Tóm tắt: Ngày 19-5-1959, tuyến đường vận tải chiến lược chi viện cho chiến trường miền Nam-Đường Trường Sơn-chính thức được thành lập. Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đường Trường Sơn “là một công trình vĩ đại, nói lên ý chí, nghị lực, tinh thần dũng cảm và sáng tạo phi thường của dân tộc Việt Nam, quyết đem sức người, sức của của hậu phương chi viện tuyền tuyến lớn; là một trong những nhân tố chiến lược có ý nghĩa quyết định, đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn”1. Thành lập tuyến vận tải quân sự Trường Sơn là một sáng tạo chiến lược, thể hiện quyết tâm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta.
1. Vài nét về quá trình ra đời của Đường Trường Sơn
Sau Hiệp định Giơnevơ (7-1954), Đảng, Nhà nước, Quân đội chủ trương nghiêm chỉnh thi hành Hiệp định Giơnevơ. Các lực lượng quân đội, người tham gia kháng chiến, người yêu nước với số lượng lên tới hơn 160.000 người được tập kết từ miền Nam ra miền Bắc. Ban Chấp hành Trung ương Đảng chủ trương đấu tranh hòa bình thống nhất đất nước, đòi đối phương nghiêm chỉnh thi hành Hiệp định, tổ chức hiệp thương tiến tới tổng tuyển cử vào tháng 7-1956.
Tuy nhiên, đế quốc Mỹ và chính quyền Ngô Đình Diệm rắp tâm phá hoại, không thực hiện Hiệp định Giơnevơ, từ chối hiệp thương, tổng tuyển cử, thành lập ở miền Nam chính quyền Việt Nam Cộng hòa, âm mưu chia cắt lâu dài Việt Nam. Để thực hiện âm mưu nói trên, đế quốc Mỹ và chính quyền Ngô Đình Diệm đã thực hiện chính sách đàn áp, khủng bố điên cuồng trên quy mô lớn, những người cộng sản, người yêu nước, tán thành hòa bình, độc lập, thống nhất Việt Nam.
Nhân dân miền Nam không còn con đường nào khác là phải đứng lên đấu tranh, sử dụng bạo lực cách mạng để đánh bại kẻ thù. Nắm bắt nguyện vọng của nhân dân miền Nam, để đưa cách mạng miền Nam tiến lên, đầu năm 1959, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam họp HNTƯ 15 khóa II xác định con đường phát triển, vạch ra mục tiêu, phương pháp của cách mạng miền Nam, mối quan hệ giữa hai nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ CNXH ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Trên cơ sở NQTƯ 15 của Trung ương Đảng, tháng 2-1959, Tổng Quân ủy đã họp bàn về nhiệm vụ xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng ở miền Nam, phát huy vai trò của hậu phương lớn miền Bắc đối với miền Nam, chuẩn bị lực lượng và vật chất chi viện cho cách mạng miền Nam. Bộ Chính trị quyết định tổ chức tuyến giao liên vận tải quân sự ở cả trên bộ và trên biển.
Ngày 5-5-1959, thừa lệnh Bộ Chính trị, Trung tướng Nguyễn Văn Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Thống nhất Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, trực tiếp giao nhiệm vụ cho Thượng tá Võ Bẩm, nguyên Cục phó Cục Nông trường, tổ chức “Đoàn công tác đặc biệt”: mở đường, vận chuyển hàng quân sự từ miền Bắc vào miền Nam; tổ chức đưa đón cán bộ, bộ đội; chuyển công văn, tài liệu từ miền Bắc vào miền Nam và từ miền Nam ra miền Bắc. Cơ quan chỉ đạo mọi hoạt động của Đoàn Công tác quân sự đặc biệt ban đầu là Ban Cán sự Đảng, do đồng chí Võ Bẩm làm Đoàn trưởng kiêm Bí thư Ban Cán sự; đồng chí Trung tá Võ Thạnh, nguyên Giám đốc Nông trường quân đội Đồng Giao, Ninh Bình, làm Đoàn phó. Quyết định thành lập tuyến vận tải quân sự Trường Sơn là một sáng tạo chiến lược, thể hiện quyết tâm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta.
Ngày 19-5-1959, Thường trực Tổng Quân ủy triệu tập Ban Cán sự, chính thức giao nhiệm vụ cho Đoàn2 mở đường Trường Sơn chi viện cho chiến trường miền Nam. Mọi hoạt động đều phải tuyệt đối giữ bí mật ngay cả ở tại Hà Nội, bởi yêu cầu của công tác đối ngoại trong tình hình quốc tế phức tạp lúc đó3. Ngay trong năm 1959, nhiệm vụ của Đoàn là xoi đường, đảm bảo giao thông liên lạc từ Bắc vào Nam; vận chuyển gấp 7.000 khẩu súng bộ binh vào cho Liên khu V và tổ chức đảm bảo cho 500 cán bộ trung cấp, sơ cấp đi vào chiến trường làm nòng cốt xây dựng lực lượng chủ lực. Các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng như Cục Cán bộ, Cục Quân giới, Cục Tài vụ được giao nhiệm vụ trực tiếp giúp Đoàn về nhân sự, trang bị và đảm bảo tài chính...
Trong cuộc họp đầu tháng 6-1959 với các đại biểu Liên khu V và Trị-Thiên tại Hồ Xá, Vĩnh Linh, để mở đường vào Nam, Đoàn trưởng Võ Bẩm đã thống nhất nguyên tắc hoạt động ban đầu là vừa xoi mở đường vừa đảm bảo giữ được cơ sở cách mạng ở những nơi tuyến đường đi qua. Hội nghị đã thảo luận kỹ về yêu cầu của Bộ Chính trị, nhất trí đề nghị Bộ Chính trị cho Đoàn đưa hàng và người vào sâu hơn, do tình hình thực tế ở Trị Thiên và Liên khu V lúc đó thiếu người vận chuyển, lực lượng vũ trang còn nhỏ bé, không thể tổ chức bảo vệ được tuyến đường.
Sau một thời gian khảo sát mở tuyến khẩn trương, đội khảo sát do Đoàn trưởng Võ Bẩm trực tiếp chỉ huy đã quyết định lấy Khe Hó, một thung lũng nằm ở phía Tây Nam Vĩnh Linh, dưới chân dãy núi Động Nóc, gần thượng nguồn con sông (tiếng địa phương gọi là Rào) Thanh, nơi chủ yếu là người Pa Cô, Vân Kiều sinh sống, làm điểm khởi đầu cho tuyến đường lịch sử. Việc chọn địa điểm Khe Hó, gần với giới tuyến quân sự tạm thời, nếu giữ được bí mật, thì sẽ gây được bất ngờ lớn với địch.
Dựa vào kết quả khảo sát, lộ trình của tuyến đường bắt đầu từ Khe Hó đi về hướng Tây Nam, qua làng Mít (Quảng Bình), vượt các đỉnh 1001, 1600, vượt sông Bến Hải, vượt đỉnh 1701 (động Voi Mẹp), Chăng Hin, động Cà Lư, Cát Sứ, Rào Quán, vượt Đường số 9, qua Bá Đàn vào Tà Riệp. Điểm đặt trạm cuối cùng là Pa Lin (Tây Thừa Thiên Huế), gần với trạm tiếp nhận của Liên khu V4.
2. Các mốc hoạt động chủ yếu của tuyến vận tải chiến lược
Từ tháng 5-1959 đến cuối năm 1960, khảo sát, mở đường, tổ chức tuyến giao liên bằng phương tiện thô sơ, chủ yếu là gùi thồ.
Trải qua 18 tháng với hai mùa khô và một mùa mưa Trường Sơn, cán bộ chiến sĩ Đoàn 559 đã thiết lập được tuyến hành lang giao liên vận tải quân sự dài hàng trăm km trong điều kiện địa hình hiểm trở, bị chia cắt, bị kẻ thù ngăn chặn quyết liệt. Hàng chục tấn vũ khí, khí tài thiết yếu đã được chuyển giao cho Liên khu V và Tây Nguyên; hơn 2.000 cán bộ, chiến sĩ đã hành quân từ miền Bắc vào chiến trường.
Từ năm 1961 đến năm 1964, Đoàn 559 vừa tiếp tục mở đường theo hướng đã định, vừa chuyển hướng lật cánh sang Tây Trường Sơn, phát triển tuyến chi viện chiến lược, bước đầu tổ chức vận tải cơ giới nhằm đối phó với các hoạt động ngăn chặn của địch.
Đoàn đã khắc phục những khó khăn trong mùa mưa rừng Trường Sơn, đảm bảo yêu cầu giao liên, chi viện quy mô ngày càng lớn cho chiến trường. Tuyến đường mới được khảo sát xoi mở và chính thức được sử dụng vào giữa tháng 6-1961, bắt đầu từ Vít Thù Lù, làng Ho (điểm cao 592) đi ngang qua động Vàng Vàng, bản A Chốc, vượt biên giới Việt-Lào sang bản Tà Ha-cao điểm 1034 trên đất Lào, xuôi xuống bản Tà Lăng, đi qua Cha Ky, vượt sông Sê Pôn, Đường số 9 (khu vực Bản Keng), men theo chân cao điểm 549, tới Sa Đi, Mường Nòng, La Hạp... và tiếp tục vào tới Pe Hai để giao hàng cho Trị-Thiên và Khu V.
Sau khi nối được Đường số 12 với Đường số 9, đoạn nối này dài 180 km, gọi là Đường 129, tuyến đường chiến lược 559 đã đặt một dấu mốc phát triển quan trọng. Từ thế độc tuyến phía Đông Trường Sơn, đã mở thêm được đường dọc theo biên giới Việt-Lào phía Tây Trường Sơn. Từ con đường đơn thuần là gùi thồ nội địa và dọc theo biên giới, Đoàn 559 đã tiến lên mở thêm bên Tây Trường Sơn gần 200 km đường cho xe cơ giới5.
Ngày 23-10-1961, Bộ Quốc phòng ra Quyết định số 96/QP phát triển Đoàn 559 tương đương cấp Sư đoàn với hai Trung đoàn 70 và 71 làm nòng cốt.
Đến cuối năm 1964, tổng chiều dài đường gùi thồ, đường ô tô dã chiến kết hợp với đường sông của Đoàn 559 đã lên tới gần 2.000 km, trong đó có 715 km đường ôtô, hơn 600 km đường gùi thồ, đường giao liên và hơn 300 km đường sông. Khối lượng hàng Đoàn 559 chuyển vào chiến trường lên tới 2.912 tấn. Hơn 12.000 cán bộ, chiến sĩ được đảm bảo hành quân vào chiến trường. Quân số của Đoàn 559 lúc này đã lên tới hơn 8.000 cán bộ, chiến sĩ; hình thành tổ chức kết hợp giữa vận tải thô sơ với vận tải cơ giới quy mô cấp trung đoàn.
Phát triển vận tải cơ giới, tổ chức và chiến đấu hiệp đồng binh chủng chống lại chiến tranh ngăn chặn của đế quốc Mỹ, chi viện miền Nam đánh bại chiến lược “Chiến tranh cục bộ” (1965-1968).
Trước sự lớn mạnh của cách mạng miền Nam, đế quốc Mỹ đã triển khai chiến lược “Chiến tranh cục bộ” thay cho chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” đã bị thất bại. Cuộc chiến đấu của quân dân miền Nam đòi hỏi phải thay đổi phương thức hoạt động, phải chuyển sang vận chuyển cơ giới mới có thể đưa được khối lượng vật chất lớn vào các chiến trường xa. Đồng chí Phan Trọng Tuệ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, được Bộ Chính trị chỉ định làm Tư lệnh kiêm Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Đoàn 559.
Đoàn 559 được tổ chức theo phương thức hoạt động mới với ba tuyến vận chuyển từ Khe Ve (đầu Đường số 12) thuộc huyện Minh Hóa, Quảng Bình vào đến Tà Xẻng (khu vực ngã ba biên giới Việt Nam-Lào-Campuchia) bằng vận tải cơ giới. Trong giai đoạn này, công việc mở đường và bảo vệ các tuyến vận chuyển, chống lại cuộc chiến tranh ngăn chặn của kẻ thù đóng vai trò quan trọng nhất. Đến cuối năm 1965, quân số toàn Đoàn đã tăng lên 25.754 người, gấp ba lần năm 1964, trong đó có 16.485 quân nhân, 1.604 công nhân giao thông; 7.665 thanh niên xung phong, với 738 xe ô tô các loại, 46 máy húc, 10 máy ép hơi khoan đá...6.
Việc mở Đường 20 Quyết thắng dài 125 km từ Phong Nha, Quảng Bình nối sang Đường số 128 ở Lùm Bùm, tỉnh Khăm Muộn, Lào trong năm 1966 là một thành công lớn của chủ trương “chọc thủng Trường Sơn, mở đường thắng lợi” do Bộ Tư lệnh Đoàn 559 phát động.
Kết thúc 7 tháng mùa khô năm 1965-1966, mặc dù địch tăng cường đánh phá, sử dụng 9.500 lượt máy bay, có cả máy bay ném bom chiến lược B52, ném tới 29.000 tấn bom xuống tuyến đường, nhưng toàn Đoàn đã dốc sức khắc phục mọi khó khăn, nguy hiểm, vận chuyển được 14.559 tấn vật chất, đảm bảo cho 44.034 người vào đến chiến trường an toàn7.
Tháng 1-1967, Đại tá Đồng Sĩ Nguyên, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, đặc trách Tổng cục Hậu cần tiền phương ở tuyến Nam Quân khu IV, được Bộ Quốc phòng cử kiêm Tư lệnh Đoàn 559.
Mùa khô 1966-1967, tổng khối lượng vận chuyển của Đoàn đạt 27.469 tấn, mặc dù đế quốc Mỹ sử dụng tới 17.027 lần chiếc máy bay các loại, ném tới 59.000 tấn bom để hủy diệt và ngăn chặn8.
Đến cuối tháng 1-1968, Đoàn 559 đã thực hiện kế hoạch vận chuyển phục vụ cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Hướng mặt trận Khe Sanh đạt 104%, Tây Nguyên đạt 93%, Trị Thiên đạt 83%, Khu V đạt 50%, Nam Bộ đạt 92%, Trung-Hạ Lào đạt 100%, vượt mức 175% so với tháng 12-19679.
Tính chung 7 tháng mùa khô 1967-1968, toàn tuyến đã vận chuyển được 63.024 tấn, bằng 140% kế hoạch Quân ủy Trung ương giao. Tổ chức hành quân vào chiến trường với số lượng 155.758 người, trong đó có 43 đoàn binh khí kỹ thuật. Quân giao cho chiến trường được 124.016 người, chuyển ra miền Bắc được 17.159 người gồm thương bệnh binh và con em cán bộ miền Nam, gấp 8 lần về số lượng so với mùa khô 1966-1967. Toàn tuyến đã khôi phục, sửa chữa, nâng chất lượng được 1.567 km, mở thêm được 457 km, làm được 15.412 m cầu10.
Bộ đội đường Trường Sơn đánh thắng cuộc chiến tranh ngăn chặn quy mô lớn nhất, chi viện ngày càng lớn, hiệu quả, góp phần đánh bại một bước quan trọng chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của đế quốc Mỹ (1968-1973).
Do thất bại trong cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất, phải chấm dứt ném bom miền Bắc (1-11-1968), đế quốc Mỹ đã tập trung lực lượng ném bom đánh phá toàn tuyến đường Trường Sơn, tập trung hủy diệt hai trọng điểm: Xiêng Phan trên Đường 128 (là đoạn đường độc đạo chạy men theo sông Pha Nốp, nằm kẹp giữa hai núi đá ở phía Đông tỉnh Khăm Muộn, cách biên giới Lào-Việt Nam khoảng 15 km) và trọng điểm ATP (là viết tắt của cua chữ A, ngầm Ta Lê, đèo Phu la nhích) trên Đường 20, dài khoảng 7 km, nằm sát biên giới Việt-Lào gây cho cán bộ, chiến sĩ công binh, vận tải nhiều thương vong và khó khăn trong khắc phục, đối phó.
Trong giai đoạn này, được sự chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Hậu cần đã phối hợp với Đoàn 559 xây dựng, lắp đặt được tuyến đường ống dẫn xăng dầu từ miền Bắc vượt Trường Sơn vào đến chiến trường với tổng chiều dài tới 1.400 km, tạo thêm một nhân tố rất quan trọng cho vận chuyển cơ giới quy mô lớn, tạo ra sự phát triển đột biến về chất lượng trong hoạt động chi viện chiến lược, thể hiện sự vững chắc của hậu phương chiến lược đối với chiến trường.
Các lực lượng binh chủng hợp thành của Đoàn 559 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chi viện chiến trường, đảm bảo đủ lực lượng, vật chất để phối hợp với lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia đánh bại cuộc hành quân của 10 vạn quân Mỹ, quân Sài Gòn sang khu vực Đông Bắc Campuchia (từ ngày 28-4 đến ngày 30-6-1970); phối hợp với lực lượng vũ trang Pa thét Lào mở Chiến dịch Đường 9-Nam Lào (2-1971), đánh bại cuộc hành quân Lam Sơn 719 của quân đội Sài Gòn nhằm chặn cắt tuyến chi viện chiến lược ở khu vực Bản Đông, Sêpôn, Nam Lào. Đây là hai thất bại thể hiện rõ sự phá sản bước đầu chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của đế quốc Mỹ.
Đồng thời, Đoàn 559 đã dồn sức phục vụ các chiến trường mở cuộc tiến công chiến lược năm 1972 trên ba hướng chủ yếu là Trị-Thiên, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, góp phần vào thắng lợi chung, giành lại thế chủ động tiến công chiến lược trên toàn miền Nam.
Hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết (27-1-1973) mở ra bước ngoặt mới cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước khi quân Mỹ và các lực lượng đồng minh của Mỹ phải rút hoàn toàn khỏi miền Nam, còn các lực lượng vũ trang miền Nam, gồm cả các đơn vị từ miền Bắc vào, đều ở lại tại chỗ. So sánh lực lượng có sự thay đổi lớn nghiêng về phía cách mạng. Thời cơ mở cuộc Tổng tiến công “đánh cho ngụy nhào”, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đã tới. Yêu cầu về lực lượng, vật chất cho chiến trường ngày càng tăng.
Tranh thủ thời cơ Hiệp định Pari đưa lại, các bộ, ngành Trung ương và quân đội mở Chiến dịch “VT5” (vận chuyển tụt thang), huy động hàng nghìn xe ô tô vận tải, tàu hỏa, tàu thủy, ca nô ào ạt đưa hàng vào miền Nam. Chỉ tính trong nửa tháng (từ ngày 10-1 đến ngày 5-2-1973), bộ đội trên toàn tuyến đã đưa được 20.000 tấn vào các kho ở Nam-Bắc Đường số 911. Đây là chân hàng lớn nhất kể từ khi có tuyến vận tải chiến lược, đáp ứng kịp thời yêu cầu của các chiến trường.
Đổi mới tổ chức, thế trận, phương thức hoạt động, phục vụ cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975 (1973-1975).
Đây là giai đoạn Bộ Tư lệnh Đoàn 559 tập trung mọi lực lượng, phương tiện, mở thêm đường mới, sửa chữa nâng cấp đường cũ, đưa được khối lượng hàng hóa, vũ khí và người lớn nhất vào miền Nam phục vụ cho kế hoạch chiến lược giải phóng miền Nam. Giai đoạn này Bộ Tư lệnh Đoàn 559 tổ chức 5 sư đoàn khu vực gồm các trung đoàn xe ô tô vận tải, thành lập 15 trung đoàn binh chủng gồm công binh, pháo cao xạ, ô tô vận tải trên cơ sở giải thể các binh trạm, thành lập các trung đoàn kho, trung đoàn giao liên, tổ chức sư đoàn công binh... Như vậy, đến giữa năm 1974, Bộ Tư lệnh Trường Sơn (Đoàn 559) có tất cả 8 sư đoàn binh chủng, 20 trung đoàn và đơn vị tương đương trực thuộc Bộ Tư lệnh và hàng chục tiểu đoàn trực thuộc các cục nghiệp vụ. Tổng quân số lên đến 100.495 người12.
Năm 1974, tổng khối lượng vận chuyển cho các chiến trường lên tới 360.043 tấn, đạt 102% kế hoạch, là khối lượng lớn nhất từ khi mở tuyến. Trong đó, vận chuyển cho chiến trường Nam Bộ 37.832 tấn, đạt 171%; Tây Nguyên 64.828 tấn, đạt 111%, gấp 3 lần năm 1973; Khu V 28.973 tấn, đạt 111%, gấp 3 lần năm trước; Trị-Thiên (phía Nam), 31.801 tấn, đạt 100% kế hoạch; chiến trường Lào 9.290 tấn, đạt 102%; Campuchia 5.230 tấn, đạt 130%. Đảm bảo cho xây dựng cơ bản, dân sinh, nhu cầu nội bộ Đoàn là 254.000 tấn. Về bảo đảm hành quân đưa đón quân vào, quân ra năm 1974 bằng 155,96% so với năm 1973, với 52.000 quân giao cho Khu V, Tây Nguyên, Nam Bộ và 28.000 quân cho các chiến trường khác; tiếp nhận 93.000 thương bệnh binh của các chiến trường chuyển ra miền Bắc. Do đảm bảo hành quân bằng cơ giới đường bộ, đường sông nên thời gian vào đến chiến trường xa nhất giảm được 43 ngày (giảm 3-4 lần so với trước). Đến tháng 12-1974, đường ống dẫn xăng dầu đã vào đến Chư Pông, dự kiến đến tháng 3-1975 sẽ vươn đến Bù Gia Mập thuộc Nam Bộ, đảm bảo mỗi ngày cấp phát cho hơn 1 vạn lượt xe hoạt động trên toàn tuyến13.
Đến cuối năm 1974, trên tuyến chi viện chiến lược, các lực lượng công binh, cầu đường đã mở rộng được 5.920 km đường trục dọc, 3.930 km đường trục ngang và 4.830 km đường vòng tránh14.
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 mở ra với đòn điểm huyệt tiến công giải phóng thị xã Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) trong Chiến dịch Tây Nguyên đã giành được thắng lợi. Tiếp đó, theo bước chân thần tốc của các đơn vị trong Chiến dịch giải phóng Tây Nguyên, Chiến dịch Huế, Chiến dịch Đà Nẵng, Chiến dịch Hồ Chí Minh, Đoàn 559 đã tập trung toàn bộ lực lượng, phương tiện đảm bảo phục vụ chiến đấu và hành quân, góp phần quan trọng vào thắng lợi cuối cùng giải phóng Sài Gòn, giải phóng miền Nam, kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đồng thời đánh dấu chặng đường 16 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Bộ đội Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh.
3. Một số đặc điểm của tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn
Thứ nhất, tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn là một trong những địa bàn rộng nhất, từ Đông sang Tây Trường Sơn, đã hình thành một căn cứ hậu cần chiến lược và chiến dịch với diện tích hơn 132.000 km2, có chiều dài hơn 1.000 km, rộng hơn 100 km, thông suốt từ hậu phương miền Bắc tới chiến trường miền Nam và chiến trường Lào, Campuchia; đi qua 21 tỉnh của ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia.
Thứ hai, là mạng đường có tổng chiều dài nhất, bao gồm các trục dọc và nhiều trục ngang, đường xương cá tỏa đi khắp các mặt trận. Đây là chiến trường có tính chất cầu nối đặc biệt quan trọng giữa hậu phương và tiền tuyến, có tổng chiều dài trên 17.000 km. Hệ thống mạng đường Trường Sơn bao gồm đường bộ, đường sông, đường ống dẫn xăng dầu (1.400 km), đường giao liên (trên 3.000 km), đường dây thông tin tải ba (1.350 km), thông tin hữu tuyến dây bọc (14.000 km) và thiết bị tiếp sức, hàng trăm km đường kho tương đối hoàn chỉnh, hoạt động quanh năm liên tục.
Thứ ba, là hệ thống đường có quá trình phát triển liên tục, từ đường mòn dùng cho vận tải thô sơ, gùi thồ, từng bước tiến lên mở đường vận tải bằng cơ giới quy mô lớn. Từ đường một chiều phát triển thành đường vận tải hai chiều với nhiều loại hình đường: đường dọc, đường ngang, đường tránh, đường vòng, đường kín; nhiều cấp độ đường: đường nhựa, đường rải đá cấp phối, đường đất.
Thứ tư, là tuyến đường chiến lược chủ yếu đi trên địa hình rừng núi, hiểm trở, phức tạp có nhiều sông suối, núi cao, khí hậu khắc nghiệt, ban đầu mở ở bên phía Đông dãy Trường Sơn, dọc theo bên trong đất Việt Nam. Sau đó, do bị địch tập trung đánh phá quyết liệt, do yêu cầu của chiến trường ngày càng lớn, để tránh những địa hình bất lợi dễ bị ngập lụt, không thuận tiện cho vận chuyển cơ giới và để thuận tiện chi viện cho chiến trường, cách mạng Lào, Campuchia... nên tuyến đường được mở vượt dãy Trường Sơn sang bên phía Tây, chạy từ Hạ Lào xuống Đông Bắc Campuchia.
Thứ năm, là tuyến đường chủ yếu chi viện cho cách mạng miền Nam. Qua 16 năm hoạt động (1959-1975), bất chấp sự đánh phá, ngăn chặn quyết liệt của kẻ thù, các lực lượng binh chủng hợp thành trên tuyến đường Trường Sơn đã bảo đảm vận chuyển được hơn 1 triệu tấn vật chất, vũ khí giao cho các chiến trường; đảm bảo chỉ huy hành quân cho hơn 2 triệu lượt người từ miền Bắc vào miền Nam và từ miền Nam ra miền Bắc; vận chuyển cơ động 10 lượt sư đoàn, 3 quân đoàn, hộ tống 90 đoàn binh khí kỹ thuật tham gia các chiến dịch, đặc biệt là cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 197515.
Thứ sáu, là chiến trường có quy mô lực lượng binh chủng hợp thành rất lớn, với 8 sư đoàn, bao gồm 4 sư đoàn công binh, 2 sư đoàn ô tô vận tải, 1 sư đoàn pháo phòng không, 1 sư đoàn bộ binh, 12 trung đoàn binh chủng (không kể 5 trung đoàn cao xạ, tên lửa do Bộ phối thuộc), 1 đoàn chuyên gia cố vấn. Số xe vận tải cơ giới lên tới trên 6.000 xe và nhiều phương tiện, trang thiết bị. Tổng số người phục vụ trên toàn tuyến là hơn 10 vạn người16.
Thứ bảy, là một trong những chiến trường ác liệt nhất, thường xuyên bị bộ binh, thám báo, biệt kích của địch ném bom, ngăn chặn ngày đêm với lực lượng tập trung rất lớn, mở nhiều chiến dịch, cuộc hành quân với nhiều phương tiện kỹ thuật hiện đại, vũ khí hủy diệt nhằm cắt đứt con đường chiến lược này. Trong suốt thời gian tồn tại của tuyến đường, đế quốc Mỹ đã ném hơn 4 triệu tấn bom đạn xuống tuyến đường trên tổng số hơn 7 triệu tấn sử dụng trên toàn miền Nam.
Trong cuộc chiến đấu sinh tử để bảo vệ tuyến đường, đảm bảo mạch máu giao thông vận chuyển luôn thông suốt, đã có 2 vạn cán bộ, chiến sĩ, công nhân, thanh niên xung phong hy sinh, 3 vạn người bị thương, 14.500 lần xe máy các loại, 400 lần khẩu pháo, 9 vạn tấn hàng bị phá hủy, hàng vạn héc ta cây rừng bị tàn phá bởi bom đạn và chất độc hóa học.
Thứ tám, trong cuộc chiến đấu gian khổ, mưu trí, dũng cảm, sáng tạo đó, các lực lượng trên tuyến đường Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh đã lấy mặt đường làm trận địa, đánh trả 151.133 trận ném bom, bắn phá của kẻ thù, bắn rơi 2.455 máy bay các loại; tổ chức 2.500 trận chiến đấu với biệt kích, thám báo, bộ binh địch, diệt và bắt 18.740 tên, làm thất bại cuộc chiến tranh ngăn chặn mang tính chất hủy diệt của chúng17.
Ghi nhận chiến công đặc biệt xuất sắc của các lực lượng trên tuyến đường Trường Sơn, Đảng, Nhà nước, Quân đội đã trao tặng cho Bộ đội Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh phần thưởng cao quý nhất: Huân chương Sao vàng, ngoài ra còn có 3 Huân chương Quân công hạng Nhất, 2 Huân chương Quân công hạng Nhì, 22 Huân chương Quân công hạng Ba. Các đơn vị trực thuộc Bộ Tư lệnh Trường Sơn được tặng thưởng 202 Huân chương Quân công, 4.814 Huân chương Chiến công các hạng. 11.000 cán bộ, chiến sĩ được tặng thưởng các huân chương, huy chương các hạng. Có 55 đơn vị và 34 cá nhân được phong tặng Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân18.
Nhà báo Van Geirt, tác giả cuốn sách Đường mòn Hồ Chí Minh, đã nhận xét: Đường mòn Hồ Chí Minh không chỉ là một con đường tiếp tế. Nó là biểu tượng của cả cuộc chiến tranh Việt Nam. Nó không chỉ là một con đường cụ thể mà là một luồng tư tưởng19.
Đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đánh giá: “Đường Trường Sơn là một chiến công chói lọi trong lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta. Đường Trường Sơn là con đường của ý chí quyết thắng, của lòng dũng cảm, của khí phách anh hùng. Đó là con đường nối liền Nam Bắc thống nhất nước nhà, là con đường của tương lai giàu có của Tổ quốc ta. Đó cũng là con đường đoàn kết của các dân tộc, của ba nước Đông Dương...”20.
__________________
1. Bút tích của Đại tướng Võ Nguyên Giáp ghi trong Sổ vàng truyền thống Bộ đội Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh
2. Vì được quyết định thành lập vào tháng 5-1959 nên Đoàn Công tác quân sự đặc biệt còn có tên gọi khác là Đoàn 559. Sau này, Đoàn phát triển hoạt động mở đường Trường Sơn nên còn mang tên Bộ Tư lệnh Trường Sơn, Đường Hồ Chí Minh
3. Thời gian này, Liên Xô là nước viện trợ lớn cho Việt Nam, muốn Việt Nam đấu tranh hòa bình thống nhất đất nước, “không để một đám cháy nhỏ thiêu rụi hòa bình thế giới”, không muốn Việt Nam tiến hành khởi nghĩa vũ trang ở miền Nam. Trung Quốc cũng chỉ muốn hoạt động vũ trang ở miền Nam chỉ ở quy mô cấp đại đội. Vì thế, Bộ Chính trị và Tổng Quân ủy yêu cầu người và hàng hóa vận chuyển vào Nam chỉ được tập kết ở bờ Bắc sông Bến Hải. Việc vận chuyển từ bờ Nam sông Bến Hải vào phía trong tạm thời giao cho Trị - Thiên và Liên khu V
4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16, 17, 18, 19. Xem Lịch sử Đoàn 559-Bộ đội Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh, Nxb QĐND, H, 1999, tr. 28, 71-74, 156, 179, 230, 268, 287-288, 511, 560-568, 569-570, 579, 657, 658, 659, 690, 660
20. Bút tích của đồng chí Lê Duẩn ghi trong Sổ vàng truyền thống Bộ đội Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh.
PGS, TS NGUYỄN MẠNH HÀ
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
ThS NGUYỄN THỊ HUYỀN CHI
Trường Đại học Điện lực