Tóm Tắt: Tạp chí Lịch sử Đảng là cơ quan báo chí thuộc Viện Lịch sử Đảng, là diễn đàn khoa học của Ngành Lịch sử Đảng, lý luận chính trị và các ngành khoa học xã hội liên quan. Trải qua hơn 40 năm (1983-2024) xây dựng và phát triển, Tạp chí Lịch sử Đảng đã lớn mạnh không ngừng. Hiện nay, Tạp chí xuất bản định kỳ 3 ấn phẩm, gồm Tạp chí Lịch sử Đảng in tiếng Việt 12 số/năm, Tạp chí Lịch sử Đảng in Tiếng Anh 2 số/năm, Tạp chí Lịch sử Đảng điện tử định kỳ theo tháng. Trên cả 3 ấn phẩm, mỗi năm Tạp chí Lịch sử Đảng đăng tải khoảng 450 bài báo khoa học. Những bài báo đăng tải trên Tạp chí Lịch sử Đảng được Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước đánh giá rất cao.

Từ khóa: Tạp chí Lịch sử Đảng; uy tín khoa học

1. Sự ra đời và phát triển của Tạp chí Lịch sử Đảng nằm trong quá trình phát triển của ngành khoa học Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam. Tiền thân của Tạp chí Lịch sử Đảng là Nội san Nghiên cứu Lịch sử Đảng, xuất bản năm 1969, thuộc Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Trung ương - Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Đến quý I năm 1983, Tạp chí Lịch sử Đảng ra mắt số đầu, chính thức vận hành theo quy định về hoạt động báo chí.

Trong 10 năm đầu (1983-1993), Tạp chí Lịch sử Đảng là đơn vị trực thuộc Viện Lịch sử Đảng - Viện Nghiên cứu Chủ nghĩa Mác-Lênin (từ năm 1992 là Viện Nghiên cứu Chủ nghĩa Mác-Lênin và Tư tường Hồ Chí Minh). Đến năm 1994, Tạp chí Lịch sử Đảng tách khỏi Viện Lịch sử Đảng trở thành đơn vị độc lập tương đương cấp vụ, trực thuộc Viện Nghiên cứu Chủ nghĩa Mác-Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh. Năm 1997, sau khi hợp nhất Viện Mác-Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh lấy tên Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Tạp chí Lịch sử Đảng tiếp tục là đơn vị tương đương cấp vụ, thuộc nhóm 2 báo chí, trực thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW, ngày 30-7-2005 và Quyết định số 149-QĐ/TW của Bộ Chính trị khóa IX “về chức năng, nhiệm vụ tổ chức bộ máy của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh”, ngày 2-8-2005, Giám đốc Học viện ra Quyết định số 4348/QĐ-HVCTQG hợp nhất Tạp chí Lịch sử Đảng với Viện Lịch sử Đảng. Theo đó, Tạp chí Lịch sử Đảng là đơn vị thuộc Viện Lịch sử Đảng; tiếp tục thuộc nhóm 2 báo chí, từ đó đến nay.

Hiện nay, tổ chức bộ máy, cán bộ của Tạp chí Lịch sử Đảng gồm: Tổng Biên tập và 2 Phó Tổng biên tập, Phòng Biên tập và  Phòng Thư ký - Trị sự - Phát hành. Tạp chí Lịch sử Đảng có đội ngũ cán bộ được đào tạo bài bản; nhiều cán bộ có kinh nghiệm lâu năm (công tác tại Tạp chí từ 15 năm đến 30 năm), có chuyên môn, nghiệp vụ, với tổng số 13 người, tất cả đều có trình độ từ cử nhân trở lên, trong đó có 9 tiến sĩ, 3 thạc sĩ, 1 cử nhân. Về trình độ lý luận chính trị, 11 người có trình độ cao cấp và tương đương, 2 người có trình độ trung cấp và tương đương. Về ngạch viên chức: 4 người là giảng viên cao cấp, 2 người là nghiên cứu viên cao cấp, 1 người là chuyên viên cao cấp, 2 người là biên tập viên chính, 2 người là chuyên viên chính, 1 người là chuyên viên và 1 người là nhân viên kỹ thuật. Trong tổng số 13 cán bộ, có 12 người là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Với trình độ, năng lực và kinh nghiệm, cũng như thần đoàn kết, gắn bó trong công việc, đội ngũ cán bộ của Tạp chí đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao.

Theo đó, Quyết định số 145-QĐ-HVCTQG, ngày 31-3-2023 của Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh “về chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Tạp chí Lịch sử Đảng thuộc Viện Lịch sử Đảng”, Tạp chí Lịch sử Đảng là đơn vị thuộc Viện Lịch sử Đảng, là diễn đàn khoa học của Ngành Lịch sử Đảng, lý luận chính trị và các ngành khoa học xã hội có liên quan.

Về nhiệm vụ, Tạp chí Lịch sử Đảng tổ chức biên tập, xuất bản Tạp chí Lịch sử Đảng theo đúng tôn chỉ mục đích và quy định của pháp luật; thông tin, tuyên truyền về kết quả nghiên cứu, tư liệu mới về lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng, đường lối của Đảng; nghiên cứu Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, lịch sử địa phương, ban ngành, đoàn thể; tổng kết những vấn đề về lý luận và thực tiễn nhằm nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyên, giáo dục lịch sử Đảng1.

Từ tháng 12-2022, Tạp chí Lịch sử Đảng được giao nhiệm vụ biên tập, xuất bản 3 ấn phẩm báo chí: Tạp chí Lịch sử Đảng in tiếng Việt, xuất bản 12 số/năm; Tạp chí Lịch sử Đảng in Tiếng Anh, xuất bản 2 số/năm; Tạp chí Lịch sử Đảng điện tử xuất bản hằng tháng (theo Giấy phép hoạt động số 571-BTTTT, ngày 2-12-2022 của Bộ Thông Tin Truyền thông).

2. Để thực hiện nhiệm vụ được giao, Tạp chí Lịch sử Đảng xác định rõ đối tượng phục vụ là cán bộ lãnh đạo, cán bộ làm công tác nghiên cứu, giảng dạy và những người quan tâm tìm hiểu, học tập lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam. Ngay trong số đầu tiên, xuất bản quý I năm 1983, Tạp chí Lịch sử Đảng đã nêu rõ nhiệm vụ của của mình là: “góp phần nâng cao trình độ cán bộ nghiên cứu trong ngành về các mặt: quán triệt đường lối, chính sách của Đảng, những kiến thức Lịch sử Đảng, phương pháp nghiên cứu biên soạn và các công tác nghiệp vụ khác; thông báo những quyết định mới của Trung ương liên quan đến ngành; phổ biến và trao đổi những kinh nghiệm nghiên cứu biên soạn, giới thiệu những tìm tòi mới, những tư liệu mới cần thiết đối với những vấn đề đang nghiên cứu; thông tin những hoạt động của ngành Lịch sử Đảng và của ngành lịch sử nói chung; tăng cường mối liên hệ giữa Viện lịch sử Đảng và Ban nghiên cứu lịch sử đảng các địa phương, giữa các ngành khoa học lịch sử Đảng và các ngành khoa học lịch sử khác, góp phần vào việc phát triển ngành khoa học lịch sử Việt Nam,…Tạp chí là một phương tiện quan trọng của Viện Lịch sử Đảng để làm công tác hướng dẫn ngành”2.

Để bảo đảm chất lượng của tạp chí chuyên ngành Lịch sử Đảng, Tạp chí Lịch sử Đảng xây dựng kế hoạch biên tập, xuất bản theo năm, xác định những điểm nhấn trong năm liên quan đến kỷ niệm các sự kiện lịch sử năm chẵn, sự kiện chính trị quan trọng của Đảng, Nhà nước và của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Trên cơ sở đó, Ban Biên tập Tạp chí xây dựng mục lục từng số và xin ý kiến Chủ tịch Hội đồng và Phó Chủ tịch Hội đồng biên tập; đặt các nhà khoa học viết bài theo chủ đề.

 Trong quá trình tổ chức biên tập, xuất bản các ấn phẩm, Tạp chí thực hiện theo đúng quy trình biên tập xuất bản, do Tổng biên tập ban hành. Theo đó, tất cả các bài gửi đến tòa soạn đều được quản lý tập trung, thống nhất gửi qua Email Tạp chí Lịch sử Đảng tclsd.hcma@gmail.com. Trưởng Phòng biên tập tập hợp, đọc phân loại, gửi các nhà khoa học thẩm định nội dung, phân công biên tập, dự kiến mục lục hằng số. Biên tập viên tiến hành biên tập về nội dung và kỹ thuật theo quy định của Tạp chí. Biên tập viên sau khi hoàn thành biên tập, chuyển Trưởng Phòng biên tập duyệt bước 1. Người duyệt bước 1 chịu trách nhiệm duyệt về nội dung, các sự kiện chuyên sâu, điều chỉnh tên bài, kết cấu bài (nếu cần), sau đó chuyển Phó Tổng biên tập duyệt bước 2. Bước 2, Phó Tổng biên tập duyệt tổng thể toàn bộ số bài trong số tạp chí theo dự kiến Mục lục đã được duyệt, sau đó chuyển toàn bộ bản thảo lên Tổng biên tập duyệt bước 3. Tổng biên tập duyệt toàn bộ nội dung bản thảo, sau đó chuyển sang Phòng Thư ký - Trị sự - Phát hành tổ chức dàn trang, 2 xử lý ảnh bìa, ảnh ruột và in bông 1. Sau đó, các bộ phận đọc morat và biên tập văn học. Tổng biên tập duyệt bông 2, sau đó chuyển Phòng Thư ký - Trị sự - Phát hành sửa lỗi morat và in bông 2 chuyển Trưởng Phòng Thư ký - Trị sự - Phát hành soát lỗi bông 2, sau đó in bông 3 chuyển Tổng Biên tập duyệt bông cuối. Tổng biên tập duyệt ảnh bìa 1, bìa 2, bìa 3, bìa 4, nội dung, hình thức toàn số, ký bản bông cuối để chuyển nhà in.

Với quy trình biên tập chặt chẽ, các bài đăng trên Tạp chí Lịch sử Đảng bảo đảm tính đảng, tính khoa học, không sai sót về chính trị; đăng tải các hình ảnh ca ngợi Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, thành tựu đất nước, thành tựu tiêu biểu của các địa phương, cá nhân có thành tích nổi bật trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng.

Tạp chí đã xây dựng và phát triển các chuyên mục đặc thù trên cả 3 ấn phẩm (Tạp chí in tiếng Việt, Tạp chí in tiếng Anh và Tạp chí điện tử), nhằm phục vụ đắc lực công tác chính trị, tư tưởng của Đảng và truyền tải những tri thức khoa học Lịch sử Đảng đến bạn đọc, đó là: Các chuyên mục kỷ niệm sự kiện trọng đại của Đảng, của đất nước: Kỷ niệm ngày thành lập Đảng; Kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và Quốc khánh 2-9; Kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ; Kỷ niệm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; Kỷ niệm các sự kiện lớn của Đảng, của đất nước; Kỷ niệm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh; Kỷ niệm ngày sinh năm chẵn của các đồng chí Tổng Bí thư và các lãnh tụ tiền bối của Đảng. Các chuyên mục thường kỳ của Tạp chí Lịch sử Đảng trên các ấn phẩm là: Những vấn đề chung về Lịch sử Đảng; Thực hiện Nghị quyết của Đảng; Sự nghiệp và tư tưởng Hồ Chí Minh; Đối ngoại; Nhân vật - Sự kiện Lịch sử Đảng; Lịch sử địa phương, ban ngành, đoàn thể; Thực tiễn - Kinh nghiệm; Trao đổi,... Trong mỗi chuyên mục, có  từ 2 đến 4 bài. Về số lượng bài đăng tải, mỗi số Tạp chí in tiếng Việt và Tạp chí in tiếng Anh đăng tải khoảng 17-18 bài, tin; mỗi tháng Tạp chí điện tử đăng tải 17- 18 bài, tin.

Ngày 5-7-2024, Hội đồng Giáo sư Nhà nước ban hành Quyết định số 25/QĐ-HĐGSNN “Phê duyệt Danh mục tạp chí khoa học được tính điểm năm 2024”. Trong đó, Tạp chí Lịch sử Đảng gồm 3 ấn phẩm: Tạp chí Lịch sử Đảng (in tiếng Việt), mã số ISSN: 2815-6382; Tạp chí Lịch sử Đảng (in tiếng Anh) - Journal of Vietnam Communist Party's History, mã số ISSN: 2815-6390; Tạp chí Lịch sử Đảng (điện tử), mã số ISSN: 2815-6013 được Hội đồng Giáo sư Nhà nước đánh giá mức điểm như sau3.

- Liên ngành Sử học-Khảo cổ học- Dân tộc học/Nhân học được Hội đồng đánh giá gồm cả 3 ấn phẩm: Tạp chí Lịch sử Đảng (in tiếng Việt); Tạp chí Lịch sử Đảng (in tiếng Anh) và Tạp chí Lịch sử Đảng (điện tử) đạt mức 0-1 điểm.

- Liên ngành Triết học- Chính trị học- Xã hội học được Hội đồng nâng điểm 2 ấn phẩm (Tạp chí Lịch sử Đảng (in tiếng Việt) và Tạp chí Lịch sử Đảng (điện tử) đối với chuyên ngành Triết học và Chính trị học, trong đó có chuyên mục Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch từ mức điểm từ 0 - 0,5 điểm lên mức từ 0 - 0,75 điểm; Chuyên ngành Xã hội học giữ nguyên mức 0 - 0,5 điểm. Riêng ấn phẩm Tạp chí Lịch sử Đảng (in tiếng Anh) - Journal of Vietnam Communist Party's History, Hội đồng đánh giá cả 3 chuyên ngành Triết học, Chính trị học và Xã hội học đều đạt mức 0 - 0,5 điểm.

- Liên ngành Văn hóa-Nghệ thuật- Thể dục Thể thao giữ nguyên mức 0 - 0,5 điểm.

Kết quả đạt được trên, thể hiện sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Giám đốc Học viện, của Hội đồng biên tập Tạp chí Lịch sử Đảng và của Hội đồng Giáo sư Nhà nước, đồng thời khẳng định uy tín khoa học của Tạp chí Lịch sử Đảng được giữ vững và không ngừng nâng cao, có ý nghĩa thiết thực đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phục vụ đời sống nhân dân. Qua hơn 40 năm xây dựng và phát triển, Tạp chí Lịch sử Đảng đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Tạp chí Lịch sử Đảng vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý, trong đó tiêu biểu là: Huân chương Lao động hạng Ba (2003); Huân chương Lao động hạng Nhì (2013), Huân chương Lao động hạng Nhất  (2023), Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (2018); được Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tặng nhiều Bằng khen, Cờ thi đua Đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua và các danh hiệu khác. Đây là vinh dự vẻ vang, là cơ sở, nền tảng để Tạp chí Lịch sử Đảng vững vàng bước tiếp trong giai đoạn mới ở tầm cao mới.

 

 Ngày nhận: 15-7-2024; ngày thẩm định:18-8-2024; ngày duyệt đăng: 31-8-2024

1. Xem: Quyết định số 145-QĐ-HVCTQG, ngày 31-3-2023 của Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh “về chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Tạp chí Lịch sử Đảng thuộc Viện Lịch sử Đảng”, lưu tại Viện Lịch sử Đảng

2. Tạp chí Lịch sử Đảng, số 1, năm 1983, tr. 5

3. Xem: Quyết định số 25/QĐ-HĐGSNN “Phê duyệt Danh mục tạp chí khoa học được tính điểm năm 2024”, https://hdgsnn.gov.vn/tin-tuc/quyet-dinh-so-25-qd-hdgsnn-phe-duyet-danh-muc-tap-chi-khoa-hoc-duoc-tinh-diem-nam-2024_788/#, Xem trong mục chuyên “Văn kiện tư liệu”.