Thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW, ngày 18-1-2018, của Ban Bí thư Trung ương Đảng “về tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng”, ngày 28-9-2018, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hoà Bình ban hành Chỉ thị số 45 CT/TU, về “nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, xuất bản lịch sử Đảng bộ và giáo dục truyền thống cách mạng”. Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Hoà Bình yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong tỉnh tổ chức quán triệt, triển khai nghiêm túc Chỉ thị số 20-CT/TW của Ban Bí thư đến cán bộ, đảng viên và nhân dân, trước hết là người đứng đầu về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống cách mạng của địa phương, đơn vị, tổ chức; đồng thời chủ động đấu tranh phê phán, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, xuyên tạc lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống cách mạng.
Về quy trình thẩm định các công trình lịch sử trước khi xuất bản, ngày 12-8-2022 Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy ban hành Thông báo Kết luận số 58-TB/BTGTU chỉ đạo việc thẩm định lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống của các ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể chính trị - xã hội, đơn vị các cấp theo Hướng dẫn số 90-HD/HVCTQG, ngày 15-3-2021 của Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh về “Quy trình thẩm định các công trình lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống các ban, bộ, ngành, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể chính trị - xã hội, đơn vị ở Trung ương và địa phương”.
Thực hiện những chủ trương trên, hằng năm, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Hoà Bình ban hành kế hoạch về công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử đảng bộ, truyền thống đấu tranh cách mạng; hướng dẫn các cấp ủy đảng, chính quyền trong tỉnh xây dựng kế hoạch nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử đảng bộ, truyền thống đấu tranh cách mạng của địa phương, cơ quan, đơn vị; đồng thời, theo dõi công tác lịch sử Đảng bộ địa phương, quan tâm nghiên cứu, tham mưu giúp cấp ủy giải đáp những vấn đề liên quan đến lịch sử, góp phần tháo gỡ khó khăn trong việc biên soạn lịch sử địa phương, lịch sử truyền thống của các ngành, các địa phương, đơn vị. Những nội dung này được đưa vào thang điểm thi đua của cấp ủy các các cấp.  
Với những biện pháp đó, qua 5 năm (2018-2023) thực hiện Chỉ thị số 20 của Ban Bí thư Trung ương, công tác sưu tầm, biên soạn, xuất bản lịch sử Đảng bộ và giáo dục truyền thống cách mạng trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đã có nhiều chuyển biến tích cực. Nhiều đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu về lịch sử Đảng có nội dung quan trọng, ý nghĩa khoa học và thực tiễn được tổ chức triển khai. Các công trình nghiên cứu, biên soạn, xuất bản lịch sử Đảng bộ cấp tỉnh, huyện, xã, lịch sử truyền thống ngành, đoàn thể đều được cấp ủy phê duyệt đề cương, dự toán kinh phí trước khi tổ chức thực hiện.
Trong quá trình tổ chức nghiên cứu, biên soạn các công trình, các cấp uỷ đã chú trọng công tác sưu tầm tư liệu, nhất là tư liệu chữ viết lưu trữ ở các cơ quan Trung ương, địa phương, đơn vị, tổ chức và tư liệu hồi cố,… Đồng thời, đã nhận được sự tham gia đóng góp tích cực của nhiều nhà khoa học, cán bộ lão thành, cán bộ lãnh đạo chủ chốt qua các thời kỳ, các nhân chứng lịch sử, góp phần làm sáng tỏ những vấn đề, những kiện lịch sử. Các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc, các ban, sở, ngành, đoàn thể của tỉnh và cấp ủy cơ sở đã chú trọng việc mời các cộng tác viên có trình độ chuyên môn tham gia nghiên cứu, biên soạn để đảm bảo chất lượng công trình. Việc thẩm định trước khi xuất bản các công trình được thực hiện theo đúng quy định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình đề ra.
Các ấn phẩm lịch sử Đảng bộ, lịch sử truyền thống xuất bản đã tái hiện một cách khá đầy đủ, toàn diện, chân thực, sinh động lịch sử phong trào cách mạng của địa phương, đơn vị; đảm bảo tính Đảng, tính khoa học, tính giáo dục, được các cơ quan chuyên môn và đông đảo bạn đọc đánh giá cao góp phần giáo dục truyền thống cho cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh
Một số công trình tiêu biểu như: Bộ Lịch sử Đảng bộ tỉnh Hòa Bình 1929-2010, Địa chí tỉnh Hòa Bình, Kỷ yếu Hội thảo 85 năm thế giới công nhận Nền Văn hoá Hòa Bình, Bác Hồ với tỉnh Hòa Bình. Tính đến tháng 10-2022, trên địa bàn tỉnh Hoà Bình có 10/10 huyện, thành phố đã xuất bản lịch sử đảng bộ huyện, thành phố. Một số đảng bộ như Lạc Thủy, Kim Bôi, Lương Sơn, Mai Châu,… đã xuất bản lịch sử Đảng bộ huyện đến năm 2020. Trong 5 năm (2018 - 2022), các Đảng bộ cấp huyện đã cho ra mắt 17 công trình lịch sử Đảng bộ cấp huyện và 22 các công trình lịch sử khác; huyện Lương Sơn, Mai Châu đã hoàn thành các công trình lịch sử đảng bộ cấp xã theo địa giới hành chính cũ chưa sáp nhập. Đảng bộ thành phố Hòa Bình đã hoàn thành 6 công trình lịch sử Đảng bộ, lịch sử truyền thống ngành và lực lượng vũ trang; Đảng bộ huyện Tân Lạc đã hoàn thành 11 công trình cả lịch sử đảng bộ và các công trình khác. Đảng bộ huyện Lạc Sơn hoàn thành 8 công trình lịch sử Đảng bộ huyện và lịch sử truyền thống ngành,… Đảng bộ Quân sự tỉnh đã cho ra mắt ban đọc 3 công trình lớn: Lịch sử kháng chiến tỉnh Hòa Bình, Lịch sử Quân sự tỉnh Hòa Bình, Lịch sử Đảng bộ quân sự tỉnh Hòa Bình; chỉ đạo Ban Chỉ huy Quân sự huyện, thành phố tham mưu cho cấp ủy, chính quyền tổ chức xây dựng lịch sử kháng chiến, lịch sử quân sự của địa phương. Đảng bộ Công an tỉnh xuất bản các công trình: Lịch sử Công an Nhân dân tỉnh Hòa Bình (2001-2015); Lịch sử Công an thành phố Hòa Bình (1945-2020); Biên niên sự kiện lịch sử Công an huyện Kim Bôi (1991-2016); Biên niên sự kiện lịch sử Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (1991-2016),… Tính đến năm 2022, có 137/151 xã trên toàn tỉnh đã xuất bản lịch sử Đảng bộ xã.
Hiện nay, Ban thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện Đề án sưu tầm, biên soạn, xuất bản bộ sách “Lịch sử tỉnh Hòa Bình từ khởi thủy đến năm 2020”. Đây là bộ công trình phản ánh một cách khách quan, toàn bộ quá trình lịch sử tỉnh Hòa Bình từ khởi thủy đến năm 2020, trên tất cả các lĩnh vực từ chính trị, hành chính, kinh tế, văn hoá - xã hội, quốc phòng, an ninh, cũng như những đóng góp của nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình trong quá trình dựng nước, đấu tranh giành độc lập, giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam. Công trình sẽ góp phần vào việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy kho tàng tư liệu quý giá về vùng đất và con người Hòa Bình, để lại cho thế hệ hôm nay và mai sau.
Công tác giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng trong toàn tỉnh được đẩy mạnh với nhiều hình thức đa dạng, phong phú như: Tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, địa phương; tổ chức hội thảo, toạ đàm, xây dựng nhà truyền thống, tượng đài kỷ niệm, gắn bia di tích cách mạng; triển lãm sách, ảnh tư liệu lịch sử; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về lịch sử, thu hút hàng chục vạn lượt người giam gia. Các cuộc thi tìm hiểu lịch sử đều thành công tốt đẹp, gây được nhiều ấn tượng sâu sắc, qua đó góp phần xây dựng lòng tin, sự gắn bó, yêu mến quê hương, đất nước, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng đối với đông đảo Nhân dân các dân tộc trong tỉnh, nhất là thế hệ trẻ. Một số huyện tổ chức được các cuộc thi tìm hiểu rộng rãi trong các tầng lớp Nhân dân về lịch sử đảng bộ huyện, truyền thống cách mạng của địa phương. Tiêu biểu như Đảng bộ huyện Tân Lạc, Đảng bộ Công an tỉnh, Đảng bộ huyện Lương Sơn, Đảng bộ huyện Lạc Thủy, Đảng bộ huyện Kim Bôi,...
Những kết quả trong nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống yêu nước và cách mạng trên địa bàn tỉnh đã góp phần định hướng tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là thế hệ trẻ trong việc bảo tồn và phát huy tốt các giá trị truyền thống lịch sử và cách mạng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch, tăng cường khối đoàn kết toàn dân, thực hiện thắng lợi các mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và Đại hội lần thứ XIII của Đảng.