Tóm tắt: Xây dựng nông thôn mới là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam. Với mục tiêu nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân nông thôn, ngày 4-6-2010, Chính phủ đã ra Quyết định số 800/QĐ-TTg “Phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 – 2020”. Qua đó, chương trình này đã mang lại những thay đổi tích cực cho các địa phương trên cả nước. Tỉnh Bình Phước là một trong những địa phương đạt được nhiều thành công trong quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Bài viết tập trung làm rõ một số kinh nghiệm trong quá trình lãnh đạo thực hiện xây dựng nông thôn mới của Đảng bộ tỉnh Bình Phước (2010-2020).

Từ khóa: Bình Phước; kinh nghiệm; nông thôn mới

1. Khái quát quá trình Đảng bộ tỉnh Bình Phước thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới (2010 - 2020)

Trong những năm 2010 - 2020, thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới của Đảng, Đảng bộ tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết, kế hoạch cụ thể để định hướng và chỉ đạo quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, đó là: Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngày 6-12-2013 “về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Bình Phước giai đoạn 2013-2020” và Kế hoạch số 188-KH/TU, ngày 26-9-2014 “Về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7, khóa X về nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Các văn bản này xác định rõ mục tiêu xây dựng nông thôn mới hiện đại, bền vững, nâng cao đời sống người dân, đồng thời đưa ra các giải pháp cụ thể như: đầu tư hạ tầng, phát triển sản xuất nông nghiệp, huy động nguồn lực; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đổi mới cơ chế, chính sách và tăng cường công tác tuyên truyền, vận động…

Các Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX (2010), X (2015), XI (2020) đều nhấn mạnh tầm quan trọng của Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới và đề ra những mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể cho từng giai đoạn. Tại Đại hội đại biểu lần thứ IX, Đảng bộ tỉnh Bình Phước xác định, để phù hợp với nguồn lực của địa phương, “mỗi huyện, thị xã chọn 2 xã để xây dựng nông thôn”1. Trên cơ sở đó, Đảng bộ nhấn mạnh giải pháp chủ yếu trong lĩnh vực kinh tế nhằm tiếp tục đẩy nhanh CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn, phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, hiệu quả và bền vững. Tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới 5 năm (2010 - 2015), Đảng bộ tỉnh nhấn mạnh, trong giai đoạn 2015 - 2020 cần “Tập trung các nguồn lực cho chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, lồng ghép các chương trình mục tiêu để tập trung nguồn lực, tránh phân tán, dàn trải”2, “Huy động mọi nguồn lực và phấn đấu quyết liệt để 50% xã đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2020”3. Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI đánh giá kết quả 10 năm xây dựng nông thôn mới, khẳng định: “Chương trình xây dựng nông thôn mới đã huy động được sự tham gia tích cực của người dân; sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị, chung tay xây dựng nông thôn mới và đạt được kết quả thiết thực, có ý nghĩa chính trị, xã hội, nhân văn sâu sắc”4, đồng thời đề ra mục tiêu: “Phấn đấu đến năm 2025, tỉnh Bình Phước có 70% số huyện được công nhận huyện nông thôn mới, trong đó có 01 huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; tỷ lệ đường giao thông nông thôn được bê tông hóa đạt 100%”5.

Chính quyền và các tổ chức đoàn thể quần chúng phát động nhiều phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới. Hội đồng nhân dân (HĐND) và Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh ban hành nhiều chính sách cụ thể nhằm đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới:

Về bộ tiêu chí xã nông thôn mới: Quyết định số 2535/QĐ-UBND, ngày 1-11-2010 “Ban hành Bộ tiêu chí nông thôn mới trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2010 - 2020”; Quyết định số 753/QĐ-UBND, ngày 31-3-2017 “Ban hành Bộ tiêu chí xã nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Bình Phước giai đoạn 2016 - 2020”; Quyết định số 1821/QĐ-UBND, ngày 8-8-2018 “Ban hành Bộ tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2018 - 2020 trên địa bàn tỉnh Bình Phước”….

Về phong trào “Toàn tỉnh chung sức xây dựng nông thôn mới”: Chỉ thị số 06/2012/CT-UBND, ngày 18-4-2012 “về việc tổ chức phát động phong trào thi đua “Toàn tỉnh chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2011 - 2020”; Quyết định số 984/QĐ-UBND, ngày 15-5-2012, “Về ban hành Quy định về tiêu chuẩn và hình thức khen thưởng phong trào thi đua “Toàn tỉnh chung sức xây dựng nông thôn mới” trên địa bàn tỉnh Bình Phước giai đoạn 2011-2015”; Quyết định số 3413/QĐ-UBND, ngày 30-12-2016 “Về việc ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện Phong trào thi đua “Toàn tỉnh chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2016 - 2020”.

Về nguồn vốn trong xây dựng nông thôn mới: Nghị quyết số 28/2012/NQ-HĐND, ngày 24-12-2012 “Về mức hỗ trợ và nguồn vốn ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2013 - 2020”; Quyết định số 20/2013/QĐ-UBND, ngày 6-5-2013 “Ban hành quy định mức hỗ trợ từ nguồn ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Bình Phước giai đoạn 2013 - 2020”; Quyết định số 679/QĐ-UBND, ngày 7-4-2014 “Về Quy định về cơ chế đầu tư đối với công trình đặc thù thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2014 - 2020”; Nghị quyết số 03/2019/NQ-HĐND, ngày 5-7-2019, về quy định mức chi hỗ trợ thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã và Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư trên địa bàn tỉnh Bình Phước”.

Về tái cơ cấu ngành nông nghiệp: Quyết định số 2313/QĐ-UBND, ngày 28-10-2014, “Về phê huyệt Đề án tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng của tỉnh giai đoạn 2013-2020”; Quyết định số 2537/QĐ-UBND, ngày 12-11-2015 “Về việc ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Đề án Tái cơ cấu Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Bình Phước đến năm 2020”.

Với những chủ trương, chính sách của Đảng bộ, chính quyền tỉnh và sự nỗ lực to lớn của nhân dân, Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới tại Bình Phước đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đến năm 2020, 60/90 xã đạt chuẩn nông thôn mới6, tương đương 66,67%, vượt 16,67% so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ  X mục tiêu đề ra. Bình quân mỗi xã đạt 17,42 tiêu chí, không còn tình trạng xã đạt dưới 10 tiêu chí7, 2 đơn vị hành chính cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới là thị xã Phước Long và thành phố Đồng Xoài8. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2020 chỉ còn 1,34% (theo chuẩn mới, tiếp cận đa chiều), khoảng cách giữa thành thị và nông thôn ngày càng thu hẹp, an ninh trật tự ở nông thôn được đảm bảo, giữ vững. Thu nhập bình quân đầu người tăng nhanh, đạt 69,28 triệu đồng/người/năm vào năm 20209, tăng gấp 4,75 lần so với năm 200810, tăng 31,5 lần so với năm 1997 khi mới tái lập tỉnh.

Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ngày càng đồng bộ, hoàn thiện theo hướng hiện đại, đến năm 2020, 98% số xã trên địa bàn tỉnh có điểm phục vụ bưu chính viễn thông; 100% xã có internet đến thôn ấp; 100% xã có đài truyền thanh; 100% xã có ứng dụng công nghệ thông tin trong thực thi công vụ11; 100% số xã có lưới điện lưới quốc gia, tỷ lệ hộ dân sử dụng điện đạt 99%12; 100% số xã, phường, thị trấn đều có Trung tâm Văn hóa - Thể thao, 100% thôn, ấp có nhà văn hóa; đa số các tuyến đường tỉnh đã được cứng hóa, 100% số xã có đường nhựa đến trung tâm xã13.

Cơ cấu nội bộ ngành nông nghiệp chuyển dịch tích cực. Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao bước đầu đã đạt được những kết quả nhất định, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã được các tổ chức, cá nhân áp dụng có hiệu quả. Đến năm 2020, tỉnh có hơn 80 HTX đã áp dụng, ứng dụng công nghệ cao vào trong sản xuất và có khoảng 3.000 ha đạt chứng nhận tiêu chuẩn như: VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ Mỹ/EU, Rainforest, tập trung tại các cây trồng chủ lực của tỉnh như: hồ tiêu, điều, cây ăn trái14, giúp tạo việc làm, tăng thu nhập cho một bộ phận lao động tại địa phương.

Về giáo dục, toàn tỉnh có 100% xã đạt chuẩn quốc gia phổ cập giáo dục các cấp đến trung học cơ sở15; có 128 cơ sở khám chữa bệnh với 2.635 giường bệnh16, công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu đã được đẩy mạnh; tỷ lệ chất thải rắn được thu gom, xử lý đạt 95%, tỷ lệ hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 98%17.

Bên cạnh những thành tựu, công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới ở tỉnh Bình Phước (2010 - 2020) vẫn còn một số hạn chế. Việc ban hành các văn bản chỉ đạo, triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới chậm so với yêu cầu của Trung ương, thiếu sự cập nhật và điều chỉnh kịp thời với diễn biến thực tế. Hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo chưa cao; việc khai thác, huy động và sử dụng các nguồn lực cho chương trình chưa hiệu quả; công tác tuyên truyền, vận động nhân dân vẫn còn hạn chế; sự phối hợp giữa các cấp, các ngành chưa chặt chẽ, kịp thời; chất lượng các tiêu chí đạt được thiếu tính bền vững; quy hoạch xây dựng nông thôn mới còn nhiều hạn chế.

2. Một số kinh nghiệm

Một là, cấp ủy, chính quyền địa phương quyết liệt, đồng bộ, nhất quán trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới

Sự lãnh đạo quyết liệt, thống nhất của Đảng bộ và quá trình triển khai thực hiện đồng bộ của chính quyền các cấp là yếu tố cốt lõi đảm bảo thành công của Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới tại Bình Phước. Điều đó được thể hiện rõ trong việc ban hành các nghị quyết, kế hoạch như Kế hoạch số 53-KH/TU, Nghị quyết số 05-NQ/TU và Kế hoạch số 188-KH/TU xác định rõ mục tiêu, giải pháp và cơ chế thực hiện, đã tạo ra cơ sở chính trị vững chắc và định hướng rõ ràng cho quá trình thực hiện. Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh được thành lập ngay từ năm 2010, đã góp phần nâng cao hiệu quả quản lý và điều hành, phân công rõ trách nhiệm cho từng thành viên, phụ trách từng tiêu chí và trực tiếp kiểm tra, giám sát, hướng dẫn từng huyện, thị xã, thành phố thực hiện, chủ động trong việc phối hợp, chỉ đạo và giám sát quá trình thực hiện, đảm bảo sự thống nhất và hiệu quả trong công việc.

Đảng bộ tỉnh triển khai phương châm “dễ làm trước, khó làm sau”, tập trung vào những lĩnh vực trọng tâm, những nội dung mang tính đột phá và phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương. Điển hình là cơ chế đặc thù về xây dựng đường giao thông nông thôn - đây được coi là khâu đột phá, không những đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân mà còn góp phần quan trọng thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Cơ chế này được xác định trong Quyết định số 679/QĐ-UBND, ngày 7-4-2014, của UBND tỉnh “về áp dụng cơ chế đặc thù đầu tư các công trình thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2014-2020”. Địa phương đăng ký làm đường giao thông nông thôn, trên cơ sở đó, UBND tỉnh hỗ trợ xi măng; huyện, thị xã đối ứng cát, đá và người dân góp ngày công. Cơ chế này đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ nhân dân.

Công tác đánh giá, rút kinh nghiệm được thực hiện thường xuyên. Các cấp ủy, chính quyền tổ chức sơ kết, tổng kết định kỳ để đánh giá kết quả, xác định những hạn chế và đề xuất giải pháp khắc phục, giúp chương trình ngày càng hoàn thiện và hiệu quả.

Hai là, quán triệt, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới

Đảng bộ tỉnh Bình Phước xác định công tác tuyên truyền là giải pháp rất quan trọng, góp phần “tạo sự chuyển biến sâu sắc và tích cực trong nhận thức về tầm quan trọng của nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới”18. Trên cơ sở đó, tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền đa dạng, phù hợp với từng đối tượng và điều kiện cụ thể, như: Tổ chức tọa đàm, hội nghị thông tin tuyên truyền; tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi; tổ chức cho cán bộ, đảng viên, hội viên, người nông dân tham quan, học tập các mô hình mới; thành lập các đội tuyên truyền lưu động, tổ chức các cuộc thi, các hoạt động văn hóa, văn nghệ; sử dụng các phương tiện truyền thông đại chúng như báo, đài, truyền hình, mạng xã hội để tạo cầu nối với người dân. Trong những năm 2010 - 2020 Báo Bình Phước đăng tải 369 tin, bài tuyên truyền về việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới; tổ chức 29 cuộc thi Nhà nông bàn cách làm giàu; 23 chương trình khuyến nông; xuất bản 40.200 bản tin khuyến nông; 66.400 đầu sách kĩ thuật về chăn nuôi, trồng trọt, chuyển giao tiến bộ khoa học kĩ thuật; tổ chức 225 hội thi, diễn đàn, hội nghị, hội diễn văn nghệ; cấp 60.850 tờ rơi, áp phích, sổ tay, bản tin tuyên truyền về nông thôn mới; thực hiện 300 tin, phóng sự về kinh tế tập thể19.

Để nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, Đảng bộ tỉnh chỉ đạo cần tăng cường nắm bắt diễn biến tư tưởng của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Cán bộ, đảng viên cần nắm vững lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ và kỹ năng giao tiếp để truyền đạt thông tin một cách hiệu quả. Đồng thời, cần chú trọng xây dựng mối quan hệ mật thiết với nhân dân, lắng nghe ý kiến đóng góp để giải quyết những khó khăn, vướng mắc.

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức ít nhất 4 đợt khảo sát dư luận xã hội/năm; đa số các huyện, thị xã tổ chức 2 đợt/năm20. Sau khi có thông tin, kết quả về các đợt khảo sát dư luận xã hội, Ban Tuyên giáo các cấp chủ động tham mưu cấp ủy chỉ đạo, định hướng công tác tư tưởng và giải quyết các vấn đề bức xúc của nhân dân. Qua đó, nhận thức của người dân về Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới được nâng cao, tạo sự đồng thuận và tích cực sự tham gia tích cực của người dân. Các mô hình hay, cách làm sáng tạo trong xây dựng nông thôn mới xuất hiện ngày càng nhiều ở cơ sở, điển hình như: các mô hình “Nuôi heo tiết kiệm”, “Giúp đỡ hộ nghèo”, “Quỹ đồng đội”, “Mái ấm biên cương”, “Quỹ vì phụ nữ nghèo” tại huyện Bù Gia Mập và các mô hình “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới”, “Ngân hàng bò giống”, “Vì sức khỏe cộng đồng”, “Hũ gạo tình thương”, “Nâng bước em đến trường” của Bộ đội Biên phòng tỉnh,…

Ba là, chú trọng xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc

Đoàn kết là một truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam, đồng thời cũng là quy luật sinh tồn của dân tộc Việt Nam. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết, thành công, thành công, đại thành công”. Trong quá trình thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, Tỉnh ủy Bình Phước luôn nhấn mạnh phát huy vai trò của cộng đồng, của khối đại đoàn toàn dân tộc. Với phương châm “người thật, việc thật”, đã khuyến khích được nhiều tổ chức, cá nhân đóng góp cho Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, hình thành nên các phong trào thi đua sôi nổi, lan tỏa trong toàn xã hội. Nhiều cơ quan đảng, nhà nước, đoàn thể, cán bộ, công chức, viên chức, chiến sĩ lực lượng vũ trang trong tỉnh có những việc làm thiết thực, quyên góp từ 2 đến 5 ngày, thậm chí 10 ngày lương ủng hộ giúp đỡ một xã, một thôn xây dựng nông thôn mới21. Trường Trung cấp Y tế tỉnh (nay là Cao đẳng Y tế tỉnh) và Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã tổ chức nhiều đợt đưa thanh niên tình nguyện xuống các xã khám, chữa bệnh miễn phí cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Ngành ngân hàng mở rộng hoạt động tín dụng về nông thôn, đẩy mạnh việc phát triển mạng lưới, đưa các điểm giao dịch ATM về khu vực nông thôn, đẩy mạnh triển khai các hoạt động dịch vụ ngân hàng mới và hiện đại nhằm đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vay vốn, sử dụng dịch vụ, tiện ích ngân hàng, phục vụ sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn.

Trong giai đoạn 2010 - 2020, các cấp hội, đoàn thể đã vận động nhân dân đóng góp gần 30.000 ngày công22, nâng cấp và sửa chữa hơn 1.230 tuyến đường, 980 kênh nội đồng, 410 cầu cống các loại; vận động các hộ gia đình tự nguyện hiến 65.670m đất, gần 2.000 ha để xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn mới, làm đường liên thôn, công trình điện thắp sáng, phát quang bụi rậm cùng với các công trình khác23. Toàn tỉnh có 1.974 tập thể, cá nhân đóng góp từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng24, điển hình có một số cá nhân tiêu biểu ủng hộ tiền và hiện vật có giá trị từ 700 triệu đồng đến hơn 4 tỉ đồng25,…

Với những cách làm đó, xây dựng nông thôn mới trở thành phong trào có sức lan tỏa sâu rộng trong toàn xã hội, khơi dậy niềm hứng khởi, phát huy tinh thần tự giác, tình nguyện, đoàn kết trong nhân dân, tạo nên những hiệu ứng lan tỏa về những điều tích cực, tiến bộ, tốt đẹp, nhân văn trong cộng đồng để những tấm gương sáng, những cách làm hay ngày càng trở nên phổ biến, từ đó làm cho đời sống của nông dân từng bước được nâng cao cả về vật chất lẫn tinh thần.

Bốn là, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, trong đó, xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, có năng lực thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới

Trong quá trình thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, Đảng bộ tỉnh luôn chú trọng công tác bồi dưỡng, đào tạo, rèn luyện cán bộ, bảo đảm cán bộ có tâm trong công việc, vững vàng trong chuyên môn, nghiệp vụ. Trong giai những năm 2010 - 2020, đã mở hơn 538 lớp tập huấn, đào tạo cho khoảng 20.896 lượt cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới các cấp được tổ chức26, với nội dung tập trung vào các kiến thức chuyên môn về xây dựng nông thôn mới, chính sách, pháp luật liên quan. Đồng thời, tỉnh cũng cung cấp tài liệu, tổ chức các diễn đàn, hội thảo để cập nhật thông tin và trao đổi kinh nghiệm. Toàn tỉnh đã cấp 2.300 cuốn sổ tay hướng dẫn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Văn phòng điều phối biên soạn cho Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới các huyện, thị xã; phát hành 10.800 tờ rơi tuyên truyền về Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới; 3.410 cuốn tài liệu cho cán bộ làm công tác nông thôn mới thông qua các lớp tập huấn27. Nhờ đó, năng lực của cán bộ thực hiện chương trình không ngừng được hoàn thiện và nâng cao, góp phần thực hiện chương trình một cách hiệu quả.

Cùng với việc nâng cao năng lực chuyên môn, các địa phương trong tỉnh Bình Phước còn tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ có phẩm chất đạo đức tốt, tinh thần trách nhiệm cao và năng lực lãnh đạo. Tỉnh ủy ban hành quy định về quản lý cán bộ đã góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ28 đồng thời, chỉ đạo sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và đổi mới phương thức làm việc để tăng cường hiệu quả hoạt động29.

Kết quả đạt được cho thấy, việc đầu tư vào đào tạo, bồi dưỡng và xây dựng đội ngũ cán bộ đã mang lại hiệu quả tích cực. Đội ngũ cán bộ chủ động, sáng tạo trong việc triển khai các nhiệm vụ được giao, góp phần thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, công tác xây dựng đội ngũ cán bộ tại Bình Phước vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục, như: việc thiếu hụt cán bộ ở một số lĩnh vực chuyên môn, hoặc trình độ ngoại ngữ của một bộ phận cán bộ chưa đáp ứng yêu cầu. Để nâng cao hơn nữa vai trò của đội ngũ cán bộ trong quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, cần tập trung đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng; xây dựng cơ chế đãi ngộ hợp lý; đánh giá hiệu quả công tác cán bộ một cách khách quan; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát.

Trong những năm 2010 - 2020, dưới sự lãnh đạo quyết liệt, kịp thời của Đảng bộ tỉnh Bình Phước, cùng với sự tham gia tích cực của các cấp, các ngành, các địa phương và nhân dân trong tỉnh đã tạo nên thành công của Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới ở địa phương, qua đó để lại nhiều kinh nghiệm quý báu về vai trò lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh. Đây là cơ sở để Đảng bộ và nhân dân tỉnh Bình Phước tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới trong những năm tiếp theo.  

 

Ngày nhận bài:11-8-2024; ngày thẩm định, đánh giá: 25-3-2025;  ngày duyệt đăng: 31-3-2025

1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Đảng bộ tỉnh Bình Phước: Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ IX, nhiệm kỳ 2010 - 2015, 2010, tr. 79

 2, 3. Đảng Cộng sản Việt Nam, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Phước: Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ X, nhiệm kỳ 2015 - 2020, 2015, tr. 76-77, 22

 4, 5. Đảng Cộng sản Việt Nam, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Phước: Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, 2020, tr. 34, 90

6, 7, 15, 17. Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Phước, Văn phòng điều phối xây dựng nông thôn mới: Báo cáo số 37/BC-VPĐP, ngày 08-02-2021, “về báo cáo kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2020 và phương hướng nhiệm vụ năm 2021”, tr. 18, 18, 12, 14

 8. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Bình Phước: Kỷ yếu xây dựng nông thôn mới 2010 - 2020, Bình Phước, 2020, tr .4

 9. Cục Thống kê tỉnh Bình Phước: Niên giám thống kê năm 2020, https://binhphuoc.gov.vn/vi/ctk/an-pham-thong-ke/nien-giam-thong-ke-nam-2020-360.html,  ngày đăng 18-8-2021, tr. 7

 10, 14, 16. Tỉnh ủy Bình Phước: Báo cáo số 114-BC/TU, ngày 09-10-2021, “về tổng kết tình hình thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 5-8-2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn”, tr. 7, 10, 7

 11, 12, 13. Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Phước: Báo cáo số 72/BC-UBND, ngày 24-3-2020, “về tổng kết, đánh giá Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 và đề xuất thực hiện giai đoạn 2021-2025”, tr. 6, 6, 11

 18. Tỉnh ủy Bình Phước: Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngày 06-12-2013, “về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Bình Phước giai đoạn 2013 - 2020”

 19, 22, 26, 27. Xem: Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Phước, Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới: Báo cáo số 143/BC-UBND, ngày 29-7-2015, “về sơ kết Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2015 tỉnh Bình Phước”, tr. 3, 8, 3-4, 3 và Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước: Báo cáo số 72/BC-UBND, ngày 24-3-2020, “về tổng kết, đánh giá Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020 và đề xuất thực hiện giai đoạn 2021 - 2025”, tr. 5, 6, 8, 5, 4

 20. Tỉnh ủy Bình Phước: Báo cáo số 503-BC/TU, ngày 24-8-2015, “về tổng kết thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI “một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”

 21. Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước: Báo cáo số 249/BC-UBND, ngày 30-9-2019, “về tổng kết phong trào thi đua “Toàn tỉnh chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2011 - 2020”, tr.8

 23, 24, 25. Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước: Báo cáo số 282/BC-UBND, ngày 12-11-2019, “về tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020”, tr. 8, 10, 10, 10

 28. Ngày 15-10-2011, Tỉnh ủy Bình Phước ban hành Quyết định số 360-QĐ/TU “về phân cấp quản lý cán bộ”

 29. Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25-10-2017 của Trung ương “về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.