Tóm tắt: Tư tưởng của Hồ Chí Minh về đảng cầm quyền có giá trị lí luận và thực tiễn sâu sắc. Đó là thành tựu nghiên cứu lí luận rất uyên thâm, là kết quả của quá trình kiểm chứng, đúc kết kinh nghiệm thực tiễn của Người trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam và tham khảo các kinh nghiệm chính trị thế giới. Trong bối cảnh Đảng và nhân dân Việt Nam đang đẩy mạnh công cuộc đổi mới, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, tư tưởng về đảng cầm quyền của Hồ Chí Minh tiếp tục soi rọi, chỉ ra những nguyên tắc, những tầm nhìn xa rộng, giàu tính thực tiễn. Bài viết tập trung nghiên cứu làm sáng rõ tư tưởng Hồ Chí Minh về đảng cộng sản và đảng cầm quyền trong giai đoạn vận động thành lập Đảng, lãnh đạo Cách mạng Tháng Tám thành công, xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng đến khi toàn quốc kháng chiến.

Từ khóa: Tư tưởng Hồ Chí Minh; đảng cầm quyền; Đảng Cộng sản Việt Nam

1. Từ đảng lãnh đạo đến đảng cầm quyền: quá trình chuẩn bị về lí luận và thực tiễn của Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng

Trong Di chúc, ngay từ bản thảo đầu tiên được viết xong vào ngày 15-5-1965, Hồ Chí Minh viết: “Đảng ta là một đảng cầm quyền”1. Đây là lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất Người nói trực tiếp về “đảng cầm quyền”. Vậy tư tưởng về đảng cầm quyền của Hồ Chí Minh thực chất là gì? Tư tưởng này có những nguồn gốc lí luận và cơ sở thực tiễn như thế nào?

Về phương diện lí luận, tư tưởng về đảng cầm quyền của Hồ Chí Minh bắt nguồn trước hết từ những luận điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về đảng lãnh đạo và về nhà nước chuyên chính vô sản. Đồng thời, chắc chắn Hồ Chí Minh đã nghiên cứu, khảo nghiệm rất kỹ càng tư tưởng về đảng cầm quyền trong khuôn khổ nền dân chủ đại nghị, pháp quyền phương Tây. Bên cạnh đó, những nguyên tắc nhân trị - pháp quyền của nền chính trị phương Đông truyền thống cũng có ảnh hưởng lớn đến tư duy của Người về việc nắm giữ và sử dụng quyền lực chính trị.

Tư tưởng của Hồ Chí Minh về đảng lãnh đạo

Đảng chính trị (political party) là một hiện tượng chính trị ra đời trong quá trình chuẩn bị tiến tới các cuộc cách mạng tư sản ở phương Tây thời cận đại. Trước đó, trong thực tiễn chính trị thế giới chưa từng xuất hiện chính đảng mà chỉ có các phe cánh, liên minh phe cánh hay hội kín. Sự khác biệt của chính đảng với các phe, cánh, hội chính là ở “phải có chủ nghĩa làm cốt”, tức là phải có tính gắn kết về ý thức hệ (ideologische Geschlossenheit), hay là sự thống nhất về tư tưởng và chính trị.

Trước khi giành được chính quyền thì sứ mệnh quan trọng nhất của chính đảng là lãnh đạo cuộc đấu tranh chính trị của giai cấp, của nhân dân để giành chính quyền. Vai trò của đảng lúc này chỉ là đảng lãnh đạo (leading party). Sau khi giành được chính quyền thì vai trò của chính đảng sẽ chủ yếu là đảng cầm quyền (ruling party), đồng thời vẫn duy trì vai trò là đảng lãnh đạo, nhưng tính chất và phương thức lãnh đạo đã khác với thời kỳ trước khi giành được chính quyền.

Đảng cộng sản cũng là một chính đảng, do đó cũng có vai trò là lãnh đạo giai cấp công nhân và nhân dân lao động tiến hành cách mạng vô sản, lật đổ quyền lực chính trị của giai cấp tư sản, địa chủ, thiết lập chính quyền cách mạng.

Một trong những nội dung quan trọng nhất của chủ nghĩa Mác-Lênin là lí luận về đảng chính trị của giai cấp vô sản, tức là về đảng cộng sản. Trong thời đại của mình C.Mác và Ph.Ăngghen - những người đã soạn thảo Tuyên ngôn của Đảng cộng sản, công bố vào năm 1848, chủ yếu quan tâm tới vai trò và sứ mệnh lịch sử của giai cấp vô sản và chính đảng của mình. Tuy là những người trực tiếp sáng lập ra và lãnh đạo Quốc tế thứ nhất và Quốc tế thứ hai, nhưng các ông chưa bao giờ phát triển và hoàn chỉnh tư tưởng của mình về đảng cộng sản với tính cách là tổ chức lãnh đạo, bộ tham mưu chiến đấu của giai cấp vô sản.

V.I.Lênin, là người lãnh đạo Đảng Bolshevik Nga và lãnh đạo Cách mạng tháng Mười Nga năm 1917, sau đó là người trực tiếp lãnh đạo Chính quyền Xôviết, cũng chính V.I.Lênin đã phát triển và hoàn chỉnh những nguyên tắc cơ bản về đảng cộng sản vừa với tư cách là đảng lãnh đạo, sau đó với tư cách là đảng cầm quyền theo mẫu hình của nền chuyên chính vô sản.

Những luận điểm cơ bản về đảng lãnh đạo của V.I.Lênin đã được Hồ Chí Minh nghiên cứu kỹ và vận dụng, phát triển sáng tạo thành tư tưởng của mình về đảng lãnh đạo. Lần đầu tiên Hồ Chí Minh trình bày rõ ràng, chặt chẽ tư tưởng về đảng lãnh đạo tại tác phẩm Đường Kách mệnh - cuốn sách được phát triển trên cơ sở các bài giảng của Người cho các lớp huấn luyện của Hội Việt Nam Cách mệnh thanh niên ở Quảng Châu (Trung Quốc) từ năm 1925.

Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh viết: “Cách mệnh trước hết phải có cái gì? Trước hết phải có đảng cách mệnh, để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi. Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy. Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt, trong đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy. Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam”2.

Và Người khẳng định: “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin”3.

Bằng cách diễn đạt “vắn tắt, dễ hiểu, dễ nhớ”4, Hồ Chí Minh đã trình bày chính xác những luận điểm then chốt nhất của chủ nghĩa Mác - Lênin về đảng cộng sản với tính cách là một đảng lãnh đạo.

Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đầu năm 1930. Từ khi được thành lập vào đầu năm 1930 cho đến đêm trước của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Đảng Cộng sản Việt Nam (tháng 10-1930, đổi tên là Đảng Cộng sản Đông Dương) trên căn bản chỉ là đảng lãnh đạo, tập trung toàn bộ hoạt động lí luận, tổ chức và lãnh đạo của mình vào việc vận động, tập hợp, huấn luyện, tổ chức và lãnh đạo quần chúng đấu tranh giành chính quyền, giải phóng dân tộc khỏi ách nô dịch của ngoại bang. Đảng hầu như chưa quan tâm tới việc cầm quyền và tiếp tục lãnh đạo cách mạng Việt Nam sau khi trở thành đảng cầm quyền. Đó là một thực tế lịch sử, bắt nguồn từ yêu cầu thực tiễn có tính lịch sử của cách mạng Việt Nam.

Trong Chánh cương văn tắt của Đảng do Hồ Chí Minh soạn thảo và được thông qua tại Hội nghị thành lập Đảng, Người cũng chỉ có thể nêu ra những tư tưởng sơ khai, như mục tiêu cần đạt được của cách mạng: “Về phương diện chính trị: a) Đánh đổ đế quốc chủ nghĩa Pháp và bọn phong kiến; b) Làm cho nước Nam được hoàn toàn độc lập: c) Dựng ra Chính phủ công nông binh; d) Tổ chức ra quân đội công nông”5. Chính phủ đó có nhiệm vụ ban bố và triển khai một số chính sách dân chủ, tiến bộ về kinh tế, xã hội và văn hóa. Đây có thể coi là viên đá tảng đầu tiên trong tư tưởng của Hồ Chí Minh về đảng cầm quyền.

Ngay sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập, Đảng đã lãnh đạo phong trào cách mạng mạnh mẽ, với đỉnh cao là cao trào Xô viết Nghệ - Tĩnh. Từ đó, cán bộ ở một số địa phương, cụ thể là ở Nghệ An và Hà Tĩnh từng được thử thách trong vai trò của một đảng cầm quyền, khi chính quyền cách mạng lần đầu tiên ra đời và đi vào hoạt động dù chỉ ở cấp xã thôn và trong một thời gian ngắn. Thông qua đó, Đảng đã rút ra được một số kinh nghiệm, từ cả những thành tựu và hạn chế của Xô viết Nghệ - Tĩnh.

Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng chuẩn bị về lí luận và thực tiễn để “Đảng ta là một đảng cầm quyền”

Việc Đảng Cộng sản Đông Dương có khả năng hiện thực trở thành một đảng cầm quyền chỉ xuất hiện từ khi Chiến tranh thế giới II bùng nổ, quân đội Nhật tiến vào chiếm đóng Đông Dương, ở phương Tây nước Pháp bị phát xít Đức đánh bại. Ngay từ tháng 11-1939, Đảng đã nhận định: “Bước đường sinh tồn của các dân tộc Đông Dương không còn có con đường nào khác hơn là con đường đánh đổ đế quốc Pháp, chống tất cả ách ngoại xâm, vô luận da trắng hay da vàng để giành lấy giải phóng độc lập"6. Tuy nhiên, phải đến Hội nghị Trung ương tháng 5-1941, dưới sự chủ trì của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, vấn đề giải phóng dân tộc mới được đặt vào vị trí trung tâm, trực tiếp của chiến lược cách mạng của Đảng.

Tại Hội nghị, Đảng đã làm rõ những vấn đề rất cơ bản, vừa mang tính lí luận, vừa mang tính thực tiễn rất cấp bách: Sau khi giành được độc lập rồi thì nhà nước sẽ trong khuôn khổ, cương vực như thế nào và theo chính thể gì? Hội nghị cho rằng: “sau lúc đánh đuổi Pháp - Nhật, ta phải thi hành đúng chính sách "dân tộc tự quyết" cho dân tộc Đông Dương. Các dân tộc sống trên cõi Đông Dương sẽ tuỳ theo ý muốn, tổ chức thành liên bang cộng hòa dân chủ hay đứng riêng thành một dân tộc quốc gia tuỳ ý. Một chính phủ cộng hoà mạnh hơn không có quyền bắt các dân tộc nhỏ yếu tuân theo chính sách mình và tham gia chính phủ mình và các dân tộc thiểu số cũng không phải bắt buộc theo các dân tộc đa số và mạnh”7.

So với Chánh cương vắn tắt của Đảng năm 1930, đây rõ ràng là một bước tiến dài trong tư duy lí luận của Đảng về đảng cầm quyền. Dấu ấn của Hồ Chí Minh trong bước tiến này rất rõ và hoàn toàn tuân thủ theo nguyên tắc “dân tộc tự quyết” của V.I.Lênin và kinh nghiệm chính trị của Liên bang Xô viết đã được nghiên cứu và vận dụng. Tuy nhiên, lí luận của V.I.Lênin và kinh nghiệm của Liên Xô là lí luận và kinh nghiệm về đảng cầm quyền trong điều kiện của Liên Xô theo mẫu hình chuyên chính vô sản, chưa thể phù hợp hoàn toàn với điều kiện của cuộc cách mạng dân tộc giải phóng ở một xứ thuộc địa nửa phong kiến như Việt Nam. Do đó, đòi hỏi Hồ Chí Minh và Đảng phải có những sáng tạo riêng.

Hội nghị Trung ương tháng 5-1941 xác định: “Riêng dân tộc Việt Nam (...) sau lúc đánh đuổi được Pháp - Nhật sẽ thành lập một nước Việt Nam dân chủ mới theo tinh thần tân dân chủ. Chính quyền cách mạng của nước dân chủ mới ấy không phải thuộc quyền riêng của một giai cấp nào mà là của chung toàn thể dân tộc, chỉ trừ có bọn tay sai của đế quốc Pháp - Nhật và những bọn phản quốc, những bọn thù, không được giữ chính quyền, còn ai là người dân sống trên dải đất Việt Nam thảy đều được một phần tham gia giữ chính quyền, phải có một phần nhiệm vụ giữ lấy và bảo vệ chính quyền ấy”8.

Cũng theo tinh thần đó, bản Chương trình Việt Minh do Hội nghị Trung ương tháng 5-1941 định ra cũng nói rõ: “Sau khi đánh đuổi được đế quốc Pháp, Nhật, sẽ thành lập một chính phủ nhân dân của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lấy lá cờ đỏ ngôi sao vàng năm cánh làm lá cờ toàn quốc. Chính phủ ấy do quốc dân đại hội cử ra”9. Chính phủ đó sẽ thi hành những chính sách dân chủ, pháp quyền, như: “Phổ thông đầu phiếu vô luận nam nữ hễ ai từ 18 tuổi trở lên được quyền bầu cử, ứng cử; Ban hành các quyền tự do dân chủ như: tự do xuất bản, tự do ngôn luận, tự do tín ngưỡng, tự do đi lại trong xứ và xuất dương”10 và nhiều chính sách tiến bộ khác trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa,…

Có thể thấy, tư duy lí luận của Đảng về phương thức cầm quyền đã có những tiến bộ vượt bậc, vượt qua khỏi khuôn khổ lí luận về chuyên chính vô sản của V.I.Lênin và kinh nghiệm xây dựng chính quyền Xô viết ở Liên Xô. Những gì được xác định tại các văn kiện của Hội nghị Trung ương tháng 5-1941, dù chỉ ở những nét khái quát, nhưng đã rõ tính chất và khuôn mẫu của một Nhà nước – Dân tộc theo chính thể dân chủ đại nghị, pháp quyền do đảng cộng sản lãnh đạo. Đây chính là một sáng tạo lí luận đặc sắc của Hồ Chí Minh và Đảng ta trên cơ sở chủ nghĩa Mác - Lênin và tiếp thu có chọn lọc tinh hoa chính trị từ nền chính trị dân chủ đại nghị, pháp quyền của phương Tây để hình thành nên những nguyên tắc cầm quyền của Đảng.

Trên cơ sở những phương hướng đã được xác định tại Hội nghị Trung ương tháng 5-1941, Hồ Chí Minh và Ban lãnh đạo Đảng đã xúc tiến những giải pháp thực tiễn để chuẩn bị tích cực cho việc đảm nhận vai trò mới của một đảng cầm quyền. Đây cũng chính là những bước chuẩn bị có tính quyết định cho việc ra đời của chính quyền cách mạng.

Công việc thứ nhất, có ý nghĩa vô cùng quan trọng là chuẩn bị, triệu tập và tổ chưc thành công Đại hội Quốc dân ở Tân Trào.

Từ trước tới nay, từ cách tiếp cận lịch sử, chúng ta mới chủ yếu nhận thức được ý nghĩa và tầm vóc của sự kiện này như một “Hội nghị Diên Hồng mới”, có ý nghĩa biểu trưng cho khối đại đoàn kết dân tộc trước thời khắc toàn thể nhân dân ta nhất tề đứng lên tổng khởi nghĩa “đem sức ta mà giải phóng cho ta”. Nhận thức như vậy không sai, nhưng chưa tương xứng và chưa thấy hết được giá trị, tầm vóc và ý nghĩa đặc biệt của sự kiện này.

Tiếp cận từ góc độ khoa học chính trị và đặc biệt xem xét chương trình nghị sự và những gì diễn ra tại đại hội, chúng ta sẽ phát hiện ra ý nghĩa thực sự của sự kiện này: sự hợp thức hóa, chính đáng hóa (legitimizing) địa vị cầm quyền của Đảng và Mặt trận Việt Minh theo đúng những thể thức và thông lệ chính trị của nền dân chủ đại nghị, pháp quyền được thừa nhận mặc nhiên, rộng rãi trên thế giới.

Thứ nhất, tên gọi của sự kiện là: Quốc dân Đại hội, một cách định danh khác của quốc hội, nghị viện hoặc đại hội nhân dân (parliament/national assembly/national congresss). Đây là sự kiện đã được dự liệu từ Hội nghị Trung ương tháng 5-1941.

Thứ hai, thành phần tham gia: khoảng 60 đại biểu tiêu biểu cho các giới đồng bào, các vùng miền, tôn giáo, sắc tộc, các đảng phái và cả kiều bào ở nước ngoài.

Thứ ba, chương trình nghị sự: thảo luận và thông qua đề nghị Tổng khởi nghĩa của Đảng Cộng sản Đông Dương; thông qua Mười chính sách lớn của Mặt trận Việt Minh và bầu ra Ủy ban Dân tộc Giải phóng Việt Nam do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch11, Đại hội cũng quyết nghị việc Ủy ban Dân tộc Giải phóng sẽ đổi thành Chính phủ Lâm thời; sau đó, Ủy ban ra mắt, nhận nhiệm vụ, tuyên thệ trước Quốc dân Đại hội. Đại hội cũng nhất trí công nhận lá cờ đỏ với ngôi sao vàng năm cánh ở giữa của Việt Minh sẽ trở thành quốc kỳ và bài hát Tiến quân ca do Văn Cao sáng tác sẽ trở thành quốc ca của nước Việt Nam sau khi giành được độc lập12.

Tất cả những yếu tố trên, nhất là chương trình và các hoạt động của Quốc dân Đại hội rõ ràng đã tuân thủ những nguyên tắc và thông lệ của chế độ dân chủ đại nghị, mở đường hợp thức hóa sự ra đời của chính quyền cách mạng với vai trò cầm quyền của Đảng Cộng sản Đông Dương và Mặt trận Việt Minh.

Do tầm vóc và ý nghĩa đặc biệt quan trọng của sự kiện này nên Hồ Chí Minh, dù vô cùng bận rộn và lúc đó đang bị ốm rất nặng, đã trực tiếp chỉ đạo việc chuẩn bị, triệu tập, tổ chức và điều hành Đại hội. Ngay từ cuối năm 1944, Hồ Chí Minh đã bắt tay vào công tác chuẩn bị và Người đã gửi thư thông báo cho quốc dân đồng bào biết về công việc trọng đại này: “Chúng ta trước phải có một cái cơ cấu đại biểu cho sự chân thành đoàn kết và hành động nhất trí của toàn thể quốc dân ta. Mà cơ cấu ấy thì phải do một cuộc toàn quốc đại biểu đại hội gồm tất cả các đảng phái cách mệnh và các đoàn thể ái quốc trong nước bầu cử ra. Một cơ cấu như thế mới đủ lực lượng và oai tín, trong thì lãnh đạo công việc cứu quốc, kiến quốc, ngoài thì giao thiệp với các hữu bang”13. Người còn nhấn mạnh: “Thời gian rất gấp, ta phải làm nhanh”14.

Sau cuộc đảo chính Nhật - Pháp, việc chuẩn bị triệu tập Quốc dân Đại hội càng được Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng đẩy mạnh hơn. Nhiều đội giao thông được cử về các địa phương mang theo thư hỏa tốc của Hồ Chí Minh và tổ chức đưa đón các đại biểu về Tân Trào15. Đến giữa tháng 8-1945, dù còn một số đại biểu ở xa chưa đến kịp, Hồ Chí Minh vẫn quyết định khai mạc Đại hội sớm để kịp chớp thời cơ. Đại hội đã khai mạc ngay sau Hội nghị cán bộ Đảng toàn quốc vào chiều ngày 16 và bế mạc ngay chiều ngày 17-8-1945 để các đại biểu kịp về các địa phương lãnh đạo tổng khởi nghĩa và tham gia xây dựng chính quyền cách mạng.

Cùng với Quốc dân Đại hội, một hoạt động khác cũng rất quan trọng được Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng đặc biệt quan tâm để chuẩn bị cho việc Đảng Cộng sản Đông Dương trở thành đảng cầm quyền, đó chính là hoạt động ngoại giao, nhất là nỗ lực liên lạc với phe Đồng Minh chống phát xít. Trong nghiên cứu, từ trước tới nay, chúng ta chủ yếu tiếp cận những hoạt động này như là nỗ lực đấu tranh ngoại giao, tranh thủ sự ủng hộ quốc tế đối với cách mạng Việt Nam. Nhưng từ một góc nhìn mới, chúng ta sẽ có thể đánh giá toàn diện hơn tầm vóc và ý nghĩa của những hoạt động này.

Từ rất sớm Hồ Chí Minh, bằng kinh nghiệm chính trị quốc tế rất dày dặn, đã nhận thấy việc cách mạng Việt Nam được công nhận và ủng hộ của các phe, các thế lực quốc tế là vô cùng quan trọng. Bởi lẽ, trong bối cảnh thế giới khi đó, nếu cách mạng Việt Nam bị rơi vào thế cô độc thì rất khó giành thắng lợi và cho dù có giành được chính quyền mà bị rơi vào thế đơn độc thì rất khó tồn tại. Chính vì thế đích thân Hồ Chí Minh đã 3 lần phải tự mình đảm đương nhiệm vụ ngoại giao để thiết lập mối liên hệ quốc tế, tìm kiếm sự ủng hộ và sự công nhận của quốc tế.

Lần thứ nhất, chuyến đi không thành công và Hồ Chí Minh đã bị cầm tù trong các nhà giam của Trung Hoa Dân quốc, từ tháng 8-1942 đến tháng 9-1943, nhiều lần tính mạng bị đe dọa.

Lần thứ hai, cuối năm 1944, Hồ Chí Minh lại tháp tùng viên phi công Mỹ William Shaw sang Côn Minh (Trung Quốc) để trao trả và tìm cách liên lạc với quân Mỹ. Nhưng mới đến Côn Minh thì chính quyền Trung Hoa Dân quốc tiếp nhận viên phi công và định thủ tiêu Cụ Hồ. May mắn Người chạy thoát được về Pác Bó.

Lần thứ ba, đầu năm 1945 Hồ Chí Minh sang Trung Quốc, chuyến đi này tuy rất vất vả nhưng đã thành công16. Một mối quan hệ cộng tác khá tốt đẹp giữa Việt Minh và OSS (Office of Strategic Service) đã được thiết lập, đưa đến cho Việt Minh một sự công nhận danh nghĩa của phe Đồng minh chống phát xít, tuy không chính thức, nhưng lại vô cùng có giá trị.

Chính nhờ vào sự công nhận này mà ở vào thời điểm sau khi Nhật Hoàng tuyên bố đầu hàng, ở Việt Nam chỉ duy nhất Mặt trận Việt Minh là tổ chức đứng về phe Đồng minh chống phát xít  - phe thắng trận, lại có lực lượng quần chúng hùng mạnh. Vì thế các đảng phái khác, bao gồm cả Mặt trận Quốc gia thống nhất, Phục Quốc, Cao Đài, Hòa Hảo, Đại Việt,… kể cả vua Bảo Đại đã tự nguyện quy tụ, đứng dưới ngọn cờ đỏ sao vàng và thừa nhận “chính quyền về Việt Minh”17.

Thực tế lịch sử của cuộc đấu tranh giành độc lập hào hùng của dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng và Mặt trận Việt Minh, nhất là những mối quan hệ được xác lập thành công với quân đội Đồng minh là căn cứ xác đáng để Hồ Chí Minh, trong bản Tuyên ngôn Độc lập ngày 2-9-1945, đã lập luận rất sắc bén và vững chắc: “Chúng tôi tin rằng các nước Đồng minh đã công nhận những nguyên tắc dân tộc bình đẳng ở các hội nghị Têhêrăng và Cựu Kim Sơn, quyết không thể không nhận quyền độc lập của dân Việt Nam. Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!”18.

Bản Tuyên ngôn Độc lập đã khẳng định dân tộc Việt Nam có đủ căn cứ thực tiễn và pháp lí quốc tế để đưa ra được lập luận vững chắc như trên. Và ở trong nước Việt Nam khi đó thì duy nhất chỉ có Đảng Cộng sản Đông Dương và Mặt trận Việt Minh đủ tư cách đưa ra lập luận đó trước toàn thế giới19.

Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng thành lập Chính phủ Lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trên cơ sở cải tổ Ủy ban Dân tộc Giải phóng Việt Nam vào ngày 28-8-1945. Đây là chủ trương xuất phát từ ý chí chủ động của Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng.

Theo nghị quyết của Quốc dân Đại hội ở Tân Trào thì sau khi giành được chính quyền, Ủy ban Dân tộc Giải phóng Việt Nam sẽ chuyển sang làm nhiệm vụ của Chính phủ Lâm thời. Nhưng khi chuẩn bị thực sự trở thành “một đảng cầm quyền”, Hồ Chí Minh đã có cân nhắc rất kỹ càng. Với tầm nhìn chiến lược xa rộng, đặt đại nghĩa dân tộc lên trên hết, Người chủ động đề nghị cải tổ thành phần của Ủy ban: một số cán bộ chủ chốt của Đảng, bao gồm cả Tổng Bí thư Trường Chinh và một số cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng như: Nguyễn Lương Bằng, Nguyễn Chí Thanh,… đã tự nguyện rút lui để nhường cho một số nhân sĩ trí thức yêu nước có uy tín, như Nguyễn Văn Tố, Nguyễn Mạnh Hà, Vũ Trọng Khánh,… tham gia vào Chính phủ Lâm thời20. Ngay sau đó, Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ra Tuyên cáo nói rõ về việc này như sau: “Làm sao cho Chính phủ Lâm thời tiêu biểu được mặt trận dân tộc thống nhất một cách rộng rãi và đầy đủ. Bởi vậy, tuân theo chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ủy ban Dân tộc Giải phóng đã quyết định tự cải tổ, mời thêm một số nhân sĩ tham gia Chính phủ đặng cùng nhau gánh vác nhiệm vụ nặng nề mà quốc dân đã giao phó cho”21.

2. Hồ Chí Minh lãnh đạo thực hiện “đảng cầm quyền” và tiếp tục hoàn chỉnh thêm lí luận về “đảng cầm quyền” (từ tháng 9-1945 đến tháng 12-1946)   

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công đã đưa dân tộc Việt Nam từ địa vị nô lệ lên địa vị tự chủ, độc lập, tự do, Đảng Cộng sản Đông Dương từ địa vị một chính đảng bất hợp pháp, một đảng lãnh đạo trở thành một đảng cầm quyền, tiếp tục lãnh đạo cách mạng Việt Nam trong điều kiện mới, bằng phương thức mới, với những phương tiện mới. Trong bối cảnh đó, Hồ Chí Minh đã trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo việc cầm quyền của Đảng, tiếp tục đúc kết thêm kinh nghiệm thực tiễn và hoàn chỉnh thêm lí luận về “một đảng cầm quyền” với các giải pháp cụ thể:

Thứ nhất: Việc đầu tiên phải làm là công khai hóa, chính thức hóa và hợp thức hóa địa vị cầm quyền của Đảng và Mặt trận Việt Minh với danh nghĩa toàn thể dân tộc Việt Nam thông qua việc tổ chức Lễ Tuyên ngôn Độc lập. Đây cũng là một thông lệ chính trị quốc tế thời hiện đại.

Lễ Tuyên ngôn Độc lập đã được tổ chức tại vườn hoa Ba Đình, Hà Nội với đầy đủ các nghi thức trang nghiêm, long trọng với sự tham dự của khoảng trên nửa triệu đồng bào các giới và một số đại biểu quốc tế. Chương trình nghị sự đúng thể thức, gồm 1) Giới thiệu, tuyên bố lí do; 2) Tuyên ngôn Độc lập; 3) Báo báo về việc thoái vị của Hoàng đế Bảo Đại, trình ấn, kiếm - biểu tượng quyền uy của triều Nguyễn; 4) Báo cáo của Chính phủ Lâm thời; 5) Tuyên thệ của Quốc dân. Toàn bộ nội dung của Chương trình và thể thức của buổi lễ đã toát lên tính chất hợp thức hóa, chính đáng hóa địa vị cầm quyền của Đảng thông qua Chính phủ Lâm thời, hoàn toàn  phù hợp với những thông lệ và căn cứ pháp lí quốc tế vững chắc.

Quan trọng hơn, buỗi Lễ Tuyên ngôn Độc lập đã trở thành một ngày hội đại đoàn kết dân tộc, bộc lộ rõ ý chí và tình cảm của toàn thể dân tộc Việt Nam đối với độc lập, chủ quyền và sự ủng hộ mạnh mẽ đối với Chính phủ Lâm thời. Trung Bắc Chủ nhật, một tờ báo lớn thời đó đã mô tả sự kiện này như sau: “Tết Nguyên đán vào hạ tuần tháng Bảy! Độc lập! Độc lập! Tiếng điện này hôm nay vang lên trong không khí như một tiếng nổ: vang từ Bạch Mai qua phố Huế đi thẳng lên Quán Thánh, chợ Bưởi, vang từ Chèm, Vẽ lướt qua Nghi Tàm mà về tận làng Thanh Trì. Độc lập! Độc lập! Vang lên từ Hà Nội tới Sài Gòn”; “Tới 2 giờ 25 phút, giữa muôn vạn tiếng hoan hô dậy trời, dậy đất, đoàn ô tô mới tiến tới gần khán đài. Đột nhiên yên lặng. Một triệu người nín thở để nhìn một người! Người ấy điềm tĩnh bước lên khán đài (...) Người ấy nhìn thẳng vào một triệu người đang nhìn mình. Mắt thì sáng ngời, chòm râu đã hoa râm trên một bộ mặt xương xẩu nhưng cương quyết lạ thường, một sức mạnh hiên ngang đã lộ ra (...) Người ấy là Chủ tịch Hồ Chí Minh!”22.

Còn báo Cứu Quốc trong số ra ngày 5-9-1945 cũng đã đăng tải toàn văn bản Tuyên ngôn Độc lập và dành những dòng trang trọng, xúc động nhất để khắc ghi giây phút lịch sử: “Vị Chủ tịch Chính phủ lâm thời đứng lên. Bằng một giọng rành mạch, giản dị, thỉnh thoảng lại hỏi xuống: “Tôi nói thế này đồng bào nghe có rõ không?” tỏ ra mỗi lời nói của ông cất lên lúc này đều rất nghiêm trọng và ông muốn quốc dân không để lọt mất lời nào, ông đọc lời Tuyên ngôn của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”; “Dứt lời Tuyên ngôn đanh thép, có một giá trị lịch sử lớn lao, tất cả quốc dân dưới đài đều đồng thanh cất tiếng hoan hô như sấm vang, trong một sự nhiệt liệt say sưa chưa bao giờ thấy”23.

Tiếp đó, ngay trong ngày 3-9-1945, chủ trì phiên họp đầu tiên của Chính phủ Lâm thời, Hồ Chí Minh đề nghị triển khai một chương trình hành động cụ thể với 6 nhiệm vụ cấp bách, trong đó ngay sau nhiệm vụ chống “giặc đói” và “giặc dốt” là nhiệm vụ củng cố cơ sở pháp lí và địa vị cầm quyền của Đảng, đảm bảo quyền làm chủ của nhân dân thông qua những giải pháp mang đặc trưng của nền dân chủ pháp quyền, nghị viện kiểu phương Tây hiện đại. Người nói: “Trước chúng ta đã bị chế độ quân chủ chuyên chế cai trị, rồi đến chế độ thực dân không kém phần chuyên chế, nên nước ta không có hiến pháp. Nhân dân ta không được hưởng quyền tự do dân chủ. Chúng ta phải có một hiến pháp dân chủ. Tôi đề nghị Chính phủ tổ chức càng sớm càng hay cuộc TỔNG TUYỂN CỬ với chế độ phổ thông đầu phiếu. Tất cả công dân trai gái mười tám tuổi đều có quyền ứng cử và bầu cử, không phân biệt giàu nghèo, tôn giáo, dòng giống”24.

Ngày 8-9-1945, Chính phủ Lâm thời đã ban hành Sắc lệnh số 14/SL gồm 7 điều do Bộ trưởng Bộ Nội vụ thay mặt Chủ tịch Chính phủ ký, quy định về cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Sắc lệnh nêu rõ: “Tất cả công dân Việt Nam, cả trai và gái, từ 18 tuổi trở lên, đều có quyền tuyển cử và ứng cử, trừ những người đã bị tước mất công quyền và những người trí óc không bình thường (Điều 2); Số đại biểu Quốc dân đại hội ấn định là 300 người (Điều 3); Quốc dân Đại hội sẽ có toàn quyền ấn định hiến pháp cho nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (Điều 4); Một ủy ban để dự thảo thể lệ cuộc tổng tuyển cử sẽ thành lập (Điều 5); Để dự thảo một bản hiến pháp đệ trình Quốc hội, một ủy bản khởi thảo hiến pháp 7 người sẽ thành lập (Điều 6)”25.

Trải qua muôn vàn khó khăn khốc liệt do thù trong, giặc ngoài gây ra, cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên trong lịch sử Việt Nam đã được tổ chức thành công vào ngày 6-1-1946. Đây cũng là cuộc tổng tuyển cử đầu tiên ở châu Á được tổ chức theo các nguyên tắc phổ thông, dân chủ, bình đẳng và bỏ phiếu kín. Kết quả, khoảng 89% cử tri đã tham gia bầu cử, 333 đại biểu đã trúng cử. 70 ghế đã được Quốc hội khóa I nhất trí để dành riêng cho đại biểu của Việt Nam Quốc dân đảng (Việt Quốc) và Việt Nam Cách mệnh đồng minh hội (Việt Cách) mà không qua bầu cử26. Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa I đã bầu ra Ban Thường trực gồm 15 người, do ông Nguyễn Văn Tố làm Trưởng ban. Quốc hội cũng bầu ra Ban Dự thảo Hiến pháp gồm 11 người. Quốc hội đã chính thức công nhận Chính phủ Liên hiệp kháng chiến do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch, Kháng chiến Ủy viên hội do Võ Nguyên Giáp làm Chủ tịch và Cố vấn đoàn do Nguyễn Phước Vĩnh Thụy đứng đầu.

Tại kỳ họp thứ II (từ ngày 28-10 đến ngày 9-11-1946), Quốc hội khóa I đã bỏ phiếu thông qua bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Sự kiện trọng đại này đã đánh dấu bước hoàn chỉnh chính thức của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa theo đúng những nguyên tắc và thể thức của chế độ dân chủ đại nghị - pháp quyền, một trong những thành tựu nền tảng, có ý nghĩa vô cùng to lớn của Đảng Cộng sản Đông Dương trong vai trò của một đảng cầm quyền.

Thứ hai: Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng đặc biệt quan tâm, kiên quyết và ra sức thực hiện để cầm quyền và củng cố địa vị cầm quyền của Đảng là không ngừng củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, tự mình xứng đáng là trung tâm quy tụ sức mạnh đại đoàn kết dân tộc. Hàng loạt các giải pháp có sức ảnh hưởng văn hóa chính trị vô cùng mãnh liệt đã được thực thi: cải tổ Chính phủ nhiều lần với mục tiêu là mở rộng không ngừng liên minh chính trị; phát động “tuần lễ vàng”, “hũ gạo cứu đói”, Bình dân học vụ, Hội nghị Giáo giới, Hội nghị Văn hóa toàn quốc, ngày hội thanh niên cứu quốc, ngày hội phụ nữ cứu quốc, ngày hội nhi đồng cứu quốc, khai giảng năm học mới, miễn học phí, lệ phí, mở cửa trường đại học, Nam tiến, diệt trừ việt gian phản quốc,... Và khi cần thiết, Đảng Cộng sản Đông Dương tuyên bố tự giải tán (10-11-1945), thực chất là rút vào hoạt động bí mật. Tất cả đều hướng tới một mục tiêu duy nhất: đoàn kết, xiết chặt đội ngũ xung quanh Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Thứ ba: Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng đặc biệt coi trọng là không ngừng củng cố địa vị và uy tín quốc tế của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Một chiến lược ngoại giao chủ động, tích cực và đa phương đã được Hồ Chí Minh và Chính phủ kiên quyết, kiên trì tiến hành có hiệu quả theo phương châm “dĩ bất biến ứng vạn biến”. Hồ Chí Minh đã viết thư, gửi 8 bức công điện cho Tổng thống Mỹ, cử các phái đoàn ngoại giao đi đến các nước trong khu vực Đông Nam Á, như Thái Lan, Myanmar, đi sang Đông Âu và Liên Xô.

Đặc biệt, đích thân Hồ Chí Minh đã chỉ đạo và trực tiếp tham gia vào cuộc đấu tranh ngoại giao vô cùng phức tạp với Pháp và Trung Hoa Dân quốc. Với nước Pháp, việc chấp nhận cuộc đàm phán với Pháp để cứu vãn hòa bình, ngăn ngừa nguy cơ chiến tranh tuy không đạt được mục tiêu, nhưng chỉ với việc Hồ Chí Minh được Chính phủ Pháp mời đến Paris với tư cách là “thượng khách” đã là một thắng lợi to lớn, có tính lịch sử. Chưa bao giờ người đứng đầu một chính phủ của một xứ trước kia là thuộc địa của Pháp, người đã từng công khai bỏ phiếu sáng lập Đảng Cộng sản Pháp, viết “Bản án chế độ thực dân Pháp”, đọc Tuyên ngôn Độc lập, tuyên bố trước toàn thế giới sự cáo chung của chế độ thực dân Pháp, lại có thể đường đường chính chính đến thăm nước Pháp với tư cách là “thượng khách”.

Với những thành tựu ngoại giao này, uy tín và địa vị pháp lí quốc tế của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã được khẳng định mạnh mẽ, hiệu quả. Đó là một kỳ tích của Đảng với tư cách “một đảng cầm quyền” trong điều kiện lịch sử vô cùng khó khăn.

Thứ tư: Để củng cố uy tín và địa vị cầm quyền của Đảng chính là kịp thời nhận diện những hiện tượng tha hóa quyền lực do những sai lầm của một bộ phận cán bộ, kịp thời nghiêm túc chấn chỉnh, sửa sai. Trên báo Cờ giải phóng – Cơ quan ngôn luận Trung ương của Đảng, trong số 17, ra ngày 17-9-1945, đã có bài viết “Hãy hạ các ông quan cách mạng ấy xuống” của tác giả Tân Trào (một bút danh của Hồ Chí Minh). Đây là lần đầu tiên Hồ Chí Minh cảnh báo rất nghiêm khắc căn bệnh mà sau này Người gọi là “vác mặt quan cách mạng” của một bộ phận cán bộ đảng viên có chức có quyền. Người viết: “Quan cách mạng! Bây giờ lại có quan cách mạng mới lạ chứ! Thế mà có đấy. (...) Họ khệnh khạng lên mặt với dân, với các bạn đồng nghiệp. Họ cũng xa hoa, xài phí theo lối trưởng giả hay phong kiến. (...) tự coi mình như ông hoàng. (...) và khả ố nhất là họ kéo bà con, anh em, bè bạn vào làm chức này chức nọ. Họ thường tham lam và đôi khi ‘hiếu sát” nữa. Đến nỗi họ lạm dụng quyền thế để báo thù riêng”. Người chỉ rõ: “Nhiệm vụ của chúng ta là phải bài trừ triệt để cái xu hướng “quan cách mạng” đi”27. Tiếp theo, trong số 26, ra ngày 19-10-1945, báo Cờ giải phóng còn đăng bài một bài viết của tác giả “XXX” với tiêu đề “Một họa lớn cần phải trừ”. Bài báo cho biết: “Hiện nay nói đến Chính phủ lâm thời dân chủ cộng hòa Việt Nam thì người ta mến. Trái lại, nói đến các ủy ban nhân dân địa phương, người ta sợ hay tỏ thái độ không ưa”; “Một số ủy ban nhân dân – tiếc thay số này không ít – đã làm càn, khiến cho tất cả các ủy ban nhân dân mang tiếng xấu”28.

Như thế, có thể thấy ngay từ những ngày đầu tiên thực hiện chức năng “một đảng cầm quyền”, Hồ Chí Minh đã nhận ra yêu cầu đặc biệt cấp bách của công tác giáo dục đạo đức cách mạng, đạo đức công vụ cho cán bộ, đảng viên có chức vụ. Đây chính là cái gốc của mọi công việc.

Ở đây, rõ ràng là bên cạnh những nguyên tắc của chuyên chính vô sản, của nền dân chủ đại nghị, pháp quyền phương Tây, Hồ Chí Minh đã sớm nhận ra vai trò và giá trị của đường lối “đức trị” của nền chính trị quân chủ truyền thống đối với việc cầm quyền của Đảng. Phải xây dựng, chỉnh đốn Đảng, làm cho Đảng trở nên biểu tượng của đạo đức và văn minh thì Đảng mới xứng đáng là “một đảng cầm quyền”. Khâu then chốt nhất trong toàn bộ công cuộc này chính là giáo dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ cầm quyền.

3. Thay lời kết

 Trong Di chúc, Hồ Chí Minh đã căn dặn rất khẩn thiết và nghiêm túc, rằng: “Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”29.

Những dòng ngắn gọn nói trên dường như đã gửi gắm trọn vẹn tư tưởng của Hồ Chí Minh về đảng cầm quyền. Đó là những gì tinh túy, cốt yếu nhất Người đã đúc kết lại từ hoạt động nghiên cứu lí luận, kiểm nghiệm thực tiễn và đau đáu dặn dò lại Đảng và nhân dân Việt Nam trước lúc đi xa.

Trên cơ sở nghiên cứu di sản tư tưởng và thực tiễn lịch sử trực tiếp lãnh đạo Đảng từ khi thành lập và lãnh đạo hệ thống chính trị Việt Nam của Hồ Chí Minh từ sau ngày Tuyên ngôn Độc lập đến Toàn quốc kháng chiến (ngày 2-9-1945 đến ngày 19-12-1946), chúng tôi nhận thấy rằng tư tưởng về đảng cầm quyền đã được Người chuẩn bị rất công phu, với nhiều bài học sâu sắc được kiểm nghiệm bằng thực tiễn.

Một là, tư tưởng về đảng cầm quyền của Hồ Chí Minh là kết quả nghiên cứu và phát triển những nguyên tắc của chủ nghĩa Mác - Lênin về đảng cộng sản và về nhà nước chuyên chính vô sản thông qua mô hình thực tế là nhà nước Xô viết ở Liên Xô. Đồng thời, đó cũng là sự tham bác rộng rãi, kỹ càng kinh nghiệm đảng cầm quyền thông qua mô hình dân chủ đại nghị - pháp quyền của các nhà nước tư sản - dân tộc ở phương Tây. Sự bổ sung này, xét cả về phương diện lí luận và thực tiễn, trước hết nhằm đáp ứng yêu cầu thực tế của cách mạng Việt Nam, đồng thời bổ sung vào kho tàng lí luận về đảng cầm quyền của chủ nghĩa Mác - Lênin những luận điểm và nguyên tắc mới, rất có giá trị.

Hai là, khi thực sự trở thành đảng cầm quyền trong điều kiện vô cùng khắc nghiệt, phức tạp của Việt Nam sau Cách mạng Tháng Tám 1945, Hồ Chí Minh và Đảng đã kịp thời bổ sung vào lí luận đảng cầm quyền những kinh nghiệm nóng hổi của thực tiễn. Đó là sự kế thừa mô hình nhân trị - pháp quyền của nền chính trị Việt Nam truyền thống, trong đó yếu tố quan trọng và thiết yếu nhất chính là phẩm chất, năng lực, đạo đức và vai trò nêu gương của đội ngũ cán bộ nắm giữ các cương vị lãnh đạo quản lí. Đó chính là lí do khi căn dặn trong Di chúc, về đảng cầm quyền, Hồ Chí Minh chỉ nhấn mạnh đặc biệt đến đạo đức cách mạng của cán bộ, sự trong sạch của Đảng và vai trò tiên phong, lãnh đạo của Đảng, thái độ tận tụy, trung thành phụng sự nhân dân của đảng viên.

Đó cũng chính là bài học sâu sắc, có ý nghĩa thực tiễn quan trọng nhất mà di sản tư tưởng về đảng cầm quyền của Hồ Chí Minh đã để lại cho chúng ta. Hiểu đúng, phát huy và vận dụng sáng tạo tư tưởng đó chính là “cái cẩm nang thần kì” giúp cho Đảng và nhân dân ta tiếp tục củng cố vững chắc chế độ và đạt được những thành tựu to lớn, bền vững hơn trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.  

 

 Ngày nhận 10-9-2024 ; ngày thẩm định 14-11-2024 ; ngày duyệt đăng: 18-12-2024

1. Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, T. 15, tr. 611

2, 3, Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2002, T.1, tr. 24, 24, 18

5. Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, T. 3, tr. 1

6. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2000, T. 6, tr. 536

7, 8, 9, 10, 13, 14. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2000, T. 7, tr. 113, 114, 150, 150, 352-353, 353

11. Ngoài ra, Uỷ ban Giải phóng dân tộc Việt Nam còn có 14 uỷ viên khác là: Trần Huy Liệu, Nguyễn Lương Bằng, Đặng Xuân Khu (Trường Chinh), Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, Dương Đức Hiền, Chu Văn Tấn, Nguyễn Văn Xuân, Cù Huy Cận, Nguyễn Đình Thi, Lê Văn Hiến, Nguyễn Chí Thanh, Phạm Ngọc Thạch và Nguyễn Hữu Đang. Ban Thường trực của Ủy ban này gồm có 5 người là: Hồ Chí Minh, Trần Huy Liệu, Phạm Văn Đồng, Dương Đức Hiền và Nguyễn Lương Bằng (Theo: Viện Lịch sử Đảng: Lịch sử Cách mạng Tháng Tám, Nxb CTQG, H, 1995, tr. 181)

12. Xem: Viện Khoa học Xã hội Việt Nam – Viện Sử học: Hồi ký Trần Huy Liệu, Nxb KHXH, H, 1991, tr. 354-357

15. Võ Nguyên Giáp: Tổng tập hồi ký, Nxb QĐND, H, 2011, tr. 130-131

16. Xem: Phùng Thế Tài: Bác Hồ - những kỷ niệm không quên, Nxb QĐND, H, 2002, tr. 57-94

17. Báo Hưng Việt, số 21, ngày 24-8-1945

18. Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, T. 4, tr. 3

19. Ở khu vực Đông Nam Á, trong Chiến tranh thế giới II, chính phủ Thái Lan đứng về phe Nhật Bản; ở Indonesia thì các thủ lĩnh phong trào dân tộc cũng từng cộng tác với phát xít Nhật. Tương tự là tình hình ở Campuchia, Myanmar, Philippines và Malaysia. Ở Lào thì có lực lượng dân tộc nhưng lại chưa đủ mạnh.

20. Sau này Hồ Chí Minh đã đánh giá: "Đó là một cử chỉ đáng khen, đáng kính mà chúng ta phải học"(theo: Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, T. 7, tr. 26)

21, 25. Việt Nam Dân quốc Công báo, số 1, ngày 29-9-1945. tr. 2, 7

22. Báo Trung Bắc Chủ nhật, số 261, ngày 9-9-1945

23. Báo Cứu Quốc, số 36, ngày 5-9-1945

24. Xem: Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, T. 7, tr. 7

26. Đây là kết quả của cuộc thỏa thuận giữa Mặt trận Việt Minh với Việt Quốc và Việt Cách ký ngày 24-12-1945. Theo đó, hai đảng Việt Quốc và Việt Cách sẽ chấm dứt các hoạt động phá hoại cuộc Tổng tuyển cử, đổi lại họ sẽ được nhận 70 ghế trong Quốc hội đầu tiên không qua bầu cử. Điều này được Quốc hội khóa I phê chuẩn tại kỳ họp thứ nhất, ngày 2-3-1946 (Xem: Báo Cứu Quốc, số đặc biệt ra ngày 3-3-1946)

27. Báo Cờ Giải phóng, số 17, ngày 17-9-1945

28. Báo Cờ Giải phóng, số 26, ngày 19-10-1945; “XXX” là một bút danh của Hồ Chí Minh

29. Xem: Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, 2011, T.15, tr. 611- 612.