Tóm tắt: Là thành phố trung tâm của vùng đồng bằng sông Cửu Long, Cần Thơ có truyền thống lịch sử, văn hóa, có những di sản văn hoá quý báu. Nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo tồn các giá trị di sản văn hóa, Đảng bộ thành phố Cần Thơ luôn quan tâm lãnh đạo công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, góp phần gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc nói chung, của thành phố nói riêng, quảng bá hình ảnh đất và người Cần Thơ rộng rãi trong nước và ra thế giới.

Từ khóa: Đảng bộ; Cần Thơ; Bảo tồn, phát huy; di sản văn hoá

1. Chủ trương và sự chỉ đạo của Đảng bộ thành phố Cần Thơ về bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hoá

Trong thời kỳ đổi mới, Đảng có nhiều chủ trương chỉ đạo thực hiện công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá. Đến năm 2014, Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 9-6-2014, Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” nêu rõ chủ trương: “Xây dựng cơ chế để giải quyết hợp lý, hài hòa giữa bảo tồn, phát huy di sản văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội. Bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa tiêu biểu, phục vụ giáo dục truyền thống và phát triển kinh tế; gắn kết bảo tồn, phát huy di sản văn hóa với phát triển du lịch. Phục hồi và bảo tồn một số loại hình nghệ thuật truyền thống có nguy cơ mai một…”1.

Thực hiện chủ trương trên của Trung ương, ngày 15-8-2014,  Đảng bộ Thành Phố Cần Thơ ban hành Chương trình hành động số 52-CT/TU “Chương trình thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ưong Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. Đảng bộ đã xác định: “Tranh  thủ mọi nguồn  lực, huy động sức mạnh của toàn xã hội đầu tư cho việc bảo tồn và phát huy có hiệu quả các giá trị văn  hóa truyên thống, văn hóa dân gian như đờn ca tài  tử, hát dân ca, hát ru, ca dao, hò, vè...; Bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa tiêu biêu, phục vụ giáo dục truyên thống; thực hiện các đề án xây dựng các khu di tích thành phố... Giữ gìn và phát huy di sản văn hóa  các dân tộc thiểu số, nhất là tiếng nói, chữ viết, trang phục, lễ hội truyền thống”2. Đến năm 2015, Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Cần Thơ lần thứ XIII nhiệm kỳ 2015-2020 chỉ đạo cụ thể: “Làm tốt công tác bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống cách mạng, nhằm tuyên truyền, giáo dục cho thế hệ trẻ lòng tự hào dân tộc... Quan tâm bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử dân tộc, lịch sử cách mạng trên địa bàn”3.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng bộ Thành phố, ngày 5-6-2018, Thành ủy thành phố Cần Thơ ban hành Chỉ thị số 23-CT/TU “về tăng cường công tác quản lý, bảo tồn và phát huy các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn thành phố”. Chỉ thị yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội tập trung thực hiện tốt tám nhiệm vụ trọng tâm trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hoá trên địa bàn, trong đó nêu rõ: Xây dựng kế hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi, phát huy giá trị những di tích đã được xếp hạng; củng cố và tăng cường hoạt động của Ban Quản lý di tích các cấp; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chuyên môn; đẩy mạnh trao đổi thông tin, kinh nghiệm, nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ trong bảo quản, tu bổ, phát huy di tích; đẩy mạnh tuyên truyền về ý nghĩa, tầm quan trọng của các di tích, vận động nhân dân tích cực tham gia quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di tích thông qua các hoạt động lễ hội, sinh hoạt tín ngưỡng tại các điểm di tích... Thường xuyên tổ chức cho hội viên, đoàn viên, học sinh, sinh viên đến tham quan, tìm hiểu, học tập và chăm sóc di tích với nhiều hình thức phong phú, thiết thực nhằm góp phần giáo dục, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa, lịch sử của di tích; đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ, bảo vệ môi trường, cảnh quan di tích, chống xâm hại, lấn chiếm, phá hoại di tích.

Đối với kinh phí thực hiện, thành phố chỉ đạo quan tâm cân đối ngân sách địa phương; tranh thủ các nguồn vốn của Trung ương và các nguồn vốn khác để tu bổ, tôn tạo và phát huy di tích đã được xếp hạng, di tích có nguy cơ xuống cấp. Đặc biệt, cần huy động các nguồn lực xã hội hóa, tăng cường mời gọi, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư hợp tác khai thác, phát huy di tích4.

 Ngày 2-5-2019, Thành ủy ban hành Nghị quyết số 14-NQ/TU, yêu cầu tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về nâng cao đời sống văn hoá tinh thần của nhân dân đồng bộ, hài hoà với phát triển kinh tế và đô thị. Nghị quyết chỉ rõ: “Bảo tồn và phát huy có hiệu quả các giá trị văn hóa truyền thống, văn hóa dân gian ở địa phương; khích lệ sáng tạo văn hóa mới, tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa văn hóa của nhân loại, phù hợp với văn hóa Việt Nam và văn hóa vùng đồng bằng sông Cửu Long. Tiếp tục thực hiện đề án bảo tồn và phát huy nghệ thuật đờn ca tài tử, góp phần quảng bá hình ảnh vùng đất và con người Cần Thơ. Duy trì, nâng cao chất lượng và quy mô các sự kiện lễ hội truyền thống của địa phương”5.

Năm 2020, Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Cần Thơ lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025 tiếp tục xác định: “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, giữ gìn, bảo quản hiện vật, di vật. Sưu tầm hiện vật bổ sung kho cơ sở, phục vụ công tác trưng bày và nghiên cứu khoa học. Trùng tu, tôn tạo và phát huy di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn thành phố gắn với phát triển du lịch”6. Tiếp đó, Đảng bộ ban hành Kế hoạch số 04-KT/TU, ngày 21-12-2020 về thực hiện Kết luận số 76-KL/TW, ngày 4-6-2020 của Bộ Chính trị “Về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. Một trong những nhiệm vụ cụ thể nhằm thực hiện giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động văn hoá là: “Chủ động hội nhập quốc tế về văn hóa, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại và truyền bá văn hóa Việt Nam ra thế giới như: tổ chức giao lưu văn hóa theo hướng bảo tồn, phát huy và phát triển các giá trị văn hóa đặc thù, góp phần giới thiệu, quảng bá hình ảnh, giá trị văn hóa địa phương. Mở rộng giao lưu, hợp tác văn hóa các nước; đa dạng các hình thức văn hóa đối ngoại, đưa các quan hệ quốc tế về văn hóa trên địa bàn thành phố đi vào chiều sâu. Chú trọng đầu tư, giới thiệu các giá trị văn hóa đặc thù của địa phương đối với du khách, tổ chức là người nước ngoài”7.

Quán triệt chủ trương của Đảng và Đảng bộ thành phố Cần Thơ, UBND thành phố Cần Thơ đã cụ thể hoá bằng các quyết định đề án, quy hoạch, kế hoạch liên quan đến bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hoá trên địa bàn. Tiêu biểu có các văn bản: Quyết định số 105/QĐ-UBND, ngày 13-1-2016 “về phê duyệt quy hoạch phát triển ngành văn hóa thành phố Cần Thơ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”; Quyết định số 3307/QĐ-UBND, ngày 28-10-2016 “về việc phê duyệt Đề án Bảo vệ và phát huy nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ tại thành phố Cần Thơ, giai đoạn 2016-2020”; Quyết định số 3616/QĐ-UBND, ngày 29-12-2017 “về việc Phê duyệt Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể thành phố Cần Thơ đến năm 2020”; Kế hoạch số 70/KH-UBND, ngày 6-4-2018 “về triển khai thực hiện Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể thành phố Cần Thơ đến năm 2020”; Kế hoạch số 117/KH-UBND, ngày 16-7-2018 “về bảo tồn và phát huy di tích lịch sử - văn hóa, di sản văn hóa phi vật thể, làng nghề, danh lam thắng cảnh gắn với phát triển du lịch thành phố Cần Thơ đến năm 2020”.

Những chủ trương của Thành ủy thành phố Cần Thơ cùng các quyết định, kế hoạch, đề án của UBND thành phố Cần Thơ là cơ sở để trển khai thực hiện đường lối, chủ tương của Đảng về văn hoá nói chung và bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá nói riêng cũng như thực hiện Luật Di sản văn hoá trên địa bàn thành phố.

2. Một số kết quả đạt được

Một là, việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể được quan tâm đúng mức. Trên địa bàn thành phố Cần Thơ có nhiều di tích được đầu tư tu bổ, tôn tạo, sửa chữa kịp thời tránh được tình trạng xuống cấp, hủy hoại di tích, đáp ứng nhu cầu tham quan, học tập của nhân dân và phục vụ nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước. Những di tích khi được xếp hạng đã được cấp ủy, chính quyền các cấp ở địa phương quan tâm bảo vệ, tôn tạo và phát huy. Bên cạnh đó, đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động người dân góp phần bảo vệ di tích, không xâm phạm, lấn chiếm khu vực đã được khoanh vùng bảo vệ cũng được tiến hành, góp phần nâng cao nhận thức của người dân sinh sống xung quanh di tích. Thường xuyên thực hiện công tác kiểm tra, nắm bắt tình hình thực tế và xử lý kịp thời những phát sinh trong quá trình quản lý, phối hợp với ngành chức năng địa phương ngăn chặn hành vi vi phạm di tích.

Các di tích đã xếp hạng được các cấp lãnh đạo quan tâm, tạo điều kiện tu bổ, tôn tạo được khang trang, phục vụ nhu cầu khách tham quan và nghiên cứu lịch sử, văn hoá. Nhiều di tích sau khi được tu bổ đã trở thành địa điểm du lịch thu hút ngày càng đông khách tham quan; tại các di tích còn tổ chức những nội dung hoạt động đa dạng như: tổ chức các chương trình “Tìm về di sản”, “Kết nối di sản”, “Khám phá di sản”, “Học sinh, sinh viên bảo tồn và phát huy di sản văn hóa” Tổ chức “Hội thi tuyên truyền về di sản văn hóa” tạo điều kiện cho cán bộ Hội, Đoàn, học sinh có dịp giao lưu, trao đổi kinh nghiệm về công tác tuyên truyền, phát huy giá trị di sản của địa phương.

Hai là, hoạt động bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể được tăng cường. Tính đến năm 2020, địa bàn thành phố Cần Thơ có “113 loại hình di sản văn hoá phi vật thể, trong đó có 04 di sản văn hóa phi vật thể đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia gồm: Văn hóa chợ nổi Cái Răng, Lễ hội Kỳ yên đình Bình Thủy, Hò Cần Thơ và Hát ru của người Việt ở Cần Thơ; 01 di sản được UNESCO vinh danh là Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ”8.

Trên địa bàn thành phố đã có nhiều dự án bảo tồn và phát huy tiêu biểu như “Lễ vía Quan Thánh Đế tại chùa Ông; Lẩu mắm Cần Thơ; Lễ Tống Phong của người Việt ở Cần Thơ; Lễ Cần An của người Khmer; Nghiên cứu sưu tầm và phục dựng Lễ hội Ok Om Bok của đồng bào Khmer ở thành phố Cần Thơ; Dự án bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể Bánh tét Cần Thơ”9.

Việc truyên truyền nhằm phát huy giá trị di sản cũng được quan tâm chỉ đạo thực hiện. Đến năm 2020, “thành phố thực hiện 3 dự án truyền dạy: Nghệ thuật sân khấu Dù kê của người Khmer, Kỹ thuật cắt may trang phục tu sĩ của người Khmer ở Cần Thơ, Khôi phục và truyền dạy nghi thức dẫn dắt linh hồn của Achar Yuki trong tang lễ của người Khmer, phường Châu Văn Liêm, quận Ô Môn”10.Các giá trị đặc trưng của di sản văn hoá phi vật thể trên địa bàn thành phố Cần Thơ có nguy cơ bị mai một cơ bản được bảo tồn như Hò Cần Thơ, Hát ru Cần Thơ, Lễ hội Ok Om Bok của người Khmer. Một số di sản đã được xây dựng thành sản phẩm du lịch để vừa giới thiệu và quảng bá văn hoá như Ngày hội Văn hoá Chợ nổi Cái Răng, Lễ Hội Kỳ yên Thượng đình Bình Thủy,...

Ba là, hoạt động bảo tàng được quan tâm. Việc thực hiện công tác triển khai quy hoạch tổng thể hệ thống bảo tàng Việt Nam đến năm 2020 đạt được một số kết quả tiêu biểu. Hằng năm, sưu tầm trung bình khoảng 200 hiện vật. Công tác kiểm kê, bảo quản tại Bảo tàng thành phố Cần Thơ có hệ thống các kho lưu giữ và phương tiện bảo quản tương đối đáp ứng yêu cầu. Thành phố đã lập hồ sơ đề nghị và được công nhận 4 bảo vật quốc gia, gồm: Bộ khuôn đúc Nhơn Thành; Bình gốm Nhơn Thành; Tượng Phật Nhơn Thành; Linga-Yoni gỗ Nhơn Thành. Các bảo vật được  trưng bày, giới thiệu qua các phương tiện thông tin đại chúng. Hoạt động trưng bày, giáo dục, truyền thông: Ngoài trưng bày cố định tại Bảo tàng thành phố, thành phố Cần Thơ phối hợp các tỉnh thực hiện nhiều cuộc trưng bày chuyên đề, với nhiệm vụ: phát huy giữ gìn di sản văn hóa địa phương nói riêng và các di sản của Việt Nam nói chung. Bên cạnh đó, Bảo tàng thành phố thực hiện clip giới thiệu các nội dung trưng bày chuyên đề và bộ ảnh đến các trường học và trang website. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch ký kết kế hoạch phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo về giáo dục truyền thống về di sản văn hóa trong học đường hằng năm. Theo đó, các trường học trên địa bàn thành phố Cần Thơ tham gia ký kết phối hợp với Bảo tàng thực hiện giáo dục truyền thống về di sản văn hóa trong học đường.

Thứ tư, công tác xã hội hóa hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa được chú trọng. Được sự quan tâm của Thành ủy, UBND thành phố, công tác xã hội hóa trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa được cộng đồng cư dân và tổ chức, cá nhân chung tay thực hiện, nhất là đối với công tác tu bổ, tôn tạo và bảo quản di tích. Ngoài ngân sách của Nhà nước và của địa phương, kinh phí để bảo tồn phát huy giá trị di sản còn được vận động từ các nguồn lực từ xã hội. “Giai đoạn 2014-2019, có 4 công trình văn hóa được đầu tư xây dựng mới với tổng kinh phí 155 tỷ đồng; thực hiện trùng tu, tôn tạo 21 di tích lịch sử - văn hóa với tổng kinh phí: trên 66 tỷ đồng, trong đó, nguồn ngân sách địa phương: 59 tỷ đồng; nguồn xã hội hóa là 7 tỷ đồng. Ngoài ngân sách địa phương, thành phố đã tạo điều kiện, cơ chế thông thoáng kêu gọi đầu tư, tăng cường nguồn lực, sức mạnh tổng hợp trong xây dựng và phát triển văn hóa; chỉ tính riêng nguồn xã hội hóa về kinh tế của lĩnh vực văn hóa đã vận động đạt trên 70 tỷ đồng”11.

Trong những năm 2014-2020, Đảng bộ thành phố Cần Thơ đã đề ra được các chủ trương và các biện pháp triển khai thực hiện có hiệu quả việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, góp phần vào phát triển kinh tế-xã hội của thành phố và nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân địa phương. 



Ngày nhận: 6-3- 2024; ngày thẩm định đánh giá: 18-8-2024; ngày duyệt đăng: 28-8-2024

1. Ban Chấp hành Trung ương Đảng: Nghị quyết số 33/NQ-TW, Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khoá XI “về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, tr. 6-7  

2. Đảng bộ Thành Phố Cần Thơ: Chương trình hành động số 52-CT/TU, ngày 15-8-2014, “về thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ưong Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, Cần Thơ, 2014, tr. 3

3. Đảng bộ Thành phố Cần Thơ: Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Cần Thơ lần I đến lần thứ XIII, Cần Thơ, 2017, tr. 770-771 

4. Thành ủy Cần Thơ: Chỉ thị số 23- CT/TU “về tăng cường công tác quản lý, bảo tồn và phát huy các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn thành phố”, Cần Thơ, 2018, tr. 2

5. Thành ủy Cần Thơ: Nghị quyết số14-NQ/TU, ngày 2-5-2019 “về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về nâng cao đời sống văn hoá tinh thần của nhân dân đồng bộ, hài hoà với phát triển kinh tế và đô thị”, Cần Thơ, 2019, tr. 5

6. Thành ủy Cần Thơ: Báo cáo chính trị số 579-BC/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khóa XIII nhiệm kỳ 2015-2020 tại Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Cần Thơ lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025, tr. 28

7. Thành ủy Cần Thơ: Kế hoạch số 04-KH/TU “về thực hiện Kết luận số 76-KL/TW ngày 4-6-2020 của Bộ Chính trị “về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước””, tr. 5

8. Sở văn hoá, Thể thao và Du lịch thành phố Cần Thơ: Báo cáo số 1073/BC-SVHTTDL “về kết quả thực hiện công tác bảo tồn và phát huy di tích lịch sử - văn hoá di sản văn hoá phi vật thể, làng nghề, danh lam thắng cảnh gắn với phát triển du lịch đến năm 2020”, tr. 7

9, 10. Sở văn hoá, Thể thao và Du lịch thành phố Cần Thơ: Báo cáo số: 2915/BC-SVHTTDL “về tổng kết Luật di sản văn hoá”, tr. 6, 7

11. Thành ủy Thành phố Cần Thơ: Báo cáo số 403/BC-TU kết quả 05 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 9-6-2014 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) “về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, tr. 16.