Tóm tắt: Công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong công tác tư tưởng, lí luận của Đảng, nhằm tuyên truyền, giáo dục truyền thống, bồi dưỡng ý chí, tình cảm cách mạng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh có hiệu quả với các luận điệu xuyên tạc lịch sử Đảng của các thế lực thù địch. Nhận thức được ý nghĩa, tầm quan trọng đó, Đang bộ tỉnh Ninh Thuận đã tập trung lãnh đạo công tác sưu tầm tư liệu, nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ các cấp, lịch sử ban, ngành, đoàn thể của tỉnh. Đặc biệt, từ khi có Chỉ thị số 20-CT/TW, ngày 18-1-2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “Về tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng”, công tác Lịch sử Đảng được tiến hành đồng bộ, thống nhất và hiệu quả, tạo bước chuyển mới trong nhận thức và thực tiễn.
Từ khóa: Đảng bộ tỉnh Ninh Thuận; công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng; Chỉ thị 20-CT/TW
1. Chủ trương của Đảng của Đảng bộ tỉnh Ninh Thuận
Ngày 18-1-2018, Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XII ban hành Chỉ thị số 20-CT/TW “Về tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục Lịch sử Đảng”. Chỉ thị nhấn mạnh cần phải “đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức trong toàn Đảng và toàn xã hội, trước hết là của người đứng đầu các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng đối với công tác xây dựng Đảng trong tình hình mới”1; “Làm tốt công tác này nhằm phát huy truyền thống, lịch sử vẻ vang của Đảng, là cội nguồn sức mạnh, là động lực tinh thần to lớn cổ vũ toàn Đảng, toàn quân và toàn dân nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc”2.
Chỉ thị yêu cầu các cấp uỷ, trực tiếp và thường xuyên là thường trực cấp ủy tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác Lịch sử Đảng. Quan tâm việc sưu tầm, khai thác tư liệu, nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục Lịch sử Đảng. Chăm lo xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác Lịch sử Đảng có kiến thức chuyên ngành sâu rộng, có bản lĩnh chính trị và tinh thần trách nhiệm cao; bảo đảm điều kiện, cơ sở vật chất, kinh phí cần thiết cho công tác quan trọng này; đồng thời, tiếp tục bổ sung, hoàn thiện, nâng cao chất lượng, tính khách quan, khoa học của các công trình lịch sử Đảng ở các cấp.
Về công tác tuyên truyền, giáo dục Lịch sử Đảng, Chỉ thị nêu rõ cần phải: “Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục Lịch sử Đảng trong Đảng và toàn xã hội, đặc biệt là thế hệ trẻ với phương pháp, cách thức đa dạng, phù hợp đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; làm tốt công tác thông tin, giới thiệu Lịch sử Đảng ta với bạn bè quốc tế. Chủ động đấu tranh phê phán, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, xuyên tạc Lịch sử Đảng ta”3.
Thực hiện chủ trương của Ban Bí thư Trung ương Đảng, ngày 2-3-2018, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Thuận ban hành Kế hoạch số 96-KH/TU về thực hiện Chỉ thị 20-CT/TW ngày 18-1-2018 của Ban Bí thư Trung ương, trong đó xác định:
Tiếp tục bổ sung, hoàn thiện, nâng cao chất lượng các công trình lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống ở các cấp, các ngành và các địa phương. Chú trọng tái bản và nghiên cứu, biên soạn giai đoạn tiếp theo của lịch sử Đảng bộ tỉnh, huyện, thành phố, các đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; các ngành, hội, đoàn thể đẩy nhanh việc nghiên cứu, biên soạn lịch sử truyền thống;…
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục Lịch sử Đảng, đặc biệt là thế hệ trẻ với phương pháp, cách thức đa dạng, phù hợp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; chủ động đấu tranh phê phán, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, xuyên tạc lịch sử Đảng của các thế lực phản động.
Tiếp tục đẩy mạnh việc xác định di tích lịch sử, gắn biển, dựng bia, xây dựng tượng đài; làm tốt công tác sưu tầm, khai thác bổ sung tư liệu lịch sử; bảo quản, lưu trữ tư liệu, đồng thời tiến tới số hóa toàn bộ tư liệu lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống4.
Để thực hiện tốt những vấn đề nêu trên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Thuận nhấn mạnh, cần phải chăm lo xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác lịch sử Đảng có kiến thức chuyên ngành sâu rộng, có bản lĩnh chính trị và tinh thần trách nhiệm cao; các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc bố trí cán bộ chuyên trách có chuyên ngành lịch sử; đồng thời bảo bảo điều kiện, cơ sở vật chất, kinh phí cần thiết cho công tác quan trọng này5.
Thực hiện những chủ trương trên của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Thuận, UBND tỉnh ra văn bản hướng dẫn các đơn vị thực hiện chế độ tài chính cho công tác nghiên cứu, biên soạn, xuất bản các các công trình lịch sử Đảng; Kế hoạch số 4984/KH-UBND, ngày 9-12-2019 “về biên soạn, thẩm định và tổ chức thực hiện tài liệu giáo dục địa phương trong Chương trình giáo dục phổ thông”; Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy ban hành hướng dẫn chuyên môn cho các huyện, thành phố, sở, ban, ngành, Mặt trận, đoàn thể, đảm bảo triển khai thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW đồng bộ, hiệu quả. Ban Thường vụ các huyện, thành ủy ban hành các văn bản chỉ đạo cấp ủy các tổ chức cơ sở đảng tiếp tục nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, xuất bản công trinh lịch sử Đảng các cấp, đẩy mạnh biên soạn, xuất bản lịch sử truyền thống xã, phường anh hùng; xây dựng kế hoạch biên soạn, bổ sung giai đoạn tiếp theo cho các công trình như: Lịch sử Đảng bộ Thành phố Phan Rang-Tháp Chàm, Lịch sử Đảng bộ huyện Bác Ái, Lịch sử Đảng bộ huyện Ninh Hải, Lịch sử Đảng bộ huyện Thuận Nam, Lịch sử Đảng bộ huyện Ninh Phước, Lịch sử Đảng bộ huyện Ninh Sơn; Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh cũng tổ chức triển khai nghiên cứu, biên soạn bổ sung các công trình lịch sử một cách phù hợp với thực tiễn và đã mang lại hiệu quả thiết thực, tạo bước chuyển quan trọng về chất trong công tác Lịch sử Đảng.
2. Một số kết quả đạt được
Về công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ địa phương; lịch sử các ban, ngành, đoàn thể
Thực hiện chủ trương và các giải pháp của Đảng bộ tỉnh Ninh Thuận, trong 6 năm (2018-2024), toàn tỉnh có 44 công trình lịch sử Đảng được xuất bản và đang triển khai, trong đó cấp tỉnh có 12 công trình, cấp huyện có 7 công trình và 8 công trình lịch sử truyền thống; Tiêu biểu như cuốn “Lịch sử Đảng bộ tỉnh Ninh Thuận” gồm 3 tập: tập 1 (1930-1975); tập 2 (1975-2000) và tập 3 (2000-2020)); có 7/7 huyện, thành phố đã hoàn thành xuất bản Lịch sử Đảng bộ đến năm 2015; 12 ban, ngành, hội, đoàn thể xuất bản lịch sử truyền thống6.
Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị trong tỉnh còn tổ chức nghiên cứu, biên soạn và xuất bản một số sách chuyên đề như: “Những cá nhân Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”; “Những tập thể Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” và 2 tập sách về “Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng tỉnh Ninh Thuận”7.
Hiện nay, tỉnh đang tiếp tục triển khai thực hiện 3 công trình lớn gồm: “Địa chí tỉnh Ninh Thuận”; “Những sự kiện Lịch sử Đảng bộ tỉnh Ninh Thuận”; sách ảnh “Đảng bộ tỉnh Ninh Thuận - 95 năm xây dựng và phát triển (1930-2025).
Về công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng bộ địa phương
Sau 6 năm (2018 - 2024) triển khai Chỉ thị 20-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương, công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử, lịch sử Đảng, lịch sử Đảng bộ địa phương được các cấp ủy đảng, lãnh đạo các ngành, đơn vị quan tâm triển khai thực hiện với nhiều hình thức tuyên truyền phong phú, đa dạng như: đăng tải, chia sẻ các bài viết tuyên truyền về một số sự kiện, nhân vật lịch sử dân tộc trên trang facebook của địa phương, ngành; tổ chức cuộc thi tìm hiểu lịch sử Đảng bộ địa phương; tổ chức các đợt sinh hoạt chính trị “Hành trình về các địa chỉ đỏ”... Các ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội tổ chức tọa đàm, gặp mặt nhân chứng lịch sử nhân ngày truyền thống của ngành. Việc tuyên truyền lịch sử Đảng luôn gắn kết, song hành với công tác phòng ngừa, đấu tranh phản bác các thông tin sai lệch, các quan điểm sai trái, thù địch, xuyên tạc lịch sử Đảng, góp phần quan trọng bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Báo Ninh Thuận, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh đã đăng tải và phát sóng nhiều tin, bài, phóng sự, trao đổi, tọa đàm, phim tài liệu tuyên truyền về lịch sử vùng đất Ninh Thuận kiên cường, anh dũng, nghĩa tình. Đặc biệt, từ năm 2005 đến 2024, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh và các cơ quan liên quan tổ chức cuộc thi “Những mốc son lịch sử”8, thu hút đông đảo quần chúng nhân dân đăng ký tham gia.
Bảo tàng tỉnh tổ chức nhiều đợt trưng bày chuyên đề về lịch sử Đảng, lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ, quân và dân trong tỉnh. Qua đó, giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu rõ hơn về lịch sử, vùng đất, con người, các giá trị truyền thống, chặng đường cách mạng vẻ vang của Ninh Thuận.
Công tác bảo tồn, trùng tu, tôn tạo, phát huy giá trị di tích cách mạng trên địa bàn có nhiều chuyển biến. Nhiều di tích được lập hồ sơ, xếp hạng di tích sử cấp tỉnh như: Khu tập trung Bà Râu, Bia tưởng niệm sự kiện thảm sát nhân dân làng Thạnh Đức, năm 1946, Bia tưởng niệm sự kiện thảm sát Ấp Nam, năm 1947, "Miếu Năm bà” - nơi họp bàn chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám 1945,... Ngoài ra, tỉnh còn tiến hành khảo sát, xây dựng hồ sơ đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận 2 huyện (Bác Ái, Thuận Bắc) là vùng An toàn khu; 11 xã (Phước Bình, Phước Thành, Phước Trung, Phước Chính, Phước Đại, Vĩnh Hải, Phước Kháng, Phước Chiến, Bắc Sơn, Phước Hà, Ma Nới) là xã An toàn khu của Trung ương trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các cơ quan, các huyện, thành phố, phục hồi, phát huy giá trị lịch sử các di tích trên địa bàn như: Di tích Nhà đồng chí Nguyễn Hữu Hương; hoàn thành trùng tu tôn tạo di tích Nhà số 30 Nguyễn Du; Nhà bia tưởng niệm Sự kiện Ấp Nam, bia các Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Liệt sĩ trên địa bàn huyện Bác Ái; gắn biển, dựng bia tại các địa điểm là căn cứ cách mạng ở Hang 403, Trạm dừng chân X93, Xưởng làm giấy; đề xuất trùng tu di tích lịch sử cấp quốc gia Bẩy đá Pi Năng Tắc; Hội Cựu chiến binh tỉnh tổ chức gắn biển di tích lịch sử Miếu Năm Bà, nơi Việt Minh họp bàn chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám; Công trình lịch sử ghi danh chiến tích Tiểu đoàn Bộ binh 610.
Về bố trí các nguồn lực đầu tư cho công tác lịch sử Đảng
Với mục tiêu nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn các công lịch sử Đảng, nhiều giải pháp đã được các cấp ủy đưa ra và vận dụng linh hoạt như: đầu tư cơ sở vật chất, kinh phí, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác lịch sử Đảng về chuyên môn, nghiệp vụ, phương pháp nghiên cứu, phát huy nguồn lực tại chỗ, phối hợp công tác với các cơ quan ban, ngành trong tỉnh.
Cán bộ chuyên trách công tác lịch sử Đảng phần lớn được đào tạo bài bản, đúng chuyên ngành, có bản lĩnh chính trị và tinh thần trách nhiệm cao. Hằng năm, được tham gia các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Lịch sử Đảng, phương pháp nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ địa phương, ban ngành, đoàn thể. Ở cấp tỉnh, Phòng Lý luận Chính trị và Lịch sử Đảng thuộc Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy gồm: Trưởng phòng, 2 Phó trưởng phòng và 4 chuyên viên; trong đó 1 phó trưởng phòng và 1 chuyên viên phụ trách công tác Lịch sử Đảng, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và Công an tỉnh có bộ phận chuyên trách.
Ban Tuyên giáo huyện ủy, thành ủy phần lớn đều có cán bộ chuyên trách và kiêm nhiệm công tác Lịch sử Đảng. 100% cán bộ chuyên trách có trình độ đại học trở lên, 100% cán bộ có trình độ lý luận chính trị trung cấp trở lên, trong đó trình độ cao cấp và cử nhân chính trị chiếm tỉ lệ hơn 30%. Đây là nguồn lực quan trọng để đảm bảo triển khai thực hiện thành công Chỉ thị số 20-CT/TW.
Cơ sở vật chất và thiết bị phục vụ công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục Lịch sử Đảng được trang bị tương đối đầy đủ, hiện đại. Các cấp ủy đảng quan tâm chỉ đạo bố trí kinh phí phục vụ công tác sưu tầm tư liệu, nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng. Các công trình lịch sử đảng bộ cấp huyện, thành phố và lịch sử ban, ngành, hội, đoàn thể cấp tỉnh trung bình được cấp kinh phí trên 200 triệu; cấp cơ sở trung bình trên 100 triệu. Ngoài ra, một số công trình lịch sử Đảng sử dụng kinh phí từ nguồn khoa học và công nghệ, thông qua việc đăng ký và thực hiện đề tài khoa học.
Bên cạnh những mặt tích cực, công tác lịch sử Đảng vẫn còn một số tồn tại, hạn chế: Một số cấp ủy đảng, chính quyền chưa quan tâm đúng mức về công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, thiếu kiểm tra, đôn đốc; chất lượng một số bản thảo lịch sử địa phương chưa cao, nhất là lịch sử cấp xã, phường, thị trấn; công tác sưu tầm, lưu trữ tư liệu, hình ảnh và biên soạn lịch sử của các sở, ban, ngành chưa được quan tâm; nguồn tư liệu thành văn trước năm 1975 và thời kì tỉnh Thuận Hải không còn nhiều, các nhân chứng trong thời kỳ kháng chiến đa số tuổi cao và nhiều nhân chứng quan trọng không còn; chưa có văn bản của Trung ương hướng dẫn về các định mức tài chính cho công tác lịch sử Đảng nên không có cơ sở để thực hiện,… mặc dù tỉnh đã có hướng dẫn9 về mức chi cho việc sưu tầm tư liệu và biên soạn.
2. Một số giải pháp tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục Lịch sử Đảng
Một là, các cấp ủy đảng tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện nghiêm, hiệu quả việc tăng cường và nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục Lịch sử Đảng theo tỉnh thần Chỉ thị số 20-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương; Kế hoạch số 96-KH/TU ngày 2-3-2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy trong toàn Đảng bộ, hệ thống chính trị và toàn xã hội; xác định đây là một nhiệm vụ chính trị đặc biệt, cấp bách và lâu dài, có ý nghĩa to lớn trong công tác chính trị, tư tưởng của Đảng bộ.
Hai là, tiếp tục nghiên cứu, biên soạn, xuất bản các các công trình lịch sử Đảng theo kế hoạch đề ra10; tập trung nâng cao chất lượng các công trình lịch sử Đảng bộ, lịch sử truyền thống các địa phương, ban, ngành, đoàn thể. Riêng đối với công tác sưu tầm tư liệu, cần chú trọng sưu tầm, lưu trữ hình ảnh, phim tư liệu và phục hồi tài liệu lịch sử Đảng bộ tỉnh Ninh Thuận; thực hiện tốt công tác tư liệu đối với những sự kiện đã và đang diễn ra; tổ chức lưu trữ, quản lý tư liệu; ứng dụng công nghệ thông tin, tiến tới số hóa các tài liệu lịch sử địa phương, đơn vị.
Ba là, coi trọng việc đổi mới nội dung và hình thức tuyên truyền, giáo dục Lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống, phát huy có hiệu quả các loại hình truyền thông mới để tuyên truyền lịch sử Đảng; tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng gắn với hoạt động tham quan, về nguồn các địa chỉ đỏ. Quan tâm phát huy giá trị các công trình Lịch sử Đảng đã xuất bản dưới nhiều hình thức; số hóa các ẩn phẩm lịch sử để thuận lợi cho việc khai thác, nghiên cứu của độc giả. Tiếp tục gắn việc tuyên truyền, giáo dục Lịch sử Đảng với công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác kịp thời, hiệu quả các quan điểm sai trái, những luận điệu phản động của các thế lực thù địch.
Bốn là, bố trí cán bộ chuyên trách làm công tác Lịch sử Đảng; tạo điều kiện cho cán bộ làm công tác lịch sử Đảng được học tập nâng cao trình độ chuyên môn, lý luận chính trị; tham gia tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ Lịch sử Đảng; đảm bảo kinh phí để thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục Lịch sử Đảng, sưu tầm, lưu trữ hình ảnh, phim tư liệu và phục hồi tài liệu lịch sử11.
Năm là, quan tâm công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chỉ thị 20- CT/TW, kịp thời khen thưởng, động viên các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác Lịch sử Đảng.
Sau 6 năm (2018 - 2024) thực hiện Chỉ thị 20-CT/TW, của Ban Bí thư Trung ương Đảng, công tác lịch sử Đảng của tỉnh Ninh Thuận đạt nhiều kết quả quan trọng, số lượng các ấn phẩm được xuất bản ngày càng nhiều, chất lượng ngày càng nâng cao, đảm bảo tính đảng, tính khoa học, tính thống nhất, tái hiện một cách đầy đủ, toàn diện, chân thực, sinh động lịch sử Đảng bộ các cấp, lịch sử các ban, ngành, đoàn thể; tổng kết những kinh nghiệm phong phú của Đảng bộ trong từng chặng đường lịch sử, góp phần xây dựng Đảng bộ ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Ngày gửi: 1-10-2024; Ngày thẩm định, đánh giá: 20-10-2024; Ngày duyệt đăng: 27-10-2024
1, 2, 3. https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-duc/Chi-thi-20-CT-TW-2018-nang-cao-chat-luong-nghien-cuu-bien-soan-tuyen-truyen-giao-duc-lich-su-Dang-374536.aspx, ngày truy cập: 15-10-2024
4, 5. Kế hoạch số 96-KH/TU, ngày 2-3-2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Thuận “thực hiện Chỉ thị 20-CT/TW, ngày 18-01-2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, uyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng”, tài liệu lưu tại Văn phòng Tỉnh ủy Ninh Thuận
9. Hướng dẫn số 2219-CV/VPTU ngày 14-9-2023 của Văn phòng Tỉnh ủy Ninh Thuận “về hướng dẫn nội dung mức chi biên soạn lịch sử Đảng bộ huyện, thành phố”, tài liệu lưu tại Văn phòng Tỉnh ủy Ninh Thuận.