chức. Quan tâm, đẩy mạnh công tác xã hội hoá trong quá trình triển khai thực hiện.
Trong 5 năm (2018-2023), công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền giáo dục lịch sử đảng ở tỉnh Phú Yên có nhiều chuyển biến tích cực. Nhận thức cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và cán bộ, đảng viên được nâng lên; quan tâm đầu tư về nhân lực, cơ sở vật chất, kỹ thuật, kinh phí đáp ứng tốt yêu cầu công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống ngành; đội ngũ cán bộ, người làm công tác lịch sử Đảng trong toàn tỉnh được củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng. Các địa phương, cơ quan, đơn vị, tổ chức đã thật sự chú trọng đẩy mạnh, nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, góp phần củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng; đồng thời, cổ vũ, động viên cán bộ, đảng viên và nhân dân tiếp tục phát huy truyền thống lịch sử vẻ vang của Đảng, nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.