Tóm tắt: Trong quá trình thực hiện đường lối đổi mới từ năm 1986 đến nay, Việt Nam từng bước có những đổi mới về phát triển giáo dục, nhằm phát triển toàn diện con người Việt Nam, trong đó chú trọng đến việc phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế. Bài viết làm rõ những yếu tố tác động đến sự phát triển nhận thức của Đảng về giáo dục trong những năm 1991- 2021 và những kết quả đạt được.

Từ khóa: Giáo dục Việt Nam, nhận thức của Đảng, hội nhập quốc tế về giáo dục, quốc sách hàng đầu

1. Một số yếu tố tác động đến sự thay đổi nhận thức của Đảng về giáo dục   

Thứ nhất, cuộc cải tổ, cải cách, đổi mới ở Trung Quốc, Liên Xô và các nước XHCN ở Đông Âu từ cuối những năm 70, đầu những năm những năm 80 thế kỷ XX  đã tác động mạnh đến Việt Nam, trong đó có vấn đề nhận thức về giáo dục ở Việt Nam không còn phù hợp với bối cảnh mới. Để tránh bị lạc hậu trong giáo dục, Việt Nam đã thực hiện đổi mới giáo dục, chủ động tìm kiếm những hướng hợp tác mới, đa dạng hóa đối tác quốc tế và mở rộng quan hệ với các quốc gia có nền giáo dục phát triển; tiếp thu chọn lọc những giá trị mới nhằm hiện đại hóa chương trình học, thúc đẩy tích hợp các kỹ năng toàn cầu, mở đầu từ Đại hội VI (1986) của Đảng.

Thứ hai, xu hướng toàn cầu hóa ngày càng mạnh mẽ, đặt ra yêu cầu cấp thiết về sự hội nhập của giáo dục Việt Nam. Sự phát triển của khoa học và công nghệ giúp giáo viên và người học có thể tiếp cận với nguồn tri thức phong phú. Toàn cầu hóa với sự gia tăng thương mại và đầu tư quốc tế, sự dịch chuyển tri thức và nguồn lao động, yêu cầu các quốc gia phải thích ứng và đổi mới không ngừng, nhất là vấn đề giáo dục và khoa học, công nghệ1 Trong bối cảnh đó, giáo dục Việt Nam phải thích ứng và vượt khỏi những khuôn khổ truyền thống2, để có thể bắt kịp và song hành cùng nền giáo dục hiện đại thế giới. Một mặt, giáo dục cần giữ gìn và kế thừa bản sắc văn hóa dân tộc; mặt khác cần phải đổi mới mạnh mẽ chương trình, nội dung, phương pháp giáo dục theo xu hướng của thời đại, tích hợp công nghệ vào giảng dạy, thúc đẩy các kỹ năng mềm, tư duy sáng tạo và khả năng giải quyết vấn đề hiệu quả.

Thứ ba, tư duy và mô hình giáo dục cũ không còn phù hợp, cần phải có sự thay đổi mạnh mẽ. Trước năm 1986, giáo dục chủ yếu tập trung vào việc đào tạo theo kế hoạch, ít chú trọng đến nhu cầu của thị trường lao động. Giáo dục chưa được nhận thức đầy đủ là động lực cho sự phát triển toàn diện quốc gia, mà chỉ là một phần trong cuộc cách mạng văn hóa tư tưởng3. Điều đó, không còn phù hợp với sự phát triển của đất nước, nhất là trong thời kì đổi mới, hội nhập quốc tế. Do đó đổi mới nhận thức giáo dục trở thành nhu cầu tất yếu trong giai đoạn mới.

Thứ tư, công cuộc đổi mới, thực hiện CNH, HĐH đất nước đặt ra những yêu cầu mới đối với nền giáo dục nước nhà. Đặc biệt, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển mạnh mẽ, sự gia tăng vai trò của tri thức, khoa học - công nghệ trong đời sống kinh tế - xã hội và nhất là yêu cầu phát triển bền vững thì đổi mới nhận thức về vai trò và mục tiêu của giáo dục càng trở nên cần thiết4. Đại hội lần thứ XIII (2021) của Đảng đề ra mục tiêu: đến năm 2030 Việt Nam “là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao” và đến năm 2045 “trở thành nước phát triển, thu nhập cao”5. Để đạt được mục tiêu đó, đòi hỏi về đội ngũ lao động trình độ cao, có kỹ năng, có khả năng hợp tác quốc tế ngày càng cao. Giáo dục cần được cải cách để đảm bảo cung cấp cả kiến thức lý thuyết, khả năng thực hành, tư duy sáng tạo và kỹ năng giải quyết vấn đề cho người học.

Thứ năm, thế hệ cán bộ lãnh đạo đất nước thời kỳ đổi mới có những nhận thức mới về giáo dục. Trong công cuộc đổi mới, đẩy mạnh hội nhập quốc tế, đội ngũ cán bộ lãnh đạo đã tiếp cận tư tưởng giáo dục hiện đại. Tư duy giáo dục tập trung vào phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.

2. Quá trình thay đổi nhận thức của Đảng về mục tiêu, vai trò của giáo dục

Trong những năm 1986-1990, mục tiêu chính của giáo dục, nhất là giáo dục đại học và chuyên nghiệp, trực tiếp góp phần vào việc đổi mới công tác quản lý kinh tế và xã hội.

Tại Đại hội Đảng lần thứ VII (1991), Đảng chủ trương phát triển sự nghiệp khoa học, giáo dục, văn hóa nhằm phát huy nhân tố con người và vì con người trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trong đó khoa học và giáo dục đóng vai trò then chốt trong toàn bộ sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc là một động lực đưa đất nước thoát ra khỏi nghèo nàn, lạc hậu, vươn lên trình độ tiên tiến của thế giới. Mục tiêu giáo dục và đào tạo nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, hình thành đội ngũ lao động có tri thức và có tay nghề, có năng lực thực hành, tự chủ, năng động và sáng tạo, có đạo đức cách mạng, tinh thần yêu nước, yêu CNXH.

Như vậy có thể thấy rằng, từ năm 1991, Đảng đã có sự thay đổi nhận thức mạnh mẽ về giáo dục: Một là, giáo dục phải đi đôi với công nghiệp hóa và chú trọng sự phát triển khoa học và công nghệ. Định hướng giáo dục cũng chuyển từ chú trọng kiến thức sang “hình thành đội ngũ lao động có tri thức và tay nghề, có năng lực thực hành, tự chủ, năng động và sáng tạo, có đạo đức cách mạng, tinh thần yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội”6. Nhờ vậy, hệ thống giáo dục đã đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao về nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn và kỹ năng tay nghề cao trong bối cảnh nền kinh tế hàng hóa đang phát triển. Hai là, giáo dục theo hướng đa dạng hóa các loại hình đào tạo. Việt Nam dần hình thành các trường bán công, dân lập và tư thc (dạy nghề) mở rộng quy mô giáo dục bậc cao (đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp). Ba là, thực hiện dân chủ hóa giáo dục, đảm bảo mọi công dân ở bất kỳ lứa tuổi nào, cũng như mọi cộng đồng đều có quyền được học7, phản ánh sự kế thừa tư tưởng Hồ Chí Minh về học tập suốt đời. Chủ trương xã hội hóa giáo dục được đưa ra với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, gián tiếp bắt đầu thời k thương mại hóa lĩnh vực giáo dục. Những điểm trên cho thấy rõ sự chuyển hướng trong nhận thức của Đảng về vai trò và mục tiêu của giáo dục Việt Nam, trong đó nhấn mạnh vấn đề giáo dục đi kèm với khoa học - công nghệ và phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH đất nước. Đây là cơ sở để thực hiện việc đào tạo đội ngũ lao động chất lượng cao phục vụ công cuộc đổi mới và phát triển đất nước, hội nhập quốc tế.

Những thay đổi trong nhận thức của Đảng về vai trò và mục tiêu giáo dục tiếp tục được phản ánh cụ thể trong Hiến pháp năm 1992, trong đó nhấn mạnh “giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu”, đánh dấu sự thay đổi quan trọng trong cách tiếp cận và đầu tư cho giáo dục. Giáo dục là đòn bẩy quan trọng để phát huy yếu tố con người, phục vụ cho định hướng phát triển kinh tế - xã hội, thay vì phục vụ kháng chiến. Nhà nước phát triển giáo dục nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, để có những lao động có nghề, năng động và sáng tạo, có niềm tự hào dân tộc, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hiến pháp năm 1992 khẳng định “khoa học và công nghệ giữ vai trò then chốt trong sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của đất nước”8các ngành văn hóa, thông tin, nghệ thuật và báo chí cũng cần tham gia thúc đẩy phát triển giáo dục. Hiến pháp năm 1992 cũng thể hiện xu hướng xã hội hóa và cá thể hóa giáo dục, thể hiện tính bền vững và mục tiêu nâng cao năng lực thực tiễn của người học, đáp ứng tốt nhất các nhu cầu trong thời đại mới9. Sau đó, Luật Giáo dục năm 1998 đã cụ thể hóa những điểm quan trọng của Hiến pháp năm 1992, quy định hệ thống và nguyên tắc giáo dục quốc dân xoay quanh định hướng giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Nhà nước và của toàn dân.

Sang đầu thế kỷ XXI, với những nhiệm vụ mới trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế, Đại hội IX (2001) của Đảng đề ra định hướng “chuẩn hóa, hiện đại hóa và xã hội hóa” giáo dục10. Từ đây giáo dục Việt Nam đã có thêm hai mục tiêu mới là chuẩn hóa và hiện đại hóa, nhằm đưa giáo dục bắt kịp với trình độ phát triển toàn cầu. Đây là bước tiếp theo trong quá trình thay đổi nhận thức của Đảng về sự phát triển của giáo dục trong tổng thể sự phát triển kinh tế - xã hội. Điều này đánh dấu giai đoạn đầu quá trình thúc đẩy hội nhập quốc tế trong giáo dục, thể hiện qua chính sách khuyến khích và tạo điều kiện cho cán bộ, viên chức đi du học nước ngoài, theo Quyết định số 322/QĐ-TTg ngày 19-4-2000 về việc phê duyệt Đề án đào tạo cán bộ khoa học, kỹ thuật tại các cơ sở đào tạo nước ngoài bằng ngân sách nhà nước11.

Đại hội X (2006) của Đảng nhấn mạnh: “giáo dục và đào tạo cùng với khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là nền tảng và động lực thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”12. Bên cạnh đó, Đảng tiếp tục xác định việc tăng cường hợp tác quốc tế về giáo dục, vừa tiếp cận chuẩn giáo dục khu vực và quốc tế, vừa từng bước tham gia đào tạo nhân lực chất lượng cao cho thế giới. Có thể thấy, khi nhiệm vụ hợp tác, hội nhập quốc tế ngày càng được nâng cao, thì mục tiêu của giáo dục đã từng bước chuyển biến, đảm bảo hiện đại hóa và chuẩn hóa, để bắt kịp với trình độ thế giới.

Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 4-11-2013 (Nghị quyết HNTƯ 8, khóa XI) “về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”. Nghị quyết là bước chuyển biến quan trọng về cách tiếp cận và định hướng phát triển giáo dục. Lần đầu tiên, định hướng phát triển giáo dục được ghi nhận bao gồm cả 5 yếu tố là: chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế13, nhằm đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp CNH, HĐH đất nước. Nghị quyết đưa ra quan điểm chỉ đạo là đến 2030 giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực.

 Cụ thể hóa chủ trương của Đảng, Hiến pháp năm 2013, Điều 61 nêu rõ: “phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu nhằm nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài”14. Giáo dục không chỉ truyền đạt kiến thức mà phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức, kỹ năng của người học. Dựa trên quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết số 29-NQ/TW và Hiến pháp năm 2013, Việt Nam đã thực hiện đổi mới chương trình giáo dục phổ thông từ năm 2018 với nhiều thay đổi so với chương trình giáo dục phổ thông năm 2006. Đồng thời, quá trình “tự chủ” trong giáo dục, nhất là giáo dục bậc cao đang từng bước được thực hiện để hướng đến những mục tiêu dân chủ, hiện đại, hội nhập trong giáo dục. Đặc biệt, khi mà Việt Nam hội nhập mạnh mẽ, cùng cam kết với thế giới về sự phát triển bền vững, vừa phát triển kinh tế, vừa đảm bảo môi trường, trong đó nhấn mạnh tính đột phá của khoa học và công nghệ, thì giáo dục tiếp tục được coi là trọng tâm chính sách để tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo động lực phát triển quốc gia.

 Đại hội XIII (2021) của Đảng tiếp tục nhấn mạnh vai trò giáo dục và khoa học công nghệ “là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển đất nước”; đồng thời, cần đổi mới toàn diện nền giáo dục theo hướng “hiện đại, hội nhập quốc tế, phát triển con người toàn diện, đáp ứng những yêu cầu mới của phát triển kinh tế - xã hội”15. Đặc biệt, vai trò của giáo dục ngày càng có ý nghĩa quan trọng khi Đảng đặt ra những mục tiêu quan trọng vào năm 2030 và 2045, bởi trong bối cảnh hiện nay, nguồn lao động chất lượng cao cùng với hoạt động chuyển đổi số, thúc đẩy hơn nữa giá trị của khoa học công nghệ trong sản xuất là những động lực chính cho sự phát triển bền vững quốc gia.

3. Một số kết quả

Sự thay đổi nhận thức của Đảng và Nhà nước về vai trò và mục tiêu của giáo dục trong giai đoạn 1991 - 2021 đã dẫn đến sự phát triển mạnh của giáo dục Việt Nam hiện nay, trong đó hai vấn đề tiêu biểu là chất lượng nguồn lao động tăng cao và năng lực hội nhập quốc tế ngày càng mạnh. Những kết quả đó được cụ thể hóa qua các mặt như sau:  

Thứ nhất là, ngân sách nhà nước cho giáo dục - đào tạo gia tăng, cùng với sự nâng cao vai trò của ngành. Năm 1995, vốn đầu tư xây dựng cơ bản cho giáo dục - đào tạo chỉ chiếm 1.291,3 tỷ đồng trong tổng số 64.963 tỷ đồng ngân sách chi16, đến năm 2022, chi phát triển sự nghiệp giáo dục - đào tạo tăng lên 272.738 tỷ đồng, chiếm 12,64% tổng chi tiêu của cả nước. Bên cạnh đó, Nhà nước đầu tư cho nghiên cứu và phát triển tăng mạnh, từ 175,3 tỷ đồng năm 2015 lên 584,49 tỷ đồng năm 202217. Mặc dù chưa đạt được 20% ngân sách như mục tiêu đề ra18, song sự tăng trưởng này phản ánh sự ưu tiên của Nhà nước đối với giáo dục - đào tạo trong việc nâng cao chất lượng và cơ hội học tập cho mọi người dân. Đầu tư cho giáo dục - đào tạo, đặc biệt là mảng nghiên cứu và phát triển vẫn tăng trong bối cảnh đất nước đang phát triển, có rất nhiều lĩnh vực cần đầu tư, nhất là vấn đề cơ sở hạ tầng, đã cho thấy sự cam kết của Đảng và Nhà nước trong việc đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo.

Thứ hai là, nhân lực trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo tại Việt Nam đã có sự phát triển đáng kể qua các năm, cả về số lượng lẫn chất lượng. Năm 1995, số lượng nhân lực trong ngành giáo dục - đào tạo thuộc khu vực Nhà nước đã đạt 710,7 nghìn người19. Đến năm 2023, số giáo viên phổ thông là 813.583 người; trong đó nữ giáo viên là 596.023 người (năm 2021)20. Số lượng giảng viên các trường đại học và cao đẳng cũng tăng từ 32.357 người (năm 2000) lên 76.576 người (năm 2020) và chất lượng cũng bước tiến rõ rệt khi tỉ lệ giảng viên trình độ trên đại học đạt tới 70.018 người (2020)21. Điều này cho thấy sự gia tăng nguồn nhân lực có trình độ cao (trên đại học) trong ngành giáo dục - đào tạo, đảm bảo tính phù hợp trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Từ chính nguồn nhân lực chất lượng cao này, đội ngũ lao động được đào tạo ngày càng bài bản, toàn diện và có trình độ cao hơn. Theo điều tra năm 2002, cả nước có khoảng 40,7 triệu lao động thường xuyên (trên 15 tuổi), trong đó chỉ 19,62% đã qua đào tạo, với 13.500 tiến sĩ, 1.032 phó giáo sư và 4.563 giáo sư22. Đến 2022, cả nước có 50,6 triệu lao động, trong đó 26,1% lao động đã qua đào tạo (13,2 triệu người) và riêng nhóm lao động chuyên môn kỹ thuật cao và bậc chung chiếm hơn 10%23. Đây là một trong những kết quả quan trọng của nền giáo dục - đào tạo, tạo tiền đề để Việt Nam thực hiện những bước đột phá chiến lược mới trong giai đoạn tiếp theo.

Thứ ba là, công bố quốc tế của Việt Nam trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo và nghiên cứu khoa học đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Trong giai đoạn 1995-1999, số bài công bố quốc tế khoảng dưới 1.000 bài, nhưng chỉ riêng năm 2017 đã đạt gần 4.500 bài24. Giai đoạn 2018 - 2023, công bố quốc tế của Việt Nam tăng liên tục, tổng số là 96.211 bài, xếp thứ 5 trong khối ASEAN. Việt Nam được xếp thứ 4 ASEAN về số lượng bằng độc quyền sáng chế (3.868 bằng)25. Đây là một trong những minh chứng quan trọng cho việc nâng cao trình độ và khả năng hội nhập quốc tế của nền giáo dục nước nhà. Nhiều dự án nghiên cứu giữa học giả Việt Nam và học giả Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Pháp, Úc, Ấn Độ, Anh, Iran đã được triển khai thực hiện và từ đó có nhiều công bố quốc tế dựa trên hoạt động hợp tác nghiên cứu quốc tế.

Thứ tư là, yếu tố hội nhập cũng được thể hiện rõ qua hàng loạt hợp tác giáo dục giữa Việt Nam và các nước phát triển khác. Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) hiện có hàng trăm chương trình liên kết đào tạo quốc tế, nổi bật nhất là tài trợ từ chương trình học bổng Erasmus Mundus. Một số trường đại học hàng đầu của Việt Nam như Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội, và Đại học FPT đã đạt được các chứng chỉ kiểm định quốc tế ở cả cấp khu vực và toàn cầu. Việc áp dụng các chương trình giáo dục nước ngoài cho cả bậc đại học và phổ thông giúp nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và phù hợp với yêu cầu hội nhập quốc tế. Việt Nam không chỉ có lượng sinh viên du học nước ngoài tăng mạnh mà còn từng bước thu hút được nhiều du học sinh theo học dưới các dạng trao đổi, học tập khác nhau. Hiện nay, Việt Nam có khoảng 200.000 du học sinh Việt Nam ở nước ngoài26; trong khi số sinh viên nước ngoài theo học ở Việt Nam trong giai đoạn 2016 - 2021 là 45.000 người27, riêng năm học 2023 - 2024 là 22.000 người28. Như vậy, Việt Nam không chỉ là nơi “xuất khẩu” du học sinh, mà còn là nơi thu hút được số lượng ngày càng tăng sinh viên nước ngoài đến học tập, trao đổi, cho thấy trình độ giáo dục và năng lực hợp tác, hội nhập quốc tế ngày càng tăng.

Trong những năm 1991 - 2021, giáo dục - đào tạo Việt Nam đã từng bước được thay đổi về nhận thức và định hướng phát triển theo 5 yếu tố là: chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế. Từ những định hướng chiến lược đó, nền giáo dục - đào tạo Việt Nam đã đạt được nhiều kết quảquan trọng, trong đó nổi bật là sự gia tăng đội ngũ lao động chất lượng cao phục vụ công cuộc phát triển kinh tế - xã hội và khả năng hợp tác, hội nhập quốc tế. Sự thay đổi đó không chỉ là một bước tiến quan trọng trong chính sách phát triển, mà còn là chìa khóa để Việt Nam hội nhập và phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai.

Ngày nhận: 4-11-2024; ngày thẩm định: 25-3-2025; ngày duyệt đăng: 31-3-2025

* Bài viết được tài trợ bởi Trung tâm Tư vấn và phát triển tài năng (Trung tâm GATE) thuộc Vinschool

1. Naisbitt J, Aburdene P: Megatrends 2000: Ten New Directions for the 1990’s, Avon, 1991, p. 87

 2. Phạm Văn Thực: “Đổi mới giáo dục và đào tạo của Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa”, Kỷ yếu hội thảo quốc tế lần thứ nhất về đổi mới đào tạo giáo viên, 2019, tr.170

3. Bộ Chính trị: Nghị quyết số 14-NQ/TW ngày 11-1-1979 “về cải cách giáo dục”, Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, https://dangcongsan.vn/doi-moi-can-ban-va-toan-dien-giao-duc-dao-tao/duong-loi-chinh-sach/nghi-quyet-cua-bo-chinh-tri-khoa-iv-ve-cai-cach-giao-duc-347269.html, đăng ngày 9-12-2011

4. Bùi Ngọc Quỵnh, Phạm Quốc Quân: “Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, Tạp chí Cộng sản điện tửhttps://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/kinh-te/-/2018/827435/tiep-tuc-day-manh-cong-nghiep-hoa%2C-hien-dai-hoa-dat-nuoc-trong-boi-canh-cuoc-cach-mang-cong-nghiep-lan-thu-tu.aspx#, đăng ngày 4-6-2023

5, 15 . Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb CTQGST, H, 2021, T.1, tr. 36, 136

6, 10. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới, phần I (Đại hội VI, VII, VIII, IX), Nxb CTQGST, H, 2019, tr. 404, 873

7. Đỗ Quả: Một số định hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế trong đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục Việt Nam”, Tạp chí Khoa học, Trường Đại học Phú Yên, số 6-2014, tr.3

8. Quốc hội: Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992, tr. 7-8

9. Dẫn theo: Nguyễn Minh Thuyết, Hoàng Thị Hòa Bình, “Triết lý giáo dục và vấn đề đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục Việt Nam”, Kỷ yếu Hội thảo khoa học: Đổi mới Giáo dục và Đào tạo vì mục tiêu phát triển bền vững, H, 2020, tr. 155

11. Thủ tướng Chính phủ: Quyết định số 322/2000/QĐ-TTg ngày 19-4-2000 về việc phê duyệt đề án đào tạo cán bộ khoa học, kỹ thuật tại các cơ sở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước

12. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới, phần II (Đại hội X, XI, XII), Nxb CTQGST, H, 2019, tr. 111

13. Ban Chấp hành Trung ương: Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4-11-2013 “về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”

14. Quốc hội: Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013, tr.13

16, 19. Tổng cục Thống kê: Niên giám thống kê 1997, Nxb Thống kê, H, 1998, tr. 220, 6

18. Trịnh Ngọc Thạch: “Chính sách ưu tiên đầu tư tài chính cho giáo dục của Việt Nam theo quan điểm “phát triển giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu””, Kỷ yếu Hội thảo quốc tế lần thứ nhất về đổi mới đào tạo giáo viên, H, 2019, tr. 362

17, 20, 21. Tổng cục Thống kê: Niên giám thống kê Việt Nam năm 2023, Nxb Thống kê, H, 2024, tr. 257, 905-907, 920

22. Phạm Minh Hạc: “Vấn đề nghiên cứu con người và nguồn nhân lực đầu thế kỷ XXI”, Tạp chí Nghiên cứu Con người, số 4-2004, tr. 10

23. Tổng cục Thống kê: Báo cáo điều tra lao động việc làm năm 2021, Nxb Thống kê, H, 2022, tr. 23, 33

24. Nguyễn Minh Quân và các tác giả khác: “Công bố khoa học quốc tế của Việt Nam: Thực trạng và một số khuyến nghị”, Tạp chí Khoa học và công nghệ Việt Nam, số 10-2020, tr. 5

25. Bộ Khoa học và công nghệ: Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo Việt Nam 2023, Nxb Khoa học kỹ thuật, H, 2024, tr. 95-96

26. Diệu Bảo: “Năm học mới của du học sinh Việt ở nước ngoài”, https://baophapluat.vn/nam-hoc-moi-cua-du-hoc-sinh-viet-o-nuoc-ngoai-post522942.html, đăng ngày 25-8-2024

27. Lệ Thu: “45.000 sinh viên từ 102 quốc gia đến Việt Nam du học”, https://vnexpress.net/45-000-sinh-vien-tu-102-quoc-gia-den-viet-nam-du-hoc-4502603.html, đăng ngày 22-8-2022

28. Minh Giảng: “Vì sao 22.000 du học sinh nước ngoài chọn học tập ở Việt Nam?”, https://tuoitre.vn/vi-sao-22-000-du-hoc-sinh-nuoc-ngoai-chon-hoc-tap-o-viet-nam-20241025083741677.htm, đăng ngày 25-10-2024.