Tóm tắt: Sau 15 năm ra đời, xây dựng hoạt động và phát triển, đến tháng 8-1945, Đảng lãnh đạo nhân dân Tổng khởi nghĩa, lập nên chính thể dân chủ cộng hoà. Chỉ hơn 2 tháng sau khi ra hoạt động công khai, Đảng lại tuyên bố tự giải tán (11-11-1945), sinh hoạt trong một tổ chức mới là “Hội những người nghiên cứu chủ nghĩa Mác ở Đông Dương”. Đến tháng 2-1951, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bước vào giai đoạn phản công và tiến công, Đảng ra hoạt động công khai, lấy tên là Đảng Lao động Việt Nam. Bài viết góp phần lý giải nguyên nhân Đảng thay đổi các hình thức hoạt động, tên gọi, việc chia tách Đảng Cộng sản Đông Dương thành ba đảng, đại diện lãnh đạo cho ba dân tộc Việt Nam, Lào, Campuchia trên bán đảo Đông Dương. Đây được coi như một trong những nét đặc sắc trong tiến trình lãnh đạo cách mạng, kháng chiến đến thắng lợi của Đảng.

Từ khóa: Đảng Cộng sản Việt Nam; Đảng Cộng sản Đông Dương; tự giải tán; hoạt động công khai

1. Về những lý do Đảng tuyên bố tự giải tán ngày 11-11-1945

Mùa xuân năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập trên cơ sở hợp nhất các tổ chức cộng sản trong nước, dưới sự chủ trì của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Vào thời điểm đó, số lượng đảng viên của Đảng chỉ có hơn 300 người, phải hoạt động bí mật, bị kẻ thù đàn áp, khủng bố khốc liệt. Sau 15 năm lãnh đạo cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc chống thực dân, phát xít, phong kiến, với nhiều tổn thất, hy sinh, tích luỹ được nhiều kinh nghiệm trong xây dựng lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang, căn cứ địa, về nhận định tình hình cách mạng trong nước, quốc tế, Đảng đã chớp thời cơ lãnh đạo cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 thành công, đưa đến sự ra đời của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đảng Cộng sản Đông Dương1 ra hoạt động công khai, nắm quyền lãnh đạo cách mạng, kháng chiến trong tình hình mới.

Tuy nhiên, chỉ hơn hai tháng sau, ngày 11-11-1945, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương đã ra Thông cáo báo chí tuyên bố tự giải tán Đảng. Thông cáo cho biết, các đảng viên của Đảng sẽ tham gia sinh hoạt trong tổ chức mới có tên Hội những người nghiên cứu chủ nghĩa Mác ở Đông Dương. Thông cáo này đem lại sự bất ngờ đối với kẻ thù và kể cả một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân lúc đó. Câu hỏi đặt ra là vì sao sau 15 năm hoạt động lãnh đạo cách mạng trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn, gian khổ với nhiều hy sinh, tổn thất như vậy, vậy mà chỉ sau hơn 2 tháng nắm quyền, Đảng lại tuyên bố tự giải tán?

Để trả lời câu hỏi này, cần hiểu rõ bối cảnh tình hình lúc đó. Sau Cách mạng Tháng Tám, bên cạnh những thuận lợi như đất nước được độc lập, nhân dân làm chủ cuộc sống của mình, chính quyền cách mạng được thiết lập từ trung ương đến địa phương thì đất nước cũng phải đương đầu với hàng loạt khó khăn, thách thức nghiêm trọng, đó là: các thế lực thù trong, giặc ngoài ra sức chống phá nhằm thủ tiêu Nhà nước cộng hòa dân chủ non trẻ, cùng với đó là những khó khăn về kinh tế, tài chính, nạn đói, nạn thất học. Bên cạnh đó, hệ thống chính quyền từ trung ương đến địa phương còn non yếu, chưa được củng cố; quân đội-công cụ chuyên chính bảo vệ chính quyền, số lượng ít, vũ khí trang bị thiếu thốn, thiếu kinh nghiệm chỉ huy, tác chiến. Việt Nam chưa nhận được sự công nhận, ủng hộ quốc tế, phải tự mình “chiến đấu trong vòng vây”. Số lượng đảng viên của Đảng so với tổng dân số cả nước còn quá ít ỏi. Trong khi đó, các thế lực phản động quốc tế, đặc biệt là 18 vạn quân Trung Hoa Dân quốc2 kéo vào miền Bắc Việt Nam dưới danh nghĩa là quân Đồng minh vào tước vũ khí phát xít Nhật đầu hàng, nhưng công khai ý định “diệt Cộng, cầm Hồ, tiêu diệt Đảng, phá tan Việt Minh” để đưa người của chúng nằm trong hai tổ chức Việt Nam Quốc dân Đảng (Việt Quốc) và Việt Nam Cách mệnh đồng minh Hội (Việt Cách) lên lập một chính phủ thân Tưởng Giới Thạch ở Việt Nam.

Đứng trước tình hình khó khăn đó, để bảo toàn thực lực cho cuộc đấu tranh còn lâu dài, gian khổ, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã đi đến quyết định giải tán Đảng. Phân tích kỹ bối cảnh lúc đó, đây là một quyết định đúng đắn, có thể lý giải bằng mấy lý do sau:

Thứ nhất, trong hoàn cảnh so sánh lực lượng, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã đề ra chủ trương gồm 9 chữ: nhân nhượng, giao thiệp thân thiện, tránh xung đột để đối phó với âm mưu, hành động của quân Tưởng. Vì quân Tưởng đã chuẩn bị cho kế hoạch “Hoa quân nhập Việt” để cùng với quân Mỹ đánh phát xít Nhật ở Việt Nam từ mấy năm trước, đồng thời đã chuẩn bị chính phủ tay sai người Việt để đưa về Việt Nam. Tuy nhiên, Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm đề ra đường lối, chủ trương khởi nghĩa giành chính quyền, giành độc lập dân tộc và đã sớm nhận thức, chớp được thời cơ khi tình hình trong nước, quốc tế thuận lợi để phát động tổng khởi nghĩa, nhanh chóng giành chính quyền trên phạm vi cả nước, sau đó lại nhanh chóng tuyên bố độc lập trước khi quân Tưởng có mặt ở miền Bắc, điều đó đã làm phá sản kế hoạch của quân Tưởng. Ngay sau khi phân tán lực lượng chiếm đóng các vị trí xung yếu ở miền Bắc, Bộ Chỉ huy quân Tưởng đã lập tức yêu cầu Chính phủ ta phải giải tán quân đội, báo cáo tình hình quân số và tổ chức quân đội, yêu cầu bảo đảm cung cấp lương thực, thực phẩm cho quân Tưởng. Trước đòi hỏi ngang ngược đó, từ giữa tháng 9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị đổi tên Việt Nam Giải phóng quân thành Vệ Quốc đoàn (tức là một đoàn thể bảo vệ quốc gia). Cũng theo cách đó, để tránh những phức tạp, rắc rối và tránh tạo cớ cho kẻ thù đánh phá, để bảo toàn lực lượng, Đảng ta đã chủ động, công khai tuyên bố tự giải tán. Đây được coi là một tín hiệu thiện chí của ta (mặc dù quân Tưởng cũng biết là giải tán hình thức), khiến cho chúng không có cớ gì để gây sự.

Thứ hai, trong bối cảnh có nhiều đảng phái, tổ chức, đoàn thể chính trị người Việt đang ráo riết tuyên truyền, lôi kéo quần chúng nhân dân, nói xấu, vu cáo, chống phá Đảng Cộng sản, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; trong lúc một bộ phận nhân dân có tinh thần yêu nước, tinh thần dân tộc nhưng chưa có đầy đủ thông tin, hiểu biết về Đảng, lại bị bọn phản động tuyên truyền, xuyên tạc, Đảng đã quyết định tuyên bố tự giải tán để một mặt tránh mũi dùi công kích của kẻ thù, mặt khác, có điều kiện vận động, lôi kéo các nhân sĩ, trí thức, các nhà tư sản, địa chủ yêu nước nhưng không ưa cộng sản và một bộ phận nhân dân tham gia vào các cơ quan công quyền, vào sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc. Đảng đã thông qua Mặt trận Việt Minh, Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam (gọi tắt là Hội Liên Việt) để tập hợp, đoàn kết các tầng lớp nhân dân tham gia thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng đề ra.

Thứ ba, việc Đảng tuyên bố tự giải tán là sách lược, sự giải tán chỉ mang tính hình thức để Đảng có điều kiện hoạt động thuận lợi hơn trong bối cảnh thù trong, giặc ngoài đang tập trung chống phá. Nói về sự kiện này, Chủ tịch Hồ Chí Minh giải thích rõ: “Đứng trước tình hình gay go và cấp bách ấy, Đảng phải dùng mọi cách để sống còn, hoạt động và phát triển, để lãnh đạo kín đáo và có hiệu quả hơn và để có thời giờ củng cố dần dần lực lượng của chính quyền nhân dân, củng cố Mặt trận dân tộc thống nhất. Lúc đó, Đảng không thể do dự. Do dự là hỏng hết. Đảng phải quyết đoán mau chóng, phải dùng những phương pháp dù là những phương pháp đau đớn để cứu vãn tình thế”3.

Trên thực tế, tổ chức, số lượng đảng viên của Đảng vẫn không ngừng tăng lên nhanh chóng. Uy tín và vị thế lãnh đạo của Đảng ngày cành được khẳng định và củng cố. Trong phạm vi hoạt động bí mật, các văn kiện được ban hành vẫn chủ yếu ghi danh Đảng Cộng sản Đông Dương.

2. Đại hội đại biểu lần thứ II và việc Đảng ra công khai hoạt động

Tháng 2-1951, Đảng Cộng sản Đông Dương triệu tập Đại hội đại biểu lần thứ II tại huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang, giữa lòng căn cứ địa Việt Bắc. Tham dự Đại hội có 191 đại biểu, bao gồm 158 đại biểu chính thức và 33 đại biểu dự khuyết, thay mặt cho 73 vạn đảng viên trong toàn Đảng4. Vấn đề đặt ra là vì sao sau hơn 5 năm kể từ ngày tuyên bố tự giải tán, đến lúc này Đảng mới tổ chức Đại hội và ra công khai hoạt động, lấy tên mới là Đảng Lao động Việt Nam? Có mấy lý do sau:

Một là, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng (mặc dù về danh nghĩa là đã giải tán, lấy tên gọi chung là Hội hoặc Đoàn thể) đã phát triển mạnh mẽ, đã trải qua giai đoạn phòng ngự (tháng 9-1945 đến tháng 12-1947), giai đoạn cầm cự, chuyển hóa lực lượng, thế trận (tháng 1-1948 đến tháng 12-1950), đã thoát khỏi thế bị bao vây, được các nước XHCN và dân chủ nhân dân công nhận, ủng hộ về vật chất và tinh thần. Khi Đại hội II của Đảng được triệu tập, cuộc kháng chiến đang bước vào giai đoạn phản công và tiến công, tiến tới giành thắng lợi quyết định, kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Để lãnh đạo trực tiếp mọi lĩnh vực cuộc kháng chiến trong giai đoạn quan trọng này, Đảng cần phải ra công khai hoạt động, tiếp tục bổ sung, hoàn chỉnh Cương lĩnh cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và đường lối kháng chiến trong tình hình mới. Việc Đảng ra công khai hoạt động sẽ giải toả được phân vân, thắc mắc và đáp ứng được sự mong đợi của cán bộ, đảng viên, nhân dân, đồng thời khẳng định vị thế lãnh đạo của Đảng.

Hai là, thực dân Pháp, can thiệp Mỹ, các lực lượng phản động trong nước, đại diện là chính quyền, quân đội bù nhìn do Bảo Đại đứng đầu, đang ngày càng bị thất bại, lún sâu vào tình thế bị động phòng ngự trên chiến trường. Các thế lực này giờ đây không thể gây sức ép trực tiếp buộc Đảng và Chính phủ ta phải thực hiện theo các yêu cầu của chúng. Đảng, Chính phủ, nhân dân Việt Nam đã vượt qua được các khó khăn, trở lực, đã độc lập, tự chủ, sáng tạo trong các quyết sách của mình, cuộc kháng chiến đã lớn mạnh hơn bao giờ hết.

Ba là, mối quan hệ đoàn kết chiến đấu giữa Việt Nam với Lào, Campuchia ngày càng chặt chẽ, hiệu quả. Việt Nam đã ký hiệp định liên minh quân sự với Chính phủ kháng chiến Itxala của Lào, đã ký hiệp định thành lập Liên quân Việt-Lào; các đơn vị quân tình nguyện Việt Nam đã sát cánh chiến đấu với Quân giải phóng Lào. Việt Nam cũng đã ký với Ủy ban Cao Miên độc lập tuyên bố chung “Đoàn kết Việt-Miên-Lào chống Pháp” đã tổ chức lực lượng vũ trang hỗn hợp Miên-Việt; quân tình nguyện Việt Nam cũng đã sang Campuchia phối hợp chiến đấu với bộ đội Khơ me Itxarắc. Đã đến lúc cách mạng của mỗi nước cần nằm dưới sự lãnh đạo trực tiếp, độc lập, tự chủ của từng đảng; liên minh chiến đấu của ba nước Đông Dương sẽ tiến hành bàn bạc, phối hợp thống nhất hành động chung giữa ba đảng sau khi chia tách. Việc chia tách thành ba đảng ở ba nước cũng sẽ góp phần đả phá luận điệu của kẻ thù vu cáo Việt Nam có ý đồ thôn tính, sát nhập hai nước Lào, Campuchia vào Liên bang Đông Dương do Việt Nam thống trị.

Bốn là, tình hình quốc tế mặc dù có những tác động tiêu cực đến cách mạng nước ta nhưng cũng có những thuận lợi to lớn. Phe xã hội chủ nghĩa ngày càng đông đảo, lớn mạnh. Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, Liên Xô và các nước dân chủ nhân dân đã công nhận Chính phủ ta, điều đó khách quan đòi hỏi Đảng phải ra công khai hoạt động để lãnh đạo cuộc kháng chiến, để khẳng định tính chính danh và vị trí, vai trò trong hoạt động đối ngoại của Đảng, của Nhà nước. Các nước công nhận, giúp đỡ Việt Nam kháng chiến cũng mong muốn, đòi hỏi Đảng ra công khai hoạt động để góp thêm sức mạnh vào phong trào cách mạng thế giới, phong trào cộng sản và công nhân quốc tế chống lại chủ nghĩa thực dân, đế quốc. Đây cũng là cơ sở để Đảng Cộng sản cầm quyền, lãnh đạo ở những nước đó thiết lập quan hệ chính thức với Đảng.

Trong Báo cáo Chính trị trình bày tại Đại hội II của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu lên hai nhiệm vụ chính của Đại hội là: đưa kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn và tổ chức Đảng Lao động Việt Nam. Người nhấn mạnh: “phải có một đảng công khai, tổ chức hợp với tình hình thế giới và tình hình trong nước, để lãnh đạo toàn dân đấu tranh cho đến thắng lợi, Đảng đó lấy tên là Đảng Lao động Việt Nam. Về thành phần, Đảng Lao động Việt Nam sẽ kết nạp những công nhân, nông dân, lao động trí óc, thật hăng hái, thật giác ngộ cách mạng. Về lý luận, Đảng Lao động Việt Nam theo chủ nghĩa Mác-Lênin. Về tổ chức, Đảng Lao động Việt Nam theo chế độ dân chủ, tập trung. Về kỷ luật, Đảng Lao động Việt Nam phải có kỷ luật sắt, đồng thời là kỷ luật tự giác. Về luật phát triển, Đảng Lao động Việt Nam dùng lối phê bình, tự phê bình để giáo dục đảng viên, giáo dục quần chúng. Về mục đích trước mắt, Đảng Lao động Việt Nam đoàn kết và lãnh đạo toàn dân kháng chiến cho đến thắng lợi hoàn toàn, tranh lại thống nhất và độc lập hoàn toàn; lãnh đạo toàn dân thực hiện dân chủ mới, xây dựng điều kiện tiến đến chủ nghĩa xã hội. Đảng Lao động Việt Nam phải là một đảng to lớn, mạnh mẽ, chắc chắn, trong sạch, cách mạng triệt để. Đảng Lao động Việt Nam phải là người lãnh đạo sáng suốt, kiên quyết, trung thành của giai cấp công nhân, nhân dân lao động, của nhân dân Việt Nam, để đoàn kết và lãnh đạo toàn dân tộc kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn, để thực hiện dân chủ mới”5. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: sau khi Đảng ra công khai lãnh đạo cách mạng Việt Nam thì “nhiệm vụ thứ nhất, nhiệm vụ cấp bách nhất của Đảng ta ngày nay là phải đưa kháng chiến đến thắng lợi. Các nhiệm vụ khác đều phải phụ thuộc vào đó”6.

Bên cạnh việc Đảng ra công khai hoạt động, Đại hội II của Đảng đã thảo luận và đi đến quyết định tách Đảng Cộng sản Đông Dương thành ba đảng riêng ở Việt Nam, Lào, Campuchia. Đảng bộ Việt Nam lấy tên là Đảng Lao động Việt Nam. Về vấn đề mỗi nước nên có một đảng cách mạng riêng, “Thông cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương về việc đề nghị đổi tên Đảng”, tháng 7-1950, nêu rõ các lý do sau:

- Việt Nam, Lào, Campuchia tuy là ba quốc gia thuộc bán đảo Đông Dương cùng kẻ thù chung là thực dân Pháp nhưng có trình độ khác nhau về mọi mặt kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, chế độ dân chủ nhân dân ở Việt Nam ra đời, càng làm cho trình độ của Việt Nam khác với trình độ của Lào, Campuchia. Việt Nam đã có chính trị, kinh tế, văn hóa, dân chủ mới, trong khi Lào, Campuchia mới có chính quyền phản đế ở các vùng căn cứ địa du kích. Tuy cùng có mục đích đánh đổ đế quốc, bù nhìn tay sai, nhưng tính chất, cương lĩnh của cách mạng Việt Nam khác với cách mạng Lào, Campuchia. Nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam giờ đây là hoàn thành giải phóng dân tộc, củng cố, phát triển chế độ dân chủ nhân dân, tiến tới CNXH, khác với nhiệm vụ của cách mạng Lào, Campuchia là giải phóng dân tộc, lập chính quyền phản đế, tiến tới chế độ dân chủ nhân dân. Do vậy, Việt Nam, Lào, Campuchia cần có một chính đảng riêng ở mỗi nước, với cương lĩnh cách mạng riêng.

- Đã đến lúc Đảng phải ra công khai ở Việt Nam, nếu vẫn giữ tên là Đảng Cộng sản Đông Dương thì sẽ không có lợi trong việc cách mạng Việt Nam giúp đỡ cách mạng Lào, Campuchia. Vì những phần tử yêu nước có khuynh hướng quốc gia ở Lào, Campuchia dè dặt đối với sự giúp đỡ đó; họ có thể nghi ngờ là Việt Nam muốn thôn tính Ai Lao, Cao Miên. Các thế lực phản động sẽ tuyên truyền, vu cáo, gây chia rẽ giữa ba dân tộc, ảnh hưởng đến tình đoàn kết chiến đấu giữa ba nước. Trái lại, nếu lập đảng riêng thì sẽ phát triển tính tích cực, chủ động của những người cộng sản Lào, Campuchia7

Việc thành lập ba đảng ở ba nước không có hại cho phong trào cách mạng chung ở Đông Dương. Năm 1930, ta chủ trương lập Đảng Cộng sản Đông Dương vì lúc đó cùng bị thực dân Pháp thống trị, cùng chung một kẻ thù, cách mạng Việt Nam phát triển hơn. Lúc đó, nếu không có một Đảng Cộng sản duy nhất cho cả ba nước thì việc gây dựng phong trào cộng sản ở Lào, Campuchia sẽ bị chậm. Ngày nay tình hình đã thay đổi. Nhân dân Lào, Campuchia đứng lên kháng chiến giành độc lập dân tộc, Đảng bộ Cộng sản đã được thành lập và đang phát triển. Việc thành lập đảng riêng của Việt Nam lúc này không làm cho phong trào cách mạng ở Lào, Campuchia yếu đi, Đảng Lao động Việt Nam vẫn có trách nhiệm trực tiếp giúp đỡ các đảng anh em ở Lào, Campuchia8.

Vì sao lại đặt tên là Đảng Lao động Việt Nam? Thông cáo của Đảng cho rằng, trong hoàn cảnh lúc đó, Đảng lấy tên là Lao động căn cứ vào mấy lý do sau:

 -  Cách mạng Việt Nam đang tiến hành nhiệm vụ giải phóng dân tộc. Tên Đảng Lao động có lợi cho việc đại đoàn kết toàn dân đánh thực dân Pháp, củng cố Mặt trận dân tộc thống nhất trên cơ sở công nông liên minh và dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân hơn là tên Cộng sản. Mặc dù điều kiện cơ bản để thực hiện đại đoàn kết, củng cố Mặt trận dân tộc thống nhất là chính sách của Đảng đúng, cách vận động của Đảng mềm mỏng, nhưng dù mềm mỏng đến đâu đi nữa, nếu vẫn giữ tên Cộng sản thì một số tư sản, địa chủ yêu nước, trí thức tiến bộ, người có đạo vẫn e ngại khi đi với Đảng. Nay Đảng ra công khai với tên Đảng Lao động sẽ dễ gần gũi, cảm hóa họ.

- Tên Lao động tạo thuận lợi cho Đảng trong việc gây ảnh hưởng, phát triển vào các tầng lớp nhân dân lao động ở cả thành thị và nông thôn, lao động chân tay và trí óc, đặc biệt là trong những người theo đạo ở vùng tự do cũng như vùng tạm chiếm. Với tên Lao động, Đảng nhanh chóng trở thành một chính đảng có tính chất quần chúng. Đảng có mạnh thì quyền lãnh đạo của giai cấp công nhân mới được củng cố, chính sách của Đảng mới dễ dàng được thực hiện.

- Lấy tên là Đảng Lao động thì việc Chủ tịch Hồ Chí Minh và các lãnh tụ công khai tuyên bố đứng trong Đảng sẽ danh chính, ngôn thuận hơn, sẽ có ảnh hưởng to lớn đối với trong nước, quốc tế. Việc tuyên truyền của Đảng sẽ thuận lợi hơn.

 - Đảng không chỉ giúp đỡ cách mạng Lào, Campuchia mà còn có nghĩa vụ giúp đỡ phong trào cách mạng các nước Đông Nam Á như Malaixia, Inđônêxia, Miến Điện Trong khi các nước này đang ngăn cấm Đảng Cộng sản hoạt động, nếu lấy tên là Đảng Lao động thì việc giúp đỡ các nước đó sẽ thuận lợi hơn9

3. Việc Đảng ra công khai hoạt động thể hiện nét độc đáo trong lịch sử Đảng

Điều này thể hiện trên một số điểm sau:

Một là, trong quá trình ra đời, hoạt động lãnh đạo cách mạng, Đảng nhiều năm phải hoạt động bí mật để tránh tổn thất do sự khủng bố, đàn áp của kẻ thù. Năm 1930, Đảng phải tổ chức thành lập ở Hương Cảng, Trung Quốc. Năm 1935, Đảng phải họp Đại hội lần thứ nhất tại Ma Cao, Trung Quốc. Mười sáu năm sau (1951), Đảng mới tuyên bố ra công khai hoạt động trong Đại hội II của Đảng được tổ chức tại Việt Bắc. Trong 21 năm (1930-1951), hoạt động lãnh đạo của Đảng chủ yếu là bí mật, chỉ có ba khoảng thời gian: 1936-1939, Đảng hoạt động nửa công khai; tháng 9 đến tháng 11-1945, Đảng công khai hoạt động; sau đó, từ tháng 11-1945 đến tháng 2-1951, Đảng lại rút vào hoạt động bí mật nhưng thể hiện là nửa công khai. Điều này cho thấy hoạt động của Đảng rất linh hoạt để ứng phó, phù hợp với tình thế.

Hai là, tại Hội nghị Hợp nhất thành lập Đảng đầu năm 1930, chỉ có bốn đại biểu của hai tổ chức Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng và lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Đến Đại hội I của Đảng, số đại biểu cũng chỉ có hơn mười người, thay mặt cho mấy trăm đảng viên. Đến khi Đảng tuyên bố tự giải tán, số đảng viên của Đảng cũng chỉ có khoảng 5000 người. Nhưng đến Đại hội II của Đảng, khi tuyên bố ra công khai hoạt động, thì số đại biểu tham dự đã lên đến 191, đại diện cho 73 vạn đảng viên toàn Đảng. Ngoài ra còn có khách mời và Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Trung Quốc, Thái Lan đến dự. Đến thời điểm này, Đảng đã thực sự lớn mạnh, có số lượng đảng viên đông đảo, có đội ngũ cán bộ lãnh đạo dày dạn kinh nghiệm, đã và đang lãnh đạo cuộc kháng chiến kiến quốc giành được những thắng lợi to lớn.

Ba là, lúc mới thành lập (đầu năm 1930), Đảng lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam. Đến tháng 10-1930, Đảng đổi tên thành Đảng Cộng sản Đông Dương. Sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, tháng 11-1945, Đảng tuyên bố tự giải tán, lấy tên gọi tổ chức mới là Hội những người nghiên cứu chủ nghĩa Mác ở Đông Dương. Đến tháng 2-1951, Đảng ra hoạt động công khai, chủ trương chia tách Đảng Cộng sản Đông Dương thành ba đảng riêng ở mỗi nước. Ở Việt Nam, Đảng lấy tên là Đảng Lao động Việt Nam. Tên gọi mới của Đảng vào thời điểm đó cũng làm cho một số cán bộ, đảng viên lúc đầu chưa hiểu rõ, nảy sinh thắc mắc. Sau khi được giải thích, đã biểu thị sự đồng tình với tên gọi mới của Đảng. Đây cũng thể hiện sự độc đáo trong hoạt động của Đảng.

Bốn là, khi mới thành lập, Đảng nhận thức Đảng là tổ chức tiền phong của giai cấp công nhân. Đến Đại hội II của Đảng cho rằng: “trong giai đoạn này, quyền lợi của giai cấp công nhân và nhân dân lao động và của dân tộc là một. Chính vì Đảng Lao động Việt Nam là Đảng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, cho nên nó phải là Đảng của dân tộc Việt Nam”10.

Như vậy, về mặt nhận thức, Đảng đã có sự phát triển phù hợp với thực tiễn, đã nhận thức rõ hơn về tính đại diện, về vai trò, sứ mệnh của Đảng nên đã có các chủ trương, chính sách tập hợp, đoàn kết được ngày càng đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia cách mạng, kháng chiến dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Từ bí mật ra công khai hoạt động, chặng đường hơn hai thập kỷ kể từ khi Đảng ra đời đã chứng tỏ sự độc lập, sáng tạo, linh hoạt về chủ trương, đường lối, sách lược của Đảng nhằm mục tiêu bảo toàn, xây dựng, phát triển lực lượng lãnh đạo, vận động, đoàn kết quần chúng và phù hợp với tình thế, thời cuộc để lãnh đạo cuộc kháng chiến đến thắng lợi cuối cùng.

 

Bài đăng trên Tạp chí Lịch sử Đảng (in), số 4/2021

1. Hội nghị Trung ương Đảng tháng 10-1930 quyết định đổi tên Đảng Cộng sản Việt Nam thành Đảng Cộng sản Đông Dương

2. Thường gọi đội quân này là “quân Tưởng”

3, 5, 6, 10. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2001, T. 12, tr. 21, 37-38, 38, 38

4. Sđd, T. 12, tr. 481. Có tài liệu viết là 53 đại biểu dự khuyết và hơn 76 vạn đảng viên

7, 8, 9. Sđd, T. 11, tr. 367, 368, 371-372.