Phó viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của ĐảngHọc viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Tóm tắt: Sự hình thành và phát triển của mối quan hệ gắn bó bên nhau giữa cách mạng Việt Nam và cách mạng Trung Quốc, của tình đoàn kết, hữu nghị giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam - Trung Quốc được Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Chủ tịch Mao Trạch Đông và các thế hệ lãnh đạo của cách mạng hai nước nước kiến tạo, dày công xây dựng, vun đắp, đã khai hoa, kết quả tốt đẹp như ngày nay. Đó là cơ sở nền tảng, vững chắc cho quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc trong hiện tại và tương lai.
Từ khóa: Hồ Chí Minh; di sản; đoàn kết, hữu nghị; Việt Nam - Trung Quốc
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trọn đời đấu tranh và dâng hiến cho khát vọng độc lập, tự do của Tổ quốc, ấm no, hạnh phúc của nhân dân và hòa bình, hữu nghị, đoàn kết và phát triển giữa các dân tộc trên thế giới. Người là kết tinh của phẩm giá, khí phách, lương tri của dân tộc và thời đại, rạng ngời cốt cách vĩ nhân.
Với những cống hiến xuất sắc cho tiến trình phát triển của dân tộc và nhân loại, năm 1987, UNESCO đã tôn vinh Người là: “Anh hùng giải phóng dân tộc và Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam”1; khẳng định: “Chủ tịch Hồ Chí Minh, một biểu tượng xuất sắc về sự tự khẳng định dân tộc, đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội… Những đóng góp quan trọng và nhiều mặt của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên các lĩnh vực văn hóa, giáo dục và nghệ thuật chính là sự kết tinh của truyền thống văn hóa hàng ngàn năm của dân tộc Việt Nam, và những tư tưởng của Người là hiện thân của những khát vọng của các dân tộc mong muốn được khẳng định bản sắc văn hóa của mình và mong muốn tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc”2.
Đi ra thế giới với ý chí lớn, nghị lực phi thường; trí tuệ và tầm nhìn thời đại, Hồ Chí Minh không chỉ tìm ra con đường giải phóng và phát triển cho dân tộc Việt Nam, mà còn góp phần vào cuộc đấu tranh để xóa bỏ một trong những vết nhơ của nhân loại là chủ nghĩa thực dân (cũ và mới), giải phóng các dân tộc bị áp bức và nô dịch trên thế giới, giải phóng xã hội, giải phóng con người; không ngừng tăng cường sự đoàn kết, hiểu biết và tin cậy lẫn nhau giữa các dân tộc, giữa cách mạng thuộc địa với cách mạng ở các nước chính quốc, trong đó có cách mạng Việt Nam và cách mạng Trung Quốc.
1. Hành trình di sản Hồ Chí Minh về quan hệ đoàn kết, hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc
Trong quá trình hoạt động cách mạng, Hồ Chí Minh đã sớm nhận thấy sự tương thông, tương đồng về truyền thống lịch sử, văn hóa, con người giữa hai dân tộc Việt Nam - Trung Quốc; của người bạn láng giềng; của mục tiêu chung mà cách mạng hai nước đều hướng tới vì độc lập, tự do và hạnh phúc của hai dân tộc và nhân dân hai nước, cũng như vì khát vọng cao cả của thời đại: Hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, phát triển và tiến bộ trên thế giới.
Những năm tháng đấu tranh giải phóng dân tộc, Hồ Chí Minh đã sớm học tập kinh nghiệm cách mạng Trung Quốc để chuẩn bị cho thắng lợi của cách mạng Việt Nam; Trong những năm ở Quảng Châu (1924-1927), Người đã thấy nơi đây là chỗ dựa đáng tin cậy, một đầu cầu, một địa bàn hoạt động quan trọng cho hoạt động cách mạng của các nhà yêu nước Việt Nam. Chính nơi đây trở thành một trong những “chiếc nôi” mà Người đào tạo những cán bộ đầu tiên cho cách mạng Việt Nam (1925-1927); nơi chuẩn bị những tiền đề chính trị, tư tưởng, tổ chức, cán bộ để vào mùa Xuân năm 1930, Người sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam, giải quyết thành công vấn đề quan trọng bậc nhất của cách mạng: “trước hết phải có đảng cách mệnh”3.
Trên hành trình trở về Tổ quốc trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam, những địa danh như Urumqi (Tân Cương), Lan Châu, Tây An, Diên An, Hành Dương, Long Châu, Quý Dương, Côn Minh, Trùng Khánh, Quế Lâm, Tĩnh Tây,... đều in dấu chân lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, trong sự che chở, tin tưởng, giúp đỡ lẫn nhau của những người bạn cách mạng Trung Quốc đối với Thiếu tá Hồ Quang, đồng chí Vương (những bí danh của Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh, trước khi trở về Cao Bằng, Việt Nam ngày 28-1-1941).
Là nhà hoạt động cách mạng có nhãn quan chính trị sáng suốt, trước những diễn biến mới của tình hình trong nước và thế giới trong những năm 1944-1945, Hồ Chí Minh đã thể hiện trí tuệ và tầm nhìn xa rộng cùng sự linh hoạt, khôn khéo trong thực hiện sự liên minh quốc tế, phối hợp hành động giữa phong trào chống phát xít Nhật ở trong nước với phong trào chống Nhật của nhân dân Trung Quốc (ở Quảng Tây) và các lực lượng Đồng minh chống phát xít tại Côn Minh (Trung Quốc), đầu năm 1945. Người đã tranh thủ được sự ủng hộ của Đồng minh (thông qua các cuộc tiếp xúc với người Mỹ tại đây) đối với sự nghiệp chính nghĩa của nhân dân Việt Nam, góp phần vào Tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945 thắng lợi, giành chính quyền về tay nhân dân Việt Nam.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945-1954), trên cương vị người đứng đầu Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cùng Trung ương Đảng lãnh đạo cuộc kháng chiến, kiến quốc. Trên lĩnh vực ngoại giao, Hồ Chí Minh nêu cao tư tưởng và thực thi chính sách ngoại giao hòa hoãn, thêm bạn bớt thù, “Làm bạn với tất cả mọi nước dân chủ và không gây thù oán với một ai”4, nhằm mục tiêu “góp phần đưa nước nhà đến sự độc lập hoàn toàn và vĩnh viễn”, đồng thời “xây đắp lại nền hoà bình thế giới”5. Hồ Chí Minh đã từng bước phá thế biệt lập của Việt Nam trong bang giao quốc tế, tìm kiếm sự ủng hộ của Liên Hợp quốc và các nước liên quan, trong đó có những nước lớn như Trung Quốc, Liên Xô, Hoa Kỳ,...
Giữa lúc cuộc kháng chiến của nhân dân ta chuyển sang giai đoạn mới, sau chiến thắng Biên giới Thu - Đông 1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thành công trong thực hiện chiến lược ngoại giao “phá vây”, chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Đây là sự kiện lịch sử, mốc son trong quan hệ Việt - Trung, mở ra một chương mới trong lịch sử quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa cách mạng Việt Nam và cách mạng Trung Quốc. Trong bối cảnh mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Hai dân tộc Trung - Việt chúng ta, mấy ngàn năm nay, huyết thống tương thông, chung nền văn hoá, trong lịch sử vẫn được gọi là hai nước anh em; hơn nữa, đất nước liền kề, núi sông kế tiếp, càng như môi với răng che chở cho nhau… Chúng ta hãy nắm tay nhau chặt chẽ hơn nữa, cùng nhau hô to: Dân tộc Trung Hoa giải phóng muôn năm! Dân tộc Việt Nam độc lập muôn năm! Hai dân tộc Trung - Việt đoàn kết muôn năm”6. Sau hơn 2 tháng nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra đời (1-10-1949), ngày 5-12-1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có điện văn gửi Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Mao Trạch Đông, trong đó nhấn mạnh: “Hai dân tộc Việt - Hoa có mối quan hệ anh em trải mấy nghìn năm lịch sử. Từ đây, mối quan hệ ấy sẽ càng mật thiết để phát triển tự do và hạnh phúc của hai dân tộc ta, và để bảo vệ dân chủ thế giới và hoà bình lâu dài”7.
Từ đó, những chuyến thăm, khi công khai, lúc bí mật trong hoàn cảnh chiến tranh của Chủ tịch Hồ Chí Minh tới Trung Quốc những năm 1951, 1952, 1954; hay những cuộc tiếp xúc, làm việc với các chuyên gia, cố vấn quân sự của Trung Quốc,… tại căn cứ địa Việt Bắc - Thủ đô kháng chiến của Việt Nam, đã tranh thủ được sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn về tinh thần, phương tiện, vũ khí, vật chất, hậu cần của cách mạng Trung Quốc cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của quân và dân Việt Nam.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội trên miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa quan hệ hữu nghị, tình đoàn kết giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam - Trung Quốc lên tầm cao mới. Mỗi bước tiến của cách mạng Việt Nam và cách mạng Trung Quốc đều gắn liền với tình cảm quốc tế chân thành, “vừa là đồng chí, vừa là anh em” của Chủ tịch Hồ Chí Minh với các nhà lãnh đạo của cách mạng Trung Quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân Trung Quốc. Quá trình vun đắp cho mối quan hệ hữu nghị láng giềng tốt đẹp Việt - Trung, đã thể hiện sinh động, sâu sắc, toàn diện cả trong tư tưởng và hành động của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Từ năm 1955 đến năm 1968, hằng năm (trừ năm 1956) Chủ tịch Hồ Chí Minh đều có những chuyến thăm, làm việc, hội đàm với các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, Chính phủ Trung Quốc; gặp gỡ và làm việc với lãnh đạo các địa phương, các ngành, các giới, nói chuyện, gặp gỡ, giao lưu thân tình, chí thiết với các tầng lớp nhân dân Trung Quốc và có nhiều hình thức sinh động, thiết thực vun đắp, củng cố, phát triển tình đoàn kết, hữu nghị Việt - Trung đi vào chiều sâu thực chất. Bằng tình cảm chân thành, vô tư, trong sáng, Người đã tạo sự tin tưởng đặc biệt lẫn nhau và đưa mối quan hệ giữa hai nước lên tầm cao mới. Nhờ đó, đã giúp bạn hiểu rõ đường lối cách mạng, đường lối kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của Việt Nam; nhận được từ phía bạn Trung Quốc sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn cho cuộc đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược và trong xây dựng chủ nghĩa xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: “Việt Nam và Trung Quốc là hai nước anh em. Tình hữu nghị chân thành và sâu xa giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Trung Quốc đã có từ lâu… Nhân dân Việt Nam ngày nay đang ra sức đấu tranh củng cố hoà bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập và dân chủ. Cuộc đấu tranh đó đã được và sẽ luôn luôn được sự khuyến khích và ủng hộ mạnh mẽ của nhân dân Trung Quốc”8. Với những đóng góp hết sức mình để vun đắp cho mối quan hệ hữu nghị, tốt đẹp giữa cách mạng Việt Nam và cách mạng Trung Quốc, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã trân trọng đánh giá cao “Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhà cách mạng vô sản lỗi lạc. Đồng chí đã đem chân lý phổ biến chủ nghĩa Mác - Lênin vận dụng vào thực tiễn cụ thể của cách mạng Việt Nam. Đồng chí đã cống hiến cả cuộc đời của mình cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc Việt Nam và sự nghiệp cộng sản chủ nghĩa”9.

Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông đón Chủ tịch Hồ Chí Minh tại sân bay ở Bắc Kinh ngày 25-6-1955
2. Phát huy di sản Hồ Chí Minh về mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị Việt – Trung trong bối cảnh mới
Những dấu ấn to lớn, đặc biệt sâu đậm mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại trong thiết lập, củng cố và tăng cường “mối tình thắm thiết Việt - Hoa, vừa là đồng chí, vừa là anh em”, trên nền tảng hòa bình, hữu nghị, láng giềng “môi hở, răng lạnh”, đã được hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam – Trung Quốc qua các thời kỳ nâng lên tầm cao mới.
Trải qua sóng gió của thời cuộc, dù có lúc thăng trầm, song trên cơ sở vận dụng và phát triển sáng tạo di sản Hồ Chí Minh, phù hợp với bối cảnh mới của đất nước và thời đại, Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đã phát huy những điểm tương đồng, khép lại sự khác biệt, xây dựng tình hữu nghị, đoàn kết giữa hai dân tộc, trở thành “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”.
Quan hệ hữu nghị hai nước Việt Nam - Trung Quốc có nhiều truyền thống tốt đẹp; nhân dân hai nước láng giềng, quan hệ gần gũi, thân thiết. Với chế độ chính trị tương đồng, lý tưởng niềm tin tương thông, đều là nước XHCN do Đảng Cộng sản lãnh đạo, cùng đổi mới và phát triển trên con đường XHCN; những nguyện vọng thiết tha sâu xa từ bao đời nay của nhân dân hai nước về hữu nghị, hòa bình, hợp tác và phát triển chính là nguồn sức mạnh to lớn và cơ sở vững chắc cho niềm tin về tương lai tươi sáng của quan hệ giữa hai nước láng giềng anh em đang trên con đường xây dựng CNXH.
Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn trân trọng, ghi nhớ, đánh giá cao sự ủng hộ mạnh mẽ, to lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân Trung Quốc đối với Việt Nam trong cách mạng, kháng chiến, trong xây dựng CNXH và trong công cuộc đổi mới. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Trung Quốc, Việt Nam và Trung Quốc đã dành cho nhau sự ủng hộ, giúp đỡ quý báu trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc trước đây và sự nghiệp xây dựng CNXH, đổi mới, mở cửa đất nước và hội nhập quốc tế ngày nay.
Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, khó lường hiện nay, công cuộc đổi mới, cải cách mở cửa và xây dựng CNXH ở mỗi nước bước vào giai đoạn mới, Việt Nam và Trung Quốc đã tăng cường và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện; củng cố tin cậy chính trị, góp phần tạo nền tảng chính trị vững chắc và thúc đẩy hợp tác thực chất trên các lĩnh vực giữa hai nước; tăng cường tình cảm hữu nghị giữa nhân dân hai nước Việt Nam - Trung Quốc. Những chuyến thăm cấp cao giữa các đồng chí lãnh đạo của hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước đã củng cố lòng tin chiến lược. Tiếp tục phát huy tốt vai trò của các cơ chế trao đổi, hợp tác quan trọng giữa hai Đảng, Chính phủ, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc và các bộ, ngành, lĩnh vực quan trọng như ngoại giao, công an, quốc phòng…; đẩy mạnh giao lưu nhân dân và hợp tác địa phương, làm vững chắc nền tảng xã hội và tạo động lực mới cho sự phát triển của quan hệ Việt - Trung. Thể hiện nổi bật của mối quan hệ Việt - Trung là tăng cường sự hiểu biết, tin cậy lẫn nhau, hai nước đã trở thành các đối tác kinh tế hàng đầu của nhau; hợp tác quốc phòng - an ninh trở thành một trong những trụ cột của quan hệ, hợp tác trong các lĩnh vực khác và giao lưu nhân dân không ngừng được mở rộng, ngày càng phong phú. Đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình tại Cuộc gặp gỡ hữu nghị thanh niên Việt - Trung lần thứ 15 nhân dịp chuyến thăm Trung Quốc của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đoàn đại biểu cấp cao Đảng và Nhà nước Việt Nam vào tháng 4-2015, đã nhấn mạnh: “Quan hệ giữa các quốc gia là ở sự thân tình của người dân, mà sự thân tình của người dân là từ thế hệ trẻ”10.
Di sản Hồ Chí Minh về quan hệ Việt Nam - Trung Quốc là vô cùng to lớn và quý báu, là tài sản tinh thần vô giá của hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước hôm qua, hôm nay và mai sau, sẽ mãi là động lực to lớn góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển của mỗi nước. Phát huy giá trị di sản, những nền tảng vững chắc của mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị láng giềng, truyền thống giữa hai nước được Chủ tịch Hồ Chí Minh và các nhà lãnh đạo Trung Quốc dày công xây dựng, củng cố, vun đắp từ năm 1925 đến nay, trong bối cảnh mới của quan hệ hai nước, của tình hình thế giới và khu vực, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam tiếp tục làm sâu sắc và nâng tầm hơn nữa quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược. Tiếp nối và tăng thêm sức sống, động lực mới cho mối quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống Việt Nam - Trung Quốc ngày càng phát triển vững chắc, toàn diện và thiết thực, mang lại thêm nhiều lợi ích cho nhân dân hai nước trong kỷ nguyên mới.
Ngày nhận bài: 13-1-2024 ; ngày thẩm định, đánh giá: 25-1-2025; ngày duyệt đăng: 28-2-2025
5. Thông cáo về “Chính sách ngoại giao của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà” - báo Cứu quốc ngày 3-10-1945.