Tóm tắt: Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968 là một sự kiện lịch sử có ý nghĩa chiến lược, tạo nên bước ngoặt quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc Việt Nam. Nhận định về nguyên nhân thắng lợi Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đánh giá: “… Đó là thắng lợi của đường lối cách mạng đúng đắn của Đảng ta, thắng lợi của lòng yêu nước nồng nàn và của sức mạnh toàn dân đoàn kết quyết chiến quyết thắng, thắng lợi của chế độ xã hội chủ nghĩa tốt đẹp”1. Đó chính là thành quả quan trọng của Đảng về công tác tư tưởng trước yêu cầu cách mạng.
1. Công tác tư tưởng của Đảng đã động viên tinh thần yêu nước, căm thù giặc, ý chí quyết tâm cao độ của quân và dân ta trên các chiến trường
Đầu năm 1965, trước sự phá sản của chiến lược “chiến tranh đặc biệt”, Mỹ đã ồ ạt đưa quân viễn chinh vào miền Nam Việt Nam. Đến cuối năm 1967, ở chiến trường miền Nam, chính quyền Mỹ đã huy động 480.000 quân (70% lục quân, 60% không quân, 40% hải quân, 60% lực lượng lính thủy đánh bộ); 68.800 quân của các nước đồng minh; 552.000 quân của quân đội Việt Nam Cộng hòa để thực hiện “chiến tranh cục bộ” với mưu đồ là bằng sức mạnh quân sự Mỹ cùng với quân đội Việt Nam Cộng hòa mở các cuộc tiến công lớn “tìm diệt” (sau đó là “tìm diệt và bình định”) chủ lực của ta ở miền Nam; dùng không quân và hải quân đánh phá miền Bắc, ngăn chặn sự chi viện từ Bắc vào Nam, cô lập và đè bẹp cách mạng miền Nam. Trước tình hình đó, tháng 12-1967, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã họp và chỉ rõ: từ sau mùa khô năm 1966-1967, Mỹ, ngụy chuyển từ thế phản công chiến lược sang thế phòng ngự chiến lược. Đó là một bước thoái lui về chiến lược, một thất bại lớn của chiến lược “chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ ở miền Nam và làm phá sản cuộc chiến tranh xâm lược của chúng trong cả nước. Tuy còn khó khăn, song ta đang ở thế thắng, thế chủ động và thuận lợi, ta đang đứng trước những triển vọng và thời cơ chiến lược lớn. Tình hình ấy cho phép có thể chuyển cuộc chiến tranh cách mạng của ta sang một thời kỳ mới, thời kỳ giành thắng lợi quyết định. Bộ Chính trị quyết định mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968, đưa cách mạng miền Nam chuyển sang giai đoạn mới.
Bộ Chính trị xác định phương hướng và nhiệm vụ trước mắt: “Động viên những nỗ lực lớn nhất của quân dân hai miền, đưa cuộc chiến tranh cách mạng của ta lên bước phát triển cao nhất, bằng phương pháp tổng công kích, tổng khởi nghĩa để giành thắng lợi quyết định”. Phương châm tổng công kích, tổng khởi nghĩa là: kết hợp đấu tranh quân sự, chính trị, binh vận; kết hợp các lực lượng công nhân, nông dân, binh sĩ địch yêu nước; kết hợp hoạt động ở cả ba vùng; ở đô thị quần chúng nổi dậy bên trong, lực lượng quân sự đánh từ bên ngoài vào; phối hợp từng vùng và toàn chiến trường; tấn công địch đi đôi với xây dựng ta; kết hợp đấu tranh quân sự, chính trị, ngoại giao; kết hợp với chiến trường Đông Dương và tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế. Khẩu hiệu trong tổng khởi nghĩa được xác định là: “Độc lập, tự do, hòa bình, cơm áo, ruộng đất, chấm dứt chiến tranh xâm lược, đế quốc Mỹ rút quân về nước, chủ quyền thuộc về con người Việt Nam”.
Trong thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời Tổng thống Giônxơn ngày 8-2-1967, Người chỉ rõ: “Chính phủ Mỹ đã phạm tội ác chiến tranh, phá hoại hòa bình và chống lại loài người. Ở miền Nam Việt Nam, nửa triệu quân Mỹ và quân chư hầu dùng những vũ khí tàn ác nhất và những thủ đoạn chiến tranh dã man nhất, kể cả bom napan, chất độc hóa học và hơi độc, để giết hại hàng loạt đồng bào chúng tôi, phá hoại mùa màng, triệt hạ làng mạc. Ở miền Bắc Việt Nam, hàng ngàn máy bay Mỹ trút hàng chục vạn tấn bom đạn, phá hoại các thành phố, xóm làng, nhà máy, cầu đường, đê đập, tàn phá cả nhà thờ, đình chùa, nhà thương, trường học”2.
Tháng 2-1967, Quân ủy Trung ương ra Nghị quyết về “Nhiệm vụ quân sự trước mắt”3. Nghị quyết đã tập trung phân tích, đánh giá, nhận định đúng đắn thắng lợi chiến lược của ta, thất bại của địch, rút ra những kết luận chiến lược về: so sánh lực lượng, chiến lược, chiến thuật, ý nghĩa quốc tế và những khả năng của ta và địch. Nghị quyết đề ra các nhiệm vụ của quân và dân ta ở các hướng chiến trường nhằm đáp ứng sự phát triển, tính chất căng thẳng, quyết liệt ngày càng tăng của tình hình. Ngày 2-7-1967, Thường trực Quân ủy Trung ương mở cuộc vận động: “Nâng cao chất lượng, phát huy sức mạnh chiến đấu của các lực lượng vũ trang nhân dân, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”. Cuộc vận động nhằm mục đích chủ yếu là nâng cao quyết tâm chiến đấu và nâng cao trình độ tác chiến, chú trọng tác chiến hiệp đồng của các binh chủng, bảo đảm cho thực hiện yêu cầu đánh tiêu diệt và đánh lớn tiến lên giành thắng lợi.
Tháng 1-1968, HNTƯ 14 khóa III của Đảng đã thông qua quyết tâm của Bộ Chính trị về chủ trương mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968. Thực hiện chủ trương của Đảng, toàn quân đã mở đợt sinh hoạt chính trị trong tình hình nhiệm vụ mới, trong đó về công tác tư tưởng hướng vào “quyết tâm hành động phải đạt tới càng đánh càng thắng, chỉ có thắng và thắng lớn hơn, tiến tới thắng lợi hoàn toàn”4.
Trong Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 20-7-1968 cũng nêu rõ: “Đế quốc Mỹ hiếu chiến phản bội lời cam kết của chúng, đã phá hoại trắng trợn Hiệp định Giơnevơ. Chúng nặn ra chính quyền bù nhìn buôn dân, bán nước, chúng tiến hành chiến tranh xâm lược ở miền Nam… Cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ trên đất nước ta hiện nay là một cuộc chiến tranh tàn bạo nhất trong lịch sử loài người”5. Với lẽ đó, nhân dân cả nước kiên quyết kháng chiến, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ, giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, tiến tới hòa bình, thống nhất nước nhà.
Chính từ những chủ trương đúng đắn, sáng tạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong nhận định về tình hình địch, ta; về phương hướng, nhiệm vụ, phương châm và khẩu hiệu trong Tổng khởi nghĩa Mậu Thân 1968 cũng như sự lên án về tội ác của Mỹ - ngụy…, đã khơi dậy trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta lòng yêu nước nồng nàn, chí căm thù giặc sâu sắc và sự quyết tâm cao “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, “Không có gì quý hơn độc lập tự do” trong thực hiện Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968. Sự kiện đêm 30 rạng ngày 31-1-1968 (đêm giao thừa Tết Mậu Thân), quân và dân miền Nam đồng loạt tiến công và nổi dậy trên toàn miền đánh vào 4 thành phố 37 thị xã, hàng trăm thị trấn; 4 bộ tư lệnh quân đoàn, hầu hết các bộ tư lệnh sư đoàn, 30 sân bay, gần 100 cơ sở hậu cần, nhiều cơ quan đầu não của địch như: Dinh Độc Lập, Tòa Đại sứ Mỹ, Bộ Tổng tham mưu, Hải quân, Tổng Nha cảnh sát, Đài Phát thanh ngụy quyền Sài Gòn… Chỉ trong thời gian ngắn, quân và dân ta đã tiêu diệt và làm tan rã gần 150.000 quân địch, trong đó có 43.000 quân Mỹ, phá hủy khoảng 34% khối lượng vật tư chiến tranh của Mỹ và quân đội Sài Gòn, phá hàng ngàn ấp chiến lược, giải phóng 1,4 triệu dân… Sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Trương ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác tư tưởng đã động viên cao nhất tinh thần yêu nước, căm thù giặc, ý chí quyết tâm của quân và dân ta, đó là những giá trị văn hóa ngàn đời trong mỗi con người Việt Nam được khơi dậy góp phần tạo sức mạnh chính trị, tinh thần to lớn trong Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968.
2. Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, chủ động, sáng tạo trong Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968
Để thực hiện tổng công kích và tổng khởi nghĩa, giành thắng lợi, Nghị quyết HNTƯ 14 khóa III của Đảng (1-1968) xác định: Phải tích cực chuẩn bị lực lượng quần chúng, định ra những hình thức tổ chức quần chúng thích hợp, đề ra khẩu hiệu có sức tập hợp mạnh mẽ quần chúng đông đảo. Ngay sau khi thành lập chính phủ Trung ương và chính quyền địa phương, phải có kế hoạch ban bố các quyền lợi cấp bách về chính trị và kinh tế cho quần chúng. Điện mật của Bộ Chính trị ngày 21-1 và ngày 1-2-1968, chủ trương thành lập mặt trận thứ hai lấy tên là “Liên minh Dân tộc, Dân chủ và Hòa bình” với các khẩu hiệu đấu tranh như: “Độc lập-chủ quyền”, “Tự do-dân chủ”, “Hòa bình-trung lập”, “Cơm áo, ruộng đất”, “Thành lập Chính phủ Liên hiệp dân tộc”...; “Lên án Mỹ tăng cường chiến tranh xâm lược và tội ác của chúng”, “Đề cao chính nghĩa, quyết tâm, thắng lợi của ta”..., nhằm tranh thủ, tập hợp thêm lực lượng ở trong nước cũng như sự đồng tình, ủng hộ rộng rãi của nhân dân thế giới, nhất là các nước XHCN là Liên Xô và Trung Quốc đối với Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968 cũng như cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của toàn dân tộc. Điều đó, đã khích lệ, động viên được đông đảo sức người, sức của cho Tổng tiến công và nổi dậy. Trong năm 1967, hơn 94.000 cán bộ, chiến sĩ ở miền Bắc đã được biên chế thành từng trung đoàn, sư đoàn bộ binh và binh chủng kỹ thuật để bổ sung cho mặt trận Trị-Thiên, Khu V, Tây Nguyên, Nam Bộ nâng tổng số Quân giải phóng miền Nam lên hơn 220.000 quân chủ lực và 57.000 quân địa phương (không kể dân quân, du kích và tự vệ). Trong hai năm 1967 và 1968, các chiến sĩ vận tải, thanh niên xung phong, hải quân ở miền Bắc đã vượt Trường Sơn và vượt biển trong sự đánh phá ác liệt ngày đêm của địch để chi viện cho chiến trường miền Nam: 118.923 tấn vũ khí, lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh..., là những minh chứng rõ cho nhận định trên.
Để tạo sức mạnh tổng hợp nhằm đánh thắng đế quốc Mỹ, từ cuối năm 1966, đầu năm 1967, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đi tới chủ trương tạo điều kiện tiến tới mở ra cục diện vừa đánh, vừa đàm, vừa đàm vừa đánh; xem đó là sách lược hỗ trợ cho đấu tranh quân sự và đấu tranh chính trị của quân và dân ta. Tại HNTƯ 13 khóa III của Đảng (1-1967), Trung ương đã thông qua Đề cương báo cáo về công tác đấu tranh ngoại giao do Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh trình bày, trong đó chỉ rõ: “Để đánh bại kẻ thù hết sức ngoan cố và xảo quyệt là đế quốc Mỹ xâm lược, ta phải giữ vững quyết tâm cao độ, nắm vững phương châm chiến lược, đồng thời phải biết cách đánh thắng địch, vận dụng sách lược khôn khéo, giành thắng lợi từng bước”6. NQTƯ 13 khóa III của Đảng đã khẳng định: “Chúng ta tiến công địch về mặt ngoại giao bây giờ là đúng lúc” và chỉ rõ: “Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta hiện nay, đấu tranh quân sự và đấu tranh chính trị ở miền Nam là nhân tố chủ yếu quyết định thắng lợi trên chiến trường, làm cơ sở cho thắng lợi trên mặt trận ngoại giao. Chúng ta chỉ có thể giành được trên bàn hội nghị những cái mà chúng ta đã giành được trên chiến trường. Tuy nhiên, đấu tranh ngoại giao không chỉ đơn thuần phản ánh cuộc đấu tranh trên chiến trường, mà trong tình hình quốc tế hiện nay, với tính chất cuộc chiến tranh giữa ta và địch, đấu tranh ngoại giao giữ một vai trò quan trọng, tích cực và chủ động”7. Thực hiện NQTƯ 13 khóa III của Đảng, ngày 28-1-1967, Bộ ngoại giao Việt Nam ra tuyên bố, khẳng định lập trường trước sau như một của nhân dân Việt Nam là kiên quyết chiến đấu bảo vệ độc lập, tự do; đồng thời chỉ rõ: “Phía Mỹ phải chấm dứt không điều kiện việc ném bom và mọi hành động chống nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; chỉ sau khi Mỹ thực hiện điều này thì Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mỹ mới có thể nói chuyện được”8.
3. Phát huy ý chí quyết tâm cao độ, tinh thần chiến đấu dũng cảm, kiên cường của toàn quân và toàn dân
Nghị quyết HNTƯ 14 khóa III của Đảng (1-1968) đã chỉ rõ: “Nhiệm vụ trọng đại và cấp bách của ta là tổng động viên những nỗ lực lớn nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta ở cả hai miền đưa cuộc chiến tranh cách mạng của ta lên một bước phát triển cao nhất, bằng phương pháp tổng công kích, tổng khởi nghĩa để giành thắng lợi quyết định”9. Đồng thời, Nghị quyết cũng xác định tổng công kích và tổng khởi nghĩa là một quá trình ta liên tục tiến công, truy kích, tiêu diệt và đánh đổ địch cả về quân sự và chính trị, đồng thời cũng là quá trình địch phản kích ác liệt để giành giật và chiếm lại những vị trí chiến lược quan trọng đã mất.
Thực tiễn, lực lượng và phương tiện được huy động của ta và địch cũng như quy mô và phạm vi diễn ra trong Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968 cho thấy rõ tính chất khó khăn, gian khổ và vô cùng ác liệt mà quân và dân ta phải đối mặt. Chỉ tính riêng lực lượng địch, cuối năm 1967, ở miền Nam Mỹ và chính quyền Việt Nam Cộng hòa nắm trong tay 1,2 triệu quân, trong đó có hơn nửa triệu quân Mỹ và một số nước đồng minh, được trang bị vũ khí, kỹ thuật hiện đại. Điều đó cho thấy, để đạt được mục tiêu tổng tiến công và nổi dậy đặt ra đòi hỏi phải khơi dậy, động viên được tinh thần chiến đấu dũng cảm, hy sinh của quân và dân cả nước, nhất là những người đang trực tiếp đối mặt với kẻ thù trên các chiến trường, mặt trận.
Trên cơ sở nhận thức rõ tính chất quyết liệt của Tổng tiến công và nổi dậy cũng như quan điểm của V.I.Lênin về vai trò của nhân tố chính trị, tinh thần: “Trong mọi cuộc chiến tranh, rốt cuộc thắng lợi đều tùy thuộc vào quần chúng đang đổ máu trên chiến trường”10, NQTƯ 14 khóa III (1-1968) của Đảng chỉ rõ: Phải làm cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân nhận thức đúng tình hình và nhiệm vụ trong thời kỳ mới… tuyệt đối tin tưởng ở sự lãnh đạo của Trung ương, kiên quyết vì lợi ích tối cao của Tổ quốc, vì tiền đồ vẻ vang của dân tộc và sự sống còn của nhân dân cả nước mà ra sức vượt mọi khó khăn, chịu đựng mọi gian khổ, sẵn sàng hy sinh tất cả để xông lên tiến công địch, liên tục chiến đấu tới cùng để giành thắng lợi. Đối với cán bộ, đảng viên: phát huy tính tiên phong cách mạng, gương mẫu đi đầu, lôi cuốn toàn quân, toàn dân dũng cảm xông lên những nơi gay go, gian khổ nhất, những mũi nhọn của cuộc đấu tranh cách mạng v.v.. Chính từ những chủ trương đúng đắn, kịp thời đó của Đảng đã khơi dậy, động viên toàn dân, toàn quân ta nỗ lực phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn gian khổ, hy sinh, nhằm tạo sức mạnh to lớn về chính trị, tinh thần để giành thắng lợi trong Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968 cũng như thắng lợi của sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước hào hùng của dân tộc. Thực tế cho thấy, trong điều kiện chiến đấu ác liệt, nhưng cán bộ, chiến sĩ ở các chiến trường vẫn dũng cảm, kiên cường bám trụ, kiên quyết giữ vững trận địa. Tại Cố đô Huế, chiến sự diễn ra ác liệt, có nhiều hy sinh, tổn thất nhưng cán bộ, chiến sĩ vẫn kiên cường bám trụ từng căn nhà, góc phố, liên tiếp đánh bại các cuộc phản kích của địch, làm chủ thành phố trong 25 ngày đêm. Các chiến sĩ bộ đội đặc công và biệt động đánh vào những mục tiêu hiểm yếu của địch ở các thành phố lớn, điển hình là mặt trận Sài Gòn-Gia Định, trong nhiều trận đánh, chấp nhận hy sinh đến người cuối cùng.
Đánh giá về nguyên nhân thắng lợi của cách mạng miền Nam trong đó có Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968, Nghị quyết Bộ Chính trị (8-1968) khẳng định: Đó là tinh thần đấu tranh cực kỳ anh dũng và nỗ lực phi thường của Đảng bộ và nhân dân miền Nam, của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân trong cả nước. Thắng lợi đó bắt nguồn từ đường lối đúng đắn, sáng tạo của Đảng và sức mạnh đoàn kết của toàn dân tộc, được sự ủng hộ và giúp đỡ của các nước XHCN và nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới. Chủ trương lịch sử có ý nghĩa chiến lược của Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương Đảng cuối năm 1967 đầu năm 1968, đã biến thành quyết tâm của quân và dân cả nước.
Thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968 để lại nhiều bài học lịch sử quý giá trong đó sự chủ động, sáng tạo, sắc bén trong lãnh đạo, chỉ đạo về công tác tư tưởng đã động viên tinh thần, ý chí, quyết tâm, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại tạo nên sức mạnh tổng hợp. Những kinh nghiệm của Đảng về lãnh đạo cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968 không chỉ có ý nghĩa trực tiếp với cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, mà còn có ý nghĩa đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
1, 2, 5. Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, T. 15, tr. 512, 301, 473
3, 4. Tổng cục Chính trị, Cục Tư tưởng - Văn hóa: Lịch sử Công tác Tư tưởng-Văn hóa Trong Quân đội nhân dân Việt Nam (1944-2004), Nxb QĐND, H, 2006, tr. 425, 434
6, 7. Xem Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2003, T. 28, tr. 124-125, 174
8. Hồ Khang: Tết Mậu Thân 1968-Bước ngoặt lớn của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Nxb QĐND, H, 2005, tr. 82.
9. Tổ chức sự lãnh đạo của Đảng trong Quân đội nhân dân Việt Nam, Nxb QĐND, H, 1994, T. 2, tr. 291
10. V.I.Lênin Toàn tập, Nxb Tiến bộ, Matxcơva, 1977, T. 41, tr. 147.
Bùi Lê Phong
Học viện Chính trị - Bộ Quốc phòng