Tóm tắt: Xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh trên địa bàn Quân khu 2 vững chắc cả về tiềm lực, lực lượng và thế trận nhằm sẵn sàng chủ động bảo vệ vững chắc địa phương, Tổ quốc “từ sớm, từ xa” trong mọi tình huống, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá - hiện đại hoá và hội nhập quốc tế của đất nước là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của các địa phương. Để thực hiện nhiệm vụ này, các tỉnh đã tập trung chăm lo xây dựng khu vực phòng thủ đồng bộ, toàn diện tất cả các tiềm lực, lực lượng và thế trận đặc biệt là xây dựng tiềm lực chính trị- tinh thần.
Từ khóa: Khu vực phòng thủ tỉnh; Quân khu 2; tiềm lực chính trị - tinh thần

Từ khoá: Khu vực phòng thủ; Quân khu 2; xây dựng tiềm lực chính trị

1. Sự cần thiết và nội dung xây dựng tiềm lực chính trị - tinh thần trong khu vực phòng thủ tỉnh trên địa bàn Quân khu 2

Quân khu 2 nằm ở phía Tây Bắc của Tổ quốc, gồm 9 tỉnh: Hà Giang, Tuyên Quang, Lai Châu, Sơn La, Điện Biên, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, trong đó 8/9 tỉnh là tỉnh miền núi, 5 tỉnh miền núi, biên giới (Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La), với tổng diện tích tự nhiên 65.352 km2­, trong đó miền núi chiếm khoảng 90,1%, trung du và đồng bằng chiếm 9,9%. Phía Bắc Quân khu gồm các tỉnh Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu và một phần tỉnh Điện Biên, có chung đường biên giới với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) dài khoảng 784,5 km. Phía Tây Quân khu là tỉnh Sơn La và một phần tỉnh Điện Biên có chung đường biên giới với Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào thuộc 3 tỉnh: Hủa Phăn, Luông Pha Băng và Phong Sa Lỳ, dài khoảng 664,5 km. Phía Đông và Nam Quân khu, tiếp giáp với Quân khu 1 và Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Quân khu 3 và Quân khu 4, hình thành thế bố trí chiến lược hoàn chỉnh bảo vệ phía Tây Bắc của Thủ đô Hà Nội. Đây là khu vực giữ vị trí địa - chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại rất quan trọng ở khu vực phía Bắc và Tây Bắc của đất nước.

Quân khu 2 là địa bàn có nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, nhất là các vùng đồng bào dân tộc thiểu số thấp hơn so với mức trung bình của cả nước; khả năng huy động các nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng, an ninh hạn chế. Mặt khác, Quân khu 2 còn là địa bàn có nhiều thành phần dân tộc, tôn giáo, rất nhạy cảm về chính trị, các thế lực thù địch ở trong nước và nước ngoài luôn tìm cách thâm nhập vào địa bàn này để chống phá Đảng và Nhà nước.

Về khu vực phòng thủ (KVPT) Luật Quốc phòng năm 2018 xác định: Khu vực phòng thủ là bộ phận hợp thành phòng thủ quân khu, bao gồm các hoạt động về chính trị, tinh thần, kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học, công nghệ, quân sự, an ninh, đối ngoại; được tổ chức theo địa bàn cấp tỉnh, cấp huyện, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, lấy xây dựng cấp xã làm nền tảng để bảo vệ địa phương1. Đối với KVPT tỉnh trên địa bàn Quân khu 2 là việc tổ chức quốc phòng, an ninh theo địa giới hành chính của các tỉnh trên địa bàn Quân khu 2, gồm hệ thống khu vực phòng thủ cấp huyện, hệ thống cấp xã chiến đấu, nhằm tạo sức mạnh tổng hợp về quốc phòng, an ninh trên địa bàn từng tỉnh, phòng chống chiến lược “Diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ và sẵn sàng đánh bại hành động xâm lược của địch, bảo vệ vững chắc địa phương trong mọi tình huống.

Nội dunh xây dựng KVPT cấp tỉnh trên đại bàn Quân khu 2, bao gồm tiềm lực về mọi mặt, lực lượng và thế trận, trong đó tiềm lực chính trị - tinh thần (CTTT) giữ vị trí nền tảng, là nhân tố nền móng, tạo ra cái gốc vững chắc để xây dựng KVPT vững mạnh đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương, đất nước.

Khi bàn về vai trò của nhân tố CTTT trong chiến tranh, V.I. Lênin đã chỉ rõ: “Trong mọi cuộc chiến tranh, rốt cuộc thắng lợi đều tuỳ thuộc vào tinh thần của quần chúng đang đổ máu trên chiến trường”2.

Sinh thời,  Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đặc biệt quan tâm đến sức mạnh của nhân tố CTTT. Người nhấn mạnh, nhân tố CTTT là một thành phần không thể thiếu tạo nên sức mạnh tổng hợp, giữ vai trò làm nền tảng, quyết định nhất tới sự lớn mạnh của nền quốc phòng toàn dân. Theo Người, sức mạnh CTTT biểu hiện rõ nét nhất bản chất ưu việt của chế độ ta, đó là: “Lòng yêu nước nồng nàn, sự thống nhất về tinh thần và chính trị của nhân dân và quân đội xung quanh Đảng”3 là nhân tố quyết định để chúng ta “vượt qua những thử thách, khó khăn không tưởng tượng được và tạo điều kiện về chính trị, kinh tế và quân sự để chiến thắng”4. Do đó, Hồ chí Minh nhấn mạnh phải thường xuyên chăm lo xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, phát huy vai trò quản lý, điều hành của Nhà nước đối với công tác quốc phòng toàn dân, tạo sự đồng thuận xã hội, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân trên nền tảng liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và tầng lớp  trí làm nòng cốt, coi trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho nhân dân.

2. Kết quả xây dựng tiềm lực chính trị - tinh thần trong khu vực phòng thủ tỉnh trên địa bàn Quân khu 2

Trong 10 năm (2013-2023), thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW, ngày 25-10-2013 “về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, Nghị định số 21-2019-NĐ-CP ngày 22-2-2019 của Chính phủ về khu vực phòng thủ, việc xây dựng tiềm lực CTTT trong KVPT tỉnh trên địa bàn Quân khu 2 đã tập trung vào những nội dung sau:

(1) Xây dựng hệ thống chính trị các cấp trong sạch, vững mạnh; nâng cao nâng lực lãnh đạo, quản lý điều hành và tổ chức thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, tạo sức mạnh về tiềm lực CTTT trong KVPT tỉnh; (2) Giáo dục bồi dưỡng kiến thức quốc phòng – an ninh cho cán bộ công chức và toàn dân trong KVPT tỉnh; (3) Thực hiện chính sách xã hội ở địa phương trong KVPT tỉnh; (4) Thực hiện tốt chính sách dân tộc, tôn giáo, kiên quyết đấu tranh làm thất bại âm mưu lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để chống phá của các thế lực thù địch; (5) Phát triển công tác đối ngoại nhân dân ở các địa phương thuộc KVPT có chung đường biên giới với các nước láng giềng theo quan điểm đường lối đối ngoại của Đảng.

Qua đó, công tác xây dựng tiềm lực CTTT trong khu vực phòng thủ tỉnh trên địa bàn Quân khu 2 đã đạt được nhiều kết quả cụ thể như sau:

Một là, nhận thức, trách nhiệm của các chủ thể, lực lượng tham gia xây dựng tiềm lực chính trị - tinh thần trong khu vực phòng thủ tỉnh trên địa bàn Quân khu 2 ngày càng được nâng lên

Dưới sự lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng, sự quản lý, điều hành của chính quyền, hệ thống chính trị các cấp, nhân dân các tỉnh trên địa bàn Quân khu 2 có sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức nhiệm vụ xây dựng KVPT nói chung, xây dựng tiềm lực CTTT trong KVPT nói riêng. Tất cả các tỉnh ủy trên địa bàn Quân khu 2 đã xây dựng kế hoạch tổ chức học tập, quán triệt và xây dựng chương trình hành động thực hiện NQTƯ 8, khóa XI và tổ chức thực hiện Nghị định số 21/2019/NĐ-CP, ngày 22-2-2019, của Chính phủ về khu vực phòng thủ; chỉ đạo cấp ủy các cấp tập trung quán triệt, triển khai sâu rộng chủ trương của Trương ương trong toàn đảng bộ. Trong quá trình đó, các tỉnh đã tổ chức hội nghị cán bộ chủ chốt; mời báo cáo viên là lãnh đạo cơ quan Trung ương trực tiếp giới thiệu. Qua học tập, đã làm chuyển biến căn bản về nhận thức của cấp ủy, chính quyền, đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; hiểu rõ hơn về mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ và giải pháp xây dựng và hoạt động KVPT; nâng cao cảnh giác với âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, phản động. Đánh giá về vấn đề này, năm 2018, đồng chí Phùng Sỹ Tấn, Tư lệnh Quân khu 2 đã khẳng định: “Làm tốt công tác tuyên truyền về hoạt động của lực lượng vũ trang Quân khu và các địa phương; thực hiện tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ, chủ động phòng ngừa đấu tranh ngăn chặn các quan điểm sai trái, không để địch cài cắm, móc nối, kết quả 100% các đơn vị an toàn về chính trị”5.

Hai là, nội dung xây dựng tiềm lực chính trị - tinh thần trong khu vực phòng thủ tỉnh trên địa bàn Quan khu 2 được triển khai toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm và đã đạt được những kết quả quan trọng

Tỉnh ủy chính quyền các tỉnh trên địa bàn đã quán triệttriển khai, thực hiện nhiều giải pháp nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho nhân dân dân về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân, gắn với nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân. Nhờ đó, nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và nhân dân về vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng đối với nhiệm vụ xây dựng KVPT trên địa bàn được nâng lên.

Hội đồng giáo dục quốc phòng, an ninh các tỉnh đã tổ chức bồi dưỡng, giáo dục kiến thức quốc phòng, an ninh cho các đối tượng bảo đảm đúng nội dung, chương trình, đạt chỉ tiêu; trong đó 100% các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề, trung học phổ thông tổ chức thực hiện tốt môn học giáo dục quốc phòng, an ninh. Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức quốc phòng, an ninh cho toàn dân trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của công dân trong nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân ngày càng vững chắc. Trong 3 năm (2020 - 2023), các tỉnh trên địa bàn Quân khu 2 đã mở 2.529 lớp bồi dưỡng kiến thức quốc phòng cho 2.167.436 lượt người cho các đối tượng6. Trong đó các tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Tuyên Quang là những địa phương đạt được nhiều kết quả nổi bật trong công tác bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh. Đánh giá về nội dung này, năm 2020, Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân khu 2, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã cho rằng: “Công tác bồi dưỡng kiến thức quốc phòng an ninh cho các đối tượng, giáo dục quốc phòng, an ninh trong các nhà trường và giáo dục quốc phòng toàn dân được đẩy mạnh, nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên, học sinh, sinh viên và các tầng lớp nhân dân về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc được nâng lên7.

Các tỉnh đã triển khai và thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án, dự án nhằm quan tâm, chăm lo phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Tại tỉnh Điện Biên, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp tăng cường lãnh đạo giáo dục truyền thống lịch sử, văn hoá dân tộc, nhất là cho thế hệ trẻ. Đẩy mạnh phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa mới ở khu dân cư. Quan tâm công tác bảo tồn, khôi phục lễ hội truyền thống, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa các di tích lịch sử, giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, khích lệ sáng tạo các giá trị văn hóa mới, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại8, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc.

Ba là, kết quả xây dựng tiềm lực chính trị - tinh thần trong khu vực phòng thủ ở các tỉnh trên địa bàn Quân khu 2 đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ địa phương trong tình hình mới

Các tỉnh trên địa bàn Quân khu 2 đã có nhiều giải pháp xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, giữ vững và tăng cường vai trò, hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng; quản lý, điều hành của chính quyền đáp ứng ngày càng tốt hơn nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng KVPT.

Tổ chức tốt phong trào toàn dân tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân, nền biên phòng toàn dân và bảo vệ an ninh Tổ quốc; đặc biệt trên các địa bàn trọng điểm, tuyến biên giới. Hiện thực hoá đường lối, quan điểm của Đảng về công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế, nhất là đối ngoại quốc phòng, đối ngoại nhân dân. Đánh giá về vấn đề này, năm 2018, đồng chí Phùng Sỹ Tấn, Tư lệnh Quân khu 2 đã cho rằng: Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu phối hợp với tỉnh ủy, ủy ban nhân dân các tỉnh thực hiện tốt công tác đối ngoại nhân dân ở các địa phương có biên giới, quan hệ quốc phòng ngày càng được mở rộng, đi vào chiều sâu, mang lại hiệu quả thiết thực, thông qua nhiều hoạt động như trao đổi đoàn, giao ban định kỳ, kết nghĩa, phối hợp phòng chống tội phạm, xử lý các vấn đề nảy sinh trên tuyến biên giới, tổ chức tuần tra song phương, trao đổi thông tin… đặc biệt là tổ chức giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt Nam - Trung Quốc hàng năm, sự giúp đỡ của các địa phương và Quân khu với bạn Lào trong xây dựng cơ sở chính trị và đạo tạo, bồi dưỡng cán bộ9.  

Những điển hình kết nghĩa giữa các địa phương, đơn vị và nhân dân trong KVPT được nhân rộng, góp phần tăng cường tiềm lực trong việc bảo vệ vững chắc địa phương, Tổ quốc từ xa, từ sớm, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển địa phương ngày càng giàu mạnh.

Công tác dân vận bám sát cơ sở, tích cực tham gia phong trào “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”, giúp dân xóa đói giảm nghèo khắc phục hậu quả thiên tai, góp phần xây dựng thế trận lòng dân vững chắc, trong đó đã “hỗ trợ xây dựng đồng đội 204 nhà; tặng quà cho quân nhân có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt 358 lượt đồng chí; hỗ trợ nhân dân bị thiên tai, hỏa hoạn 256 lượt; tặng 40 sổ tiết kiệm cho Mẹ Việt Nam anh hùng”10. Các tỉnh trên địa bàn Quân khu 2 chú trọng xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ, đảng viên, đưa trí thức trẻ về công tác ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng đặc biệt khó khăn  kiện toàn hệ thống chính trị cơ sở: “củng cố kiện toàn 1984 tổ chức đảng, xóa 35 bản trắng chưa có chi bộ, tham gia xây dựng cơ sở chính trị vùng đồng bào dân tộc 1369 cơ sở; vùng tôn giáo 788 cơ sở; vùng biên giới 521 cơ sở; cơ sở có vụ việc phức tạp 294; xây dựng củng cố được 7.506 đoàn thể chính trị - xã hội”11.

Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn có những tồn tại, hạn chế trong công tác xây dựng tiềm lực CTTT khu vực phòng thủ cấp tỉnh:

Một là, nhận thức của một số chủ thể, lực lượng tham gia xây dựng tiềm lực CTTT khu vực phòng thủ cấp tỉnh trên địa bàn Quân khu 2 chưa phát huy hết vai trò trách nhiệm. Năng lực lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện của một số cấp ủy, chính quyền, cơ quan đối với công tác quân sự, quốc phòng và an ninh ở một số địa phương chưa ngang tầm với nhiệm vụ, nhất là nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội gắn với quốc phòng - an ninh trong KVPT. Các địa phương “chưa có cơ chế chính sách cụ thể để thúc đẩy phát triển mô hình kinh tế theo hướng lưỡng dụng; quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội một số nội dung chưa gắn với quốc phòng - an ninh; sắp xếp dân cư chậm so với quy hoạch”12.

Hai là, một số nội dung xây dựng tiềm lực CTTT khu vực phòng thủ cấp tỉnh trên địa bàn Quân khu 2 chưa thật sự toàn diện và vững chắc, trong đó việc quán triệt, tổ chức, triển khai thực hiện các nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước về quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc có lúc, có nơi hiệu quả chưa cao. Công tác nắm tình hình, dự báo chiến lược về quốc phòng, an ninh có lúc chưa thật chủ động. An ninh trên một số địa bàn, lĩnh vực chưa thật vững chắc, còn tiềm ẩn phức tạp, nhất là an ninh mạng, an ninh trong đầu tư nước ngoài; nhiều yếu tố ảnh hưởng đến an ninh, an toàn con người chưa được quan tâm giải quyết triệt để; xử lý khiếu kiện đông người về đất đai và một số tình huống phức tạp nảy sinh ở một số địa bàn cơ sở có lúc, có nơi còn bị động, lúng túng. Việc kết hợp kinh tế, văn hoá, xã hội với quốc phòng, an ninh ở một số địa phương, đơn vị thiếu hiệu quả, còn biểu hiện chủ quan, mất cảnh giác, nặng về lợi ích kinh tế đơn thuần, trước mắt.

Đánh giá về những hạn chế trên, đồng chí Phùng Sỹ Tấn, Tư lệnh Quân khu 2 cho rằng: “Vai trò phối hợp giữa lực lượng quân sự, công an, lực lượng chức năng ở địa phương trong nắm tình hình, tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền địa phương có thời điểm chưa được phát huy; tính chủ động, sáng tạo của cấp ủy, cán bộ chủ trì nhất là cấp cơ sở còn hạn chế, trông chờ, ỷ lại vào cấp trên”13.

Ba, kết quả xây dựng tiềm lực CTTT trong khu vực phòng thủ của các tỉnh trên địa bàn Quân khu 2 có mặt còn hạn chế, bất cập so với mục tiêu, yêu cầu đề ra. Trong đó, hoạt động của Hội đồng giáo dục quốc phòng và an ninh của một số địa phươngthời điểm còn hình thức, hiệu quả thấp; chất lượng giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho đối tượng 4, học sinh, sinh viên, đồng bào vùng sâu, vùng xa còn hạn chế. Theo báo cáo của Ủy ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc: “Hoạt động của Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninhcấp xã có thời điểm chất lượng, hiệu quả chưa cao; hình thức, phương pháp phổ biến kiến thức quốc phòng toàn dân nhiều nội dung chưa đổi mới, thiếu tính thực tế14.

Thực hiện chính sách xã hội, chính sách với người có công và thương bệnh binh, gia đình liệt sĩ có nơi chưa chặt chẽ còn để xảy ra những tiêu cực; thực hiện đối ngoại nhân dân của một số địa phương còn hạn chế. Công tác phối hợp tuyên truyền vận động nhân dân trong đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm, di dịch dân cư tự do, truyền và học đạo trái pháp luật, tranh chấp đất đai có mặt còn hạn chế. Tại tỉnh Điện Biên, tình hình tệ nạn xã hội, một số loại tội phạm còn diễn biến phức tạp, nhất là tội phạm về mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Xây dựng tiềm lực CTTT trong KVPT tỉnh trên địa bàn Quân khu 2 nhằm tạo ra sức mạnh tổng hợp, sẵn sàng chủ động đối phó với mọi tình huống bảo vệ địa phương và Tổ quốc “từ sớm, từ xa”, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước và hội nhập quốc tế. Hiện nay, các thế lực thù địch với những âm mưu và thủ đoạn khác nhau đang ra sức chống phá cách mạng Việt Nam thông qua chiến lược “Diễn biến hòa bình” nhằm tạo cớ can thiệp vũ trang vào Việt Nam. Vì vậy, cả hệ thống chính trị và nhân dân các tỉnh trên địa bàn Quân khu 2 phải tiếp tục triển khai thực hiện xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc, trong đó phải đặc biệt quan tâm thực hiện đầy đủ các nội dung xây dựng tiềm lực CTTT trong KVPT tỉnh, trước hết là phải trập trung khắc phục những hạn chế nêu trên, góp phần xây dựng tỉnh thành KVPT vững chắc, bảo vệ vững chắc địa phương và Tổ quốc Việt Nam XHCN trong mọi tình huống.

 

 Ngày nhận 14-9-2024 ; ngày thẩm định 15-11-2024 ; ngày duyệt đăng: 18-12-2024

 

1. https://luatvietnam.vn/an-ninh-quoc-gia/luat-quoc-phong-nam-2018-164725-d1.html

2. V.I. Lênin Toàn tập, tập 41, Nxb CTQG, H, 2005, tr. 147

3, 4. Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, H,  2011, T. 10, tr. 110, 111

5, 9; 10, 11, 12, 13. Phùng Sỹ Tấn: “Về vài trò của Ban chỉ đạo Quân khu 2 với khu vực phòng thủ các tỉnh; nguyên nhân mạnh, yếu và kiến nghị đề xuất: Kỷ yếu Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 22/9/2008 của Bộ Chính trị (Khóa X) về tiếp tục xây dựng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành khu vực phòng thủ vững chắc trong tình hình mới, Bộ Quốc phòng, H, 2018, tr. 127-128, 128, 127, 127, 130, 130

6. Tác giả tổng hợp từ số liệu do Cục Chính trị Quân khu 2 cung cấp tháng 12-2023

7. Đảng bộ Quân khu 2: Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân khu lần thứ IX, nhiệm kỳ 2020 – 2025, Phú Thọ, 2020, tr.10

8. Ủy ban nhân dân Tỉnh ủy Điện Biên:Báo cáo số 241-BC/TU ngày 09/3/2023 tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khoá XI về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, Điện Biên, 2023, tr.20

14. Ủy ban nhân dân Tỉnh Vĩnh Phúc: Báo cáo số 57 /BC-UBND 20/12/2022 Kết quả thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương năm 2022; phương hướng, nhiệm vụ năm 2023”, Vĩnh Phúc, 2022, tr. 10.