Tóm tắt: Kinh tế biển có thể hiểu là các hoạt động kinh tế trên biển và các hoạt động kinh tế trực tiếp liên quan đến khai thác biển ở dải đất liền ven biển. Đóng góp của kinh tế biển là rất quan trọng, không chỉ đối với tăng trưởng, bền vững kinh tế, mà còn trong củng cố chủ quyền quốc gia. Với những tiềm năng quan trọng và vị trí địa chiến lược, phát triển kinh tế biển và vùng Biển Đông thuộc chủ quyền quốc gia Việt Nam nói chung, ở Trường Sa nói riêng, ngày càng được khẳng định trong chiến lược của Đảng qua các văn kiện của Đảng đặc biệt, trong thời kỳ đổi mới.
1. Quan điểm của Đảng về phát triển kinh tế biển, đảo thời kỳ đổi mới
Kinh tế biển là sự kết hợp hữu cơ giữa các hoạt động kinh tế diễn ra trên biển và hoạt động kinh tế trên dải đất liền ven biển. Trong đó, biển chủ yếu đóng vai trò vùng khai thác nguyên liệu, là môi trường cho các hoạt động vận tải, du lịch biển; còn toàn bộ hoạt động sản xuất và phục vụ khai thác biển lại diễn ra trên dải đất liền ven biển. Do vậy, khi nói đến kinh tế biển không thể tách vùng biển với vùng ven biển và ngược lại. Từ khái niệm này đã chỉ ra các hoạt động kinh tế biển và không gian của kinh tế biển gồm 2 bộ phận là không gian biển và không gian dải đất liền ven biển1. Theo đó, đối với lãnh thổ Việt Nam, kinh tế vùng ven biển là các hoạt động kinh tế ở dải ven biển, có thể tính theo địa bàn các xã, huyện và các tỉnh có biên giới đất liền tiếp giáp với biển, bao gồm các lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp, công nghiệp, dịch vụ...
Phạm vi chủ quyền của Việt Nam bao quát hơn 1 triệu kilômét vuông trên vùng Biển Đông (chiếm khoảng 30% diện tích Biển Đông và lớn gấp hơn 3 lần diện tích đất liền). Trong số 10 tuyến đường biển lớn nhất hành tinh, có 5 tuyến đi qua Biển Đông, là hướng mở rộng thông thương, thắt chặt và tăng cường các mối bang giao quốc tế.
Biển Việt Nam cùng với đất liền tạo ra môi trường sinh sống và phát triển bền vững của cả đất nước. Vùng biển ven bờ Việt Nam có khoảng 2.773 hòn đảo lớn, nhỏ, chủ yếu nằm ở Vịnh Bắc Bộ, số còn lại phân bố ở khu vực biển Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nam; có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở giữa Biển Đông. Để phục vụ phát triển kinh tế biển, đã có 9 cảng biển và 15 khu kinh tế ven biển với tổng diện tích mặt đất và mặt nước lên đến 662.249 ha được xây dựng, thu hút khoảng 700 dự án do nước ngoài và trong nước đầu tư, với tổng vốn gần 33 tỷ USD và 330.000 tỷ đồng. Dọc bờ biển Việt Nam có 28 tỉnh, thành phố, với 12 thành phố lớn, 125 huyện, thị xã ven biển, 100 cảng biển, khoảng 238.000 cụm công nghiệp và gần 1.000 bến cá...2. Đây chính là những tiềm năng để phát triển kinh tế biển của đất nước. Tiềm năng và thực tế đó đang tạo nền tảng, cơ hội cho Việt Nam từng bước trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, trên cơ sở phát triển, phát huy toàn diện các ngành nghề biển một cách phù hợp, với cơ cấu phong phú, hiện đại, tạo ra tốc độ phát triển theo hướng nhanh, bền vững và hiệu quả.
Trước yêu cầu bức thiết của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, ngày 6-5-1993, Bộ Chính trị (khóa VII) ban hành Nghị quyết số 03-NQ/TW về “Một số nhiệm vụ phát triển kinh tế biển trong những năm trước mắt” khẳng định tầm quan trọng và vị trí chiến lược biển và kinh tế biển trong nền kinh tế quốc dân. Tiếp đó, đến Đại hội VIII (6-1996) của Đảng, lần đầu tiên Đảng tập trung bàn về phát triển các lĩnh vực liên quan đến biển, đặc biệt là các biện pháp đẩy mạnh phát triển kinh tế biển gắn với đảm bảo quốc phòng-an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo. Nghị quyết Đại hội VIII khẳng định: “Vùng biển và ven biển là địa bàn chiến lược về kinh tế và an ninh, quốc phòng, có nhiều lợi thế phát triển và là cửa mở lớn của cả nước để đẩy mạnh giao lưu quốc tế, thu hút đầu tư nước ngoài. Khai thác tối đa tiềm năng và các lợi thế của vùng biển và ven biển, kết hợp với an ninh, quốc phòng, tạo thế và lực để phát triển mạnh kinh tế-xã hội, bảo vệ và làm chủ vùng biển của Tổ quốc”3.
Ngày 22-9-1997, Bộ Chính trị (khóa VIII) ban hành Chỉ thị số 20-CT/TW về “Đẩy mạnh phát triển kinh tế biển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa”. Đặc biệt, tại Đại hội X (4-2006) của Đảng khẳng định: “Phát triển mạnh kinh tế biển vừa toàn diện, vừa có trọng tâm, trọng điểm với những ngành có lợi thế so sánh để đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh và hợp tác quốc tế. Hoàn chỉnh quy hoạch và phát triển có hiệu quả hệ thống cảng biển và vận tải biển, khai thác và chế biến dầu khí, khai thác và chế biến hải sản, phát triển du lịch biển, đảo. Đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp đóng tàu và phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ bổ trợ. Hình thành một số hành lang kinh tế ven biển. Nhanh chóng phát triển kinh tế-xã hội ở các hải đảo gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh”4.
Đặc biệt, ngày 9-2-2007, HNTƯ 4 khóa X ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TW về “Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020”, trong đó xác định: “Phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, bảo đảm vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển, đảo, góp phần quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, làm cho đất nước giàu mạnh. Xây dựng và phát triển toàn diện các lĩnh vực kinh tế, xã hội, khoa học-công nghệ, tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh, làm cho đất nước giàu mạnh từ biển, bảo vệ môi trường biển. Phấn đấu đến năm 2020, kinh tế trên biển và ven biển đóng góp khoảng 53%-55% tổng GDP của cả nước. Giải quyết tốt các vấn đề xã hội, cải thiện một bước đáng kể đời sống nhân dân vùng biển và ven biển. Phấn đấu thu nhập bình quân đầu người cao gấp hai lần so với thu nhập bình quân chung của cả nước…”5.
Tiếp tục chủ trương, đường lối phát triển kinh tế biển, đảo được xác định trong các văn kiện trước đây của Đảng, trong “Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm (2011-2020)” được thông qua tại Đại hội XI (1-2011) của Đảng, khẳng định: “Phát triển mạnh kinh tế biển tương xứng với vị thế và tiềm năng biển của nước ta, gắn phát triển kinh tế biển với bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền vùng biển. Phát triển nhanh một số khu kinh tế, khu công nghiệp ven biển, ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp năng lượng, đóng tàu, xi măng, chế biến thủy sản chất lượng cao… Đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, tạo thành các trung tâm kinh tế biển mạnh, tạo thế tiến ra biển, gắn với phát triển đa dạng các ngành dịch vụ, nhất là các ngành có giá trị gia tăng cao như dịch vụ xuất, nhập khẩu, du lịch, dịch vụ nghề cá, dịch vụ dầu khí, vận tải… Phát triển cảng biển, dịch vụ cảng và vận tải biển, sông-biển; phát triển các đội tàu, công nghiệp đóng mới và sửa chữa tàu biển… Phát triển kinh tế đảo phù hợp với vị trí, tiềm năng và lợi thế của từng đảo”6.
Đại hội XI của Đảng, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), chỉ rõ cần kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng-an ninh; quốc phòng-an ninh với kinh tế trong từng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển kinh tế-xã hội và trên từng địa bàn. Để hiện thực yêu cầu nhiệm vụ này, một số giải pháp được đặc biệt chú ý: tăng cường công tác quy hoạch; xây dựng kết cấu hạ tầng; xây dựng các vùng biển, đảo ở địa bàn chiến lược đều phải gắn kết chặt chẽ với quá trình tăng cường lực lượng, tiềm lực, thế trận quốc phòng-an ninh; nhiệm vụ, phương án, kế hoạch tác chiến và đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo; chăm lo xây dựng thế trận lòng dân, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, thực hiện quân với dân một ý chí; phát huy quyền làm chủ của nhân dân, đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, cải thiện, nâng cao đời sống vật chất tinh thần của nhân dân, tạo sự đồng thuận xã hội...
Đại hội XII (2016) của Đảng, tiếp tục nhấn mạnh: “Phát triển kinh tế biển nhằm tăng cường tiềm lực kinh tế quốc gia và bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Chú trọng phát triển các ngành công nghiệp dầu khí, đánh bắt xa bờ và hậu cần nghề cá, kinh tế hàng hải (kinh doanh dịch vụ cảng biển, đóng và sửa chữa tàu, vận tải biển), du lịch biển, đảo. Có cơ chế tạo bước đột phá về tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế biển, thu hút mạnh hơn mọi nguồn lực đầu tư để phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, khai thác tài nguyên biển, đảo một cách bền vững…”7.
Cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XII, ngày 22-10-2018, tại HNTƯ 8 khóa XII thông qua Nghị quyết số 36-NQ/TW về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” (gọi tắt là Chiến lược biển 2030). Nghị quyết xác định mục tiêu tổng quát đến năm 2030: “Đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh; đạt cơ bản các tiêu chí về phát triển bền vững kinh tế biển...”. Để hiện thực mục tiêu quan trọng này, Nghị quyết số 36-NQ/TW nhấn mạnh đến: “Phát triển bền vững kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học, các hệ sinh thái biển; bảo đảm hài hoà giữa các hệ sinh thái kinh tế và tự nhiên, giữa bảo tồn và phát triển,...”. Đây là sự lựa chọn đúng đắn, phù hợp với bối cảnh và thực tế ở Biển Đông, là sự khẳng định xu thế phát triển tất yếu trong dài hạn của nền kinh tế Việt Nam và là sự tiếp nối xuyên suốt trong đường lối của Đảng: Xây dựng đi đôi với bảo vệ Tổ quốc.
Như vậy, trong thực tiễn lãnh đạo đường lối đổi mới toàn diện đất nước từ năm 1986 đến nay, cũng với những bước chuyển trong nhận thức, tư duy về những vấn đề kinh tế-xã hội vĩ mô, việc nhận thức về vai trò của biển và kinh tế biển của Đảng cũng có những sự dịch chuyển quan trọng. Điều đó được thể hiện cụ thể trong các các nghị quyết chuyên đề, trong Văn kiện các kỳ Đại hội Đảng, thậm chí được khẳng định rõ nét trong Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ đổi mới. Tựu chung lại, các quan điểm đó phản ánh ý nghĩa mang tầm chiến lược, một cách toàn diện, thống nhất, đúng đắn và phù hợp với tình hình hiện nay, tạo niềm tin vững chắc, để chúng ta tiếp tục hành động chủ động và mạnh mẽ trong vấn đề biển, đảo không chỉ như là một giải pháp đơn thuần quốc phòng-an ninh về chủ quyền quốc gia như nhiều thế kỷ trước mà còn trở thành một trọng tâm, một giải pháp có tính bền vững cho sự lớn mạnh và phát triển chung của nền kinh tế đất nước.
2. Trường Sa trong chiến lược phát triển kinh tế biển của Đảng
Trường Sa giữ vai trò cực kỳ quan trọng về mặt chính trị, kinh tế và an ninh quốc phòng của Việt Nam. Trường Sa là vùng biển đảo có diện tích lớn, tài nguyên thiên nhiên phong phú. Cùng với quần đảo Hoàng Sa, các đảo thuộc quần đảo Trường Sa là tuyến đảo, cụm đảo tiền tiêu-biên giới. Quần đảo Trường Sa bao gồm 137 đảo, đá, bãi 33 đảo, bãi cạn và đảo đá, trong đó tổng diện tích phần đảo luôn nổi trên mặt nước chỉ chiếm 3 km2, nhưng trải dài trên một vùng biển rộng lớn gấp 10 lần so với quần đảo Hoàng Sa, đảo lớn nhất là Ba Bình (0,5 km2). Quần đảo Trường Sa được chia làm 8 cụm: Song Tử, Thị Tứ, Loại Ta, Nam Yết, Sinh Tồn, Trường Sa, Thám Hiểm, Bình Nguyên. Trong đó, cụm Song Tử Tây là đảo cao nhất (cao khoảng 4-6m lúc thủy triều xuống).
Tuyến đảo, cụm đảo tiền tiêu-biên giới này có diện tích rất nhỏ, nằm khá xa đất liền trên 460 km (Vịnh Cam Ranh). Bao quanh vùng biển đảo Trường Sa là cả vùng biển rộng lớn với ngư trường đánh bắt khổng lồ, giàu tài nguyên khoáng sản và các sản vật khác. Cụm đảo tiền tiêu-biên giới này còn nằm rất gần với các tuyến đường hàng hải quốc tế với hơn một nửa lượng hàng hóa thế giới lưu thông qua lại trên tuyến đường này. Do ở vị thế đắc địa này, nơi đây đang là vùng tranh chấp lãnh hải, EEZ và thềm lục địa giữa các quốc gia trên Biển Đông và là điểm nóng trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam và các nước khác như Philippines, Nhật Bản.
Với vị trí đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế biển gắn với củng cố quốc phòng-an ninh, chủ quyền quốc gia, việc phát triển kinh tế biển ở Trường Sa là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong thực hiện chiến lược kinh tế biển của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Vì vậy, song song với phát triển Khu kinh tế ven biển mà Đảng, Nhà nước đã xác định (tại Vân Đồn, Vân Phong, Phú Quốc), việc phát triển Khu kinh tế-quốc phòng Trường Sa cũng được đặc biệt chú ý, thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng và Nhà nước trong phát triển một hệ thống kinh tế biển có tính chất hoàn chỉnh, đồng bộ. Thực hiện phát triển kinh tế gắn với cùng cố quốc phòng-an ninh ở vùng quần đảo Trường Sa là một bộ phận cấu thành phạm vi chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, cùng với đất liền tạo ra môi trường sinh tồn và phát triển bền vững của dân tộc ta.
Trong các Chiến lược biển Việt Nam mà Trung ương Đảng ban hành, Khánh Hòa luôn là một trong những địa danh được lựa chọn làm mô hình thí điểm phát triển kinh tế biển và xây dựng các mô hình kinh tế-quốc phòng trên biển. Trong quá trình thực hiện chiến lược phát triển kinh tế biển, Khánh Hòa luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và các ban, ngành Trung ương. Đây vừa là một trọng trách nặng nề, đồng thời cũng là một lợi thế của tỉnh Khánh Hòa trong quá trình lãnh đạo phát triển kinh tế biển. Quán triệt quan điểm của Trung ương Đảng, Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa trong các nhiệm kỳ gần đây cũng đã có những thay đổi trong nhận thức và hành động với chiến lược kinh tế biển ở địa phương. Quan điểm chung đó là đầu tư đồng bộ và từng bước hiện đại hóa cơ sở hạ tầng cho các trung tâm biển, trước hết là các địa bàn trọng điểm; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế biển với bảo vệ tài nguyên môi trường biển và quốc phòng an ninh đảm bảo sự phát triển bền vững ở tỉnh Khánh Hòa. Trong đường lối chung đó, vị trí tiền đồn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng của vùng quần đảo Trường Sa cũng được đặc biệt chú ý với hàng loạt biện pháp thực hiện, cả trong kinh tế và quốc phòng-an ninh. Điển hình trong lĩnh vực kinh tế là việc củng cố tương đối hoàn chỉnh hệ thống âu tàu, làng chài trên huyện đảo Trường Sa trong năm 2018, góp phần quan trong trong cung ứng hậu cần, sửa chữa tàu thuyền, phát triển dịch vụ nghề cá và là nơi trú đậu an toàn cho các tàu của ngư dân khi gió bão. Việc xây dựng và củng cố hệ thống âu tàu, làng chài trên huyện đảo Trường Sa là sự khẳng định tầm nhìn chiến lược của Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng và Quân chủng Hải quân về việc phân bổ dịch vụ hỗ trợ ngư dân bám biển, là cơ sở để thực hiện tốt nhất Chỉ thị số 45/CT-TTg, ngày 13-12-2017, của Thủ tướng Chính phủ về “Nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của Ủy ban Châu Âu về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định”.
Hiện nay, cả thế giới đều đang hướng vào và ngày càng khẳng định tầm quan trọng to lớn của biển và đại dương. Đặt trong bối cảnh khan hiếm nghiêm trọng các nguồn nguyên liệu, năng lượng dẫn tới cạnh tranh thị trường, tranh chấp lãnh thổ và xung đột quốc gia thường xuyên và gay gắt hơn, điều này là hết sức phù hợp. Việt Nam là quốc gia có diện tích vùng biển gấp gần 3 lần diện tích đất liền. Biển Đông-vùng biển mà Việt Nam có chủ quyền quốc gia là khu vực hết sức đặc biệt cả về tiềm năng, thế mạnh kinh tế, địa thế chính trị, quốc phòng,... có ảnh hưởng, tác động không chỉ trong khu vực mà lan rộng ra phạm vi quốc tế. Bởi vậy, phát triển kinh tế biển gắn với củng cố quốc phòng-an ninh với những chiến lược có tính dài hạn, có định hướng cụ thế và mục tiêu rõ ràng phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, bảo đảm vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển, đảo, góp phần quan trọng trong sự nghiệp CNH, HĐH và hội nhập quốc tế, làm cho đất nước giàu mạnh là chủ trương hết sức đúng đắn của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Hệ thống các đảo và quần đảo Việt Nam có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế và đảm bảo an ninh, quốc phòng quốc gia. Các tranh chấp về quyền tài phán trên Biển Đông xuất phát từ các tranh chấp chủ quyền với các đảo, cụm đảo trên Biển Đông, cụ thể là hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cùng với sự bất đồng quan điểm về cách thức giải quyết các tranh chấp để đi đến sự đồng thuận chung. Nhằm đảm bảo việc thực hiện chiến lược biển thành công, chúng ta cần phải hạn chế tối đa các xung đột vũ lực với các quốc gia có liên quan trên Biển Đông và hướng tới các hoạt động hợp tác nhằm củng cố niềm tin và đảm bảo sự phát triển kinh tế biển bền vững, duy trì hòa bình, hữu nghị và hợp tác trong khu vực đồng thời có những giải pháp, chính sách mềm dẻo, kiên quyết nhằm đảm bảo an ninh quốc phòng, toàn vẹn lãnh hải trên vùng Biển Đông thuộc chủ quyền của Việt Nam. Biển Đông là không gian phát triển và sinh tồn của đất nước, dân tộc Việt Nam. Trong không gian đó, quần đảo Trường Sa-tuyến đảo, cụm đảo tiền tiêu-biên giới có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế và khẳng định, củng cố chủ quyền quốc gia. Bởi vậy, phát triển kinh tế ở vùng biển, đảo này không chỉ hướng tới đơn thuần các giá trị kinh tế, mà sâu xa và ý nghĩa hơn là nhằm giữ vững an ninh-quốc phòng, khẳng định, bảo vệ chủ quyền quốc gia ngay từ vị trí tiền tiêu nhất.
__________________
* Bài viết là sản phẩm của Đề tài khoa học cấp Nhà nước “Nghiên cứu biên soạn lịch sử huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hoà” (mã số: ĐTĐL.XH.01/16) do Học viện Chính trị khu vực I (thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) là cơ quan chủ trì
1, 2. Xem Đức Hồng: “Ý nghĩa chiến lược phát triển kinh tế biển”, http://baobinhphuoc.com.vn/Content/y-nghia-chien-luoc-phat-trien-kinh-te-bien-445710, ngày 6-11-2018
3. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb CTQG, H, 1996, tr. 211
4. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb CTQG, H, 2006, tr. 225
5. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa X, Nxb CTQG, H, 2007, tr.76
6. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H, 2011, tr. 121-122
7. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb CTQG, H, 2016, tr. 94-95.
TS NGUYỄN THỊ THANH HUYỀN
ThS LÊ TUẤN VINH
Học viện Chính trị Khu vực I