Tóm tắt: Giáo dục và đào tạo có vai trò quan trọng đối với sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia, dân tộc. Trong hệ thống giáo dục quốc dân, giáo dục phổ thông được xem là giai đoạn đóng vai trò bản lề, nền tảng cho những bậc học cao hơn. Nhận thức sâu sắc tầm quan trọng đó, trong những năm 2011 - 2020, Đảng bộ tỉnh Đồng Nai tập trung lãnh đạo phát triển giáo dục phổ thông và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Bài viết làm rõ những chủ trương và sự chỉ đạo của Đảng bộ tỉnh Đồng Nai về phát triển giáo dục phổ thông từ năm 2011 đến năm 2020, bước đầu đúc kết những kinh nghiệm quý, có giá trị, tạo tiền đề thúc đẩy sự nghiệp giáo dục của tỉnh trong giai đoạn tiếp theo.

Từ khóa: Đảng bộ tỉnh Đồng Nai; phát triển giáo dục phổ thông; 2011-2020

1. Chủ trương của Đảng bộ tỉnh Đồng Nai

Là tỉnh thuộc khu vực Đông Nam Bộ, Đồng Nai nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và vùng tứ giác phát triển kinh tế (Thành phố Hồ Chí Minh - Bình Dương- Đồng Nai - Bà Rịa Vũng Tàu). Ngày 4-6-2008, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 73/2008/QĐ-TTg phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội tỉnh Đồng Nai đến năm 2020”. Đây là cơ sở để Đảng bộ tỉnh tăng cường lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội nói chung, giáo dục và đào tạo nói riêng với mục tiêu “từng bước nâng tầm giáo dục và đào tạo ở tỉnh tiếp cận với trình độ quốc tế và vươn lên ngang hàng khu vực vào giai đoạn 2010 - 2015”1.

Trong giai đoạn 2011 - 2020, Trung ương Đảng ban hành nhiều chủ trương lãnh đạo phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Tại Đại hội XI (2011) của Đảng, Cương lĩnh Xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) khẳng định Giáo dục và đào tạo có sứ mệnh nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, góp phần quan trọng phát triển đất nước, xây dựng nền văn hoá và con người Việt Nam”2.

Tiếp đó, Hội nghị BCHTƯ khóa XI ra Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4-11-2013 “về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”. Nghị quyết xác định 7 quan điểm chỉ đạo, 2 mục tiêu tổng quát, 6 mục tiêu cụ thể, 7 nhiệm vụ và giải pháp. Nghị quyết số 29-NQ/TW đánh dấu bước phát triển mới về tư duy chiến lược, thể hiện tầm nhìn, quyết tâm của Đảng về phát triển giáo dục và đào tạo đối với sự phát triển bền vững của đất nước. Đại hội XII (2016) của Đảng xác định: cần thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó, đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo là một trong những khâu đột phá mang tính chiến lược. Cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng về giáo dục và đào tạo, Quốc hội thông qua Luật Giáo dục (6-2019). Đối với giáo dục phổ thông, từ Điều 28 đến Điều 34, Luật quy định các vấn đề cơ bản như: mục tiêu, chương trình sách giáo khoa, phương pháp giáo dục phổ thông…

Quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng về giáo dục và đào tạo nói chung, giáo dục phổ thông nói riêng, Đảng bộ tỉnh Đồng Nai đề ra nhiều chủ trương, giải pháp nhằm đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển kinh tế - xã hội. Đại hội Đảng bộ tỉnh Đồng Nai lần thứ IX (2010) đề ra nhiệm vụ: “Tiếp tục đổi mới và phát triển toàn diện, mạnh mẽ giáo dục - đào tạo, phát triển nguồn lực chất lượng cao. Xây dựng xã hội học tập trên nền tảng phong trào khuyến học, khuyến tài”3. Ngày 29-7-2014, Tỉnh ủy Đồng Nai ban hành “Kế hoạch số 194-KH/TU thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”. Về giáo dục phổ thông, Tỉnh ủy đề ra mục tiêu: đến năm 2020 “50% trường tiểu học, 80% trường THCS và 90% trường THPT đạt thực chất các tiêu chí của trường chuẩn quốc gia; 50% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo về phổ cập trung học; trên 99% giáo viên tiểu học, trên 95% giáo viên trung học cơ sở, 15% - 18% giáo viên trung học phổ thông đạt trình độ đào tạo trên chuẩn”4. Tỉnh ủy đề ra nhiệm vụ và giải pháp cụ thể là:

Thứ nhất, đổi mới tư duy lãnh đạo, quản lý giáo dục và đào tạo, huy động tổng lực toàn xã hội để tham gia phát triển giáo dục đào tạo.

Thứ hai, cần tập trung phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, xem đây là bước đột phá, là chìa khóa cho sự thành công của việc đổi mới toàn diện, căn bản ngành giáo dục. Do đó cần đào tạo, bồi dưỡng, có chính sách đãi ngộ phù hợp nhằm đảm bảo số lượng và chuẩn hóa trình độ của đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục đặt ra. Thực hiện rà soát, sắp xếp, tuyển dụng, đảm bảo đúng vị trí việc làm, đủ số lượng, đủ năng lực, trình độ và phẩm chất, tránh tình trạng thừa thiếu cục bộ.

Thứ ba, phát triển hợp lý về quy mô, đa dạng hóa hệ thống trường lớp, củng cố mạng lưới trường học, quy hoạch hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng mở, linh hoạt, liên thông giữa các cấp học, đảm bảo cho mọi người có nhu cầu đều được đi học. Củng cố và tiếp tục nâng cao chất lượng dạy và học; cần phải chú trọng dạy chữ - dạy người; dạy học gắn lý thuyết và thực hành, đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra đánh giá theo hướng tiếp cận năng lực, chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức, sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học; nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, tin học.

Thứ tư, tổ chức, quản lý hoạt động giáo dục đào tạo một cách hiệu quả, thực hiện công khai, công bằng, dân chủ trong giáo dục đào tạo. Có các chính sách cụ thể nhằm hỗ trợ các cơ sở giáo dục ngoài công lập, đảm bảo sự bình đẳng giữa cơ sở giáo dục công lập và ngoài công lập.

Thứ năm, đầu tư, tăng cường phát triển cơ sở vật chất theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa đáp ứng yêu cầu phát triển sự nghiệp giáo dục phổ thông. Cân đối và đảm bảo nguồn vốn, quỹ đất nhằm xây dựng, cải tạo trường, lớp, trang thiết bị dạy học.

Kế hoạch số 194-KH/TU là sự vận dụng linh hoạt, sáng tạo chủ trương của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết số 29-NQ/TW vào tình hình thực tế của tỉnh; là cơ sở để Đảng bộ, chính quyền các cấp lãnh đạo, chỉ đạo phát triển giáo dục và đào tạo, trong đó có giáo dục phổ thông. Đồng thời, thể hiện sự quan tâm, sát sao của Đảng bộ tỉnh Đồng Nai đến tình hình giáo dục đào tạo của địa phương.

Đại hội Đảng bộ tỉnh Đồng Nai lần thứ X (2015) khẳng định: “Tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo hướng tiên tiến, đáp ứng yêu cầu nâng cao dân trí, đào tạo nhân tài, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đủ năng lực, trình độ và phẩm chất đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”5. Tiếp đó, ngày 9-9-2019, Tỉnh ủy Đồng Nai ban hành Kế hoạch số 298-KH/TU “triển khai thực hiện Kết luận số 51-KL/TW, ngày 30-5-2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”. Tỉnh ủy khẳng định: “tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo toàn diện”6.

Như vậy, trong 10 năm (2011 - 2020), trên cơ sở chủ trương, đường lối của Trung ương Đảng, Đảng bộ tỉnh Đồng Nai đề ra nhiều chủ trương, chính sách phát triển giáo dục và đào tạo, thông qua văn kiện đại hội, các kế hoạch, trong đó tập trung vào hai vấn đề: Phương hướng phát triển giáo dục phổ thông theo hướng toàn diện, chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa. Nhiệm vụ, giải pháp tập trung vào phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục; đổi mới nội dung, phương pháp dạy học, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học đảm bảo chất lượng giáo dục; phát triển quy mô, mạng lưới trường lớp, đáp ứng nhu cầu học tập của người dân.

2. Một số kết quả

 Thứ nhất, quy mô, mạng lưới trường lớp phát triển đồng bộ theo hướng đa dạng hóa các loại hình trường, lớp ở tất cả các bậc học

Thực hiện chủ trương của Đảng bộ tỉnh, UBND tỉnh đã phối hợp cùng các ban, sở, ngành thực hiện các đề án, lộ trình xây dựng trường, lớp bằng các nguồn ngân sách địa phương và nguồn lực huy động từ xã hội.

Ngày 5-12-2014, UBND tỉnh Đồng Nai ban hành Quyết định số 3866/QĐ-UBND “phê duyệt Đề án phát triển xã hội hóa các lĩnh vực văn hóa – xã hội tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2015 – 2020”, nhằm huy động thêm nguồn lực góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, nhất là việc xây dựng trường học ngoài công lập, đáp ứng nhu cầu học tập của người dân.

Kết quả đến tháng 9-2020, số trường học cơ bản đảm bảo nhu cầu dạy và học của các cấp học. Toàn tỉnh có 548 trường, bao gồm các trường tiểu học, trường trung học cơ sở, trường trung phổ thông, trong đó cả trường công lập và trường ngoài công lập. Về số lớp học, toàn tỉnh Đồng Nai có 14.843 lớp, trong đó có: 8.158 lớp học tiểu học (7.822 lớp học của trường công lập và 336 lớp học của trường ngoài công lập); 4.732 lớp học trung học cơ sở (4.438 lớp học của trường công lập và 294 lớp học của trường ngoài công lập; 1.953 lớp học trung phổ thông (1.407 lớp học của trường công lập và 546 lớp học của trường ngoài công lập)7. Tỉnh Đồng Nai đã hoàn thành mục tiêu 50% trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia với 155/289 trường (tỷ lệ 53,63%); cấp trung học cơ sở, trung phổ thông, số trường đạt chuẩn là 115/175 trường trung học cơ sở (tỷ lệ 65,71%); 28/47 trường trung phổ thông (tỷ lệ 59,57%)8.

Thứ hai, chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục được nâng cao

Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục là một trong những giải pháp tạo đột phá cho việc nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo. Quán triệt chủ trương của Trung ương và Tỉnh ủy, ngày 23-8-2016, UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành “Kế hoạch số 7533/KH-UBND đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025”, trong đó nhấn mạnh: đào tạo trình độ sau đại học đối với nguồn nhân lực trong danh sách quy hoạch đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông. Điểm mới trong công tác bồi dưỡng cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục là chú trọng nâng cao năng lực ngoại ngữ, tin học, năng lực quản lý, quản trị trong các nhà trường phổ thông, bồi dưỡng tin học hóa trong quản lý.

Với quan điểm, thầy cô giáo là yếu tố quyết định đối với chất lượng giáo dục, vì vậy công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục về lý luận chính trị và chuyên môn nghiệp vụ được quan tâm. Đến tháng 9-2020, toàn tỉnh có 22.112 giáo viên, trong đó: Tiểu học là 10.177 giáo viên, trung học cơ sở là 8.159 giáo viên, trung học phổ thông là 3.776 giáo viên. Số giáo viên phổ thông ngoài công lập là 1.437 giáo viên, trong đó: Tiểu học là 350 giáo viên, trung học cơ sở là 321 giáo viên, trung học phổ thông là 766 giáo viên. Số giáo viên phổ thông là nữ là: 17.222 giáo viên, trong đó: Tiểu học là 8.875 giáo viên, trung học cơ sở là 6.045 giáo viên, trung học phổ thông là 2.302 giáo viên9. Chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục không ngừng được nâng cao, phần lớn giáo viên đứng lớp đạt chuẩn theo quy định. Công tác tập huấn Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã được Sở Giáo dục - Đào tạo xây dựng kế hoạch cho giáo viên theo từng khối lớp và năm học, tính đến tháng 6-2020, giáo viên các cấp đã tham gia 6 đợt tập huấn theo triệu tập của Bộ Giáo dục và Đào tạo: 3 đợt cho giáo viên cốt cán, 3 đợt cho cán bộ quản lý và lãnh đạo Phòng Giáo dục - Đào tạo, tổng số cán bộ giáo viên được tập huấn là 578 giáo viên cốt cán, 80 cán bộ quản lý và lãnh đạo Phòng Giáo dục - Đào tạo10. Năng lực ngoại ngữ, tin học của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, đáp ứng chuẩn nghề nghiệp. Hằng năm, tỉnh đều tổ chức bồi dưỡng, tập huấn cán bộ quản lý, giáo viên về đổi mới chương trình dạy học, đổi mới kiểm tra đánh giá, đổi mới quản lý theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đặc biệt, giai đoạn 2014-2020, UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị trong ngành Giáo dục, khuyến khích đội ngũ giáo viên tích cực tham gia nghiên cứu khoa học, nhất là khoa học giáo dục và khoa học quản lý. Vì vậy, đã góp phần cải tiến phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, nhằm đổi mới căn bản giáo dục và đào tạo.

Thứ ba, chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục nhân cách, đạo đức của học sinh được chú trọng

 Để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, trong những năm 2011 – 2020, ngành Giáo dục của tỉnh đã triển khai các đề án, phong trào, kế hoạch: phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”; các đề án: “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020”, “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020”, “Nâng cao chất lượng công tác giáo dục thể chất ở các trường phổ thông trong tỉnh giai đoạn 2013-2020”, “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2015-2020”, “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2017-2025”. Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục triển khai và thực hiện các yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực của học sinh; đổi mới phương pháp dạy học; đổi mới kiểm tra đánh giá theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực người học theo đúng mục tiêu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Các trường phổ thông cũng đã xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động giáo dục học sinh như: giáo dục kỹ năng sống, Luật An toàn giao thông, phòng chống tai nạn, thương tích, đuối nước, giáo dục truyền thống, bảo vệ môi trường theo các kế hoạch của UBND tỉnh: Kế hoạch số 4856/KH-UBND ngày 13-6-2016 phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2016-2020; Kế hoạch số 2345/KH-UBND, ngày 24-3-2018, tiếp tục triển khai thực hiện đề án “Nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường” đến năm 2021 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Với những giải pháp đồng bộ trên, giáo dục phổ thông tỉnh Đồng Nai đã đạt được kết quả quan trọng. Đối với giáo dục trung học cơ sở: 170/170 xã, phường, thị trấn tiếp tục giữ vững chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục trung học cơ sở; 11/11 đơn vị cấp huyện đạt mức độ 2 về phổ cập giáo dục trung học cơ sở; tổng số thanh, thiếu niên từ 15-18 tuổi đã tốt nghiệp trung học cơ sở đang học chương trình giáo dục phổ thông hoặc giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghệp chiếm tỷ lệ 93%; số thanh, thiếu niên từ 11-18 tuổi bỏ học (cả 2 cấp) chiếm tỷ lệ 0.32%11. Đối với cấp trung học phổ thông, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông năm sau cao hơn năm trước, năm học 2019-2020 tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông đạt 98.11% (so với năm học 2017-2018, tỷ lệ này là 97.03%)12 , tham gia với 2 dự án tại Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học năm học 2019-2020, trong đó có 1 dự án đạt giải nhất; kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm học 2019-202013, tỉnh Đồng Nai có 28 thí sinh đoạt giải, gồm: 5 giải Nhì, 10 giải Ba và 13 giải khuyến khích, hầu hết đều là học sinh trường trung học phổ thông chuyên Lương Thế Vinh14. Công tác xóa mù chữ tiếp tục đực duy trì và từng bước nâng cao: Đồng Nai là tỉnh đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2; 170/170 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2 (tỷ lệ 100%); 11/11 huyện đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2 (tỷ lệ 100%)15.

Thứ tư, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học được xây dựng theo hướng hiện đại

Với nguồn vốn từ Chính phủ, của tỉnh và nguồn vốn xã hội hóa, tỉnh Đồng Nai đã tập trung đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học theo hướng hiện đại. UBND tỉnh Đồng Nai thông qua nhiều quyết định phê duyệt đầu tư trang thiết bị hiện cho các trường học: Quyết định số 971/QĐ-UBND, ngày 31-3-2016 “phê duyệt đầu tư trang thiết bị tiên tiến phục vụ dạy và học cho các trường phổ thông công lập”; Quyết định 1152/QĐ-UBND ngày 20-4-2016 “phê duyệt danh mục mua sắm máy vi tính cho các trường Trung học phổ thông công lập năm 2016”. Kết quả, trong những năm 2014 - 2018, tỉnh đã xây dựng mới 179 trường học, đầy đủ các phòng học, phòng chức năng theo quy định. Tỷ lệ phòng học được xây dựng kiên cố là tiểu học 70,8%; trung học cơ sở là 88,2%; trung học phổ thông là 94,4%16. Cơ sở vật chất, các thiết bị dạy học hiện đại như: máy vi tính, máy chiếu, các thiết bị nghe nhìn, các thiết bị dạy học cho các môn năng khiếu như Âm nhạc, Mĩ thuật được trang bị. Đặc biệt, để nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ trong các trường phổ thông, UBND tỉnh Đồng Nai đã phê duyệt đề án “Đầu tư thiết bị phòng học ngoại ngữ, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục phổ thông giai đoạn 2012 - 2015”, góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh trên địa bàn tỉnh.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý giáo dục được quan tâm thực hiện. Ngày 21-8-2018, UBND tỉnh Đồng Nai ban hành Kế hoạch 8864/KH-UBND triển khai đề án: “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lí và hỗ trợ các hoạt động dạy - học, nghiên cứu khoa học góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2025”. Lộ trình thực hiện đề án gồm 2 giai đoạn: 2018 - 2019 và 2019 - 2020. Mục  tiêu đề ra đến năm 2020: hình thành cơ sở dữ liệu toàn ngành giáo dục và đào tạo; phấn đấu 100% các cơ quan quản lý giáo dục, cơ sở giáo dục và đào tạo quản lý hành chính và xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng; hình thành khoa học liệu số dùng chung toàn ngành, phấn đấu 100% cơ sở giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà trường; trong đó 100% trường học sử dụng sổ quản lý điện tử; phấn đấu 95% cán bộ, giáo viên và công nhân viên trong ngành giáo dục đạt chuẩn công nghệ thông tin cơ bản, 20% đạt chuẩn công nghệ thông tin nâng cao (tại các trường có điều kiện) theo quy định tại Thông tư Liên tịch số 17/2016/TTLT-BGDĐT-BTTTT, ngày 26-6-2016, của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Thông tin và Truyền thông “về quy định tổ chức thi và cấp chứng chỉ ứng dụng công nghệ thông tin” (gọi chung là Thông tư Liên tịch số 17)17.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và giảng dạy đã đạt kết quả tốt. Các trường phổ thông sử dụng các phần mềm: phần mềm quản lý nhà trường SMAS, VNEDU; phầm mềm quản lý tốt nghiệp trung học cơ sở, thi tuyển sinh lớp 10; phầm mềm quản lý đề thi, … đảm bảo tính thông suốt, nhanh chóng, hiệu quả trong chế độ thông tin, tạo điều kiện để các hoạt động giáo dục diễn ra thuận lợi.

Bên cạnh thành tựu đạt được, trong lãnh đạo phát triển giáo dục phổ thông của Đảng bộ tỉnh Đồng Nai vẫn còn những hạn chế cần khắc phục: đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục còn bất cập về số lượng, chất lượng, cơ cấu; hệ thống cơ sở vật chất tuy phát triển, nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu dạy và học, tình trạng thiếu phòng học; một số địa phương chưa đẩy mạnh triển khai chính sách huy động các nguồn lực nhằm phát triển giáo dục.

3. Một số kinh nghiệm

Một là, Đảng bộ đã vận dụng sáng tạo chủ trương của Đảng về giáo dục và đào tạo, phù hợp với thực tiễn của địa phương. Với đặc thù là một tỉnh công nghiệp, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, giáo dục và đào tạo nói chung, giáo dục phổ thông nói riêng có ý nghĩa quan trọng đối với quá trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của địa phương, góp phần vào sự nghiệp đổi mới, CNH, HĐH và hội nhập quốc tế của đất nước. Đảng bộ tỉnh Đồng Nai luôn quán triệt quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về giáo dục phổ thông, đánh giá tình hình thực tế của địa phương để đưa ra những chính sách phù hợp, phát triển giáo dục phổ thông trên tất cả các mặt. Những kết quả đạt được (thành tựu và hạn chế) trong quá trình lãnh đạo phát triển giáo dục phổ thông của Đảng bộ tỉnh Đồng Nai, là kinh nghiệm cần được nghiên cứu và phát huy.

Hai là, coi trọng công tác xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục: thực tế cho thấy, việc xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục là một trong những nhân tố quan trọng quyết định chất lượng và hiệu quả giáo dục. Từ đó, đòi hỏi Đảng bộ tỉnh cần có chính sách chỉ đạo quyết liệt hơn nữa trong công tác xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục: xây dựng, thực hiện phương thức tuyển chọn, đào tạo, quy hoạch, sử dụng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục đảm bảo về số lượng, chất lượng đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục - đào tạo và chương trình giáo dục phổ thông mới. Đồng thời, nâng cao trách nhiệm, đạo đức nhà giáo và năng lực nghề nghiệp; xây dựng cơ chế, chính sách đãi ngộ cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục tương xứng với nhu cầu mức sống hiện nay. Bên cạnh đó, cần có chính sách khuyến khích, thu hút, sử dụng, đãi ngộ sinh viên giỏi vào ngành sư phạm, nâng cao chất lượng, đảm bảo chuẩn hóa về đội ngũ giáo viên.

Ba là, thực hiện tốt công tác xã hội hóa giáo dục nhằm phát huy tối đa các nguồn lực cho sự phát triển giáo dục phổ thông: xã hội hóa giáo dục là một chủ trương lớn của Đảng, chính sách của Nhà nước nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn thể nhân dân trong phát triển giáo dục nói chung, giáo dục phổ thông nói riêng. Vì vậy, cần ban hành cơ chế, chính sách xã hội hóa giáo dục phù hợp với đặc điểm tình hình của tỉnh, đặc biệt về vấn đề quy hoạch đất, thuê đất, thuê cơ sở vật chất, quy hoạch xây dựng theo pháp luật nhằm thu hút những nhà đầu tư, góp phần mở rộng quy mô trường học, đáp ứng nhu cầu học tập của người dân.

Trong những năm 2011-2020, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh Đồng Nai, giáo dục - đào tạo nói chung, giáo dục phổ thông nói riêng đã phát triển cả về quy mô và chất lượng. Chất lượng giáo dục toàn diện được nâng lên; cơ sở vật chất hiện đại hơn; đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý ngày càng được chuẩn hóa về trình độ, cơ bản đáp ứng mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục. Kết quả đạt được và những kinh nghiệm quý trong 10 năm qua, là cơ sở giúp cho Đảng bộ tỉnh Đồng Nai tiếp tục lãnh đạo sự nghiệp giáo dục Đồng Naingày càng phát triển.

 

Ngày nhận: 30-7- 2024 ; ngày thẩm định, đánh giá: 28-8-2024; ngày duyệt đăng: 31-8-2024

1. Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai:  “Hồ sơ Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội tỉnh Đồng Nai đến năm 2020”, 2008, Lưu tại Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai, tr. 7

2. Đảng Cộng sản Việt Nam: “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011)”, https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/ban-chap-hanh-trung-uong-dang/dai-hoi-dang/lan-thu-xi/cuong-linh-xay-dung-dat-nuoc-trong-thoi-ky-qua-do-len-chu-nghia-xa-hoi-bo-sung-phat-trien-nam-2011-1528, truy cập ngày 28-8-2024

3. Tỉnh ủy Đồng Nai: Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh Đồng Nai lần thứ IX nhiệm kì 2010 - 2015, Lưu hành nội bộ, 2010, tr. 69, 42

4. Tỉnh ủy Đồng Nai: “Kế hoạch số 194-KH/TU ngày 29/7/2014 thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, tr. 7, lưu tại Văn phòng Tỉnh ủy Đồng Nai

5. Tỉnh ủy Đồng Nai (2015), Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa IX tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ X, Phòng Lưu trữ-Tỉnh ủy Đồng Nai, tr. 42

6. Tỉnh ủy Đồng Nai: “Kế hoạch số 298-KH/TU triển khai thực hiện Kết luận số 51-KL/TW, ngày 30-5-2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” Lưu tại Văn phòng Tỉnh ủy Đồng Nai, tr. 1

7, 9. Cục thống kê tỉnh Đồng Nai: Niên giám thống kê tỉnh Đồng Nai năm 2021, Nxb Thống kê, H, 2022, tr. 510-512; 515-518

8. Hải Yến: “Tăng tốc” xây dựng trường chuẩn quốc gia”, https://baodongnai.com.vn/xahoi/202003/tang-toc-xay-dung-truong-chuan-quoc-gia-2995052/, đăng ngày 25-3-2020

10. Tỉnh ủy Đồng Nai: “Báo cáo số 643-BC/TU ngày 20-7-2020 tình hình giáo dục và đào tạo tỉnh Đồng Nai”, tr. 8, lưu tại Văn phòng Tỉnh ủy Đồng Nai

11, 15. Tỉnh ủy Đồng Nai: “Báo cáo số 137-BC/TU ngày 26-8-2021 tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TU ngày 5-12-2011 của Bộ Chính trị (khóa XI) về “Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, củng cố kết quả phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở, tăng cường phân luồng cho học sinh sau trung học cơ sở và xóa mù chữ cho người lớn””, tr. 10, 12, lưu tại Văn phòng Tỉnh ủy Đồng Nai

12. Tỉnh ủy Đồng Nai: “Báo cáo số 329-BC/TU ngày 2-8-2023 tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế””, tr. 14, lưu tại Văn phòng Tỉnh ủy Đồng Nai

13. Đức Kỷ: “Học sinh Đồng Nai đạt giải nhất Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học năm học 2019-2020”, https://sgddt.dongnai.gov.vn/tin-tuc/-hoc-sinh-dong-nai-dat-giai-nhat-cuoc-thi-khoa-hoc-ky-thuat-cap-quoc-gia-hoc-sinh-trung-hoc-5076.html, đăng ngày 22-6-2020

14. Bộ Giáo dục và Đào tạo: “Thông báo kết quả thi chọn học sinh giỏi quốc gia năm học 2019-2020”, https://moet.gov.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-bo.aspx?ItemID=6441, đăng ngày 15-1-2020

16. Tỉnh ủy Đồng Nai: “Báo cáo số 384-BC/TU ngày 12-11-2018 sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”” (phần Phụ lục II), tr. 22, lưu tại Văn phòng Tỉnh ủy Đồng Nai

17. Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai: “Kế hoạch 8864/KH-UBND triển khai đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lí và hỗ trợ các hoạt động dạy – học, nghiên cứu khoa học góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo giai đoạn 2018 – 2020, định hướng đến năm 2025” trên địa bàn tỉnh”, tr.15, lưu tại Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.