Tóm tắt: Ninh Bình, mảnh đất Cố đô nghìn năm văn hiến, nằm ở vùng cực Nam của đồng bằng châu thổ sông Hồng, là nơi tiếp nối giao lưu kinh tế, văn hóa giữa lưu vực sông Hồng với lưu vực sông Mã, giữa vùng đồng bằng Bắc bộ với vùng núi rừng Tây Bắc của Tổ quốc. Hệ thống di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh của Ninh Bình không chỉ có ý nghĩa quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân địa phương, mà còn là nguồn lực quan trọng trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Trong những năm 2005 - 2020, Đảng bộ tỉnh Ninh Bình đã ban hành nhiều chủ trương và có sự chỉ đạo quyết liệt công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa phù hợp với thực tiễn của tỉnh và đã đạt một số kết quả quan trọng.

Từ khóa: Ninh Bình; Đảng bộ tỉnh; Bảo tồn, phát huy; di tích lịch sử - văn hóa; 2005-2020

1. Chủ trương và sự chỉ đạo của Đảng bộ tỉnh

Ninh Bình, vùng đất “địa linh - nhân kiệt”, nơi diễn ra và chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử quan trọng là địa bàn chiến lược trong tiến trình phát triển của đất nước. Ninh Bình được thiên nhiên ưu đãi với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, đa dạng phong phú, là địa phương có tiềm năng, lợi thế rất lớn, có hệ thống các di tích lịch sử - văn hóa đặc sắc. Do đó, vấn đề bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa trong công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân chú trọng. Trên cơ sở quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng, từ thực tiễn của địa phương, Đại hội Đảng bộ tỉnh Ninh Bình lần thứ XIX nhiệm kỳ 2005 - 2010 đã chú trọng công tác bảo tồn, tôn tạo hệ thống các di tích lịch sử - văn hóa, đồng thời phát huy giá trị của các di tích lịch sử - văn hóa trong phát triển kinh tế, đặc biệt là trong phát triển kinh tế du lịch. Đảng bộ tỉnh chủ trương: “Tiếp tục hoàn thiện, bổ sung chính sách để thu hút các nguồn vốn của các tổ chức và cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, sửa chữa,  tôn tạo các di tích danh thắng. Xây dựng, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa của Cố đô Hoa Lư. Kêu gọi đầu tư, tập trung xây dựng khu du lịch Tam Cốc - Bích Động, khu du lịch Tràng An thành điểm nhấn du lịch của tỉnh”1. Tập trung: “Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, quản lý chặt chẽ các hoạt động xuất bản, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tiêu biểu của địa phương; trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa; triển khai thực hiện Quyết định số 82/QĐ/TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư. Giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể”2. Trong Chương trình công tác toàn khóa của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Ninh Bình nhiệm kỳ 2005 - 2010 xác định: “Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể tiêu biểu của từng địa phương; trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa, khai thác phát huy những giá trị văn hóa dân gian tại các di tích trong các dịp lễ hội truyền thống, sưu tầm và bảo tồn các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể.”3. Nhận thức rõ vị trí, vai trò của công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích lích sử - văn hóa trong việc gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, giáo dục truyền thống yêu nước và cách mạng cho thế hệ trẻ, đồng thời gắn công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa với phát triển kinh tế, đặc biệt là kinh tế du lịch. Đảng bộ tỉnh xác định rõ trong quá trình bảo tồn, tôn tạo không làm mất đi tính nguyên gốc của di tích, ngăn chặn tình trạng lấn chiếm, xây dựng trái phép, ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường trong khu di tích. Cần nâng cao trách nhiệm quản lý của các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân, đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa nhằm huy động tốt các nguồn kinh phí trong bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa.

Thực hiện chủ trương của Đảng bộ tỉnh, UBND tỉnh Ninh Bình đã chỉ đạo thành lập Ban Quản lý di tích và danh thắng Ninh Bình, trực thuộc Sở Văn hóa - Thông tin trên cơ sở tổ chức lại đơn vị Ban Quản lý khu di tích lịch sử - văn hóa Cố đô Hoa Lư (thành lập năm 1997) và tiếp nhận nhiệm vụ quản lý di tích và danh thắng từ Bảo tàng tỉnh chuyển sang. Ban có chức năng tham mưu cho Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin quản lý, bảo tồn, tôn tạo di tích danh thắng, tổ chức nghiên cứu khoa học và tuyên truyền, giới thiệu, phát huy những giá trị của di tích, danh thắng tỉnh Ninh Bình.

Một góc Khu di tích Đền thờ vua Đinh vua Lê

Để tăng cường vai trò quản lý của nhà nước đối với công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Công văn số 143/UBND-VP7 ngày 22-5-2007 về việc sắp xếp lại mô hình quản lý di tích và danh thắng trên địa bàn tỉnh. Quyết định: “Thành lập thêm Phòng Quản lý di sản thuộc Sở Văn hóa - Thông tin, để thực hiện nhiệm vụ quản lý di tích và danh thắng trên địa bàn toàn tỉnh. Chuyển đổi Ban Quản lý di tích và danh thắng Ninh Bình thành Ban Quản lý di tích lịch sử Cố đô Hoa Lư (chỉ làm nhiệm vụ quản lý khu di tích lịch sử Cố đô Hoa Lư); sửa đổi chức năng, nhiệm vụ của Ban Quản lý di tích lịch sử Cố đô Hoa Lư cho phù hợp với nhiệm vụ mới; kiện toàn lại bộ máy”4. Sau khi được thành lập, Phòng Quản lý di sản đã phát huy vai trò của mình trong công tác quản lý di sản văn hóa, tham mưu cho giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin các vấn đề liên quan trực tiếp đến bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Ninh Bình lần thứ XX, nhiệm kỳ 2010 - 2015 nhấn mạnh: “Phát triển văn hóa - xã hội đồng bộ với tăng trưởng kinh tế nhằm hướng tới phát triển bền vững ở cả đô thị và nông thôn”5. Chủ trương kết hợp chặt chẽ giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế với phát triển văn hóa để văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần của xã hội, khơi dậy và phát huy bản sắc văn hiến của vùng đất và con người Cố đô Hoa Lư. Tiếp đó, ngày 28-7-2014, Tỉnh ủy Ninh Bình đã ban hành Chương trình hành động số 05-Ctr/TU thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI (Nghị quyết số 33-NQ/TW) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. Đảng bộ tỉnh xác định: “Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, các di tích lịch sử văn hóa tiêu biểu, gắn bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa với phát triển kinh tế và du lịch. Bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị di tích lịch sử văn hóa đặc trưng của tỉnh, đặc biệt là danh thắng Tràng An - Di sản văn hóa, thiên nhiên thế giới”6. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Ninh Bình lần thứ XXI nhiệm kỳ 2015 - 2020 nhấn mạnh: “Đẩy mạnh công tác xã hội hóa và đa dạng hóa nguồn lực trong lĩnh vực văn hóa. Huy động nguồn lực để bảo tồn, tôn tạo và phát huy các di sản văn hóa, di sản phi vật thể đối với loại hình nghệ thuật hát Xẩm, dự án trùng tu, tôn tạo Di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư và các di tích lịch sử khác; tăng mức hưởng thụ văn hóa cho nhân dân toàn tỉnh, nhất là nhân dân vùng sâu, vùng xa.7. Chủ trương của Đảng bộ tỉnh đã kết hợp chặt chẽ giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, đồng thời huy động tối đa các nguồn lực, đẩy mạnh xã hội hóa công tác trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa, thu hút sự tham gia của đông đảo các tầng lớp nhân dân.

Triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Ninh Bình đã xây dựng Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Ninh Bình lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2015 - 2020. Chương trình nhấn mạnh nhiệm vụ: “Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Chính sách pháp luật của Nhà nước về phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Bảo tồn, phát triển các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, các di tích lịch sử - văn hóa, di tích cách mạng. Kết hợp hài hòa việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa với các hoạt động phát triển kinh tế, du lịch bền vững”8.

Ngày 11-7-2016, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Ninh Bình đã xây dựng Chương trình hành động số 08-CTr/TU thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Chương trình hành động của Đảng bộ tỉnh đã cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong giai đoạn 2016 - 2020 trên các lĩnh vực: kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội, quốc phòng an ninh. Đối với lĩnh vực văn hóa, Đảng bộ tỉnh xác định: “Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản, các di tích lịch sử - văn hóa. Xây dựng quy hoạch chi tiết các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”9.

Thực hiện chủ trương của Đảng bộ tỉnh, UBND tỉnh Ninh Bình đã ban hành các Quyết định chỉ đạo công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa. UBND tỉnh Ninh Bình đã ban hành Quyết định số 34/2015/QĐ-UBND về việc Ban hành Quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh đã xếp hạng trên địa bàn tỉnh Ninh Bình; Quyết định số 1444/QĐ-UBND, ngày 31-10-2016 phê duyệt dự án Bảo quản, tu bổ, tôn tạo và mở rộng phạm vi một số di tích có liên quan đến nhà nước Đại Cồ Việt nhằm phát huy giá trị lịch sử - văn hóa cố đô Hoa Lư, Kế hoạch số 83/KH-UBND, ngày 14-8-2017 thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16-1-2017 của Bộ Chính trị và Kết luận số 03-KL/TU ngày 26-6-2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; Quyết định số 1124/QĐ-UBND, ngày 30-8-2018 về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Ninh Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Kế hoạch số 83/KH-UBND, ngày 14-8-2017 về việc thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16-1-2017 của Bộ Chính trị và Kết luận số 03-KL/TU ngày 26/6/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; Văn bản số 453/UBND-VP6, ngày 11-10-2019 về việc tăng cường thực hiện các quy định về bảo vệ di tích, di vật khảo cổ trên địa bàn tỉnh. Trong đó, Quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh đã xếp hạng trên địa bàn tỉnh Ninh Bình kèm theo Quyết định số 34/QĐ/2015-UBND xác định các nguyên tắc quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích phải tuân thủ theo Luật Di sản văn hóa và các quy định của pháp luật, đồng thời nhấn mạnh: Các hoạt động quản lý, nghiên cứu, bảo vệ, di tích phải được bảo vệ nguyên trạng, không tự ý đưa thêm, di dời, thay đổi hiện vật trong di tích; không được làm thay đổi môi trường cảnh quan di tích; chỉ thực hiện các hoạt động bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép; Không lợi dụng việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích để trục lợi, hoạt động mê tín dị đoan hoặc các hành vi trái pháp luật khác10.

Khách du lịch tham quan Di tích Đền thờ vua Đinh vua Lê

2. Một số kết quả

Một là, công tác tham mưu, quản lý nhà nước về di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh ngày càng được chú trọng, quan tâm. Thực hiện Luật Di sản văn hóa số 28/2001/QH10 ngày 29-6-2001, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa số 32/2009-QH12, ngày 18-6-2009, các Nghị định của Chính phủ, Thông tư hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về công tác quản lý và phát huy giá trị di sản văn hóa. Trong những năm 2005 - 2020, quán triệt chủ trương của Đảng bộ tỉnh, UBND tỉnh Ninh Bình đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, đơn vị liên quan, UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện nghiêm túc các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến công tác quản lý di sản văn hoá trên địa bàn tỉnh như: các nghị định của Chính phủ, thông tư hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết, Chương trình hành động của Tỉnh ủy Ninh Bình về văn hóa nói chung, trong đó nhấn mạnh công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa; ban hành Quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh đã xếp hạng trên địa bàn tỉnh Ninh Bình; triển khai các kế hoạch, đề án, đề tài nghiên cứu khoa học về nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh.

Thực hiện chủ trương của Đảng bộ tỉnh, hằng năm, UBND tỉnh chỉ đạo đơn vị chuyên môn chú trọng công tác tăng cường quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh; tăng cường thực hiện các quy định về bảo vệ di tích, di vật khảo cổ trên địa bàn; tăng cường công tác quản lý, tổ chức và thực hiện nếp sống văn minh trong các hoạt động lễ hội; tăng cường hoạt động quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị và phòng chống thiên tai, cháy, nổ, trộm cắp tại các di tích trên địa bàn; tăng cường đảm bảo an ninh, trật tự, văn minh tại các khu di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh.

Hai là, công tác điều tra, xếp hạng di tích dần đi vào nền nếp. Điều tra, xếp hạng các di tích lịch sử - văn hóa tạo cơ sở khoa học và pháp lý cho việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích. Trên cơ sở kết quả kiểm kê, căn cứ vào đề nghị của chính quyền và nhân dân địa phương, Sở Văn hoá và Thể thao phối hợp với UBND các huyện, thành phố và các đơn vị có liên quan lập hồ sơ xếp hạng di tích đối với các di tích đảm bảo các tiêu chí theo quy định. Tính đến năm 2020: “Toàn tỉnh có 379 di tích đã được xếp hạng (298 di tích cấp tỉnh, 81 di tích cấp quốc gia, trong đó có 3 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 1 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới)”11. Việc xếp hạng di tích được thực hiện nghiêm túc theo quy định của Luật Di sản văn hóa và Thông tư số 09/2011/TT-BVHTTDL ngày 14-7-2011 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định về nội dung hồ sơ khoa học để xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh. Công tác điều tra, xếp hạng di tích được các cơ quan chuyên môn của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch hết sức quan tâm và tích cực đẩy mạnh. Đây chính là cơ sở để tiến hành phân loại, bảo vệ và phát huy giá trị của di tích.

Ba là, công tác trùng tu, tôn tạo di tích được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả: Xác định di sản văn hóa là thế mạnh của tỉnh, công tác trùng tu, tôn tạo di tích được triển khai cẩn trọng, thực hiện nghiêm túc các quy định của Nhà nước về trình tự thủ tục bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích theo đúng Luật Di sản văn hóa và các quy định của pháp luật. Các di tích lịch sử văn hóa được trùng tu, tôn tạo đảm bảo đúng quy trình, thủ tục theo quy định, được các cơ quan chức năng thẩm định, phê duyệt Báo cáo kinh tế - kỹ thuật, cấp phép xây dựng; thực hiện công khai Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đã được phê duyệt tạo sự đồng thuận trong nhân dân; theo dõi, giám sát quá trình tu bổ, tôn tạo của chính quyền địa phương và cộng đồng dân cư; nguồn kinh phí đầu tư được công khai, minh bạch.

Hằng năm, tỉnh bố trí nguồn ngân sách hỗ trợ tu bổ chống xuống cấp đối với 20 - 25 di tích. Tính từ khi thực hiện Luật Di sản văn hóa đến nay có trên 300 lượt di tích được tu bổ, tôn tạo có nguồn vốn hỗ trợ tu bổ chống xuống cấp của tỉnh, với tổng kinh phí trên 50 tỷ đồng. Ngoài nguồn tu bổ chống xuống cấp của tỉnh, việc trùng tu, tôn tạo di tích còn có các nguồn đầu tư khác: kinh phí chương trình mục tiêu quốc gia; vốn đầu tư phát triển, vốn sự nghiệp; vốn do Chính phủ đầu tư và các nguồn vốn hợp pháp khác. Thực hiện tốt công tác xã hội hóa trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, Ninh Bình đã huy động được nguồn kinh phí lớn từ các tổ chức, cá nhân để trùng tu, tôn tạo di tích với phương châm “nhà nước và nhân dân cùng làm”. Bình quân mỗi năm có trên 10 di tích được thực hiện tu bổ, tôn tạo bằng nguồn xã hội hóa, kinh phí huy động tuỳ thuộc vào quy mô, hình thức tu bổ, tôn tạo của các di tích, có những di tích huy động nguồn xã hội hóa lên đến hàng chục tỷ đồng. Nhờ nguồn kinh phí của Nhà nước và kinh phí nhân dân đóng góp, nhiều di tích được tu bổ, tôn tạo khang trang, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng của nhân dân.

Bốn là, hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa qua hệ thống bảo tàng có nhiều chuyển biến tích cực

Trong những năm 2005 - 2020, hoạt động của bảo tàng dần đi vào nền nếp, từng bước đổi mới, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Để thực hiện tốt chức năng là nơi lưu giữ, bảo vệ các hiện vật gắn liền với truyền thống lịch sử - văn hóa của dân tộc. Bảo tàng Ninh Bình đặc biệt chú trọng đến việc chủ động thực hiện tiếp cận, phục vụ công chúng bằng các hoạt động cụ thể, thiết thực, đạt hiệu quả rõ rệt. Cụ thể như: Bảo tàng Ninh Bình đã chủ động phối hợp với các trường học, các cấp học triển khai chương trình sử dụng di sản văn hóa trong dạy học ở trường phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên; chủ động phối hợp với các trường học xây dựng chương trình tham quan, học tập, trải nghiệm phù hợp với trình độ, lứa tuổi, đón tiếp học sinh các trường đến tham quan học tập tại bảo tàng; Tổ chức các cuộc trưng bày chuyên đề tại bảo tàng, trưng bày lưu động tại địa phương trong và ngoài tỉnh. Tổ chức thành công Kế hoạch “Đưa hiện vật bảo tàng tới trường học” tại các trường trên toàn tỉnh với phương châm chủ động đưa di sản văn hóa về với các thanh, thiếu niên, khơi gợi tình yêu, niềm tự hào, trân quý của thế hệ trẻ với di sản văn hóa mà cha ông để lại

Năm là, công tác phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa gắn phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là du lịch ngày càng đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

Trong những năm 2005 - 2020, được sự quan tâm, lãnh đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, du lịch Ninh Bình có những bước phát triển mạnh mẽ: Công tác quản lý nhà nước về du lịch từng bước được kiện toàn và hoạt động hiệu quả, các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh đồng thời cũng là các khu du lịch nổi tiếng của tỉnh được chú trọng bảo tồn, tôn tạo, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nâng cấp tạo điều kiện thuận lợi cho khách đến tham quan du lịch; cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch phát triển cả về số lượng và chất lượng; một số khu, điểm du lịch, khách sạn cao cấp được đầu tư hoàn thiện, đưa vào phục vụ khách du lịch có hiệu quả. Lượt khách, doanh thu du lịch, số lao động trong ngành du lịch ngày càng tăng. Năm 2005 đón 1.021.263 lượt khách, năm 2010 đón 3.275.000 lượt khách, năm 2015 đón 6.000.000 lượt khách.

Đặc biệt, trong những năm 2016 - 2020 số lượt khách và doanh thu từ du lịch tăng cao, cụ thể: “Năm 2016 toàn tỉnh đón 6.440.000 lượt, trong đó khách quốc tế là 715.000, doanh thu đạt 1.765 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng đạt 33,98%/năm. Năm 2017, du lịch Ninh Bình đón 7.056.340 lượt khách, tăng 9,5% so với năm 2016, trong đó khách nội địa đón 6.197.327 lượt, khách quốc tế 859.000 lượt. Doanh thu du lịch đạt 2.524.591 tỷ đồng, đạt 143% so với kế hoạch. Năm 2018, toàn tỉnh đón gần 7.400.000 triệu lượt khách, trong đó khách nội địa là 6.500.000 lượt, khách quốc tế là 876.000 lượt. Doanh thu du lịch đạt trên 3.200 tỷ đồng. Năm 2019, toàn tỉnh đón 7.650.000 lượt khách tham quan, tăng 3,4% so với năm 2018; Trong đó: khách quốc tế 910.000 lượt khách, tăng 3,8% so với năm 2018; Doanh thu đạt 3.671 tỷ đồng, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm 2018. Do bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, du lịch Việt Nam nói chung và tỉnh Ninh Bình nói riêng bị thiệt hại nặng nề, lượng khách giảm mạnh, đặc biệt là khách quốc tế. Năm 2020, toàn tỉnh đón 2.800.000 lượt khách, đạt 37% so với năm 2019, trong đó: khách nội địa đạt trên 2.600.000 triệu lượt khách, đạt 39% so với năm 2019; khách quốc tế đạt gần 200.000 lượt. Doanh thu đạt: 1.600 tỷ đồng, đạt 45% so với năm 2019”12. Với những tiềm năng, thế mạnh về phát triển du lịch, đặc biệt với chủ trương đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Đảng bộ tỉnh, ngành du lịch Ninh Bình ngày càng phát triển, trở thành điểm đến được yêu thích, thu hút đông đảo khách du lịch trong nước và quốc tế, góp phần làm chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh Ninh Bình, công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa ngày càng đi vào chiều sâu, bước đầu đạt được hiệu quả tích cực, khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, góp phần giáo dục truyền thống văn hóa lịch sử, nâng cao tinh thần yêu nước, tự hào về những giá trị văn hóa đặc sắc mà cha ông đã để lại. Đồng thời phát huy giá trị các di tích gắn với phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng quê hương Ninh Bình ngày càng phát triển trong thời kỳ mở cửa hội nhập trên nền tảng Cố đô Di sản thiên niên kỷ.

 

Ngày nhận: 11-12-2024; ngày thẩm định 8-3-2025; ngày duyệt đăng 31-3-2025

1, 2. Tỉnh ủy Ninh Bình: Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Ninh Bình lần thứ XIX”, Xí nghiệp in Ninh Bình, Ninh Bình, 2006, tr 66, 74

3. Tỉnh ủy Ninh Bình: “Số 02-CTr/TU ngày 15-3-2006 - Chương trình công tác toàn khóa của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX nhiệm kỳ 2005 - 2010”, Tỉnh ủy Ninh Bình, Ninh Bình, 2006, tr. 7

4. Uỷ ban nhân dân tỉnh Ninh Bình: Công văn “Số 143/UBND-VP7 ngày 22-5-2007, về việc sắp xếp lại mô hình quản lý di tích và danh thắng trên địa bàn tỉnh”, Ninh Bình, 2007, tr. 1

5. Tỉnh ủy Ninh Bình: Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Ninh Bình lần thứ XX, Ninh Bình, 2011, tr. 81

6. Tỉnh ủy Ninh Bình: Chương trình “Số 23-CTr/TU ngày 28-7-2014, Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 BCHTW Đảng khóa XI (Nghị quyết 33) về Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, Ninh Bình, 2014, tr. 5

7. Tỉnh ủy Ninh Bình: Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Ninh Bình lần thứ XXI, Ninh Bình, 2016, tr. 99

8. Tỉnh ủy Ninh Bình: Chương trình “Số 05-CTr/TU ngày 14-1-2016 - Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Ninh Bình lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2015 - 2020”, Ninh Bình, 2016, tr. 8

9. Tỉnh ủy Ninh Bình: Chương trình “Số 08-CTr/TU ngày 11-7-2016 - Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng”, Ninh Bình, 2016, tr. 3

10.  Uỷ ban nhân dân tỉnh Ninh Bình: Quyết định “Số 34/2015/QĐ-UBND ngày 14-12-2015 - Quyết định về viêc ban hành Quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh đã xếp hạng trên địa bàn tỉnh Ninh Bình”, Ninh Bình, 2015, tr. 1

11. Sở Văn hóa và Thể thao: Báo cáo “Số 145/BC-SVHTT ngày 7-8-2021 - Báo cáo Tổng kết thực hiện Luật Di sản văn hóa”, Ninh Bình, 2021, tr. 1

12. Sở Du lịch Ninh Bình: “Số 178/BC-SDL ngày 17-10-2022 Báo cáo thực trạng chính sách phát triển du lịch giai đoạn 2016-2021 và đề xuất nội dung chính sách hỗ trợ phát triển du lịch giai đoạn 2023 - 2030”, Ninh Bình, 2022, tr. 3.