Tóm tắt: Sau Hiệp định Geneve (21-7-1954), đất nước tạm thời chia làm 2 miền với hạn định là 2 năm phải hiệp thương, tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn đã phá hoại Hiệp định, âm mưu thực hiện chế độ thực dân mới ở miền Nam Việt Nam và chia cắt lâu dài nước Việt Nam, đi ngược lại khát vọng hòa bình, độc lập, thống nhất của dân tộc Việt Nam. Kẻ thù thẳng tay đàn áp phong trào yêu nước ở miền Nam với chính sách “tố cộng”, “diệt cộng”, hòng tiêu diệt phong trào đấu tranh cách mạng. Không còn con đường nào khác, dân tộc Việt Nam buộc phải chiến đấu chống đế quốc Mỹ xâm lược, giành thắng lợi trọn vẹn, ngày 30-4- 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Từ khóa: Chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ; Đảng Cộng sản Việt Nam; đường lối chống Mỹ, cứu nước

1. Âm mưu xâm lược Việt Nam của đế quốc Mỹ đã lộ rõ từ năm 1950, khi Mỹ can thiệp sâu vào chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp với ý đồ từng bước thay thế Pháp ở Việt Nam và Đông Dương. Ngày 19-3-1950, hàng chục vạn nhân dân Sài Gòn đã xuống đường biểu tình chống Mỹ. Sau thất bại của Pháp ở Điện Biên Phủ và việc ký Hiệp định Geneve, việc ra đi của Pháp là điều chắc chắn, Mỹ càng xúc tiến nhanh việc thay thế Pháp ở địa bàn chiến lược quan trọng này. Cần nhấn mạnh, kế hoạch quân sự Nava là chung của cả Pháp và Mỹ, trong đó chi phí vật chất phần lớn do Mỹ thực hiện trong năm 1953, 1954. Năm 1953, Phó Tổng thống Mỹ R.Nixon đã tới kiểm tra chiến trường Bắc Bộ (Ninh Bình). Mỹ không chỉ can thiệp, mà như lực lượng chỉ đạo cuộc chiến của Pháp.
Sự có mặt của Mỹ ở Việt Nam, thật sự xuất hiện một kẻ thù mới. Đại tướng Võ Nguyên Giáp báo cáo với Chủ tịch Hồ Chí Minh về chiến thắng Điện Biên Phủ: Chiến thắng lớn nhưng mới là bước đầu, phải tính tới kẻ thù mới lớn hơn. Nghị quyết HNTƯ 6, khóa II của Đảng (7-1954) đã phân tích tình hình và nêu rõ: “Đế quốc Mỹ là một trở lực chính ngăn cản việc lập lại hoà bình ở Đông Dương. Chúng đang ráo riết xúc tiến việc thành lập khối xâm lược Đông Nam Á, dùng Đông Dương làm bàn đạp để mở rộng chiến tranh xâm lược. Chúng cố giữ tình hình quốc tế căng thẳng để lợi dụng bán vũ khí kiếm lời, ráo riết chuẩn bị chiến tranh, uy hiếp hoà bình thế giới. Vì vậy, đế quốc Mỹ là kẻ thù chính của nhân dân yêu chuộng hoà bình thế giới, và hiện đang trở thành kẻ thù chính trực tiếp của nhân dân Đông Dương”1.
Ngày 28-4-1956, Quân đội viễn chinh Pháp rút khỏi miền Nam Việt Nam, chấm dứt hoàn toàn sự có mặt của binh lính Pháp ở Việt Nam sau 98 năm xâm lược. Đó cũng là thời điểm người Mỹ chính thức thay thế người Pháp ở miền Nam Việt Nam. Ngày 26-7-1956, Phó Tổng thống Hoa Kỳ R.Nixon tới Sài Gòn như một sự khẳng định vai trò của Mỹ đối với chế độ Sài Gòn và không thi hành điều khoản của Hiệp định Geneve về thống nhất nước Việt Nam, cự tuyệt mọi đề nghị của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa về hiệp thương tổng tuyển cử. Mỹ và chính quyền Sài Gòn ra sức khủng bố, đàn áp những người yêu nước ở miền Nam với chiến lược “tố cộng”, “diệt cộng”. Dù vậy, chế độ thực dân mới của Mỹ ở miền Nam vẫn rơi vào khủng hoảng, mâu thuẫn nội bộ, đáng chú ý là ngày 11-11-1960, Nguyễn Chánh Thi, Tư lệnh Lữ đoàn dù ngụy, cùng Phan Quang Đán làm đảo chính chống Ngô Đình Diệm, nhưng không thành. 
Khi chưa có Nghị quyết Trung ương 15, trước sự đàn áp của Mỹ và chính quyền Sài Gòn, nhiều vùng ở miền Nam, nhân dân đã nổi dậy đấu tranh vũ trang. Từ tháng 2 đến tháng 4-1959, nhân dân huyện Vĩnh Thạnh (Bình Định) nổi dậy. Ngày 28-8-1959, 16.000 nhân dân Trà Bồng (Quảng Ngãi) đánh đổ chính quyền địch ở 16 xứ. Trước đó, nhân dân Bác Ái (Ninh Thuận) nổi dậy đầu năm 1959. Ở Nam Bộ, lực lượng vũ trang Rạch Giá đánh Chi khu Xẻo Rô, ngày 24-9-1959. Lực lượng vũ trang cách mạng đánh địch ở Gò Quảng Cung, Kiến Phong (nay là tỉnh Đồng Tháp), ngày 26-9-1959. Đầu năm 1960, khi đã có Nghị quyết Trung ương 15, đã diễn ra phong trào Đồng khởi Bến Tre (17-1-1960), Tua Hai (Tây Ninh) ngày 25, 26-2-1960 và khắp Nam Bộ. Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời ngày 20-12-1960 đánh dấu sự phát triển mạnh mẽ của cách mạng miền Nam.
Tháng 1-1961, John F.Kennedy trở thành Tổng thống Hoa Kỳ đã đưa ra chiến lược Phản ứng linh hoạt. Để chống lại phong trào cách mạng ở miền Nam Việt Nam, Mỹ thực hiện chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” (Special war). Ngày 20-4-1961, Tổng thống Kennedy chỉ thị cho Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ R. McNamara đánh giá lại tình hình miền Nam Việt Nam và đề xuất các biện pháp chống cộng sản. Tổng thống Mỹ đã quyết định gửi sang miền Nam Việt Nam 400 lính thuộc lực lượng đặc biệt cùng 100 cố vấn quân sự Mỹ và cho phép tiến hành hoạt động gián điệp, phá hoại do CIA chỉ huy chống Bắc Việt Nam (11-5-1961)2. Tổng thống J. Kennedy đã lao sâu vào cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Cần nhớ rằng khi còn là Thượng nghị sĩ, Kennedy đã từng cản ngăn Tổng thống Mỹ D.Eisenhower không nên dính líu vào Việt Nam, nhưng khi trở thành Tổng thống, J. Kennedy lại đi theo vết xe tội ác của người tiền nhiệm. Trong thư gửi Tổng thống J. Kennedy, tháng 2-1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh kịch liệt tố cáo:
“Vì Mỹ mà đất nước chúng tôi bị chia cắt làm đôi; đồng bào miền Nam chúng tôi đang lâm vào tình trạng đau thương, nước sôi lửa bỏng. 
Vì Mỹ mà miền Nam Việt Nam có những tòa án phát xít, những luật lệ bạo ngược, những máy chém lưu động giết người khắp thành thị và thôn quê, có những trại giam khổng lồ giam cầm và tra tấn hàng chục vạn người, giết chết hàng vạn người yêu hòa bình và yêu Tổ quốc. 
Vì Mỹ mà có những sư đoàn quân lính với máy bay, xe tăng và đại pháo Mỹ đi càn quét liên miên, giết hại thường dân, đốt phá làng mạc”3.
Ngày 10-8-1961, quân Mỹ bắt đầu rải chất độc màu da cam Dioxin ở miền Nam Việt Nam. Đây là hành động chiến tranh tàn bạo, dã man, phi nhân tính, hủy diệt cuộc sống con người và môi trường sống, không chỉ một thế hệ mà rất nhiều thế hệ. Không gì có thể biện bạch cho hành động chiến tranh đó của Mỹ tiến công và hủy hoại cuộc sống của dân tộc Việt Nam.
Cũng cần lưu ý rằng, Tổng thống Pháp Charles de Gaulle, một đồng minh thân cận của Mỹ, từ bài học thất bại của Pháp ở Việt Nam, đã khuyên can Tổng thống Mỹ J. Kennedy không nên chống lại phong trào cách mạng và dân tộc Việt Nam. Ngày 29-8-1963, Tổng thống Pháp Charles de Gaulle đề nghị trung lập hóa miền Nam Việt Nam và ông công khai không ủng hộ cuộc chiến của Mỹ ở Việt Nam. Ngày 8-7-1964, Tổng thư ký Liên hợp quốc U Than kêu gọi triệu tập Hội nghị Geneve về Đông Dương và trao đổi trực tiếp giữa Hoa Kỳ và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Mỹ đã không quan tâm đến đề nghị đó.
Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ R. McNamara dưới thời Tổng thống J. Kennedy đã viết khi tổng kết những bài học về Việt Nam: “Tôi biết đôi điều về lịch sử cận đại của Đông Dương, đặc biệt là Việt Nam. Tôi biết rằng Hồ Chí Minh, một người cộng sản, đã bắt đầu những cố gắng nhằm giải phóng đất nước khỏi sự thống trị của Pháp sau chiến tranh thế giới thứ I. Tôi biết Nhật đã chiếm đóng nước này trong chiến tranh thế giới thứ II; tôi biết Hồ Chí Minh tuyên bố nền độc lập của Việt Nam sau khi Nhật Bản đầu hàng, nhưng Mỹ đã ngầm bằng lòng cho Pháp trở lại Đông Dương vì sợ rằng một sự rạn nứt Pháp-Mỹ có thể làm cho việc ngăn chặn Liên Xô bành trướng ở Châu Âu trở nên khó khăn hơn. Thực tế là trong thập kỷ sau đó, chúng ta đã phải bao cấp cho hoạt động quân sự của Pháp chống lại các lực lượng của ông Hồ, được người Trung Quốc hậu thuẫn. Tôi biết rằng Mỹ coi Đông Dương là một bộ phận cần thiết trong chính sách ngăn chặn của chúng ta-một bức tường thành quan trọng trong chiến tranh lạnh”4.
Ông R. McNamara còn nói rõ sự thật về ý đồ và chính sách của Mỹ với Đông Dương và Việt Nam: “Tôi cũng biết rằng chính quyền Eisenhower đã đồng ý với quan điểm của chính quyền Truman rằng việc Đông Dương rơi vào tay chủ nghĩa cộng sản sẽ đe dọa an ninh của Mỹ. Mặc dù dường như không sẵn sàng đưa các lực lượng chiến đấu của Mỹ vào khu vực, chính quyền này lại lên giọng cảnh cáo về mối đe dọa cộng sản ở đó một cách rõ ràng và thường xuyên. Vào tháng 4-1954, Tổng thống Eisenhower đưa ra lời tiên đoán nổi tiếng rằng nếu Đông Dương sụp đổ, phần còn lại của Đông Nam Á sẽ “sụp đổ rất nhanh” như “những quân bài Domino”. Ông còn thêm rằng “những hậu quả có thể xảy ra của mất mát này là không thể tính được đối với thế giới tự do”. Vào năm đó, đất nước chúng ta thay Pháp đảm trách việc bảo vệ Nam Việt Nam theo đường phân giới năm 1954. Chúng ta cũng đồng thời đàm phán Hiệp ước Đông Nam Á (SEATO). Mỹ cam kết sẽ bảo vệ Đông Dương một cách có điều kiện. Và từ năm 1955-1961, chúng ta đã bơm hơn 7 tỷ đôla viện trợ kinh tế và quân sự vào Nam Việt Nam”5.
Rõ ràng, Chiến tranh lạnh (Cold war) do Thủ tướng Anh Winston Churchill và Tổng thống Mỹ Harry S. Truman khởi xướng tháng 3-1946, nhằm chống CNCS, các nước XHCN, đã chi phối toàn bộ chính sách chống cộng của Mỹ từ Harry S. Truman đến Dwight D. Eisenhower, John F. Kennedy và các đời Tổng thống tiếp theo cho đến khi chiến tranh lạnh kết thúc năm 1991. Họ đã cường điệu nguy cơ cộng sản để che đậy âm mưu và lợi ích của chính nước Mỹ, che đậy hành vi xâm lược chống lại nền độc lập và lợi ích chân chính của các dân tộc khác.
Chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ ở miền Nam Việt Nam mà cốt lõi là sử dụng đôla và vũ khí Mỹ xây dựng và trang bị cho ngụy quân, ngụy quyền đủ sức là công cụ chống cộng sản, đồng thời lập hệ thống ấp chiến lược để cô lập lực lượng cách mạng khỏi quần chúng nhân dân. Chiến lược đó được thực hiện suốt những năm 1961-1965 nhưng đã không mang lại kết quả. Hệ thống ấp chiến lược bị chính nhân dân phá vỡ. Ngụy quân không thể đương đầu với quân giải phóng. Chính quyền Sài Gòn khủng hoảng, Mỹ phải thực hiện cuộc đảo chính ngày 1-11-1963, Tổng thống Ngô Đình Diệm và cố vấn Ngô Đình Nhu bị giết.
Ngày 22-11-1963, Tổng thống Hoa Kỳ J. Kennedy bị ám sát. Phó Tổng thống Lyndon B. Johnson lên làm Tổng thống. Tổng thống L. Johnson đã đẩy cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam lên nấc thang mới rất nguy hiểm.
Một là, chính quyền Mỹ dựng lên cái gọi là “sự kiện Vịnh Bắc Bộ” phát động cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân đối với miền Bắc Việt Nam. 
Sự thật là, ngày 30-7-1964, tàu chiến Hoa Kỳ bắn phá đảo Hòn Ngư (Nghệ An) và Hòn Mê (Thanh Hóa). Ngày 2-8-1964, Khu trục hạm Maddox của Hoa Kỳ xâm phạm vùng biển nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Vịnh Bắc Bộ, tàu chiến của Hải quân nhân dân Việt Nam chặn đánh. Ngày 4-8-1964, Mỹ tung tin Hải quân Việt Nam tấn công tàu chiến Hoa Kỳ ở Vịnh Bắc Bộ. Lấy cớ đó, không quân Mỹ ném bom một số địa điểm của miền Bắc Việt Nam. Ngày 7-8-1964, Quốc hội Mỹ thông qua “Nghị quyết Vịnh Bắc Bộ”. Ngày 20-9, Tổng thống L. Johnson quyết định các biện pháp chống miền Bắc Việt Nam bằng không quân, hải quân và tăng cường hoạt động chính trị, quân sự ở miền Nam Việt Nam. Từ ngày 7-2-1965, Mỹ ồ ạt đánh phá miền Bắc Việt Nam bằng không quân và hải quân. Đó là cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất (The first of destruction).
Hai là, ngày 8-3-1965, Mỹ đưa đơn vị chiến đấu đầu tiên của quân đội Hoa Kỳ gồm 3.500 lính thủy đánh bộ đổ bộ lên Đà Nẵng và Chu Lai, bắt đầu tiến hành cuộc Chiến tranh cục bộ (Local war) ở Việt Nam.
Viết về “Nghị quyết Vịnh Bắc Bộ” của Quốc hội Hoa Kỳ ngày 7-8-1964, sau này ông R. McNamara viết: “Quốc hội công nhận quyền lực to lớn mà bản nghị quyết đó đã trao cho Tổng thống Johnson, nhưng lại không nhận thức được rằng nghị quyết này về thực chất là sự tuyên chiến và cũng không có ý định sử dụng như nó đang được sử dụng là cho phép triển khai số lượng khổng lồ lực lượng quân sự của Mỹ ở Việt Nam từ 16.000 cố vấn quân sự lên 550.000 quân chiến đấu”6.
“Trong thời kỳ định mệnh này, Johnson đã khởi xướng cuộc ném bom Bắc Việt Nam và đưa lục quân Mỹ vào Nam Việt Nam, đưa tổng số quân Mỹ từ 23.000 đến 175.000, với khả năng đưa thêm 100.000 quân nữa vào năm 1966 và sau đó thậm chí nhiều hơn nữa. Tất cả mọi chuyện này đều xảy ra mà không có sự công bố hoặc tranh luận công khai đầy đủ, gieo mầm cho sự khủng hoảng niềm tin, điều đã làm suy yếu nước Mỹ về sau này”7.
Số quân Mỹ tham chiến ở miền Nam Việt Nam: năm 1965: 184.300; năm 1966: 410.000; năm 1967: 485.600; năm 1969: 543.400. Từ năm 1970, số quân Mỹ giảm dần: năm 1970: 474.000; năm 1971: 335.000; năm 1972: 184.0008.
Cùng với quân Mỹ còn có quân các nước phụ thuộc Mỹ ở miền Nam Việt Nam từ tháng 9-1964 đến năm 1973: Nam Triều Tiên (South Korea): 50.000 quân (đến từ tháng 9-1964, rút quân ngày 29-3-1973). Thái Lan: 13.000 quân (đến từ tháng 7-1966, rút quân tháng 2-1972). Australia: 7.000 quân (đến từ tháng 9-1964, rút  quân tháng 12-1972). Philippines: 2.000 quân, (đến từ tháng 4-1965, rút quân ngày 29-3-1973). New Zealand: 600 quân (đến từ tháng 7-1965, rút quân tháng 12-1972). Tổng số quân của các nước phụ thuộc Mỹ tham chiến ở miền Nam Việt Nam là 72.6009.
 
2.  Dân tộc Việt Nam rất yêu chuộng hòa bình nhưng đã buộc phải cầm vũ khí chống xâm lược để bảo vệ quyền sống với chân lý Không có gì quý hơn độc lập, tự do. Chiến thắng liên tiếp của quân và dân Việt Nam chống quân xâm lược Mỹ ở Núi Thành (Quảng Nam) 5-1965, Vạn Tường (Quảng Ngãi) 8-1965, mùa khô 1965-1966, mùa khô 1966-1967, đặc biệt là cuộc Tổng tiến công, nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 đã làm thất bại “Chiến tranh cục bộ” của Mỹ. Tổng thống Mỹ L. Johnson phải chấp nhận đàm phán hòa bình ở Paris từ ngày 13-5-1968, chấm dứt ném bom miền Bắc ngày 1-11-1968, Phi Mỹ hóa chiến tranh Việt Nam (de-Americanization), rút dần quân Mỹ về nước.
Tháng 1-1969, Richard M. Nixon trở thành Tổng thống Hoa Kỳ. Ông đề ra học thuyết mang tên ông và thực hiện chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” (Vietnamization of the war), thực chất là đẩy mạnh chiến tranh xâm lược của Mỹ bằng người Việt Nam (ngụy quân, ngụy quyền). Một nhân vật của nước Mỹ lúc đó đã nói thẳng rằng, đó là “thay màu da trên xác chết”. Với các chiến thắng của quân, dân Việt Nam trong Chiến dịch Đường 9-Nam Lào (1971), Xuân-Hè 1972, quân ngụy Sài Gòn không thể đứng vững, buộc Mỹ phải Mỹ hóa trở lại chiến tranh. Mỹ phát động cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai chống miền Bắc Việt Nam (The second war of destruction) mà đỉnh cao là dùng máy bay B.52 hủy diệt Hà Nội trong 12 ngày đêm cuối năm 1972; rải thủy lôi phong tỏa Cảng Hải Phòng năm 1972.
Với thất bại nặng nề, Mỹ chấp nhận ký Hiệp định Paris và ngày 29-1-1973 và rút hết quân Mỹ về nước ngày 29-3-1973. Điều 1 Hiệp định về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam (văn bản ký hai bên), thay mặt Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh và thay mặt Chính phủ Hoa Kỳ, Bộ trường Ngoại giao William P.Rogers ký, đã ghi rõ: “Hoa Kỳ và các nước khác tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam như Hiệp định Geneve năm một nghìn chín trăm năm mươi tư về Việt Nam đã công nhận”10.
Điều mà Hiệp định Geneve (7-1954) công nhận đã không được Hoa Kỳ tôn trọng, thực hiện và đã lao sâu vào cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, để cuối cùng chấp nhận thất bại và phải cam kết thực hiện những điều hiển nhiên của 19 năm trước. Hiệp định Paris là thắng lợi rất quan trọng của nhân dân Việt Nam về chính trị, ngoại giao và pháp lý, cũng là thắng lợi của độc lập, hòa bình và dân chủ trên thế giới.
Dù đã rút quân đội viễn chinh về nước (29-3-1973), Mỹ vẫn tiếp tục thực hiện chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, tiếp tục viện trợ kinh tế và quân sự cho chính quyền Sài Gòn cùng với lực lượng vật chất, khối lượng vũ khí, phương tiện chiến tranh Mỹ để lại cho chính quyền Sài Gòn đủ sức chống phá phong trào cách mạng trong nhiều năm. Từ bài học của các Tổng thống tiền nhiệm, Tổng thống Hoa Kỳ Gerald R.Ford thay Tổng thống R.Nixon từ chức ngày 9-8-1974, đã quyết định Mỹ không trở lại Việt Nam. Dân tộc Việt Nam giành toàn thắng ngày 30-4-1975, thống nhất đất nước, cũng kết thúc “tấn thảm kịch” của Mỹ ở Việt Nam. Trong tác phẩm của mình với tư cách người trong cuộc, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ R.McNamara nêu rõ: “Có 11 nguyên nhân chính gây ra thảm họa của chúng ta tại Việt Nam” trong đó, ông nhấn mạnh nguyên nhân thứ 3: “Chúng ta đánh giá thấp sức mạnh của chủ nghĩa dân tộc thúc đẩy một dân tộc (trong trường hợp này là Bắc Việt Nam và Việt cộng) đấu tranh và hy sinh cho lý tưởng và các giá trị của nó, và cho đến nay, chúng ta vẫn tiếp tục đánh giá thấp chủ nghĩa dân tộc ở nhiều nơi trên thế giới”11.
Nhắc lại sự thật lịch sử không phải để hận thù mà để nhận thức đúng bản chất của cuộc chiến tranh xâm lược, phi nghĩa của đế quốc Mỹ ở Việt Nam, phê phán, bác bỏ những luận điệu sai trái, xuyên tạc, thù địch về chiến tranh Việt Nam. Bài học lớn nhất của các quốc gia, dân tộc là cần tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản của các nước khác như giữ gìn lợi ích của chính nước mình, ứng xử trung thực, tôn trọng lẽ phải, thân thiện, vì hòa bình, hợp tác và cùng phát triển.


1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2001, T. 15, tr. 225
2. Ngoại giao Việt Nam 1945-2000, Nxb CTQG, H, 2002, tr. 480
3. Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, T. 13, tr. 33
4, 5, 6, 7, 11. Robert S.Mc Namara: Nhìn lại quá khứ Tấn thảm kịch và những bài học về Việt Nam, Nxb CTQG, H, 1995, tr. 43, 43-44, 136, 173, 316
8, 9. Ban Chỉ đạo Tổng kết chiến tranh trực thuộc Bộ Chính trị: Chiến tranh cách mạng Việt Nam 1945-1975-Thắng lợi và bài học, Nxb CTQG, H, 2000, tr. 503, 506
10. Bộ Ngoại giao: Mặt trận ngoại giao với cuộc đàm phán Paris về Việt Nam, Nxb CTQG, H, 2004, tr. 481.