Tóm tắt: Những năm đầu của quá trình thực hiện đường lối đổi mới (1986-1989) là giai đoạn vật lộn với nhiều nhiều khó khăn, phức tạp. Song công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo đã bước đầu đạt được những thành tựu quan trọng. Thực tế đó đã khẳng định tính đúng đắn, quyết tâm đổi mới, bản lĩnh của Đảng. Đảng không chỉ kiên định lập trường vững vàng, mà còn thể hiện sự quyết tâm chiến lược, không ngừng trăn trở tìm ra những bước đi thích hợp trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến hết sức phức tạp.
Từ khóa: Đảng lãnh đạo; đổi mới; vượt qua khó khăn; 1986 -1989
1. Chủ trương của Đảng giải quyết khó khăn, thực hiện công cuộc đổi mới đất nước
Đường lối đổi mới toàn diện của Đảng được triển khai thực hiện, cũng là lúc tình hình thế giới biến động vô cùng phức tạp ở Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu gây ra nhiều bất lợi. Trong nước, khủng hoảng kinh tế diễn ra nghiêm trọng, lạm phát ở mức cao, giá cả thị trường tăng vọt: giá thị trường năm 1986 tăng 4,5 lần, riêng các mặt hàng thiết yếu tăng gần 9 lần1. Nhà nước phải liên tục tăng giá thu mua để có thể mua đủ số nông sản cần thiết. Tăng giá thu mua dẫn tới tăng lượng tiền phát hành. Sản lượng lương thực năm 1986 đạt 18,5 triệu tấn (quy thóc), “tuy có tăng khoảng 30 vạn tấn so với năm 1985, nhưng hụt kế hoạch 1,5 triệu tấn”2. Tình hình lương thực ở các tỉnh phía Bắc rất căng thẳng. Thu mua lương thực không đạt kế hoạch, vận chuyển gạo từ miền Nam ra Bắc đạt thấp, trong khi đó lại phải hỗ trợ thêm cho các vùng bị thiên tai. Lưu thông khó khăn, ách tắc. Các xí nghiệp đứng trước nhiều khó khăn về nguyên vật liệu...
Trong lĩnh vực kinh tế đối ngoại, kim ngạch xuất nhập khẩu mất cân đối; nhiều mặt hàng xuất khẩu quan trọng không đạt kế hoạch, “những mặt hàng, như rau quả đáng lẽ phải làm tốt hơn nhưng lại chỉ đạt 71% kế hoạch. Ngoại tệ thu được từ xuất khẩu sang khu vực ngoài xã hội chủ nghĩa, do chưa có cơ chế rõ ràng nên Nhà nước Trung ương chỉ nắm được 16,5%, không đủ để nhập khẩu những vật tư cần thiết đáp ứng nhu cầu cấp bách của nền kinh tế. Tình trạng tranh mua hàng xuất khẩu, đẩy giá lên cao vẫn còn phổ biến. Nhiều vấn đề như chính sách đầu tư cho sản xuất, giá mua và tổ chức thu mua, v.v.. vẫn chưa được giải quyết”3. Quan hệ kinh tế giữa Việt Nam với Liên Xô, các nước Đông Âu bị thu hẹp.
Về mặt an ninh, quốc phòng, chủ quyền lãnh thổ trên tuyến biên giới phía Bắc và quần đảo Trường Sa diễn biến phức tạp. Các thế lực thù địch tiếp tục cô lập Việt Nam. Mỹ và một số nước đồng minh của Mỹ tiếp tục cấm vận đối với Việt Nam.
Trước những khó khăn trên, nhiệm vụ cấp bách được Đảng đặt ra là tháo gỡ những ách tắc trong phân phối, lưu thông. Hội nghị lần thứ hai BCHTƯ khóa VI (4-1987) xác định phân phối, lưu thông là mặt trận nóng bỏng. Hội nghị đặt mục tiêu: “giảm tỉ lệ bội chi ngân sách, giảm nhịp độ tăng giá, giảm tốc độ lạm phát, giảm khó khăn về đời sống của nhân dân lao động, trên cơ sở xóa bỏ cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp,… nâng cao vai trò chủ đạo của kinh tế quốc doanh trong nền kinh tế và phát huy khả năng tích cực của các thành phần kinh tế khác, mở rộng giao lưu hàng hóa, giải phóng sức sản xuất”4. Hội nghị đề ra những quy định mới về giá cả và lưu thông vật tư - hàng hóa, chính sách và biện pháp giải quyết tiền lương và đời sống của công nhân, viên chức và lực lượng vũ trang; chính sách và biện pháp tăng thu, hạn chế bội chi ngân sách, giảm tốc độ lạm phát; thực hiện chính sách thu mua nông sản của nông dân theo giá thỏa thuận, điều chỉnh cơ cấu kinh tế và đầu tư theo hướng dành ưu tiên cho ba chương trình kinh tế lớn.
Nhằm tạo động lực mạnh mẽ giải phóng mọi năng lực sản xuất, thúc đẩy tiến bộ khoa học - kỹ thuật, phát triển kinh tế hàng hoá, Hội nghị lần thứ ba BCHTƯ khóa VI (8-1987) chủ trương: Chuyển hoạt động của các đơn vị kinh tế quốc doanh sang kinh doanh XHCN, đổi mới quản lý nhà nước về kinh tế. Hội nghị bổ sung những chủ trương và biện pháp cấp bách về phân phối, lưu thông, tiến tới thực hiện cơ chế một giá, thực hiện chế độ lương thống nhất trong cả nước, thi hành các biện pháp giảm tỉ lệ bội chi ngân sách và bội chi tiền mặt, chuyển hoạt động của các đơn vị kinh tế quốc doanh sang hạch toán kinh doanh XHCN, đổi mới quản lý nhà nước về kinh tế.
Hội nghị lần thứ tư BCHTƯ khóa VI (12-1987) về phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội trong ba năm 1988-1990 và năm 1988, xác định: “phấn đấu thực hiện bằng được mục tiêu ổn định một bước quan trọng tình hình kinh tế - xã hội, chuẩn bị điều kiện thuận lợi cho việc phát triển kinh tế - xã hội trong các năm sau. Để thực hiện mục tiêu trên, điều quyết định là phát triển mạnh mẽ sản xuất hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế, trước hết tập trung sức thực hiện ba chương trình kinh tế, đặc biệt là chương trình lương thực - thực phẩm”5. Trong đó, biện pháp chủ yếu là: chuyển mạnh các hoạt động kinh tế sang hạch toán kinh doanh XHCN, bảo đảm sản xuất, kinh doanh có năng suất, chất lượng, hiệu quả; đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, đưa kỹ thuật tiến bộ vào sản xuất, kinh doanh; có chính sách đúng đắn nhằm khuyến khích các thành phần kinh tế khai thác mọi năng lực sản xuất, phát huy những khả năng tích cực của các thành phần kinh tế trong sản xuất, dịch vụ, gắn với sắp xếp và tổ chức lại nền kinh tế, tăng cường quản lý thị trường; giải quyết hài hòa các mối quan hệ về lợi ích để tạo được phong trào lao động sáng tạo, nâng cao hiệu quả kinh tế.
Đầu năm 1988, Việt Nam tiếp tục đương đầu với nhiều khó khăn về kinh tế và những diễn biến phức tạp ở trên biển. Tình trạng thiếu lương thực, dẫn đến nạn đói ở 21 tỉnh miền Trung và miền Bắc6. Sản xuất công nghiệp và thủ công nghiệp bị giảm sút, giá hàng tăng cao. Nhằm tháo gỡ những khó khăn đó, trên cơ sở tổng kết thực tiễn, ngày 5-4-1988, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW “về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp”. Đặt ra yêu cầu: “thực sự giải phóng sức sản xuất; gắn sắp xếp, tổ chức lại sản xuất với cải tạo xã hội chủ nghĩa, tăng cường cơ sở vật chất - kỹ thuật và đưa kỹ thuật tiến bộ vào sản xuất nông nghiệp. Phát huy được mọi tiềm năng của các thành phần kinh tế, các vùng, các ngành; chuyển nền nông nghiệp nước ta còn mang nặng tính chất tự cung, tự cấp ở nhiều vùng sang sản xuất hàng hoá theo hướng chuyên môn hoá kết hợp kinh doanh tổng hợp phù hợp với đặc điểm tự nhiên, kinh tế, xã hội của từng vùng, từng bước đưa nông nghiệp lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa”7. Nghị quyết thể hiện rõ sự đổi mới tư duy lý luận quản lý kinh tế nông nghiệp, nông thôn và nông dân: “giải phóng sức sản xuất trong nông nghiệp, sự phù hợp giữa quan hệ sản xuất và lực lượng sản xuất trong cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; quan điểm về lợi ích giữa Nhà nước, hợp tác xã và người lao động, cụ thể là nông dân, xã viên; quan điểm về dân chủ và tự chủ trong quản lý nông nghiệp, nhất là quản lý hợp tác xã; quan điểm về vai trò kinh tế nông hộ trong nông nghiệp và nông thôn; quan điểm về mô hình hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới làm dịch vụ cho kinh tế hộ; lưu thông phân phối trong nông nghiệp và kinh tế nông thôn; quan điểm về xóa các chính sách thu mua lương thực, thực phẩm theo nghĩa vụ với giá thấp; đổi mới quản lý các nông, lâm trường quốc doanh”8.
Để giải quyết những khó khăn về tài chính - tiền tệ, ngày 2-5-1988, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 11-NQ/TW “về các biện pháp cấp bách chống lạm phát”, trong đó tập trung lực lượng giải quyết việc thu mua; cung cấp và dự trữ lương thực; tăng cường quản lí vật tư; tạm thời bán hai giá những mặt hàng thiết yếu; từng bước xóa bao cấp qua giá; thực hiện chế độ trợ cấp khó khăn; thu các khoản chênh lệch giá; giảm phát hành tiền.
Nhằm phát huy được mọi tiềm năng của các thành phần kinh tế, các vùng, các ngành, giải quyết nhu cầu cơ bản về lương thực, thực phẩm, tăng thêm nguyên liệu cho công nghiệp, hàng hóa cho tiêu dùng và xuất khẩu, ngày 15-7-1988, Bộ Chính trị ra Nghị quyết 16-NQ/TW “về đổi mới chính sách và cơ chế quản lý đối với các cơ sở sản xuất thuộc thành phần kinh tế ngoài quốc doanh”. Nghị quyết xác định các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh tồn tại lâu dài; thực hiện các nguyên tắc quản lí dân chủ, công bằng, bình đẳng và tự quản; tiếp tục khẳng định đường lối đổi mới, nhất quán thực hiện chính sách kinh tế nhiều thành phần, khẳng định kinh tế tư nhân được phát triển trong những ngành có lợi cho quốc kế dân sinh.
Với mục tiêu giữ vững môi trường hòa bình, thúc đẩy hội nhập quốc tế, phá thế bao vây, cấm vận, ngày 20-5-1988, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TW “về nhiệm vụ và chính sách đối ngoại trong tình hình mới”, khẳng định: lợi ích cao nhất của Đảng và nhân dân ta là phải củng cố và giữ vững hòa bình để tập trung sức xây dựng và phát triển kinh tế. Nghị quyết đánh dấu bước chuyển chiến lược về tư duy đối ngoại, đặc biệt là tư duy về lợi ích, mục tiêu và nhiệm vụ đối ngoại của Việt Nam.
Việt Nam chủ trương tìm giải pháp chính trị cho vấn đề Campuchia, cải thiện quan hệ Việt - Trung, quan hệ Việt Nam - ASEAN. Về vấn đề Campuchia, Bộ Quốc phòng tuyên bố, từ tháng 5-1988 rút 5 vạn quân và Bộ Tư lệnh quân tình nguyện về nước. Tiếp đó tháng 1-1989, Việt Nam tuyên bố rút hết quân tình nguyện về nước vào tháng 9-1989 (sớm hơn 1 năm theo kế hoạch đã định); đi đôi với việc nước ngoài chấm dứt viện trợ quân sự cho các bên Campuchia, chấm dứt việc sử dụng lãnh thổ nước ngoài làm căn cứ chống lại nhân dân Campuchia. Việt Nam khẳng định thiện chí và mong muốn xây dựng quan hệ hữu nghị, hợp tác với các nước Đông Nam Á và phấn đấu để sớm bình thường hóa quan hệ Việt - Trung; mở rộng quan hệ hữu nghị và hợp tác với tất cả các nước trên nguyên tắc bình đẳng cùng có lợi, vì hòa bình và phát triển.
Trước những diễn biến phức tạp của tình hình trong nước và thế giới, Hội nghị lần thứ năm BCHTƯ khóa VI (6-1988) ban hành Nghị quyết “một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng bảo đảm thực hiện Nghị quyết Đại hội VI của Đảng”. Nghị quyết xác định cần phải đổi mới tư duy, đổi mới đội ngũ cán bộ, đổi mới phong cách lãnh đạo và phương pháp công tác; nâng cao giác ngộ cách mạng, bồi dưỡng lý tưởng, phẩm chất, kiến thức và năng lực lãnh đạo chính trị của cán bộ, đảng viên; mở rộng dân chủ đi đôi với tăng cường kỷ luật trong Đảng, tăng cường mối quan hệ giữa Đảng với giai cấp công nhân và nhân dân lao động.
Hội nghị lần thứ sáu BCHTƯ khóa VI (3-1989) kiểm điểm 2 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI và đề ra phương hướng, nhiệm vụ cho ba năm tới. Hội nghị đề ra chủ trương cụ thể nhằm thực hiện nhiệm vụ then chốt là: Kiềm chế và đẩy lùi lạm phát là nhiệm vụ trung tâm nóng bỏng nhất; giữ được hoà bình, tạo được điều kiện và môi trường để đất nước có thể phát triển trong thế ổn định; tiếp tục mở rộng dân chủ, đổi mới tổ chức bộ máy và phương thức hoạt động của Đảng, Nhà nước, các đoàn thể quần chúng; Đảng phải được xây dựng vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, đổi mới nội dung và phương thức lãnh đạo.
Hội nghị lần thứ bảy BCHTƯ khóa VI ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TW, ngày 24-8-1989 “một số vấn đề cấp bách về công tác tư tưởng trước tình hình trong nước và quốc tế hiện nay”. Nghị quyết đề ra một số nhiệm vụ công tác tư tưởng, nhằm tăng cường sự thống nhất ý chí, hành động trong Đảng và nhân dân, khẳng định: Sự nghiệp đổi mới của nhân dân ta là sự tiếp tục phát huy thành quả và truyền thống cách mạng, sửa chữa những sai lầm, khuyết điểm trong lãnh đạo và quản lý, xây dựng và đưa các chính sách đổi mới vào cuộc sống để đạt được những thành tựu to lớn và vững chắc hơn trong việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
Triển khai thực hiện quan điểm, chủ trương đổi mới của Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách cụ thể: Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định số 80-CT, ngày 11-3-1987 “về việc giải thể các trạm kiểm soát trên các đường giao thông”; Quyết định số 126-CT và Thông tư số 128-CT, ngày 10-4-1987 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng “về việc sửa đổi, bổ sung chế độ nhận tiền và hàng do người Việt Nam định cư ở các nước ngoài hệ thống xã hội chủ nghĩa gửi về giúp gia đình”; Quyết định số 217-HĐBT, ngày 14-11-1987 của Hội đồng Bộ trưởng “về các chính sách đổi mới kế hoạch hoá và hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa đối với xí nghiệp quốc doanh”; ngày 29-12-1987, Quốc hội ban hành Luật số 4-HĐNN8 “về đầu tư nước ngoài tại Việt Nam”; Hội đồng Bộ trưởng ban hành Nghị định số 27-HĐBT, ngày 9-3-1988 “quy định về chính sách đối với kinh tế cá thể, kinh tế tư doanh sản xuất công nghiệp, dịch vụ công nghiệp xây dựng, vận tải”; Hội đồng Bộ trưởng ban hành Nghị quyết số 29-HĐBT, ngày 9-3-1988 “quy định về chính sách đối với kinh tế gia đình trong hoạt động sản xuất và dịch vụ sản xuất”; Hội đồng Bộ trưởng ban hành Nghị định số 53-HĐBT, ngày 26-3-1988 “về tổ chức bộ máy Ngân hàng nhà nước Việt Nam”; Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định số 55-CT, ngày 10-3-1989 “về lãi suất tiền gửi tiết kiệm”; Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định số 39/HĐBT, ngày 10-4-1989 “về chính sách lãi suất tiền gửi và cho vay của Ngân hàng Nhà nước”.
2. Một số kết quả
Một là, kinh tế Việt Nam bước đầu khởi sắc: sau 3 năm thực hiện đường lối đổi mới, mặc dù vẫn còn gặp nhiều khó khăn, song từ giữa năm 1988, tình hình kinh tế - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực. Nhiều tiềm năng lao động, đất đai, tiền vốn được khai thác và đầu tư cho sản xuất. Tốc độ tăng giá hàng và lạm phát được kiềm chế. Sản xuất “lương thực không những đã đủ cho tiêu dùng, không phải nhập khẩu như hàng chục năm trước, mà đã có gạo xuất khẩu (năm 1989, xuất khẩu 1,4 triệu tấn gạo); kinh tế tư nhân tăng nhanh, hàng hóa phong phú, chế độ tem phiếu được bãi bỏ hoàn toàn; các quan hệ giá cả, tiền tệ, tín dụng được cải thiện theo hướng thị trường; sau khi viện trợ của Liên Xô bị cắt giảm từ năm 1989, xuất khẩu của Việt Nam sang các nước tư bản đã tăng nhanh (năm 1989 gấp ba lần năm 1986)”9… “Chính sách và cơ chế quản lý mới đã làm cho kinh tế khởi sắc, lạm phát được kiềm chế, giảm từ 774,7% năm 1986 xuống còn 60% năm 1990”10. Sau năm 1989, tình hình thế giới có nhiều biến động, nhưng Việt Nam vẫn đứng vững, nền kinh tế bước vào thời kỳ phát triển ổn định.
Hai là, khơi thông được nguồn lực bên ngoài: Chủ trương hợp tác đầu tư với nước ngoài nhằm tranh thủ vốn, công nghệ, kinh nghiệm quản lý và thị trường xuất khẩu phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Việc ban hành Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (1987), được ví như là sự khơi thông luồng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, mở đầu cho việc thu hút và sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư nước ngoài, theo phương châm đa dạng hóa, đa phương hóa các quan hệ kinh tế đối ngoại; góp phần thực hiện chủ trương phát huy nội lực, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế.
Để kịp thời tiếp nhận nguồn vốn quốc tế, đầu năm 1988, Chính phủ đã giao cho Bộ Kinh tế đối ngoại nhiệm vụ thẩm định và cấp phép dự án FDI. Tháng 3-1989, Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư (SCCI) được thành lập, có chức năng quản lý nhà nước về đầu tư nước ngoài, tiếp nhận các dự án FDI. Những năm đầu, dù dòng vốn FDI vào Việt Nam còn dè dặt, nhưng cũng có những tín hiệu tích cực, “chỉ trong hơn 2 năm đã có hàng trăm giấy phép đầu tư được cấp, với tổng vốn đăng ký gần 1,8 tỷ USD. Mặc dù lúc đó lệnh cấm vận của Mỹ đang có hiệu lực, nhưng nhiều nhà đầu tư vẫn vào Việt Nam, đặc biệt là lĩnh vực thăm dò, khai thác dầu khí”11.
Ba là, từng bước mở rộng quan hệ đối ngoại: Bên cạnh những mối quan hệ hợp tác truyền thống, Đảng xác định trong điều kiện mới của thế giới, cần phải thực hiện đa phương hóa các quan hệ đối ngoại. Lập trường và giải pháp của Đảng về việc giải quyết vấn đề Campuchia và mối quan hệ Việt Nam - ASEAN, Việt Nam - Trung Quốc là thiện chí có nguyên tắc, đã góp phần mở ra những triển vọng mới về đối ngoại. Điều đó được thể hiện ở những đóng góp của Việt Nam tại các cuộc họp không chính thức về vấn đề Campuchia tại Jakarta (JIM1, JIM2) và cuộc tiếp xúc cấp thứ trưởng ngoại giao Việt Nam và Trung Quốc bàn về vấn đề bình thường hóa quan hệ Việt- Trung.
Đầu năm 1989, Việt Nam và Trung Quốc đã thỏa thuận về mở cửa biên giới để nhân dân hai nước qua lại buôn bán. Tại cửa khẩu Lạng Sơn, trong năm 1989, kim ngạch trao đổi Việt Nam và Trung Quốc đạt 18.916.000 USD, xuất khẩu là 9,3 triệu, nhập khẩu là 9,5 triệu. Hàng loạt mặt hàng Trung Quốc như: xe đạp “Phượng hoàng”, máy khâu “Con bướm”, bia “Vạn lực”, quạt điện MD, pin đèn, phích nước, đồng hồ, bát đĩa sứ… đã nhập vào Việt Nam, góp phần làm giảm “cơn khát” hàng hóa12. Mặc dù năm 1989, Việt Nam và Trung Quốc chưa bình thường hóa quan hệ, nhưng những hoạt động tích cực của các cấp lãnh đạo, sự cởi mở trong quan hệ kinh tế, đã tạo tiền đề cho hai nước chính thức khôi phục quan hệ bình thường vào năm 1991.
Tình hình chính trị, tư tưởng ổn định. Những năm đầu thực hiện đổi mới, mặc dù tình hình quốc tế có nhiều phức tạp, các thế lực phản động luôn tìm mọi thủ đoạn chống phá, nhưng với thành tựu bước đầu đạt được đã góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước.Việc mở rộng dân chủ trong Đảng và trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, tư tưởng, văn hoá tiếp tục phát triển, nhân dân ủng hộ đường lối đổi mới của Đảng, thừa nhận Đảng là tổ chức chính trị duy nhất lãnh đạo xã hội, không chấp nhận đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập.
Trong những năm 1986 -1989, thực hiện đường lối đổi mới trong điều kiện diễn biến phức tạp của tình hình thế giới và trong nước, Đảng đã đề ra chủ trương và đường lối đổi mới, từng bước khắc phục tình trạng khó khăn, tạo tiền đề cho giai đoạn tiếp theo. Những thành tựu đạt được trong giai đoạn 1986 -1989 có ý nghĩa quan trọng, khẳng định và chứng minh đường lối đổi mới của Đảng là đúng đắn, sáng tạo.
Ngày nhận: 5-11-2024; ngày thẩm định: 10-1-2025; ngày duyệt đăng 10-2-2025