Tóm tắt: Xây dựng nền giáo dục mới để phục vụ kháng chiến, kiến quốc sau khi giành lại độc lập dân tộc năm 1945, được Đảng, Chính phủ tập trung lãnh đạo thực hiện, trong đó tập trung xóa nạn mù chữ bằng cách phát động Phong trào Bình dân học vụ. Phong trào này đã được toàn dân đồng tình hưởng ứng, khẳng định đường lối đúng đắn của Đảng và Chính phủ, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh; đồng thời thể hiện tinh thần đoàn kết của toàn dân tộc trong công cuộc xây dựng, củng cố và bảo vệ chính quyền cách mạng. Bài viết làm rõ quan điểm của Hồ Chí Minh và chủ trương của Đảng về Phong trào Bình dân học vụ trong nền giáo dục mới; quá trình phát triển của Phong trào Bình dân học vụ (1945-1946).

Từ khóa: Bình dân học vụ; xóa mù chữ; 1945-1946

1. Quan điểm của Hồ Chí Minh và chủ trương của Đảng về Phong trào Bình dân học vụ

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, đã mở ra trang sử mới đối với lịch sử dân tộc - đất nước được độc lập, nhân dân được làm chủ. Tuy nhiên, sau Cách mạng Tháng Tám Việt Nam đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, vận mệnh dân tộc ở thế “ngàn cân treo sợi tóc”, trong đó nổi lên ba thách thức lớn là “giặc đói”, “giặc dốt” và giặc ngoại xâm.

Về “giặc dốt”, do thực dân Pháp thực hiện chính sách ngu dân, “hạn chế mở trường học, không muốn cho dân ta biết chữ”1 nên đã gây hậu quả hết sức nặng nề: “95% dân chúng Việt Nam không biết một thứ chữ gì. Riêng với phụ nữ, nạn mù chữ rất nặng nề với tỷ lệ 97,1% - 99,7%”2; “Tính ra trong 100 người dân chỉ có 3 trẻ em từ 8 đến 16 tuổi được đi học, 2 người lớn biết chữ, còn 95 người mù chữ. Đó là chưa kể đến vùng thôn xóm hẻo lánh hay vùng đồng bào thiểu số, ở đó, tỷ số người thất học lên tới 100%”3.

Việc thất học, là một trở ngại lớn đối với công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng cho rằng: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”4. Vì thế, sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương xây dựng nền giáo dục mới, trước hết là xóa nạn mù chữ cho người dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận định: “Dốt thì dại, dại thì hèn. Vì không chịu dại, không chịu hèn cho nên thanh toán nạn mù chữ là một trong những việc cấp bách và quan trọng của nhân dân các nước dân chủ mới”5.

Xây dựng nền giáo dục mới được Đảng sớm hoạch định ở Chỉ thị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về kháng chiến, kiến quốc ngày 25-11-1945, nêu rõ: “… tổ chức bình dân học vụ, tích cực bài trừ nạn mù chữ, mở đại học và trung học, cải cách việc học theo tinh thần mới, bài trừ cách dạy học nhồi sọ, cổ động văn hoá cứu quốc”6. Đồng thời, bản Chỉ thị xác định tính chất của nền giáo dục với “3 nguyên tắc: khoa học hóa, đại chúng hóa, dân tộc hóa”7.

Ngày 3-9-1945, trong phiên họp đầu tiên, Chính phủ đã thảo luận và tán thành 6 vấn đề cấp bách nhất do Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra, trong đó xác định nhiệm vụ thứ hai là “Mở chiến dịch chống nạn mù chữ”, nhiệm vụ thứ 4 là “Mở một chiến dịch giáo dục lại tinh thần nhân dân bằng cách thực hiện: CẦN, KIỆM, LIỆM, CHÍNH cần, kiệm, liêm, chính để bài trừ những thói hư tật xấu của chế độ thực dân để lại”8. Như vậy, ngoài việc bàn các biện pháp chống “giặc đói”, “giặc ngoại xâm” và thực thi các quyền tự do, dân chủ thì các biện pháp chống “giặc dốt”, xóa nạn mù chữ đã được Đảng, Chính phủ quan tâm và đặt ra ngay từ đầu. Đảng, Chính phủ xác định đây là nhiệm vụ quan trọng và cấp bách, bởi lẽ, người dân biết đọc, biết viết thì mới hiểu được quyền lợi và trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ và xây dựng đất nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: "Muốn giữ vững nền độc lập, muốn làm cho dân mạnh nước giàu, mọi người Việt Nam phải hiểu biết quyền lợi của mình, bổn phận của mình, phải có kiến thức mới để có thể tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà và trước hết phải biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ"9. Từ đó, Người “đề nghị mở một chiến dịch để chống nạn mù chữ”10, coi đó là bước đột phá đầu tiên để nâng cao dân trí.

Đáp ứng nguyện vọng đó, ngày 8-9-1945, thay mặt Chính phủ lâm thời, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp đã ký các sắc lênh về giáo dục, cụ thể: Sắc lệnh số 17/SL thành lập Nha Bình dân học vụ trong Bộ Quốc gia Giáo dục, quy định mọi người phải ra sức diệt giặc dốt, đi liền với diệt giặc đói và giặc ngoại xâm. Nhiệm vụ thanh toán nạn mù chữ được đặt lên hàng đầu, đồng thời tiếng Việt được quyết định dùng làm ngôn ngữ của nền giáo dục và cho mọi công văn giấy tờ; Sắc lệnh số 18/SL bãi bỏ ngạch học quan do chính sách thực dân Pháp đặt ra; Sắc lệnh số 19/SL hạn trong 6 tháng, làng nào và thị trấn nào cũng phải có ít ra là 1 lớp học bình dân dạy được ít nhất là 30 người; Sắc lệnh số 20/SL quy định việc bắt buộc học chữ Quốc ngữ trong toàn quốc, quy định học không mất tiền, hạn trong một năm tất cả mọi người Việt Nam từ 8 tuổi trở lên phải biết đọc, biết viết chữ Quốc ngữ11.

Cùng với các sắc lệnh trên, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài “Chống nạn thất học”, kêu gọi toàn dân tích cực tham gia công cuộc chống nạn mù chữ. Người nhấn mạnh sự quan trọng của công cuộc bình dân học vụ; khuyên những người chưa biết chữ phải thi đua đi học và những người biết chữ phải thi đua dạy học; kêu gọi mọi người, kẻ giúp của, người giúp công để tiêu diệt “giặc dốt”12.

Ngày 8-9-1945, Chính phủ ban hành sắc lệnh số 16/SL đặt ngạch Thanh tra học vụ “Để kiểm soát việc học theo đúng chương trình giáo dục của Chính phủ Dân chủ Cộng hòa”13; Ngày 9-10-1945, Chỉnh phủ ban hành Nghị định về việc Chính phủ trợ cấp 500.000 đồng cho quỹ trường học14; Ngày 10-10-1945, Chính phủ ban hành Sắc lệnh số 44 /SL thành lập Hội đồng cố vấn học chính, có nhiệm vụ nghiên cứu và đệ trình Chính phủ chương trình giáo dục của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cho phù hợp; theo dõi việc thi hành chương trình ấy khi đã được duyệt y và giúp Bộ trưởng Bộ Quốc gia giáo dục khi cần để giải quyết những vấn đề thuộc về sư phạm15.

Để tiếp tục mở rộng Phong trào Bình dân học vụ, đặc biệt đối với các vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, ngày 20-6-1946, Chính phủ ra Sắc lệnh số 110/SL mở lớp huấn luyện cán bộ bình dân học vụ cho các đại biểu dân tộc thiểu số. Nha bình dân học vụ Trung ương sẽ mở lớp huấn luyện, Bộ Quốc gia giáo dục sẽ ấn định lịch mở mỗi khóa học. Các khoản chi phí do ngân sách Bắc Bộ và Trung Bộ chi theo số học trò của mỗi nơi về tham dự khóa học16.

Dấu mốc quan trọng của việc xây dựng nền giáo dục mới được đánh dầu bằng sự ra đời của cơ quan quản lý giáo dục bằng Sắc lệnh số 119/SL, ngày 9-7-1946 của Chính phủ về tổ chức Bộ Quốc gia Giáo dục. Bộ Quốc gia Giáo dục gồm những cơ quan thuộc quyền quản lý trực tiếp của Bộ về phương diện chuyên môn, hành chính và những cơ quan phụ thuộc, thuộc quyền các Nha giám đốc trung ương17. Tiếp đó, ngày 10-8-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 146/SL và Sắc lệnh 147/SL khẳng định những nguyên tắc căn bản và tôn chỉ, mục đích của nền giáo dục mới là để “phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, làm cho dân giàu, nước mạnh, tức là làm tròn nhiệm vụ người chủ của nước nhà”18.

Như vậy, Đảng, Nhà nước sớm hiện thực hóa đường lối giáo dục mới, trước hết là thực hiện “làm cho dân có học hành”19. Nghĩa là, các công việc của Chính phủ làm phải nhằm vào một mục đích duy nhất là mưu tự do hạnh phúc cho mọi người, “để dân nước ta xứng đáng với tự do độc lập và giúp sức được cho tự do độc lập”20.

2. Quá trình phát triển của Phong trào Bình dân học 1945-1946

 Thực hiện chủ trương của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, vừa kháng chiến, vừa kiến quốc, vừa xây dựng nền giáo dục mới, các địa phương coi việc xây dựng nền giáo dục mới, xác định thanh toán nạn mù chữ cho nhân dân là một trong ba nhiệm vụ trọng tâm lúc này; đồng thời hưởng ứng lời kêu gọi toàn dân “Chống nạn thất học” ngày 14-10-1945 của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Những người đã biết chữ hãy dạy cho những người chưa biết chữ, hãy góp sức vào bình dân học vụ, như các anh chị em trong sáu, bảy năm nay đã gây phong trào truyền bá quốc ngữ, giúp đồng bào thất học. Những người chưa biết chữ hãy gắng sức mà học cho biết đi...21, một phong trào chống giặc dốt được phát động rộng rãi trong cả nước, khắp nơi có khẩu hiệu “Tiền tuyến diệt xâm lăng, hậu phương trừ giặc dốt”, “Thêm một người đi học là thêm một viên gạch xây nền độc lập của nước nhà”… Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh về nhiệm vụ chống “giặc dốt” đã nhanh chóng thấm sâu vào tâm trí của mọi người dân, làm thức dậy lòng tự tôn dân tộc. Mọi người thấy rõ trách nhiệm của mình là phải nhanh chóng biết đọc, biết viết chữ Quốc ngữ.

Ngày 14-9-1945, Chính phủ ban hành Nghị định bãi bỏ tất cả các loại học phí và lệ phí thi cử ở tất cả các bậc học22. Đây là một quyết tâm rất lớn trong việc giải quyết vấn đề tài chính cho công tác bình dân học vụ vì ngân sách dành cho bình dân học vụ rất ít, chỉ có 2 triệu đồng để chi cho các khoản23, vì vậy bình dân học vụ phải dựa vào sức mạnh của nhân dân để tiến hành công việc. Chính phủ cũng quy định việc học là bắt buộc đối với tất cả những người không biết chữ. Từ 8 tuổi trở lên nếu không biết đọc biết viết thì sẽ bị phạt tiền24.

Ngày 18-6-1946, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp ký quyết định về kinh phí cho các hoạt động bình dân học vụ ở các địa phương và Thông tư số 1713NV/CP quy định tất cả các xã phải lập ra Quỹ Bình dân học vụ với số tiền không dưới 1.000 đồng/năm.

Ngày 12-9-1945, Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục Vũ Đình Hòe gửi Thông tư về việc hành chính trong phạm vi Bộ Quốc gia Giáo dục tại các tỉnh Bắc Bộ và yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh Bắc Bộ thực hiện chỉ thị về các vấn đề nguyên tắc (bỏ học quan, bắt buộc học chữ Quốc ngữ, cải cách chương trình học...) theo các Sắc lệnh của Chính phủ và Nghị định của Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục; Thực hành các Huấn lệnh và Thông tư của Giám đốc Trung học vụ, Giám đốc Tiểu học vụ (tức là Giám đốc Nha học chính Bắc Bộ), Giám đốc Bình dân học vụ25; đồng thời, ấn định Ủy viên giáo dục ở mỗi tỉnh có nhiệm vụ kiểm sát việc thực hành chức vụ của các hiệu trưởng, giáo sư và giáo viên trong tỉnh và chỉ kiểm sát về mặt hành chính, còn về mặt chuyên môn, nghĩa là việc áp dụng chương trình học thì sự kiểm sát do các thanh tra học chính đảm đương26.

Muốn xóa nạn mù chữ cho nhân dân, đặc biệt là nông dân, Phong trào Bình dân học vụ phải trở thành một phong trào quần chúng rộng rãi; người dạy phải đi sát người học, động viên người học; đồng thời áp dụng những hình thức và phương pháp thích hợp. Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra cách học đơn giản nhưng hiệu quả: “Những người đã biết chữ hãy dạy cho những người chưa biết chữ (...). Những người chưa biết chữ hãy gắng sức mà học cho biết đi. Vợ chưa biết thì chồng bảo, em chưa biết thì anh bảo, cha mẹ không biết thì con bảo, người ăn người làm không biết thì chủ nhà bảo, các người giàu có thì mở lớp học ở tư gia dạy cho những người không biết chữ ở hàng xóm láng giềng, các chủ ấp, chủ đồn điền, chủ hầm mỏ, nhà máy thì mở lớp học cho những tá điền, những người làm của mình”27. Ngày 8-10-1945, đến dự buổi khai giảng lớp Huấn luyện cán bộ Bình dân học vụ đầu tiên mang tên Hồ Chí Minh tại Hà Nội, Người nêu khẩu hiệu: “Chống nạn thất học cũng như nạn ngoại xâm”.

Về đội ngũ giáo viên, với phương châm “Người biết bảo cho người chưa biết, người biết nhiều bảo cho người biết ít”, những người tham gia dạy học không đặt thành ngạch giáo viên chống nạn mù chữ ở giai đoạn đầu của bình dân học vụ, mà bất kỳ ai hễ biết chữ là có thể làm giáo viên bình dân học vụ và chỉ dạy 2 giờ mỗi ngày vào buổi trưa hoặc buổi tối ngoài công việc của họ, nên họ sẵn sàng dạy không nhận lương. Họ dạy học, họ cổ động viên, họ làm trường, họ tìm kiếm học cụ và làm tất cả mọi việc vì bình dân học vụ. Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn giáo viên giảng dạy lớp bình dân học vụ: “Anh chị em chịu cực khổ khó nhọc, hy sinh phấn đấu, để mở mang tri thức phổ thông cho đồng bào, để xây đắp nền văn hoá sơ bộ cho dân tộc”28. Người ghi nhận những đóng góp của các giáo viên dạy mù chữ gọi họ là những người “vô danh anh hùng”: “Anh chị em làm việc mà không có lương bổng, thành công mà không có tiếng tăm. Anh chị em là những người “vô danh anh hùng”. Tuy là vô danh nhưng rất hữu ích. Một phần tương lai của dân tộc nước nhà nằm trong sự cố gắng của anh chị em”29; “Thế là làm tròn một nhiệm vụ thiêng liêng của mình đối với Tổ quốc”30.

Thực hiện phương châm đó, chỉ trong vòng 1 năm (từ ngày 8-9-1945 đến ngày 8-9-1946), đã có 9,5 vạn người xung phong làm giáo viên (nhiều hơn 50 lần số người mà Hội Truyền bá chữ Quốc ngữ dạy được trong 7 năm dưới sự kìm hãm của thực dân Pháp)31.

Để huấn luyện các "chiến sĩ diệt giặc dốt", Nha Bình dân học vụ mở 3 lớp huấn luyện, lớp đầu tiên lấy tên là khóa "Hồ Chí Minh" có 82 người tham dự là những nhà sư phạm, những ủy viên giáo dục và nhiều người là trung kiên cốt cán của Hội Truyền bá chữ Quốc ngữ ở khắp các tỉnh Bắc Bộ. Lớp học khai giảng ngày 9-10-1945, có các Bộ trưởng, Thứ trưởng tham dự; Ở Trung Bộ, mở khóa "Phan Thanh" từ ngày 15 đến 24-11-1945, có 67 người tham dự; Thực hiện chủ trương của Nhà nước về việc mở lớp huấn luyện cán bộ bình dân học vụ cho các đại biểu dân tộc thiểu số, từ ngày 25-6 đến 27-7-1946, tại Hà Nội mở khóa "Đoàn kết" với sự tham gia của  75 người của 14 dân tộc ít người thuộc các tỉnh miền núi Bắc Bộ và Trung Bộ32.

Những cán bộ do Nha Bình dân học vụ Trung ương đào tạo ở 3 khóa trên là những người đầu tiên đặt nền móng cho Phong trào Bình dân học vụ. Từ đây đội ngũ các "chiến sĩ diệt giặc dốt" ngày càng được mở rộng, họ tỏa đi khắp các địa phương vận động quần chúng tích cực học chữ.

Nha Bình dân học vụ tổ chức in ấn các sách Vần quốc ngữ, Phương pháp dạy vần quốc ngữ, Sách tập đọc lớp sơ cấp bình dân... phục vụ cho các lớp bình dân học vụ. Với chủ trương thành lập Tủ sách dân chúng, biên soạn những loại sách kiến thức phổ thông, phục vụ cách mạng và đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân. Trong 8 tháng, 34 quyển sách giáo khoa đã được in thành 2,5 triệu bản33.

Về học viên tham gia lớp học: đủ mọi lứa tuổi, mọi thành phần: từ cụ già cho tới em nhỏ, từ anh kéo xe đển chị hàng xén, từ nông dân, công nhân đến các thành phần lao động khác ... lại có những lớp học dành riêng cho những người già gọi là “lớp của những người đeo kính”; có những lớp trong các sư sãi, trong nhà giam; có những lớp tư gia mà chủ nhà là giảng viên bên cạnh những lớp công cộng do cán bộ hay nhân dân mở.

Nha Bình dân học vụ đã mở các lớp học bình dân cho thợ thuyền và nông dân, khẳng định việc học chữ là bắt buộc và không mất tiền đối với mọi người. Đồng thời, Nha Bình dân học vụ hướng dẫn các địa phương vận động quần chúng đi dạy, đi học, hướng dẫn các thôn làng làm thống kê số người chưa biết chữ, chia 3 lứa tuổi: 8 - 15 tuổi, 16 - 45 tuổi, 46 tuổi trở lên, dành các khóa đầu cho lứa tuổi 16 - 45. Từ tháng 11-1945, chiến dịch diệt dốt bắt đầu phát động với khóa học bình dân học vụ chính thức đầu tiên được mở đã kéo dài trong 3 tháng và liên tục tiếp theo sau đó là các khóa học kéo dài đến ngày toàn quốc kháng chiến (19-12-1946). “Ở các tỉnh miền núi phía Bắc, anh chị em tối đến đốt đuốc đi bộ từ 2 - 3 km xuyên rừng, lội suối đến lớp học”34. Người người đi học, nhà nhà thành lớp. Ban ngày bận sản xuất thì học ban đêm, tranh thủ học và giúp nhau học cả giữa giờ nghỉ sản xuất, học lúc đi dân công. 

Về cách học, thay vì cách học cổ truyền là "đánh vần từng chữ", dạy chữ cái theo thứ tự a, b, c rồi vần bằng, vần trắc, bình dân học vụ tiếp nối Hội Truyền bá quốc ngữ, sử dụng phương pháp "đọc lên thành tiếng". Những chữ cái và vần được sửa đổi là bật lên thành tiếng một cách hợp lý. Người dạy sáng tác những câu hát, ví von để người học dễ nhớ và nhớ lâu, như: "I, T giống móc cả hai/ I ngắn có chấm, (t) tờ dài có ngang".

 Nha Bình dân học vụ in hàng chục nghìn cuốn sách tóm tắt phương pháp giảng dạy để phổ biến cho bất cứ ai biết chữ và muốn dạy lại đồng bào. Dạy xóa mù theo phương pháp dạy bài thơ hay bài hát đơn giản cho người học thuộc trước câu thơ hay câu hát đó, rồi mới phân ra từng chữ theo các câu. Với cách dạy này, chỉ sau 3 tuần là  người học biết được 24 chữ cái và ghép vần để đọc.

Về học cụ, học phẩm và địa điểm học tập: nếu thiếu giấy thiếu bảng thì có lá chuối, sàn gạch, bãi cát, cánh cửa, lưng trâu…; nếu thiếu bút thì có que tre, gạch non, than củi, vôi trắng…; nếu thiếu mực viết thì đã có nước các quả dại ở bờ ao, khe suối…; nếu thiếu dầu đèn đã có nhựa trám, đuốc cà bong… Địa điểm học tập: bất cứ ở nơi nào: đồng ruộng, bến sông, đình làng, quán chợ, dưới bóng cây, trên đường hành quân, đền chùa… cứ thế, Phong trào Bình dân học vụ trở thành phong trào sinh động, phong phú, nhiều sáng tạo vởi sự đồng lòng của toàn dân.

Nha Bình dân học vụ còn thực hiện công tác tuyên truyền cổ động rất khéo léo và có hiệu quả như ngoài những hình thức mít tinh, biểu tình, tuần hành mang mô hình giấy bút… còn có các đội văn nghệ biểu diễn những tiết mục với nội dung khuyến khích nhân dân đi học. Có những tuần lễ cổ động xuất hiện những hình thức khảo chữ ở đầu đường, cổng chợ…

Nhiều nơi còn sử dụng những hình thức kiên quyết hơn, đó là việc kiểm soát chữ. Ai đi qua, đi lại những nơi có trạm kiểm soát chữ đều phải đứng lại để giáo viên bình dân học vụ hỏi nếu biết chữ thì cho đi qua, không biết chữ thì vào lớp học ở bên cạnh học vắn tắt. Hoặc có nơi dựng 2 cổng, một cổng cao, đẹp để cho người biết chữ đi qua, một cổng thấp, hẹp, sát mặt đất để người mù chữ thì phải bò mà chui qua35.

Thực hiện chủ trương của Đảng và lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cả nước dấy lên phong trào thi đua sản xuất đi đôi với xóa nạn mù chữ, học bình dân học vụ. Cả nước Việt Nam trở thành một trường học lớn, ai ai cũng coi việc đi học bình dân học vụ là một hành động yêu nước. Sau hơn một năm phát động, đến ngày 8-9-1946, cả nước đã có thêm 2.520.600 người biết đọc, biết viết; đã có 75.806 lớp học được mở với sự tham gia của 97.664 người dạy học36, cung cấp cho phong trào 2.500.000 cuốn sách. Chỉ trong vòng một năm, có 3 triệu người đã biết chữ trong tổng số 15 triệu người mù chữ lúc bấy giờ37.

Ở Bắc Bộ, nhiều địa phương đã thanh toán nạn mù chữ. Các huyện miền núi như Kỷ Sơn (Hòa Bình), Lạc Thủy (Hà Nam) tuy phong trào bắt đầu chậm, nhưng cũng đã thanh toán nạn mù chữ38.

Ở tỉnh Nghệ An, đến tháng 3-1946, có 2.200 lớp học bình dân với 7.780 giáo viên và 31.369 học sinh. Nhiều địa phương điển hình trong phong trào xóa nạn mù chữ được biểu dương khen ngợi. Huyện Diễn Châu, tính đến cuối năm 1946, có hơn 80% dân số biết đọc, biết viết; trong đó xã Diễn Minh trở thành xã thanh toán nạn mù chữ đầu tiên ở Trung Bộ39

Ở vùng tự do Liên khu V, đến tháng 9-1946, đã có 314.557 người học xong lớp "thanh toán mù chữ". Tỉnh Phú Yên, tiếp giáp với mặt trận Khánh Hòa, có tới 71.560 người biết đọc, biết viết. Nếu tính riêng năm 1946, toàn vùng tự do đã có 207.801 người biết chữ40.

Ở Nam Bộ, trong điều kiện chiến tranh gian khổ và khắc nghiệt: trường lớp bị càn quét, đốt phá nhưng thầy, trò vẫn dạy và học. Hưởng ứng lời kêu gọi “chống giặc dốt” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn thể nhân dân Nam Bộ đều coi việc đi học bình dân học vụ là một hành động yêu nước. Phong trào xóa mù chữ cũng nhanh chóng được hình thành và phát triển.

Phong trào Bình dân học vụ, xóa nạn mù chữ không những giúp cho hàng ngàn người biết đọc, biết viết, nâng cao hiểu biết về cách mạng, trau dồi nhiệt tình, đạo đức cách mạng, động viên nhân dân tham gia vào công cuộc kháng chiến ở địa phương, đồng thời trở thành hình ảnh sinh động của chế độ mới, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với cuộc kháng chiến thực dân Pháp xâm lược.

Phong trào Bình dân học vụ (1945-1946) đã nhanh chóng trở thành một phong trào sôi nổi, rộng khắp, lôi cuốn đông đảo học viên, cán bộ, giáo viên bình dân học vụ vào mặt trận chống giặc dốt và giặc ngoại xâm. Những kết quả đạt được tuy mới chỉ là bước đầu, song có ý nghĩa vô cùng to lớn, khẳng định đường lối đúng đắn của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh; đồng thời thể hiện tinh thần yêu nước, sự đoàn kết, đồng lòng của toàn dân tộc trong công cuộc xây dựng, củng cố và bảo vệ chính quyền nhân dân, bảo vệ nền độc lập dân tộc vừa mới giành được từ tay đế quốc thực dân. Qua đó giáo dục nhân dân tinh thần yêu nước, truyền thống đoàn kết dân tộc, ý chí phấn đấu vươn lên để trở thành những công dân có ích, phụng sự cho sự nghiệp xây dựng và phát triển của quốc gia, dân tộc.

Ngày gửi:4-8-2024; ngày thẩm định, đánh giá: 5-9-2024; ngày duyệt đăng: 27-9-2024

1, 4, 9, 12, 19, 20, 21, 27, 28, 29, 30. Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, T. 4, tr. 40, 7, 40, 40, 175, 175, 40-41, 40-41, 556, 556, 266

2, 37. Vũ Ngọc Bình: “Chống nạn mù chữ ở Việt Nam”, Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số 5 (1990), tr. 24, tr. 26

3, 23. Vũ Huy Phúc: “Vài nét về phong trào thanh toán nạn mù chữ ở Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số 30 (1961), tr. 33, 37

5. Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, T. 10, tr. 125

6, 7, 8, 10. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb CTQG, H, 2000, T.8, tr. 28, 28, 3, 2

11, 13, 14, 15, 16, 17, 24. Lê Mậu Hãn (Chủ biên): Biên niên lịch sử Chính phủ Việt Nam 1945-2005, Nxb Văn hóa Thông tin, H, 2006, T.1 (1945-1954), tr. 32-33, 33, 62, 63, 227, 233-234, 32

17. Những cơ quan trực thuộc bộ gồm có văn phòng, các phòng sự vụ và 5 Nha: Nha Tổng giám đốc Đại học vụ, Nha Tổng giám đốc Trung học vụ và kiêm giám đốc Tiểu học vụ Bắc Bộ, Nha Tổng giám đốc Bình dân học vụ Bắc Bộ và Nha Tổng giám đốc Thanh niên và Thể dục Trung ương; Các cơ quan phụ thuộc gồm: các trường đại học, Đông phương Bác cổ Học viện Hà Nội, Sở Lưu trữ công văn và Thư viện toàn quốc Hà Nội, Việt Nam học xá Hà Nội, Văn hóa Viện Trung Bộ Thuận Hóa, thuộc Nha Tổng giám đốc Đại học vụ; Sở giám đốc Trung học vụ Bắc Bộ, Sở giám đốc Trung học vụ Trung Bộ và Sở giám đốc Trung học vụ Nam Bộ thuộc Nha Tổng giám đốc Trung học vụ; Sở Giám đốc Tiểu học vụ Bắc Bộ, Sở Giám đốc Tiểu học vụ Trung Bộ và Sở Giám đốc Tiểu học vụ Nam Bộ thuộc Nha Tổng giám đốc Tiểu học vụ; Sở Giám đốc Bình dân học vụ Bắc Bộ, Sở Giám đốc Bình dân học vụ Trung Bộ và Sở Giám đốc Bình dân học vụ Nam Bộ thuộc Nha Tổng giám đốc Bình dân học vụ; Sở Giám đốc Thanh niên và Thể dục Bắc Bộ, Sở Giám đốc Thanh niên và Thể dục Trung Bộ và Sở Giám đốc Thanh niên và Thể dục Nam Bộ thuộc Nha Tổng giám đốc Thanh niên và Thể dục Trung ương. (Xem: Lê Mậu Hãn (Chủ biên): Biên niên lịch sử Chính phủ Việt Nam 1945-2005, Nxb Văn hóa Thông tin, H, 2006, T. 1 (1945-1954), tr. 233-234

18. Hồ Chí Minh Toàn Tập, Nxb CTQG, H, 2011, T. 9, tr. 179

22, 26, 31, 32, 34, 35, 36, 38. Đinh Quang Hải (Chủ biên): Lịch sử giáo dục miền Bắc Việt Nam (từ năm 1945 đến năm 1975), Nxb KHXH, H, 2020, tr. 32, 31, 39, 33, 39, 40, 41, 41

25. Giám đốc Trung học vụ là ông Nguy Như Kon Tum, Giám đốc Tiểu học vụ là ông Nguyễn Quang Oánh, Giám đốc Bình dân học vụ là ông Nguyễn Công Mỹ

33. Xem: https://vnexpress.net/chien-si-diet-giac-dot-duoc-nhan-bang-khen-cua-unesco-4192350.html

39. Xem: https://nghean.dcs.vn/vi-vn/tin/giao-duc-nghe-an-tu-truyen-thong-den-hien-dai/73410-488093-366081

40. Lê Văn Đạt: “Vài nét về tình hình giáo dục ở vùng tự do liên khu V trong kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954)”, Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số 2 (năm 2001), tr. 40.