Sau 5 năm (2017-2022) triển khai thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 8-8-2017 của Thành ủy Cần Thơ “Về xây dựng cơ bản hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị thành phố đến năm 2020 và những năm tiếp theo”, hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị của Cần Thơ ngày càng hoàn thiện và đồng bộ, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, góp phần phát triển thành phố Cần Thơ ngày càng hiện đại, văn minh, xứng đáng là đô thị hạt nhân của vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Từ khóa: Đảng bộ thành phố Cần Thơ lãnh đạo; kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị; 2017-2022

1. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ thành phố Cần Thơ

Ngày 16-1-2012, HNTƯ 4 khóa XI ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TW “Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 đề ra mục tiêu, từng bước hình thành hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội tương đối đồng bộ với một số công trình hiện đại, bảo đảm cho phát triển nhanh và bền vững, tăng cường hội nhập quốc tế, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, xây dựng nông thôn mới, thu hẹp khoảng cách vùng, miền và nâng cao đời sống nhân dân, bảo đảm quốc phòng, an ninh và giữ vững độc lập, chủ quyền quốc gia. Nghị quyết xác định nhiệm vụ tập trung nguồn lực cho 4 lĩnh vực trọng tâm bao gồm: hạ tầng giao thông, hạ tầng cung cấp điện, hạ tầng thủy lợi và ứng phó với biến đổi khí hậu, hạ tầng đô thị. Đối với lĩnh vực hạ tầng các đô thị, Nghị quyết xác định, từng bước phát triển hạ tầng đô thị đồng bộ và hiện đại, giải quyết cơ bản tình trạng ách tắc giao thông, úng ngập; cung cấp ổn định điện, nước và xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn môi trường1.

Quán triệt và triển khai chủ trương của Trung ương về nhiệm vụ xây dựng hoàn thiện kết cấu hạ tầng đô thị, ngày 8-8-2017, Thành ủy Cần Thơ ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU “Về xây dựng cơ bản hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị thành phố đến năm 2020 và những năm tiếp theo”. Nghị quyết xác định mục tiêu tổng quát: “Tập trung huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng, từng bước hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị thành phố hiện đại, đồng bộ, đảm bảo cho phát triển nhanh và bền vững, tăng cường củng cố quốc phòng - an ninh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển của thành phố trong thời kỳ CNH, HĐH đất nước”2.

Về mục tiêu cụ thể đối với từng loại hạ tầng kỹ thuật đô thị như sau nghị quyết xác định:

Đối với hạ tầng giao thông, bảo đảm kết nối các đô thị trung tâm của thành phố và liên kết vùng bằng hệ thống giao thông đồng bộ, thông suốt, nâng cao năng lực vận tải, đáp ứng yêu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa của thành phố và của vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Đối với hạ tầng cung cấp điện, bảo đảm cung cấp đủ điện cho sản xuất và sinh hoạt, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đảm bảo an toàn và mỹ quan đô thị; đi đôi với tiết kiệm, giảm tiêu hao điện năng, ứng dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo không gây ô nhiễm môi trường.

Đối với hạ tầng thủy lợi, bảo đảm phục vụ tốt cho sản xuất nông nghiệp, bảo đảm sự thống nhất giữa quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển đô thị với quy hoạch khai thác, sử dụng tài nguyên nước; chủ động phòng, chống, ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Đối với hạ tầng đô thị trung tâm các quận, huyện, từng bước phát triển đồng bộ, hiện đại, giải quyết cơ bản tình trạng ách tắc giao thông, ngập, nghẹt tại các điểm trọng yếu; cung cấp ổn định điện, nước sạch, hệ thống thoát nước và xử lý nước thải, chất thải, khí thải đạt tiêu chuẩn môi trường (đến năm 2020, tỷ lệ dân số được cung cấp nước sạch đạt 83%, trong đó đô thị đạt 90%, tỷ lệ thu gom chất thải rắn ở đô thị đạt 93%)3.

 Nhằm đạt được những mục tiêu đề ra, Nghị quyết xác định 3 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu bao gồm: Một là, nâng cao chất lượng xây dựng và thực hiện tốt các quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị thành phố; Hai là, huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị thành phố; Ba là, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị.

Ngay khi Nghị quyết số 11-NQ/TU được ban hành, Ban Thường vụ Thành ủy đã tổ chức Hội nghị triển khai, quán triệt cho cán bộ chủ chốt các ngành, địa phương của thành phố bằng nhiều hình thức đa dạng, thiết thực hiệu quả; chỉ đạo Ban Tuyên giáo Thành ủy chủ trì, phối hợp với Ban cán sự đảng UBND thành phố, các ban xây dựng Ðảng của Thành ủy, Văn phòng Thành ủy và các cơ quan liên quan thường xuyên theo dõi, kiểm tra việc triển khai, tổ chức thực hiện Nghị quyết trên địa bàn thành phố.

Quán triệt Nghị quyết số 11-NQ/TU, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội thành phố đã nghiêm túc thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến đến từng cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân thành phố nhận thức về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững, đảm bảo quốc phòng - an ninh, xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH và hội nhập quốc tế. Các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội thành phố tích cực quán triệt, tổ chức thực hiện, xây dựng kế hoạch, đề ra lộ trình, nhiệm vụ, giải pháp chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và tình hình thực tiễn của địa phương, đơn vị, xác định đây là nhiệm vụ quan trọng thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị thành phố Cần Thơ.

Để cụ thể hóa Nghị quyết số 11-NQ/TU, Thành ủy Cần Thơ đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách liên quan đến xây dựng, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị thành phố; trong đó, tập trung phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đô thị, đáp ứng yêu cầu, định hướng trở thành trung tâm vận tải nội vùng, liên vùng và liên vận quốc tế. Điển hình như, Ðề án số 06-ÐA/TU ngày 25-12-2021 về phát triển hạ tầng giao thông và logistics trên địa bàn thành phố Cần Thơ giai đoạn 2021-2025 và định hướng giai đoạn 2026-2030”, trong đó xác định mục tiêu, huy động mọi nguồn lực nhằm phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối nội vùng và liên vùng, là cơ sở để thành phố phát huy vai trò trung tâm động lực phát triển vùng và đầu mối quan trọng về giao thông vận tải nội vùng và liên vận quốc tế. Chương trình số 27-CTr/TU ngày 31-12-2021 về bảo vệ môi trường Cần Thơ xanh và sạch”, phòng chống ô nhiễm môi trường và ngập nghẹt thành phố giai đoạn 2022-2025”, trong đó xác định phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị của thành phố Cần Thơ đạt 100%, tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại hộ gia đình ở nông thôn đạt 95%; tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường, chất thải nguy hại đạt 100%; tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải y tế đạt 100%. Đồng thời, tiếp tục cải tạo và nâng cấp hạ tầng thoát nước đô thị; đến năm 2025, khu vực đô thị trung tâm cơ bản không bị ngập vào mùa mưa lũ; phấn đấu 100% đường đô thị và đường đi qua khu dân cư ngoài đô thị có hệ thống thoát nước mưa đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia4.

Ban Cán sự Đảng UBND thành phố Cần Thơ lãnh đạo UBND thành phố ban hành các quyết định, kế hoạch đầu tư công, trong đó ưu tiên triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật đô thị, nhất là các công trình, dự án lĩnh vực giao thông trọng điểm. Cụ thể, UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch số 83/KH-UBND ngày 8-5-2018 về việc thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU. Theo đó, Kế hoạch đã cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết số 11- NQ/TU, trong đó, xác định nhiệm vụ then chốt là tập trung huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng, từng bước hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật thành phố hiện đại, đồng bộ, đảm bảo cho phát triển nhanh và bền vững, tăng cường củng cố quốc phòng - an ninh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố trong thời kỳ CNH, HĐH đất nước. Bên cạnh đó, Kế hoạch cũng xác định rõ những nội dung phân công trách nhiệm cụ thể của các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện trong việc thực hiện Nghị quyết số 11- NQ/TU, đặc biệt là huy động sự tham gia đồng bộ của hệ thống chính trị các cấp từ thành phố đến cơ sở và các tầng lớp nhân dân5.

UBND thành phố ban hành các văn bản chỉ đạo nhằm nâng cao chất lượng xây dựng và thực hiện tốt các quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị thành phố; nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị, cụ thể như: Quyết định số 1402/QÐ-UBND ngày 4-6-2018 “về việc phê duyệt Bộ tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư khu đô thị mới, khu đô thị thông minh, khu tái định cư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố Cần Thơ; Quyết định số 2063/QÐ-UBND ngày 27-8-2019 “về Hướng dẫn một số nội dung về trình tự, thủ tục trong tổ chức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất; Quyết định số 07/2020/QÐ-UBND ngày 21-8-2020 “về việc quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố Cần Thơ; Quyết định số 2299/QÐ-UBND ngày 16-10-2020 “về Quy chế phối hợp trong công tác quản lý nhà nước đối với các dự án nhà ở đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách; Quyết định số 3538/QÐ-UBND ngày 25-11-2021 ban hành Danh mục dự án thu hút đầu tư tại thành phố Cần Thơ giai đoạn 2021-2025 (đợt 1); Quyết định số 1652/QÐ-UBND ngày 2-8-2021 “Phê duyệt Ðề án xây dựng thành phố Cần Thơ phát triển thành đô thị thông minh giai đoạn 2021-2025”; Phê duyệt 04 đồ án gồm quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5000 quận Ninh Kiều, Cái Răng, Bình Thủy, Thốt Nốt.

Ngoài ra, UBND thành phố Cần Thơ còn triển khai phát triển hạ tầng cấp, thoát nước và vệ sinh môi trường nhằm nâng cấp mở rộng công suất cấp nước theo quy hoạch, hoàn chỉnh hệ thống phân phối nước sạch, nước hợp vệ sinh tại các quận, huyện, cụ thể: Quyết định số 530/QÐ-UBND ngày 6-3-2019 “về việc phê duyệt Bộ tiêu chí lựa chọn Nhà đầu tư thực hiện dự án xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường tại Khu xử lý chất thải rắn huyện Thới Lai, thành phố Cần Thơ; Kế hoạch số 50/KH-UBND ngày 24-3-2020 “về việc triển khai thực hiện chỉ tiêu tỷ lệ hộ dân đô thị sử dụng nước sạch trên địa bàn thành phố Cần Thơ năm 2020; Kế hoạch số 73/KH-UBND ngày 31-3-2021 “về việc triển khai thực hiện chỉ tiêu tỷ lệ hộ dân đô thị sử dụng nước sạch trên địa bàn thành phố Cần Thơ năm 2021; Công văn số 888/UBND-XDÐT ngày 24-3-2022 “về việc triển khai thực hiện chỉ tiêu tỷ lệ hộ dân đô thị sử dụng nước sạch trên địa bàn thành phố năm 2022.

2. Một số kết quả

Thứ nhất, về nâng cao chất lượng xây dựng và thực hiện tốt các quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị thành phố.

Trên cơ sở Quy hoạch vùng, Cần Thơ đã tổ chức triển khai xây dựng Quy hoạch thành phố Cần Thơ giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đây là điều kiện, nền tảng cơ bản để Đảng bộ thành phố tập trung lãnh đạo nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của các đồ án quy hoạch, các dự án, kế hoạch phát triển thành phố, nhất là công tác điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; đồng thời đề ra các giải pháp tiếp tục phát triển đô thị đến năm 2030. Thành phố đã phê duyệt các đồ án chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật về cấp thoát nước, quản lý chất thải rắn, nghĩa trang, cao độ nền và thoát nước mặt, cây xanh, chiếu sáng; góp phần tích cực vào việc nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị.

Trong năm 2020-2021, thành phố đã chỉ đạo các địa phương đã hoàn thành lập quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5000 tại các quận: Ninh Kiều, Bình Thủy, Cái Răng, Thốt Nốt; trong năm 2022 tiếp tục hoàn thành phê duyệt quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5000 quận Ô Môn (giai đoạn 1); và chỉ đạo các quận, huyện tổ chức rà soát, lập điều chỉnh quy hoạch chung 05 thị trấn (Thới Lai, Cờ Ðỏ, Vĩnh Thạnh, Thạnh An, Phong Ðiền). Ngoài ra, trong năm 2022, thành phố cũng đã rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch đã được phê duyệt nhưng chưa phù hợp với tình hình thực tiễn. Đến cuối năm 2022, đã rà soát, điều chỉnh, bãi bỏ 12 đồ án quy hoạch tỷ lệ 1/2000 không còn phù hợp với quy hoạch phân khu, quy hoạch chung thị trấn được duyệt trên địa bàn quận Cái Răng, Ninh Kiều, Bình Thủy và Thốt Nốt6.

Thứ hai, huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị thành phố.

Đến cuối năm 2022, trong lĩnh vực đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị, thành phố đã lập danh mục 42 dự án đầu tư cấp thành phố, bao gồm: giao thông, lĩnh vực cấp nước, thoát nước và xử lý nước thải, chất thải rắn, cấp điện, chiếu sáng, nhà tang lễ, nâng cấp đô thị. Đồng thời, phối hợp với một số địa phương thực hiện 12 dự án hạ tầng cấp vùng, các dự án nâng cấp công suất các nhà máy cấp nước trên địa bàn thành phố và một số dự án đang tiếp tục kêu gọi đầu tư theo hình thức xã hội hóa (trong lĩnh vực xử lý chất thải rắn sinh hoạt đã kêu gọi được 4 nhà đầu tư, lĩnh vực cấp nước đã kêu gọi được 1 nhà đầu tư)7.

Uỷ ban nhân dân thành phố cũng đã chỉ đạo điều chỉnh cơ cấu đầu tư, giảm dần đầu tư từ ngân sách nhà nước, đẩy mạnh huy động các nguồn vốn khác bằng các hình thức thích hợp cho phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị. Theo đó, tập trung vốn Nhà nước để đầu tư đồng bộ các công trình, dự án trọng yếu; ưu tiên đầu tư cho các công trình, dự án lớn, quan trọng, có sức lan tỏa. Cụ thể, trong giai đoạn 2018-2020, nguồn vốn ngân sách bố trí đầu tư hạ tầng đô thị 6.221 tỷ đồng cho 37 dự án8. Trong đó, nhiều dự án, công trình đã góp phần cải tạo, chỉnh trang và mở rộng không gian đô thị, giúp giãn mật độ dân số khu vực nội thành. Tính đến năm 2022, trên địa bàn thành phố có tổng số 70 dự án khu dân cư, tái định cư, phát triển khu đô thị mới đang được triển khai bằng nguồn vốn ngoài Nhà nước, tổng diện tích hơn 1.980 ha9. Bên cạnh đó, hình thành một số khu chức năng, công trình phức hợp tạo dấu ấn đậm nét cho sự phát triển của thành phố, điển hình như: khu phức hợp cao tầng và nhà phố thương mại VinCom Shophouse, khách sạn 5 sao Mường Thanh, cầu đi bộ, công viên Lưu Hữu Phước, công viên Hùng Vương…

Ðồng thời, thành phố tiếp tục thực hiện nhiều dự án nhằm tăng cường năng lực thích ứng biến đổi khí hậu cho thành phố bằng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) như: Dự án nâng cấp đô thị thành phố Cần Thơ, Dự án nâng cấp đô thị vùng đồng bằng sông Cửu Long - Tiểu dự án thành phố Cần Thơ (Dự án 2), Dự án Phát triển thành phố Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị (Dự án 3); cải tạo, chỉnh trang hệ thống sông rạch (hồ quanh rạch Tham Tướng, hồ Bún Xáng,...). Những dự án này góp phần tăng cường không gian xanh, không gian mặt nước và làm thay đổi đáng kể bộ mặt đô thị của thành phố theo hướng văn minh, sạch đẹp và hiện đại.

Thứ ba, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị

Thành phố tập trung đẩy mạnh hoạt động giám sát, tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước, chỉ đạo thực hiện tốt các dự án nâng cấp, cải tạo cơ sở hạ tầng đô thị. Đồng thời, các cơ quan, đơn vị đã thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Luật Ðầu tư công, Luật Ðấu thầu và các văn bản hường dẫn của Chính phủ như Nghị định số 40/2020/NÐ-CP ngày 6-4-2020 của Chính phủ, Nghị định số 63/2014/NÐ-CP ngày 26-6-2014 của Chính phủ..., góp phần nâng cao kỷ cương, kỷ luật trong quản lý đầu tư công, từ khâu phê duyệt chủ trương, thẩm định nguồn vốn nhằm hạn chế tình trạng đầu tư dàn trải gây lãng phí, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công trong đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị trên địa bàn thành phố.

Qua 5 năm (2017-2022) thực hiện, hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị của thành phố Cần Thơ ngày càng hoàn thiện theo hướng đồng bộ, hiện đại, từng bước giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông, ngập nghẹt, ô nhiễm môi trường đáp ứng yêu cầu cơ bản phát triển đô thị trong bối cảnh mới, cụ thể như sau10:

Đối với hạ tầng giao thông, Đảng bộ thành phố đã chỉ đạo triển khai đầu tư các dự án trọng điểm trong giai đoạn 2021-2025 để kết nối đồng bộ, liên hoàn với các tuyến cao tốc, quốc lộ thành phố Cần Thơ như: đường vành đai phía Tây thành phố Cần Thơ, cải tạo, mở rộng 5 nút giao trọng điểm, đường tỉnh 917, cầu Tây Ðô... Bên cạnh đó, thành phố cũng tích cực phối hợp với các bộ, ngành Trung ương và các tỉnh, thành trong vùng đẩy nhanh triển khai thực hiện và hoàn thành các chương trình, dự án giao thông kết nối vùng qua địa bàn thành phố, đảm bảo kết nối giao thông đồng bộ, thông suốt, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống nhân dân.

Đối với hạ tầng cung cấp điện, thành phố đã xây dựng hoàn thiện Trung tâm điện lực Ô Môn (tổng công suất 3.810Mw ± 10%, tổng vốn đầu tư khoảng 100.000 tỷ đồng); chỉ đạo thực hiện việc ngầm hóa lưới điện kết hợp hoàn thiện kết cấu lưới điện, đảm bảo an toàn trong vận hành đáp ứng tiêu chuẩn lưới điện thông minh, nâng cao năng lực truyền tải, tăng cường chất lượng dịch vụ cung ứng điện. Ðến ngày 31-12-2020, khi giá mua điện mặt trời tại Quyết định số 13/2020/QÐ-TTg không còn áp dụng, thành phố đã có trên 81MW điện mặt mái nhà được phát triển và đấu nối vào lưới điện quốc gia và 1 nhà máy điện sử dụng chất thải rắn là rác sinh hoạt với tổng công suất là 7,5MW.

Đối với hạ tầng thủy lợi, thành phố ưu tiên, tập trung huy động mọi nguồn lực nhằm xây dựng và phát triển hoàn thiện hệ thống thủy lợi theo hướng phục vụ đa mục tiêu, phát triển hệ thống thủy lợi đảm bảo tưới, tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, phòng chống sạt lở bờ sông, kênh rạch, phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn, triều cường. Đến cuối năm 2022, thành phố đã thực hiện các dự án nạo vét kênh mương, sửa chữa nâng cấp đê bao bờ bao, xây dựng trạm bơm điện và thực hiện các biện pháp gia cố chống sạt lở với tổng kinh phí 290 tỷ đồng.  Đồng thời, thành hiện cũng đưa vào khai thác 6 tuyến kè chống sạt lở với tổng chiều dài 6.791,64 mét, với tổng mức đầu tư là 635,38 tỷ đồng. Bên cạnh đó, đang tiếp tục triển khai đầu tư xây dựng 7 tuyến kè với tổng chiều dài 9.025 mét, tổng mức đầu tư là 1.046 tỷ đồng.

Đối với hạ tầng cấp, thoát nước, Đảng bộ thành phố quan tâm chỉ đạo nâng cấp mở rộng công suất cấp nước theo quy hoạch, hoàn chỉnh hệ thống phân phối nước sạch, nước hợp vệ sinh tại các quận, huyện. Ðến năm 2022, thành phố đã xây dựng, mở rộng công suất, hoàn chỉnh nhà máy và hệ thống tuyến ống phân phối nước tại các quận, thị trấn trên địa bàn. Mời gọi đầu tư Nhà máy nước Sài Gòn - Mê Kông công suất 50.000m3/ngày đêm tại quận Bình Thủy; phối hợp với Bộ Xây dựng trong việc nghiên cứu xây dựng nhà máy cấp nước an toàn công suất dự kiến 400.000m3/ngày đêm vùng đồng bằng sông Cửu Long, nhằm cung cấp đủ nước cho thành phố Cần Thơ và các tỉnh lân cận. Theo đó, các doanh nghiệp cấp nước đã tham gia thực hiện đầu tư mở rộng mạng lưới truyền tải, phát triển mạng lưới phân phối cấp nước, thực hiện cấp nước an toàn, giảm tỷ lệ thất thoát nước. Nhờ đó, phần lớn các hộ dân đều được sử dụng nước hợp vệ sinh; tỷ lệ hộ dân đô thị sử dụng nước sạch qua các năm đều đạt chỉ tiêu đề ra (đến cuối năm 2022, có 98,8% hộ dân đô thị sử dụng nước sạch). Hệ thống thoát nước thành phố đẩy mạnh cải tạo nâng cấp hệ thống cống thoát nước tại các khu đô thị; xây dựng, đấu nối hệ thống cống thoát nước tại các khu đô thị mới; quan tâm đầu tư hệ thống vệ sinh đô thị. Vấn đề vệ sinh đô thị được cải thiện rõ nét, không còn xảy ra điểm nóng về môi trường.

Đối với hệ thống thu gom và xử lý chất thải, Đảng bộ thành phố đã chỉ đạo hoàn thành xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo quy hoạch; đầu tư nhà máy xử lý rác thải y tế và các loại chất thải độc hại khác phát sinh trên địa bàn, 4 nhà đầu tư thực hiện dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo hình thức xã hội hóa. Đồng thời, tích cực theo dõi và hướng dẫn nhà đầu tư trong suốt quá trình thực hiện các dự án hạ tầng về xử lý rác. Thành phố đã có 1 nhà máy xử lý rác sinh hoạt phát điện tại xã Trường Xuân, huyện Thới Lai. Đây là nhà máy sử dụng công nghệ đốt rác phát điện đầu tiên trong cả nước, với công suất 400 tấn/ngày/đêm được đưa vào vận hành từ cuối năm 2018, giúp thành phố giải quyết được “bài toán khó” về xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn. Trong 5 năm (2017-2022), chỉ tiêu tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom tăng từ 90% năm 2017 lên 98% vào cuối năm 2022; đặc biệt, trong đó có 100% chất thải rắn y tế, công nghiệp nguy hại được thu gom.

Qua 5 năm (2017-2022) triển khai thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU, Đảng bộ và chính quyền thành phố Cần Thơ đã lãnh đạo công tác xây dựng, từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị của thành phố, góp phần xây dựng và phát triển Cần Thơ thành thành phố trung tâm vùng, sinh thái, văn minh, hiện đại, xứng đáng là đô thị hạt nhân của vùng đồng bằng sông Cửu Long.

 

Ngày nhận bài: 2-5-2024; ngày thẩm định: 6-7-2024; ngày duyệt đăng: 30-7-2024

1.https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/van-kien-tu-lieu-ve-dang/hoi-nghi-bch-trung-uong/khoa-xi/nghi-quyet-so-13-nqtw-ngay-16012012-hoi-nghi-lan-thu-4-ban-chap-hanh-trung-uong-dang-khoa-xi-ve-xay-dung-he-thong-ket-575

2, 3. Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 8-8-2017 của Thành ủy Cần Thơ “Về xây dựng cơ bản hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị thành phố đến năm 2020 và những năm tiếp theo”, lưu Văn phòng Thành ủy thành phố Cần Thơ

4. Chương trình số 27-CTr/TU ngày 31-12-2021 “về bảo vệ môi trường “Cần Thơ xanh và sạch”, phòng chống ô nhiễm môi trường và ngập nghẹt thành phố giai đoạn 2022-2025”, lưu Văn phòng Thành ủy Cần Thơ

5. Xem Kế hoạch số 83/KH-UBND ngày 8-5-2018 của Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ về việc thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 08-8-2017 của Thành ủy Cần Thơ “Về xây dựng cơ bản hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị thành phố đến năm 2020 và những năm tiếp theo”, lưu Văn phòng UBND thành phố Cần Thơ

6, 7, 8, 9, 10. Báo cáo số 308-BC-TU ngày 30-12-2022 của Thành ủy Cần Thơ sơ kết 05 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 8-8-2017 của Thành ủy Cần Thơ “Về xây dựng cơ bản hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị thành phố đến năm 2020 và những năm tiếp theo”, lưu Văn phòng Thành ủy thành phố Cần Thơ.