Tóm tắt: An ninh mạng tại hệ thống Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là vấn đề đặc biệt quan trọng nhằm bảo đảm an toàn và thông suốt đối với mọi hoạt động của hệ thống ngân hàng trong toàn quốc. Trong quá trình thực hiện đường lối đổi mới, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã sớm kết nối và phát triển mạng Internet, đồng thời tăng cường các biện pháp bảo đảm an ninh mạng, đặc biệt là đối với ngành ngân hàng. Bài viết tập trung làm rõ vấn đề an ninh mạng và quản trị truyền thông về an ninh mạng tại hệ thống ngân hàng Nhà nước ở Việt Nam; quan điểm của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về việc quản trị truyền thông về an ninh mạng tại hệ thống ngân hành Nhà nước; và những kết quả đạt được.
Từ khóa: An ninh mạng; hệ thống ngân hàng nhà nước
An ninh mạng (ANM) có tầm quan trọng đặc biệt, nhất là trong lĩnh vực ngân hàng. Các ngân hàng lưu trữ lượng lớn dữ liệu cá nhân và danh sách giao dịch, vì thế ANM là yếu tố quan trọng cần phải được củng cố vững chắc nhằm bảo vệ thông tin cá nhân, đảm bảo an toàn và bảo mật trong các giao dịch trực tuyến và hoạt động kỹ thuật số khác của hệ thống ngân hàng.
Các ngân hàng trong hệ thống ngân hàng nhà nước (NHNN) có vai trò, vị trí rất quan trọng. Ngân hàng là trung gian tín dụng, kết nối cộng đồng thông qua giao dịch tài chính, huy động các nguồn tiền từ các chủ thể kinh tế để hình thành nên nguồn vốn cho vay và sử dụng nguồn vốn này để đáp ứng nhu cầu vay vốn của các chủ thể cần bổ sung, gửi vào tài khoản dự trữ bắt buộc hoặc tài khoản thanh toán tại các ngân hàng. Với vai trò và chức năng trung gian tín dụng, các ngân hàng kinh doanh trên cơ sở uy tín và thương hiệu của mình, nhằm khắc phục khiếm khuyết của thị trường tài chính. Các NHNN đang đẩy mạnh chuyển đổi số nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, tạo thuận lợi cho khách hàng trong sử dụng dịch vụ tài chính hiện đại. Xu hướng chuyển đổi số đã tạo ra những thách thức về ANM: hệ thống dữ liệu của ngân hàng bị xâm nhập để lấy cắp dữ liệu hoặc để thực hiện các hành vi như lừa tiền qua tài khoản, mạo danh nhân viên ngân hàng hoặc gửi link và các website mạo danh ngân hàng để lừa tiền khách hàng... Hoạt động ngân hàng số đang đứng trước rủi ro ANM rất cao vì ba chủ thể tham gia vào hoạt động này gồm ngân hàng, đối tác và khách hàng đều có thể là mục tiêu tấn công của tội phạm mạng. Phát triển và làm chủ không gian mạng trở thành nhiệm vụ cấp bách với ưu tiên hàng đầu là đảm bảo ANM, bảo vệ chủ quyền quốc gia trong không gian mạng.
Truyền thông về ANM tại hệ thống NHNN ở Việt Nam rất cần thiết, vì hoạt động của hệ thống NHNN bao trùm lên tất cả các hoạt động kinh tế xã hội. Quản trị truyền thông về ANM hiệu quả sẽ giúp hệ thống NHNN bảo mật thông tin, bảo đảm vai trò quan trọng của hệ thống ngân hàng đối với nền kinh tế. Các Ngân hàng phải chủ động, tích cực truyền thông chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về ANM. Các chủ thể quản trị truyền thông phải luôn quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng về ANM, phải nhận thức đúng và đủ về vai trò, vị trí, chức năng của các NHNN trong đời sống kinh tế, chính trị - xã hội hiện nay để thực hiện đúng chính sách, pháp luật của Nhà nước về ANM và quản trị truyền thông về ANM tại hệ thống NHNN.
1. Chủ trương của Đảng về an ninh mạng
Đại hội XII (2016) của Đảng lần đầu tiên cho rằng ANM là vấn đề toàn cầu: “Cộng đồng quốc tế phải đối phó ngày càng quyết liệt hơn với các thách thức an ninh truyền thống, phi truyền thống, đặc biệt là an ninh mạng…”1. Đại hội chỉ rõ nhiệm vụ quốc phòng và an ninh trong giai đoạn mới: “Tăng cường tiềm lực quốc phòng và an ninh; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân vững chắc. Chủ động đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch; ngăn chặn, phản bác những thông tin và luận điệu sai trái, đẩy lùi các loại tội phạm và tệ nạn xã hội; sẵn sàng ứng phó với các mối đe dọa an ninh truyền thống và phi truyền thống; bảo đảm an ninh, an toàn thông tin, an ninh mạng”2. Đây là nhận thức mới, phản ánh tầm nhìn chiến lược của Đảng ta trước yêu cầu ngày càng cao trong việc bảo vệ sự nghiệp cách mạng của Đảng và cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân. Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 28-9-2018, “về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia”, khẳng định việc bảo vệ ANM là nhiệm vụ trọng yếu, nhằm bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ và an ninh biên giới trong bối cảnh mới; nhấn mạnh vấn đề bảo đảm ANM cho các hệ thống thông tin quan trọng của Quốc gia, tăng cường truyền thông về ANM cho cộng đồng.
Đại hội XIII (2021) của Đảng cho rằng Việt Nam đã “bước đầu hình thành hệ thống pháp luật và cơ sở vật chất cho việc bảo đảm an ninh mạng, an toàn thông tin quốc gia, không gian mạng quốc gia. Ban hành và thực hiện Chiến lược an ninh mạng quốc gia”3; “Đã ban hành và triển khai đồng bộ các chiến lược quan trọng, như: Chiến lược bảo vệ Tổ quốc, Chiến lược quốc phòng, Chiến lược quân sự, Chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia, Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia và Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng v.v..”4. Đại hội chủ trương: “Phát triển hạ tầng số và bảo đảm an ninh mạng”; “Tiếp tục triển khai thực hiện toàn diện, đồng bộ Chiến lược bảo vệ Tổ quốc, Chiến lược quốc phòng, Chiến lược quân sự, Chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia, Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia, Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng, Chiến lược an ninh mạng quốc gia và các chiến lược quốc phòng, an ninh chuyên ngành khác”5
2. Một số kết quả
Quá trình thực hiện ANM đối với hệ thống NHNN đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Báo cáo thường niên của các ngân hàng khẳng định các NHNN đã “chủ động phát hiện, có các phương án, đối sách ngăn ngừa các nguy cơ ...và kiểm soát tốt các nhân tố có thể gây bất lợi đột biến,... Bước đầu hình thành hệ thống pháp luật và cơ sở vật chất cho việc bảo đảm an ninh mạng, an toàn thông tin quốc gia…”6. Quá trình thực hiện ANM đối với hệ thống NHNN “được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đạt kết quả rõ rệt”7, nhờ vậy mà “theo đánh giá liên tục trong 3 kỳ gần đây của Liên minh Viễn thông quốc tế, chỉ số an toàn, an ninh mạng toàn cầu - GCI của Việt Nam đã tăng từ 100 lên 50 và hiện xếp thứ 25/194 quốc gia và vùng lãnh thổ; hệ sinh thái sản phẩm an toàn, an ninh mạng Việt Nam cũng đã được thúc đẩy phát triển”8. Các HĐTT về ANM tại hệ thống NHNN đã góp phần “thực hiện tốt công tác bảo đảm an ninh chính trị nội bộ, an ninh kinh tế, an ninh thông tin truyền thông, an ninh mạng, an ninh xã hội, an ninh, trật tự tại các địa bàn chiến lược”9, ổn định chính trị, phát triển kinh tế. Ngân hàng VietinBank “đã tiên phong trong việc hỗ trợ khách hàng khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh sau dịch bệnh; tập trung nguồn lực cho các chủ điểm kinh doanh trọng tâm; tăng cường quản trị rủi ro, tái cơ cấu danh mục tín dụng và đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi số nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ. Theo đó, VietinBank đã đạt được những kết quả kinh doanh tích cực trên mọi mặt hoạt động; tạo tiền đề vững chắc cho hoạt động kinh doanh của ngân hàng trong giai đoạn tiếp theo”10. VietinBank đã “tiếp tục đổi mới trong công tác quản trị điều hành theo hướng chủ động, thúc đẩy tư duy quản lý linh hoạt, phát huy tinh thần đổi mới sáng tạo, dám nghĩ dám làm vì lợi ích chung, đồng thời bảo đảm tính kỷ luật, kỷ cương, có giám sát chặt chẽ”11 các HĐTT về ANM. Vietcombank cũng “luôn đặt lợi ích của cổ đông, của Nhà nước và Ngân hàng làm mục tiêu hoạt động hàng đầu, thực hiện tốt công tác chỉ đạo điều hành của mình và hoàn thành các chức trách, nhiệm vụ được giao”12. BIDV cũng “chú trọng triển khai công tác quản trị rủi ro toàn diện các mặt hoạt động; nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra và giám sát tuân thủ. Phát triển, cải tiến các công cụ/mô hình quản lý rủi ro, làm nền tảng cho hoạt động quản lý rủi ro hiện đại, chuyên nghiệp, hướng đến thông lệ quốc tế: Triển khai thí điểm công cụ sơ đồ hóa quy trình nghiệp vụ; Cải tiến phương pháp luận và danh mục triển khai công cụ tự đánh giá kiểm soát rủi ro hoạt động (RCSA), chỉ số cảnh báo rủi ro chính (KRI); Nghiên cứu các phương pháp tính vốn theo Basel III… Triển khai thành công nhiều dự án nâng cao năng lực quản lý rủi ro như dự án kiểm định độc lập mô hình đo lường rủi ro thị trường, rủi ro thanh khoản; Trang bị giải pháp hệ thống ALM; Nâng cấp, mở rộng hệ thống phòng chống rửa tiền… Tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện văn hóa kiểm soát rủi ro trên toàn hệ thống”13.
3. Một số nhận xét
Thứ nhất, nhận thức và năng lực của chủ thể quản trị là yếu tố quyết định hiệu quả quản trị truyền thông về ANM tại hệ thống NHNN. Nhưng nhận thức và năng lực quản trị của một số chủ thể chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, họ chưa đánh giá đúng về tầm quan trọng của ANM và quản trị truyền thông về ANM tại hệ thống NHNN. Một số chủ thể cho rằng chức năng chính của Ngân hàng là hoạt động kinh doanh, rằng quản trị truyền thông về ANM tại hệ thống NHNN là việc của Vụ Truyền thông, chứ không phải của Ngân hàng. Vụ Truyền thông cũng chưa coi đây là nhiệm vụ trọng yếu. Báo cáo thường niên năm 2022 của NHNN Việt Nam có độ dài 171 trang, chia làm 6 phần, phần về truyền thông chưa đến 2 trang: “công tác truyền thông của NHNN được triển khai theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả, sáng tạo... phương thức truyền thông thường xuyên được đổi mới, đa dạng, đặc biệt ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động truyền thông...”14, không đề cập đến quản trị truyền thông về ANM tại hệ thống NHNN ở Việt Nam.
Thứ hai, các đối tượng quản trị truyền thông có nhận thức và kỹ năng không đồng đều, một số người không quan tâm đến vấn đề ANM, không hiểu biết hay tham gia vào các hoạt động truyền thông về ANM tại hệ thống NHNN, nơi họ đang gắn bó quyền và lợi ích thiết thân. Áp lực công việc lớn khiến một số nhân viên Ngân hàng ít quan tâm đến các vấn đề truyền thông về ANM, không có đủ kiến thức về ANM để thực hiện các yêu cầu bảo mật thông tin, không có kỹ năng tham gia truyền thông về ANM tại Ngân hàng, không được trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng để phát hiện, xử lý các mối đe dọa ANM,... Đối tác và khách hàng có mức độ nhận thức, hiểu biết về ANM khác nhau. Nhiều khách hàng chưa có kiến thức về ANM, sử dụng các thiết bị không an toàn, không cập nhật phần mềm, chưa nắm bắt đầy đủ các quy định trong lĩnh vực Ngân hàng.
Thứ ba, nội dung, phương thức quản trị truyền thông về ANM đa dạng và phức tạp, lượng thông tin về ANM quá lớn cũng là một khó khăn trong quản trị truyền thông về ANM tại hệ thống NHNN, việc lựa chọn và truyền đạt những thông tin cần thiết, ngắn gọn là không đơn giản, gây khó quản trị thông điệp truyền thông. Mặt khác, do tính độc lập trong hoạt động tài chính nên các Ngân hàng có cách tiếp cận khác nhau về vấn đề ANM và quản trị truyền thông về ANM, dẫn đến thiếu thống nhất trong nội dung, phương thức quản trị truyền thông về ANM. Truyền thông về ANM đã được triển khai nhưng chưa thường xuyên, như là điều kiện để đảm bảo hoạt động kinh doanh, chứ chưa thực sự được đầu tư đúng mức. Vấn đề đặt ra “là cần có một nhận thức mới, phù hợp về vị trí, vai trò chủ thể, mối quan hệ đối tác giữa Nhà nước, doanh nghiệp và tổ chức xã hội trong nền quản trị quốc gia”15, trong đó có quản trị truyền thông về ANM tại hệ thống NHNN.
Thứ tư, nguồn lực cho quản trị truyền thông về ANM tại hệ thống NHNN đang đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết. Một Ngân hàng có văn hóa bảo mật, mọi người đều có ý thức và trách nhiệm bảo vệ thông tin, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho quản trị truyền thông về ANM tại Ngân hàng đạt hiệu quả. Công nghệ bảo mật hiện đại để đối phó với các mối đe dọa ngày càng tinh vi về ANM, cũng tác động đến quản trị truyền thông về ANM. Khung pháp lý về bảo mật thông tin rõ ràng, cụ thể sẽ tạo ra một môi trường pháp lý ổn định, giúp Ngân hàng quản trị truyền thông về ANM. Nhưng việc đầu tư các nguồn lực cho quản trị truyền thông về ANM tại các Ngân hàng hiện nay chưa đáp ứng yêu cầu, “chưa tương xứng” vì ngân sách đầu tư cho vấn đề ANM mới “chỉ khoảng 5%” trong khi “nếu đầu tư thỏa đáng, con số đó phải chiếm 20-30%...”16. Bởi vậy, phải có nguồn lực để quản trị truyền thông về ANM như quan điểm chỉ đạo của Đảng và quy định của pháp luật Việt Nam.
Trong xã hội Việt Nam, “mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật và hoạt động của Nhà nước đều vì lợi ích của nhân dân”17. Vì thế, triển khai truyền thông về ANM và quản trị truyền thông về ANM tại hệ thống NHNN ở Việt Nam một cách hiệu quả theo quan điểm chỉ đạo của Đảng và quy định của pháp luật Nhà nước là yêu cầu cấp bách của thực tiễn.
Ngày nhận 14-11-2024; ngày thẩm định: 28-12-2024; ngày duyệt đăng: 31-12-2021
1. https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/ban-chap-hanh-trung-uong-dang/dai-hoi-dang/lan-thu-xii/bao-cao-chinh-tri-cua-ban-chap-hanh-trung-uong-dang-khoa-xi-tai-dai-hoi-dai-bieu-toan-quoc-lan-thu-XII-cua-dang-1600
2. https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/ban-chap-hanh-trung-uong-dang/dai-hoi-dang/lan-thu-xii/bao-cao-chinh-tri-cua-ban-chap-hanh-trung-uong-dang-khoa-xi-tai-dai-hoi-dai-bieu-toan-quoc-lan-thu-XII-cua-dang-1600