Tóm tắt: Nâng cao chất lượng thực hành đạo đức của đội ngũ giảng viên ở các nhà trường quân đội là tổng thể các hoạt động của đội ngũ giảng viên trong việc hiện thực hóa những quy tắc, chuẩn mực đạo đức nhà giáo vào thực tiễn thực hiện chức trách, nhiệm vụ trong tình hình mới. Tác động tiêu cực của nền kinh tế thị trường đã khiến một bộ phận giảng viên của các nhà trường quân đội suy thoái về đạo đức, lối sống. Tiếp tục nâng cao chất lượng thực hành đạo đức của đội ngũ giảng viên ở các nhà trường quân đội hiện nay hết sức cần thiết.

Từ khoá: Nâng cao chất lượng; Thực hành đạo đức; đội ngũ giảng viên; nhà trường quân đội

1. Thực trạng việc thực hành đạo đức của đội ngũ giảng viên ở các nhà trường quân đội trong giai đoạn hiện nay

Một là, nhận thức của giảng viên về đạo đức nhà giáo không ngừng được nâng cao

Việc thực hành đạo đức của đội ngũ giảng viên ở các nhà trường quân đội được tiến hành thường xuyên. Qua đó, trình độ nhận thức của đa số cán bộ, giảng viên về vị trí, vai trò, giá trị, chuẩn mực, nguyên tắc thực hành đạo đức nhà giáo được nâng lên rõ nét1. Đặc biệt, nhận thức và hành vi đạo đức của đội ngũ giảng viên tại các nhà trường quân đội được củng cố, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về hoạt động giảng dạy. Nhiều cán bộ giảng viên hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao, góp phần vào nhiệm vụ giáo dục đào tạo và nghiên cứu khoa học của các nhà trường quân đội.

Hai là, việc vận dụng những chuẩn mực đạo đức nhà giáo quân đội của giảng viên ở các nhà trường quân đội được nâng cao

Mỗi giảng viên luôn tâm huyết, say mê, tận tâm, tận lực với sự nghiệp giáo dục - đào tạo trong quân đội, có tình cảm yêu thương học viên, ra sức phấn đấu hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao, chấp hành nghiêm pháp luật, kỷ luật, quy chế giáo dục - đào tạo và các quy định của nhà trường. Đây là những yêu cầu đạo đức cơ bản của người thầy giáo quân đội, là nền tảng đạo đức để mỗi giảng viên hoàn thiện nhân cách nhà giáo, thực sự tiêu biểu về đạo đức để học viên học tập, noi theo.

Kết quả khảo sát 300 cán bộ giảng viên trẻ ở các trường Học viện Chính trị, Học viện Hậu Cần, Học viện Kỹ thuật quân sự, Trường Sĩ quan Lục quân I, Trường Đại học Chính trị và Trường Sĩ quan Tăng – Thiết giáp năm 2019, có 93% cán bộ giảng viên tự đánh giá là có nhận thức đúng về tầm quan trọng của việc thực hiện các nguyên tắc rèn luyện đạo đức nhà giáo quân đội theo tư tưởng Hồ Chí Minh; 90,3% cán bộ, giảng viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc, nhân dân; yêu nghề; có nhận thức đúng đắn, sâu sắc về vị thế của nghề sư phạm quân sự, trọng trách cao cả của họ trong xã hội, ở giá trị cao cả và trong sáng của nhân cách nhà giáo để xứng đáng với sự tôn vinh của xã hội đối với nghề nghiệp sư phạm, sự tin tưởng của đơn vị, của mỗi học viên2.

Hành vi đạo đức, lối sống tốt đẹp của phần lớn cán bộ giảng viên ngày càng được củng cố, phát triển. Mỗi giảng viên luôn thể hiện có phương pháp, tác phong mô phạm, mẫu mực trong giảng dạy, trong lối sống và ứng xử. Đối với giảng viên các nhà trường quân đội, họ vừa là người thầy, người đồng chí, đồng đội, thậm chí là những đồng nghiệp với người học. Do đó, phương pháp, tác phong mô phạm và sự mẫu mực trong giảng dạy, trong lối sống và ứng xử có ảnh hưởng rất sâu sắc đến sự hình thành và phát triển nhân cách của người học viên. Theo đó, mỗi giảng viên cần có phương pháp, tác phong làm việc khoa học, ân cần, tận tình và chân thành, thể hiện thái độ ứng xử tôn trọng, quan tâm và lòng yêu nghề, yêu thương học viên.

Ba là, giảng viên các nhà trường quân đội đã chú trọng nêu gương trong tu dưỡng, thực hành đạo đức nghề nghiệp gắn với thực hiện các chỉ thị, nghị quyết các cấp. Đội ngũ giảng viên các nhà trường đã thực hiện tốt đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thực hiện nghiêm các chủ trương, quy định của Đảng về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên.

Hầu hết các giảng viên có nhận thức đúng về tầm quan trọng của xây đi đôi với chống trong thực hành đạo đức nhà giáo3; đề cao tự phê bình và phê bình, khắc phục triệt để bệnh dân chủ giả hiệu, hình thức, các biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, đặc biệt là biểu hiện thái độ “né tránh trách nhiệm, thiếu trách nhiệm, trung bình chủ nghĩa, làm việc qua loa, đại khái, kém hiệu quả”4.

Tuy nhiên, trong thực hành đạo đức của đội ngũ giảng viên ở các nhà trường quân đội hiện nay vẫn còn một số hạn chế. Đó là, một số giảng viên các nhà trường quân đội nhận thức nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức nhà giáo chưa toàn diện, chưa sâu sắc. Về chuyên môn, một số giảng viên còn chưa vững chắc nghề nghiệp sư phạm quân sự; tình cảm với nghề dạy học chưa sâu đậm5. Thậm chí, còn bộc lộ những hạn chế, bất cập cả về phẩm chất và năng lực công tác; thiếu vững vàng về bản lĩnh chính trị, nghề nghiệp, vi phạm pháp luật Nhà nước, kỷ luật quân đội, sa sút, thoái hóa về đạo đức, lối sống. Một số giảng viên có biểu hiện ngại phấn dấu, chưa tích cực, chủ động trong nghiên cứu, giảng dạy. Trong sinh hoạt, công tác, một số cán bộ giảng viên còn có biểu hiện ngại đấu tranh, né tránh khuyết điểm, hoặc “dĩ hoà vi quý” trong thực hiện chế độ tự phê bình và phê bình.

2. Một số giải pháp nâng cao chất lượng thực hành đạo đức của đội ngũ giảng viên ở các nhà trường quân đội

Thứ nhất, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các chủ thể, lực lượng trong thực hành đạo đức cho đội ngũ giảng viên ở các nhà trường quân đội. Cấp ủy, chỉ huy các cấp cần tăng cường giáo dục, bồi dưỡng cho giảng viên về đạo đức nhà giáo nói riêng; xây dựng cho giảng viên trẻ tinh thần tự giác, ý thức tích cực, chủ động học tập, rèn luyện nâng cao đạo đức cách mạng, đạo đức nhà giáo.

Quân uỷ Trung ương và cấp uỷ, tổ chức đảng các cấp ở các nhà trường quân đội cần tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao nhận thức cho các chủ thể, lực lượng về vị trí, vai trò thực hành đạo đức và nâng cao chất lượng thực hành đạo đức của đội ngũ giảng viên; trách nhiệm của cấp ủy, chỉ huy, cơ quan, khoa giáo viên, cán bộ chủ trì các cấp trong giáo dục, quán triệt và thực hành các nội dung, hình thức, biện pháp tổ chức hoạt động hướng vào nâng cao chất lượng thực hành đạo đức của đội ngũ giảng viên ở các nhà trường quân đội.

Tập trung giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho các tổ chức, các lực lượng về những quan điểm quan điểm cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng về nâng cao chất lượng thực hành đạo đức cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và đội ngũ giảng viên; quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, của Quân ủy Trung ương về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, về trách nhiệm nêu gương, thực hành đạo đức, về những điều đảng viên không được làm; vai trò, tầm quan trọng của đội ngũ giảng viên ở các nhà trường quân đội hiện nay; vai trò của thực hành đạo đức trong hoàn thiện phẩm chất, nhân cách, uy tín sư phạm của người giảng viên, nhằm bảo đảm cho đội ngũ giảng viên hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao.

Các tổ chức, các lực lượng thực hiện tốt nội dung giáo dục; vận dụng tốt các hình thức, biện pháp, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho các tổ chức, công tác lực lượng trong nâng cao chất lượng thực hành đạo đức của đội ngũ giảng viên ở các nhà trường quân đội; đề ra nhiều chủ trương, biện pháp phát huy vai trò tích cực chủ động của lãnh đạo, chỉ huy các cấp và đội ngũ giảng viên trong quá trình tự tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, năng lực chuyên môn. Đặc biệt, chú trọng quán triệt phương châm chuẩn hoá đội ngũ cán bộ, tạo điều kiện để mỗi cán bộ, giảng viên phát huy tốt vai trò nêu gương, “tự soi, tự sửa” của bản thân trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. 

Thứ hai, xác định đúng nội dung, vận dụng linh hoạt, sáng tạo các hình thức, biện pháp nâng cao chất lượng thực hành đạo đức của đội ngũ giảng viên. Quân uỷ Trung ương và cấp uỷ, tổ chức đảng các cấp ở các nhà trường cần chú ý vận dụng linh hoạt, sáng tạo các hình thức, biện pháp cơ bản như: Tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền, cổ động đến mọi cán bộ, giảng viên, nhân viên, học viên, chiến sĩ về vị trí, vai trò của đội ngũ nhà giáo; giá trị và hiệu quả lớn lao của những tấm gương giảng viên tiêu biểu đối với nhiệm vụ xây dựng của các nhà trường quân đội. Thông qua tổ chức các phong trào thi đua của đơn vị, của các khoa giáo viên để lựa chọn, kịp thời biểu dương, nhân rộng những tấm gương tiêu biểu của đội ngũ cán bộ, giảng viên cả về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; trình độ tư duy, năng lực chuyên môn… Thông qua thực hiện các cuộc vận động để xác lập nội dung, yêu cầu, chỉ tiêu phấn đấu gắn với thực hành đạo đức của đội ngũ giảng viên làm cơ sở để mỗi cán bộ, giảng viên phấn đấu vươn lên. Đẩy mạnh các hoạt động biên soạn, cập nhật tài liệu, quy chế, quy định liên quan đến đạo đức nhà giáo ở các nhà trường quân đội. Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, các hội thảo, trao đổi, sinh hoạt học thuật; mời những chuyên gia nói chuyện, trao đổi về tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức nhà giáo. Căn cứ vào đặc điểm, tình hình nhiệm vụ của các khoa giáo viên, lãnh đạo, chỉ huy các cấp và cơ quan chính trị cần tổ chức giáo dục, bồi dưỡng tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức nhà giáo với nhiều hình thức phù hợp.

Ba là, phát huy vai trò tích cực, tự giác, tự tu dưỡng, rèn luyện trong thực hành đạo đức của đội ngũ giảng viên. Mỗi nhà giáo cần có nhận thức đúng đắn, sâu sắc về đạo đức nghề nghiệp nhà giáo quân đội; biết vận dụng có hiệu quả, bám sát và quán triệt đầy đủ nội dung cơ bản của các nghị quyết của Đảng, chỉ thị của Quân ủy Trung ương để củng cố những giá trị, chuẩn mực đạo đức, phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”. Giảng viên trẻ các nhà trường quân đội phải tự giác bồi đắp, củng cố ở họ bản lĩnh chính trị vững vàng, nhạy bén, sắc sảo trong nhận diện và đấu tranh kiên quyết với những biểu hiện phi đạo đức, những thói hư, tật xấu, góp phần xây dựng môi trường đạo đức lành mạnh, giúp người học tu dưỡng, rèn luyện trau dồi đạo đức cách mạng. Giảng viên trong quân đội cần chú trọng thực hiện nghiêm các quy định về chuẩn mực đạo đức nhà giáo do Bộ Giáo dục - và Đào tạo quy định, cũng như các quy định của pháp luật cán bộ, công chức, viên chức; quy chế quy định trong quân đội, của mỗi cơ sở đào tạo về đạo đức nghề nghiệp nhà giáo quân đội.

Tăng cường định hướng phát huy tính tự giác, tích cực, tự tu dưỡng, rèn luyện trong thực hành đạo đức của đội ngũ giảng viên; mỗi cán bộ, giảng viên phải chủ động xây dựng và tự giác, tích cực thực hiện chương trình, kế hoạch tự học tập, rèn luyện trong thực hành đạo đức của mình; thông qua thực tiễn thực hiện các nhiệm vụ được giao để phát huy tính tích cực, tự giác tự tu dưỡng, rèn luyện của đội ngũ cán bộ, giảng viên. Các chủ thể cần thường xuyên kiểm tra, giám sát, tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ, giảng viên phát huy tính tích cực, tự giác, tự học tập, tự tu dưỡng, rèn luyện trong thực hành đạo đức của đội ngũ giảng viên để đạt được hiệu quả cao nhất.

Bốn là, thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hành đạo đức của đội ngũ giảng viên. Cấp ủy, tổ chức đảng trong các nhà trường cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát. Trong đó, nội dung, kiểm tra, giám sát phải toàn diện, song cần có kế hoạch kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định về nêu gương, thực hành đạo đức của cán bộ giảng viên, nhất là sự gương mẫu về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, thái độ, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ... Quá trình kiểm tra, giám sát phải thực hiện đúng nguyên tắc, quy trình, phương châm, phương pháp, phát huy tốt vai trò của cấp ủy, chi bộ, ủy ban kiểm tra các cấp, của mọi cán bộ, giảng viên. Lấy kết quả thực hành đạo đức của giảng viên là một tiêu chí đánh giá, xếp loại cán bộ, giảng viên, lấy phiếu tín nhiệm; đồng thời, kiên quyết xử lý nghiêm những người vi phạm.

Năm là, chú trọng xây dựng môi trường văn hóa sư phạm lành mạnh trong thực hành đạo đức cho đội ngũ giảng viên ở các nhà trường quân đội. Cần tập trung xây dựng các nhà trường quân đội thực sự vững mạnh trở thành điểm sáng về giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học; chăm lo xây dựng các mối quan hệ tốt đẹp, bầu không khí tâm lý tích cực lành mạnh; xây dựng tập thể các cơ quan, khoa giáo viên, đơn vị vững mạnh toàn diện, “Mẫu mực, tiêu biểu”; đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả các phong trào thi đua, phong trào học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; kết hợp hài hòa xây dựng cơ sở vật chất, kĩ thuật với xây dựng, cải tạo cảnh quan trong các nhà trường quân đội.

Xây dựng hình tượng nhân cách đạo đức nhà giáo với tính cách là một giá trị tinh thần được xã hội hóa thông qua những con người cụ thể bằng nêu gương. Sự nêu gương, sự ràng buộc ở nhà giáo quân đội lý tưởng và các nguyên tắc đạo đức được cụ thể hoá trong thực tiễn nghề nghiệp để nhà giáo, người học học tập và tiếp nhận, làm cho lý tưởng đạo đức chuyển hoá thành thực tiễn đạo đức; tạo ra một phong trào quần chúng rộng rãi như một biện pháp thiết thực để nâng cao đạo đức nhà giáo.

Xây dựng các quan hệ đạo đức lành mạnh, mô phạm, mẫu mực trong nhà trường trên cơ sở pháp luật của Nhà nước, điều lệnh, điều lệ của Quân đội, Quy chế giáo dục - đào tạo, nhưng cũng rất linh hoạt, tạo lập được không khí dân chủ, đoàn kết, kỷ luật và sáng tạo, hướng đến khẳng định, tôn vinh cái đúng, cái tốt đẹp, tích cực, cao thượng; nhân rộng các giá trị cao đẹp, nhân văn.

Nâng cao chất lượng thực hành đạo đức của đội ngũ giảng viên ở các nhà trường quân đội hiện nay là vấn đề đặc biệt quan trọng, cấp thiết, không chỉ đối với cá nhân từng giảng viên mà còn góp phần nâng cao chất lượng thực hiện nhiệm vụ của các nhà trường quân đội, nhất là nhiệm vụ giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học. Đó là tổng thể các chủ trương, nội dung, hình thức, biện pháp tích cực của các chủ thể, lực lượng tác động vào đội ngũ giảng viên, làm lan tỏa ở họ những giá trị tốt đẹp đến mọi người xung quanh, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học và xây dựng các nhà trường quân đội vững mạnh toàn diện, “Mẫu mực, tiêu biểu”, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Nâng cao chất lượng thực hành đạo đức của đội ngũ giảng viên ở các nhà trường quân đội là quá trình thường xuyên, lâu dài, cần phải tiến hành đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả các giải pháp trên.

Ngày nhận: 8-12-2024; ngày thẩm định: 27-12-2024; ngày duyệt đăng

1, 2, 3, 5. Xem: Đỗ Thanh Hải: Tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức nhà giáo - giá trị và vận dụng đối với giảng viên trẻ các nhà trường quân đội hiện nay, Luận án Tiến sĩ Triết học, Học viện Chính trị Bộ Quốc phòng, H, 2019

4. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Văn phòng Trung ương Đảng xuất bản, H, 2016, tr. 28-29.