Lịch sử, tầm vóc và ý nghĩa của cuộc đấu tranh thống nhất đất nước của dân tộc Việt Nam (1954-1975) chỉ có thể được nhận thức sâu sắc và toàn diện khi quá trình lịch sử đó được tiếp cận và nghiên cứu từ nhiều phương diện khác nhau. Trong khuôn khổ của bài viết này, chúng tôi cố gắng tiếp cận quá trình lịch sử đó từ một số phương diện quốc tế, cụ thể là từ các tiếp cận và toan tính chiến lược của Mỹ và các cách tiếp cận, hệ luận chiến lược của Liên Xô, Trung Quốc. Đây là những yếu tố quan trọng nhất tạo nên những chiều cạnh quốc tế (international dimensions) của cách mạng Việt Nam nói chung và cuộc đấu tranh thống nhất Việt Nam nói riêng trong giai đoạn 1954-1975.

Từ khoá: Giải phóng miền Nam; thống nhất đất nước; quốc tế

Người dân Sài Gòn đổ ra đường đón quân giải phóng trong ngày 30/4/1975


1. Bối cảnh

Với thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nền độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia và sự thống nhất đất nước Việt Nam được khôi phục, một chế độ mới, một nhà nước mới ra đời: Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (DCCH). Tuy nhiên, với dã tâm tái lập chế độ thực dân ở Đông Dương, thực dân Pháp quay lại và gây ra cuộc chiến tranh xâm lược tàn khốc, kéo dài gần một thập kỷ (9-1945 - 7-1954). Trong thời gian đó, thực tế là dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ Việt Nam DCCH không những phải tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược mà còn phải tiến hành cuộc đấu tranh chống lại các thế lực ly khai khác nhau. Điều cần nhấn mạnh là: thực dân Pháp đã ra sức lợi dụng các lực lượng ly khai để chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, làm suy yếu lực lượng kháng chiến, trong khi đó các lực lượng ly khai (dù khoác những tấm áo chính trị khác nhau, như: Nam Kỳ quốc, Cộng hòa Nam Kỳ, Nam Kỳ Tự trị, Quốc gia Việt Nam hay núp dưới các chiêu bài tôn giáo, như: Cao Đài, Hòa Hảo, “giáo xứ tự trị”,...) cũng tìm cách núp bóng và trục lợi từ những quan hệ câu kết với thực dân Pháp và can thiệp Mỹ để củng cố quyền lực và lợi ích riêng của mình1. Do vậy, cuộc đấu tranh chống ngoại xâm, vì độc lập, tự do của Tổ quốc luôn gắn chặt với cuộc đấu tranh củng cố khối đại đoàn kết dân tộc và thống nhất đất nước.

Theo quyết nghị của Hội nghị Giơnevơ về Đông Dương (21-7-1954), Việt Nam tạm thời bị chia cắt làm hai miền với đường giới tuyến quân sự là vĩ tuyến 17. Tại Điều 6 và Điều 7 của bản Tuyên bố cuối cùng của Hội nghị Giơnevơ, sự chia cắt tạm thời này đã được giới thuyết rất rõ ràng về phương diện pháp lý quốc tế:

“Điều 6. Hội nghị công nhận rằng mục đích căn bản của Hiệp định về Việt Nam là giải quyết các vấn đề quân sự để đình chỉ chiến sự, và đường giới tuyến quân sự chỉ có tính chất tạm thời và không thể được diễn giải bằng bất kỳ cách nào rằng đó là một ranh giới về chính trị hay về lãnh thổ. Hội nghị tin tưởng rằng việc thi hành những điều khoản định trong bản tuyên bố này và trong những Hiệp định đình chỉ chiến sự tạo ra cơ sở cần thiết để giải quyết vấn đề chính trị ở Việt Nam trong một thời gian ngắn.

Điều 7. Hội nghị tuyên bố rằng đối với Việt Nam, việc giải quyết các vấn đề chính trị, thực hiện trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, phải làm cho nhân dân Việt Nam được hưởng những tự do căn bản, bảo đảm bởi những tổ chức dân chủ thành lập sau tổng tuyển cử tự do và bỏ phiếu kín...”2.

Bản Tuyên bố cuối cùng của Hội nghị Giơnevơ cũng xác định rõ thời hạn tạm thời bị chia cắt của Việt Nam là hai năm và một cuộc tổng tuyển cử sẽ được tổ chức vào tháng 7-1956 để nhân dân Việt Nam tự mình bầu ra một chính phủ của họ và đất nước sẽ được hòa bình thống nhất. Tại Điều 12 bản Tuyên bố nhấn mạnh rằng mỗi bên tham dự Hội nghị cam kết tôn trọng chủ quyền, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Lào, Campuchia và tuyệt đối không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước đó3.

Tuy nhiên, hiện thực lịch sử là: sau Hội nghị Giơnevơ, đất nước Việt Nam đã không những bị chia cắt hai năm mà là gần 22 năm (từ tháng 7-1954 đến tháng 4-1976). Đường giới tuyến quân sự tạm thời sau đó đã trở thành “biên giới” giữa hai nhà nước đối địch, đồng thời thành chiến tuyến đẫm máu không chỉ của các bên tham chiến ở Việt Nam mà còn là của hai phe đối địch về ý thức hệ trên phạm vi toàn cầu. Thực tế là đã không có một cuộc tổng tuyển cử nào mở đường đi đến hòa bình thống nhất Việt Nam mà trái lại đã có một cuộc chiến tranh vô cùng tàn khốc kéo dài trên hai thập kỷ và để đi đến được cuộc tổng tuyển cử thống nhất đất nước được tổ chức vào tháng 4-1976 thì phải có hàng triệu sinh mạng bị sát hại dưới hàng triệu tấn bom đạn và hóa chất độc hại4. Những rào cản chủ yếu nhất và trực tiếp nhất đối với quá trình đấu tranh cho hòa bình thống nhất đất nước của dân tộc Việt Nam chính là sự can thiệp và sau đó là tiến hành chiến tranh xâm lược trực tiếp của đế quốc Mỹ và chính sách ly khai, chống đối sự thống nhất đất nước của các tập đoàn thống trị ở miền Nam Việt Nam-trước hết là tập đoàn thống trị do Ngô Đình Diệm đứng đầu, và sau này là các tập đoàn quân nhân và dân sự khác nhau, trong đó phe nhóm do Nguyễn Văn Thiệu cầm đầu đóng vai trò quan trọng nhất.

Cuộc đấu tranh nhằm thống nhất đất nước của dân tộc Việt Nam từ năm 1954 đến năm 1975 vì vậy, thực chất là cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm; là cuộc đấu tranh bài trừ nội phản, nhằm loại bỏ những thế lực đi ngược lại lợi ích và khát vọng thống nhất dân tộc. Trên bình diện quốc tế, đó còn là một bộ phận cuộc đấu tranh của các dân tộc bị áp bức sau Thế chiến II nhằm khẳng định và bảo vệ quyền tự quyết dân tộc của mình; đồng thời trong bối cảnh của cuộc Chiến tranh lạnh thì cuộc đấu tranh thống nhất đất nước của nhân dân Việt Nam là một bộ phận của cuộc đối đầu quyết liệt giữa phe TBCN và phe XHCN.

Cũng trong bối cảnh của cuộc Chiến tranh lạnh, cuộc đấu tranh thống nhất đất nước của dân tộc Việt Nam ngày càng bị quốc tế hóa cao độ. Các yếu tố quốc tế, không chỉ từ phía Mỹ và các nước thân Mỹ, mà ngay từ trong phe XHCN cũng có tầm ảnh hưởng ngày càng sâu rộng, phức tạp, đa chiều đến diễn trình cách mạng Việt Nam.

Để hiểu thấu đáo về bản chất và đặc điểm, tầm vóc và ý nghĩa của cuộc đấu tranh thống nhất đất nước của dân tộc Việt Nam, những phân tích tiếp cận quá trình lịch sử này từ những chiều cạnh cụ thể khác nhau, nhất là từ các phương diện quốc tế là cần thiết, có ý nghĩa khoa học và ý nghĩa thực tiễn quan trọng.

2. Cuộc đấu tranh thống nhất đất nước Việt Nam trong cách tiếp cận của các chính phủ Mỹ

Giới lãnh đạo nước Mỹ thực sự bắt đầu quan tâm đến Đông Dương, trong đó có Việt Nam, từ khoảng những năm 1937-1938, khi Nhật Bản phát động “Chiến dịch Trung Hoa” ào ạt xâm lược Trung Quốc và tiến xuống phía Nam. Trong thời gian Thế chiến II, Tổng thống Mỹ Franklin D. Roosevelt đã đề xuất một chính sách đặc biệt, đặt Đông Dương dưới chế độ ủy trị quốc tế và tạo điều kiện để các dân tộc ở đó tiến tới nền độc lập, chứ không phải là tái lập chế độ thuộc địa của người Pháp sau khi cuộc Thế chiến kết thúc5. Chủ trương này của Roosevelt đã có tác động không nhỏ đối với diễn trình lịch sử Việt Nam, nhất là đối với quá trình chuẩn bị lực lượng và giành chính quyền của nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương và Mặt trận Việt Minh.

Sau khi Roosevelt qua đời (ngày 12-4-1945), Harry S. Truman lên làm Tổng thống Mỹ vào lúc cuộc Thế chiến II đi vào hồi kết. Đây chính là lúc Mỹ xem xét lại và điều chỉnh căn bản chiến lược toàn cầu của mình. Trong tính toán chiến lược mới khi đó, Mỹ cần có thêm một đồng minh mạnh là nước Pháp để đối phó với Liên Xô ở châu Âu, và do đó, Truman đã quyết định ủng hộ thực dân Pháp quay lại tái chiếm Đông Dương. Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu, sự ủng hộ của Mỹ đối với nỗ lực chiến tranh của Pháp còn khá dè dặt, vì Mỹ dường như chưa sẵn sàng chia sẻ với chủ nghĩa thực dân của người Pháp6. Cho đến nửa đầu năm 1949, viện trợ của Mỹ cho Pháp ở Đông Dương vẫn còn khá khiêm tốn. Nhưng từ cuối năm 1949, sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc lên cầm quyền ở Bắc Kinh, thì Mỹ quyết định ủng hộ Pháp quyết liệt về mọi phương diện. Tháng 9-1950, Truman quyết định lập ra Phái bộ cố vấn quân sự (Military Assistance Advisory Group - MAAG) với nhiệm vụ vừa giám sát việc sử dụng khoản viện trợ 10 triệu USD của Mỹ ở Đông Dương, vừa trực tiếp cố vấn chiến lược và chiến thuật cho quân Pháp. Cuối năm 1952, Mỹ đã đảm nhận khoảng 42% chiến phí ở Đông Dương. Con số này đến đầu năm 1954 đã đạt tới 72%7 và Lầu Năm góc đã trực tiếp tham gia hoạch định kế hoạch tác chiến cho quân Pháp ở Đông Dương từ cuối năm 1953. Như vậy, có thể thấy rất rõ rằng ngay từ khi mới bắt đầu can thiệp vào Đông Dương và Việt Nam, Truman và chính giới Mỹ đã đặt “vấn đề Đông Dương” vào trong hệ luận của Chiến tranh lạnh mà xem xét. Theo cách đó thì quyền lợi, chủ quyền chính đáng của Việt Nam và các dân tộc khác hoàn toàn không có nghĩa lý gì, chỉ có tính toán của Mỹ và phe TBCN trong thế đối đầu chiến lược toàn cầu với phe XHCN mới là quan trọng.

Mặc cho mọi nỗ lực, Mỹ, Pháp và Đồng minh của Mỹ vẫn bị đánh bại tại trận Điện Biên Phủ. Tuy là một trong những nước đóng vai trò chủ đạo tại Hội nghị Giơnevơ, song, Mỹ đã bất chấp danh dự cường quốc khi tuyên bố không bị ràng buộc bởi các quyết nghị cũng như điều khoản được ghi trong bản Tuyên bố cuối cùng của hội nghị này. Khi người Pháp buộc phải dời đi thì chính là lúc nước Mỹ quyết định đảm nhận vai trò chủ đạo trong các nỗ lực chống cộng của “thế giới tự do” ở Việt Nam và Đông Dương. Quyết sách chiến lược mà Mỹ theo đuổi là: ủng hộ tối đa các lực lượng ly khai hòng dựng lên ở phía Nam vĩ tuyến 17 một nhà nước, biến nhà nước đó thành một pháo đài chống lại “sự bành trướng của cộng sản”, chia cắt lâu dài đất nước Việt Nam.

Thực tế là, ngay từ khi mới dính líu đến Việt Nam, mặc dù dưới danh nghĩa ủng hộ Pháp, Mỹ đã chuẩn bị sẵn những con bài ly khai là người bản xứ. Ngay từ năm 1950, Mỹ đã tìm cách viện trợ trực tiếp cho Chính phủ Quốc gia Việt Nam của Bảo Đại-Nguyễn Phan Long, đồng thời hối thúc Pháp công nhận “độc lập toàn vẹn” của Quốc gia Việt Nam. Tiếp đó, các chính phủ do Trần Văn Hữu rồi Nguyễn Văn Tâm đến Bửu Lộc cầm đầu cũng đều được Mỹ tiếp cận và ủng hộ theo hướng vừa ly khai với người Pháp, vừa kịch liệt chống lại Việt Minh và chống lại cuộc đấu tranh vì độc lập dân tộc và thống nhất đất nước của nhân dân Việt Nam8.

Sau khi trận Điện Biên Phủ kết thúc, trong hàng ngũ những lực lượng đối lập với Việt Minh nổi lên nhiều nhân vật, lực lượng đầy tham vọng quyền lực và nặng đầu óc ly khai. Bên cạnh những “chính khách”, sĩ quan đã và đang hợp tác với người Pháp còn có những thủ lĩnh tôn giáo-quân sự như: Trần Quang Vinh, Trình Minh Thế (Cao Đài), Trần Văn Soại, Lê Quang Vinh, Nguyễn Giác Ngộ, Lâm Thành Nguyên (Hòa Hảo), Lê Văn Viễn (Bảy Viễn - Bình Xuyên), Lê Hữu Từ (Công giáo),... Nhưng người cuối cùng được Mỹ quyết định dồn cho mọi sự ủng hộ chính là Ngô Đình Diệm. Xuất thân từ một gia đình Công giáo-quan lại, Ngô Đình Diệm nổi tiếng là người bảo thủ, từng hợp tác với cả người Pháp và người Nhật nhưng cũng từng âm mưu chống lại cả người Pháp và bất mãn với người Nhật. Cho dù không được hậu thuẫn bởi bất kỳ một lực lượng đáng kể nào, nhưng cuối cùng Mỹ đã chọn Diệm, có lẽ vì lý do quan trọng nhất là: ông ta là người kiên quyết chống cộng sản, chống lại mọi sự thỏa thuận với Chính phủ Việt Nam DCCH.

Việc Mỹ quyết định ủng hộ Ngô Đình Diệm trong việc củng cố quyền lực, lập nên một nhà nước chống cộng ở miền Nam Việt Nam chính là rào cản lớn nhất đối với sự nghiệp thống nhất đất nước của dân tộc Việt Nam. Mục đích tối hậu của việc làm này là góp phần thực hiện chiến lược chống cộng toàn cầu của Mỹ ở Đông Nam Á. Có hai căn cứ cơ bản nhất để Mỹ quyết tâm theo đuổi mục đích này đến cùng:

Thứ nhất, đó là hệ tư duy Chiến tranh lạnh, lấy sự đối đầu về ý thức hệ giữa phe TBCN và phe XHCN làm hệ quy chiếu gốc, định đoạt các toan tính chiến lược toàn cầu của Mỹ. Hệ tư duy này đã đẻ ra cái gọi là “học thuyết Đôminô” (The Domino Theory) được người kế nhiệm của Truman, Dwight D. Eisenhower công bố vào năm 19549, theo đó, nếu Việt Nam bị rơi vào tay cộng sản thì toàn bộ khu vực Đông Nam Á sẽ sụp đổ theo dây chuyền. Đây cũng là lý do để Mỹ và một số nước Đồng minh lập ra khối SEATO vào tháng 9-1954 và sau đó can thiệp sâu vào công việc nội bộ của Philippines, Indonesia, Thái Lan, Lào và Campuchia.

Thứ hai, cũng theo khuôn khổ tư duy này, chính giới Mỹ luôn cho rằng ở Việt Nam chỉ có hai loại ý thức hệ chính trị: một là ý thức hệ cộng sản và tất cả những gì không thuộc về ý thức hệ đó thì đều được Mỹ cho vào chung một rọ thứ hai, được gán cho tên gọi là dân tộc chủ nghĩa hay chủ nghĩa quốc gia (nationalism). Ở đây, chính giới Mỹ đã phạm phải một loạt những sai lầm mà chỉ đến sau khi Mỹ bị thất bại ở Việt Nam rồi thì họ mới nhận ra: Một là: không phải bất kỳ những ai tự xưng là “chống cộng” ở Việt Nam đều là những phần tử quốc gia chủ nghĩa chân chính, thậm chí nhiều người trong số này chỉ là những phần tử cơ hội chính trị giả danh “quốc gia chủ nghĩa” mà thôi; Hai là: chính những người cộng sản Việt Nam, tiêu biểu nhất là Hồ Chí Minh, mới là những người yêu nước nhất, dân tộc chủ nghĩa chân chính nhất.

Do phạm phải những sai lầm nói trên nên Mỹ đã sa vào một thứ logic chính trị phi thực tế: chống cộng tức là chống lại Việt Nam DCCH, chống lại sự nghiệp thống nhất đất nước của dân tộc Việt Nam, chống lại tất cả những ai ủng hộ Hồ Chí Minh và mong muốn độc lập, hòa bình và thống nhất của Việt Nam. Logic chính trị này càng ngày càng đẩy nước Mỹ và chế độ do Mỹ ủng hộ ở miền Nam ngày càng đối lập sâu sắc và toàn diện hơn với nhân dân và dân tộc Việt Nam. Do đó mà tất cả các giải pháp can thiệp của Mỹ vào miền Nam đều lần lượt thất bại, càng can thiệp sâu hơn thì càng thất bại nặng nề hơn. Cuối cùng, để cứu vãn tình hình, từ năm 1965, Mỹ phải trực tiếp đưa quân vào chiến đấu ở miền Nam và trực tiếp tấn công miền Bắc Việt Nam. Hành vi này làm cho bộ mặt xâm lược của Mỹ bị vạch trần, khiến cho Chính phủ Mỹ bị phản đối ngày càng dữ dội, không chỉ ở Việt Nam, mà ở ngay trong lòng nước Mỹ, ở phương Tây, Nhật Bản và ở khắp nơi trên thế giới. Trong bối cảnh đó, một thất bại toàn diện cả về quân sự, chính trị, ngoại giao và văn hóa đối với nước Mỹ là điều dường như không thể tránh khỏi10.

3. Cuộc đấu tranh thống nhất đất nước Việt Nam trong cách tiếp cận của Liên Xô và Trung Quốc

Các nước trong phe XHCN, trong đó đặc biệt là Liên Xô, Trung Quốc, là những đồng minh chiến lược quan trọng nhất của dân tộc Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến, nhất là trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đấu tranh thống nhất nước nhà từ năm 1954 đến năm 1975. Nếu không có sự hậu thuẫn và ủng hộ của các đồng minh này, chắc chắn dân tộc Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn hơn và khó có thể hoàn thành thắng lợi được cuộc đấu tranh thống nhất đất nước.

Ở đây, một vấn đề quan trọng cần làm sáng tỏ là: phe XHCN nói chung và từng quốc gia Liên Xô và Trung Quốc đã tiếp cận cuộc đấu tranh thống nhất đất nước của dân tộc Việt Nam như thế nào?11. Sự thực lịch sử là sự hậu thuẫn và ủng hộ của Liên Xô và Trung Quốc đối với Việt Nam đã không chỉ được dựa trên một cách tiếp cận duy nhất, mà là dựa trên sự lồng ghép của một số cách tiếp cận, không phải lúc nào cũng đồng nhất và đồng thuận với nhau.

Cách tiếp cận thứ nhất chính là cách tiếp cận dựa trên tình đoàn kết quốc tế của giai cấp vô sản cách mạng. Nền tảng lý luận của cách tiếp cận này là lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin về sứ mệnh lịch sử toàn thế giới của giai cấp vô sản. Cách tiếp cận này là cơ sở cho các nội dung cơ bản của các hoạt động tuyên truyền ở Liên Xô, Trung Quốc và các nước XHCN về chính sách đối với cuộc đấu tranh cách mạng của nhân dân Việt Nam. Nhờ đó, nhân dân hai nước này và nhiều nước XHCN đã dành cho cuộc đấu tranh của dân tộc Việt Nam nhiều tình cảm chân thành, trong sáng, sự ủng hộ vô cùng mạnh mẽ, vô tư, sự giúp đỡ to lớn, nhiệt thành vô cùng quý báu. Nhân dân Việt Nam đã và sẽ mãi mãi ghi nhận và biết ơn sâu sắc sự giúp đỡ, ủng hộ đó của nhân dân Liên Xô, Trung Quốc và nhân dân các nước trong phe XHCN.

Cách tiếp cận thứ hai là cách tiếp cận dựa trên tư duy và toan tính chiến lược của từng nước Liên Xô và Trung Quốc trong bối cảnh Chiến tranh lạnh. Với tính cách là siêu cường và là nước lớn, việc Liên Xô, Trung Quốc cũng phải có chiến lược toàn cầu để đối phó với Mỹ và các nước khác trong phe TBCN là điều tất yếu. Đối với từng nước, việc tính toán và triển khai chiến lược toàn cầu vừa có ý nghĩa vì lợi ích chung của phong trào cách mạng thế giới, vừa vì lợi ích riêng của từng nước. Đối với cách mạng Việt Nam, cách tiếp cận này của Liên Xô, Trung Quốc và các nước XHCN khác có cả các tác động tích cực và các tác động tiêu cực. Việc chỉ nhấn mạnh một chiều tác động tích cực hay tác động tiêu cực đều là phiến diện, phi lịch sử.

Trước hết nói về các tác động tích cực. Việc cách mạng Việt Nam được Liên Xô và Trung Quốc coi là một bộ phận của cách mạng thế giới đã mặc nhiên giúp cho Việt Nam nhận được nhiều ưu tiên, nhất là được viện trợ to lớn cả về quân sự, tài chính, đào tạo cán bộ .v.v. Nếu không có sự viện trợ to lớn này thì chắc chắn Chính phủ Việt Nam DCCH, quân đội và nhân dân Việt Nam sẽ khó có thể vượt qua các thách thức, đương đầu thành công trong cuộc chiến không cân sức và giành thắng lợi cuối cùng, thống nhất đất nước. Thứ hai, trong suốt thời kỳ Chiến tranh lạnh, thế đối đầu quyết liệt giữa Mỹ và Đồng minh phương Tây với Liên Xô, Trung Quốc và các nước XHCN là một cuộc tranh đấu giằng dai, một mặt, hai bên cùng ra sức chạy đua vũ trang hạt nhân, đồng thời tìm cách tấn công, gây chiến cục bộ ở nhiều nơi để tranh giành ảnh hưởng, mặt khác, lại tìm cách thương lượng, kìm chế lẫn nhau (gọi là détente) để tránh những cuộc đụng độ trực tiếp có thể dẫn tới bùng nổ chiến tranh hạt nhân. Vì vậy, một mặt, “cuộc xung đột ở Việt Nam” đã bị cả hai phe quốc tế hóa, biến thành địa bàn tranh đấu quyết liệt với nhau. Nhưng mặt khác, thông qua détente, Liên Xô, Trung Quốc cũng góp phần kìm chế đáng kể sức mạnh của Mỹ và chư hầu, không cho phép họ tùy tiện leo thang chiến tranh và sử dụng vũ lực, nhất là vũ khí hạt nhân. Đây cũng chính là một trong những yếu tố góp phần khiến cho Mỹ bị rơi vào thế sa lầy chiến lược ở Việt Nam, cuối cùng đành phải chấp nhận thất bại.

Tuy nhiên, những tác động tiêu cực từ cách tiếp cận của Liên Xô và Trung Quốc đối với cách mạng Việt Nam cũng không hề nhỏ. Theo hệ luận chiến lược đã nói ở trên, thì cách mạng Việt Nam chỉ là một quân cờ hay một ván cờ trên bàn cờ của phe XHCN nói chung và của từng nước Liên Xô, Trung Quốc. Ở đó, rõ ràng là lợi ích của thế cờ toàn cục, của Liên Xô, Trung Quốc luôn luôn được đặt trên lợi ích của quốc gia-dân tộc Việt Nam. Đây chính là một trong những lý do khiến cho cuộc xung đột ở Việt Nam ngày càng bị quốc tế hóa cao độ, phức tạp và kéo dài bởi cả hai phe trong Chiến tranh lạnh. Trên thực tế, quá trình quốc tế hóa này đã biến thành một trong những rào cản lớn nhất đối với cuộc đấu tranh hòa bình, thống nhất đất nước của dân tộc Việt Nam.

Cách tiếp cận thứ ba của Liên Xô và Trung Quốc đối với cách mạng Việt Nam là cách tiếp cận dựa trên lợi ích, lập trường dân tộc chủ nghĩa của từng nước nói trên. Đây có thể coi như một hợp phần hữu cơ của toan tính chiến lược toàn cầu của Liên Xô và Trung Quốc. Việc hai nước này phải quan tâm bảo vệ lợi ích dân tộc-quốc gia của họ cũng là lẽ đương nhiên, song, điều đáng lưu ý là cả hai đều không công khai tuyên bố mục đích này, trái lại, họ đều nhân danh tinh thần quốc tế vô sản và lợi ích của cách mạng thế giới, của phe XHCN. Chỉ đến khi những bất đồng giữa Liên Xô và Trung Quốc đạt tới đỉnh điểm và công khai hóa từ sau khi Stalin mất, đặc biệt là từ sau năm 1956, nhất là khi giữa hai nước nổ ra xung đột vũ trang vào tháng 3-1969, thì cách tiếp cận nền chính trị thế giới xuất phát từ lợi ích dân tộc của hai cường quốc này mới thực sự bộc lộ rõ.

Riêng đối với cách mạng Việt Nam, cách tiếp cận này của hai đồng minh chiến lược đã gây ra không ít khó khăn. Ngay từ những nỗ lực đầu tiên của Hồ Chí Minh và Chính phủ Việt Nam DCCH vào năm 1950 nhằm thiết lập quan hệ chính thức và tìm kiếm sự ủng hộ của hai nước này đã gặp nhiều khó khăn phức tạp. Về phía Liên Xô và Stalin, một nhà nghiên cứu đã nhận xét rất xác đáng, rằng: “Dù cùng chung ý thức hệ, song thái độ của Liên Xô đối với Việt Nam khá thận trọng, không mấy mặn mà”12. Còn về phía Trung Quốc, cùng với việc giúp đỡ cách mạng Việt Nam trong sự “phân công”, thỏa thuận với Liên Xô, Trung Quốc đã tự cho phép mình thương lượng “trên đầu” Chính phủ và nhân dân Việt Nam, đi đến thỏa thuận riêng với Pháp tại Hội nghị Giơnevơ năm 1954 về Đông Dương, rồi sau đó ép Việt Nam DCCH chấp nhận một kết quả hoàn toàn không tương xứng với những gì mà bộ đội dưới sự chỉ huy của Tướng Giáp đã giành được trên chiến trường Điện Biên Phủ13.

Tình hình như trên còn tiếp tục diễn ra trong thời kỳ 1954-1975, với mức độ phức tạp và hệ quả nghiêm trọng hơn. Đoạn hồi ký của Nikita S. Khrushchov, nhà lãnh đạo Xôviết cao nhất, được công bố vào năm 1971 đã cho thấy một góc nhìn từ Matxcơva về cách mạng Việt Nam ngay sau khi Hồ Chí Minh vừa qua đời và mâu thuẫn Xô-Trung đạt tới đỉnh điểm: “Khi sự chia rẽ giữa Đảng Cộng sản Liên Xô và Đảng Cộng sản Trung Quốc trở nên công khai, Trung Quốc bắt đầu lãnh đạo Đảng Lao động Việt Nam bằng một sợi dây thừng... Trung Quốc đã bắt đầu dùng ảnh hưởng đáng kể của mình để gây ra sự tranh cãi giữa Việt Nam và Liên Xô và hướng Đảng Việt Nam đến chỗ chống lại chúng tôi... Chúng tôi đã luôn thành thật và hào phóng trong các nỗ lực chi viện cho Việt Nam, và sự thù địch hướng về phía chúng tôi của những nhân tố thân Trung Quốc ở Việt Nam là một viên thuốc đắng khó nuốt trôi”14.

Từ lập trường của mình, nhà lãnh đạo Xôviết mới chỉ nhìn thấy một phần của vấn đề, có lẽ khi đó, ông không biết rằng ban lãnh đạo Trung Quốc cũng đang rắp tâm tìm kiếm cho mình một dạng thức détente riêng với Mỹ trên đầu nhân dân Việt Nam. Sau nhiều nỗ lực ngoại giao thì từ giữa năm 1971, Mỹ và Trung Quốc đã tiếp cận được với nhau thông qua các chuyến công cán bí mật của Henry Kissinger đến Bắc Kinh. Năm sau, tháng 2-1972, Tổng thống Mỹ Richard Nixon đến thăm Trung Quốc và hai bên ra bản Thông cáo chung nổi tiếng ở Thượng Hải, tại đó cuộc đấu tranh thống nhất đất nước của dân tộc Việt Nam đã bị các nhà lãnh đạo Trung Quốc biến thành một trong những nội dung mặc cả, đổi chác với Mỹ, để giành được chiếc ghế ngồi của Trung Quốc ở Liên hợp quốc và một số lợi ích dân tộc khác15.

Ngay sau khi đạt được thỏa thuận với Trung Quốc, Nixon và Kissinger cũng đã thành công trong việc đạt được thỏa thuận gần như tương tự với Liên Xô. Đây là kết quả của cách tiếp cận và tư duy chiến lược mới của Mỹ. Điều này được Keith W. Taylor mô tả như sau: “Nixon đã hiểu rằng cuộc Chiến tranh lạnh đã dịch chuyển từ thế đối đầu hai cực sang một thứ trò chơi tam giác, mở ra những khả năng làm cho một hoặc cả hai cường quốc cộng sản rời xa Hà Nội”16.

Kết quả của toàn bộ quá trình nói trên là: Từ khoảng giữa năm 1972, viện trợ của hai nước này cho Việt Nam đều bị cắt giảm mạnh. Nếu tổng viện trợ của Liên Xô cho Việt Nam năm 1971 đạt khoảng 332 triệu rúp thì năm 1973 còn 248 triệu, năm 1974 còn 98 triệu và năm 1975 chỉ còn 76 triệu. Tương tự, tổng mức viện trợ của Trung Quốc cho Việt Nam đạt mức 141 triệu nhân dân tệ vào năm 1973 thì năm 1974 chỉ còn 45 triệu và năm 1975 là 19 triệu17.

Trong tình hình như trên, nếu dân tộc Việt Nam không có đủ quyết tâm, trí tuệ và bản lĩnh đưa cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà ngay trong hai năm 1975-1976 thì có thể không bao giờ còn cơ hội thực hiện được mục tiêu này. Chính trong tình thế chiến lược cam go đó, các quyết định của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương trong thời gian từ tháng 10-1974 đến tháng 3-1975 đã mở đường cho việc kết thúc thắng lợi cuộc đấu tranh thống nhất đất nước bằng cuộc Tổng tấn công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 và cuộc Tổng tuyển cử lịch sử vào tháng 4-1976.

4. Kết luận

Do khuôn khổ của bài viết có hạn, chúng tôi chưa có điều kiện trình bày những phân tích của mình về cách tiếp cận và vai trò của những yếu tố quốc tế quan trọng khác, như phong trào dân tộc và cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc ở châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh; Phong trào không liên kết; các cuộc vận động cách mạng và tiến bộ ở Lào, Campuchia và một số nước Đông Nam Á khác; Phong trào hòa bình phản đối cuộc chiến của Mỹ ở Việt Nam; vai trò của một số nước phương Tây và Nhật Bản; cách tiếp cận và vai trò của các đồng minh của Mỹ trực tiếp tham chiến ở Việt Nam (Hàn Quốc, Thái Lan, Philippines, Úc), Vatican và Giáo hội Cơ đốc, Liên hợp quốc và một số tổ chức quốc tế khác. Khi các yếu tố quốc tế này cũng được phân tích thấu đáo thì chắc chắn sẽ góp thêm nhiều thông tin và cách nhìn nhận mới đối với cuộc đấu tranh thống nhất đất nước. Công việc này hiển nhiên cần có những nghiên cứu với quy mô và tầm mức lớn hơn trong tương lai.

Trong bài viết này, chúng tôi cũng chưa có điều kiện đề cập và phân tích các phương diện, yếu tố bên trong của cuộc đấu tranh thống nhất đất nước, mặc dù chúng tôi ý thức sâu sắc được rằng đây mới là những chiều cạnh cơ bản nhất của quá trình lịch sử ấy. Hơn nữa, chỉ có thể nhận thức được đầy đủ ý nghĩa và tầm mức tác động của các yếu tố quốc tế khi các yếu tố này được đặt trong mối quan hệ, tương tác với các yếu tố bên trong.

Phương diện quốc tế thứ nhất mà chúng tôi tập trung phân tích ở đây chính là vai trò và cách tiếp cận của Mỹ đối với cuộc đấu tranh thống nhất đất nước của dân tộc Việt Nam. Chắc chắn, sự can thiệp và xâm lược của Mỹ là rào cản lớn nhất đối với cuộc đấu tranh thống nhất đất nước của Việt Nam. Toàn bộ chính sách của Mỹ đối với Việt Nam trong thời gian từ sau Thế chiến II đến 1975 đều được hoạch định và triển khai dựa trên hệ luận chiến lược Chiến tranh lạnh. Hệ luận này đã dẫn Mỹ đi từ sai lầm chiến lược này đến sai lầm chiến lược khác và cuối cùng phải chấp nhận thất bại chung cuộc ở Việt Nam. Trong số những sai lầm đó, nghiêm trọng nhất là Mỹ đã không nhận ra được bản chất của chủ nghĩa dân tộc Việt Nam, đem đối lập nó một cách tuyệt đối với chủ nghĩa cộng sản, gán ghép nó một cách máy móc với những phần tử và lực lượng ly khai mà Mỹ gọi là “quốc gia chủ nghĩa” (nationalists) ở miền Nam Việt Nam.

Điều cần nhấn mạnh là: tuy Mỹ coi những phần tử và lực lượng ly khai ở miền Nam Việt Nam là những người “quốc gia chủ nghĩa”, nhưng người Mỹ chưa bao giờ thực sự coi trọng những lực lượng này. Thực tế, Mỹ chỉ xem họ như những quân cờ trên bàn cờ chiến lược của mình. Một khi quân cờ nào không còn hữu dụng nữa thì Mỹ sẵn sàng thay thế, vứt bỏ họ. Sự sụp đổ của chế độ Ngô Đình Diệm vào năm 1963 là minh chứng rõ ràng nhất. Sau Diệm, hàng loạt chính phủ quân sự và dân sự khác cũng lần lượt được Mỹ dựng lên rồi hạ bệ. Ngay cả tập đoàn Nguyễn Văn Thiệu, kẻ tưởng chừng được Mỹ ủng hộ nhất quán nhất, cuối cùng cũng nhận ra, rằng Mỹ là “một đồng minh vô nhân đạo với những hành động vô nhân đạo”18. Dẫu chỉ coi các Chính phủ Việt Nam Cộng hòa như những kẻ bù nhìn phục vụ cho mục tiêu “chống cộng” trong cục diện Chiến tranh lạnh, Mỹ đã tạo ra những trở ngại to lớn cho cuộc đấu tranh thống nhất đất nước của nhân dân Việt Nam, không chỉ khiến cho Việt Nam bị chia cắt, mà còn bị sa vào cuộc chiến suốt hai thập kỷ với những vết thương còn hằn sâu đến tận hôm nay.

Phương diện quốc tế thứ hai mà chúng tôi tập trung phân tích ở đây là vai trò và cách tiếp cận của Liên Xô và Trung Quốc. Đây là hai đồng minh quan trọng nhất của Việt Nam DCCH trong cuộc đấu tranh thống nhất đất nước. Đi sâu phân tích các cách tiếp cận của hai nước này, chúng tôi đã cố gắng chỉ ra những tác động tích cực và cả những tác động tiêu cực của mỗi cách tiếp cận đối với cách mạng Việt Nam nói chung và cuộc đấu tranh thống nhất đất nước Việt Nam nói riêng.

Quan trọng hơn, kết quả nghiên cứu ở đây là: khi các yếu tố quốc tế nói trên được đặt vào cùng một hệ phân tích đồng nhất, chúng ta có thể nhận ra nguyên nhân và diễn trình cuộc đấu tranh thống nhất đất nước Việt Nam bị quốc tế hóa ngày càng sâu sắc, phức tạp trong bối cảnh của Chiến tranh lạnh từ cả hai phía-phe TBCN và phe XHCN. Đây là nguyên nhân sâu xa khiến cho cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà của dân tộc Việt Nam bị kéo dài và ngày càng trở nên phức tạp, khốc liệt hơn. Đồng thời, quá trình quốc tế hóa này lại thẩm thấu vào những quá trình phát triển bên trong của cả miền Bắc và miền Nam Việt Nam, làm nảy sinh thêm nhiều vấn đề nan giải.

Vượt qua mọi rào cản to lớn được giăng ra từ nhiều phía, cuối cùng cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà đã đi đến thắng lợi hoàn toàn. Đó là thắng lợi của đại nghĩa dân tộc, của khối đại đoàn kết dân tộc, của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam chân chính. Đó cũng chính là thắng lợi của tư duy chiến lược độc lập, sáng tạo, của thế ứng xử khôn khéo, khoan hòa, kiên quyết và hiệu quả của lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam DCCH do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu. Đây chính là bài học còn nguyên giá trị đối với Đảng và Nhà nước ta trong cuộc đấu tranh nhằm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh quốc tế hiện nay: phải kiên trì lợi ích và chủ quyền quốc gia-dân tộc; có thể và cần thiết phải liên minh, hợp tác với nhiều quốc gia và lực lượng khác nhau, nhưng phải có tư duy chiến lược độc lập, ứng xử linh hoạt để tránh việc Việt Nam rơi vào tụ điểm (focal point) của các xung đột khu vực và quốc tế.

 


Bài đăng trên Tạp chí Lịch sử Đảng số 4/2016

1, 6, 8, 16. Xem Taylor, Keith W: A History of the Vietnamese, Cambridge University Press, 2013, p. 551-560, 551, 553-555, 607

2, 3. “Indochina - Final Declaration of the Geneva Conference on the Problem of Restoring Peace in Indo-China, July 21, 1954”, in trong: Geneva Conference doc. IC/43/Rev. 2; reprinted in Report on Indochina: Report of Senator Mike Mansfield on a Study Mission to Vietnam, Cambodia, Laos, Oct. 15, 1954 (Senate Foreign Relations Committee print, 83d Cong., 2d sess.), p. 26-27. Có đối chiếu với bản dịch tiếng Việt công bố trên:http://dangcongsan.vn/tu-lieu-van-kien/ho-so-su-kien/luat-quoc-te/books-310220153251756/index-41022015322255613.html (Những chữ in nghiêng do tác giả nhấn mạnh)

4. Theo các nguồn thống kê chưa đầy đủ, trong hơn 20 năm chiến tranh (1954-1975) đã có khoảng 5 triệu người Việt Nam bị thiệt mạng. Riêng Mỹ đã dội xuống lãnh thổ Việt Nam khoảng 15 triệu tấn bom đạn, nhiều hơn 3 lần số lượng bom đạn đã sử dụng trong Chiến tranh thế giới II. (Trung bình, mỗi người dân Việt Nam đã phải hứng chịu khoảng 250 kg bom đạn). Bên cạnh đó, Mỹ đã rải 45.260 tấn (khoảng 75 triệu lít) chất độc hóa học, tàn phá hơn 50% diện tích rừng. Hàng trăm nghìn tấn bom mìn còn sót lại sau chiến tranh đã làm ô nhiễm khoảng 6,6 triệu ha đất (khoảng 20% diện tích đất nước). Từ năm 1975 đến nay đã có trên 100 nghìn người bị chết hoặc bị thương do số bom mìn này gây ra

5. Xem Phạm Hồng Tung: Lịch sử cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Việt Nam, Nxb Đại học Quốc gia, H, 2013, tr. 132-133

7. Xem Vũ Dương Ninh: Cách mạng Việt Nam trên bàn cờ quốc tế: Lịch sử và vấn đề, Nxb CTQG, H, 2016, tr. 82; Taylor, Keith W: A History of the Vietnamese, Cambridge University Press, 2013, p. 551-552. Có nguồn tài liệu cho rằng tới năm 1954, Mỹ đã đảm nhận tới 78% chiến phí ở Đông Dương. Xem:https://www.mtholyoke.edu/acad/intrel/pentagon/pent5.htm

9. Mặc dù không trực tiếp sử dụng thuật ngữ “học thuyết Domino” nhưng tuyên bố của D.D. Eisenhower tại cuộc họp báo vào ngày 7- 4-1954 về “sự sụp đổ của những quân bài Domino” ở Đông Nam Á được coi như tuyên ngôn của học thuyết Domino. Xem: http://www.nps.gov/features/eise/jrranger/quotes2.htm

10. Xem Phạm Hồng Tung: “Thất bại của Mỹ trong cuộc đối đầu về phương lược chiến tranh ở Việt Nam (1954-1975)”, Tạp chí Khoa học xã hội và nhân văn, số 1-2015

11. Cho đến nay đã có nhiều công trình nghiên cứu đề cập đến quan hệ giữa Việt Nam với Liên Xô, Trung Quốc và các nước trong phe XHCN trong thời kỳ 1954-1975, trong đó có những nghiên cứu chuyên sâu về từng vấn đề cụ thể, có những nghiên cứu đề cập đến toàn bộ các quan hệ của Việt Nam với hai đồng minh lớn nói trên đặt trong bối cảnh lịch sử thế giới khi đó. Xem Vũ Dương Ninh: Cách mạng Việt Nam trên bàn cờ quốc tế, Nxb CTQG, H, 2016; Phạm Quang Minh: Quan hệ tam giác Việt Nam - Liên Xô - Trung Quốc trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ (1954-1975), Nxb Đại học Quốc gia, H, 2015

12. Nguyễn Thị Mai Hoa: “Về hai chuyến đi bí mật của Hồ Chí Minh đến Liên Xô năm 1950 và năm 1952”, Văn hóa Nghệ An, http://www.vanhoanghean.com.vn/chuyen-muc-goc-nhin-van-hoa (6-2-2014). Đã có một số tài liệu cho thấy những khó khăn, phức tạp mà Hồ Chí Minh phải đương đầu trong chuyến đi bí mật đến Trung Quốc và Liên Xô để tìm kiếm sự ủng hộ của hai nước này vào tháng 1-1950. Xem Phạm Hồng Tung: “Hồ Chí Minh và cuộc chiến tranh ở Việt Nam trong hồi tưởng của Khrushchev”, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 9+10, 2008, tr. 97-103; Khrushchev, Nikita S: Remembers, Brown and Company, Boston, 1970

13. Xem Joyaux F: Trung Quốc và việc giải quyết cuộc Chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất, Nxb Thông tin Lý luận, H, 1981

14. Khrushchev, Nikita S: Remembers, Brown and Company, Boston, 1970, p. 485

15. Nhận xét về thái độ của Trung Quốc thời kỳ này, sử gia Mỹ Keith W. Taylor viết: “Đã bắt đầu rõ ràng là người Trung Quốc không thích việc Hà Nội giành được quyền kiểm soát miền Nam Việt Nam. Trong khi Trung Quốc ủng hộ Hà Nội chừng nào mà sự hiện diện của người Mỹ ở miền Nam Việt Nam đang còn ở mức độ đe dọa, họ cũng sẽ chẳng vui vẻ gì khi có một Việt Nam thống nhất phía Nam đường biên giới của mình”, Taylor, Keith W: A History of the Vietnamese, Cambridge University Press, 2013, p. 607

17. Xem Ban Chỉ đạo tổng kết chiến tranh trực thuộc Bộ Chính trị: Chiến tranh Cách mạng Việt Nam 1945-1975: Thắng lợi và bài học, Nxb CTQG, H, 2000, tr. 588

18. Lời phát biểu từ chức của Nguyễn Văn Thiệu ngày 21-4-1975. Xem: https://www.youtube.com/watch?v=UW8z37PWyNQ.