Tóm tắt: Phương pháp luận là vấn đề ít được quan tâm trong giới nghiên cứu chuyên ngành khoa học Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam. Bài viết trình bày đối tượng, quan điểm nghiên cứu khoa học Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam. Những điều nêu ra và phân tích trong bài viết này mới chỉ là bước đầu, như là một gợi ý để những ai quan tâm đến phương pháp luận khoa học Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam có thể tham khảo. Rất cần có sự đầu tư trí tuệ của những người nghiên cứu khoa học Lịch sử, trong đó có Lịch sử Đảng, đóng góp vào lĩnh vực phương pháp luận khoa học; cần có nhiều diễn đàn trao đổi, thảo luận về các vấn đề phương pháp luận khoa học Lịch sử Đảng.

Từ khóa: phương pháp luận; đối tượng; quan điểm; Đảng Cộng sản Việt Nam

Liệu có hay không phương pháp luận nghiên cứu khoa học Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam? Đang tồn tại hai loại ý kiến trái ngược nhau về vấn đề này: có và không có.
Tôi muốn lưu ý rằng, ý kiến phủ nhận khoa học Lịch sử Đảng có phương pháp luận riêng không phải là không có cơ sở. Vì: Chuyên ngành khoa học này mới hình thành, còn non trẻ so với các chuyên ngành khác của ngành khoa học Lịch sử ở Việt Nam; Việc nghiên cứu về phương pháp luận khoa học Lịch sử Đảng chưa được nhiều. Do đó, những vấn đề về phương pháp luận khoa học Lịch sử Đảng chưa được định hình rõ ràng và hoàn chỉnh; Là một chuyên ngành về lịch sử của tổ chức chính trị, cho nên khoa học Lịch sử Đảng không thể nằm ngoài những vấn đề phương pháp luận và những phương pháp cụ thể trong nghiên cứu lịch sử chung.
Tôi cho rằng, vì có và thực sự có chuyên ngành khoa học Lịch sử Đảng nằm trong ngành khoa học Lịch sử Việt Nam, cho nên, đã là một chuyên ngành khoa học riêng thì tất yếu có phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu riêng, trong đó, mặc nhiên là có đối tượng nghiên cứu riêng.
 
1. Đối tượng nghiên cứu của khoa học Lịch sử Đảng
Xác định đối tượng nghiên cứu của khoa học Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam là cần thiết, vì nếu không xác định đúng đối tượng nghiên cứu của khoa học Lịch sử Đảng thì rất dễ bị dẫn tới hai khuynh hướng sau đây:
Một là, sử dụng sai lệch phương pháp nghiên cứu. Khi đã sử dụng sai lệch phương pháp nghiên cứu thì rất có thể chính trị hóa thô thiển khoa học này, dẫn đến phản ánh không đúng sự thật lịch sử và đưa ra những nhận xét, nhận định, kết luận không phù hợp (ví dụ như “ta thắng địch thua”..., trình bày hời hợt, bóp méo, làm lệch lạc sự kiện lịch sử, kết luận theo lối chủ quan, xa rời tính khách quan của khoa học lịch sử, v.v..).
Hai là, lẫn lộn chung vào các chuyên ngành khác của khoa học lịch sử.
Nêu một cách súc tích nhất đối tượng nghiên cứu của khoa học Lịch sử Đảng là: Toàn bộ sự ra đời và quá trình hoạt động của Đảng Cộng sản Việt Nam. Từ đây, chúng ta thấy những điểm sau đây:
1- Đảng Cộng sản Việt Nam là một tổ chức chính trị trong xã hội Việt Nam và cũng là một thực thể của phong trào cộng sản quốc tế. Nó được xuất hiện như thế nào, “hình thù” của nó ra sao, có triển vọng như thế nào, v.v.. cần phải được nghiên cứu làm rõ. Ứng với điều đó, đối tượng nghiên cứu của khoa học này là toàn bộ bối cảnh ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam, cả bối cảnh trong nước và ngoài nước. Phải nghiên cứu quá trình vận động của các nhân tố dẫn đến sự ra đời của Đảng để có thể nhận biết sự ra đời đó có tất yếu hay không tất yếu, tức là sự ra đời của nó có phản ánh đúng quy luật vận động của xã hội Việt Nam trong các giai đoạn, thời kỳ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX hay không. Đối tượng nghiên cứu sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam cũng chế định phải nghiên cứu cương lĩnh chính trị, cơ cấu tổ chức và nhân sự của Đảng khi ra đời.
Nói tóm lại, nghiên cứu sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam, với tư cách là đối tượng nghiên cứu, là nghiên cứu toàn bộ diễn biến lịch sử ra đời của nó, đặt trong thời gian, không gian, hoàn cảnh được xác định, và qua đó thấy được chiều hướng/triển vọng phát triển của Đảng.
2- Đối tượng nghiên cứu của khoa học Lịch sử Đảng còn là toàn bộ hoạt động của Đảng qua các giai đoạn, thời kỳ với sự tác động nhiều chiều của hoàn cảnh, trong đó đặc biệt là hai chiều: Tác động của hoàn cảnh xã hội bên ngoài đối với Đảng; Tác động của Đảng đối với bên ngoài. Nghiên cứu như thế để thấy rõ mối liên hệ bản chất của những sự kiện lịch sử, phản ánh quy luật vận động của Đảng.
3- Có thể tham khảo những nội dung cụ thể trong đối tượng nghiên cứu khoa học Lịch sử Đảng mà Trường-Chinh nêu lên tại bài nói ngày 7-2-1977, nhân dịp Kỷ niệm 15 năm Ngày thành lập Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Trung ương (1962-1977) do đồng chí làm Trưởng Ban1.
Trong bài nói, Trường-Chinh nêu: “Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam là lịch sử phát triển của phong trào cách mạng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng. Nghiên cứu lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam là nghiên cứu việc Đảng ta đã vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của Việt Nam để định ra đường lối, chính sách đúng đắn, đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, và thực chất là nghiên cứu lịch sử tìm tòi, nắm vững và vận dụng các quy luật khách quan của xã hội vào việc lãnh đạo cách mạng Việt Nam qua các giai đoạn cách mạng và các thời kỳ lịch sử của Đảng”2.
4- Trong bài nói này, Trường-Chinh cụ thể hóa nội dung trên đây thành bốn điểm: Một, trình bày một cách khoa học đường lối, chính sách của Đảng qua các giai đoạn và các thời kỳ của cuộc vận động cách mạng Việt Nam. Hai, trình bày một cách khoa học phong trào cách mạng của quần chúng nhằm thực hiện đường lối, chính sách đó. Ba, trình bày các chủ trương và biện pháp xây dựng Đảng nhằm bảo đảm thực hiện thắng lợi đường lối chính trị và nhiệm vụ cách mạng của Đảng qua các giai đoạn và các thời kỳ. Bốn, trình bày những kinh nghiệm của Đảng lãnh đạo cách mạng trong từng giai đoạn, từng thời kỳ và kinh nghiệm cách mạng chung của Đảng, đi đến những kết luận có tính chất lý luận.
Bốn điểm trên đây có phải là nhiệm vụ của người nghiên cứu khoa học Lịch sử Đảng hay là những điểm cụ thể của đối tượng nghiên cứu khoa học Lịch sử Đảng?
Tôi thấy chưa thật rõ đó là nhiệm vụ hay đối tượng, nhưng tôi nghiêng về việc cho đây là nhiệm vụ của những người nghiên cứu hơn là coi đây là đối tượng nghiên cứu khoa học Lịch sử Đảng. Trong nhiều cuốn giáo trình Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, nhất là giáo trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành qua các thời kỳ, cũng có đề cập đối tượng nghiên cứu, nhưng rất tiếc, nội dung cụ thể chưa thật rõ ràng lắm và chưa được sự nhất trí cao trong giới sử học.
Tôi thấy cần thiết phải dùng phương pháp so sánh để hiểu thêm về cái riêng, cái khác của khoa học Lịch sử Đảng so với các chuyên ngành khoa học lịch sử, để có thể khẳng định nó là một chuyên ngành riêng.
- Đối tượng nghiên cứu của khoa học Lịch sử Đảng đặt trong mối quan hệ giữa cái bộ phận và cái toàn thể. Nghĩa là Đảng Cộng sản Việt Nam là một bộ phận/thực thể của nhân loại, của xã hội Việt Nam. Do đó, Lịch sử Đảng nằm trong lịch sử chung của toàn nhân loại và lịch sử chung ở Việt Nam (lịch sử chung, thường được nhiều người gọi là thông sử, chứ không phải là lịch sử dân tộc Việt Nam).
- Đối tượng nghiên cứu của khoa học Lịch sử Đảng đặt trong mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam với dân tộc Việt Nam. Nghĩa là Đảng Cộng sản Việt Nam là một bộ phận/thực thể của dân tộc Việt Nam, thậm chí nó là thực thể xuất hiện rất muộn so với sự ra đời của dân tộc Việt Nam, chính thức là từ đầu năm 1930 khi thống nhất các tổ chức cộng sản tại Hội nghị ở Hong Kong/Hương Cảng (thuộc địa của Anh) do Nguyễn Ái Quốc triệu tập và chủ trì cùng với 4 đại biểu khác. Do đó, Lịch sử Đảng là một bộ phận trong lịch sử toàn dân tộc Việt Nam. Hoặc, có thể diễn đạt bằng cách khác khi nêu các thành tố hiện hữu trong xã hội Việt Nam, đó là mối quan hệ DÂN TỘC - XÃ HỘI (trong đó có giai cấp) - ĐẢNG. Có điều là, từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, Đảng là nhân tố có tác động rất lớn đến tiến trình của dân tộc. Đặc biệt, từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam trở thành Đảng cầm quyền (từ ngày 2-9-1945 với sự ra đời của chính thể Việt Nam Dân chủ Cộng hòa), thì Đảng đóng vai trò hạt nhân, lãnh đạo trong hệ thống chính trị và toàn xã hội. Đây là một trong nhiều lý do làm cho không ít người nghiên cứu khi trình bày lịch sử dân tộc Việt Nam, hoặc trình bày lịch sử Đảng, thường hay bị xóa nhòa ranh giới hai chuyên ngành khoa học này.
Nói cách khác, Đảng Cộng sản Việt Nam là tổ chức chính trị nằm trong lòng dân tộc Việt Nam từ đầu năm 1930, chịu sự chi phối bởi những quy luật vận động của dân tộc và bản thân Đảng cũng là một nhân tố tác động trở lại sự phát triển của dân tộc. Đối tượng của khoa học Lịch sử Đảng, do đó, nằm trong đối tượng chung của lịch sử hiện đại dân tộc Việt Nam.
- Đối tượng nghiên cứu của khoa học Lịch sử Đảng đặt trong mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam với các tổ chức chính trị, xã hội khác. Trong đất nước Việt Nam, ngoài tổ chức chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam, còn có nhiều tổ chức chính trị, xã hội khác. Ở đây, có sự tương tác giữa chúng. Quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam với các tổ chức chính trị-xã hội khác ở Việt Nam qua các thời kỳ cách mạng biểu hiện ở chỗ: hoặc là có sự đối lập, hoặc có sự đồng minh, hoặc đó là quan hệ giữa Đảng lãnh đạo còn các tổ chức chính trị, xã hội khác nằm ở vị trí chịu sự lãnh đạo của Đảng.
- Mối quan hệ này còn nằm trong mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam ở phạm vi toàn Đảng, ở cấp trung ương, với các đảng bộ địa phương, đảng bộ ngành. Đây cũng chỉ là mối quan hệ giữa toàn thể với bộ phận. Vì vậy, chúng có cùng đối tượng nghiên cứu chung nhất, nhưng một bên là đối tượng toàn thể, bao trùm, một bên là một phạm vi hẹp, trong một đảng bộ nằm trong toàn Đảng.
 
2. Một số quan điểm
Thống nhất giữa tính đảng và tính khoa học
Bảo đảm tính khoa học trong nghiên cứu khoa học Lịch sử Đảng là một lẽ đương nhiên phải có. Tiêu chuẩn đầu tiên của tính khoa học là phải phản ánh đúng sự thật lịch. Sự thật có một và chỉ một mà thôi. Người nghiên cứu phải nhìn thẳng vào sự thật, viết đúng, viết rõ sự thật. (Đại hội VI (12-1986) của Đảng cũng nêu lên tinh thần chung này). Hai chữ “chép sử” mà nhiều người nghiên cứu sử học ngày nay hay đề cập khi nhắc đến các nhà sử học thời phong kiến Việt Nam dùng, thì tôi hiểu điều đó có ý là phản ánh trung thực những gì lịch sử đã diễn ra. Chỉ có phản ánh đúng sự thật lịch sử thì người nghiên cứu mới khái quát tìm ra quy luật vận động của lịch sử.
Nhưng, cái khó nhất của việc thực thi quan điểm này là ở chỗ, tính khoa học đó cùng với tính đảng phải thống nhất được với nhau.
Vậy, tính đảng là gì? Có thể hiểu nội hàm của vấn đề này ở mấy điểm:
1- Tính đảng ở đây là chữ đảng không viết hoa, tức là tổ chức nhóm cùng chí hướng, lợi ích, có thể đó là lợi ích giai cấp, lợi ích của tập đoàn người nào đó. Ứng vào Đảng Cộng sản Việt Nam thì đây là tổ chức chính trị của giai cấp công nhân, đồng thời của nhân dân lao động và của toàn dân tộc Việt Nam; Đảng đại diện cho lợi ích của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam. Người nghiên cứu trong chế độ chính trị hiện nay phải bảo đảm cho lợi ích đó. Nhưng, chú ý là phải trình bày, phản ánh đúng sự thật lịch sử chứ không phải tô hồng hay bôi đen nó. Phải đặt lợi ích của cách mạng lên trên hết để phản ánh sự thật.
Có một điều khó, rất khó khi quan niệm/nhận thức về tính đảng liên quan tới câu ngạn ngữ phương Tây: “một nửa chiếc bánh mì thì vẫn là bánh mì, nhưng một nửa sự thật thì không phải là sự thật”. Trong thực tế, phản ánh điều này ở các công trình khoa học Lịch sử Đảng thì không đơn giản như vậy. Một số nhà nghiên cứu khoa học cho rằng, có những sự kiện đúng là sự thật lịch sử, nhưng trong lúc này không được viết/nói ra, như thế là để bảo đảm tính đảng. Trong một số cuộc trao đổi nghiệp vụ tại môi trường tôi làm việc, một số người cho rằng, có những sự thật lịch sử có viết hay không viết là tùy vào “thời thế”.
2- Phải nêu cao trách nhiệm công dân, đạo đức nghề nghiệp. Nghiên cứu khoa học Lịch sử Đảng không được phép gây tác động tiêu cực đến sự phát triển của dân tộc Việt Nam, không làm ảnh hưởng xấu đến khối đại đoàn kết toàn dân tộc; phải tôn vinh cái thiện, không cổ súy cho cái xấu, cái ác; phải góp phần tác động tích cực đến quá trình phát triển văn minh, tiến bộ của nhân loại.
3- Quán triệt tính đảng còn là ở chỗ, trong nghiên cứu khoa học Lịch sử Đảng, không được phép lợi dụng để xen vào ý đồ xấu của cá nhân để “hạ” người này, “tôn” người kia, tâng bốc chính bản thân mình, nhóm mình, cộng đồng mình. Lợi ích của Đảng Cộng sản Việt Nam và lợi ích của toàn thể dân tộc Việt Nam là một. Đảng Cộng sản Việt Nam không có lợi ích nào khác ngoài lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân, như Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “điều mong muốn cuối cùng” trong Di chúc: “xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”3; cũng đúng theo ý của V.I.Lênin: “Chúng ta tin tưởng ở Đảng, chúng ta nhìn thấy ở đó trí tuệ, danh dự và lương tâm của thời đại chúng ta”4.
Quan điểm lịch sử - cụ thể
Cùng với chủ nghĩa duy vật biện chứng, cần vận dụng chủ nghĩa duy vật lịch sử vào việc nghiên cứu khoa học Lịch sử Đảng. Trong vấn đề phương pháp luận, phải vận dụng quan điểm của V.I.Lênin về mối quan hệ biện chứng khi xem xét sự vật và hiện tượng trong mối liên hệ lịch sử căn bản; xem sự vật, hiện tượng đó đã xuất hiện trong lịch sử như thế nào, trải qua những giai đoạn phát triển chủ yếu nào; đứng trên quan điểm của sự phát triển đó để xem xét hiện nay nó đã trở thành như thế nào.
Nắm vững quan điểm này, người nghiên cứu khoa học Lịch sử Đảng nhận thức và làm rõ được tiến trình lịch sử trong toàn bộ mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam với hoàn cảnh lịch sử và từ đó thấy được các quy luật vận động của nó.
Quan điểm toàn diện và hệ thống
Như đã viết ở trên, Đảng Cộng sản Việt Nam là một tổ chức chính trị của xã hội Việt Nam và cũng là một thực thể các tổ chức chính trị trên thế giới. Quan điểm toàn diện và hệ thống trong nghiên cứu khoa học Lịch sử Đảng thể hiện ở một số điểm chủ yếu sau đây:
 1- Hoạt động của Đảng Cộng sản Việt Nam diễn ra ở trên tất cả các mặt, cho nên phải phản ánh cho thật đẩy đủ. Đảng ra đời, tồn tại và phát triển trong hoàn cảnh trong nước, quốc tế xác định. Do đó, hoàn cảnh lịch sử cả trong và ngoài nước luôn luôn tác động đến Đảng Cộng sản Việt Nam. Ở chiều ngược lại, Đảng cũng tác động đến hoàn cảnh lịch sử chung. Do đó, nghiên cứu khoa học Lịch sử Đảng cần đặt nó vào cái tổng thể sự tác động đó.
 2- Đảng Cộng sản Việt Nam có tổ chức từ Trung ương đến địa phương, đến các đảng bộ của các ngành. Vì thế, nghiên cứu khoa học Lịch sử Đảng cũng phải đặt trong mối tương tác đó. Khi còn Quốc tế Cộng sản (1919-1943), Đảng Cộng sản Việt Nam là một bộ phận của tổ chức này (Hội nghị toàn thể lần thứ 11 của Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản khóa VI, trong phiên họp thứ 25, ngày 11-4-1931, quyết định công nhận Đảng Cộng sản Đông Dương là một chi bộ độc lập của Quốc tế Cộng sản). Cho nên, nghiên cứu khoa học Lịch sử Đảng cũng phải đặt trong mối quan hệ với phong trào cộng sản quốc tế nói chung.
 3- Tính hệ thống đòi hỏi khi nghiên cứu, phải đặt sự hoạt động của Đảng vào tiến trình hợp lôgíc vận động tự nhiên, nghĩa là phải đặt sự hoạt động của một tổ chức Đảng cấp nào đó hoặc của toàn Đảng vào các mối quan hệ: Với sự vận động nội tại của chính nó; Với hệ thống tổ chức của chính nó; Với hoàn cảnh chung của đất nước; Với các tổ chức khác trong hệ thống chính trị, đặc biệt là đối với các chính đảng khác ở trong nước; Với toàn thể nhân dân Việt Nam;  Với bên ngoài (bên ngoài ở đây là trong phong trào cộng sản, công nhân quốc tế; phong trào giải phóng dân tộc; phong trào vì tiến bộ xã hội; trong quan hệ với các chính đảng khác; trong quan hệ với các tổ chức chính trị-xã hội khác của thế giới...).
Trên đây là những vấn đề mở, nghĩa là chúng cần được thảo luận. Vẫn rất cần có sự đầu tư trí tuệ của những người nghiên cứu khoa học lịch sử chung, trong đó có Lịch sử Đảng, vào lĩnh vực phương pháp luận khoa học. Vẫn rất cần nhiều diễn đàn thảo luận các vấn đề phương pháp luận khoa học Lịch sử Đảng. Diễn đàn này ở phạm vi là các cuộc tọa đàm, hội thảo khoa học trong và ngoài nước, các bài trao đổi đăng trên các tạp chí của khoa học lịch sử, các sách chuyên khảo trong nước và ngoài nước, các cuộc thảo luận nhóm của các lớp từ đại học lên cao học và nghiên cứu sinh ngành khoa học lịch sử ở Việt Nam.



 
 
Bài đăng trên Tạp chí Lịch sử Đảng số 8-2020
1. Đại hội III của Đảng Lao động Việt Nam, họp tháng 9-1960, nêu chủ trương thành lập Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Trung ương. Theo đó, năm 1962, Ban này đã được thành lập. Bộ Chính trị phân công đồng chí Trường-Chinh, Ủy viên Bộ Chính trị Trung ương Đảng, làm Trưởng Ban. Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Trung ương sau này sáp nhập cùng Ban Lý luận Trung ương thành Viện Nghiên cứu chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Viện Lịch sử Đảng là một tổ chức  thuộc Viện Nghiên cứu chủ nghĩa Mác-Lênin. Đến năm 1998, Viện Nghiên cứu chủ nghĩa Mác-Lênin sáp nhập cùng Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
2. Trường-Chinh: Về công tác nghiên cứu lịch sử Đảng, Viện Lịch sử Đảng ấn hành, H, 1985, lưu tại Viện Lịch sử Đảng thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Hồ Chí Minh
3. Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, T. 15, tr. 624
4. V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1976, T. 34, tr. 122.