Tóm tắt: Bình-Trị-Thiên “khói lửa” là chiến trường nằm giữa vùng tự do Thanh-Nghệ-Tĩnh thuộc Liên Khu IV với địa bàn Liên Khu V. Trong cuộc tiến công chiến lược Đông-Xuân 1953 – 1954 và Chiến dịch Điện Biên Phủ, thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Tổng Quân ủy và Liên khu ủy IV, quân và dân Bình-Trị-Thiên đẩy mạnh chiến tranh du kích giành nhiều thắng lợi quan trọng, góp phần vào thắng lợi của Chiến dịch Điên Biên Phủ.
Từ khoá: Chiến trường Bình-Trị-Thiên; Đông Xuân 1953-1954; Chiến dịch Điện Biên Phủ
1. Chủ trương của Trung ương Đảng và Liên khu ủy IV
Tháng 5-1953, trước nguy cơ thất bại trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, Pháp cử tướng H. Navarre sang làm Tổng Chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương. Ngay khi đến Đông Dương, H. Navarre đã đề ra kế hoạch quân sự mang tên ông ta, với hy vọng trong 18 tháng sẽ giành thắng lợi quyết định để “kết thúc chiến tranh trong danh dự”.
Đứng trước âm mưu và hành động mới của Pháp, Trung ương Đảng đã tập trung hoạch định những quyết sách nhằm đập tan những cố gắng cuối cùng của quân Pháp. Ngày 20-8-1953, sau khi quân Pháp rút bỏ tập đoàn cứ điểm Nà Sản ở Tây Bắc, Tổng Quân ủy đã trình lên Bộ Chính trị đề án “Tình hình địch, ta ở Bắc Bộ sau khi địch rút khỏi Nà Sản và chủ trương tác chiến của ta trong Thu-Đông 1953”, trong đó xác định quân ta phải chuẩn bị các điều kiện để “đánh lớn ở đồng bằng”1. Tuy nhiên, sau khi phân tích những hoạt động của quân Pháp trong tháng 8 và 9-1953, nhất là khi biết được kế hoạch Navarre2, Bộ Tổng tham mưu thấy rằng phương án sử dụng bộ đội chủ lực luân phiên đánh chiếm đồng bằng có nhiều điểm không thích hợp. Vấn đề quan trọng mang tính chiến lược lúc này là phải tập trung phá cho được kế hoạch Navarre của Pháp. Đầu tháng 10-1953, Tổng Quân ủy họp bàn kế hoạch tác chiến Đông-Xuân 1953-1954, đưa ra đề án tiến công Tây Bắc và uy hiếp Thượng Lào, tiến công Trung Lào, Hạ Lào, Tây Nguyên nhằm xé lẻ lực lượng của Pháp, làm thất bại kế hoạch xây dựng đội quân chiến lược cơ động của chúng. Đề án Đông-Xuân 1953-1954 của Tổng Quân ủy được Bộ Chính trị thông qua với các mũi tiến công lớn là Tây Bắc, Trung và Hạ Lào, Tây Nguyên; hướng phối hợp là trung du và đồng bằng Bắc Bộ3.
Ngày 6-12-1953, Bộ Chính trị họp dưới sự chủ trì của Chủ tịnh Hồ Chí Minh đã quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ và nhất trí thông qua phương án tác chiến của Tổng Quân ủy.
Chủ trương và quyết tâm chiến lược mới của Đảng đã đặt ra cho quân và dân Bình-Trị-Thiên cần phải tập trung đẩy mạnh chiến tranh du kích ở chiến trường Bình-Trị- Thiên nhằm tiêu hao, tiêu diệt và kìm hãm địch, phối hợp với chiến trường chính4.
Cuối tháng 9-1953, Bộ Chính trị họp bàn về nhiệm vụ quân sự trong Đông-Xuân 1953 - 1954. Cuộc họp đã xác định nhiệm vụ của vùng sau lưng địch như Bình-Trị-Thiên là đẩy mạnh chiến tranh du kích để tích cực phối hợp với chiến trường chính Bắc Bộ.
Quán triệt chủ trương của Trung ương Đảng, Liên khu ủy IV khẩn trương hoạch định phương hướng, chiến lược mới. Hội nghị lần thứ tư Liên khu uỷ IV (từ ngày 15 đến ngày 21-12-1953) đã phân tích tình hình, so sánh lực lượng, quán triệt chủ trương chiến lược mới của Đảng và đề ra chủ trương, nhiệm vụ:
“- Xây dựng khối đoàn kết toàn dân, đẩy mạnh chiến tranh du kích, tích cực củng cố căn cứ du kích và phát triển khu du kích, đẩy mạnh hoạt động vùng địch tạm chiếm. Đồng thời đẩy mạnh chiến tranh du kích ở đồng bằng và đánh mạnh trên các tuyến giao thông số 9, số 1 và đường xe lửa, phối hợp chặt chẽ với chiến trường chính.
- Tăng cường xây dựng và phát triển các đơn vị tình nguyện phối hợp giúp đỡ bạn về mọi mặt ở Trung Lào, xây dựng các đơn vị giải phóng quân và phát triển du kích, xây dựng căn cứ du kích và cơ sở nhân dân, chuẩn bị cùng lực lượng của Bộ mở chiến dịch Trung Lào.
- Ra sức phục vụ tiền tuyến, tích cực xây dựng bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, và dân quân, du kích, có kế hoạch bảo vệ vững chắc hậu phương chiến lược và đưa lực lượng đi phối hợp chiến đấu ở các chiến trường. Tranh thủ thời gian tiến hành phát động quần chúng giảm tô, cải cách ruộng đất và đẩy mạnh sản xuất, nhất là sản xuất nông nghiệp”5.
Bước vào Đông-Xuân 1953-1954, trên chiến trường Bình-Trị-Thiên, phong trào chiến tranh du kích trải qua các cuộc càn quét ác liệt của địch vẫn trụ vững, tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm; trong khó khăn chồng chất, các cơ sở đảng, du kích và nhân dân dần dần được phục hồi và mở rộng. Vùng căn cứ địa của Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Bình đã được chắp nối, tạo nên thế liên hoàn sang Savanakhét và Saravan (Lào). Các cơ quan chỉ đạo kháng chiến được kiện toàn, năng lực tổ chức chỉ huy được nâng lên.
Hội nghị cán bộ toàn Đảng bộ Liên khu IV (từ ngày 20 đến ngày 27-2-1954) đã đề ra nhiệm vụ cụ thể cho Bình-Trị-Thiên trong năm 1954 là “đoàn kết đông đảo nhân dân, đẩy mạnh du kích chiến tranh, phá âm mưu của giặc “lấy chiến tranh nuôi chiến tranh”, “dùng người Việt đánh người Việt”, tích cực củng cố và phát triển công tác vùng tạm bị chiếm; ra sức phục hồi và bảo vệ sản xuất, nhất là sản xuất nông nghiệp”6.
2. Quân và dân Bình-Trị-Thiên tổ chức chiến đấu, phối hợp với các chiến trường, góp phần vào thắng lợi của cuộc tiến công chiến lược Đông-Xuân 1953 – 1954 và Chiến dịch Điện Biên Phủ
Bước vào Đông-Xuân 1953 - 1954, quân Pháp ở Bình-Trị-Thiên có trên 80.000 quân, trong đó lính người Việt chiếm 91%, lính Âu-Phi chiếm 9%, được tổ chức thành 24 tiểu đoàn7. Với lực lượng đó, quân Pháp ra sức càn quét, bình định vùng đồng bằng, dồn làng, tập trung dân, lập vành đai trắng, củng cố các tuyến phòng ngự, phá mùa màng của nhân dân và tăng cường bắt lính, phát triển ngụy quân.
Kết hợp chiến đấu chặt chẽ với chiến dịch Trung Lào
Tháng 11-1953, Liên khu IV thành lập Hội đồng Cung cấp tiền phương Chiến dịch Trung Lào, do đồng chí Nguyễn Văn Thân (Khu ủy viên Khu IV) làm Chủ tịch Hội đồng. Liên khu ủy IV giao cho tỉnh Quảng Bình, trực tiếp là 3 huyện Bố Trạch, Tuyên Hóa, Quảng Trạch cùng với lực lượng dân công của 2 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh trực tiếp tham gia công tác chuẩn bị Chiến dịch Trung Lào. Kế hoạch vận tải cho chiến dịch Trung Lào được tổ chức thành 2 tuyến:
Tuyến 1: Tân Ấp - Thanh Lạng - Xóm cục - Mụ Giạ - Ba Na Phào, khối lượng vận chuyển 20.000 tấn. Lực lựng dân công huy động 2 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh và các xã vùng trên của huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình).
Tuyến 2: Phong Nha - Cà Roòng - Tà Bôi - Nậm Chà Là vận tải 1.000 tấn. Dân công huy động các huyện Bố Trạch, Quảng Trạch và các xã vùng dưới huyện Tuyên Hóa với 2.000 người8.
Để phục vụ cho chiến dịch, Huyện ủy Bố Trạch động viên quân dân toàn huyện và đặc biệt là nhân dân xã Phúc Trạch gấp rút chuẩn bị lực lượng đáp ứng mọi yêu cầu của tiền tuyến. Cán bộ các cơ quan từ huyện đến xã bám cơ sở, động viên nhân dân phục vụ chiến trường. Nhân dân xã Phúc Trạch đã khắc phục mọi khó khăn, thu xếp nơi ăn, chốn ở, tập trung tu sửa đường, làm kho tàng chuẩn bị đón hơn 4.000 dân công và thanh niên xung phong của hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh vào phục vụ chiến dịch Trung Lào.
Ngày 22-12-1953, cùng với các đơn vị của Đại đoàn 361, Đại đoàn 325 phối hợp với lưc lượng vũ trang của bạn nổ súng tiến công địch ở Trung Lào. Sau 11 ngày liên tục chiến đấu, bộ đội Việt Nam cùng bộ đội Pathét Lào và các lực lượng vũ trang địa phương giành thắng lớn, loại khỏi vòng chiến đấu 3.000 tên địch, giải phóng một vùng rộng lớn trên 20.000 km2 nối liền vùng Hạ Lào với Trung Lào9.
Chiến thắng Trung Lào đã buộc quân Pháp phải phân tán lực lượng theo ý đồ của ta, góp phần làm phá sản kế hoạch tập trung quân của H. Navarre, tạo điều kiện cho quân và dân Việt Nam tiêu diệt hoàn toàn đội quân của Pháp ở Điện Biên Phủ.
Ngày 22-12-1953, khi chiến dịch Trung Lào mở màn, lực lượng vũ trang Bình-Trị- Thiên phối hợp với Trung đoàn 18 (thuộc Đại đoàn 325) đồng loạt nổ súng tấn công đồn bốt của quân Pháp ở huyện Vĩnh Linh và Gio Linh, gỡ bỏ 5 vị trí ở Sen Hạ, Chợ Do, Hà Tây, Đằng Đằng và Dốc Miếu (tỉnh Quảng Trị). Bộ đội địa phương và dân quân du kích 3 tỉnh Bình-Trị-Thiên tập trung đánh mạnh đường giao thông, phá sập nhiều cầu cống, tấn công nhiều xe quân sự trên đường số 1, đường số 9 và tàu hỏa trên đường sắt… gây cho quân Pháp thiệt hại nhiều về người và trang bị, vũ khí. Tính chung trong năm 1953, quân và dân Bình-Trị-Thiên đã tổ chức 4.157 trận chiến đấu; tiêu diệt 9.394 lính của Pháp phá hủy nhiều phương tiện, trang bị, vũ khí của quân Pháp, trong đó phá huỷ lên đến 12 đầu máy xe lửa, 100 toa tàu, 57 xe quân sự, thu được 406 súng các loại10.
Đánh phá đường giao thông
Sang năm 1954, phát huy thắng lợi, kết hợp chặt chẽ với chiến dịch Trung Lào, quân và dân Bình-Trị-Thiên đẩy mạnh tiến công địch, nhất là đánh phá giao thông. Bằng những đòn tập kích táo bạo, bất ngờ, phối hợp chặt chẽ, bộ đội và du kích đã đánh sập hàng loạt cầu, cống, lật nhào nhiều đoàn tàu và xe quân sự, làm giao thông bị tắc nghẽn dài ngày. Trên mặt trận đường 9 Quảng Trị, từ ngày 1 đến ngày 20-1-1954, quân và dân đã phá sập 17 cầu đoạn từ Đông Hà đến Rào Quán. Ở Thừa Thiên Huế, lực lượng vũ trang địa phương đã phá sập nhiều cầu trên đường số 1, lật nhào hai đoàn tàu quân sự của địch ở Lăng Cô, làm chết và bị thương 400 tên. Tính từ ngày 21-12-1953 đến ngày 20-2-1954, quân và dân Bình-Trị-Thiên đã phá sập 35 cầu cống, đánh đổ 6 đoàn tàu quân sự, phá huỷ 18 xe cơ giới của địch11.
Giữa tháng 1-1954, địch dùng một tiểu đoàn cơ động ứng chiến càn quét vùng Cùa hòng ngăn chặn lực lượng vũ trang ta đang đánh mạnh ở đường 9, uy hiếp vùng chiến khu Ba Lòng ở Quảng Trị. Ngày 28-1-1954, Trung đoàn 18 đã chặn đánh địch tại Cùa, diệt 280 tên, đập tan âm mưu của địch. Phát triển thế tiến công, Trung đoàn 18 đã phối hợp với bộ đội địa phương và du kích hai huyện Cam Lộ và Hướng Hóa bao vây tập kích thành công 7 vị trí của địch trên đường 9 là Đầu Mầu, Mai Lĩnh, Vạng Kho, Rào Quán, Khe Sanh, Tà Cơn, Lao Bảo, buộc số địch còn lại phải tháo chạy. Ngày 20-2-1954, toàn huyện Hướng Hóa và một phần huyện Cam Lộ được giải phóng, tám vạn dân thoát khỏi thế kìm kẹp của địch. Với chiến thắng này, ta làm chủ một đoạn đường dài hơn 50 km, cắt đứt đường vận tải chiến lược của địch từ Đông Hà sang Trung Lào12.
Tiến công giành lại các căn cứ bị tạm bị chiếm
Hòa cùng với tiếng súng đánh địch trên đường 9, quân dân Bình-Trị-Thiên thực hiện luồn sâu đánh địch ở đồng bằng giành lại các căn cứ bị địch chiếm đóng từ giữa năm 1953. Ngày 28-1-1954, Đại đội 245 đã chiến đấu dũng cảm chặn đứng hai tiểu đoàn cơ giới yểm hộ càn quét xã Triệu Sơn (huyện Triệu Phong). Ngày 22-2-1954, lực lượng vũ trang Quảng Trị đã sử dụng các hình thức phục kích, tập kích đánh trả các cuộc càn quét của năm tiểu đoàn địch ở hai huyện đồng bằng Triệu - Hải, loại khỏi vòng chiến đấu 150 tên, giải thoát cho 50 cán bộ và 200 thanh niên bị địch bắt, thu nhiều vũ khí, buộc chúng phải rút chạy; phá tan âm mưu và hành động của địch bình định có trọng điểm vùng Cửa Việt, Cửa Tùng, vùng đồng bằng hai huyện Triệu Phong và Hải Lăng13.
Ở Thừa Thiên Huế, lực lượng vũ trang của tỉnh bí mật luồn sâu vào vùng địch tạm chiếm tiến công địch. Ngày 6-2-1954, bằng lối đánh tập kích kết hợp với nhân mối bên trong, chỉ sau 15 phút chiến đấu, tiểu đoàn đã hạ được vị trí Niêm Phò. Trận Niêm Phò đã mở ra một lối đánh tập kích kết hợp với nhân mối trên chiến trường Bình-Trị-Thiên. Hai ngày sau, hai trung đội bộ đội địa phương lại tập kích vị trí Văn Thánh và hai lô cốt nằm trong vùng an toàn của địch, diệt nhiều tên.
Tại Quảng Bình, du kích đã đánh hai trận ở Cần Ngần và Mỹ Trung diệt hai trung đội địch.
Cuối tháng 2-1954, do địch rút ba tiểu đoàn cơ động ứng chiến, ba tiểu đoàn địa phương quân và khinh quân, 800 nghĩa dũng đoàn và nhân viên ngụy quyền vào Nam Trung Bộ chuẩn bị mở trận càn Atlante vào Liên khu V, lực lượng địch ở Bình-Trị-Thiên chỉ còn 18 tiểu đoàn chiếm đóng và bốn tiểu đoàn ứng chiến, trong đó chín tiểu đoàn đóng ở Thừa Thiên, năm tiểu đoàn đóng ở Quảng Trị và bốn tiểu đoàn chiếm đóng Quảng Bình, chiến tranh du kích có bước phát triển mới14.
Trong khi lực lượng địch giảm xuống, bộ đội địa phương và dân quân, du kích Bình-Trị-Thiên được chấn chỉnh lại, được trang bị thêm 30 tấn lựu đạn, mìn, bộc phá từ Thanh-Nghệ-Tĩnh chuyển vào. Sau một thời gian chiến đấu, lực lượng vũ trang ba tỉnh có những tiến bộ mới về trình độ chiến thuật, kỹ thuật, vận dụng các hình thức tác chiến phong phú và đạt hiệu quả.
Với sức chiến đấu được tăng cường, ngay từ đầu tháng 3-1954, lực lượng vũ trang Quảng Bình đã vươn lên chống càn có kết quả ở Hoàn Phúc (9-3-1954), Thế Lộc, Quang Xá, Nguyệt Áng (11-3-1954). Các trận chống càn nhỏ ở Phong Quảng Triệu Hải cũng giành được nhiều thắng lợi. Lối đánh tập kích kết hợp với nhân mối phát triển mạnh ở Thừa Thiên rồi lan ra Quảng Bình.
Phối hợp góp phần giành thắng lợi của Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ
Để cuộc chiến đấu của quân và dân Bình-Trị-Thiên kịp thời phối hợp với Chiến dịch Điện Biên Phủ, Bộ Tư lệnh Liên khu IV, Bộ Tổng tư lệnh đã quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn hoạt động quân sự trên toàn liên khu. Ngày 15-3-1954, Bộ Tư lệnh Liên khu IV đã chỉ thị cho ba tỉnh đánh mạnh đường giao thông, tích cực chống càn quét, bắt lính. Tiếp đó, ngày 22-3-1954, Bộ Tổng tư lệnh gửi điện tới Bộ Tư lệnh Liên khu IV chỉ rõ những nhiệm vụ đối với Bình-Trị-Thiên là phải làm từ cơ sở thông suốt tư tưởng, phương châm, phải nhận rõ những hạn chế là phong trào chính trị ở vùng tạm bị chiếm (xã) còn yếu; phải nắm chắc và thấu triệt phương châm đẩy mạnh du kích chiến là phải tích cực chống càn quét, tiêu diệt sinh lực địch, phục vụ cho việc xây dựng cơ sở, củng cố căn cứ du kích và khu du kích; hết sức chú trọng và phát triển cơ sở du kích, củng cố bộ đội địa phương huyện và tăng cường hoạt động giúp cho du kích xã phát triển; hoạt động vũ trang phải chú trọng kết hợp chặt chẽ với đấu tranh chính trị, kinh tế, ngụy vận, chống bắt lính… để củng cố xây dựng lực lượng đảm bảo liên tục tác chiến15.
Được sự chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Tư lệnh liên khu, của các cấp ủy đảng, chính quyền, phong trào chiến tranh du kích ở Bình-Trị-Thiên càng tiến triển mạnh mẽ, tiêu hao nhiều sinh lực địch, phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh của chúng. Riêng ở Thừa Thiên, trong nửa cuối tháng 3-1954, theo lối đánh đặc công, lực lượng vũ trang địa phương đã tiêu diệt 6 vị trí và 12 lô cốt địch.
Cuối tháng 3 đầu tháng 4-1954, hưởng ứng “tuần lễ đánh mạnh” phối hợp với đợt hai Chiến dịch Điện Biên Phủ do Liên khu ủy, Bộ Tư lệnh liên khu phát động, lực lượng vũ trang Quảng Bình, Thừa Thiên tổ chức nhiều trận tập kích vào các vị trí địch ở An Xá, Võ Xá, An Hòa (30-3), Kim Long (31-3)… khiến quân địch khốn đốn ngay trong vùng hậu phương của chúng. Đặc biệt trận đánh của lực lượng vũ trang Quảng Bình ở Võ Xá diệt hai trung đội địch, trận tập kích của bộ đội địa phương Thừa Thiên vào vị trí An Hòa tiêu diệt 200 tên làm chấn động dư luận thành phố Huế.
Trong thế quân địch lúng túng và bị động, ngày 16-4-1954, Thường vụ Liên khu ủy IV đã họp với các tỉnh ủy nhận định tình hình, đẩy mạnh các công tác phối hợp với đợt hai Chiến dịch Điện Biên Phủ làm hậu thuẫn cho đấu tranh chính trị, phục vụ xây dựng cơ sở lâu dài. Thường vụ Liên khu ủy IV yêu cầu các tỉnh ủy ở Bình-Trị-Thiên phải nhận rõ thuận lợi và yêu cầu cấp bách của tình hình mới để phát huy cao độ tinh thần kiên trung tích cực của cán bộ, quán triệt tư tưởng trường kỳ, gian khổ và sự ác liệt của cuộc chiến đấu sắp tới, phải theo dõi sát sao diễn biến của tình hình chung và tình hình địa phương để chỉ đạo kịp thời, tranh thủ được thời cơ, lãnh đạo phải đi sâu, phải có kế hoạch cụ thể cho từng mặt công tác16.
Những chỉ đạo, hướng dẫn đã mở ra và thúc đẩy cao trào đấu tranh mới ở Bình-Trị-Thiên. Đầu tháng 4-1954, Đại đội 9 bộ đội đặc công Liên khu IV vào hoạt động ở Quảng Bình. Với chiến thuật “đánh điểm nhỏ” và phương châm “đánh chắc thắng”, đơn vị đã liên tiếp tiêu diệt 4 lô cốt và một số vị trí của địch. Những trận đánh mở đầu thắng lợi của bộ đội đặc công đã góp phần tạo đà cho sự phát triển của hình thức tập kích địch của lực lượng vũ trang Bình - Trị - Thiên.
Bằng chiến thuật tập kích, bộ đội Quảng Bình tiếp tục tiêu diệt nhiều vị trí quan trọng của địch như Bình Phúc, Mỹ Phước (6-4), An Lạc, Thượng Phong, Thanh Xá Thượng, mở rộng khu du kích ở phía nam tỉnh.
Ở Quảng Trị, giữa tháng 4-1954, Đại đội 8 của tiểu đoàn bộ đội địa phương tỉnh phối hợp với lực lượng vũ trang Hướng Hóa vây ép vị trí Xuồi Muồi, buộc một đại đội địch ở đây phải ra hàng, nộp cho ta 106 súng. Ở đồng bằng, bộ đội đã luồn sâu tiêu diệt 7 vị trí, 1 lô cốt địch, bức địch rút khỏi vị trí Kim Giao (16-4), mở rộng khu du kích ở Triệu - Hải. Trung đội bộ đội huyện Hải Lăng đã cùng với dân quân xã Hải Bình chống càn thắng lợi, diệt 52 tên, giải thoát cho 200 thanh niên vừa bị địch bắt lính. Lực lượng du kích Vĩnh Linh còn phối hợp với lực lượng công an tiêu diệt 13 tên tề điệp gian ác ở các xã17. Quân và dân huyện Gio Linh đẩy mạnh phong trào chiến tranh du kích, tiêu hao địch, làm thất bại âm mưu bình định của địch ở vùng Cửa Việt, Cửa Tùng.
Tại Thừa Thiên, bộ đội tiếp tục vào vùng địch hậu tiêu diệt một số đồn bốt và lô cốt của địch. Đặc biệt vào ngày 28-4-1954, bộ đội Thừa Thiên đã luồn sâu tập kích các đồn, lô cốt dọc tuyến sông Bồ từ Ưu Điềm đến Vân Trình nằm trong hệ thống chiếm đóng của địch ở ba xã Quảng Ninh, Quảng Hà, Quảng Đại (huyện Quảng Điền). Trận tập kích thắng lợi đã có tác dụng lớn đến xây dựng và phát triển khu du kích Ninh - Hòa, khôi phục căn cứ nhỏ Phong Quang.
Cùng với sự tiến bộ của bộ đội tập trung, lực lượng dân quân, du kích cũng thu được nhiều kết quả trong độc lập chống càn, phát triển các hình thức chiến đấu, từ đặt địa lôi, bom mìn, cạm bẫy… đến tập kích, bao vây, bức rút các vị trí địch. Trong đó, phong trào dân quân, du kích nổi bật nhất là ở các địa phương: Hương Thủy, Hài Thái, Lương Mai (Thừa Thiên), Vĩnh Hoàng, Diêu Sanh (Quảng Trị), Nhã Phương (Quảng Bình)…
Giữa lúc quân và dân Bình-Trị-Thiên đang trên đà giành được nhiều thắng lợi thì Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi làm thay đổi cục diện trên chiến trường, mở ra những thuận lợi to lớn tiến tới kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Thắng lợi của quân và dân Bình-Trị-Thiên trong Đông -Xuân 1953 – 1954, góp phần vào thắng lợi của Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, tiến tới kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, đã chứng minh sự đúng đắn trong lãnh đạo cuộc chiến tranh nhân dân của Trung ương Đảng, của Liên khu ủy IV và tỉnh ủy các tỉnh trên địa bàn. Thắng lợi này đã thể hiện sự lớn mạnh của lực lượng vũ trang ba tỉnh Bình-Trị-Thiên và sự phối hợp tác chiến có hiệu quả với các chiến trường trong cả nước.
Ngày nhận bài: 27-4-2024; ngày thẩm định: 22-5-2024; ngày duyệt đăng: 30-5-2024