Tóm tắt: Bình Định là một trong những địa phương chịu hậu quả nặng nề của hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đặc biệt là cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Thực hiện chính sách đối với người có công với cách mạng là trách nhiệm, là tình cảm của Đảng, Nhà nước và Nhân dân đối với những người đã không tiếc thân mình hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Với đạo lý “uống nước nhớ nguồn” và thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ Bình Định luôn quan tâm lãnh đạo thực hiện tốt chính sách này trong 10 năm 2012 -2022.
Từ khoá: Đảng bộ tỉnh Bình Định; chính sách đối với người có công với cách mạng; 2012-2022
1. Chủ trương của Trung ương Đảng và Tỉnh ủy Bình Định về thực hiện chính sách với người có công với cách mạng
Trong quá trình thực hiện đường lối đổi mới, đi đôi với phát triển kinh tế, Đảng chú trọng chính sách an sinh xã hội (ASXH), chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, nhất là người có công với cách mạng.
Đại hội XI (2011) của Đảng nhấn mạnh: “Huy động mọi nguồn lực xã hội cùng với Nhà nước chăm lo tốt hơn nữa đời sống vật chất và tinh thần của những người và gia đình có công. Giải quyết dứt điểm các tồn đọng về chính sách người có công, đặc biệt là người tham gia hoạt động bí mật, lực lượng vũ trang, thanh niên xung phong trong các thời kỳ cách mạng và kháng chiến. Tạo điều kiện, khuyến khích người và gia đình có công tích cực tham gia phát triển kinh tế để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, có mức sống cao hơn mức sống trung bình của dân cư tại địa bàn”1.
Cụ thể hoá Nghị quyết đại hội XI của Đảng, HNTƯ 5 khoá XI, ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TW, ngày 1-6-2012 “Một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020” đề ra quan điểm: Chính sách ưu đãi người có công và an sinh xã hội phải phù hợp với trình độ phát triển kinh tế - xã hội và khả năng huy động, cân đối nguồn lực của đất nước trong từng thời kỳ; ưu tiên người có công, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số… Nhà nước bảo đảm thực hiện chính sách ưu đãi người có công và giữ vai trò chủ đạo trong việc tổ chức thực hiện chính sách an sinh xã hội; đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp và người dân tham gia.
Nghị quyết đề ra mục tiêu tổng quát: Tiếp tục cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người có công, phấn đấu đến năm 2015 cơ bản bảo đảm gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư trên địa bàn.
Nghị quyết đề ra nhiệm vụ: Tập trung triển khai thực hiện tốt Pháp lệnh “Ưu đãi người có công với cách mạng”. Tiếp tục hoàn thiện chính sách đối với người có công, chú trọng giải quyết những trường hợp còn tồn đọng. Nâng mức chuẩn trợ cấp, phụ cấp ưu đãi người có công phù hợp với lộ trình điều chỉnh mức lương tối thiểu. Đến hết năm 2013, hỗ trợ giải quyết cơ bản về nhà ở đối với hộ người có công đang có khó khăn về nhà ở. Có chính sách ưu đãi, hỗ trợ phù hợp đối với người có công và thân nhân về phát triển sản xuất, việc làm, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, nhất là y tế, giáo dục, đào tạo. Đẩy mạnh việc tu bổ nghĩa trang, tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sĩ, các hoạt động đền ơn đáp nghĩa. Có biện pháp khắc phục có hiệu quả tiêu cực trong quá trình thực hiện chính sách người có công”2.
Nghị quyết đề ra giải pháp thực hiện chính sách đối với người có công với cách mạng: “Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, đoàn thể và người dân, xây dựng cơ sở dữ liệu điện tử về chính sách ưu đãi người có công và chính sách an sinh xã hội tại mỗi địa phương để người dân có thể truy cập dễ dàng. Tiếp tục phát huy truyền thống uống nước nhớ nguồn, đẩy mạnh các phong trào đền ơn đáp nghĩa, tương thân tương ái, chăm sóc, giúp đỡ người có công, người nghèo”3.
Đại hội XII (2016) của Đảng chỉ rõ: “Thực hiện tốt chính sách chăm sóc người có công trên cơ sở huy động mọi nguồn lực xã hội kết hợp với nguồn lực của Nhà nước; bảo đảm người có công có mức sống từ trung bình trở lên”4.
Đại hội lần thứ XIII (2021) của Đảng tiếp tục khẳng định chủ trương “Bổ sung và hoàn thiện chính sách ưu đãi người có công, nâng mức trợ cấp phù hợp với điều kiện kinh tế đất nước, xử lý dứt điểm tồn đọng về xác nhận, công nhận người có công”5.
Bình Định là tỉnh nằm ở vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, có vị trí chiến lược quan trọng, là cầu nối giữa các tỉnh ven biển Nam Trung Bộ với các tỉnh Tây Nguyên, sang Lào và Campuchia. Trong cuộc đấu tranh giành độc lập, kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược và kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, nhân dân Bình Định đấu tranh anh dũng, kiên cường ghi nhiều chiến công, góp phần vào chiến thắng chung của dân tộc. Nhân dân Bình Định đã cống hiến công sức, xương máu để đất nước được nở hoa độc lập, kết trái tự do.
Chiến tranh đã đi qua, nhưng những đau thương mất mát thì không gì bù đắp được. Tính đến năm 2022, Bình Định có hơn 180.000 đối tượng chính sách, trong đó có trên 32.000 liệt sĩ; trên 26.000 thương binh; hơn 500 cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa, hơn 3.000 người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày...; đặc biệt, cả tỉnh có 5.366 Bà mẹ được Đảng, Nhà nước phong tặng và truy tặng Danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng6.
Thực hiện đường lối của Đảng về thực hiện chính sách đối với người có công với cách mạng, Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Định khoá XVIII, nhiệm kỳ 2010-2015 xác định: “Gắn phát triển kinh tế với giải quyết tốt các vấn đề xã hội; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; ... tạo tiền đề để đến năm 2020, tỉnh ta cơ bản trở thành một tỉnh công nghiệp”7. “Tiếp tục đẩy mạnh các phong trào “Đền ơn, đáp nghĩa”, xây dựng quỹ “Đền ơn, đáp nghĩa”. Chăm lo những người và gia đình có công với nước, tạo điều kiện và khuyến khích người và gia đình có công tích cực tham gia phát triển kinh tế, hoạt động xã hội, có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư tại địa bàn”8.
Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Định khoá XIX, nhiệm kỳ 2015-2020, khẳng định: “Tiếp tục thực hiện tốt Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng. Đến năm 2018, hoàn thành việc hỗ trợ xây dựng nhà ở đối với hộ người có công khó khăn về nhà ở. Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách hỗ trợ người có công và thân nhân về phát triển sản xuất, việc làm, tiếp cận các dịch vụ cơ bản, nhất là y tế, giáo dục - đào tạo. Đẩy mạnh việc tu bổ các nghĩa trang liệt sĩ, tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sĩ và các hoạt động đền ơn, đáp nghĩa”9.
Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Định khoá XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025, tiếp tục khẳng định: “Tăng cường quản lý phát triển xã hội, đảm bảo tiến bộ và công bằng xã hội. Gắn chính sách phát triển kinh tế với chính sách xã hội, nâng cao chất lượng đời sống của nhân dân…. Thực hiện tốt các chính sách đối với người có công, các chính sách đảm bảo an sinh xã hội, chính sách hỗ trợ, cứu trợ xã hội. Khuyến khích các hoạt động nhân đạo, từ thiện, xã hội hóa công tác bảo trợ, cứu trợ xã hội; hỗ trợ hoạt động các cơ sở bảo trợ xã hội trên địa bàn”10.
2. Quá trình tổ chức thực hiện
Trên cơ sở đánh giá chính sách ASXH và thực hiện chính sách ASXH đối với người có công với cách giai đoạn 1991-2013, UBND tỉnh ban hành các chính sách phù hợp với kiện địa phương. Quyết định số 2150/QĐ-UBND, ngày 3-10-2012, của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về việc thực hiện chế độ bảo hiểm y tế đối với đối tượng trực tiếp tham gia kháng chiến chống Mỹ, cứu nước theo Quyết định số 290/2005/QĐ-TTg ngày 8-11-2005, của Thủ tướng Chính phủ; Quyết định số 2155/QĐ-UBND, ngày 3-10-2012 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về việc chế độ trợ cấp một lần đối với đối tượng trực tiếp tham gia kháng chiến chống Mỹ theo Quyết định số 290/2005/QĐ-TTg ngày 8-11-2005 của Thủ tướng Chính phủ; Trước đó, ngày 9-12-2011, HĐND tỉnh ra Nghị quyết số 52/2011/NQ-HĐND về Chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững tỉnh Bình Định giai đoạn 2011-2015 và định hướng giảm nghèo đến năm 2020. UBND tỉnh ban hành nhiều chính sách cụ thể: Quyết định số 53/2011/QĐ-UBND ngày 30-12-2011 về việc phê duyệt Chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững tỉnh Bình Định giai đoạn 2011-2015 và định hướng giảm nghèo đến năm 2020; Quyết định số 615/QĐ-UBND ngày 31-12-2010 về việc ban hành Quy định mức trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh Bình Định; Quyết định số 1063/QĐ-UBND ngày 14-04-2014, về việc ban hành Kế hoạch trợ giúp người khuyết tật tỉnh Bình Định giai đoạn 2013-2020; Quyết định số 2357/QĐ-UBND ngày 2-7-2015 về việc ban hành Quy định điều chỉnh, bổ sung chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh Bình Định; Quyết định số 55/2015/QĐ-UBND ngày 25-12-2015, quy định mức thu học phí theo Nghị định số 86/2015/NQ-CP ngày 2-10-2015 của Chính phủ Quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách giảm, miễn học phí, hỗ trợ kinh phí học tập từ năm học 2015 - 2016 đến năm học 2020-2021 trên địa bàn tỉnh Bình Định; Quyết định số 2112/QĐ-UBND ngày 2-8-2013, về việc ban hành kế hoạch triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn đặc biệt khó khăn giai đoạn 2013-2015 trên địa bàn tỉnh12.
Các huyện ủy, thị ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy, các cấp, các ngành trong tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện kịp thời, đầy đủ các chính sách đối với người có công với cách mạng; chính sách bảo đảm an ASXH về việc làm, thu nhập và giảm nghèo; bảo hiểm xã hội, trợ giúp xã hội cho người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; các chương trình, kế hoạch bảo đảm các dịch vụ xã hội cơ bản về giáo dục, y tế, nhà ở tối thiểu, nước sạch… trên địa bàn.
3. Một số kết quả và kinh nghiệm
Trong 10 năm (2012 - 2022), Đảng bộ tỉnh Bình Định lãnh đạo thực hiện chính sách đối với người có công với cách mạng theo Nghị quyết số 15-NQ/TW của Đảng đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực cụ thể:
Một là, giải quyết kịp thời các chế độ, chính sách đối với người có công với cách mạng. Tỉnh thực hiện việc chi trả trợ cấp 1 lần bình quân cho 43.878 lượt người/năm và chi trả trợ cấp, phụ cấp hàng tháng cho 37.808 lượt người/năm. Đến năm 2022, toàn tỉnh đang quản lý và thực hiện chế độ hàng tháng cho 33.354 người với kinh phí trên 54,418 tỷ đồng. Thẩm định, thông qua 65 hồ sơ thương binh, liệt sĩ tồn đọng (12 hồ sơ liệt sĩ; 53 hồ sơ thương binh). Phong trào chăm sóc, nhận phụng dưỡng suốt đời Mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống; 211 Mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống đều được các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh nhận chăm sóc, phụng dưỡng suốt đời13.
Hai là, các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, chế độ điều dưỡng, chăm sóc sức khỏe người có công được triển khai thực hiện đảm bảo, kịp thời. Các ngành, địa phương thường xuyên quan tâm hỗ trợ người có công và gia đình người có công về phát triển sản xuất, việc làm, nhà ở, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản như: y tế, giáo dục, đào tạo, trong đó huy động các doanh nghiệp, các cơ quan, đơn vị hỗ trợ xây mới 3.086 nhà ở và sửa chữa 750 nhà ở hộ gia đình người có công, với tổng kinh phí là 139,38 tỷ đồng; vận động xây dựng “Quỹ đền ơn đáp nghĩa” cấp tỉnh hơn 49,7 tỷ đồng. Bình quân hàng năm có 11.350 lượt người có công được điều dưỡng chăm sóc sức khỏe; mua Bảo hiểm y tế cho đối tượng người có công bình quân 31.400 người/năm với kinh phí gần 24 tỷ đồng14.
Ba là, công tác khảo sát, tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ luôn được các cấp, các ngành quan tâm triển khai thực hiện15. Công tác tu bổ, nâng cấp nghĩa trang, đài tưởng niệm liệt sĩ, nhà bia ghi tên liệt sĩ và mộ liệt sĩ được thực hiện thường xuyên, đồng thời vận động nhân dân đóng góp kinh phí và ngày công lao động để vệ sinh, tu bổ một số hạng mục bảo đảm các công trình ghi công liệt sĩ trên địa bàn tỉnh khang trang, sạch đẹp. Tổ chức khảo sát, cất bốc được 406 mộ liệt sĩ, đưa vào an táng tại nghĩa trang liệt sĩ, trong đó riêng năm 2021, có 22 công trình ghi công liệt sĩ được đầu tư hỗ trợ xây mới, sửa chữa, với tổng kinh phí 13,941 tỷ đồng”16.
Từ quá trình Đảng bộ tỉnh Bình Định lãnh đạo lãnh đạo thực hiện chính sách đối với người có công với cách mạng trong những năm 2012-2022, có thể đúc kết một số kinh nghiệm sau:
Thứ nhất, chú trọng công tác tuyên truyền nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong tư duy, nhận thức và quyết tâm chính trị trong các cấp ủy và đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc thực hiện; vận dụng sáng tạo, linh hoạt, hiệu quả các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước vào thực tiễn; kịp thời ban hành các chủ trương chính sách, biện pháp cụ thể sát hợp với địa phương.
Thứ hai, thường xuyên quan tâm, thực hiện thật tốt việc quản lý, sử dụng các nguồn lực của Nhà nước và của địa phương trong việc thực hiện chính sách sách đối với người có công với cách mạng. Đồng thời, làm tốt công tác xã hội hóa trong việc thực hiện chính sách này theo hướng mở rộng diện bao phủ toàn dân. Cùng với phát huy nội lực, tiềm năng, lợi thế của tỉnh phải chủ động, tích cực tranh thủ sự hỗ trợ của các bộ, ban, ngành Trung ương và các nguồn lực khác như Hội đồng hương ở các tỉnh trong nước để thực hiện thật tốt chính sách đối với người có công với cách mạng.
Thứ ba, luôn bám sát, nắm chắc, kịp thời đề ra nhiệm vụ, giải pháp phù hợp và tập trung chỉ đạo quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm trong thực hiện chính sách đối với người có công với cách mạng ở địa phương.
Thứ tư, Gắn phát triển kinh tế với đảm bảo quốc phòng an ninh và chăm lo thật tốt đời sống gia đình những người có công với cách mạng, nhằm tạo nên sự phát triển bền vững đi liền với giữ gìn truyền thống đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây” ngàn đời của dân tộc Việt Nam.
Trong những năm 2012-2022, thực hiện chính sách xã hội nói chung, chính sách đối với người có công với cách mạng nói riêng, tỉnh Bình Định đã huy động cả hệ thống chính trị, nhân dân trong và ngoài tỉnh vào thực hiện tốt công tác này ở địa phương. Đặc biệt, đã chăm lo ngày càng tốt hơn đời sống vật chất và tinh thần cho các đối tượng chính sách, người có công với cách mạng.

Ngày nhận: 7-3-2025; ngày thẩm định, đánh giá: 16-5-2025; ngày duyệt đăng: 20-5-2025
1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H, 2011, tr. 229-230
2, 3. https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/van-kien-tu-lieu-ve-dang/hoi-nghi-bch-trung-uong/khoa-xi/nghi-quyet-so-15-nqtw-ngay-1062012-hoi-nghi-lan-thu-5-ban-chap-hanh-trung-uong-dang-khoa-xi-ve-mot-so-van-de-ve-557
4. Đảng Cộng sản Viêt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb CTQG, H, 2016, tr. 136
5. Đảng Cộng sản Viêt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb CTQG, H, 2021, T. II, tr. 139
6. Nguồn: Trang Thông tin điện tử Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bình Định: Tổ chức Lễ phát động xây dựng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa năm 2022, ngày đăng: 13-7-2022
7, 8. Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh: Văn kiện Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Định lần thứ XVIII, Quy Nhơn, 2010, tr. 23, 24
9. Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh: Văn kiện Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Định lần thứ XIX, Quy Nhơn, 2015, tr. 32
10. Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh: Văn kiện Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Định lần thứ XX, Quy Nhơn, 2020, tr. 36
11, 12, 13, 14, 16. Tỉnh ủy Bình Định: “Báo cáo Số 140-BC/TU, ngày 30-5-2022, Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (khóa XI) một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020 trên địa bàn tỉnh Bình Định”, lưu Văn phòng Tỉnh ủy Bình Định.
15. Toàn tỉnh hiện có 105 nghĩa trang, an táng 30.230 liệt sĩ.