Tóm tắt: Đại học Thái Nguyên là một trong những đại học vùng đầu tiên của cả nước, có nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, tư vấn chính sách, thúc đẩy sự phát triển bền vững vùng Trung du miền núi phía Bắc nói riêng và cả nước nói chung. Nhận thức được sứ mệnh và vai trò của mình đối với sự nghiệp giáo dục - đào tạo, Đại học Thái Nguyên luôn chú trọng công tác xây dựng, phát triển đội ngũ giảng viên. Bài viết tập trung làm rõ chủ trương, quá trình chỉ đạo thực hiện, những kết quả đạt được, những hạn chế còn tồn tại và đúc rút một số kinh nghiệm trong xây dựng, phát triển đội ngũ giảng viên tại Đại học Thái Nguyên trong những năm 2015-2024.
Từ khóa: Đại học Thái Nguyên; xây dựng và phát triển; giảng viên; 2015-2024
1. Chủ trương và sự chỉ đạo của Đảng bộ Đại học Thái Nguyên
Đại hội lần thứ V nhiệm kỳ (2015 - 2020) của Đảng bộ Đại học Thái Nguyên xác định: xây dựng Đại học Thái Nguyên thành trường đại học trọng điểm, trung tâm đào tạo, khoa học chất lượng cao, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của vùng trung du, miền núi phía Bắc và cả nước1. Phấn đấu đến năm 2020, đội ngũ cán bộ giảng dạy có trình độ tiến sĩ từ 28% đến 30% (khoảng 855 đến 900 tiến sĩ); 7% đến 10% cán bộ giảng dạy có học hàm giáo sư, phó giáo sư; 100% giảng viên cán bộ viên chức trong độ tuổi quy định đạt chuẩn ngoại ngữ và tin học2. Để đạt được mục tiêu trên, Đại hội nhấn mạnh yêu cầu phải xây dựng đội ngũ giảng viên đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng, phù hợp với cơ cấu ngành nghề nhằm phục vụ tốt cho việc xây dựng các ngành học chất lượng cao. Thực hiện chuẩn hóa đội ngũ giảng viên về trình độ chuyên môn, ngoại ngữ và tin học3. Ưu tiên tuyển dụng các sinh viên, học viên, cán bộ được đào tạo ở nước ngoài, đặc biệt là các nước có nền giáo dục tiên tiến và sinh viên giỏi, xuất sắc. Thực hiện tốt chế độ, chính sách đãi ngộ đối với những cán bộ khoa học đầu ngành, các chuyên gia giỏi4.
Đại hội lần thứ VI, nhiệm kỳ (2020 - 2025) của Đảng bộ Đại học Thái Nguyên xác định: Thành lập một số nhóm nghiên cứu mạnh ở một số lĩnh vực mũi nhọn; ban hành cơ chế, chính sách để đẩy mạnh công bố quốc tế; đào tạo và sử dụng cán bộ khoa học và công nghệ, nhất là cán bộ trẻ có trình độ cao trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật và công nghệ. Xây dựng kế hoạch cử giảng viên đi học nghiên cứu sinh đúng chuyên ngành, tăng tỷ lệ nghiên cứu sinh học ở nước ngoài; chuẩn hóa đội ngũ giảng viên thực chất về trình độ chuyên môn, ngoại ngữ và tin học. Tạo môi trường, điều kiện làm việc thân thiện, dân chủ, công bằng, đồng thuận, thúc đẩy sáng tạo; xây dựng và phát triển văn hóa chất lượng, văn hóa công sở trong Đại học Thái Nguyên; đồng thời áp dụng bộ chỉ số đánh giá hoàn thành nhiệm vụ đối với giảng viên5.
Quán triệt những chủ trương trên của Đảng bộ Đại học Thái Nguyên, Đại học Thái Nguyên đã ban hành nhiều giải pháp xây dựng đội ngũ giảng viên đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp giáo dục - đào tạo. Năm 2016, Đại học Thái Nguyên triển khai “Kế hoạch chiến lược phát triển Đại học Thái Nguyên giai đoạn 2016 - 2020 và tầm nhìn 2030”, trong đó nêu rõ cần sớm hoàn thiện quy chế, chính sách đãi ngộ, quản lý và sử dụng nhân sự hợp lý nhằm thu hút nhân tài trong nước và ngoài nước đến làm việc cho Đại học Thái Nguyên. Xây dựng môi trường làm việc năng động, chuyên nghiệp để kích thích sự sáng tạo của đội ngũ giảng viên nhằm phát huy những năng lực, sở trưởng của đội ngũ giảng viên trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Thực hiện chuẩn hóa tiêu chuẩn đội ngũ giảng viên, hoàn thành đề án vị trí việc làm. Xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, trong đó chú trọng nâng cao năng lực ngoại ngữ cũng như khả năng ứng dụng công nghệ thông tin. Cử cán bộ, giảng viên đi đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ, nghiên cứu chuyên sâu ở trong nước cũng như ngoài nước. Tăng cường hợp tác trao đổi cán bộ, giảng viên với các đối tác quốc tế6.
Năm 2021, Hội đồng Đại học Thái Nguyên xây dựng và triển khai “Chiến lược phát triển Đại học Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2035”. Chiến lược xác định mục tiêu đến năm 2035, 55% đến 65% giảng viên có trình độ tiến sĩ, 20% đến 25% giảng viên có học hàm phó giáo sư và giáo sư, 100% giảng viên có trình độ thạc sĩ và đạt chuẩn theo quy định về ngoại ngữ, tin học. Xây dựng được các nhóm nghiên cứu mạnh, gắn đào tạo với nghiên cứu khoa học phục vụ thiết thực cho sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước cũng như hội nhập quốc tế. Để đạt được các mục tiêu trên, Chiến lược nhấn mạnh cần quy hoạch, phát triển đội ngũ giảng viên đủ về số lượng, hợp lý về cơ cấu, cân đối giữa các ngành nghề đào tạo. Ưu tiên phát triển đội ngũ giảng viên có trình độ cao cho các ngành đào tạo trọng điểm, mũi nhọn. Xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ về thu nhập, điều kiện làm việc, học tập đối với đội ngũ giảng viên; động viên, khích lệ giảng viên đi học nghiên cứu sinh. Thực hiện chế độ đãi ngộ phù hợp với giảng viên có trình độ tiến sĩ, phó giáo sư và giáo sư nhằm thu hút tạo nguồn cho công tác tuyển dụng và bố trí cán bộ. Nâng cao chất lượng công tác tuyển dụng đội ngũ giảng viên dựa trên các tiêu chí về bằng cấp, ngoại ngữ, kinh nghiệm chuyên môn, ưu tiên những người được đào tạo ở nước ngoài và các cơ sở đào tạo tiên tiến7.
Năm 2023, Đại học Thái Nguyên triển khai thực hiện Đề án “Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục của Đại học Thái Nguyên giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030”. Theo đó, các trường đại học thành viên và các đơn vị đào tạo nhanh chóng hoàn thiện chính sách tuyển dụng, đãi ngộ, đánh giá, bổ nhiệm, khen thưởng, kỷ luật đối với giảng viên. Xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện điều kiện làm việc đối với giảng viên. Thực hiện chia sẻ nguồn lực giảng viên giữa các trường đại học thành viên của Đại học Thái Nguyên nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo. Hoàn thiện tiêu chí về phẩm chất, năng lực nhà giáo đáp ứng được yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp giáo dục, đào tạo. Nâng cao chất lượng công tác tuyển dụng đội ngũ giảng viên cũng như chất lượng nghiên cứu, giảng dạy qua các hoạt động nhóm. Đẩy mạnh tự chủ giáo dục theo lộ trình nhằm tạo động lực cho đội ngũ giảng viên nâng cao năng lực quản lý cũng như trình độ chuyên môn, nghiệp vụ8.
Bên cạnh đó, các đơn vị chức năng và các trường đại học thành viên cũng ban hành nhiều văn bản cụ thể liên quan tới công tác xây dựng, phát triển đội ngũ giảng viên như: Quy chế đào tạo bồi dưỡng viên chức và người lao động; Quy định về nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với cán bộ, viên chức; Quy định tạm thời chế độ phụ cấp chức vụ lãnh đạo, quản lý và phụ cấp trách nhiệm đối với viên chức trong các đơn vị của Đại học Thái Nguyên; Quy định về thu hút nguồn lực giảng viên; Quy định về bổ nhiệm,.. trưởng ban, phó trưởng ban và tương đương ...
Như vậy, có thể thấy rằng trong những năm 2015-2024, Đại học Thái Nguyên đã bám sát yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực của Đảng, đề ra các phương hướng, giải pháp phù hợp. Đây cũng chính là cơ sở để Đại học Thái Nguyên xây dựng và phát triển đội ngũ giảng viên phù hợp với yêu cầu ở thực tiễn ở đơn vị. Từ đó, hình thành nên đội ngũ giảng viên đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng, hoàn thành tốt những mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra.
2. Một số kết quả
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ Đại học Thái Nguyên, công tác xây dựng, phát triển đội ngũ giảng viên tại Đại học Thái Nguyên (2015-2024) đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng vào sự nghiệp giáo dục, đào tạo của đất nước. Tính đến đầu năm 2024, đội ngũ giảng viên của Đại học Thái Nguyên có 2.454 người, tăng 2,36 lần so với 963 người khi mới thành lập năm 1994. Chất lượng đội ngũ cán bộ, giảng viên không ngừng tăng lên với 162 giáo sư, phó giáo sư; 925 tiến sĩ; 1.890 thạc sĩ. Số giảng viên có trình độ thạc sĩ chiếm trên 95% tổng số cán bộ giảng dạy9.
. Năm 2023, có 2 người được công nhận học hàm Giáo sư và 27 người được công nhận học hàm Phó Giáo sư, đứng thứ 4 trong các cơ sở giáo dục đại học trong cả nước (sau Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Bách khoa Hà Nội). Đặc biệt, đội ngũ giảng viên có trình độ cao của Đại học Thái Nguyên có ở tất các lĩnh vực, ngành nghề đào tạo như: kỹ thuật và công nghệ, nông lâm nghiệp, quản lý tài nguyên và môi trường, công nghiệp, y học, giáo dục, khoa học cơ bản, kinh tế và quản lý, khoa học xã hội và nhân văn…
Về công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, Đại học Thái Nguyên và các trường thành viên đã cử hàng trăm cán bộ, giảng viên đi học nghiên cứu sinh ở trong nước và nước ngoài, tập trung chủ yếu vào những ngành và chuyên ngành mới. Đến giữa năm 2023, có 980 cán bộ đã hoàn thành chương trình đào tạo và được cấp bằng Tiến sĩ. Đại học Thái Nguyên cũng đã cử 1.327 lượt giảng viên đi học thạc sĩ ở trong nước và nước ngoài. Các cán bộ, giảng viên được cử đi học đều hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên đáp ứng được yêu cầu của sự nghiệp giáo dục, đào tạo và hội nhập quốc tế10. Bên cạnh đó, việc phát triển chức danh nghề nghiệp cho đội ngũ giảng viên cũng được Đại học Thái Nguyên chú trọng. Đến năm 2023, toàn Đại học Thái Nguyên có 144 giảng viên cao cấp, 617 giảng viên chính và 1.325 giảng viên11.
Nhằm nâng cao trình độ và khả năng hội nhập quốc tế, Đại học Thái Nguyên còn chú trọng bồi dưỡng ngoại ngữ, tin học cho đội ngũ giảng viên. Đến tháng 6-2024, tất cả các giảng viên của Đại học Thái Nguyên trong độ tuổi quy định đều đạt trình độ tin học IC3 (IC3 Digital Literacy Certification). Đại học Thái Nguyên cũng đã cử 2.325 lượt cán bộ giảng viên đi đào tạo, bồi dưỡng tiếng Anh ở các trình độ. Đến nay, có 40% đến 50% cán bộ, giảng viên có khả năng sử dụng thành thạo tiếng Anh trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học12.
Về công tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao khoa học công nghệ, Đại học Thái Nguyên đã ban hành văn bản về quản lý khoa học công nghệ, sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm khoa học đã được chuyển giao, Quy định về khuyến khích công bố các công trình khoa học trên các tạp chí quốc tế và xây dựng 58 định hướng nghiên cứu với 36 nhóm nghiên cứu khác nhau. Tổng số kinh phí đầu tư cho các đề tài nghiên cứu khoa học giai đoạn 2015 - 2020 hơn 238 tỷ đồng; chuyển giao khoa học công nghệ là hơn 135,1 tỷ đồng; mua sắm thiết bị, sửa chữa, xây dựng phòng thí nghiệm 116,1 tỷ đồng; thực hiện thành công 8 chương trình khoa học công nghệ trong nước; 7 đề tài và 18 dự án hợp tác quốc tế với tổng kinh phí 3,44 triệu USD. Đến năm 2023, số lượng nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia do Đại học Thái Nguyên thực hiện là 32 đề tài, với tổng kinh phí 31.856 tỷ đồng, số lượng nhiệm vụ khoa học chuyển tiếp là 48 đề tài13. Số lượng nhiệm vụ nghiên cứu khoa học cấp bộ là 33 đề tài với kinh phí 22,200 tỷ đồng. Từ năm 2015 đến năm 2020, các nhà khoa học, giảng viên Đại học Thái Nguyên đã công bố được 6.998 bài báo khoa học, trong đó: 5.083 bài báo được đăng trên các tạp chí trong nước, 1.328 bài báo đăng trên tạp chí quốc tế, 432 bài báo đăng trên các tạp chí thuộc danh mục ISI và 155 bài trong danh mục Scopus. Năm 2023, có 1.475 bài báo khoa học được công bố, trong đó 226 bài báo đăng trên các tạp chí thuộc danh mục WoS; 87 bài trên các tạp chí Scopus; 435 bài trên các tạp chí, kỷ yếu, hội thảo quốc tế khác; 727 bài trên các tạp chí, kỷ yếu hội thảo quốc gia14.
Về chế độ, chính sách đãi ngộ đối với giảng viên, bên cạnh những quy định chung về chế độ đối với nhà giáo của Đại học Thái Nguyên, các trường Đại học thành viên cũng đã ban hành những quy định riêng về chi tiêu nội bộ nhằm bảo đảm thu nhập tăng thêm đối với đội ngũ giảng viên. Các cá nhân, tập thể đạt thành tích cao trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ đều được khen thưởng, động viên và xếp loại đánh giá hằng năm. Đây là nguồn động viên, khích lệ quan trọng để đội ngũ giảng viên yên tâm công tác, không ngừng nghiên cứu, học tập nâng cao trình độ chuyên môn.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác xây dựng và phát triển đội ngũ giảng viên tại Đại học Thái Nguyên giai đoạn (2015 –2024) vẫn còn một số hạn chế: So với các Đại học vùng như Đại học Huế, Đại học Đà Nẵng, tỷ lệ giảng viên của Đại học Thái Nguyên có trình độ học vị tiến sĩ và chức danh giáo sư, phó giáo sư còn thấp15. Đội ngũ giảng viên của Đại học Thái Nguyên có trình độ cao nhưng phân bố không đồng đều giữa các đơn vị và các trường đại học thành viên, tập trung chủ yếu ở các trường đại học có bề dày lịch sử như: Trường Đại học Sư phạm, Trường Đại học Nông Lâm, Trường Đại học Y - Dược, Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp; Bên cạnh đó, Đại học Thái Nguyên cũng vẫn chưa tận dụng được tối đa nguồn nhân lực giảng viên giữa các trường thành viên trong hoạt động giảng dạy và đào tạo. Đội ngũ cán bộ, giảng viên của Đại học Thái Nguyên có trình độ cao nhưng không có sự cân đối giữa các ngành đào tạo và lĩnh vực nghiên cứu. Các trường đại học thành viên có ngành đào tạo kỹ thuật, công nghệ và y dược có tỷ lệ tiến sĩ so với tổng số giảng viên còn thấp. Ngoài ra, một số lượng lớn giảng viên có trình độ tiến sĩ, học hàm giáo sư, phó giáo sư đến tuổi nghỉ quản lý, và về hưu, gây nên tình trạng thiếu thụt nguồn nhân lực chất lượng cao. Một số đơn vị chưa thật sự quan tâm đến công tác phát triển đội ngũ giảng viên, nhất là giảng viên có trình độ cao, năng lực ngoại ngữ tốt; một số giảng viên, nhất là những người có trình độ cao xin thôi việc, chuyển công tác hoặc ở lại nước ngoài sau khi tốt nghiệp dẫn đến tình trạng “chảy máu chất xám” trong công tác đào tạo, xây dựng cũng như phát triển đội ngũ giảng viên.
3. Một số kinh nghiệm
Từ những kết quả quá trình xây dựng và phát triển đội ngũ giảng viên Đại học Thái Nguyên (2015 – 2024), có thể đúc rút một số một số kinh nghiệm quý sau:
Một là, tăng cường sự lãnh đạo toàn diện của các cấp ủy đảng, bộ máy quản lý trong Đại học Thái Nguyên đối với công tác xây dựng và phát triển đội ngũ giảng viên. Đặc biệt coi trọng vai trò lãnh đạo và phân cấp quản lý nhằm phát huy vai trò tự chủ, tự chịu trách nhiệm tại các đơn vị cơ sở.
Hai là, Đảng bộ Đại học Thái Nguyên đã vận dụng đúng đắn, linh hoạt và sáng tạo những chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng đội ngũ giảng viên phù hợp với thực tiễn mô hình Đại học Thái Nguyên và các trường thành viên. Khai thác và phát huy hiệu quả mọi nguồn lực, sự ủng hộ, hợp tác của các cơ quan Trung ương, địa phương, các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước tạo thành sức mạnh tổng hợp để xây dựng và phát triển đội ngũ giảng viên Đại học Thái Nguyên. Gắn mục tiêu xây dựng đội ngũ giảng viên chất lượng cao với sự phát triển kinh tế - xã hội và trách nhiệm xã hội của Đại học Thái Nguyên với vùng Trung du miền núi phía Bắc nói riêng và cả nước nói chung.
Ba là, thường xuyên kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện xây dựng và phát triển đội ngũ giảng viên ở Đại học Thái Nguyên cũng như các trường đại học thành viên; thường xuyên đổi mới các chương trình, xây dựng chiến lược phát triển đội ngũ giảng viên tại các đơn vị thành viên, đủ về số lượng, hợp lý về cơ cấu, có chất lượng xứng tầm vị thế, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đại học hiện nay.
Bốn là, Đảng bộ Đại học Thái Nguyên luôn quan tâm hoàn thiện các chính sách xây dựng đội ngũ giảng viên toàn Đại học. Tại từng đơn vị, công tác xây dựng đội ngũ giảng viên phải theo hướng quy hoạch - tổ chức - sắp xếp - sử dụng hiệu quả, gắn với tình hình thực tế. Tạo cơ chế thu hút và giữ chân giảng viên có trình độ cao; có cơ chế mở trong tuyển dụng giảng viên những ngành trọng điểm; thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với người lao động như: chế độ đãi ngộ thỏa đáng, môi trường làm việc dân chủ, công bằng,... góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho giảng viên.
Năm là, Đảng bộ Đại học Thái Nguyên luôn khuyến khích giảng viên phát huy tối đa năng lực, sự chủ động, sáng tạo trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Làm tốt công tác vận động, xây dựng các chính sách, hình thức thi đua khen thưởng phong phú, thiết thực, tạo động lực khuyến khích giảng viên tích cực rèn luyện phẩm chất, tự học, tự bồi dưỡng chuyên môn, tăng cường ý thức, trách nhiệm, chủ động trong công tác.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ Đại học Thái Nguyên, trong 10 năm (2015-2024), công tác xây dựng và phát triển đội ngũ giảng viên đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần vào sự nghiệp phát triển giáo dục, đào tạo của đất nước.
Ngày nhận bài: 6-11-2024; ngày thẩm định, đánh giá: 25-2-2025; ngày duyệt đăng:28-2-2025
1, 2, 3, 4. Đảng bộ Đại học Thái Nguyên: Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ Đại học Thái Nguyên lần thứ V, nhiệm kỳ 2015 - 2020, Thái Nguyên, 2015, tr. 19, 20, 21, 24
8, 9, 10. Đại học Thái Nguyên: Đề án “Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục của Đại học Thái Nguyên giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030”, Thái Nguyên, 2023, tr. 21-26, 10
11. Hoàng Văn Hùng, Nguyễn Xuân Trường, Hoàng Thái Sơn: “Phát triển đội ngũ giảng viên trình độ cao ở Đại học Thái Nguyên trong bối cảnh tự chủ Đại học”, Tạp chí Khoa học & Công nghệ Đại học Thái Nguyên, 2023, số 229 (04), tr. 169
15. Đại học Huế hiện có 246 giáo sư và phó giáo sư. Đại học Đà Nẵng có số lượng giáo sư và phó giáo sư tương đương Đại học Thái Nguyên nhưng tỷ lệ so với tổng số giảng viên lại cao hơn.