Tóm tắt: Quá trình xây dựng và phát triển kinh tế qua 35 năm đổi mới (1986-2021), Đảng luôn bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn đất nước và xu thế của thời đại. Việt Nam là thành viên của nhiều tổ chức kinh tế khu vực và thế giới; là đối tác tin cậy của nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ; có thị trường rộng lớn, là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư lớn trong khu vực và thế giới, đặc biệt là các cường quốc kinh tế. Qua đó, nền kinh tế Việt Nam đạt những thành tựu to lớn trên tất cả các lĩnh vực.

Từ khóa: Phát triển kinh tế; chủ trương; thành tựu; 1986-2021

1. Đường lối phát triển kinh tế của Đảng trong thời kỳ đổi mới

Qua 35 năm thực hiện đường lối đổi mới (1986-2021), với 8 kỳ đại hội, Đảng đã nhận thức ngày càng rõ và sát thực tế hơn về phát triển nền kinh tế đất nước. Đại hội VI (1986) của Đảng đề ra đường lối đổi mới toàn diện, với trọng tâm là đổi mới phát triển kinh tế. Đại hội VII (1991), Đảng chủ trương phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần theo định hướng XHCN, vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Đến Đại hội IX (2001), lần đầu tiên Đảng khẳng định phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Ở các kỳ đại hội tiếp theo X, XI, XII, XIII, Đảng tiếp tục nhận thức và hoàn thiện hơn đường lối phát triển nền kinh tế thị trường ở Việt Nam. Bước đổi mới về tư duy kinh tế của Đảng qua các kỳ đại hội được thể hiện tập trung vào các nội dung sau:

Thứ nhất, chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, bao cấp sang nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần theo hướng mở, tiếp đến là nền kinh tế thị trường (KTTT) có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng XHCN. Với sự thay đổi này, kinh tế quốc doanh và kinh tế tập thể không còn giữ vai trò tuyệt đối trong nền kinh tế; các thành phần kinh tế được đối xử bình đẳng, kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể cùng với kinh tế tư nhân là nòng cốt để phát triển.

Thứ hai, từng bước chuyển kinh tế phát triển theo mô hình công nghiệp hóa kiểu cũ, thiên về phát triển công nghiệp nặng, chủ yếu dựa vào lợi thế lao động, đất đai, tài nguyên, viện trợ của nước ngoài sang mô hình kinh tế mở, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển công nghiệp và dịch vụ; đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, lấy đổi mới và sáng tạo làm khâu đột phá chiến lược.

Thứ ba, về thể chế kinh tế, “kiên quyết xóa bỏ cơ chế quản lý kinh tế hành chính, tập trung, quan liêu, bao cấp, xây dựng cơ chế quản lý mới”1, cơ chế KTTT định hướng XHCN. Từ việc tuyệt đối hóa vai trò của kế hoạch, không thừa nhận sự tồn tại của KTTT, khẳng định phải kết hợp kế hoạch với thị trường, trong đó Nhà nước đóng vai trò định hướng, dẫn dắt nền kinh tế phát triển. Chú trọng thực hiện đột phá về thể chế KTTT định hướng XHCN nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế, tạo môi trường kinh doanh hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư.

Thứ tư, về nguồn lực phát triển, từ chỗ coi nhẹ năng suất lao động, sản xuất theo hướng tự phục vụ, Đảng xác định: kết hợp sức mạnh nội sinh của dân tộc với sức mạnh của thời đại, nội lực đóng vai trò quyết định, cần phát huy mọi nguồn lực của nhân dân, mọi thành phần kinh tế, chú trọng phát triển thị trường trong nước; đồng thời ngoại lực đóng vai trò quan trọng, cần tiếp tục thu hút có hiệu quả các nguồn đầu tư nước ngoài. Trong đó, phát triển nguồn nhân lực đi đôi với nâng cao năng suất lao động, coi nguồn nhân lực là nhân tố quyết định đối với sự phát triển bền vững của đất nước.

Thứ năm, kinh tế đối ngoại được Đảng xác định là sức mạnh ngoại lực quan trọng, nền tảng đối với sự phát triển kinh tế của đất nước. Từ một nước “khép kín”, Việt Nam đã thực hiện đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ kinh tế quốc tế, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế với phương châm: Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy với các tổ chức kinh tế quốc tế, các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Như vậy, những bước đột phá trên đặt nền tảng thúc đẩy sự hình thành, phát triển nền KTTT định hướng XHCN ở Việt Nam. Trên cơ sở đó, Đảng hoạch định các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội với những định hướng phát triển đối với các khu vực, các ngành, các vùng nhằm khai thác tiềm năng và lợi thế so sánh. Phát triển kinh tế nhanh, có hiệu quả, bền vững gắn với tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường trở thành nhiệm vụ trung tâm, là nền tảng cho một nước công nghiệp hiện đại.

2. Thành tựu phát triển kinh tế qua 35 năm đổi mới

Một là, tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn duy trì ở mức cao so với khu vực và thế giới, quy mô kinh tế ngày càng được mở rộng.

Thực hiện hai Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm: 1991-2000 và 2001-2010, Việt Nam đã ra khỏi tình trạng nước nghèo, kém phát triển, kinh tế tăng trưởng nhanh. Giai đoạn 1991-2000, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 7,6%/năm; GDP năm 2000 tăng gấp 2 lần năm 1991. Giai đoạn 2001-2005, tốc độ tăng trưởng kinh tế  đạt 7,5%/năm; năm 2006-2010 đạt 6,9%/năm, bình quân 10 năm (2001-2010) đạt 7,2%/năm, bình quân 20 năm đạt 7,4%/năm2.

Thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2016-2020 vẫn đạt 6%/năm. Năm 2018, GDP tăng 7,08%, là mức tăng cao nhất từ năm 20083. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam thuộc nhóm cao không chỉ ở khu vực Đông Nam Á mà còn trên thế giới, “là điểm sáng trong khu vực và thế giới4. Năm 2020, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tác động mạnh, kinh tế thế giới suy thoái, tăng trưởng âm gần 4%, kinh tế Việt Nam vẫn đạt mức tăng trưởng 2,91%, là một trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới5. Năm 2020 quy mô nền kinh tế Việt Nam đạt hơn 343 tỷ USD, vượt Singapore (337,5 tỷ USD) và Malaysia (336,3 tỷ USD), đưa Việt Nam trở thành quốc gia có nền kinh tế lớn thứ 4 trong khu vực Đông Nam Á (sau Indonesia 1.088,8 tỷ USD; Thái Lan 509,2 tỷ USD và Philippines 367,4 tỷ USD)6.

Việt Nam được đánh giá là một trong những nền kinh tế có triển vọng tốt, tăng trưởng nhanh so với khu vực và thế giới. Năm 2012, Việt Nam xếp thứ 42/214 quốc gia và vùng lãnh thổ; năm 2016, Việt Nam là nền kinh tế lớn thứ 32 thế giới và dự đoán đến năm 2050, Việt Nam sẽ tăng lên vị trí thứ 20 thế giới, vượt qua Canada và Italia về quy mô7. Năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam từ vị trí 60/138 tăng lên vị trí 55/137 nền kinh tế; môi trường kinh doanh cũng được đánh giá cao, tăng 14 bậc từ vị trí 82 lên vị trí 69/190 nền kinh tế8, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên bản đồ kinh tế thế giới và khu vực.

Hai là, cơ cấu ngành kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Từ một nước nông nghiệp, trình độ phát triển công nghiệp và dịch vụ còn thấp, cơ cấu ngành kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng CNH, HĐH: tỷ trọng trong ngành nông nghiệp liên tục giảm, tỷ trọng ngành công nghiệp và dịch vụ không ngừng tăng. Năm 1986, ngành nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ chiếm tỷ trọng trong cơ cấu GDP là 38,06%, 28,88%, 33,06%; năm 2000 là 24,5%, 36,7%, 38,7%; năm 2014, tỷ trọng tương ứng của các ngành này là: 18,12%, 38,50%, 43,38% và năm 2018 là: 14,57%, 34,28%; 41,17%9. Đặc biệt, ngành dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu chiếm 41,17%, đã vươn lên trở thành ngành đóng góp cao nhất trong GDP. Trong đó, ngành du lịch, bưu chính viễn thông phát triển với tốc độ nhanh.

Ngành công nghiệp dịch chuyển theo hướng hiện đại, gắn với phát triển kinh tế tri thức. Tỷ trọng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP tăng từ 13,4% năm 2016 lên khoảng 16,7% năm 202010. Năm 2021, trong bối cảnh chịu tác động nặng nề của đại dịch COVID-19, nhưng chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 4,8% so với năm 2020 (năm 2020 tăng 3,3%)11. Mức tăng trưởng này đã góp phần vào tăng trưởng chung của nền kinh tế. Đã hình thành một số ngành công nghiệp có quy mô lớn, có khả năng cạnh tranh và vị trí vững chắc trên thị trường quốc tế. Một số doanh nghiệp công nghiệp có năng lực cạnh tranh tốt. Nhiều ngành công nghiệp: cơ khí, điện tử, sản xuất hàng tiêu dùng, năng lượng đã ứng dụng thành tựu khoa học - công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được chú trọng và đóng vai trò chủ chốt dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế với mức tăng 5,82%.

Ngành nông nghiệp có những bước tiến vượt bậc, giữ vai trò là “trụ đỡ” của nền kinh tế, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia. Sau nhiều năm phải nhập khẩu lương thực, năm 1989, Việt Nam đã xuất khẩu 1,4 triệu tấn gạo, hiện nay trở thành một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu trên thế giới. Năm 2018, Việt Nam xuất khẩu được hơn 6 triệu tấn gạo, là nước xuất khẩu gạo lớn thứ 3 thế giới, sau Ấn Độ và Thái Lan. Trong giai đoạn 2008-2017, tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành nông nghiệp đạt 2,66%/năm; năm 2018: 3,76%; năm 2019: 2,2%; năm 2020, mặc dù bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nhưng tăng trưởng ngành nông nghiệp của Việt Nam vẫn đạt 2,65%. Với mức tăng trưởng 2,9% (năm 2021), mức tăng GDP của ngành nông nghiệp còn cao hơn tăng trưởng GDP cả nước, nông nghiệp đóng góp 13,97% vào tổng giá trị tăng thêm của nền kinh tế12. Từ vai trò “trụ đỡ”, nông nghiệp đã đóng vai trò “trụ chính”, là động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế đất nước. Nông sản Việt Nam có mặt tại hơn 180 quốc gia, vùng lãnh thổ. Xuất khẩu nông sản Việt Nam đứng thứ 2 Đông Nam Á và thứ 15 thế giới13 và khẳng định được thương hiệu ở những thị trường lớn, nhiều tiềm năng như Mỹ, EU, Nhật Bản, Nga, Trung Quốc...

Ba là, nguồn lao động dồi dào và cơ cấu lao động được điều chỉnh phù hợp với sự thay đổi của cơ cấu kinh tế.

Việt Nam vẫn đang trong thời kỳ có cơ cấu “dân số vàng” với tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động chiếm trên 65% dân số. Đây là tiềm năng và lợi thế để phát triển kinh tế, thu hút đầu tư, mở rộng thị trường. Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân giai đoạn 2011-2015 tăng từ 4,3%/năm lên khoảng 6%/năm giai đoạn 2016 -202014. Năm 2020, lao động 15 tuổi trở lên đang làm việc là 53,4 triệu người, bao gồm 17,5 triệu người đang làm việc ở khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, giảm 7,2% so với năm trước; khu vực công nghiệp và xây dựng 16,5 triệu người, tăng 0,3%; khu vực dịch vụ 19,4 triệu người, tăng 0,1%15. Kết quả tăng năng suất lao động đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Việt Nam được đánh giá thuộc nhóm có tốc độ tăng năng suất lao động cao ở khu vực ASEAN. Chỉ số vốn nhân lực của Việt Nam từng bước được cải thiện, năm 2018 đạt 0,67 điểm, xếp thứ 48/157 quốc gia; chỉ số cạnh tranh tài năng đạt 33,41 điểm, xếp thứ 92/125 quốc gia16.

Cơ cấu lao động thay đổi theo hướng tỷ trọng lao động trong nông nghiệp ngày càng giảm, tỷ trọng lao động trong công nghiệp và dịch vụ tăng lên. Năm 1990, tỷ lệ lao động trong nông nghiệp chiếm 73,02%, năm 2005 giảm xuống còn 57%, tỷ lệ lao động trong công nghiệp và xây dựng chiếm gần 18%, dịch vụ là 25%17. Năm 2015, tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội giảm, còn 44,3%; đến tháng 6-2018 còn 38,6%, giảm một nửa so với năm 1990.

Bốn là, thu nhập bình quân đầu người ngày càng tăng, phát triển kinh tế gắn với tiến bộ và công bằng xã hội.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng, quy mô kinh tế ngày càng lớn, nên thu nhập bình quân theo đầu người ở Việt Nam ngày càng cao: Năm 2005 GDP bình quân đầu người là 640 USD, vượt mức bình quân của các nước đang phát triển có thu nhập thấp (500 USD), đến năm 2020, tăng lên 2.779 USD18. Nhờ vậy, Việt Nam thoát khỏi nhóm nước và vùng lãnh thổ thu nhập thấp, nằm trong nhóm nước và vùng lãnh thổ thu nhập trung bình thấp, đang phấn đấu bước vào nhóm nước và vùng lãnh thổ có thu nhập trung bình.

Giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo đạt kết quả tích cực. Việt Nam đã vượt mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ mà Liên Hợp quốc đề ra. Tỷ lệ hộ nghèo tính theo chuẩn nghèo năm 2005 giảm từ 15,5% năm 2006 xuống còn 10,7% năm 2010. Năm 2011, chuẩn nghèo mới cho giai đoạn 2011-2015 được ban hành. Theo đó, chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 được triển khai mạnh mẽ. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm từ 9,88% cuối năm 2015 xuống dưới 3% vào năm 2020, bình quân giai đoạn 2016-2020 giảm trên 1,4%/năm19.

Chỉ số phát triển con người (HDI) được cải thiện, đưa Việt Nam vào nhóm trung bình cao về phát triển con người (năm 2017). Với chỉ số HDI năm 2019 là 0,63, Việt Nam xếp thứ 118/189 quốc gia và vùng lãnh thổ và nằm trong nhóm các nước có tốc độ tăng trưởng chỉ số HDI cao trên thế giới20.

Tỷ lệ thất nghiệp trong nền kinh tế giảm, từ 8,39% (giai đoạn 1990-2000) xuống còn 5,2% (giai đoạn 2001-2010) và 4% (giai đoạn 2011-2015). Năm 2018, tỷ lệ thất nghiệp trung bình giảm xuống 2%, trong đó khu vực thành thị (2,95%) có tỷ lệ thất nghiệp cao hơn khu vực nông thôn (1,55%). Việt Nam là 1 trong số 8 nước có tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất thế giới, thấp hơn Singapore và Mỹ21.

Hệ thống an sinh xã hội ngày càng tiến bộ, bước đầu giải quyết được nhu cầu của nhân dân, tạo điều kiện cho nhân dân được tiếp cận nhiều hơn với các dịch vụ về văn hóa, y tế và giáo dục. Trong đó, hệ thống bảo hiểm xã hội, trợ giúp xã hội và các dịch vụ xã hội công cộng được cải thiện.

Năm là, nền kinh tế thị trường định hướng XHCN từng bước hình thành và phát triển.

Nền KTTT định hướng XHCN từng bước hình thành và phát triển. Cơ chế kinh tế tập trung bao cấp được xóa bỏ. Các hình thức sở hữu, các thành phần kinh tế, các loại hình sản xuất kinh doanh phát triển đa dạng và đóng góp tích cực vào việc huy động các nguồn lực, phát triển kinh tế. Năm 2010, đóng góp của các thành phần kinh tế, trong đó: kinh tế nhà nước là 38,1%, kinh tế ngoài nhà nước: 36,1%, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài: 25,8% và đóng góp vào giá trị tổng sản phẩm trong nước22. Năm 2019, tỷ lệ đóng góp của các thành phần kinh tế vào tổng đầu tư toàn xã hội là: kinh tế nhà nước: 31,1%, kinh tế ngoài nhà nước: 46,0%, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài: 23,0% và đóng góp vào giá trị tổng sản phẩm trong nước (GDP) tương ứng là: 27,06% - 42,68% - 20,35%23. Các yếu tố thị trường, các loại thị trường hình thành và phát triển ngày càng đồng bộ; cơ chế thị trường từng bước phát huy vai trò vận hành nền kinh tế. Quản lý kinh tế của Nhà nước có nhiều thay đổi, chuyển từ can thiệp trực tiếp bằng mệnh lệnh hành chính sang quản lý kinh tế bằng pháp luật, chính sách, quy hoạch, kế hoạch.

Sáu là, khoa học, công nghệ và kinh tế số từng bước được chú trọng phát triển.

Việt Nam được đánh giá là quốc gia có tốc độ phát triển kinh tế số cao. Theo báo cáo Chỉ số hiệu quả đổi mới sáng tạo năm 2018, thứ hạng về Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam liên tục được cải thiện. Năm 2017, tăng 12 bậc, xếp thứ 59/126 quốc gia; năm 2018 tăng thêm 2 bậc, xếp thứ 45/126 quốc gia, trong đó, nhóm chỉ số về tri thức - công nghệ của Việt Nam có thứ hạng rất cao, 28/126 quốc gia24. Kinh tế số Việt Nam đã và đang phát triển cả về nền tảng hạ tầng và thị trường kinh doanh. Theo thống kê của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) đến năm 2020, Việt Nam có khoảng 64 triệu người sử dụng internet, 57% dân số có tài khoản mạng xã hội. Việt Nam xếp thứ 13 trong top 20 quốc gia có số dân sử dụng mạng internet đông nhất thế giới 3%”25. Nhiều ngành kinh tế như viễn thông, ngân hàng đã chủ động ứng dụng thành công công nghệ số, ngành nông nghiệp đã đưa công nghệ số vào sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, năm 2021, kinh tế số Việt Nam đạt khoảng 163 tỷ USD, chiếm 8,2% GDP, trong đó cấu phần kinh tế số công nghệ thông tin và viễn thông đạt 163 tỷ USD, chiếm 5,5% GDP; kinh tế số internet, nền tảng đạt 14 tỷ USD, chiếm 1% GDP và kinh tế số lĩnh vực đạt khoảng 23 tỷ USD, chiếm 1,7% GDP, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế số Việt Nam cao gấp 7 lần so với 201526.

Bảy là, hội nhập kinh tế quốc tế phát triển sâu, rộng trên nhiều cấp độ, đa dạng về hình thức.

Từ năm 1986 đến nay, Việt Nam không ngừng “mở cửa”, hợp tác và từng bước hội nhập và liên kết kinh tế với thế giới: bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Trung Quốc (1991), Hoa Kỳ (1995); gia nhập Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN (1995); tham gia thành viên sáng lập Diễn đàn hợp tác Á - Âu (ASEM) (1996); Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) (1998); trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) (2007)... Tham gia thiết lập FTA trong khung khổ của 6 FTA khu vực với 15 nước gồm: Khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA); khu vực thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc; khu vực thương mại tự do ASEAN- Hàn Quốc; khu vực thương mại tự do ASEAN - Úc và Niu Dilân; khu vực thương mại tự do ASEAN - Ấn Độ. Đã ký kết nhiều hiệp định thương mại song phương, đa phương thế hệ mới: Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam-Nhật Bản (2008), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Chi Lê (2011), Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) giữa Việt Nam và EU, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định Thương mại tự do với EU, Liên minh Kinh tế Á- Âu (EEU)...

Hội nhập kinh tế mang lại nhiều cơ hội lớn cho Việt Nam trong việc mở rộng thị trường, xuất khẩu. Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng từ 4,425 tỷ USD (1991) lên 30,119 tỷ USD (2000) và 157,075 tỷ USD (2010), tăng hơn 35 lần27, năm 2019 đạt 517,54 tỷ USD28. Đặc biệt, tình hình khó khăn do đại dịch COVID-19 đã làm ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế thế giới và Việt Nam, nhưng tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam năm 2020 vẫn đạt 544 tỷ USD, trong đó nông sản là mặt hàng xuất khẩu nổi trội, lập kỷ lục mới với giá trị xuất khẩu đạt 41,2 tỷ USD. Đó là kỳ tích của Việt Nam về xuất khẩu, được nhiều quốc gia công nhận.

Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu năm 1995 là 13,4 tỷ USD, sau 12 năm Việt Nam gia nhập WTO (2007) tăng lên là 100 tỷ USD; từ 327,8 tỷ năm 2015 lên 543,9 tỷ USD năm 2020, tăng gần 1,7 lần và tương đương 200% GDP29. Năm 2021, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 668,54 tỷ USD, tăng 22,6% so với năm 2020, trong đó xuất khẩu tăng 19%; nhập khẩu tăng 26,5%. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2021 đạt 336,31 tỷ USD, tăng 19% so với năm 2020, cao nhất kể từ năm 2018. Trong năm 2021, có 35 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 93,8% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 8 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 69,7%). Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa năm 2021 đạt 332,23 tỷ USD, tăng 26,5% so với năm 2020. Có 47 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 94,1% tổng kim ngạch nhập khẩu30. Xuất khẩu hàng hóa tăng là động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế, đưa Việt Nam trở thành 1 trong 20 nước có nền kinh tế đứng đầu thế giới về thương mại. Thị trường ngày càng được mở rộng ra nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Việt Nam có quan hệ thương mại với hơn 220 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đến nay, Việt Nam có thị trường ở cả 5 châu lục, trong đó châu Á là thị trường rộng lớn nhất. Các đối tác chiến lược có mối liên kết kinh tế chặt chẽ, đa dạng với Việt Nam là: Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ... 

Thương mại hàng hải giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế. Việt Nam có 45 cảng biển với 272 bến cảng, trong đó có 2 cảng biển cửa ngõ quốc tế (Cam Ranh - Khánh Hòa, Cát Hải - Hải Phòng); 12 cảng biển đầu mối khu vực với tổng lượng hàng hóa lưu chuyển là 550 triệu tấn mỗi năm31. Việt Nam đã ký hiệp định thương mại hàng hải với 26 nước; xây dựng 18 khu kinh tế ven biển32. Năm 2018, Việt Nam đứng thứ 4 trong khu vực ASEAN và đứng thứ 32 trên thế giới về đội tàu với 1.600 tàu...33.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài có nhiều khởi sắc, góp phần tích cực vào tăng trưởng kinh tế. Việt Nam được Diễn đàn Liên Hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCATD) đánh giá là 12 quốc gia thành công nhất về thu hút FDI34. Từ 2006-2016, Việt Nam liên tục có chỉ số hiệu quả FDI tốt hơn và nhất quán so với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á. Từ 2016-2021, nhiều dự án FDI của các tập đoàn đa quốc gia đã có mặt tại Việt Nam, tạo nên một làn sóng đầu tư mạnh mẽ vào Việt Nam. Năm 2021, Việt Nam có 33 nghìn dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đạt hơn 394 tỷ USD, các dự án này đến từ 140 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới35. Các đối tác, các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư lớn nhất vào Việt Nam là: Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Đài Loan, Hồng Kông, Malaysia, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Ấn Độ...Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến tháng 12- 2021, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt 31,15 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm 202036.

Mặc dù đạt được những thành tựu quan trọng, nhưng nền kinh tế phát triển chưa bền vững và đứng trước nhiều thách thức. Tăng trưởng kinh tế không ổn định, tốc độ thấp. Quy mô nền kinh tế còn nhỏ; chuyển dịch cơ cấu kinh tế chậm. Trình độ khoa học- công nghệ trong các ngành, lĩnh vực kinh tế nhìn chung thấp. Sản xuất nông nghiệp chưa gắn kết với bảo quản, chế biến, tiêu thụ; chất lượng và khả năng cạnh tranh của nhiều sản phẩm còn thấp, thị trường tiêu thụ không ổn định. Khu vực dịch vụ phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Các lĩnh vực dịch vụ công nghệ cao, giá trị gia tăng phát triển chậm; chi phí logistics cao so với nhiều nước trong khu vực và thế giới. Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế phát triển thiếu đồng bộ. Năng suất lao động thấp; xu hướng già hóa dân số nhanh. Chất lượng hiệu quả hoạt động của nền kinh tế còn thấp. Ngành công nghiệp chủ yếu là gia công, lắp ráp chiếm tỷ trọng lớn; hàm lượng giá trị gia tăng kết tinh trong sản phẩm chưa cao. Mục tiêu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại chưa thực hiện được. Thể chế KTTT định hướng XHCN chưa được hoàn thiện đồng bộ. Môi trường đầu tư kinh doanh chưa thực sự thông thoáng. Nội lực nền kinh tế chưa đủ mạnh. Hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế còn hạn chế; quy mô kim ngạch xuất khẩu còn nhỏ và lệ thuộc vào một số thị trường...

Trong giai đoạn 2021-2025, kinh tế Việt Nam được dự báo có nhiều thuận lợi và khó khăn đan xen. Đòi hỏi sự chuyển đổi nhanh hơn của mô hình tăng trưởng theo hướng tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả với động lực chính là khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo sẽ duy trì mức tăng trưởng cao và ổn định cho nền kinh tế. Phấn đấu đến năm 2030 đưa Việt Nam trở thành nước phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp.

Bài đăng trên Tạp chí Lịch sử Đảng (in) số 9/2022

1, 17. Đảng Cộng sản Việt Nam: Báo cáo Tổng kết một số vấn đề lý luận-thực tiễn qua 20 năm đổi mới (1986-2006), Nxb CTQG, H, 2005, tr. 49, 74

2, 27, 28. Xem: Hội đồng Lý luận Trung ương: 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Nxb CTQGST, H, 2020, tr. 112, 114, 120

3. Tổng cục Thống kê: “Tình hình kinh tế xã hội 2018”, https://www.gso.gov.vn/du-lieu-va-so-lieu-thong-ke/2019/04/thong-cao-bao-chi-ve-tinh-hinh-kinh-te-xa-hoi-quy-iv-va-nam-2018/, ngày 27-12-2018

4. “Tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam là điểm sáng trong khu vực và thế giới”, https://dangcongsan.vn/kinh-te/toc-do-tang-truong-kinh-te-viet-nam-la-diem-sang-trong-khu-vuc-va-the--gioi-547039.html, ngày 16-1-2020

5, 14, 18. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb CTQG, H, 2021, T. I, tr. 23, 61, 61

6. “Kinh tế Việt Nam năm 2020: một năm tăng trưởng đầy bản lĩnh”, https://www.gso.gov.vn/du-lieu-va-so-lieu-thong-ke/2021/01/kinh-te-viet-nam-2020-mot-nam-tang-truong-day-ban-linh/, ngày 14-1-2021

7. “Năm 2050, Việt Nam lọt top 20 trong bảng xếp hạng các nền kinh tế lớn nhất toàn cầu”, https://tapchitaichinh.vn/nghien-cuu-trao-doi/nam-2050-viet-nam-lot-top-20-trong-bang-xep-hang-cac-nen-kinh-te-lon-nhat-toan-cau-145575.html, ngày 31-10-2018

8. Dẫn theo: Hoàng Xuân Hòa: “Chủ động hội nhập kinh tế quốc tế sau 5 năm nhìn lại”, Tạp chí Cộng sản, số 150, 2019, tr. 25

9. Tổng cục Thống kê: Tổng quan tình hình kinh tế xã hội năm 2018, https://www.gso.gov.vn/default.aspx?tabid=382&idmid=2&ItemID=19041, ngày 27-7-2019

10, 19, 29. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb CTQGST, H, 2021, T. II, tr. 21, 43, 14

11. Các động lực tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021, https://www.gso.gov.vn/du-lieu-va-so-lieu-thong-ke/2022/01/cac-dong-luc-tang-truong-kinh-te-viet-nam-nam-2021/, ngày 4-1-2022

12. “Nông nghiệp tiếp tục là động lực tăng trưởng kinh tế trong năm 2022”, https://laodong.vn/kinh-doanh/nong-nghiep-tiep-tuc-la-dong-luc-tang-truong-kinh-te-trong-nam-2022-991311.ldo,  ngày 3-1-2022

13. Đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại “Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn”, H, ngày 7-9-2018

15. “Tổng quan phát triển kinh tế- xã hội giai đoạn 2016-2021 và một số vấn đề cử tri quan tâm”, https://quochoi.vn/UserControls/Publishing/News/BinhLuan/pFormPrint.aspx?UrlListProcess=/content/tintuc/Lists/News&ItemID=55705, ngày 14-5-2021

16. “Nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam trong tình hình mới”, https://tapchicongthuong.vn/bai-viet/nang-cao-chi-so-nang-luc-canh-tranh-quoc-gia-cua-viet-nam-trong-tinh-hinh-moi-89787.htm, ngày 4-7-2022

20. “Vị thế và cơ đồ kinh tế Việt Nam”, https://nhandan.vn/vi-the-va-co-do-kinh-te-viet-nam-post631311.html, ngày 10-1-2021

21. Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội: “Bản tin cập nhật thị trường lao động Việt Nam số 21, 2019

22. Xem: Tổng cục Thống kê: Niên giám thống kê năm 2017,  https://www.mpi.gov.vn/Pages/tinbai.aspx?idTin=42618&idcm=37

23. Tổng cục Thống kê: Niên giám thống kê năm 2019, https://www.gso.gov.vn/wp-content/uploads/2020/09/Nien-giam-thong-ke-day-du-2019.pdf, ngày 14-12-2020

24. Hải Vân: “Phát huy vai trò của khoa học và công nghệ trong phát triển kinh tế nhanh, bền vững”, http://www.tapchicongsan.org.vn/Home/kinh-te/2019/55000/Phat-huy-vai-tro-cua-khoa-hoc-va-cong-nghe-trong-phat.aspx, ngày  24-5-2019

25. Xem “Kinh tế số cơ hội để Việt Nam bứt phá”, https://trungtamwto.vn/chuyen-de/15044-kinh-teso-va-co-hoi-de-viet-nam-but-pha, ngày 9-3-2020

26. “Việt Nam nằm trong top đầu của ASEAN về tốc độ phát triển kinh tế số”, https://cand.com.vn/Khoa-hoc-Quan-su/viet-nam-nam-trong-top-dau-cua-asean-ve-toc-do-phat-trien-kinh-te-so-i654907/, ngày 25-5-2022

30. “Vượt qua khó khăn tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu năm 2021 về đích ngoạn mục” https://www.gso.gov.vn/du-lieu-va-so-lieu-thong-ke/2022/01/vuot-qua-kho-khan-xuat-nhap-khau-nam-2021-ve-dich-ngoan-muc/, ngày 17-1-2022

-32. Thông tấn xã Việt Nam: “Biển, đảo Việt Nam: Tiềm năng và lợi thế”, https://sonoivu.hanoi.gov.vn/thong-tin-tuyen-truyen/-/view_content/2386499-bien-dao-viet-nam-tiem-nang-va-loi-the.html, ngày 22-3-2018

33. Ngày Hàng hải thế giới năm 2018 với chủ đề “Vận tải biển - Cơ hội và thách thức”, https://www.mt.gov.vn/khcn/tin-tuc/56833/ngay-hang-hai-the-gioi-nam-2018-voi-chu-de-%E2%80%9Cvan-tai-bien---co-hoi-va-thach-thuc%E2%80%9D.aspx, ngày 27-9-2018

34. “Việt Nam và những cuộc đua vào tốp đầu thế giới: Kỳ tích FDI và vị thế trong 12 quốc gia thành công nhất thế giới”, https://laodong.vn/thoi-su/viet-nam-va-nhung-cuoc-dua-vao-top-dau-the-gioi-ky-tich-fdi-va-vi-the-trong-12-quoc-gia-thanh-cong-nhat-the-gioi-862964.ldo, ngày 17-12-2020

35.“Việt Nam: Điểm đến đầu tư của 140 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới”, https://mof.gov.vn/webcenter/portal/vclvcstc/pages_r/l/chi-tiet-tin?dDocName=MOFUCM200456, ngày 18-5-2021

36. “Nhìn lại nền kinh tế năm 2021 hướng tới năm 2022”, https://dangcongsan.vn/mung-dat-nuoc-doi-moi-mung-dang-quang-vinh-mung-xuan-nham-dan-2022/dang-dan-toc-va-mua-xuan/nhin-lai-nen-kinh-te-nam, ngày 30-1-2022.