Di tích lịch sử Nhà tù Côn Đảo (huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) là di sản lịch sử vô giá của dân tộc Việt Nam, hết sức độc đáo. Đây là chứng tích bảo tồn sinh động về mặt trận đấu tranh trong tù, giữa một bên là bộ máy đàn áp khốc liệt nhất của đế quốc, thực dân với một bên là ý chí kiên cường của những người tù chiến đấu bằng ý chí bất khuất và truyền thống yêu nước Việt Nam. Ngày nay, Đảng bộ lãnh đạo nhân dân huyện Côn Đảo bảo tồn, tôn tạo hệ thống Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt, nhằm lưu giữ, phát huy truyền thống kiên trung, bất khuất, tự lực, tự cường của các thế hệ người tù chính trị trong sự nghiệp xây dựng một nước Việt Nam giàu, đẹp, một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Trong quá trình đó, có một một số vấn đề cần quan tâm nhằm bảo đảm phát triển bền vững môi trường cảnh quan Côn Đảo.

Từ khóa: Di tích lịch sử Nhà tù Côn Đảo; bảo tồn, phát huy



1. Bảo tồn, tôn tạo Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Côn Đảo là một nhiệm vụ chính trị thiêng liêng

Khu di tích lịch sử Nhà tù Côn Đảo gồm 8 trại, 117 phòng giam, 44 xà lim, 504 phòng “biệt lập - chuồng cọp” và 18 Sở tù. Trong 113 năm tồn tại của Nhà tù Côn Đảo, sự tra tấn dã man, tàn bạo của thực dân, đế quốc đã có hơn hai vạn người Việt Nam thuộc nhiều thế hệ hy sinh. Bên cạnh đó cũng có nhiều người trở thành lãnh tụ xuất sắc của Đảng và Nhà nước.

Lịch sử đấu tranh cách mạng tại Nhà tù Côn Đảo, biểu trưng là cuộc đấu tranh không cân sức kéo dài hơn một thế kỷ của các thế hệ tù chính trị Nhà tù Côn Đảo với tinh thần kiên trung, bất khuất, tinh thần tự lực, tự cường, đã đem lại kết quả là những chiến sĩ cộng sản, những người Việt Nam yêu nước đã chiến thắng ngay trong ngục tù của đế quốc, đã biến nhà tù thành trường học cách mạng, đào tạo, rèn luyện ý chí và nhân cách con người Việt Nam, đấu tranh vì độc lập tự do của dân tộc. Cũng tại Nhà tù Côn Đảo, tất cả các phong trào yêu nước chống thực dân Pháp từ nghĩa quân Trương Định, Thủ Khoa Huân đến các phong trào Cần vương, Văn thân, Đông kinh nghĩa thục và những chiến sỹ ưu tú nhất của các phong trào yêu nước khác, ở mọi miền đất nước đã bị đày ra Côn Đảo, tham gia trận tuyến đấu tranh trong tù. Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (1930), Nhà tù Côn Đảo trở thành một trường học cách mạng. Nhiều thế hệ những người cộng sản bị đọa đày đã trưởng thành từ “trường học sau song sắt”, trở thành lãnh tụ kiệt xuất như Nguyễn Văn Cừ, Lê Hồng Phong, Tôn Đức Thắng, Phạm Hùng, Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Văn Linh… cùng nhiều vị lãnh đạo ưu tú, dẫn dắt dân tộc Việt Nam tranh đấu, đưa cách mạng Việt Nam đến ngày toàn thắng.

Trong hơn một thế kỷ đấu tranh ở một chiến trường khốc liệt từng được gọi tên là “Địa ngục trần gian Côn Đảo”, hơn hai vạn người con ưu tú ở mọi miền đất nước đã vĩnh viễn nằm lại Hàng Keo, Hàng Dương vì sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, và gửi lại thế hệ hôm nay niềm hy vọng về một tương lai tươi đẹp của đất nước. Một trong những chứng tích phơi bày chế đồ nhà tù thực dân tàn bạo đối với những người tù cộng sản, những người yêu nước cách mạng Việt Nam là Cầu Tàu lịch sử - nơi có hàng triệu tảng đá đã được kè thủ công bằng lao động khổ sai nghiệt ngã của tù nhân. Những tảng đá lớn hàng thước khối, nặng nhiều tấn đã làm kiệt sức và đè nát bao nhiêu thân tù khi họ xeo chúng từ Núi Chúa về đây. Bọn gác ngục người Pháp giết dần người tù bằng lao động khổ sai. Xeo đá, tảng lớn: 12 người. Xeo không nổi, chúng đánh một trận rồi bớt ra 2 người, bắt xeo. Không xeo nổi lại đòn, lại bớt người, bắt xeo tiếp. Không xeo được sẽ chết vì đòn roi, xeo được thì chết vì kiệt sức. Bờ kè ấy được khởi công dưới thời tên chúa ngục khát máu Andouard, vì thế mà mang tên Quai Andouard1.

GS Trần Văn Giàu từng có lời nhận xét: “Tôi có khá nhiều tài liệu để so sánh các chế độ nhà tù tàn bạo, thì các nhà tù đó cái nào cũng tàn bạo, chỉ có mức tàn bạo, cách tàn bạo và mưu sâu bên trong là khác nhau. Cho đến trước khi Hồng quân Liên Xô cắm cờ chiến thắng trên nóc nhà quốc hội Berlin, thì nhà tù của Hitler là tàn bạo nhất, với ý nghĩa chính là giết nhiều người nhất: hàng triệu, hàng triệu dân Do Thái bị giết bằng hơi độc, thuốc độc, điện giật. Nói ra thì có lẽ không phải, nhưng cái chết bằng hơi độc, thuốc độc, điện giật, giết một lần hàng vạn sinh linh, cái chết đó người chiến sĩ tù nhân Việt Nam mình có mấy ai sợ đâu? So với cái tàn ác ở Nhà tù Côn Đảo dưới chế độ Mỹ ngụy, thì nhà tù Hitler giống như ao cạn so với vực thẳm. Mỹ ngụy thâm độc hơn Hitler biết bao nhiêu!”2.

Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt từng đánh giá: Chứng tích lịch sử Nhà tù Côn Đảolà cuốn sử biên niên đồ sộ nhất, hùng vĩ nhất về cuộc chiến đấu bền bỉ, khốc liệt của những người Việt Nam yêu nước. Không một cuốn sử biên niên nào được ghi chép đầy đủ và trung thực đến thế bằng chính máu xương của lớp lớp thế hệ những chiến sỹ Việt Nam đã hiến dâng tinh hoa và sinh mạng của mình cho sự nghiệp thiêng liêng vì mục đích giải phóng dân tộc trong hơn một thế kỷ qua”3. Cuộc đấu tranh trên mặt trận nhà tù ở Côn Đảo là biểu tượng kiên cường đấu tranh vì độc lập tự do của dân tộc Việt Nam. Bài học chiến đấu và chiến thắng ở Nhà tù Côn Đảo là bài học điển hình cho các dân tộc nhỏ yếu vùng lên đấu tranh giành độc lập chủ quyền cho đất nước. Vì vậy, “Trường học Côn Đảo” không chỉ là trường học cách mạng của Việt Nam mà còn là bài học cho các dân tộc nhỏ yếu đang siết chặt tay nhau cùng sánh bước phát triển trong thiên niên kỷ mới này.

2. Một  số vấn đề cần quan tâm  

Từ sau năm 1975 đến nay, Đảng bộ và chính quyền Côn Đảo đã quan tâm chỉ đạo công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Nhà tù Côn Đảo như một nhiệm vụ chính trị thường trực.

Ngay sau ngày giải phóng, tỉnh Côn Đảo (nay là huyện Côn Đảo)4 đã rất quan tâm bảo tồn di tích lịch sử Nhà tù Côn Đảo. Vừa hình thành bộ máy chính quyền cách mạng được 3 tháng,  ngày 21-8-1975, Tỉnh ủy Côn Đảo đã có Chỉ thị số 05/CT-75 về việc bảo tồn Di tích lịch sử Nhà tù Côn Đảo, nêu rõ: “Nhà tù Côn Đảo là khu di tích của dân tộc, mỗi đồng chí chúng ta phải có trách nhiệm sưu tầm và bảo tồn di tích lịch sử đó”.

Ngày 22-2-1977, Phó Thủ tướng Phạm Hùng cùng Phó Thủ tướng Huỳnh Tấn Phát, Bộ trưởng Phủ Thủ tướng Vũ Tuân, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Nguyễn Văn Hiếu, thứ trưởng Bộ Hải sản Phan Văn Nhờ, đại diện Bộ Xây dựng và đại diện Bộ Tư lệnh Hải quân Vùng 4 đã làm việc với Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, Chủ tịch UBND huyện Côn Đảo5 xác định 3 nhiệm vụ cho Côn Đảo, đặt lên hàng đầu nhiệm vụ xây dựng Khu di tích lịch sử Côn Đảo6. Với những giá trị lịch sử đặc biệt, ngày 29-4-1979, Bộ Văn hóa Thông tin ra quyết định số 54/VHTT/QĐ công nhận Khu di tích lịch sử Côn Đảo - Nơi ghi lại tội ác của giặc Pháp và giặc Mỹ đã giam cầm, hành hạ và tán sát các chiến sĩ cách mạng. Đến ngày 10-5-2012, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định số 548/QĐ-TTg công nhận Di tích lịch sử Nhà tù Côn Đảo là Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt.

Việc Nhà nước công nhận khu Di tích lịch sử Nhà tù Côn Đảo là Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt không chỉ có ý nghĩa tôn vinh xứng tầm mà còn là sự ghi nhận những nỗ lực bảo tồn, tôn tạo của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Côn Đảo đối với di sản linh thiêng này. Đến nay, trên cả nước, không quần thể di tích nào còn giữ được một cách nguyên vẹn tính trung thực lịch sử như Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Nhà tù Côn Đảo. 

Để bảo tồn và phát huy tốt giá trị lịch sử Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt, trong giáo dục truyền thống đấu tranh bất khuất, tinh thần tự lực, tự cường của các chiến sĩ cách mạng, của những chiến sĩ cộng sản vào sự nghiệp đổi mới hiện nay, cần quan tâm một số vấn đề sau:

Một là, những giá trị đặc biệt của Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Nhà tù Côn Đảo và thiên nhiên đặc biệt Côn Đảo cần bảo tồn và phát huy một cách đặc biệt. Bên cạnh những nỗ lực đáng ghi nhận, không tránh khỏi những nhận thức hạn chế, làm tổn hại di tích, như việc quy tập mộ từ Nghĩa trang Hàng Keo về Nghĩa trang Hàng Dương theo kiểu quy tập mộ liệt sỹ; việc cải tạo và xây dựng nhiều khách sạn dọc con đường ven biển giáp Trại 2, Trại 3, ít nhiều xâm phạm cảnh quan khu vực 2 của một số di tích lịch sử đã xếp hạng. Việc đầu tư mở rộng đường Tôn Đức Thắng ven biển những năm trước đây cùng với việc làm bờ kè lấn biển ảnh hưởng đến sự sống của hàng cây cổ thụ trên đường, nay đã được xếp hạng là Hàng cây di sản.

Bờ kè lấn biển đã vùi lấp hàng triệu tảng đá lịch sử đã được kè thủ công bằng lao động khổ sai nghiệt ngã của tù nhân chỉ còn lại một phần kè hai bên thân cầu tàu, và một phần lộ thiên ở cuối cầu tàu, nhô ra biển. Những phiến đá mang đầy chứng tích đau thương còn sót lại ấy đang bình yên soi mình trước tấm gương xanh trải rộng trong vịnh Côn Lôn, trước biển cả gợn sóng biếc xanh, đổi muôn sắc màu huyền ảo theo góc soi của trời chiều ngả dần trên Núi Chúa, lặng lẽ chào đón những du khách đến đây tìm về quá khứ hào hùng của một dân tộc và hiện thân là chứng tích tội ác kinh hoàng của chủ nghĩa thực dân. Đó chính là những giá trị đặc biệt của Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Nhà tù Côn Đảo và thiên nhiên đặc biệt Côn Đảo cần bảo tồn và phát huy một cách đặc biệt.

Những hạn chế này khó tránh khỏi trong quá trình bảo tồn và phát triển, bởi trong một thời gian dài, ít người nhận thức được những tảng đá lịch sử tại cầu tàu có giá trị đặc biệt, để bảo tồn cho muôn đời nhận rõ bộ mặt tàn ác của chủ nghĩa thực dân. Do đó, trong nghiên cứu Lịch sử Đảng bộ huyện Côn Đảo, cần đúc kết công tác lãnh đạo, chỉ đạo qua mỗi thời kỳ để chỉ ra những bài học kinh nghiệm, từng bước khắc phục, hạn chế sai sót trong những bước phát triển tiếp theo.

Hai là, bảo tồn, tôn tạo Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Nhà tù Côn Đảo gắn với việc bảo tồn, tôn tạo kiến trúc lịch sử đặc biệt: Thị trấn Côn Đảo. “Thị trấn tù nhân Côn Đảo” là một giá trị kiến trúc đô thị đặc biệt: đô thị tù nhân - không giống với bất cứ đô thị nào trên thế giới, một đô thị không có dân cư, không có một cơ sở kinh tế - xã hội nào khác ngoài nhà tù và bộ máy cai trị tù nhân. “Thị trấn tù nhân Côn Đảo” là một bằng chứng độc nhất vô nhị trong lịch sử loài người và trong lịch sử kiến trúc đô thị thế giới mà dân tộc Việt Nam đang bảo tồn dấu ấn đặc trưng của chủ nghĩa thực dân cho cả nhân loại.

Bảo tồn Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Nhà tù Côn Đảo cần gắn kết với quy hoạch bảo tồn kiến trúc thị trấn tù, như là trọng tâm trong mọi hoạt động xây dựng ở Côn Đảo, vì lẽ, nếu không bảo tồn được hệ thống di tích đặc biệt hiếm quý này trong tổng thể kiến trúc độc đáo của “đô thị tù nhân Côn Đảo” cũng chỉ là một quần đảo bình thường như những quần đảo tươi đẹp khác, làm mất đi những tiềm năng đặc biệt để phát triển. Trong tương lai, “đô thị tù nhân Côn Đảo” sẽ là một bảo tàng độc đáo, khu bảo tồn chứng tích điển hình của chế độ thực dân - một đô thị di sản lưu giữ những giá trị truyền thống cho dân tộc và những chứng tích điển hình của chế độ thực dân man rợ cho nhân loại hôm nay và mai. Điều này còn đặt nền móng cho sự phát triển kinh tế du lịch - dịch vụ trong hiện tại và tương lai với những sản phẩm du lịch văn hóa – lịch sử độc đáo trên hành tinh này, chỉ riêng có ở Côn Đảo.

Bên cạnh những cố gắng bảo tồn và phát huy giá trị của di tích, việc bảo tồn kiến trúc đô thị tù nhân chưa được coi trọng đúng mức. Về diện mạo kiến trúc đô thị, sự phát triển các công trình xây dựng ở khu trung tâm đã ảnh hưởng đến quần thể di tích, đang làm cho quần thể di tích ngày một biến dạng. Những công trình mới mọc lên ở phía trước Trại II, Trại III, dọc theo con đường ven biển, cạnh Nghĩa trang Hàng Dương… cùng những công trình kiến trúc theo phong cách mới dựng lên tại khu vực trung tâm trong những năm qua không mang lại diện mạo kiến trúc mới mẻ, mà có nguy cơ làm biến dạng kiến trúc tiêu biểu, biến dạng cảnh quan và môi trường thiên nhiên. Cần hạn chế tối đa những công trình xây dựng mới ở khu vực trung tâm và có giải pháp cách ly với khu di tích, tạo không gian phù hợp cho nhu cầu hành hương và tưởng niệm7.

Ba là, bảo tồn Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Nhà tù Côn Đảo gắn với bảo vệ thiên nhiên, môi trường, bảo tồn hệ sinh thái đa dạng của biển, của rừng. Hệ sinh thái của biển, của rừng là nguồn tài nguyên đặc biệt quý giá. Vườn Quốc gia Côn Đảo đang bảo tồn một hệ sinh thái đa dạng, có giá trị khoa học rất lớn. Biển Côn Đảo bao quanh đảo và rừng, tạo nên cảnh quan tuyệt đẹp, chứa đựng trong lòng đại dương những tiềm năng du lịch đặc sắc. Bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn các hệ sinh thái rừng, biển là cơ sở đảm bảo cho phát triển bền vững của huyện Côn Đảo, bảo vệ sinh tồn của con người và muôn loài trên trái đất.

Sự phát triển quá nóng về kiến trúc ở khu vực trung tâm và phát triển cơ sở hạ tầng ở Côn Đảo trong những năm qua đã vượt quá an toàn về môi trường thiên nhiên và không gian lịch sử - văn hóa của Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Nhà tù Côn Đảo. Dự án đường Tây Bắc Côn Đảo dài 16 km từ Bến Đầm đến vịnh Ông Đụng và vịnh Đầm Trầu, nối vào đường Cỏ Ống, được tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phê duyệt đầu tư năm 2008 và điều chỉnh năm 20168, khởi công từ tháng 7-2017. Sau gần 4 năm xây dựng, ngày 5-3-2021, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã tổ chức khánh thành và đưa vào sử dụng công trình đường Tây Bắc huyện Côn Đảo.

Vấn đề đặt ra là toàn bộ tuyến đường Tây Bắc Côn Đảo đi xuyên qua các phân khu bảo vệ nghiêm ngặt và phục hồi sinh thái của Vườn Quốc gia, khoảng 70 ha rừng đã bị hủy hoại. Quá trình thi công phải giải phóng khoảng 1,2 triệu m3 đất đá đã làm ảnh hưởng tới thảm thực vật ven bờ, môi trường sống của san hô và rùa biển. Việc phá vỡ một thảm thực vật bảo vệ đã ổn định hàng trăm năm sẽ khó tránh được những nguy cơ sạt lở, xói mòn, phá vỡ hệ sinh thái, để lại hậu quả lâu dài làm ô nhiễm môi trường nước toàn bộ vùng ven biển đảo, môi trường sống của các rạn san hô và loài vích.

 Vấn đề xử lý rác ở Côn Đảo đang đặt ra những yêu cầu cấp bách. Trung bình mỗi ngày có khoảng 15 tấn rác tập trung tại Bãi Nhát, nơi có một nhà máy đốt rác thủ công với công suất nhỏ, chỉ có khả năng xử lý được 1/3 lượng rác thực tế. Côn Đảo còn tiếp nhận khoảng 900 m3 rác thải từ đại dương dạt vào mỗi năm, khiến lượng rác tồn đọng ngày càng tăng cao, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Để giải quyết vấn đề này, HĐND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu khóa VII, nhiệm kỳ 2021-2026, kỳ họp thứ 23 ngày 20-9-2024 đã thông qua Nghị quyết số 53/NQ-HĐND phê duyệt chủ trương chuyển mục đích đất rừng sang mục đích khác để đầu tư xây dựng dự án nhà máy xử lý rác với diện tích 1,92 ha thuộc khoảnh 1, tiểu khu 58, phân khu phục hồi sinh thái Vườn Quốc gia Côn Đảo. Chủ trương đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác là đúng, song vị trí dự kiến xây dựng nhà máy chưa phù hợp9. Vị trí dự kiến xây dựng nhà máy xử lý rác lần này đặt ở Bãi Dài, cách Bến Đầm hơn 2 km, nằm ven đường Tây Bắc Côn Đảo, nơi còn nhiều cánh rừng tự nhiên, đẹp, mang đậm nét hoang sơ trên đảo, bị ảnh hưởng, diện tích 1,92 ha rừng đặc dụng bị phá hủy. Do vậy, cần cân nhắc lại vị trí xây dựng nhà máy rác và việc tiếp tục thi công giai đoạn 2 tuyến đường Tây Bắc Côn Đảo, đồng thời có giải pháp hữu hiệu chữa lành những vết thương cho rừng – biển mà việc làm tuyến đường Tây Bắc Côn Đảo đã gây ra, không chỉ trong giai đoạn thi công mà còn di chứng lâu dài.

Côn Đảo xưa là trường học cách mạng, đào tạo những chiến sĩ kiên cường đấu tranh cho độc lập tự do. Côn Đảo nay phải là trường học đào tạo con người yêu độc lập tự do, yêu di sản mà lịch sử đã trao truyền, biết bảo tồn Di sản lịch sử Quốc gia đặc biệt, Di sản kiến trúc lịch sử đặc biệt, Di sản thiên nhiên Quốc gia đặc biệt, và phát huy những Di sản đặc biệt này thành một nền kinh tế dịch vụ đặc biệt riêng có tại Côn Đảo, gắn liền với việc giáo dục, phát huy truyền thống đấu tranh kiên cường, bất khuất của các thế hệ tù nhân Côn Đảo, những chiến sĩ cộng sản, những nhà nước cách mạng Việt Nam, góp phần xây dựng Côn Đảo ngày càng văn minh, giàu đẹp.

 

Ngày nhận: 25-1-2025; ngày thẩm định, đánh giá: 20-2-2025; ngày duyệt đăng: 28-2-2025

1. Tiếng Pháp: quai là bến tàu, cầu tàu, nơi thuyền neo đậu, cũng chỉ bờ kè dọc theo mép nước (tiếng Việt đọc trại ra là kè). Cũng vì thế mà có người gọi Cầu tàu Côn Đảo là Cầu tàu Andouard (quai Andouard).

2. Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu: Nhà tù Côn Đảo (1862-1975), Nxb CTQG, H, 2003, tr. 12

3. Võ Văn Kiệt: “Di sản lịch sử vô giá & thiên nhiên Côn Đảo cần được tôn vinh xứng tầm”, Tạp chí Xưa & Nay,  số 431 (tháng 07-2013), tr.20

4. Từ năm 1977 là huyện Côn Đảo

5. Thời điểm này, tỉnh Côn Đảo mới chuyển thành huyện trực thuộc tỉnh Hậu Giang.

6.  Một là: Xây dựng khu di tích lịch sử cách mạng Việt Nam, kết hợp với yêu cầu tổ chức tham quan, học tập và du lịch; Hai là: Khai thác khả năng kinh tế của Côn Đảo, nhất là hải sản; Ba là: Kết hợp xây dựng với củng cố quốc phòng

7. Diện mạo kiến trúc đô thị hiện đại nên thiết kế quy hoạch tại hai khu vực Bến Đầm và Cỏ Ống, góp phần giảm bớt áp lực khu trung tâm, dành trọn khu vực trung tâm thị trấn cho không gian kiến trúc lịch sử, cùng những dịch vụ phục vụ nhiệm vụ bảo tồn những giá trị tiêu biểu của Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt và kiến trúc đô thị đặc biệt – “đô thị tù nhân Côn Đảo” mà chúng ta đã có nhiều kinh nghiệm như việc bảo tồn Đô thị cổ Hội An ở Quảng Nam.

8. Dự án được chia làm hai giai đoạn, giai đoạn 1 với quy mô đầu tư xây dựng từ Km 0+00 (cuối tuyến Bến Đầm) đến Km 7+720 (giao với đường Ma Thiên Lãnh) và đoạn Km 13+800 đến cuối tuyến, tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 350 tỉ đồng, được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp IV, miền núi, vận tốc thiết kế 40 km/h; bề rộng mặt đường làn xe ô tô 5,5m; bề rộng nền đường 7,5m cùng hệ thống hạ tầng kỹ thuật thoát nước, công trình phòng hộ, bãi đỗ xe, tổng mức đầu tư 702 tỉ đồng từ nguồn vốn chương trình Biển Đông - Hải đảo.

9. Ngày 28-4-2016, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1009 quy hoạch Phân khu Bến Đầm với tổng diện tích 241,82 ha, dành cho đô thị cảng và du lịch gắn liền với văn hóa bản địa và bảo tồn môi trường cảnh quan biển, rừng, trong đó có 5 khu được đề xuất khai thác phát triển du lịch và 1 khu xử lý chất thải rắn và nghĩa trang phục vụ toàn đảo.