Tóm tắt: Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất, đồng thời là nhà báo cách mạng vĩ đại, người khai sinh và đặt nền móng cho nền báo chí cách mạng Việt Nam. Nếu tính từ bài báo đầu tiên “Quyền của các dân tộc thuộc địa”, đăng trên Báo Nhân Đạo, ngày 18-6-1919, đến bài báo cuối cùng “Thư trả lời Tổng thống Mỹ R.M.Nich-xơn”, đăng trên Báo Nhân Dân ngày 25-8-1969, Người đã có 50 năm đóng góp cho sự nghiệp báo chí cách mạng, để lại cho Đảng, cho dân tộc, cho nhân dân ta một kho tàng báo chí đồ sộ với nhiều thể loại báo chí khác nhau với nhiều phong cách, thể loại, sắc thái, biểu cảm; thể hiện một chủ đề xuyên suốt của báo chí là đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân đế quốc, chống phong kiến địa chủ, tuyên truyền độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Những quan điểm, phong cách báo chí của Người làm cơ sở nền tảng cho việc xây dựng nền báo chí cách mạng Việt Nam trong gần 100 năm qua và tiếp tục được Đảng vận dụng hiện nay.

Từ khóa: Hồ Chí Minh; báo chí cách mạng Việt Nam; sự vận dụng của Đảng

1. Những đóng góp của Hồ Chí Minh với sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam

Một là, Hồ Chí Minh - Người đặt nền móng xây dựng nền báo chí cách mạng Việt Nam.

Là người am hiểu tinh hoa văn hóa Đông - Tây, kim cổ và sớm tiếp thu văn hóa cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin, Hồ Chí Minh đã thấy vai trò, sức mạnh to lớn, của báo chí đối với sự nghiệp cách mạng của giai cấp vô sản; báo chí với việc tuyên truyền, giáo dục nâng cao dân trí, bồi dưỡng đạo đức và nhân tài cho đất nước. Hồ Chí Minh luôn xem báo chí là một vũ khí sắc bén, công cụ quan trọng hàng đầu, phục vụ đắc lực cho công tác tuyên truyền, cổ động, đoàn kết và tập hợp nhân dân đứng lên tham gia cách mạng, đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân, đế quốc và bọn phong kiến tay sai phản động.

Theo Hồ Chí Minh, để làm cách mạng thành công cần phải có lý luận khoa học soi đường, chỉ lối, làm định hướng và phương hướng chính trị đúng đắn. Nhận thức sâu sắc vai trò, tầm quan trọng của báo chí đối với công tác tuyên truyền lý luận cách mạng, ngày 21-6-1925, tại Quảng Châu (Trung Quốc), lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã lập ra tờ báo Thanh Niên, cơ quan ngôn luận của tổ chức Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên - Tổ chức tiền thân của Đảng. Đây là tờ báo cách mạng đầu tiên của Việt Nam. Báo Thanh Niên giữ vai trò lịch sử đặc biệt quan trọng, mở đầu cho việc tuyên truyền chủ nghĩa yêu nước, phong trào cách mạng, lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin. Báo viết bằng chữ quốc ngữ được bí mật đưa về trong nước truyền bá tư tưởng cách mạng đến những người Việt Nam yêu nước, nhất là trong tầng lớp thanh niên, công nhân.

Theo dòng chảy của nền báo chí cách mạng, Hồ Chí Minh tiếp tục lập ra nhiều tờ báo khác nhằm tuyên truyền, giáo dục lý luận cách mạng vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam như: Công Nông , Lính Kách mệnh (1925), Thân Ái (1928), Tạp chí Đỏ (1930). Sau khi trở về nước lãnh đạo cách mạng (1941), Hồ Chí Minh tiếp tục chỉ đạo việc lập nhiều cơ quan báo chí để tuyên truyền, kêu gọi, khích lệ, đoàn kết và tập hợp đông đảo quần chúng nhân dân tham gia đấu tranh cách mạng; kết hợp vừa tuyên truyền, vừa kháng chiến vừa kiến quốc, vừa tham gia đấu tranh giành độc lập, thống nhất nước nhà. Tiêu biểu như các tờ: Việt Nam Độc lập (1941), Cứu quốc (1942). Hồ Chí Minh còn ra chỉ thị thành lập Đài phát thanh Quốc gia (nay là Đài Tiếng nói Việt Nam) ngày 7-9-1945; thành lập Hãng tin Quốc gia (nay là Thông tấn xã Việt Nam) ngày 15-9-1945; báo Sự Thật (nay là báo Nhân Dân), ngày 11-3-1951, mở đầu cho dòng báo chí cách mạng phát triển rộng khắp sau khi giành được chính quyền về tay nhân dân.

Hồ Chí Minh không chỉ chủ động trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng nền báo chí cách mạng, Người còn trực tiếp viết bài cho nhiều tờ báo. Với hơn 50 năm cầm bút, với hơn 170 bút danh, 2.000 bài báo, thực hiện bằng nhiều ngôn ngữ, nhiều thứ tiếng khác nhau, thực hiện trên nhiều thể loại, chủ đề, nhưng xuyên suốt là: tuyên truyền cho độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, cho độc lập nước nhà, cho hòa bình thế giới.

Hai là, quan điểm của Hồ Chí Minh về báo chí là cơ sở lý luận về vai trò của báo chí và xây dựng nền báo chí cách mạng Việt Nam.

Những quan điểm của Hồ Chí Minh về lý luận xây dựng nền báo chí cách mạng thể hiện ở những nội dung nổi bật sau:

Thứ nhất, sự cần thiết phải phát huy vai trò của báo chí cách mạng trong đấu tranh giành tự do, độc lập, thống nhất Tổ quốc và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Vì không có báo chí “thì không thể tiến hành được một cách có hệ thống cuộc tuyên truyền, cổ động hết sức có nguyên tắc và toàn diện”1. Điều đó đã khẳng định vai trò to lớn của báo chí đối với sự nghiệp cách mạng của giai cấp vô sản, đồng thời nhắc nhở những người cộng sản muốn làm cách mạng thành công, việc trước hết là phải có một tờ báo để đảm nhiệm công tác tuyên truyền, giáo dục và định hướng chính trị cho mọi người. Sự cần thiết của việc phát huy vai trò báo chí là nhằm đấu tranh, lên án chống chủ nghĩa thực dân, đế quốc, phong kiến và đấu tranh giành độc lập cho dân tộc; đồng thời, thông qua báo chí để khẳng định và đòi quyền tự do, dân chủ, cơm áo, hòa bình cho dân tộc; khẳng định bản chất cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin đối với con đường cách mạng Việt Nam. Qua đó, góp phần củng cố niềm tin, nâng cao nhận thức, quan điểm, lập trường cho các giai tầng trong xã hội tin tưởng vào con đường cách mạng do Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn.

Thứ hai, nhiệm vụ chính trị của báo chí cách mạng là tuyên truyền, giáo dục, cổ động, huấn luyện và tổ chức nhân dân, đưa nhân dân đấu tranh vì mục tiêu chung của cách mạng, đó là độc lập dân tộc và CNXH, trong đó phải đặc biệt coi trọng giáo dục lý luận Mác - Lênin, quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Hồ Chí Minh chỉ rõ nhiệm vụ chính trị xuyên suốt của tờ báo là: “Ra sức tuyên truyền, giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin và đường lối, chính sách của Đảng trong quần chúng, tổ chức quần chúng thực hiện các chủ trương, chính sách và nghị quyết của Đảng; phát triển ảnh hưởng của Đảng trong quần chúng2. Đồng thời, phải ra sức tuyên truyền những âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù chống phá cách mạng một cách quyết liệt, nhằm bảo vệ những lợi ích của giai cấp, dân tộc và của nhân dân. Trong Thư gửi Đại hội báo giới, năm 1947, Hồ Chí Minh yêu cầu nhiệm vụ của báo chí cách mạng Việt Nam phải: “Vạch rõ âm mưu, chính sách và những hành động tàn bạo của địch,... Cổ động dân chúng, huấn luyện dân chúng, bày cho dân chúng tổ chức lực lượng của mình”3. Có nghĩa là nhiệm vụ của tờ báo phải vừa xây, đồng thời phải vừa chống, vừa tuyên truyền giáo dục những quan điểm chính thống của Đảng, vừa phải đấu tranh lên án, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, góp phần bảo vệ những quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và chế độ XHCN.

Thứ ba, tôn chỉ, mục đích của báo chí cách mạng là nhằm tập hợp, cổ vũ toàn dân, động viên toàn dân, đoàn kết toàn dân, nhằm thi đua ái quốc, xây dựng xã hội mới ngày càng phát triển, sánh vai với các cường quốc năm châu trên thế giới. Trong bức Điện chúc mừng Hội nhà báo Á - Phi, năm 1965, Hồ Chí Minh viết: “Đối với những người viết báo chúng ta, cái bút là vũ khí sắc bén, bài báo là tờ hịch cách mạng để động viên quần chúng đoàn kết đấu tranh, chống chủ nghĩa thực dân cũ và mới, chống chủ nghĩa đế quốc, đứng đầu là đế quốc Mỹ, vì độc lập dân tộc, tiến bộ xã hội và hòa bình thế giới”4.

Mục đích của báo chí cách mạng là cho ra đời những tác phẩm có giá trị, phục vụ nhiệm vụ kháng chiến và kiến quốc, xây dựng và bảo vệ xã hội mới ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn. Trong Thư gửi anh em văn hóa và trí thức Nam Bộ, ngày 25-5-1947, Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Ngòi bút của các bạn cũng là những vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính trừ tà, mà anh em văn hoá và trí thức phải làm cũng như là những chiến sĩ anh dũng trong công cuộc kháng chiến để tranh lại quyền thống nhất và độc lập cho Tổ quốc”5. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, báo chí cách mạng Việt Nam đã trở thành tiếng nói và kênh thông tin chủ yếu trong công cuộc xây dựng xã hội mới, đạo đức mới, nếp sống mới và đời sống mới; nhất là trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Nhà nước trong thời kỳ vừa kháng chiến vừa kiến quốc.

 Thứ tư, nội dung của báo chí cách mạng phải phản ánh chân thật, đơn giản, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, thiết thực với đời sống, hoạt bát, không cứng nhắc, giáo điều, dập khuôn, nhưng đồng thời phải đảm bảo tính đảng, tính cách mạng, tính định hướng và tính nhân văn trong mỗi bài báo. Khi các nhà báo hỏi về đề tài viết báo, Hồ Chí Minh khẳng định: “Về nội dung viết, mà các cô các chú gọi là "đề tài", thì tất cả những bài Bác viết chỉ có một "đề tài" là: chống thực dân đế quốc, chống phong kiến địa chủ, tuyên truyền độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Duyên nợ của Bác đối với báo chí là như vậy đó”6. Đây là một nội dung rộng lớn, tư tưởng bao trùm, xuyên suốt, đồng thời cũng là duyên nợ lớn nhất của Người đối với báo chí cách mạng, chi phối toàn bộ tư tưởng, sự nghiêp, tình cảm của Hồ Chí Minh về báo chí cách mạng.

Thứ năm, đối tượng của báo chí cách mạng là phục vụ đại đa số nhân dân, phục vụ mọi thành phần, dân tộc, giai cấp, lứa tuổi trong xã hội, không phân biệt một ai, ai cũng được quyền hưởng thụ sản phẩm báo chí, với mục đích nâng cao trình độ dân trí, văn hóa, tri thức cho mọi người dân trong xã hội.

 Thứ sáu, hình thức, phương pháp tuyên truyền của báo chí cách mạng phải kết cấu chặt chẽ, khoa học, rõ ràng, mạch lạc, nhằm thu hút đông đảo người xem, người đọc. Người yêu cầu: “Viết phải thiết thực, “nói có sách, mách có chứng”, tức là nói cái việc ấy ở đâu, thế nào, ngày nào, nó sinh ra thế nào, phát triển thế nào, kết quả thế nào? Vài thí dụ: Chống tham ô, lãng phí thì nêu rõ ai tham ô, ai lãng phí? Cơ quan nào tham ô? Lãng phí cách thế nào? Ngày tháng nào? v.v.. Chớ viết lung tung”7. Người yêu cầu: “Công tác tuyên truyền phải cụ thể, thiết thực. Tuyên truyền cái gì? Tuyên truyền cho ai? Tuyên truyền để làm gì? Tuyên truyền cách thế nào? Đó là những vấn đề các chú phải tự hỏi, tự trả lời. Chứ không phải chờ trên gửi tài liệu xuống, rồi theo một, hai, ba, bốn mà làm”8. Tuyên truyền về mục tiêu, con đường cách mạng của Đảng, Nhà nước, Người yêu cầu cốt yếu phải thiết thực, hiệu quả, ngắn gọn, tránh lý luận suông, giáo điều làm giảm tính hiệu quả trong tuyên truyền.

Ba là, phong cách báo chí Hồ Chí Minh là cơ sở xây dựng nền báo chí cách mạng Việt Nam với phong cách chuyên nghiệp, khoa học và hiện đại.

Với hàng nghìn bài báo thuộc nhiều thể loại của Hồ Chí Minh, đã toát lên một phong cách báo chí vừa độc đáo, chân thực, ngắn gọn, xúc tích, vừa giản dị, trong sáng, dễ hiểu, dễ làm và dễ đi vào lòng người. Phong cách đó được thể hiện cụ thể như sau:

Phong cách viết báo chân thực. Trong mỗi tiêu đề, chủ đề bài báo, mỗi nội dung Hồ Chí Minh viết ra đều gắn liền với tính thực tiễn của cuộc sống nhân dân lao động, gắn với hoạt động lao động, sản xuất và chiến đấu, gắn với những con số cụ thể và hoàn cảnh cụ thể. Mỗi nội dung Người đều có luận cứ để chứng minh cho sự kiện viết ra, gắn với những sự kiện diễn ra trên thực tế của đất nước. Những sự kiện đó đều được Người lựa chọn một cách công phu, nghiêm túc, cẩn thận và kiểm tra kỹ lưỡng trong mỗi bài viết. Mỗi khi đến dự Hội nghị báo chí hoặc đến nói chuyện với các nhà báo, Người thường dạy các nhà báo: “Trước khi in, các chú gửi cho Bác xem một số bài. Viết giản dị thôi và phải đúng sự thật. Không được bịa ra”9.

Theo Người: “Mỗi ngày, chúng ta ai cũng rửa mặt. Rửa mặt rồi, thì chải đầu. Nhiều người chải đầu rồi, còn soi gương xem đã sạch, đã mượt chưa. Nếu viết bài và diễn thuyết cũng cẩn thận như thế thì chắc không đến nỗi có nhiều khuyết điểm. Không biết rõ, hiểu rõ, chớ nói, chớ viết. Khi không có gì cần nói, không có gì cần viết, chớ nói, chớ viết càn. Khi viết xong một bài báo, một bản báo cáo, hoặc thảo một bài diễn văn, nhất định phải đọc lại vài lần. Mình tự phê bình bài của mình, hỏi ý kiến đồng chí khác. Những câu, những chữ thừa, vô ích bỏ đi. Rửa mặt phải kỳ xát vài ba lần mới sạch. Viết văn, diễn thuyết cũng phải như vậy10

Phong cách viết báo ngắn gọn. Đặc trưng tiêu biểu trong phong cách báo chí Hồ Chí Minh là diễn đạt rõ ràng ngắn gọn, đễ hiểu. Theo Hồ Chí Minh, trong viết báo phải ngắn gọn, nội dung rõ ràng.

Ngắn gọn có nghĩa là gọn gàng, rõ ràng, có đầu, có đuôi, có nội dung thiết thực, thấm thía, chắc chắn. Muốn vậy, mỗi nhà báo cần phải tránh lối hết sáo rỗng, dài dòng về hình thức. Người yêu cầu: “Phải viết gọn gàng, rõ ràng, vắn tắt. Nhưng vắn tắt không phải là cụt đầu, cụt đuôi, mà phải có đầu, có đuôi”11. Sự ngắn gọn, súc tích trong các bài nói, bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh được kế thừa và phát triển phong cách hiền triết phương Đông - ghi ít, nhớ nhiều, “ý tại ngôn ngoại”.

Phong cách viết báo giản dị. Những bài báo của Hồ Chí Minh, thường thể hiện rất giản dị, từ việc dùng những lời lẽ, biểu cảm cũng rất dễ hiểu, dễ nhớ, gần gũi với đời sống hàng ngày, gần gũi với nhân dân; hạn chế những dùng những từ hoa mỹ, mỹ miều, hạn chế những từ vay mượn, từ Hán Việt, khiến cho người nghe, người đọc càng thêm khó hiểu. Người cho rằng, báo chí là vũ khí sắc bén của Đảng, của Nhà nước, nhưng đồng thời cũng là cầu nối, là phương tiện thông tin thiết yếu của Đảng đối với quần chúng nhân dân; do vậy, những nội dung báo chí viết ra phải ngắn gọn, giản dị, trong sáng, dễ hiểu, dễ đi vào lòng người; tránh gây hiểu nhầm. Tuy nhiên, viết giản dị không có nghĩa là đơn giản, qua loa, đại khái, mà giản dị theo tư tưởng của Người là dễ hiểu, gần gũi với đời sống nhân dân lao động, gần gũi truyền thống, văn hóa, phong tục, tập quán, suy nghĩ của dân tộc Việt Nam, phù hợp với trình độ nhận thức của quần chúng nhân dân lao động. Để làm được điều này, theo Hồ Chí Minh, mỗi nhà báo phải tích cực tu dưỡng, rèn luyện thường xuyên về mọi mặt, trau dồi đạo đức cách mạng, chuyên môn nghiệp vụ, thực hiện mắt sáng, lòng trong, bút sắc mới hoàn thành được sự nghiệp cách mạng của mình.

Phong cách viết báo dễ hiểu. Đây cũng là phong cách nổi bật của Hồ Chí Minh khi làm báo cách mạng. Người chỉ rõ: “1. Phải học cách nói của quần chúng. Chớ nói như cách giảng sách. Mỗi tư tưởng, mỗi câu nói, mỗi chữ viết, phải tỏ rõ cái tư tưởng và lòng ước ao của quần chúng. 2. Phải luôn luôn dùng những lời lẽ, những thí dụ giản đơn, thiết thực và dễ hiểu. 3. Khi viết, khi nói, phải luôn luôn làm thế nào cho ai cũng hiểu được. Làm sao cho quần chúng đều hiểu, đều tin, đều quyết tâm theo lời kêu gọi của mình. Bao giờ cũng phải tự hỏi: "Ta viết cho ai xem? Nói cho ai nghe?". 4. Chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ, chớ nói, chớ viết. 5. Trước khi nói, phải nghĩ cho chín, phải sắp đặt cẩn thận... Sau khi viết rồi, phải xem đi xem lại ba, bốn lần. Nếu là một tài liệu quan trọng, phải xem đi xem lại chín, mười lần”12.

Theo Hồ Chí Minh, muốn viết báo trong sáng, giản dị, dễ hiểu cần phải học cách nói quần chúng, phải gần gũi với quần chúng, phải đi sâu vào quần chúng, đồng thời phải thường xuyên nắm bắt tâm tư và nguyện vọng của quần chúng thì mới nói và viết sát với thực tế được. Tránh viết theo lối lý luận suông, giáo điều, máy móc, xa rời với thực tiễn. Người khuyên dạy các nhà báo, phải thường xuyên chống căn bệnh hay nói chữ, bệnh sính dùng chữ nước ngoài, như thế là một tật xấu, mà các nhà báo cần phải loại bỏ. Khi nói chuyện với các nhà báo ở Đại hội lần thứ II Hội Nhà báo Việt Nam (16-4-1959), Người phê phán: “Cố nhiên, có những chữ không thể dịch được thì ta phải mượn chữ nước ngoài. Ví dụ: Những chữ kinh tế, chính trị, v.v.., thì ta phải dùng. Hoặc có những chữ nếu dịch ra thì mất cả ý nghĩa, như chữ "độc lập". Nếu "Việt Nam độc lập" mà nói "Việt Nam đứng một" thì không thể nghe được. Nhưng có những tiếng ta sẵn có, thì tại sao lại dùng chữ nước ngoài. Ví dụ: Vì sao không nói "đường to" mà lại nói "đại lộ", không nói "người bắn giỏi" mà lại nói "xạ thủ", không nói "hát múa" mà lại "ca vũ"?”13.

Phong cách viết báo mang đậm tính chính trị. Theo Người, báo chí phải là tiếng nói của Đảng, thể hiện quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhằm mang lại lợi ích cho dân tộc và nhân dân. Báo chí theo Hồ Chí Minh chỉ đúng về chính trị khi nó được đặt dưới sự lãnh đạo toàn diện của một Đảng cách mạng chân chính, trên nền tảng khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin, quan điểm, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước. Một Đảng mang bản chất của giai cấp công nhân, gắn bó mật thiết với nhân dân lao động và toàn thể dân tộc Việt Nam. Về vấn đề báo chí phục vụ ai, Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Báo chí của ta thì cần phải phục vụ nhân dân lao động, phục vụ chủ nghĩa xã hội, phục vụ cho đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà, cho hoà bình thế giới”14.

Ngược lại, báo chí phải luôn tuyệt đối trung thành với Đảng, ra sức bảo vệ Đảng, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ lợi ích của giai cấp, dân tộc; bảo vệ độc lập, tự do, hạnh phúc cho đồng bào; bảo vệ quan điểm, nguyên tắc, bản chất, quy luật của Đảng. Với Hồ Chí Minh, báo chí ta không phải để cho một số ít người xem, mà để phục vụ nhân dân, để tuyên truyền giải thích đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ, cho nên phải có tính chất quần chúng và tinh thần chiến đấu. Đồng thời, báo chí phải đảm bảo tính chiến đấu, tính phê phán, phản bác có hiệu quả các quan điểm sai trái, thù địch dưới mọi hình thức và quy mô biểu hiện. 

Đối với Hồ Chí Minh, làm báo là làm cách mạng, do đó cần phải thường xuyên đổi mới và sáng tạo không ngừng, để đáp ứng yêu cầu của thời đại. Thực tiễn cho thấy, Người đã thể hiện một phong cách làm báo độc đáo, mang lại nhiều nội dung, chứa đựng nhiều giá trị to lớn đối với nền báo chí cách mạng Việt Nam trong thời đại mới. Mỗi bài viết của Người luôn thể hiện nét đặc sắc sinh động, hấp dẫn, dễ hiểu, dễ đi vào lòng người, dễ đến với người nghe, người đọc; góp phần cổ động tư tưởng, nâng cao nhận thức và hành động cách mạng cho mọi đối tượng trong xã hội. Phong cách làm báo của Hồ Chí Minh luôn gắn liền với phong cách của một nhà lãnh đạo, chỉ đạo trong thực tiễn cách mạng, vừa có tính khác biệt, sáng tạo và đổi mới vừa đảm bảo yếu tố quần chúng nhân dân rộng lớn, nhằm đảm bảo cho mọi người đều có thể học, đọc, tiếp thu và vận dụng một cách hiệu quả trong công tác và cuộc sống.

2. Một số vấn đề đặt ra đối với công tác báo chí hiện nay

Trong bối cảnh mới, báo chí Việt Nam tiếp tục phát huy vai trò tuyên truyền chủ trương đường lối của Đảng, góp phần đẩy mạnh công cuộc đổi mới, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Đại hội XIII (2021) của Đảng xác định: Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại… Kiên quyết đấu tranh, loại bỏ các sản phẩm, thông tin độc hại, xuyên tạc, phản động, ảnh hưởng xấu đến ổn định chính trị - xã hội, thuần phong mỹ tục 15. Để thực hiện những mục tiêu đề ra,  cần tập trung vào một số nội dung cơ bản sau đây:

Một là, vận dụng vào công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho các cơ quan báo chí và đội ngũ nhà báo về những di sản báo chí của Hồ Chí Minh. Trong đó tập trung luận giải sâu sắc những quan điểm lý luận chính trị của Người cho đội ngũ những người làm báo và các cơ quan báo chí để từ đó vận dụng cho phù hợp với thực tiễn cách mạng hiện nay. Đảm bảo những quan điểm, tư tưởng của Hồ Chí Minh về báo chí cách mạng là cẩm nang, nền tảng tư tưởng vững chắc, định hướng, soi đường cho các cơ quan báo chí và đội ngũ những người làm báo trong bối cảnh mới.

Hai là, tăng cường vận dụng những quan điểm lý luận chính trị của Hồ Chí Minh như: sự cần thiết của việc phát huy vai trò báo chí, nhiệm vụ chính trị của báo chí cách mạng, mục đích của báo chí cách mạng, tôn chỉ của báo chí cách mạng, nội dung của báo chí cách mạng, đối tượng của tờ báo cách mạng, hình thức và phương pháp của báo chí cách mạng cho đội ngũ những người làm báo. Hướng tới xây dựng một nền báo chí cách mạng, nhân văn và hiện đại.

Ba là, vận dụng những quan điểm, phong cách báo chí của Hồ Chí Minh vào công tác giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà báo, nhất là những người đứng đầu các cơ quan báo chí. Thông qua những chỉ dẫn của Hồ Chí Minh về báo chí cách mạng lấy đó làm gốc, làm nền tảng cho công tác giáo dục, đính hướng cho việc xây dựng đội ngũ nhà báo ngày càng vững vàng về kiến thức, giỏi về chuyên môn, mạnh về phương pháp đấu tranh cách mạng; có phong cách làm báo chân thực, ngắn gọn, giản dị, trong sáng, dễ hiểu và mang đậm tính chính trị Hồ Chí Minh.

Bốn là, vận dụng quan điểm, phong cách báo chí của Hồ Chí Minh trong việc phát huy vai trò báo chí cách mạng vào công tác xây dựng Đảng, bảo vệ Đảng, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Đây là một trong những nội dung rất quan trọng theo tinh thần Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới. Đòi hỏi các cấp, các ngành, các tổ chức, trong đó các cơ quan báo chí cần phải phát huy mạnh mẽ vai trò của mình trong việc thực hiện nhiệm vụ để phục đấu tranh, phản bác hiệu quả với các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ.

Để mang lại hiệu quả cao trong việc vận dụng quan điểm, phong cách báo chí của Hồ Chí Minh, các cơ quan báo chí và những người làm báo cần phải linh hoạt, sáng tạo, đổi mới, không dập khuôn, giáo điều, máy móc. Quá trình vận dụng phải dựa trên cơ sở nền tảng của tư tưởng Hồ Chí Minh làm gốc rễ, làm phương hướng, định hướng chính trị để chỉ đạo nhận thức và hành động trong thực tiễn cho mỗi nhà báo và các cơ quan báo chí. Tuy nhiên, cũng phải căn cứ và tùy thuộc vào thực tiễn tình hình để vận dụng cho linh hoạt, nhằm mục đích mang lại hiệu quả ngày càng cao, phục vụ cho sự nghiệp báo chí của Đảng

Để làm cho nền báo chí cách mạng Việt Nam ngày càng phát triển, tiến bộ và trưởng thành, thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng nền báo chí ngày nước nhà ngày càng khoa học, nhân văn và hiện đại.

Hồ Chí Minh là người sáng lập và rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng thời là người sáng lập nền bào chí cách mạng cách mạng Việt Nam. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Hồ Chí Minh đã để lại những quan điểm và phong cách làm báo đặc biệt xuất sắc, đến nay vẫn còn nguyên giá trị, tiếp tục là nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho Đảng trong việc xây dựng nền báo chí ngày càng chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại; tuyên truyền các quan điểm chính thống của Đảng và Nhà nước; đấu tranh phản bác kịp thời các quan điểm sai trái, thù địch, góp phần giữ vững bản chất cách mạng, sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và chế độ cả hiện nay và mai sau.

 

Ngày nhận: 5-8-2024; ngày thẩm định, đánh giá: 20-1-2025; ngày duyệt đăng: 25-01-2025

1. Lịch sử Báo chí cách mạng Việt Nam (1925 - 2010), Nxb CTQG, H, 2013, tr. 46

2, 4, 8. Hồ Chí Minh Toàn tậpNxb CTQG, H, 2011, T. 14, tr. 243, 540, 159

3, 5, 10, 12. Hồ Chí Minh Toàn tậpNxb CTQG, H, 2011, T. 5, tr. 210, 157, 342, 345-346

6, 13, 14. Hồ Chí Minh Toàn tậpNxb CTQG, H, 2011, T. 12, tr. 171, 164-165, 166

7, 11. Hồ Chí Minh Toàn tậpNxb CTQG, H, 2011, T. 8, tr. 208, 208.

9. Hồ Chí Minh Toàn tậpNxb CTQG, H, 2011, T. 15, tr. 673.

15. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb CTQGST, H, 2021, T.1, tr. 146.