Tóm tắt: Trong công cuộc đổi mới hiện nay, các thế lực phản động đang tìm mọi cách để tuyên truyền các quan điểm sai trái, thù địch nhằm phá hoại sự nghiệp cách mạng do Đảng lãnh đạo. Do đó, để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, công tác giáo dục lý luận chính trị ngày càng có vai trò quan trọng. Trên cơ sở khái quát thực trạng công tác giáo dục lý luận chính trị tại Trường chính trị tỉnh Khánh Hoà, bài viết bước đầu nêu lên một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục lý luận chính trị, góp phần phản bác các quan điểm sai trái, bảo vệ nền tảng tư tưởng tư tưởng của Đảng.
Từ khoá: Giáo dục lý luận chính trị; bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; Trường Chính trị tỉnh Khánh Hoà
1. Công tác giáo dục lý luận tại trường chính trị tỉnh Khánh Hòa
Giáo dục lý luận chính trị là một nhiệm vụ trọng yếu trong công tác tư tưởng của Đảng nhằm bồi dưỡng về lý luận chính trị, truyền đạt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước; bồi dưỡng kiến thức và nghiệp vụ công tác xây dựng Đảng, xây dựng và quản lý Nhà nước cho cán bộ, đảng viên. Mở đầu tác phẩm Đường Kách Mệnh, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã dẫn lời của V.I.Lênin: “Không có lý luận cách mệnh, thì không có cách mệnh vận động… Chỉ có theo lý luận cách mệnh tiền phong, đảng cách mệnh mới làm nổi trách nhiệm cách mệnh tiền phong”1. Giáo dục lý luận chính trị, giúp cán bộ, đảng viên được trang bị đầy đủ, toàn diện, sâu sắc các tri thức lý luận; không ngừng củng cố, tăng cường niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, sự nghiệp đổi mới, tương lai của dân tộc và lý tưởng cộng sản. Và từ đó, giúp cán bộ, đảng viên nhận thức được trách nhiệm của bản thân trong cuộc đấu tranh rất cam go chống lại các âm mưu, thủ đoạn, các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng trong bối cảnh hiện nay. Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22-10-2018 của Bộ Chính trị, khóa XII về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”, xác định rõ: Bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác có hiệu quả các quan điểm sai trái, thù địch là một nội dung cơ bản, hệ trọng, sống còn của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân.
Theo Quy định số 09-QĐi/TW ngày 13-11-2018 của Ban Bí thư “Về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương”, Trường chính trị tỉnh Khánh Hòa là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Tỉnh ủy Khánh Hòa, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp và thường xuyên của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Chức năng chủ yếu của nhà trường là tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị cấp cơ sở, cán bộ, công chức, viên chức ở địa phương về lý luận chính trị, hành chính; chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kiến thức và chuyên môn, nghiệp vụ về công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội; kiến thức về một số lĩnh vực khác; tham gia tổng kết thực tiễn, nghiên cứu khoa học về xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị ở địa phương.
Trường chính trị là nơi đào tạo những cán bộ có chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu của các tổ chức Đảng, chính quyền địa phương. Vì thế, trường chính trị có vai trò quan trọng, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Thông qua việc cung cấp tri thức khoa học, cách mạng để định hướng tư tưởng, xây dựng thế giới quan, phương pháp luận khoa học và phẩm chất chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, giúp người học hình thành niềm tin vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và tương lai của dân tộc; từng bước tạo lập, rèn luyện, củng cố phẩm chất và năng lực chính trị, bồi đắp khả năng nhìn nhận, đánh giá khi tiếp cận các thông tin đa chiều trong đời sống xã hội. Quá trình giảng dạy cũng đồng thời là quá trình đội ngũ giảng viên làm nhiệm vụ lập luận, phân tích, cung cấp cho người học kiến thức góp phần phản bác những luận điệu sai trái của các thế lực thù địch.
Trải qua 75 năm xây dựng và phát triển, nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của công tác giáo dục lý luận chính trị gắn với thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng cũng như để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, lãnh đạo Trường chính trị tỉnh Khánh Hòa qua các thế hệ đã luôn chú trọng việc xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên đảm bảo về số lượng và chất lượng, góp phần từng bước nâng cao và chuẩn hóa đội ngũ giảng viên đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Hiện nay, Trường chính trị tỉnh Khánh Hòa có 30 giảng viên, trong đó có 29 thạc sĩ, 1 cử nhân, 17 giảng viên chính; 20/30 giảng viên có trình độ cao cấp lý luận chính trị; 29/30 giảng viên đã hoàn thành xong chương trình bồi dưỡng kiến thức kinh điển Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, 2 giảng viên đang học nghiên cứu sinh. 100% giảng viên đều có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, tâm huyết với nghề, luôn có ý thức phấn đấu vươn lên, hoàn thành nhiệm vụ được giao. Năm 2023, có 2 giảng viên tham gia Hội thi giảng viên dạy giỏi cấp Học viện, trong đó 1 giảng viên đạt danh hiệu Giảng viên giỏi và 1 giảng viên đạt danh hiệu Giảng viên xuất sắc.
Cùng với đó, để nâng cao chất lượng giáo dục lý luận chính trị, gắn lý luận với thực tiễn, Trường chính trị tỉnh Khánh Hòa thường xuyên chú trọng công tác nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế, tổng kết thực tiễn. Trong 2 năm (2021-2022) nhà trường đã triển khai thực hiện được 7 đề tài khoa học cấp cơ sở, 2 hội thảo cấp tỉnh, 8 hội thảo cấp trường, 1 hội thảo cấp khoa. Năm 2023, hoạt động nghiên cứu khoa học của nhà trường có bước phát triển nhảy vọt: triển khai 2 đề tài cấp tỉnh, hoàn thành 5 đề tài cấp cơ sở; phối hợp tổ chức 1 hội thảo cấp tỉnh: “Khánh Hoà - 370 năm xây dựng và phát triển (1653-2023); tổ chức 3 hội thảo cấp trường (trong đó, có 1 hội thảo về đề tài công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng); 1 cuộc toạ đàm “Trường Chính trị tỉnh Khánh Hòa - 75 năm xây dựng và phát triển”. Cán bộ của nhà trường tích cực tham gia viết bài nghiên cứu, trong đó có 16 bài viết đăng trên cổng thông tin điện tử của trường; 100% giảng viên vượt định mức giờ nghiên cứu khoa học trong đó, có 4/29 giảng viên có trên 1.000 giờ nghiên cứu khoa học…
Thông qua công tác nghiên cứu khoa học, tham gia tổng kết thực tiễn, trình độ năng lực của đội ngũ cán bộ, giảng viên của nhà trường được nâng lên một bước. Mỗi cán bộ, giảng viên, học viên đều có cơ hội học tập, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động giảng dạy và học tập. Đặc biệt, từ khi có Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”, Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt và vận dụng Nghị quyết số 35-NQ/TW vào thực tiễn hoạt động giảng dạy và nghiên cứu khoa học của nhà trường.
Với những nỗ lực nêu trên, chất lượng dạy và học lý luận của nhà trường không ngừng được tăng lên. Số lượng cán bộ, đảng viên ở cơ sở được nhà trường đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị tăng nhanh, góp phần nâng cao bản lĩnh chính trị, tư tưởng đạo đức cách mạng, củng cố vững chắc niềm tin của cán bộ, đảng viên vào sự lãnh đạo của Đảng, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Trong năm 2021, mặc dù dịch bệnh COVID-19 diễn ra rất phức tạp, nhà trường vẫn mở được 32 lớp với 2.438 học viên. Năm 2022, nhà trường đã thực hiện được 46 lớp/45 lớp, đạt tỷ lệ 102% so với kế hoạch được giao. Đặc biệt, năm 2023, nhà trường đã thực hiện được 82 lớp/49 lớp với 6.601 học viên, đạt tỷ lệ 167% so với kế hoạch được giao. 100% học viên được tốt nghiệp, không có yếu kém về điểm rèn luyện. Có thể khẳng định, đây là sự quyết tâm rất lớn của tập thể Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường và sự nỗ lực cố gắng, đồng lòng của cán bộ, viên chức toàn trường.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giáo dục lý luận chính trị tại trường chính trị tỉnh Khánh Hòa vẫn còn những khó khăn, hạn chế: Công tác nghiên cứu khoa học và năng lực tổng kết thực tiễn của một bộ phận cán bộ đảng viên, đặc biệt là đội ngũ giảng viên trẻ vẫn còn yếu; chất lượng một số công trình nghiên cứu, tổng kết thực tiễn chưa cao, các đề tài khoa học và các bài viết về chủ đề bảo vệ nền tảng tư tưởng còn ít; việc tổng kết, liên hệ thực tiễn vào bài giảng chưa đáp ứng yêu cầu; nội dung bài giảng phần nhiều còn nặng về lý luận. Việc đổi mới phương pháp giảng dạy và ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động giảng dạy còn yếu.
2. Một số giải pháp nâng cao chất lượng công tác giáo dục lý luận chính trị tại trường chính trị tỉnh Khánh Hoà
Từ thực tiễn công tác giáo dục lý luận chính trị tại Trường chính trị tỉnh Khánh Hòa, có thể thấy cần có một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác giáo dục lý luận góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng như sau:
Thứ nhất, về phía nhà trường:
Một là, tiếp tục nghiên cứu và quán triệt sâu sắc các quan điểm, chủ trương của Đảng, đặc biệt là Văn kiện Đại hội XIII (2021) của Đảng, Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa lần thứ XVIII, Nghị quyết số 32-NQ/TW, ngày 26-5-2014 của Bộ Chính trị “Về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ lãnh đạo, quản lý”, Chỉ thị số 23-CT/TW, ngày 9-2-2018 của Ban Bí thư “Về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập, nghiên cứu, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới” để vừa nâng cao chất lượng giảng dạy lý luận chính trị của nhà trường, vừa để hình thành các đề tài nghiên cứu khoa học, các chủ đề hội thảo khoa học hoặc vận dụng vào các bài giảng theo tinh thần Nghị quyết số 35-NQ/TW. Chỉ đạo xây dựng kế hoạch triển khai lồng ghép, tích hợp các nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng trong hoạt động chuyên môn của nhà trường. Trong quá trình đó, cần có sự kiểm tra, đánh giá và định hướng để các khoa tiếp tục phát huy vai trò của mình trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng.
Hai là, tiếp tục tạo điều kiện cho giảng viên học tập và rèn luyện nâng cao toàn diện về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, chuyên môn, năng lực giảng dạy, nghiên cứu khoa học, năng lực thích ứng với những tiến bộ mới của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với công nghệ số,… để đội ngũ giảng viên có đầy đủ phẩm chất và năng lực đáp ứng vai trò tiên phong, nòng cốt trong sự nghiệp nâng cao chất lượng giáo dục lý luận chính trị của nhà trường cũng như tiên phong trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Thực tế, chứng minh rất rõ rằng, trong bối cảnh hiện nay, cùng với sự tiến bộ của công nghệ, sự chống phá ngày càng tinh vi và vô cùng quyết liệt của các thế lực thù địch, nếu đội ngũ giảng viên không tiên phong, không có bản lĩnh chính trị vững vàng, không am tường lý luận, không có kỹ năng, phương pháp giảng dạy phù hợp, không có năng lực nghiên cứu khoa học,… thì không thể đáp ứng yêu cầu giảng dạy, cũng như không thể phát huy vai trò của mình trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng. Lý luận không tốt thì tuyên truyền sẽ không thuyết phục, cũng không thể xây dựng được các luận cứ để đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch…
Trên cơ sở công tác quy hoạch cán bộ, nhà trường cần có cơ chế bắt buộc để đưa cán bộ, giảng viên, nhất là cán bộ, giảng viên trong diện quy hoạch các chức danh lãnh đạo chủ chốt đi đào tạo tiến sĩ. Đồng thời, tiếp tục tham mưu với Thường trực Tỉnh ủy tạo điều kiện về mặt cơ chế, chính sách thuận lợi cho giảng viên có điều kiện đi học tiến sĩ.
Ba là, lãnh đạo nhà trường cần quyết liệt hơn nữa trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác nghiên cứu khoa học gắn với công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo các ngành liên quan quan tâm nhiều hơn về công tác nghiên cứu khoa học của trường, đặt hàng, giao nhiệm vụ hàng năm để trường chính trị có công trình và kinh phí để nghiên cứu thường xuyên. Đồng thời, bố trí những cán bộ có năng lực, tâm huyết phụ trách nghiên cứu khoa học; phát huy vai trò của Hội đồng khoa học nhà trường trong việc định hướng, lựa chọn vấn đề nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn; giao chỉ tiêu đề tài khoa học cho từng khoa; gắn hoạt động nghiên cứu khoa học với thi đua khen thưởng.
Bốn là, tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn thiện và ban hành Quy chế quản lý đào tạo phù hợp với mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng và điều kiện cụ thể của nhà trường dựa trên bộ Quy chế ban hành theo quyết định 6468-QĐ/HVCTQG ngày 21-12-2021 của Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới việc ra đề thi, đáp án theo hướng gợi mở, gắn lý luận và thực tiễn nhưng vẫn đảm bảo tính đảng, tính khoa học, phù hợp, thiết thực, hiệu quả; đảm bảo khách quan, nghiêm túc trong các khâu coi thi, chấm thi hết môn, chấm thi tốt nghiệp, khóa luận cuối khóa; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm nội quy, quy chế của nhà trường.
Năm là, phối hợp chặt chẽ với cấp ủy đảng, cơ quan cử cán bộ đi học để tăng cường quản lý tình hình học tập và rèn luyện của học viên; phát động nhiều hơn nữa các phong trào thi đua học tốt, dạy tốt, như tổ chức các cuộc thi học viên học giỏi lý luận chí trị, học viên tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng,… tạo điều kiện để học viên giữa các lớp tham gia giao lưu, học hỏi, góp phần tăng cường mối quan hệ khăng khít giữa nhà trường và học viên.
Thứ hai, đối với đội ngũ giảng viên:
Một là, tiếp tục, chủ động, tự giác, tích cực học tập, nghiên cứu khoa học để không ngừng nâng cao trình độ lý luận chính trị, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới. Đặc biệt, là không ngừng rèn luyện kỹ năng thích ứng với những tiến bộ mới của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; kỹ năng sử dụng các phương tiện dạy học hiện đại, kỹ năng tham gia mạng xã hội, chủ động nắm bắt thông tin để đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên mạng xã hội,…
Hai là, trong quá trình giảng dạy, giảng viên cần quán triệt sâu sắc hơn nữa nguyên tắc gắn lý luận với thực tiễn. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: Người cán bộ giảng dạy lý luận chính trị đòi hỏi phải có một nền tảng lý luận và vốn thực tiễn phong phú, để kiểm nghiệm lý luận và nâng nhận thức lý luận lên tầm cao mới. Có như thế người giảng viên mới có thể thực hiện mục tiêu giáo dục lý luận: “Khi học tập lý luận thì nhằm mục đích học để vận dụng chứ không phải học lý luận vì lý luận”2. Trước yêu cầu phải nâng cao hiệu quả công tác giáo dục lý luận chính trị, Đại hội XIII của Đảng cũng đã chỉ rõ: “Đổi mới căn bản nội dung, chương trình, phương pháp giáo dục lý luận chính trị theo hướng khoa học, sáng tạo, hiện đại và gắn lý luận và thực tiễn”3.
Để gắn lý luận và thực tiễn trong bài giảng, người giảng viên phải không ngừng cập nhật tình hình địa phương, trong nước, thế giới,… ; phải tăng cường nghiên cứu khoa học, kiểm nghiệm thực tế để nắm bắt thực tiễn, liên hệ vào bài giảng. Tránh dạy lý luận suông, “dạy chay”, phải làm cho người học thấy được vai trò “ngọn đèn pha” của lý luận đối với thực tiễn; gợi mở cho người học áp dụng lý luận vào thực tiễn.
Ba là, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy học, áp dụng các phương pháp dạy học tích cực đặc biệt là phương pháp chuyên gia lồng ghép với các phương tiện dạy học hiện đại để không ngừng phát huy tính tích cực, chủ động học tập từ học viên. Đối tượng học viên của trường chính trị là cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị cấp cơ sở, là cán bộ, công chức, viên chức đang công tác ở địa phương. Với đối tượng đặc thù này thì việc sử dụng phương pháp chuyên gia sẽ rất hiệu quả nhằm khai thác tối ưu thế mạnh cũng như không ngừng phát huy tính tích cực chủ động của học viên. Trước khi lên lớp, giảng viên cần nghiên cứu kỹ đối tượng người học. Đồng thời, trong quá trình tiếp xúc, làm việc trực tiếp với học viên trên lớp, giảng viên cần tăng cường trao đổi, thảo luận với học viên đang làm việc hoặc sinh sống tại địa phương, cơ quan, đơn vị.
Thứ ba, về phía địa phương, cơ quan, đơn vị cử cán bộ, đảng viên đi học:
Cần xác định mục đích học tập đúng đắn cho học viên giúp học viên tham gia học tập, nghiên cứu nghiêm túc để đạt kết quả tốt nhất. Điều đó đòi hỏi cấp ủy cần làm tốt công tác tư tưởng đối với những người được cử đi học hiểu và quán triệt sâu sắc tầm quan trọng của việc học lý luận chính trị là yêu cầu thường xuyên, hằng ngày, bức thiết đối với mỗi cán bộ, đảng viên. Bên cạnh đó, cấp ủy cần chủ động xây dựng và hoàn thiện các quy chế, quy định, chế độ đối với việc học tập chính trị; xem xét đề cử những cán bộ có năng lực công tác, phẩm chất đạo đức tốt, có nhu cầu học tập lý luận chính trị để nâng cao trình độ, rèn luyện đạo đức cách mạng, tâm huyết với nghề nghiệp, chức trách, nhiệm vụ được giao. Đồng thời, tăng cường vai trò kiểm tra, giám sát, thường xuyên liên hệ với nhà trường để nắm bắt tình hình học tập của cán bộ đơn vị mình, nhắc nhở kịp thời những cán bộ chưa thực hiện nghiêm nội quy, quy chế của nhà trường. Đi kèm với cơ chế kiểm tra, giám sát, các cơ quan, đơn vị cần có sự bố trí, sắp xếp công việc hợp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng đi học, giúp họ yên tâm hoàn và thành tốt nhiệm vụ học tập lý luận.
Thứ tư, về phía học viên:
Cần nhận thức sâu sắc rằng, học lý luận chính trị là trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của bản thân, từ đó, chủ động, tích cực trong học tập, nghiên cứu; khắc phục bệnh “lười học tập lý luận chính trị”, từ đó phát huy vai trò, trách nhiệm của người đảng viên trên mặt trận đấu tranh chống lại các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới.
Công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là nhiệm vụ thường xuyên của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta. Nâng cao chất lượng giáo dục lý luận chính trị nói chung, giáo dục lý luận chính trị tại Trường chính trị tỉnh Khánh Hoà nói riêng là giải pháp quan trọng nhằm tăng cường công tác xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, đảng viên lực lượng nòng cốt trong công tác đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng
Ngày nhận bài: 29-2-2024 Ngày thẩm định: 10-5-2024 Ngày duyệt đăng: 25-5-2024
1. Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, T. 2, tr. 279
2. Sđd, T.11, tr. 95
3. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb CTQGST, H, 2021, T. II, tr. 235.