Tóm tắt: Năm 1945, địa bàn tỉnh Tân An gồm 3 quận Châu Thành, Mộc Hóa, Thủ Thừa. Được sự chỉ đạo trực tiếp của Xứ ủy Nam Bộ, Ngày 21-8-1945, Tỉnh ủy Tân An chớp thời cơ lãnh đạo nhân dân trong tỉnh đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền trong phạm vi toàn tỉnh. Khởi nghĩa Tân An thắng lợi, mở đường cho khởi nghĩa ở toàn Nam Bộ. Thắng lợi của khởi nghĩa Tân An mang ý nghĩa quan trọng, khẳng định thời cơ cách mạng ở Nam Bộ đã chín muồi, đồng thời chứng minh chủ trương khởi nghĩa của Xứ ủy Tiền phong là đúng đắn, góp phần vào thắng lợi chung của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 trên phạm vi cả nước.
Từ khoá: Khởi nghĩa Tân An; giành chính quyền; Cách mạng Tháng Tám 1945.
1. Thời cơ và chớp thời cơ khởi nghĩa ở tỉnh Tân An (8-1945)
Trong đêm 13-8-1945, Ban Thường vụ Trung ương Đảng và Tổng bộ Việt Minh đã thành lập Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc, phát đi Quân lệnh số 1: “giờ tổng khởi nghĩa đã đánh! Cơ hội có một cho quân dân Việt Nam vùng dậy giành lấy quyền độc lập cho nước nhà!... Chúng ta phải hành động cho nhanh với một tỉnh thần vô cùng quả cảm, vô cùng thận trọng!”1. Ngay sau đó, Hội nghị toàn quốc của Đảng cộng sản Đông Dương cũng đã xác định đây là “Cơ hội rất tốt cho ta giành quyền độc lập đã tới”2; “Đánh chiếm ngay những nơi chắc thắng, không kể thành phố hay thôn quê. Thành lập những Ủy ban nhân dân ở những nơi ta làm chủ”3.
Ở Nam Bộ, sau khi Nhật đảo chính Pháp, thời cơ khởi nghĩa “đã có phần chín mùi rồi, song chưa đủ để Đảng có thể phát lệnh Tổng khởi nghĩa giành thắng lợi một cách chắc chắn”4. Do đó, ngay khi hay tin Nhật đầu hàng quân Đồng minh ngày 15-8-1945, Xứ ủy Tiền Phong họp, xác định thời cơ khởi nghĩa đã đến, lập Ủy ban khởi nghĩa và bầu Trần Văn Giàu, Bí thư Xứ ủy Tiền Phong làm Chủ tịch. Tối 16-8-1945, Xứ ủy Tiền Phong tiến hành Hội nghị mở rộng tại Chợ Đệm (tỉnh Chợ Lớn) với sự tham gia của đại diện Xứ ủy Tiền Phong và đại diện của Xứ ủy Giải Phóng, bàn về việc phát động Tổng khởi nghĩa ở Nam Bộ.
Tỉnh ủy Tân An có Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Trọng và Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy Lê Minh Xuân tham gia cuộc họp. Mở đầu cuộc họp, các đại biểu tham dự nhận định, đánh giá, tình hình cũng như đưa ra những chủ trương cho cách mạng Nam Bộ trong bối cảnh mới. Thay mặt Xứ ủy Tiền Phong, Bí thư Trần Văn Giàu đã nhận định tình hình trước mắt và đồng thời quyết định tiến hành Tổng khởi nghĩa trước tiên là ở Sài Gòn. Tuy nhiên, một số đại biểu tham gia họp chưa thống nhất chủ trương này cho rằng quân Nhật ở Sài Gòn còn mạnh, khởi nghĩa chưa chắc thành công, mà thành công cũng khó giữ được chính quyền khi quân Đồng minh tiến vào. Những ý kiến này cho rằng: “Nam Kỳ là vùng quân Nhật đông như kiến cỏ (chiếm hơn 80% trong tổng số hơn 100.000 quân Nhật ở Đông Dương), đó là chưa kể lực lượng thân Nhật khá đông”5. Theo Trần Văn Giàu, những lập luận này “không phải là không có căn cứ”6. Do bất đồng quan điểm, cuộc họp “cãi nhau nảy lửa”7 và phải kéo sang ngày 17-8-1945 nhưng chưa thống nhất trong việc ấn định thời gian phát động Tổng khởi nghĩa ở Nam Bộ. Do đó, “hội nghị nghị quyết rằng hãy hoãn ngày “bấm nút” lại, chờ xem Hà Nội làm thế nào; hễ Hà Nội “làm” thì Sài Gòn cũng làm “tức khắc”8.
Ngoài ra, Xứ ủy cũng xem xét động thái của quân Nhật ra sao, có đàn áp quần chúng nhân dân hay không nếu Xứ ủy Tiền Phong phát động Tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở Nam Bộ. Đối với quân Nhật, việc không can thiệp vào khởi nghĩa của lực lượng cách mạng “sẽ được an toàn tính mạng, mà còn giúp một phần vào công cuộc giải phóng của dân tộc Việt Nam9. Xứ ủy Tiền Phong cử Phạm Ngọc Thạch và Ngô Tấn Nhơn với vai trò đại diện Thanh niên Tiền Phong đến Tổng hành dinh Đông Nam Á của Nhật để thăm dò chủ trương của Nhật. Phạm Ngọc Thạch và Ngô Tấn Nhơn đã yêu cầu Nhật đáp ứng một số điều kiện: “Thứ nhất, khi nhân dân Việt Nam khởi nghĩa giành độc lập thì quân đội Nhật không được can thiệp, gây khó khăn. Thứ hai, đề nghị Nhật cung cấp cho nhân dân Việt Nam một số vũ khí cần thiết” 10.
Trước không khí cách mạng sôi sục khắp Sài Gòn, lý luận sắc bén của đại diện Thanh niên Tiền Phong; do Nhật Bản cũng đã đầu hàng quân đồng minh nên Thống chế Terauchi “hứa sẽ hạ lệnh cho các đơn vị Nhật đóng ở mọi nơi rút về doanh trại và không can thiệp vào các cuộc nổi dậy của nhân dân Việt Nam”11. Đồng thời, “Terauchi đã trao gươm ngắn cho Phạm Ngọc Thạch để làm bằng chứng và sau đó có giao lại cho lực lượng cách mạng 1.200 súng và 2 triệu viên đạn”12.
Như vậy, quân Nhật ở Sài Gòn sẽ không can thiệp hay có bất cứ hành động gì nếu Xứ uỷ Tiền phong tiến hành phát động khởi nghĩa toàn Nam Bộ. Ngày 20-8-1945 tại Sài Gòn, Việt Minh tuyên bố ra hoạt động công khai. Cùng thời điểm đó, Xứ ủy Tiền Phong nhận được tin Hà Nội khởi nghĩa thắng lợi. Tối cùng ngày (20-8) và sáng ngày 21-8-1945, Xứ ủy Tiền Phong tổ chức cuộc họp mở rộng tại Chợ Đệm (tỉnh Chợ Lớn) lần hai để quyết định chọn ngày phát động khởi nghĩa. Tại cuộc họp lần này cũng vẫn còn có những ý kiến khác nhau, song đề xuất của Bí thư Xứ uỷ Tiền phong Trần Văn Giàu lấy Tân An - quê hương của ông làm khởi nghĩa thí điểm đã được hội nghị nhất trí13. Việc chọn Tân An làm khởi nghĩa thí điểm nhằm thăm dò phản ứng của quân Nhật trước Tổng Khởi nghĩa. Tân An là lựa chọn tối ưu bởi ba yếu tố: lực lượng cách mạng vững chắc, vị trí chiến lược kiểm soát hai cây cầu huyết mạch (Bến Lức và Tân An) giúp đoán định động thái của quân Nhật và vị trí địa lý gần Sài Gòn giúp Xứ ủy nhanh chóng nắm bắt phản ứng từ trung tâm để điều chỉnh kế hoạch Tổng Khởi nghĩa toàn Nam Bộ.
2. Diễn biến cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở tỉnh Tân An (8-1945)
Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở tỉnh lỵ Tân An
Tỉnh lỵ Tân An, trung tâm hành chính, nơi tập trung các cơ quan đầu não của chính quyền thân Nhật, lực lượng quân sự bao gồm lính mã tà, cảnh sát tỉnh, cùng hơn 400 lính Nhật đồn trú. Đây cũng là nơi đặt trụ sở Thanh niên Tiền phong tỉnh. Tỉnh ủy Tân An hoạt động bí mật, có sự ủng hộ lớn từ quần chúng.
Ngay sau khi cuộc họp Xứ ủy Tiền Phong ngày 17-8-1945 kết thúc, Nguyễn Văn Trọng và Lê Minh Xuân về triệu tập cuộc họp khẩn ra “Nghị quyết đỏ”, phân công các Tỉnh ủy viên tổ chức may sẵn cờ đỏ sao vàng, tập trung người và vũ khí về chung quanh tỉnh lỵ đợi giờ hành động và dự kiến danh sách Ủy ban Nhân dân cách mạng lâm thời của tỉnh, nghị quyết được phổ biến đến tận các quận”14.
Thực hiện chủ trương của Xứ ủy Tiền Phong, công tác chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền ở tỉnh Tân An diễn ra khẩn trương. Trưa ngày 21-8-1945, tại tỉnh lỵ Tân An xuất hiện một tình huống bất ngờ, một tổ chức phản động thân Nhật do tên Giao cầm đầu, với sự giúp đỡ của quân Nhật định giành chính quyền trước lực lượng cách mạng. Trước tình hình đó, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Trọng và Lê Minh Xuân đã quyết định phát động khởi nghĩa. Lực lượng cách mạng, nòng cốt là Thanh niên Tiền phong, đã nhanh chóng chiếm được trại lính, kho bạc, bắt giữ các tên đầu sỏ trong bộ máy chính quyền. Tỉnh trưởng Trần Ngọc Thạch15 do đi vắng nên thoát được.
Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở tỉnh lỵ Tân An diễn ra êm gọn, chỉ có một phát súng duy nhất xảy ra tại nhà bác sĩ Đạm khi Đốc phủ Phước chống cự. Đến 16 giờ cùng ngày, tỉnh lỵ Tân An hoàn toàn về tay nhân dân. Cờ đỏ búa liềm và cờ đỏ sao vàng phấp phới trên dinh Tỉnh trưởng.
Tin Tỉnh lỵ Tân An giành chính quyền thành công lan nhanh đến các quận, các địa phương trong tỉnh. Tỉnh ủy Tân An chỉ đạo các quận Châu Thành, Thủ Thừa, Mộc Hóa tiến hành khởi nghĩa.
Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở quận Châu Thành
Quận Châu Thành, nơi đóng tỉnh lỵ của chính quyền tỉnh, cũng là nơi đóng quân của lực lượng lính mã tà, cảnh sát tỉnh và có hệ thống đồn bốt dày đặc. Phong trào cách mạng ở đây phát triển mạnh với sự ra đời của nhiều chi bộ đảng và sự lớn mạnh của lực lượng Thanh niên Tiền phong.
Nhận được tin tỉnh lỵ khởi nghĩa thành công, các chi bộ đảng ở Châu Thành đã lãnh đạo nhân dân nổi dậy giành chính quyền địa phương. Lực lượng Thanh niên Tiền phong cùng quần chúng đã bao vây, giải tán Ban hội tề, tước vũ khí của binh lính, lập chính quyền cách mạng ở hầu hết các làng. Châu Thành là quận khởi nghĩa sớm nhất sau tỉnh lỵ, giành được chính quyền một cách nhanh chóng, gọn gàng.
Như vậy, cùng với tỉnh lỵ, các địa phương ở quận Châu Thành đều đã khởi nghĩa giành chính quyền thành công, giải tán hết bọn tề làng, lập chính quyền cách mạng. Việc giành chính quyền ở các làng diễn ra nhanh gọn “đơn giản là bàn giao giữa người cũ và người mới vì bộ máy địch ở các làng gần như đã thuộc về cách mạng kể từ khi có phong trào Thanh niên Tiền phong nổi lên” 16.
Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở quận Thủ Thừa
Quận Thủ Thừa có vị trí chiến lược quan trọng, là nơi địch tập trung nhiều đồn bốt để kiểm soát giao thông đường thủy. Phong trào cách mạng ở đây phát triển mạnh mẽ, tuy nhiên vẫn còn một số vùng “trắng” chưa có cơ sở đảng. Chiều ngày 21-8, nhận được lệnh của Tỉnh ủy, Quận ủy Thủ Thừa đã phát động khởi nghĩa. Lực lượng vũ trang do Lê Văn Tưởng chỉ huy đã chiếm Dinh quận, tước vũ khí của lính dõng, bắt giữ Quận trưởng. Sau đó, lực lượng này chia thành nhiều mũi, tiến về các làng hỗ trợ quần chúng nổi dậy. Tại các làng, lực lượng Thanh niên Tiền phong và quần chúng bao vây nhà việc, bắt giữ nhiều tên tay sai gian ác. Đến tối 21-8-1945, hầu hết các làng thuộc quận Thủ Thừa đã giành được chính quyền và thành lập chính quyền cách mạng. Lúc này, Tỉnh ủy Tân An tổ chức hội ý ở Dinh Tỉnh trưởng. Thanh niên Tiền phong tiến hành dựng lễ đài. Cả tỉnh lỵ được lệnh giới nghiêm, canh gác chặt chẽ nhằm bảo vệ những thành quả đạt được.
Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở quận Mộc Hóa
Riêng với quận Mộc Hóa, do ở xa và lực lượng khởi nghĩa tại chỗ còn mỏng và yếu, Tỉnh ủy quyết định cử Nguyễn Văn Nho (tức Mười Nho hay Mười Trầu) phụ trách, cùng đi có Phạm Văn Thế, Hà Tây Giang đưa một đơn vị vũ trang dùng tàu máy ngược sông Vàm Cỏ Tây lên hỗ trợ quận tổ chức khởi nghĩa giành chính quyền.
Lực lượng vũ trang tỉnh bất ngờ tấn công dinh thự, bắt giữ Quận trưởng Nguyễn Văn Hoài. Ngay chiều tối hôm đó, nhân dân trong quận nổi dậy biểu tình, giải tán Ban hội tề, lập chính quyền cách mạng ở các làng.
Khởi nghĩa ở Mộc Hoá thắng lợi đã kết thúc cuộc khởi nghĩa giành chính quyền trong toàn tỉnh Tân An sau hơn 24 giờ, kể từ 13 giờ ngày 21-8 đến chiều 22-817.
Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở tỉnh Tân An thắng lợi nhanh chóng, trước hết là từ chủ trương, quyết định đúng đắn kịp thời của Xứ ủy Nam Bộ, là sự linh hoạt của Tỉnh ủy Tân An, “biến bị động thành chủ động, tránh được đổ máu mà vẫn giành được thắng lợi lớn trọn vẹn”18, là một minh chứng hùng hồn cho tinh thần đấu tranh bất khuất, kiên cường, sáng tạo của Đảng bộ và nhân dân Tân An.
3. Đặc điểm khởi nghĩa giành chính quyền ở tỉnh Tân An
Thứ nhất, về thời cơ khởi nghĩa giành chính quyền
Cuộc khởi nghĩa ở Tân An diễn ra trong bối cảnh Nhật đã đầu hàng Đồng minh và cuộc khởi nghĩa ở Hà Nội cũng đã thành công. Bên cạnh đó còn có yếu tố khác, đó là, âm mưu cướp chính quyền lực lượng Cao Đài thân Nhật. Trưa ngày 21-8-1945, lực lượng Cao Đài thân Nhật do tên Giao cầm đầu tung tin giả về cuộc nổi dậy của Đàng Thổ, nhằm dụ lực lượng bảo an ra khỏi tỉnh lỵ để cướp chính quyền. Tỉnh ủy Tân An nhận ra âm mưu của nhóm này nên đã xác định nếu không hành động ngay, chính quyền sẽ rơi vào tay phản cách mạng. Không chờ lệnh của Xứ ủy, Tỉnh ủy Tân An quyết định phát động khởi nghĩa giành chính quyền ngay trong trưa ngày 21-8-1945 và đã nhanh chóng giành thắng lợi. Thắng lợi này thể hiện sự tinh thần “dám nghĩ, dám làm”, sự chủ động của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Tân An.
Thứ hai, về thời gian khởi nghĩa giành chính quyền
Cuộc khởi nghĩa ở Tân An diễn ra vào ngày 21-8-1945, khẳng định thời cơ chín muồi và mở đường cho thắng lợi trọn vẹn của khởi nghĩa ở Nam Bộ. Để thăm dò thái độ của quân Nhật và tạo đà cho cuộc tổng khởi nghĩa, Xứ ủy Tiền phong đã quyết định chọn Tân An làm nơi “khởi nghĩa thí điểm”. Tân An, với vị trí cửa ngõ Sài Gòn, vừa có phong trào cách mạng phát triển mạnh mẽ, vừa là nơi đóng quân của lực lượng Nhật đông đảo. Thắng lợi nhanh chóng ở Tân An vào ngày 21-8-1945 đã chứng tỏ quân Nhật đã thực sự mất hết ý chí, không can dự vào cuộc khởi nghĩa giành chính quyền của nhân dân địa phương. Tin Tân An khởi nghĩa thắng lợi và quân Nhật án binh bất động đã dập tắt những băn khoăn trong Hội nghị Chợ Đệm lần thứ hai, mở đường cho quyết định phát động khởi nghĩa toàn Nam Bộ.
Khởi nghĩa Tân An là ngọn cờ đầu, khẳng định thời cơ cách mạng ở Nam Bộ, mở đường cho cuộc khởi nghĩa giành thắng lợi trên địa bàn Nam Bộ. Sự khác biệt về thời gian khởi nghĩa ở các địa phương phản ánh bối cảnh lịch sử đặc thù, sự linh hoạt, chủ động và sáng tạo trong lãnh đạo của Đảng ở mỗi địa phương.
Sau khi khởi nghĩa ở Tân An giành thắng lợi, dưới sự lãnh đạo của các tổ chức đảng, các địa phương ở Nam Bộ đồng loạt đứng lên khởi nghĩa, giành chính quyền, trong đó khởi nghĩa giành chính quyền ở Sài Gòn ngày 25-8-1945 có ý nghĩa quan trọng đặc biệt.
Thứ ba, về sự linh hoạt, sáng tạo của tỉnh ủy Tân An trong việc đối phó với quân Nhật
Ở Nam Bộ, nhận thấy ý đồ của Nhật nhằm lôi kéo thanh niên, lập ra tổ chức Thanh niên Tiền Phong, Xứ ủy Tiền Phong đã khéo léo nắm tổ chức này, hướng hành động của họ theo cách mạng, biến nó thành một mặt trận rộng lớn, tập hợp đông đảo quần chúng yêu nước, nhất là thanh niên. Hình thức hoạt động công khai, hợp pháp của Thanh niên Tiền phong vừa che mắt địch, vừa cho phép Xứ ủy nhanh chóng khôi phục cơ sở, tuyên truyền, giác ngộ quần chúng, chuẩn bị lực lượng cho cuộc tổng khởi nghĩa.
Tại Tân An, khi thời cơ khởi nghĩa đến, lực lượng Thanh niên Tiền Phong có mặt trong tất cả các cơ quan của chính quyền thân Nhật, đồng loạt nổi dậy và nhanh chóng làm chủ tình hình. Tỉnh ủy Tân An đã khéo léo vận động, thuyết phục quân Nhật giữ thái độ trung lập, tạo điều kiện cho cuộc khởi nghĩa giành thắng lợi nhanh chóng và gần như không tiếng súng. Thắng lợi này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, khẳng định thời cơ khởi nghĩa đã chín muồi, mở đường cho khởi nghĩa ở toàn Nam Bộ.
Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở tỉnh Tân An tháng 8-1945 là một minh chứng sinh động cho sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, của Xứ ủy Nam Bộ, tinh thần đấu tranh bất khuất, kiên cường và sáng tạo của Đảng bộ và nhân dân Tân An. Thắng lợi này, góp phần vào thắng lợi chung của trong sự nghiệp giải phóng dân tộc của cả nước.
Bài học kinh nghiệm về sự chủ động, sáng tạo từ cuộc khởi nghĩa ở Tân An vẫn còn nguyên giá trị đến ngày hôm nay, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, hun đúc tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ.
Ngày nhận: 27-6- 2024 ; ngày thẩm định đánh giá: 17-8-2024; ngày duyệt đăng: 26-8-2024
12. Đoàn Minh Huấn - Nguyễn Ngọc Hà (đồng chủ biên): Vùng đất Nam Bộ - tập V, Nxb CTQG, H, 2017, T.5, tr.513
14. Thạch Phương - Lưu Quang Tuyến: Địa chí Long An, Nxb Long An, 1989, tr. 252
16, 17. Nguyễn Văn Huỳnh: “Tân An trong cuộc Tổng khởi nghĩa”, in trong: Theo con đường sáng (Tập hồi ký cách mạng), Nxb Long An, 1991, tr. 256, 259