Tóm tắt: Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân, đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Đồng bào các tôn giáo là bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Trên cơ sở nhận diện và thực trạng quan lý nhà nước về tôn giáo trên địa bàn Thành phố Hà Nội những năm qua, bài viết đưa ra những đánh giá khách quan, khoa học về sự lãnh đạo của Đảng bộ Thành phố Hà Nội đối với các hoạt tôn giáo trong bối cảnh hiện nay.

Từ khóa: Lãnh đạo công tác tôn giáo; Đảng bộ Hà Nội; hiện nay

1. Chủ trương của Đảng bộ

Hà Nội là Thủ đô của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thành phố trực thuộc trung ương, hiện có 7 tôn giáo được Nhà nước công nhận tư cách pháp nhân, gồm: Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Cao đài, Hồi giáo, Baha’I và Minh sư đạo. Bên cạnh đó, cũng tồn tại một số hiện tượng tôn giáo khác.

Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 12-3-2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng “về công tác tôn giáo” và Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016, đã khẳng định tôn giáo luôn tồn tại cùng dân tộc trong quá trình đi lên CNXH với định hướng các tôn giáo đồng hành, gắn bó cùng dân tộc. Điều đó không chỉ đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cho công dân Việt Nam, mà còn mở rộng đối với các tổ chức, cá nhân người nước ngoài hiện sinh sống, làm việc trên địa bàn Thành phố Hà Nội được tham gia vào các hoạt động tôn giáo theo khuôn khổ của pháp luật Việt Nam. Đồng thời, tạo hành lang pháp lý ổn định, nhất quán để quần chúng nhân dân tích cực tham gia các phong trào lao động sản xuất, phát triển kinh tế – xã hội, góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội thông qua các văn bản quản lý như: Chỉ đạo, thực hiện Nghị quyết số 25/NQ-TW, ngày 12-3-2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng “về công tác tôn giáo”; Quyết định 317/QĐ-UBND ngày 15-01-2020 của UBND Thành phố Hà Nội về việc phê duyệt các quy trình giải quyết nội bộ giải quyết thủ tục hành chính lĩnh vực tôn giáo, tín ngưỡng thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Nội vụ, UBND cấp huyện, UBND cấp xã trên địa bàn Thành phố Hà Nội; Quyết định số 2064/QĐ-UBND ngày 17-6-2022 của UBND Thành phố Hà Nội quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu của Ban Tôn giáo Thành phố Hà Nội trực thuộc Sở Nội vụ Thành phố Hà Nội; Công văn số 402/BTG-NV3 ngày 10-9-2024 của Ban Tôn giáo Thành phố về việc hướng dẫn thực hiện một số nội dung, nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với công tác tín ngưỡng trên địa bàn Thành phố.

2. Sự chỉ đạo và một số kết quả

Từ thực tế hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo (TN,TG) trên địa bàn Thành phố Hà Nội cho thấy với đặc điểm các tín đồ của các tôn giáo đa phần là nông dân, do đó trình độ và nhận thức nhìn chung là thấp. Tuy nhiên, họ là người có tinh thần yêu nước, có ý thức dân tộc, có tinh thần đoàn kết cộng đồng, sống chân thật, cần cù lao động, gắn bó với quê hương, luôn nhiệt tình, có trách nhiệm trong các chương trình phát triển kinh tế xã hội của Thành phố, tích cực đẩy mạnh áp dụng chuyển giao các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ trong sản xuất kinh doanh, cũng như thường xuyên tham gia sinh hoạt văn hóa và các họat động tại các hội đoàn tôn giáo, các tổ chức xã hội như: Đoàn Thanh niên, Hội Phụ Nữ, Hội người Cao tuổi, Hội Nông dân…

Trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa hiện nay, công tác quản lý nhà nước về TN,TG của Thành phố đã đạt được những kết quả đáng khích lệ thông qua việc nhận thức và hiểu biết về các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước của tín đồ các tôn giáo có nhiều chuyển biến theo chiều hướng tích cực, ngày càng nhận thức rõ lợi ích của quốc gia dân tộc và lợi ích của công cuộc đổi mới gắn bó mật thiết với lợi ích của bản thân và lợi ích của tôn giáo. Trong đó đạt được một số kết quả sau:

- Ban Tôn giáo Thành phố đã phối hợp chặt chẽ với Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường và UBND các quận, huyện trên địa bàn cấp phép sửa chữa, cải tạo và xây mới cho trên 1.500 cơ sở tôn giáo. Các vấn đề liên quan đến khiếu kiện, khiếu nại, tranh chấp đất đai có liên quan đến tôn giáo đã được các cấp chính quyền thành phố quan tâm, xem xét và giải quyết đúng quy định pháp luật. Đối với những vụ việc phát sinh, tiềm ẩn phức tạp, Ban Tôn giáo Thành phố Hà Nội đã chủ động phối hợp với UBND các quận, huyện nơi phát sinh vụ việc giải quyết theo thẩm quyền, ổn định tình hình tại địa phương, không làm phát sinh các vấn đề phức tạp, giữ vững an ninh, trật tự trên địa bàn. Từ đầu năm 2024, Ban Tôn giáo đã thực hiện phối hợp với UBND quận, huyện, thị xã để giải quyết các đề nghị cấp phép xây dựng cho các cơ sở tôn giáo.

- Mở lớp tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho đội ngũ chức sắc, chức việc các tôn giáo trên địa bàn. Từ năm 2012 đến năm 2024, mỗi năm Thành phố mở được từ 6 - 10 lớp, mỗi lớp  từ 100 – 150 học viên. Ngoài ra, mở một số lớp bồi dưỡng chuyên hoạt động về tôn giáo; chấp thuận việc phong phẩm, bổ nhiệm, thuyên chuyển các chức sắc tôn giáo theo đúng quy định.

- Giải quyết kịp thời các nhu cầu sinh hoạt tôn giáo chính đáng, như: đề nghị thành lập các tổ chức tôn giáo trực thuộc; chấp thuận đăng ký hoạt động của Ủy ban Bác ái Xã hội (Caritas) Tổng giáo phận Hà Nội; tôn giáo Baha’i tổ chức Đại hội bầu đại biểu dự Đại hội cộng đồng tôn giáo Baha’i lần thứ IV. Đồng ý cho Tổng giáo phận Hà Nội tổ chức các đại hội Giáo lý viên; kỷ niệm 100 năm Hội thánh Tin lành Việt Nam; chấp thuận cho các tổ chức tôn giáo người nước ngoài đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung tại 3 điểm nhóm Tin lành Hàn Quốc.

Ban Tôn giáo thành phố đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng tổ chức các hoạt động tôn giáo trong dịp lễ, tết trọng đại: Lễ Phật đản, Phục sinh, Khai đạo… và Tết Nguyên đán. Ủy ban Bác ái Xã hội – Caritas thuộc Tổng Giáo phận Hà Nội tổ chức các hoạt động từ thiện phẫu thuật mắt cho người nghèo; trao gần 2.000 xuất quà cho người nghèo trong thời gian cách ly đại dịch COVID-19; đặt quầy hàng tặng nhu yếu phẩm cần thiết tại Giáo xứ Hà Đông và Tòa Tổng Giám mục; đặt cây ATM gạo tại sân nhà thờ Chính tòa tặng cho người dân gặp khó khăn. Bắt đầu từ ngày 4-5-2020, cây ATM gạo được di chuyển về Nhà thờ Thịnh Liệt (Kẻ Sét) và Nhà thờ giáo họ Pháp Vân.

- Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác tôn giáo vững về chuyên môn, nghiệp vụ, gần gũi với chức sắc, tín đồ tôn giáo. Đồng thời, đưa các hoạt động tôn giáo đi vào nền nếp, từng bước giúp chức sắc, tín đồ hành đạo trong khuôn khổ pháp luật, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân.

- Tình hình an ninh trật tự ở các khu vực đông đồng bào có đạo nhìn chung ổn định; đông đảo chức sắc, tín đồ các tôn giáo phấn khởi, ngày càng tin tưởng vào đường lối, chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước. Quá trình giải quyết không xảy ra xô xát, góp phần giữ vững ổn định chính trị tại Thủ đô, tạo ra xu thế gắn bó đoàn kết lương - giáo trong khối đại đoàn kết dân tộc. Giúp đỡ chức sắc, tín đồ các tôn giáo tiếp tục phát huy xu thế "gắn bó, đồng hành cùng dân tộc", tán thành và tham gia tích cực trong các phong trào cách mạng tại địa phương, hòa nhập vào công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước.

- Kịp thời phát hiện, đấu tranh với các hành vi sai trái, đối sách có hiệu quả với những biểu hiện gây rối, manh động. Áp dụng kịp thời, đa dạng các hình thức giải quyết, xử lý, đưa các hoạt động tôn giáo đi vào nền nếp, từng bước giúp cho các chức sắc tín đồ hành đạo trong khuôn khổ pháp luật, tuân thủ sự quy định của chính quyền, bảo đảm hiệu lực quản lý của Nhà nước.

- Thông qua công tác giải quyết những hiện tượng phức tạp, hệ thống cán bộ làm công tác quản lý tôn giáo ở cấp thành phố ngày càng chuyên sâu, ở quận huyện, phường, xã dần dần hình thành và ổn định; năng lực cán bộ trong việc vận dụng sáng tạo các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước ngày càng được nâng cao. Qua đó góp phần đổi mới, hoạch định chính sách của Đảng và Nhà nước đối với tôn giáo.

3. Một số kinh nghiệm

Từ kết quả của sự chủ động, sáng tạo của Đảng bộ trong quá trình lãnh đạo triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp quản lý nhà nước đối với hoạt động tôn giáo và đặt trong tổng thể, gắn với các nhiệm vụ kinh tế, xã hội ở Thủ đô, phục vụ cho chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước, quá trình đó đúc kết một số kinh nghiệm quý:

Một là, quán triệt sâu sắc quan điểm “Tôn giáo là vấn đề còn tồn tại lâu dài. Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân. Đạo đức tôn giáo có nhiều điều phù hợp với công cuộc xây dựng xã hội mới”" Làm tốt công tác tôn giáo là trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị do Đảng lãnh đạo", coi công tác tôn giáo là nhiệm vụ trọng tâm được các cấp uỷ đảng từ Thành phố đến cơ sở quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo.

Hai là, Thành ủy và các cấp uỷ đảng trong Thành phố luôn quán triệt phải chủ động, thống nhất, thận trọng, tế nhị, chặt chẽ, đúng pháp luật trong thực hiện chính sách tôn trọng tự do tín ngưỡng và không tín ngưỡng của nhân dân trên cơ sở pháp luật, đoàn kết tôn giáo, đoàn kết dân tộc, khuyến khích đồng bào các tôn giáo thực hiện "kính chúa - yêu nước" "phụng đạo - yêu nước" "tốt đời - đẹp đạo", thực hiện tốt nghĩa vụ công dân, góp phần tích cực xây dựng Thủ đô giàu đẹp, văn minh, hiện đại.

Ba là, từng bước đưa các hoạt động tôn giáo đi vào nền nếp, phân công, phân cấp nhiệm vụ, chức năng hợp cho từng cơ quan trong công tác tôn giáo, giúp chức sắc, tín đồ hành đạo trong khuôn khổ pháp luật, hiểu rõ được đường lối chính sách của Đảng, thấy rõ âm mưu của các thế lực thù địch lợi dụng TN,TG phá hoại thành quả của cách mạng và công cuộc đổi mới của đất nước. Tù đó, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân.

Bốn là, Thành phố đã luôn quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác tôn giáo theo yêu cầu tình hình mới, vững về chuyên môn, nghiệp vụ, gần gũi với chức sắc, tín đồ tôn giáo để mỗi cán bộ công chức làm công tác tôn giáo vừa phải là những chuyên gia về pháp luật vừa là những chuyên gia về công tác văn hóa cũng như công tác dân vận và là người bảo vệ pháp luật, chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng, văn hóa của nhân dân. Đồng thời, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ không chồng chéo, dẫm chân lên nhau đồng thời phải phối hợp hết sức nhịp nhàng đồng bộ tránh kẽ hở để kẻ xấu lợi dụng.

Năm là, luôn coi trọng công tác phối hợp, sử dụng bộ máy sẵn có ở các cấp, các ngành, thống nhất từ khâu phát hiện tình hình, chủ trương chỉ đạo, thống nhất thông tin và công tác giải quyết, xử lý ngay từ cơ sở (phường, xã, quận, huyện) nên đạt hiệu quả cao.

Sáu là, thường xuyên và tích cực chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của tín đ các tôn giáo, cuộc sống của đồng bào các tôn giáo từng bước được cải thiện, số gia đình nghèo ở vùng có đông đồng bào tôn giáo hàng năm giảm đi rõ rệt, số hộ đủ ăn, giàu có ngày một tăng đó là cơ sở hết sức quan trọng để củng cố lòng tin của đồng bào đối với Đảng và Nhà nước.

Trong xu thế hội nhập và toàn cầu hóa quốc tế ngày càng sâu rộng, việc để các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực tôn giáo trên địa bàn Thủ đô hoạt động đúng pháp luật, “tốt đời đẹp đạo”, chủ động nhận diện và đấu tranh với các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo, chống phá Đảng, Nhà nước, là nhiệm vụ của toàn hệ thống chính trị và nhân dân Thành phố góp phần xây dựng Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến, giàu mạnh, văn minh và hiện đại.

 

Ngày nhận:11-11-2024;ngày thẩm định: 18-11-2024; ngày đăng: 2-12-2024

1. Vũ Thế Duy:  “Quản lý nhà nước về tôn giáo ở Thành phố Hà Nội”, https://www.quanlynhanuoc.vn/2020/08/18/quan-ly-nha-nuoc-ve-ton-giao-o-thanh-pho-ha-noi/ đăng ngày 18-8-2020

2. Ban Tôn giáo Thành phố Hà Nội: “Tổng kết thực hiện Chương trình số 05-CTr/TU của Thành ủy về  tăng cường quốc phòng – an ninh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội”

3. Gồm một số văn bản: Văn bản số 94/BTG-NV2 ngày 15-3-2024 về việc đề nghị cấp phép xây dựng chùa Chân Long – Thạch Thất; Văn bản số 97/BTG-NV2 ngày 15-3-2024 về việc đề nghị cấp phép xây dựng chùa Thiên Phúc – Nam Phương Tiến – Chương Mỹ; Văn bản số 138/BTG-NV2 ngày 20-3-2024 v/v giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các tổ chức tôn giáo là các chùa trên địa bàn TP Hà Nội (huyện Chương Mỹ); Văn bản số 150/BTG-NV2 ngày 5-4-2024 về việc phúc đáp công văn số 1163/STNMT-ĐKTKĐĐ của Sở TNMT (chùa Long Hưng Tự - Vĩnh Ngọc – Đông Anh); Văn bản số 158/BTG-NV2 ngày 5-4-2024 v/v giao đất, cấp đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các tổ chức tôn giáo là các chùa trên địa bàn TP Hà Nội (huyện Thương Tín)

4. Xem: https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/van-kien-tu-lieu-ve-dang/hoi-nghi-bch-trung-uong/khoa-ix/nghi-quyet-so-25-nqtw-ngay-1232003-hoi-nghi-lan-thu-bay-ban-chap-hanh-trung-uong-dang-khoa-ix-ve-cong-tac-ton-giao-3474.