Tóm tắt: Công đoàn là tổ chức chính trị-xã hội rộng lớn, đại diện bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân, viên chức, người lao động, tham gia công tác quản lý, kiểm tra, giám sát hoạt động của đơn vị, giáo dục, động viên mọi người phát huy quyền làm chủ, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao. Trong những năm qua, Công đoàn Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã có bước phát triển tích cực, tham gia tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng, đẩy mạnh hoạt động văn hóa-thể thao, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cán bộ viên chức, kiến nghị với Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện các biện pháp để giải quyết thỏa đáng những vấn đề liên quan đến điều kiện làm việc, đến lợi ích người lao động. Công đoàn Học viện ngày càng khẳng định vai trò tích cực của mình trong thực hiện dân chủ cơ sở, gắn hoạt động công đoàn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của Học viện.
Từ khóa: Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; công đoàn; dân chủ cơ sở
1. Vị trí, vai trò của tổ chức công đoàn
Theo V.I.Lênin, công đoàn là một tổ chức tất yếu về mặt lịch sử và không thể không có được về mặt lịch sử trong điều kiện chuyên chính vô sản, tổ chức đó bao gồm hầu hết giai cấp vô sản công nghiệp.
Trong tác phẩm Đường Kách mệnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Tổ chức công hội trước là để cho công nhân đi lại với nhau cho có cảm tình; hai là để nghiên cứu với nhau; ba là để sửa sang cách sinh hoạt của công nhân cho khá hơn bây giờ; bốn là để giữ gìn lợi quyền cho công nhân; năm là để giúp cho quốc dân, giúp cho thế giới”1.
Hiến pháp và Luật Công đoàn qua các thời kỳ đều thống nhất khẳng định vị trí, vai trò của Công đoàn trong hệ thống chính trị nước ta. Điều 10 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Công đoàn là tổ chức chính trị-xã hội của giai cấp công nhân và của người lao động cùng với cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội chăm lo và bảo vệ quyền lợi của các bộ, công nhân, viên chức và những người lao động khác; tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế; giáo dục cán bộ, công nhân, viên chức và những người lao động khác xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”2.
Điều 1 Luật Công đoàn năm 2012, khẳng định: “Công đoàn là tổ chức chính trị-xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân và của người lao động, được thành lập trên cơ sở tự nguyện, là thành viên trong hệ thống chính trị của xã hội Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; đại diện cho cán bộ, công chức, viên chức, công nhân và những người lao động khác, cùng với cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế-xã hội, tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp; tuyên truyền, vận động người lao động học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”3.
2. Phát huy vai trò của Công đoàn góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Công đoàn muốn tham gia thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của đơn vị, trước hết cần nhận thức đầy đủ và thực hiện tốt quyền và trách nhiệm của Công đoàn trong việc tham gia quản lý đơn vị, cụ thể như sau:
Một là, phối hợp với lãnh đạo chuyên môn của đơn vị tổ chức cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tham gia xây dựng và thực hiện các quy định, nội quy, quy chế, chương trình, kế hoạch công tác; giáo dục, tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động; tổ chức các phong trào thi đua yêu nước của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong Học viện. Trong đó, vai trò của Công đoàn trong chủ động, tích cực tham gia cùng lãnh đạo cơ quan, đơn vị xây dựng các chương trình, kế hoạch phát triển của đơn vị, các chính sách liên quan đến người lao động có ý nghĩa quan trọng đối với kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị. Việc nắm rõ năng lực và tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, Công đoàn có thể tham mưu lãnh đạo đơn vị phân công nhiệm vụ phù hợp, phát huy được tốt nhất năng lực của mỗi công đoàn viên, đồng thời động viên, khích lệ được người lao động sáng tạo, nâng cao chất lượng công việc.
Hai là, tham gia với lãnh đạo cơ quan, đơn vị trong việc tổ chức, cải tiến lề lối làm việc và thủ tục hành chính nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác; cải thiện điều kiện làm việc; xây dựng môi trường làm việc thân thiện, hài hòa trong đơn vị; thực hiện tốt quy chế dân chủ trong Học viện. Môi trường làm việc tốt với những thước đo về cải cách hành chính, về công cụ quản lý minh bạch (hệ thống nội quy, quy chế, lề lối làm việc trên tất cả các mặt hoạt động), đoàn kết sẽ giúp cán bộ, công chức, viên chức, người lao động hướng đến tính chuyên nghiệp, hiệu quả cao trong triển khai công việc của mỗi cá nhân và phát huy được trí tuệ tập thể trong triển khai nhiệm vụ chính trị của đơn vị. Ở đây, vai trò trung tâm đoàn kết của đơn vị, của tổ chức Công đoàn có ý nghĩa quan trọng.
Ba là, tham gia các hội đồng xét, giải quyết các quyền lợi của đoàn viên, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động; tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động theo quy định của pháp luật. Hiện nay, Công đoàn Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có 33 công đoàn trực thuộc, trong đó có 7 công đoàn cơ sở, 26 công đoàn bộ phận ở các đơn vị trực thuộc. Tổng số công chức, viên chức, người lao động là: 2.182 (trong đó nữ: 1.075, chiếm 49,22%), gồm 9 giáo sư, 187 phó giáo sư, 614 tiến sĩ và tiến sĩ khoa học, 877 thạc sĩ, 420 cử nhân, 20 cao đẳng, 66 trung cấp và 172 trình độ khác4.
Thực tiễn hoạt động Công đoàn Học viện những năm qua đã ghi nhận những kết quả tích cực trong phát huy dân chủ cơ sở, chăm lo quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Học viện. Cụ thể là:
Các cấp công đoàn luôn phối hợp chặt chẽ với lãnh đạo chuyên môn trong việc xây dựng và triển khai chương trình, kế hoạch công tác của cơ quan, đơn vị. Đồng thời, tích cực động viên công đoàn viên hăng hái phấn đấu thực hiện mục tiêu cao nhất là nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học. Công đoàn Học viện tham gia ý kiến cùng cấp ủy, lãnh đạo chuyên môn trong sắp xếp tổ chức, bố trí lao động hợp lý, phù hợp với năng lực chuyên môn và hoàn cảnh, phát huy sở trường, cống hiến và hưởng thụ.
Chủ động tham gia xây dựng, giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, giám sát thực hiện quy chế chi tiêu nội bộ ở các đơn vị góp phần đảm bảo các định mức theo quy định; phổ biến đầy đủ, rộng rãi và thực hiện nghiêm túc, công khai, minh bạch các chế độ, chính sách.
Hằng năm, Công đoàn Học viện tham gia có chất lượng vào các đoàn công tác kiểm tra thi đua của các đơn vị; tham gia các hội đồng xét nâng lương, kỷ luật cán bộ, công chức; giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo... Việc tham gia của tổ chức Công đoàn đã góp phần thực hiện tốt quy chế dân chủ trong cơ quan.
Công đoàn Học viện đã chỉ đạo các công đoàn trực thuộc phối hợp với lãnh đạo chuyên môn tổ chức hội nghị cán bộ, công chức và thực hiện dân chủ, công khai, công bằng trong các đơn vị. Hằng năm, 100% các đơn vị trực thuộc đã tổ chức hội nghị cán bộ, công chức và báo cáo kết quả về Công đoàn Học viện. Thông qua hội nghị, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đã phát huy được quyền làm chủ, tham gia đóng góp vào nhiệm vụ công tác của cơ quan, đơn vị. Qua đó, các chế độ chính sách đối với người lao động được thực hiện tốt hơn, góp phần vào thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao.
Các cấp công đoàn luôn quan tâm, chăm lo đời sống của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Tổ chức tốt các hoạt động mừng sinh nhật đoàn viên, việc hiếu, hỉ, thăm hỏi, động viên kịp thời các gia đình và đoàn viên lúc ốm đau, gặp khó khăn, động viên, khuyến khích con cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đạt thành tích cao trong học tập... Tiêu biểu là Lễ tuyên dương và phát phần thưởng cho các cháu đạt giải cao trong kỳ thi học sinh giỏi các cấp của Công đoàn Học viện và các đơn vị trực thuộc, tặng quà cho các cháu thiếu nhi là con đoàn viên, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động nhân dịp Tết Thiếu nhi 1-6, Tết Trung thu...
Các hoạt động tặng quà Tết cho cán bộ, đoàn viên công đoàn; thực hiện chu đáo công tác thăm hỏi, trợ cấp khó khăn, việc hiếu tại các đơn vị; tổ chức tốt các kỳ nghỉ dưỡng vào dịp hè cho cán bộ, đoàn viên; tổ chức các câu lạc bộ thể thao để rèn luyện sức khỏe như: bóng đá, bóng bàn, bóng chuyền, cầu lông, tennis, lớp học khiêu vũ... tổ chức các hoạt động văn nghệ nhân dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn.
Cùng với chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, Công đoàn Học viện đã tham mưu với Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện và vận động đoàn viên công đoàn phát huy truyền thống của dân tộc “Uống nước nhớ nguồn”, đóng góp ủng hộ Quỹ vì người nghèo, Quỹ đền ơn đáp nghĩa; ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng của thiên tai; phụng dưỡng các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, hằng năm tổ chức thăm và tặng quà nhân dịp Ngày Thương binh liệt sĩ 27-7 và Tết; tổ chức các đoàn trao quà cho đồng bào khó khăn nhân dịp triển khai các chương trình xã hội từ thiện do Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Công đoàn viên chức Việt Nam và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức: Ngày vì người nghèo, Tết sum vầy..., vận động đoàn viên, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tích cực tham gia hiến máu tình nguyện hằng năm...
Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động Công đoàn Học viện cũng còn những hạn chế, yếu kém: một số công đoàn cơ sở mới chỉ dừng ở việc thăm hỏi ốm đau, hiếu, hỉ, chưa đi sâu nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, chưa thể hiện được vai trò giám sát hoạt động quản lý của đơn vị, việc thực hiện kỷ cương, kỷ luật của đoàn viên công đoàn, dẫn đến vị thế và vai trò của tổ chức công đoàn còn mờ nhạt. Hoạt động của một số công đoàn cơ sở chưa đều, việc tổ chức sinh hoạt định kỳ chưa thường xuyên, nội dung các buổi sinh hoạt công đoàn chưa phong phú, chậm đổi mới, còn lệ thuộc vào chuyên môn. Hoạt động công đoàn ở một số đơn vị có thời điểm chưa được quan tâm, chú trọng. Một số thành viên ban chấp hành, cán bộ công đoàn các cấp thiếu tâm huyết với công tác xã hội, công tác đoàn thể, chưa thu hút được các đoàn viên có năng lực và tâm huyết tham gia công tác công đoàn; cán bộ công đoàn ở nhiều đơn vị chưa có nghiệp vụ và kinh nghiệm trong công tác nên còn lúng túng khi triển khai hoạt động...
Thực tiễn công tác công đoàn tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh trong thời gian qua đã để lại một số kinh nghiệm có giá trị:
Một là, thường xuyên bám sát các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, nghị quyết của Công đoàn cấp trên, kết hợp với thực tiễn đơn vị để xây dựng nội dung, phương pháp hoạt động thiết thực, hiệu quả. Tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, sự phối hợp và tạo điều kiện của lãnh đạo chuyên môn để nâng cao hiệu quả hoạt động công đoàn. Có sự phối hợp chặt chẽ giữa Công đoàn và các đoàn thể khác như: Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Cựu chiến binh... trong tổ chức các hoạt động.
Hai là, thực hiện tốt chức năng đại diện, chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động nhằm nâng cao uy tín, vị trí, vai trò của tổ chức Công đoàn.
Ba là, coi trọng xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn cả trước mắt và lâu dài, thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, trọng tâm là cán bộ cơ sở; nâng cao trách nhiệm và lòng nhiệt tình, say mê, tâm huyết với phong trào; đồng thời, chú trọng trình độ chuyên môn của cán bộ công đoàn để đóng góp tích cực vào công tác quản lý ở cơ quan, đơn vị, nâng cao uy tín, vị thế của tổ chức công đoàn.
Bốn là, công tác tổ chức chỉ đạo thực hiện cần sát thực tế, hướng về cơ sở với sự đổi mới nội dung, hình thức hoạt động; làm tốt công tác xây dựng công đoàn cơ sở vững mạnh. Hoạt động của Công đoàn phải thực sự công khai, dân chủ, tập hợp được trí tuệ và sức mạnh của đông đảo đoàn viên, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động góp phần tích cực vào việc cải cách hành chính, hiện đại hóa, chuyên nghiệp hóa các hoạt động của Học viện.
Để tiếp tục xây dựng Công đoàn Học viện ngày càng vững mạnh toàn diện, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của Học viện trong giai đoạn mới, cần chú ý những nội dung cơ bản sau:
Tiếp tục nâng cao nhận thức về vai trò của các tổ chức chính trị-xã hội nói chung và tổ chức Công đoàn nói riêng trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Trong đó, cần đổi mới tư duy về công đoàn và hoạt động công đoàn trong giai đoạn mới: chú trọng thiết thực, hiệu quả. Mục tiêu hướng tới là vừa đảm bảo lợi ích của người lao động, bảo vệ người lao động trong mối quan hệ lao động, đồng thời gắn chặt với mục tiêu xây dựng và phát triển Học viện trong thời kỳ mới.
Tập trung nâng cao trình độ, năng lực và phẩm chất đội ngũ cán bộ công đoàn các cấp theo hướng đảm bảo sự đồng bộ giữa nâng cao phẩm chất với trình độ, năng lực, kỹ năng công tác. Đặc biệt coi trọng các phẩm chất hàng đầu của cán bộ công đoàn: bản lĩnh, chuyên nghiệp, tâm huyết, gắn bó với đơn vị, gần gũi với người lao động.
Đổi mới mạnh mẽ nội dung và phương thức hoạt động của Công đoàn, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong tổ chức hoạt động, nhất là hoạt động tuyên truyền, vận động, tư vấn pháp luật. Tính sáng tạo, hiện đại, linh hoạt, lan tỏa, hiệu quả là thước đo hoạt động của các cấp Công đoàn Học viện.
Đẩy mạnh công tác phát triển đoàn viên và kiện toàn các tổ chức công đoàn các cấp. Đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, hưởng ứng và thực hiện các hoạt động xã hội. Công đoàn các đơn vị lựa chọn và cụ thể hóa các phong trào thi đua thành những nội dung cụ thể, phù hợp, thiết thực với đặc điểm, nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị. Đẩy mạnh việc thực hiện cuộc vận động xây dựng người cán bộ, công chức, viên chức “Trung thành, trách nhiệm, liêm chính, sáng tạo” gắn với việc đẩy mạnh “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; thi đua thực hiện văn hóa công sở gắn với thực hiện tốt quy định về văn hóa Trường Đảng.
Tập trung các nguồn lực, nhất là nguồn lực tài chính, để tăng cường phát huy các nguồn lực đáp ứng nhiệm vụ nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn, phục vụ tốt hơn nhu cầu chính đáng của đoàn viên, người lao động.
Những kinh nghiệm quý hoạt động công đoàn trong thời gian qua, những giải pháp căn cơ trong giai đoạn tới là cơ sở quan trọng để các tổ chức công đoàn các cấp phát huy vai trò của mình góp phần xây dựng Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh ngày càng phát triển.
Bài đăng trên Tạp chí Lịch sử Đảng (in) số 9/2019
1. Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, T. 2, tr. 304
2. Cổng Thông tin điện tử Chính phủ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam: Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2013)
3. Cổng Thông tin điện tử Chính phủ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam: Luật số 12/2012/QH13 của Quốc hội: Luật Công đoàn 2012.
4. Theo số liệu tổng hợp tại Báo cáo tổng kết Công đoàn năm 2018 của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.