Thủ đô Hà Nội1 sau ngày tiếp quản đứng trước muôn vàn khó khăn, phức tạp. Yêu cầu cấp bách đặt ra trước Trung ương Đảng, Chính phủ, đặc biệt là với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố là nhanh chóng ổn định tình hình mọi mặt, khôi phục các hoạt động kinh tế, văn hoá, giáo dục… Trên lĩnh vực giáo dục, Đảng bộ và chính quyền thành phố Hà Nội xác định là một nhiệm vụ hết sức quan trọng, có ý nghĩa không chỉ với Hà Nội, mà còn có tác động đến toàn miền Bắc.

Từ khoá: Giáo dục; Thủ đô; Hà Nội; 1954-1958

1. Nhanh chóng thanh toán nạn mù chữ

Chính sách ngu dân của thực dân Pháp dẫn đến hậu quả là, sau Cách mạng Tháng Tám thành công (1945), hơn 90% dân số nước ta mù chữ. Nạn mù chữ được Chủ tịch Hồ Chí Minh coi như là một loại “giặc” (“giặc đói”, “giặc dốt” và “giặc ngoại xâm”). Vì vậy, ngay trong những ngày sau Cách mạng Tháng Tám, hưởng ứng lời kêu gọi của Người, Hà Nội trở thành nơi mở đầu và đi đầu trong phong trào “diệt giặc dốt”, thanh toán nạn mù chữ. Phong trào diễn ra sôi nổi và thu được những kết quả bước đầu. Tuy nhiên, chiến tranh bùng nổ cùng nhiều khó khăn khác, đến ngày giải phóng Thủ đô, mặc dù là trung tâm hàng đầu của cả nước về trình độ văn hoá nhưng vẫn còn hàng chục vạn người chưa biết chữ2. Vì thế, ngay sau ngày tiếp quản, thành phố đã thành lập Ban Vận động thanh toán nạn mù chữ thành phố do Chủ tịch Ủy ban hành chính thành phố làm Trưởng ban3. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ và chính quyền các cấp, từ thành phố đến các quận, các xã, các lớp bình dân học vụ được mở rộng rãi, thu hút đông đảo người học. Thành phố vừa động viên, khuyến khích, vừa áp dụng các biện pháp có tính ràng buộc để người chưa biết chữ đến các lớp học, cũng như bố trí, điều động đội ngũ giáo viên và cả người tình nguyện tham gia việc dạy học.

Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện, công tác bình dân học vụ, xóa nạn mù chữ ở Hà Nội không phải không gặp những khó khăn. Điều này xuất phát từ tình hình thực tế: có nhiều người trong diện đối tượng phải đi học (xóa nạn mù chữ hoặc bổ túc kiến thức) nhưng đang phải đi làm. Nhiều anh chị em công nhân làm việc trong các xí nghiệp, các nhà máy bận việc cả ngày, khó thu xếp thời gian học tập (trừ số anh chị em làm việc tại các cơ sở lẻ tẻ thì thời gian dành cho việc học tập được nhiều hơn). Trong các khu lao động, vì công việc làm ăn, nhiều người phải đi làm từ sáng sớm tới khuya mới về nhà nên việc theo học rất thất thường... Một khó khăn khác nữa là do thiếu phương tiện phục vụ việc học tập như giáo viên, trường học, đèn dầu (vì phần lớn học vào buổi tối), giấy bút,... Có những nơi người học phải ngồi dưới đất, lấy thúng làm bàn viết, lại có những nơi phải học trong những ngôi nhà tranh dột nát, không phên vách, mùa Đông trời gió lạnh...

Vượt qua những khó khăn, với nỗ lực của Đảng bộ và chính quyền, sự quyết tâm của nhân dân thành phố, công tác bình dân học vụ, xóa nạn mù chữ ở Hà Nội trong những năm đầu sau giải phóng đã đạt được những kết quả to lớn.

Đến cuối năm 1955, toàn thành phố có 12.894 người (3.211 nam, 9.683 nữ) tham gia các lớp bình dân học vụ và xóa mù chữ, bao gồm: bổ túc bình dân lớp 3, 4 có 140 người (91 nam, 49 nữ), bổ túc bình dân lớp 1, 2 có 782 người (402 nam, 380 nữ), dự bị bổ túc có 2.133 người (589 nam, 1.544 nữ) và tập đánh vần có 9.839 người (2.129 nam, 7.710 nữ). Tổng số người biết đọc viết được nhưng hiện đã nghỉ học là 62.262 người (28.774 nam, 33.488 nữ). Dù vậy, đến thời điểm này, thành phố vẫn còn tới 43.981 người chưa biết chữ (8.978 nam, 35.003 nữ)4. Đến năm 1957, dù phong trào bình dân học vụ gặp nhiều khó khăn, do bệnh mùa hè, hạn hán và công tác đột xuất quá nhiều gây ra, thành phố chỉ còn 9.175 người chưa được xóa mù chữ, riêng nội thành còn 2.266 người, hầu hết là những người rất khó có điều kiện học tập5. Và đến cuối năm 1958, Hà Nội đã căn bản hoàn thành việc thanh toán nạn mù chữ với tỷ lệ cao, đạt 97,29%  (nội thành  đạt 98,1%; ngoại thành đạt 94,6%). Việc bổ túc văn hoá cho cán bộ, công nhân và nhân dân cũng được chú ý đẩy mạnh với hơn 85.000 người tham gia các lớp bổ túc văn hoá6. Đây là một thành tựu hết sức to lớn của Đảng bộ, chính quyền cùng sự quyết tâm cao của toàn thể nhân dân Thủ đô những năm đầu sau ngày giải phóng.

2. Điều hành linh hoạt hệ thống các trường công lập và tư thục

Sau ngày giải phóng Thủ đô, trong hệ thống giáo dục Hà Nội có các trường tư thục và công lập, từ mẫu giáo đến cấp tiểu học và trung học. Trong số này, hệ thống các trường tư thục chiếm ưu thế. Các số liệu thống kê của Thành ủy, Ủy ban hành chính thành phố thời kỳ này thường không thống nhất nhưng đều cho thấy sự áp đảo của hệ thống trường tư (theo kết quả được tổng kết từ công tác đăng ký hộ khẩu toàn thành phố diễn ra từ ngày 18-9-1955 đến ngày 26-11-1955, trong báo cáo ngày 13-12-1955, thành phố có 1 trường đại học (công lập), 29 trường trung học (trong đó có 7 trường công và 22 trường tư), 139 trường tiểu học (trong đó có 44 trường công và 95 trường tư), ngoài ra còn 1 trường đại học nhân dân, 1 trường miền núi7.

Trước thực trạng tồn tại hai hệ thống trường học, “Thành ủy Hà Nội chủ trương phục hồi nhanh chóng tất cả các trường học, trong đó đặc biệt chú trọng đến hệ thống giáo dục tiểu học, trung học, giữ nguyên và khuyến khích các trường tư thục hoạt động trở lại. Trước mắt, tạm thời giữ nguyên hệ thống giáo dục cũ, loại bỏ nội dung có tính chất phản động; tăng cường phát triển phong trào bình dân học vụ”8. Đây là một chủ trương hết sức đúng đắn, dựa trên thực trạng bức tranh giáo dục Hà Nội sau ngày giải phóng. Đặc biệt, giáo dục Hà Nội được sự quan tâm đặc biệt của Trung ương. Ngày 7-2-1955, trong Công văn số 44 PCB/M của Bộ trưởng Bộ Giáo dục đã nêu ý kiến về việc sắp xếp các cán bộ phụ trách các phòng của Sở Giáo dục Hà Nội và các cán bộ chỉ đạo các trường trung học ở Hà Nội. Theo đó, lúc này cơ cấu tổ chức của Sở Giáo dục Hà Nội có các phòng Hành chính, phòng Trung học, phòng Tiểu học, phòng Bình dân học vụ, phòng Thể dục. Về khối các trường trung học có các trường Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Trưng Vương (nhà hoạt động cách mạng Bạch Năng Thi được cử giữ chức Phó Hiệu trưởng trường Chu Văn An, bà Nguyễn Khoa Diệu Hồng làm Phó Hiệu trưởng trường Trưng Vương)9.

Tuy nhiên, cũng có nhiều bất cập diễn ra ở cả hệ thống các trường công và trường tư. Các trường công thì hầu hết đều nằm ở trung tâm thành phố, chỉ thích hợp với những trường hợp cư trú trong khu vực nội thành, trong khi đó, số học sinh là con em lao động thì đa phần là ở ngoại thành nên theo học được trường công rất ít. Trong khi đó, trường tư học phí cao nên con em lao động thường bỏ dở việc học giữa chừng.

Mặc dù duy trì đồng thời cả hai hệ thống trường học là công lập và tư thục, nhưng xu hướng các trường công lập ngày càng trở nên ưu thế hơn. Chủ trương của Đảng bộ và chính quyền thành phố cũng tập trung vào việc phát triển các trường công lập. Điều này được thể hiện qua hàng loại các chủ trương của Đảng bộ và chính quyền thành phố:

- Ngày 9-2-1955, Thành ủy Hà Nội ra Nghị quyết số 27 NQ/ĐBHN về Kế hoạch vận động học sinh Trường Albert Sarraut sang các trường công lập. Theo đó, đến thời điểm này đã có khoảng hơn 50 học sinh với sức học tương đối khá chuyển sang học ở hệ thống trường công lập, trong khi đó, khả năng tiếp nhận của các trường công lập có thể đảm bảo số học sinh chuyển sang là 300. Nghị quyết đưa ra kế hoạch vận động với các nội dung cụ thể như tổ chức trao đổi văn hoá, phối hợp vận động với nhiều hình thức tổ chức nói chuyện, trình bày về đường lối giáo dục dân chủ của Đảng và Nhà nước và đả kích khéo giáo dục của chế độ cũ; vận động gia đình học sinh, thông qua số học sinh đã chuyển sang trường công để họ vận động số bạn bè; xây dựng thí điểm Trường Chu Văn An để làm điển hình vận động10.

- Ngày 20-7-1955, Thành ủy Hà Nội xây dựng Đề án vận động các trường tư thục. Theo đó, đến thời điểm này, toàn thành phố có hơn 80 trường trung học và tiểu học tư thục, trong số đó có hơn 20 trường tương đối lớn, trường nhỏ nhất là tiểu học có 1 lớp 4, 50 học sinh; trường lớn nhất có từ tiểu học đến chuyên khoa có hơn 10 lớp, tổng cộng có hơn 600 học sinh. Trong số này có trường của tôn giáo như Trường Vạn Hạnh Khuông Việt (Phật giáo); Thạch Mâu, Dũng Lạc (Công giáo). Trước tình hình đó, Thành ủy chủ trương công tác đến đầu năm học 1955-1956 là: làm cho giáo viên nhận rõ trách nhiệm vinh quang của mình là đào tạo lớp học sinh yêu nước phục vụ nhân dân; vận động thống nhất một số trường thành trường lớn để việc lãnh đạo chuyên môn được dễ dàng; mỗi lớp mẫu giáo không quá 40 học sinh, tiểu học không quá 60-65; trung học không quá 70 học sinh; mỗi giáo viên không dạy quá 30 giờ một tuần; tổ chức chương trình cải tiến nội dung dạy cho học sinh dịp hè; có những cuộc nói chuyện, rút kinh nghiệm và giảng dạy các môn Sinh ngữ, Việt sử, Địa,...; đoàn kết, tương trợ, để cải thiện sinh hoạt; tăng cường công tác lãnh đạo trường tư11.

Với chủ trương trên, đến năm 1958, giáo dục công lập đã chiếm được vị trí ưu thế hơn, mặc dù về số lượng trường thì tư thục vẫn nhiều hơn công lập. Cụ thể:

Về hệ thống trường học: Cuối năm 1955, cấp tiểu học có 139 trường (44 trường công, 95 trường tư), đến năm 1958, có 4 trường phổ thông quốc lập lớn cấp 2, 3 là Trưng Vương, Chu Văn An, Phổ thông Hà Nội, Nguyễn Trãi; 7 trường quốc lập cấp 2 là Nguyễn Gia Thiều (quận 8), Yên Thái (quận 5), Yên Hòa (quận 6), Trung Liệt, Trung Phụng, Lương Yên, Hoàng Văn Thụ (quận 7). Về các trường tư thục, có 15 trường phổ thông cấp 2, 3 gồm Albert Sarraut, Hoàng Hoa Thám, Nguyễn Huệ, Tân Trào, Thăng Long, Khai Thành, Tây Sơn, Việt Đồng, Nguyễn Văn Tố, Hà Nội, Kiến Thiết, Long Biên, Điện Biên, Minh Tân, Ba Đình.

Về tình hình giáo viên: Đến năm 1958, số lượng giáo viên cấp 2, 3 cả công và tư là 563 người, cụ thể: trường công cấp 2 có 259 người, cấp 3 có 154 người, tổng cộng 413 giáo viên; trường tư cấp 2 có 109 người, cấp 3 có 41 người, tổng cộng 150 giáo viên. Trong số 413 giáo viên trường công thì có 79 đảng viên, 66 đoàn viên thanh niên lao động, 8 đối tượng kết nạp đảng, còn lại là 203 giáo viên kháng chiến về, 59 giáo viên lưu dung, 84 giáo viên ở trường Đại học Nhân dân và Đại học Sư phạm chuyển sang. Trong số 150 giáo viên trường tư thục, có 7 đảng viên, 2 đoàn viên thanh niên lao động, 7 quần chúng tích cực, số giáo viên tư thục đi kháng chiến về chiếm hơn 1/3 trong số này, số đông giáo viên các trường tư thục có thái độ chính trị tốt, nhưng về tư tưởng khá phức tạp, một số ít thuộc phần tử có những hoạt động đối địch với chính quyền mới.

Về tình hình học sinh (chưa tính tiểu học): Đến năm 1958, toàn thành phố có trên 23.100 học sinh (trong đó cấp 2 có 16.631, cấp 3 có 6.512; trường công có 12.538, trường tư có 10.653 học sinh). Theo điều tra của Đoàn Thanh niên Lao động thành phố thì trong trường công có khoảng 6.000 và trường tư có 5.000 học sinh đến tuổi thanh niên. Thành phần học sinh cấp 2 và cấp 3 khác nhau. Trường Chu Văn An, ở cấp 2 có 14% học sinh là con em tầng lớp trên, 60% là con em công nhân, nông dân, cán bộ, còn lại là các tầng lớp tiểu tư sản khác; ở cấp 3 thì số con em tầng lớp trên chiếm khoảng ¼, còn ¾ là các tầng lớp khác, trong đó đa số là tiểu tư sản. Trường tư thục, như Trường Ba Đình, trong số 689 học sinh cấp 2 và 3 có 422 học sinh là con em công thương gia, 129 học sinh là con em nông dân, phần lớn là trung nông, 125 học sinh là con em công nhân, cán bộ. Lúc này, Đoàn Thanh niên lao động đã có cơ sở trong 24 trường với 1.243 đoàn viên. Việc cải tạo tư tưởng cho giáo viên, giáo dục tư tưởng cho thanh niên lao động là một vấn đề cấp thiết làm cho nhà trường, giáo viên và học sinh được trong sạch, đảm bảo đường lối giáo dục của Đảng trong các trường phổ thông ở Hà Nội12.

3. Từng bước ổn định và phát triển

Khai giảng năm học 1957-1958, tình hình giáo dục Hà Nội đã có những chuyển biến quan trọng. Thành phố mở lớp bồi dưỡng về chính trị và nghiệp vụ cho hơn 1.000 giáo viên các trường công và tư. Số lượng học sinh các cấp đều tăng. Với hệ  thống trường công lập, cấp 1 có 664 lớp với 35.420 học sinh, tăng hơn năm học 1956-1957 là 299 học sinh; cấp 2 có 146 lớp với 8.640 học sinh, tăng 1.102 học sinh so với năm học 1956 - 1957; cấp 3 có 66 lớp với 3.794 học sinh, tăng 780 học sinh với năm học 1956-1957. Đối với hệ thống trường tư, tính chung các cấp có 354 lớp với 18.574 học sinh, tăng không nhiều so với năm học 1956-1957. Đồng thời, trước tình hình giảm sút về chất lượng trong các trường tư, trong năm học 1957-1958, thành phố chủ trương hạn chế không cho một số trường tư mở thêm lớp 10 do không đủ phương tiện và đội ngũ giáo viên. Điều này gây khó khăn đối với các học sinh đã học hết lớp 9, một số ít phần tử xấu đã làm đơn và kiến nghị gửi đến cơ quan giáo dục đòi cho đi học và dọa sẽ bỏ vào Nam. Trong khi đó, ở khu vực ngoại thành, một số trường cấp 1 và cấp 2 không đủ học sinh13.

Đến hết năm 1958, tình hình giáo dục Hà Nội có những chuyển biến tích cực. Giáo dục phổ thông được tăng cường chất lượng giảng dạy và học tập, mối liên hệ giữa nhà trường và xã hội, giữa học tập và lao động sản xuất, bộ mặt của các trường học đã có sự thay đổi rõ rệt, số lượng học sinh tăng 3% so với năm trước, tổng số lớp tăng thêm 65% đảm bảo cho học sinh cấp 1 và cấp 2 có chỗ học tương đối đầy đủ. Phong trào lao động sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, lao động XHCN xây dựng Thủ đô đã có một cơ sở tốt trong số đông giáo viên và học sinh, có kế hoạch huy động lực lượng học sinh cho sát hợp, không huy động quá nhiều hoặc quá sức ảnh hưởng đến sức khỏe và học tập của các em, nhất là đối với các học sinh ít tuổi). Các lớp dân lập được mở nhiều, xây dựng được 70 lớp 1 và 16 lớp 5; các lớp mẫu giáo và vỡ lòng dân lập cũng tăng mau chóng, thu hút được gần 2 vạn trẻ em đi học14.

Với những nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố, những năm đầu sau giải phóng, Hà Nội đã căn bản thanh toán xong nạn mù chữ, tận dụng hệ thống giáo dục cũ về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của con em các tầng lớp nhân dân đồng thời với việc vận động để phát triển hệ thống các trường công lập, từng bước đưa giáo dục công lập chiếm vai trò chủ đạo trong hệ thống các trường học toàn thành phố.



Bài đăng trên Tạp chí Lịch sử Đảng (in) số 5/2016

1. Hà Nội vào thời điểm sau ngày giải phóng Thủ đô chỉ bao gồm phần lãnh thổ chủ yếu tương đương với các quận nội thành của Hà Nội hiện nay

2. Theo kết quả được tổng kết từ công tác đăng ký hộ khẩu toàn thành phố diễn ra từ ngày 18-9-1955 đến ngày 26-11-1955 (báo cáo ngày 13-12-1955), trên địa bàn thành phố Hà Nội (Lưu trữ Thành ủy, Cặp 115, Hồ sơ 750, tr. 13-15):

- Bậc đại học: có 1.834 người trình độ đại học (1.668 nam và 166 nữ), Số đã tốt nghiệp là 585 người (542 nam và 43 nữ), trong đó Tiến sỹ Văn khoa có 9 người (9 nam), Tiến sỹ Luật khoa có 24 người (23 nam, 1 nữ) và Tiến sỹ Khoa học có 9 người (9 nam); bậc Cử nhân Văn khoa có 62 người (57 nam, 5 nữ), Cử nhân Luật khoa có 79 người (79 nam) và Cử nhân Khoa học có 35 người (34 nam, 1 nữ); Cao đẳng, sư phạm cao cấp có 141 người (124 nam, 17 nữ); Bác sỹ, y sỹ, dược sỹ 161 người (142 nam, 19 nữ); Kỹ sư có 65 (65 nam);  tương đương đại học: 198 người (183 nam, 15 nữ). Số người đang theo học cấp đại học có  1.051 người (943 nam, 108 nữ), gồm: Cao đẳng sư phạm 162 người (137 nam, 25 nữ), Luật khoa 2 người (1 nam, 1 nữ), Y dược khoa 416 người (358 nam, 58 nữ), Văn khoa 192 người (178 nam, 14 nữ) và Khoa học 279 người (269 nam, 10 nữ)

- Bậc trung học: tổng số có 33.737 người trình độ Trung học (26.543 nam, 7.194 nữ). Số đã tốt nghiệp 3.523 người (3.009 nam, 514 nữ), gồm: Tú tài lớp 9 là 612 người (539 nam, 72 nữ), Tú tài phân ban lớp 8 là 436 người (391 nam, 45 nữ), Trung học phổ thông lớp 7 là 2.206 người (1.825 nam, 381 nữ), Trường chuyên nghiệp 270 người (254 nam, 16 nữ), tương đương trung học 12.353 người (10.075 nam, 2.278 nữ). Số hiện đang theo học cấp trung học 17.861 người (13.459 nam, 4.402 nữ), gồm: Phổ thông cấp 3 là 3.121 người (2.485 nam, 636 nữ), Phổ thông cấp 2 là 10.516 người (7.369 nam, 3.147 nữ), Các trường chuyên nghiệp 2.977 người (2.488 nam, 489 nữ), Đại học Nhân dân 1.247 người (1.117 nam, 130 nữ)

- Bậc tiểu học: tổng số 75.741 người (47.268 nam, 28.475 nữ). Số đã tốt nghiệp 10.471 người (7.785 nam, 2.936 nữ), tương đương sơ cấp 34.024 người (21.710 nam, 12.314 nữ). Số hiện đang theo học tiểu học phổ thông cấp 1 31.246 người (18.073 nam, 13.173 nữ)

3. Nguyễn Hải Kế (chủ biên): Giáo dục Thăng Long - Hà Nội quá trình, kinh nghiệm và định hướng phát triển, Nxb Hà Nội, H, 2010, tr. 210

4, 7. Lưu trữ Thành ủy, Cặp 115, Hồ sơ 750, tr.13-15, 13-15

5. Lưu trữ Thành ủy, Cặp 64, Hồ sơ 62, tr. 39-40

6, 14. Lưu trữ Thành ủy, Cặp 64, Hồ sơ 65, tr. 94-95, 94-95

8. Lịch sử Đảng bộ thành phố Hà Nội (1930-2000), Nxb Hà Nội, H, 2004, tr. 330-331

9. Lưu trữ Thành ủy, Cặp 93, Hồ sơ 426, tr. 1-2

10, 11. Lưu trữ Thành ủy, Cặp 100, Hồ sơ 559, tr. 1-4, 16-22

12. Lưu trữ Thành ủy, Cặp 64, Hồ sơ 66, tr. 62-65.

13. Lưu trữ Thành ủy, Cặp 64, Hồ sơ 63, tr. 52-53.