Tóm tắt: Sức mạnh của quân đội là tổng thể các yếu tố vật chất, tinh thần quyết định khả năng tác chiến, chiến đấu và chiến thắng của bộ đội trên chiến trường, trong đó, nhân tố chính trị - tinh thần giữ vai trò chủ đạo, hạt nhân. Điều đó đã được V.I.Lênin khẳng định: “Trong mọi cuộc chiến tranh, rốt cuộc thắng lợi đều tùy thuộc vào tinh thần của quần chúng đang đổ máu trên chiến trường”1. Nhân tố chính trị - tinh thần thâm nhập, chuyển hóa những nhân tố khác, tạo nên sức mạnh tổng hợp của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Từ khóa: Chính trị - tinh thần; sức mạnh quân đội; Quân đội nhân dân Việt Nam

1. Chính trị - tinh thần là khái niệm được cấu thành với hai yếu tố cốt lõi là “chính trị” và “tinh thần”. Trong đó, chính trị là những hiểu biết hoặc những hoạt động để nâng cao hiểu biết về mục đích, đường lối, nhiệm vụ đấu tranh của một giai cấp, một chính đảng nhằm giành hoặc duy trì quyền điều khiển bộ máy nhà nước2. Tinh thần là tổng thể nói chung những ý nghĩ, tình cảm, những hoạt động thuộc về đời sống nội tâm của con người, là cách nghĩ, cách nhìn định hướng cho hoạt động, hành động của con người. Sự quan tâm thường xuyên trên cơ sở những nhận thức nhất định, là cái sâu sắc nhất, cốt yếu nhất của một nội dung nào đó3. Tinh thần ở đây được hiểu bao hàm cả tư tưởng, ý thức chính trị, quan điểm chính trị, phẩm chất xã hội, tình cảm, tâm lý, đạo đức...

Đối với Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam, nhân tố chính trị sự hiểu biết của QĐND Việt Nam về đường lối cách mạng của Đảng nói chung, đường lối quân sự nói riêng và mục tiêu của cách mạng Việt Nam là độc lập dân tộc và CNXH, xây dựng đất nước giàu mạnh, nhân dân có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc. Yếu tố tinh thần là lòng yêu nước, yêu chế độ XHCN, chấp hành sự lãnh đạo của Đảng, của chỉ huy, tính kỷ luật nghiêm minh. Điều đó được thể hiện như sau:

Thứ nhất, nhân tố chính trị - tinh thần trong sức mạnh của Quân đội nhân dân Việt Nam là tng hợp nhng giá trị và sức mạnh của đường lối quân sự của Đảng, cùng với tri thức, tình cảm, niềm tin và ý chí của cán bộ, chiến sĩ. Nội dung này thể hiện cấu trúc của nhân tố chính trị - tinh thần của QĐND Việt Nam. Các yếu tố đó là một chỉnh thể thống nhất, tác động, quy định lẫn nhau, xác định người quân nhân ở vị trí trung tâm trong mọi hoạt động quân sự. Điều đó được thể hiện rõ trong đường lối quân sự của Đảng. Đây là kim chỉ nam và sự định hướng về chính trị cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, đảm bảo quốc phòng, an ninh và giữ vững chủ quyền quốc gia. Giá trị và sức mạnh của đường lối quân sự của Đảng được thể hiện thông qua quá trình đấu tranh cách mạng, được kiểm nghiệm qua những sự kiện lịch sử như Cách mạng Tháng Tám năm 1945, trong đó nhân dân Việt Nam đứng lên giành chính quyền bằng bạo lực cách mạng, đấu tranh chính trị kết hợp với hoạt động của các lực lượng vũ trang. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945 - 1954), với đường lối chiến tranh nhân dân, trường kỳ kháng chiến, dân tộc Việt Nam đã đánh đuổi thực dân Pháp ra khỏi đất nước, trong đó nổi bật là chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 - 1975), với đường lối quân sự là kết hợp đấu tranh quân sự, chính trị, ngoại giao đã làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đường lối quân sự của Đảng định hướng rõ chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong mọi tình huống. Xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc, bảo vệ đất nước ngay cả khi không có chiến tranh. Đường lối quân sự của Đảng xác định rõ sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp của Đảng đối với quân đội, giữ vững chính trị - tư tưởng trong QĐND Việt Nam. Việc Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng của đường lối quân sự Việt Nam đã tạo nên sức mạnh chính trị - tư tưởng trong QĐND Việt Nam. Giữ vững sự lãnh đạo của Đảng đối với QĐND Việt Nam, đảm bảo quân đội luôn trung thành với Tổ quốc, nhân dân. Kết hợp chặt chẽ giữa quân sự với chính trị, phát huy vai trò của nhân dân trong bảo vệ đất nước. Cùng với đó là kết hợp sức mạnh chiến lược và nghệ thuật quân sự như chiến tranh nhân dân, thế trận quốc phòng toàn dân, tư duy linh hoạt “dĩ bất biến, ứng vạn biến”; kết hợp sức mạnh của ba thứ quân; kết hợp chính trị, quân sự, kinh tế, khoa học công nghệ và đối ngoại, tạo nên thế trận bảo vệ đất nước vững chắc; giữa sức mạnh quốc phòng kết hợp với kinh tế và sức mạnh của hội nhập và hợp tác quốc tế.

Trên cơ sở đường lối, chủ trương của Đảng Cộng sản Việt Nam nói chung và đường lối quân sự nói riêng sẽ là cơ sở của nhân tố chính trị - tinh thần, giúp cho mọi quân nhân trong QĐND Việt Nam có nhận thức và hành động đúng đắn, phấn đấu vì mục tiêu, lý tưởng của Đảng là độc lập dân tộc gắn liền với CNXH, xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh, nhân dân có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc và phát triển toàn diện.

Đối với tri thức, tình cảm, niềm tin và ý chí của cán bộ, chiến sĩ, đây là tri thức về CNXH, về đường lối chính trị, quân sự của Đảng, Nhà nước ta. Nhân tố chính trị - tinh thần của bộ đội được hình thành từ mục đích hoạt động chiến đấu của quân đội mà mỗi quân nhân ý thức được, đó cũng chính là sự hiểu biết, sự giác ngộ chính trị của họ về mục tiêu, lý tưởng chiến đấu là vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì CNXH, thấu triệt chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, về đường lối cách mạng của Đảng; hiểu rõ bản chất, âm mưu của các thế lực thù địch đối với cách mạng Việt Nam, tính chất phi nghĩa của chiến tranh xâm lược; nắm vững đường lối chính trị, quân sự của Đảng, hiểu biết về lĩnh vực quân sự, về kỹ thuật, chiến thuật và khoa học nghệ thuật quân sự. Bên cạnh đó, tình cảm của cán bộ, chiến sĩ là trạng thái tâm lý, biểu hiện thái độ trước các vấn đề chính trị, đạo đức xã hội, biểu hiện trong văn hóa giao tiếp, trong giải quyết các mối quan hệ trong cuộc sống. Trong đó, tình cảm chính trị của mỗi cán bộ, chiến sĩ có ý nghĩa to lớn, là sự kế thừa và phát huy những truyền thống văn hóa, đạo đức quý báu của dân tộc Việt Nam, là kết quả tất yếu của nhận thức chính trị, nhận thức đạo đức đúng đắn của họ và là cơ sở để xây dựng nhân tố chính trị - tinh thần ở những cấp độ cao hơn. Điều đó đã được V.I.Lênin khẳng định: Đương nhiên, nếu không có tình cảm cách mạng trong quần chúng, không có những điều kiện thuận tiện cho tình cảm ấy phát triển thì không thể làm cho sách lược cách mạng biến thành hành động”4. Có tình cảm chính trị sẽ có được niềm tin chính trị. Niềm tin chính trị dựa trên cơ sở giá trị truyền thống văn hóa, đạo đức của dân tộc, quân đội và chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, phát triển thành bản lĩnh chính trị, thể hiện ở sự thống nhất giữa lời nói với việc làm, suy nghĩ và hành động; có tình thương yêu đồng chí, đồng đội, bảo vệ cái đúng, phê phán cái sai, là cơ sở để vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống. V.I.Lênin đã chỉ ra: “Lòng tin vào cuộc chiến tranh chính nghĩa, sự giác ngộ rằng cần phải hy sinh đời mình cho hạnh phúc của những người anh em, là yếu tố nâng cao tinh thần của binh sĩ và làm cho họ chịu đựng được những khó khăn chưa từng thấy”5.

Thứ hai, nhân tố chính trị - tinh thần của Quân đội nhân dân Việt Nam được thể hiện tập trung, rõ nét trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, đặc biệt là trong huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ. Đây là nội dung thể hiện năng lực, trí tuệ của quân nhân trong quản lý, sử dụng, làm chủ, cải tiến vũ khí, trang bị kỹ thuật và khoa học, nghệ thuật quân sự; mưu trí, sáng tạo và kiên cường, dũng cảm trong chiến đấu. Vai trò nhân tố chính trị - tinh thần càng được phát huy cao độ trong nghệ thuật quân sự lấy nhỏ thắng lớn, lấy ít địch nhiều, lấy chất lượng cao thắng số lượng đông để giành chiến thắng trước những kẻ thù hung bạo, đông hơn ta về số lượng, mạnh hơn ta về vũ khí, trang bị kỹ thuật và tiềm lực kinh tế - quân sự. Bên cạnh đó, nhân tố chính trị - tinh thần của QĐND Việt Nam còn được thể hiện ở khả năng sẵn sàng nhận và vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, sẵn sàng hy sinh để hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao trong mọi tình huống, mọi hoàn cảnh.

2. Đối với QĐND Việt Nam, trong suốt chặng đường lịch sử, từ khi thành lập (1944) đến nay, nhân tố chính trị - tinh thần luôn là nguồn sức mạnh to lớn, chiến thắng những kẻ thù mạnh hơn về vũ khí, trang bị, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN. Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều biến động, phức tạp, khó lường, Đại hội XIII (2021) của Đảng nêu rõ:Khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó Đông Nam Á có vị trí chiến lược ngày càng quan trọng, là khu vực cạnh tranh gay gắt giữa các cường quốc, tiềm ẩn nhiều bất ổn. Tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển, đảo diễn ra căng thẳng, phức tạp, quyết liệt hơn. Hòa bình, ổn định, tự do, an ninh, an toàn hàng hải, hàng không trên Biển Đông đứng trước thách thức lớn, tiềm ẩn nguy cơ xung đột6. Theo đó, trong thực hiện nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu của QĐND Việt Nam hiện nay, vai trò của nhân tố chính trị - tinh thần càng trở nên quan trọng, bảo đảm cho quân đội luôn vững vàng trước mọi khó khăn, thách thức, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Do đó, mỗi cán bộ, chiến sĩ phải luôn nêu cao tinh thần cảnh giác cao độ, ý chí quyết tâm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biển đảo trở thành động lực quan trọng để cán bộ, chiến sĩ duy trì trạng thái sẵn sàng chiến đấu ở mức cao nhất. Đây là quá trình tăng cường quan điểm chính trị của Đảng trong quân đội, giúp cho QĐND Việt Nam hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, trong đó: 

Về mặt chính trị, phải thực hiện đúng theo đường lối quân sự, quốc phòng của Đảng, không ngừng học tập, trau dồi đạo đức cách mạng, kiên định với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: Quân đội ta có sức mạnh vô địch, vì nó là một quân đội nhân dân do Đảng ta xây dựng, Đảng ta lãnh đạo và giáo dục7. Vì vậy, việc xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Chú trọng xây dựng QĐND Việt Nam vững mạnh về chính trị, làm cơ sở để nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu, góp phần xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh. Cố Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị là yêu cầu khách quan, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong xây dựng Quân đội Nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”8. Đồng thời, khẳng định: “Toàn quân phải kiên định nguyên tắc xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị. Đây là vấn đề cơ bản, nguyên tắc bất di, bất dịch xuyên suốt quá trình xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của Quân đội nhân dân, nhằm giữ vững và tăng cường bản chất giai cấp công nhân, mục tiêu, lý tưởng của Đảng; là nhân tố quyết định việc hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao”9.

Về mặt tinh thần, QĐND Việt Nam phải giữ vững lập trường tư tưởng, chính trị, luôn tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, phải phát huy cao độ tính chủ động, sáng tạo, nâng cao ý thức kỷ luật và trách nhiệm trong học tập, tiếp thu những thành tựu khoa học quân sự tiên tiến để nâng cao trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội. V.I. Lênin chỉ rõ sự phụ thuộc của nhân tố tinh thần vào hoạt động công tác đảng, công tác chính trị trong quân đội:ở đâu mà công tác chính trị trong quân đội, công tác của các chính ủy làm được chu đáo nhất, thì ở đấy... tinh thần của họ cũng cao hơn10.

Vai trò của nhân tố chính trị - tinh thần không chỉ là động lực để quân đội hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong thời bình mà còn là yếu tố quyết định sức mạnh chiến đấu, giúp quân đội ta luôn giữ vững vị thế là lực lượng nòng cốt trong sự nghiệp quốc phòng toàn dân. Bên cạnh đó, nhân tố chính trị - tinh thần còn tạo động lực để QĐND Việt Nam ra sức học tập, tiếp thu khoa học, công nghệ quân sự hiện đại, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, góp phần nâng cao trình độ bộ đội tác chiến mà còn rèn luyện bản lĩnh, lập trường, củng cố niềm tin, ý chí chiến đấu kiên cường, giữ vững phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” trong mọi tình huống. Đáp ứng yêu cầu xây dựng quân đội tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại, bảo vệ vững chắc Tổ quốc.  

Mặt khác, trong thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, rèn luyện của bộ đội, nhân tố chính trị - tinh thần đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng huấn luyện, rèn luyện bản lĩnh và ý chí sẵn sàng chiến đấu của QĐND Việt Nam. Cố Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: “... cần đặc biệt quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ vững mạnh, đủ đức, đủ tài, có uy tín cao; cấp trên phải làm gương cho cấp dưới, chỉ huy phải mẫu mực trước toàn đơn vị... Muốn vậy, chúng ta phải chú trọng bồi dưỡng, rèn luyện đội ngũ cán bộ Quân đội theo tinh thần “7 dám”: “Dám nghĩ; dám nói; dám làm; dám chịu trách nhiệm; dám đổi mới, sáng tạo; dám đương đầu với khó khăn, thử thách, và dám hành động vì lợi ích chung”11. Nhờ có tinh thần trách nhiệm cao, ý chí quyết tâm và niềm tự hào quân đội cách mạng, các chiến sĩ không ngừng nỗ lực khắc phục khó khăn, chấp hành kỷ luật nghiêm minh, rèn luyện trong điều kiện khắc nghiệt để nâng cao sức mạnh tổng hợp.

Nhân tố chính trị - tinh thần là nền tảng cốt lõi, góp phần quan trọng sức mạnh của QĐND Việt Nam. Đây là nguồn động lực giúp QĐND Việt Nam vượt qua mọi khó khăn, thử thách trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, kháng chiến chống kẻ thù xâm lược và công cuộc bảo vệ Tổ quốc. Tinh thần yêu nước, ý chí kiên cường, lòng trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân đã tạo nên sức mạnh vô địch của QĐND Việt Nam. Trong bối cảnh mới, việc không ngừng củng cố và phát huy nhân tố chính trị - tinh thần giúp QĐND Việt Nam tiếp tục hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ giữ vững độc lập, hòa bình và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.

Ngày nhận bài:22-1-2025; ngày thẩm định, đánh giá: 25-3-2025;  ngày duyệt đăng: 31-3-2025

1, 4, 5. V.I. Lênin Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2006, T. 41, tr. 147, 59, 147

2, 3. Từ điển Tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng, H, 2015, tr. 228, 1306

6. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb CTQG, H, 2021, T. I, tr. 107

7. Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, T. 14, tr. 435

8, 9, 11. https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tiep-lua-truyen-thong/xay-dung-quan-doi-vung-manh-ve-chinh-tri-theo-chi-dao-cua-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-786342, ngày đăng 22-7-2024

10. V.I.Lênin Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2005, T. 39, tr. 66.