Tóm tắt: Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ (1945-1975), Đảng bộ tỉnh Gia Lai (Đảng bộ tỉnh Gia-Kon trong những năm 1950-1954) đã tập trung lãnh đạo xây dựng căn cứ kháng chiến của tỉnh, thuộc địa bàn xã Krong, huyện Kbang. Về sau, vùng căn cứ kháng chiến của tỉnh phát triển rộng ra cả địa bàn huyện 10 (Khu 10). Khu căn cứ kháng chiến của tỉnh là nơi bảo đảm an toàn, bí mật tuyệt đối; nơi đứng chân của các cơ quan tỉnh ủy, chính quyền và lực lượng vũ trang địa phương và Quân khu V. Nơi đây đã che chở, nuôi dưỡng nhiều cán bộ của tỉnh, của Quân khu V và của Trung ương trên tuyến hành lang Bắc-Nam, Đông-Tây thuộc địa bàn Tây Nguyên, góp phần vào những thắng lợi của quân và dân tỉnh Gia Lai trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Từ khóa: Căn cứ địa; tỉnh Gia Lai; kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ
1. Quá trình hình thành và phát triển căn cứ kháng chiến
Trong quá trình lãnh đạo quân và dân trong tỉnh tham gia kháng chiến, tỉnh ủy Gia Lai đã chọn địa bàn xã Krong, huyện Kbang để xây dựng căn cứ kháng chiến. Đây là địa bàn có nhiều yếu tố thuận lợi, phía Bắc giáp xã Hơnơng (huyện Kon Plông), phía Tây giáp vùng Lơpa, phía Nam giáp xã Kannak, phía Đông là dãy núi Kbang, giáp Vĩnh Thạnh (Bình Định). Khu căn cứ này nối liền với căn cứ Vĩnh Thạnh tỉnh Bình Định và huyện Kon Plong của tỉnh Kon Tum, nằm trên trục hành lang Bắc-Nam nên rất thuận lợi cho việc lãnh đạo cuộc kháng chiến của Đảng bộ tỉnh Gia Lai.
Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954)
Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Đảng bộ tỉnh Gia Lai (tên gọi Đảng bộ Tây Sơn) ra đời trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng trong toàn tỉnh. Đảng bộ tỉnh chỉ đạo xây dựng, củng cố chính quyền các cấp từ tỉnh xuống cơ sở.
Từ năm 1946 đến năm 1948, vùng Bơnâm chưa thành một đơn vị hành chính mà vẫn thuộc sự chỉ đạo, quản lý trực tiếp của tỉnh, thông qua các đội công tác xây dựng cơ sở địch hậu của tỉnh. Đội công tác xây dựng cơ sở đầu tiên do đồng chí Trần Xi (Thánh), Lê Văn Rui phụ trách xây dựng vùng Bơnâm để làm bàn đạp tiến lên xây dựng cơ sở ở vùng Hà Bầu, Ngô Sơn, Tiên Sơn, Biển Hồ và vùng Thiên chúa giáo Komơha. Đội công tác thứ hai do đồng chí Trần Cung và chị Nay Mun phụ trách, hoạt động chủ yếu ở vùng Bơnâm và Kannak. Tỉnh chủ trương tổ chức, phân công lại cán bộ phụ trách vùng dân tộc thiểu số ở Nam-Bắc An Khê và vùng Bơnâm, do đồng chí Phạm Kiêm, cán bộ Việt minh tỉnh trực tiếp chỉ đạo.
Cuối năm 1947, chính quyền kháng chiến Khu Bơnâm và Kannak được thành lập. Ủy ban kháng chiến hành chính Khu Bơnâm do ông Phan (Bă Chớ) làm Chủ tịch, ông Bal làm Phó Chủ tịch. Cơ sở kháng chiến của Khu Bơnâm sau khi được củng cố và phát triển đã đẩy mạnh phong trào quần chúng trong vùng. Tháng 2-1949, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh ủy Gia Lai và sự chủ đạo trực tiếp của huyện ủy An Khê, vùng Bơnâm được củng cố trở thành địa bàn đứng chân để mở hành lang phát triển lên địa bàn phía Tây.
Đầu năm 1950, hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum hợp nhất thành tỉnh Gia Lai - Kon Tum, gọi tắt là tỉnh Gia-Kon. Tháng 5-1950, tỉnh Gia-Kon thành lập 8 khu (tương đương cấp huyện). 6 làng phía Tây Bắc của xã Bơnâm là: Đe Dơsei, Đe Nge, Đe Lur, Đe Pôt, Đe Klư và Đe Mơtuk được tách ra, lập thành xã Lơpa làm căn cứ cho huyện Pleikon, xã Bơnâm còn lại 25 làng, thuộc Khu 4. Cuối năm 1950, Khu 4 được sáp nhập vào với Khu 7 (vùng người Kinh ở An Khê) lập thành huyện An Khê, xã Bơnâm do huyện An Khê quản lý đến năm 1954. Đến cuối năm 1950, Bơnâm trở thành một xã kháng chiến toàn diện, được tỉnh tuyên dương là căn cứ vững chắc của Khu 4.
Hội nghị cán bộ tỉnh Gia-Kon lần thứ nhất, tháng 10-1950 quyết định: “Đẩy mạnh kháng chiến, xây dựng Bắc Tây Nguyên thành căn cứ chiến lược. Hội nghị chủ trương động viên quân và dân toàn tỉnh chiến đấu xây dựng cơ sở, phát triển lực lượng, kiên quyết đưa toàn bộ vùng đông đường 14 lên thành vùng căn cứ du kích, tây đường 14 thành vùng du kích”1.
Thực hiện Nghị quyết Hội nghị cán bộ tỉnh lần thứ I (10-1950) và Nghị quyết của Liên khu ủy V về nhiệm vụ chiến trường Bắc Tây Nguyên và căn cứ tình hình địch đang đẩy mạnh dồn dân, vũ trang, Hội nghị Ban cán sự Đảng huyện An Khê mở rộng, tháng 7-1951 quyết định: “ … xây dựng xã Bơnâm thành vùng căn cứ du kích, lấy làng Stơr (xã Nam, nay xã Tơ Tung, huyện Kbang) và hai làng Kon Klung Lớn và Kon Klung Nhỏ (xã Bơnâm- nay thuộc xã Krong, huyện Kbang) làm nòng cốt…”2. Đây là một chủ trương đúng, bởi các làng Stơr và Kon Klung biết dựa vào địa thế núi rừng để lánh địch, biết sử dụng lối đánh du kích linh hoạt với vũ khí thô sơ để đánh địch, trong các làng toàn dân đều là dân quân, du kích.
Nhằm xây dựng căn cứ du kích, vùng du kích rộng, mạnh tạo nơi đứng chân vững chắc, tỉnh Gia-Kon đã chủ trương xây dựng căn cứ du kích và vùng du kích vững mạnh, tạo thế vững chắc cho phong trào kháng chiến của địa phương phát triển; trong đó, tập trung đẩy mạnh xây dựng làng kháng chiến, mở rộng căn cứ về phía Tây Nam, tạo thế liên hoàn giữa căn cứ ba huyện An Khê, Kon Plong và Pleikon3. Đến cuối năm 1952, trên địa bàn tỉnh Gia - Kon đã có vùng căn cứ du kích liên hoàn ở Đông đường 14, nối liền từ căn cứ Lơpa (huyện Pleikon), căn cứ Hơnơng, căn cứ Bơnâm, căn cứ Ya Hội (Đăk Pơ), căn cứ làng Đe Groi thuộc Kơchơngbơng (nay thuộc Kông Choro) đến căn cứ huyện Cheo Reo với vùng căn cứ du kích gồm các xã Đất Bằng, Ơi Nu, Sông Ba, Chư Drăng nối liền với các xã miền Tây Phú Yên, dựa lưng vào vùng tự do các tỉnh đồng bằng Liên khu V.
Như vậy, từ năm 1945 đến cuối năm 1952, vùng Bơnâm, Hơnơng trở thành vùng căn cứ liên hoàn của tỉnh Gia-Kon và huyện An Khê. Xã Bơnâm cùng xã Hơnơng trở thành xã căn cứ bàn đạp của Khu 4, Khu 8 từ Kannak đến Đông đường 14, Bắc đường 19, Nam Konplông, tạo thế liên hoàn giữa căn cứ ba huyện An Khê, KonPlông, Pleikon4.
Sự phát triển của căn cứ kháng chiến trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975)
Sau khi Hiệp định Genève được ký kết, tỉnh Gia Lai được tái lập, gồm 9 khu (tương đương huyện, thị). Các khu từ khu 1 đến khu 7 là vùng đồng bào các dân tộc thiểu số; khu 8 là vùng người Kinh ở An Khê; khu 9 là thị xã Pleiku cùng các đồn điền và vùng phụ cận5. Trong giai đoạn này, Trung ương Đảng đề ra phương châm chung ở miền Nam là: “Bảo tồn cơ sở, tích lũy lực lượng, trường kỳ tồn tại, nắm vững ngọn cờ hòa bình thống nhất, vững bước đưa phong trào tiến lên”6. Tỉnh ủy Gia Lai chỉ đạo các địa phương sắp xếp lại tổ chức cho phù hợp với tình hình mới; bố trí cán bộ ở lại bám địa bàn xây dựng cơ sở; tiến hành phân chia địa bàn hoạt động để tiện lãnh đạo, chỉ đạo từng vùng, từng địa phương.
Cuối năm 1954, tỉnh ủy Gia Lai chủ trương xây dựng căn cứ địa làm bàn đạp đứng chân lâu dài để chỉ đạo phong trào cách mạng tỉnh Gia Lai. Phương hướng chung là chuyển toàn bộ vùng du kích cũ trong kháng chiến chống Pháp thuộc các khu 1, 2, 7 thành căn cứ của tỉnh. Chọn các xã Bơnâm (Khu 2), xã Hơnơng (Khu 1), xã Lơpa (Khu 3) để xây dựng căn cứ địa của tỉnh.
Năm 1960, để thuận lợi cho việc chỉ đạo phong trào tại địa phương, tỉnh Gia Lai chia tách xã Bơnâm chia thành các xã nhỏ như Krong, Kơpier, Lơku, Tơkan. Cuối năm 1960, Ban xây dựng căn cứ kháng chiến của tỉnh được thành lập, do đồng chí Đinh Rơi làm Trưởng ban, đồng chí Nguyễn Tuân (Bá Bôh) làm Phó Trưởng ban cùng các đồng chí Nguyễn Kim Chi (Asong), Klơng, Seng, Hrum, Jeng…
Ngày 28-2-1962, trước yêu cầu của việc củng cố, xây dựng căn cứ địa cách mạng, tỉnh Gia Lai cắt các xã Krong, Kơpier (huyện 2) và xã Lơpa (huyện 3) thành lập Khu căn cứ trực thuộc tỉnh. Đồng chí Hngứt (Đinh Rơi) được phân công làm Bí thư Ban cán sự Khu căn cứ, đồng chí Nguyễn Tuân (Bă Bôh) làm Phó Bí thư. Năm 1964, Khu căn cứ tỉnh được gọi là Khu 10, hay huyện 10 (huyện căn cứ), đồng chí Nguyễn Tuân (Bă Bôh) làm Bí thư, đồng chí Đinh Rơi làm phó Bí thư. Năm 1964-1965, đồng chí Nguyễn Kim Chi (Asong) thay đồng chí Nguyễn Tuân làm Bí thư. Đến năm 1967 đồng chí Đinh Núp giữ chức vụ Bí thư huyện 10. Như vậy, đến năm 1964 Khu căn cứ tỉnh, gồm 26 làng thuộc 3 xã Krong, Kơpier, Lơpa7.
Để củng cố vùng căn cứ, từ giữa năm 1972, tỉnh Gia Lai đã có chủ trương xây dựng thị trấn tại làng Đe Sơlam, xã Krong thuộc trung tâm căn cứ huyện 10. Ngày 1-5-1973, thị trấn Dân Chủ của trung tâm Khu căn cứ huyện 10 chính thức được thành lập. Cuối năm 1972, thực hiện chủ trương của tỉnh, huyện 2 và huyện 10 sáp nhập thành huyện 12. Các xã trong vùng căn cứ như Krong, Kơpier, Lơpa lúc này thuộc địa bàn của huyện 12. Uỷ ban nhân dân cách mạng huyện 12 lấy tên là huyện King Bơ. Từ năm 1972, Khu 12 (huyện 12 - huyện căn cứ) chỉ đạo phong trào kháng chiến chống Mỹ cho đến khi thắng lợi năm 1975.
2. Quá trình củng cố, xây dựng và bảo vệ vùng căn cứ trong hai cuộc kháng chiến
Sau Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Gia Lai tại Phú Mỹ, Bình Khê, Bình Định (21-2-1949). Tỉnh ủy chỉ đạo chú trọng công tác xây dựng căn cứ bàn đạp, củng cố chính quyền, Hội đánh tây, lực lượng vũ trang, làng kháng chiến ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số Nam, Bắc huyện An Khê.
Tháng 3-1949, chi bộ xã Bơnâm được thành lập. Chi bộ xã Bơnâm giữ vai trò lãnh đạo cuộc kháng chiến trên địa bàn toàn xã. Từ trong phong trào kháng chiến ở xã Bơnâm đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu của địa phương như ông Bal là người làng Gút, anh Phan (Bă chớ), anh Bal, anh Pring… nhiều cán bộ khác được bầu là chiến sĩ thi đua “Công nông binh” của tỉnh và huyện.
Tháng 7-1951, Hội nghị cán bộ mở rộng huyện An Khê tại vùng căn cứ đã xác định nhiệm vụ tăng cường chỉ đạo công tác giáo dục chính trị, chú trọng phát triển đảng viên đồng bào, lập tổ đảng liên thôn, tăng cường giúp đỡ cán bộ thôn làng, phát triển các làng du kích, đẩy mạnh sản xuất, chống địch càn quét. Ngày 14-9-1951, Hội nghị ăn thề đoàn kết đánh Tây diễn ra tại làng Lơngkhơng, Nam Kannak do huyện An Khê tổ chức. Hội nghị mang màu sắc phong tục đồng bào Bahnar, cùng nhau đoàn kết “một tai, một bụng” theo cách mạng, theo Bok Hồ (Bác Hồ) đánh Tây. Hội nghị thống nhất chủ trương phát triển làng kháng chiến, xây dựng vùng căn cứ địa của huyện. Hội nghị biểu thị ý chí quyết tâm đoàn kết chiến đấu chống Pháp trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số Bahnar.
Đến năm 1953, các làng trên địa bàn đều có đảng viên, trong đó đảng viên là người dân tộc thiểu số ngày càng nhiều; 2/3 số làng xã đã có cơ sở Đảng như Bă Bak - Ủy viên Ban cán sự, Chủ tịch Uỷ ban kháng chiến hành chính, Príp (làng Hro); Bôl, Ngơk (làng Kon Chơch); Pring (Bă Phen), uỷ viên Ban cán sự, Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính xã (làng Sơlam Bă Phel); Kở, Tuih (làng Sơlam); Banh, Ték (làng Pdrang); Rop (làng Jueng); Gríp (Bă Nheo) làng Kơlêch; Pi - Ủy viên Ban cán sự, Ủy viên Ủy ban kháng chiến hành chính xã (làng Đe Tănglăng); Phí (làng Đe Latung); Nít, uỷ viên Ban cán sự, uỷ viên Uỷ ban kháng chiến hành chính xã (làng Đe Bak Bông); Lối, xã đội trưởng (làng Đe Hơdăng); Phen (làng Gut); Dơh, phụ trách dân quân (làng Đe Pdrang Tehgôh); Tek (làng Đe Pdrang Tănglăng)...8.
Sau Hiệp định Genève 1954, đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn tăng cường biện pháp quân sự, chính trị, kiểm soát chặt chẽ thị trấn và vùng dân tộc thiểu số Bơnâm; ngang nhiên phá hoại Hiệp định, tăng cường bắt lính xây dựng lực lượng ngụy quân; lập đồn bốt, các cứ điểm trên trục giao thông chiến lược quan trọng đường 19 và đường số 7; càn quét đánh phá vào vùng căn cứ thời kỳ kháng Pháp; lập bộ máy tay sai tề ngụy xuống tận thôn làng, kích động chia rẽ đồng bào với cách mạng, khủng bố quần chúng. Chính quyền Sài Gòn tiến hành thành lập bộ máy cai trị tề ngụy ở vùng dân tộc thiểu số. Từ năm 1958, chính quyền Ngô Đình Diệm đưa chiến dịch "tố cộng", “diệt cộng” nâng lên thành “quốc sách”, thực chất đây là cuộc khủng bố trắng với nhiều thủ đoạn tàn ác nhằm tách cán bộ đảng viên ra khỏi quần chúng, khuất phục tinh thần đấu tranh nhân dân và tiêu diệt phong trào cách mạng làm cho cách mạng gặp muôn vàn khó khăn.
Về phía cách mạng, tháng 8-1954 tỉnh Gia-Kon được chia tách lại thành 2 tỉnh Kon Tum và Gia Lai như trước đây. Ngày 18-10-1954, để phù hợp với tình hình mới, Liên khu V chia thành 4 Liên tỉnh, các tỉnh Gia Lai, Kon Tum và Đắk Lắk thuộc Liên tỉnh ủy 4. Đồng bào trong căn cứ Khu 10, xã Bơnâm ra sức đấu tranh chống âm mưu dồn dân, lập ấp chiến lược, chống các cuộc càn quét và đặc biệt chống lại chiến tranh tâm lý của địch thông qua bọn tề điệp tăng cường bắt lính củng cố ngụy quân, mua chuộc, dụ dỗ đồng bào cả tin, chiêu hồi, chiêu hàng gây mất đoàn kết dân tộc, chia rẽ cách mạng.
Thực hiện Chỉ thị số 42- CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng ngày 18-10-1955 về “chống âm mưu của Mỹ - Diệm về trưng cầu dân ý ở miền Nam”, nhân dân Bơnâm tích cực hưởng ứng các phong trào đấu tranh chính trị chống làm thẻ kiểm tra, chống kiểm soát dân, chống bắt xâu, bắt lính, đòi hiệp thương tổng tuyển cử, chống địch lập tề ngụy, tham gia cuộc đấu tranh chống “trưng cầu dân ý”, chống bầu cử Quốc hội bù nhìn bằng nhiều hình thức như lánh vào rừng, vứt phiếu bầu, đấu tranh đòi dân sinh dân chủ, yêu cầu hiệp thương, mặc dù bị địch bắt hòng uy hiếp nhưng đồng bào kiên trì buộc địch phải thả người.
Tháng 12-1959, tại xã Đakhlôh (Khu 2), Đảng bộ tỉnh Gia Lai tổ chức Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh đánh giá phong trào cách mạng trong 5 năm (1954 -1959) và đề ra phương hướng nhiệm vụ mới thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 15, chuyển phong trào từ thế giữ gìn lực lượng sang thế tiến công cả 3 vùng, xây dựng, củng cố căn cứ vững mạnh.
Từ cuối năm 1960, sau khi thành lập ban Ban xây dựng căn cứ, các cán bộ đảng viên đã tuyên truyền giáo dục dân làng ý thức cảnh giác bảo mật, không để địch phát hiện lực lượng; vận động tổ chức nhân dân sản xuất, đẩy mạnh đoàn kết tương trợ lao động, phát động phong trào học văn hóa, hoạt động văn nghệ lồng nội dung chính trị trong thơ ca cách mạng để vận động xây dựng đời sống mới, xóa bỏ phong tục tập quán lạc hậu, như ma lai, cà răng, căng tai, tham gia phong trào cách mạng…
Đến 1960, hai căn cứ Nam Bắc đường số 5 và mạn Đông Bắc Kon Tum nối liền nhau thành vùng căn cứ rừng núi của tỉnh kéo dài từ Bắc đường số 5 đến Nam đường 19 tiếp giáp Tây Phú Yên tương đối hoàn chỉnh. Đó là cơ sở góp phần vào địa bàn Khu căn cứ rộng lớn của Tây Nguyên kéo dài xuống Đông Nam bộ tạo thành Khu căn cứ chủ yếu của cách mạng miền Nam.
Bước vào những năm 1961-1965, địch tăng cường lập ấp, cô lập cách mạng, tại căn cứ, đồng bào xã Krong động viên nhau tích cực tham gia vào mặt trận đấu tranh chống địch, xây dựng cuộc sống, bảo vệ thôn làng, đẩy mạnh giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao ý thức cảnh giác bảo mật, bảo vệ cơ quan, kho tàng, bảo vệ cán bộ, phục vụ công tác giao liên, liên lạc, tiếp tế nuôi giấu cán bộ; chú trọng xây dựng cơ sở chính trị. Các tổ chức mặt trận, các đoàn thể giải phóng của các huyện, xã lần lượt được thành lập như các chi hội thanh niên, chi hội phụ nữ giải phóng, tổ phụ nữ làng, tổ “hợp tác tương trợ lao động”… nhằm đẩy mạnh tuyên truyền Cương lĩnh, Chương trình hành động của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam. Ngày 9-9-1964, tại làng Tengleng, xã Krong, Khu 10, đã diễn ra Đại hội Đoàn thanh niên nhân dân cách mạng tỉnh Gia Lai. Đoàn đã tổ chức cho thanh niên xã cắm trại, thể hiện tinh thần đoàn kết chiến đấu. Từ năm 1964 đến năm 1967, tại địa bàn Khu 10, đã diễn ra 2 kỳ Đại hội đại biểu phụ nữ Giải phóng tỉnh Gia Lai nhằm đánh giá tình hình phong trào phụ nữ từ sau năm 1954 và đề ra nhiệm vụ đẩy mạnh các phong trào hoạt động của phụ nữ trong giai đoạn mới.
Cuối năm 1965, Đại hội Đảng bộ Khu 10 lần thứ nhất khai mạc tại làng Đak Sơmuôn gần làng Tegôh (xã Krong). Đại hội đề ra nhiệm vụ quyết tâm đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược, tiếp tục chỉ đạo xây dựng Khu 10 thành trung tâm căn cứ vững chắc an toàn của tỉnh. Đồng chí Đinh Rơi được bầu làm Bí thư, đồng chí Nguyễn Tuân (Bá Bôh) làm Phó Bí thư. Sau đại hội, 3 xã Krong, Kơpier, Lơpa cũng tổ chức Đại hội bầu Ban Chấp hành Đảng bộ xã và cụ thể hóa Nghị quyết Đại hộiĐảng bộ Khu 10, quyết tâm xây dựng căn cứ của tỉnh vững mạnh về mọi mặt, đáp ứng yêu cầu của cuộc kháng chiến. Năm 1966, tại khu căn cứ, tỉnh đã đón tiếp Đoàn cán bộ Đảng cộng sản Trung Quốc đến thăm và làm việc tại xã Krong, tìm hiểu quyết tâm đánh Mỹ của nhân dân Khu 10. Cũng trong năm này, tỉnh tiếp nhận 3 cán bộ quân sự Bắc Triều Tiên vào phối hợp với ta làm công tác vận động xây dựng cơ sở trong binh lính Nam Triều Tiên.
Giữa năm 1968, các khu 1, 2, 10 đã tiến hành bầu cử Ủy ban nhân dân cách mạng các cấp. Đây là sự kiện quan trọng của các khu, xã trong toàn tỉnh. Lần đầu tiên trong vòng 14 năm đấu tranh gian khổ ta đã có hệ thống cấp chính quyền hoàn chỉnh từ tỉnh xuống xã, thôn. Cũng trong năm 1968, đáp ứng đòi hỏi của chiến trường miền Nam, chi bộ 3 xã vùng căn cứ, tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia kháng chiến, vận động thanh niên từ 18 đến 30 tuổi tình nguyện tham gia nhập ngũ.
Từ năm 1969 đến năm 1973, trên địa bàn Khu 10, đã tổ chức 3 kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh. Sau Hiệp định Pari 1973, vùng giải phóng được mở rộng, nhiều vùng trong tỉnh đưa dân lên làm chủ, vùng căn cứ của tỉnh được củng cố. Ngày 1- 5- 1973, thị trấn Dân Chủ9, trung tâm Khu căn cứ tỉnh chính thức được thành lập. Thị trấn Dân Chủ ra đời bước đầu tạo nên một điểm sinh hoạt về chính trị, hoạt động kinh tế, văn hóa trong vùng căn cứ của tỉnh. Việc xây dựng thị trấn Dân Chủ thể hiện ước mơ làm chủ đất nước, ước mở về một xã hội dân chủ trên vùng đất Gia Lai nói riêng và vùng đất Tây Nguyên nói chung.
Ngày 23-3-1975, toàn bộ vùng căn cứ Khu 10 được giải phóng, kết thúc 30 năm (1945-1975) đấu tranh kiên cường, bất khuất của quân và dân trên địa bàn, điển hình là đồng bào ở 3 xã Krong, Kơpier và Kơpa. Sau giải phóng, đồng bào các dân tộc vùng căn cứ Khu 10 tiếp tục đoàn kết, cùng nhau xây dựng cuộc sống mới.
Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, vùng căn cứ kháng chiến của tỉnh Gia Lai (tỉnh Gia-Kon trong những năm 1950-1954) được hình thành và phát triển vững chắc. Nơi đây hội tụ đủ các yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, là “an toàn khu”, nơi đứng chân của cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo kháng chiến của tỉnh. Căn cứ kháng chiến của tỉnh Gia lai đóng vai trò rất quan trọng trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và kháng chiến chống chống Mỹ, cứu nước của quân và dân tỉnh Gia Lai.
Ngày gửi: 9-4-2024; ngày thẩm định, đánh giá: 18-6-2024; ngày duyệt đăng: 20-6-2024
1, 6. Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Gia Lai: Lịch sử Đảng bộ tỉnh Gia Lai (1945-2005), Nxb CTQG, H, 2009, tr. 100, 134
2. Ban chấp hành Đảng bộ huyện Kbang: Lịch sử Đảng bộ huyện KBang (1945 – 2015), Nxb Thông tin và Truyền thông, H, 2015, tr. 138-140.
3, 4, 7, 8.. Ban chấp hành Đảng bộ huyện Kbang: Lịch sử truyền thống anh hùng cách mạng xã Krong (1945 – 2006), Nxb CTQG, H, 2008, tr. 39, 265, 71-72. 74